Dịch giả: Lê Thy
Chương 2
NGÀY “CÁ THÁNG TƯ”

Bình và Huy là hai đứa em họ của anh em Tùng – Bá. Bình lên tám và Huy, em nó sáu tuổi.
Sáng hôm ấy, hai anh em đã thức dậy nhưng Huy vẫn còn uốn éo người bên cạnh bồn rửa mặt. Vú Năm là bà vú nuôi Bình Huy từ nhỏ và bây giờ vẫn ở lại để giúp cho mẹ hai đứa bé trong việc săn sóc chúng nó. Vú hối thúc:
- Nào, hai đứa nhanh lên nào! Chúng ta đã trễ giờ rồi.
Huy ngáp dài:
- Con  hãy còn buồn ngủ lắm Vú ơi. Thiệt là chán khi phải tắm rửa lúc nầy.
Bình cười to:
- Em thì lúc nào cũng nói câu đó!
Huy gân cổ cãi lại anh:
- Em lúc nào cũng nói như vậy vì ngày nào cũng như ngày nào, cũng thức dậy, tắm rửa, thay áo quần.  Anh nghĩ như vậy thú vị lắm sao?
Bình trả lời em:
- Chỉ có em mới có ý nghĩ đó. Anh thì anh không cằn nhằn như em dù phải làm đi làm lại những việc ấy mỗi ngày.
Huy nheo mắt nhìn Bình:
- Tại anh lớn rồi, anh có thể chịu được … chẳng có gì lạ cả!
- Không, không phải vì anh đã lớn mà vì anh là người biết phải trái, còn em thì không!
- Anh biết phân phải trái vì ba nói rằng anh đang ở tuổi chín chắn biết lý lẽ. Nếu không nhờ vậy thì anh cũng như em thôi.
Bình cười và vú Năm cũng cười rộ lên. Huy giận dỗi, cặp mắt đen nhánh của nó bắt đầu long lên, đôi má ửng đỏ. Nó nhìn vú Năm và Bình bằng ánh mắt của một con sư tử đang nổi giận. Vú Năm vội ngưng cười và ngăn cơn giận sắp bùng nổ của nó:
- Xem kìa, chúng ta đã làm mất thời giờ nhiều quá. Cô giáo sắp đến dạy học mà chưa đứa nào sẵn sàng cả. Nhanh lên Bình, nhanh lên Huy, thay áo quần nhanh lên!
Vừa lúc ấy có tiếng gõ cửa. Vú Năm hỏi vọng ra:
- Chuyện gì vậy? Cứ vào đi!
Một người giúp việc ló đầu vào nói:
- Tới giờ ăn sáng của hai bé … với lại có một lá thư cho Vú nè!
- Thư đâu, đưa cho tôi. Trong khi hai đứa nhỏ ăn sáng, tôi sẽ đọc thư.
Vú Năm giúp cho hai đứa mặc áo quần xong, Vú rót sửa chocolat vào hai chiếc tách, đặt trên bàn và đặt một chiếc ghế trước mỗi chiếc tách. Hai đứa bé đọc lời cầu nguyện xong, ngồi vào bàn.
Sau khi dọn dẹp phòng, Vú Năm mở lá thư ra đọc. Vừa đọc được vài hàng, Vú thảng thốt la lên và gieo mình xuống chiếc ghế. Hai đứa bé hối hả chạy đến cạnh Vú và lo lắng hỏi chuyện gì đã xảy ra cho Vú.  Vú Năm nức nở khóc, không trả lời được. Huy sà vào người Vú Năm bật khóc và ôm siết Vú trong đôi tay nhỏ bé của nó. Bình chạy tìm mẹ. Vừa thấy mặt nó tái xanh, hơi thở hổn hển, bà Trần – mẹ nó lo lắng hỏi:
- Bình, có chuyện gì vậy con?
Bình trả lời mẹ giọng đứt quảng:
- Mẹ… mẹ…mau đến coi Vú Năm. Hồi nãy có người mang một lá thư đến cho Vú, sau khi đọc Vú té phịch trên ghế, khóc nức nở và không nói lời nào với tụi con.
Bà Trần hốt hoảng:
- Chắc là lá thư báo một tin không lành đến cho Vú.
- Có thể nào là một trong các con của Vú chết không hở mẹ?
- Cũng có thể là chồng của Vú … Thôi chúng ta mau đến gặp Vú và tìm cách an ủi Vú đi con.
Bình sốt sắng nói với mẹ:
- Con sẽ đi lấy chai dầu hoa cam cho Vú uống vài giọt được không mẹ?
- Dầu hoa cam đâu có thể xoa dịu nỗi buồn hở con? Lúc này điều có thể an ủi Vú hữu hiệu nhất là sự quan tâm của gia đình chúng ta.
Bình gật đầu:
- Con cũng nghĩ như mẹ. Tuy nhiên lúc nãy em Huy đã ôm Vú, hôn Vú mà Vú vẫn buồn vô cùng.
Mẹ nó giải thích:
- Trong thời gian đầu khi sự bất hạnh vừa xảy đến thì không có gì giúp Vú nguôi ngoai nỗi buồn, nỗi khổ … nhưng về sau này, sự quan tâm của mình sẽ là một phương thuốc giúp Vú dứt được nỗi khổ.
Khi hai mẹ con đến nơi thì Vú Năm vẫn còn đang nức nở, ôm Huy trong lòng cũng đang nức nở như Vú.
Bà Trần hỏi Vú Năm:
- Vú vừa nhận được một hung tin của gia đình gởi đến phải không Vú?  Chồng Vú hay một trong những đứa con của Vú vậy?
Vú Năm nói trong sự nghẹn ngào:
- Không … thưa bà… Đó..đó là..tin của cha tôi..
- Ông cụ bị bệnh sao?
- Thưa bà..không…  là mẹ tôi..
Bình xúc động hỏi:
- Mẹ của Vú bị bệnh hả Vú?
- Không phải vậy bé Bình ơi! Mẹ Vú đã qua đời rồi! Qua đời sau hai tiếng đồng hồ hôn mê.
Hai đứa bé thảng thốt kêu lên và bật khóc. Mẹ chúng nó vội tìm cách an ủi bà vú và hai đứa con.
- Vú ơi, Vú nên cảm ơn Thượng Đế đã cho Vú một an ủi là được sống với bà cụ lần cuối suốt nửa tháng trước khi được tin dữ nầy. Bây giờ Bà đã được đến gần Chúa, đang cảm tạ Chúa đã cất Bà đi ra khỏi những đau khổ ở cõi trần nầy.
Bà Vú vẫn chưa nguôi nỗi buồn:
- Đúng thế, nhưng dầu sao tôi vẫn cảm thấy đau đớn vì từ đây vĩnh viễn không được nhìn thấy mẹ tôi nữa.
- Vú không nhìn thấy mẹ Vú trong cõi đời hiện tại nhưng chắc chắn sẽ gặp lại trong cõi khác sau nầy và sẽ vĩnh viễn không rời xa nhau.
Huy vừa khóc vừa nói:
- Phải chi lá thư nầy báo tin ông cha chồng của Vú chết thì Vú đâu bị khổ và khóc nhiều như vầy.
Vú Năm đang buồn mà cũng phải mỉm cười vì ý tưởng ngây thơ của Huy. Vú nhẹ hôn lên mặt nó. Nó nói:
- Vú đừng buồn nữa. Con sẽ cho Vú hết mấy đồng tiền của con...
- …..
- Hay là con lấy tiền đi mua thứ bánh mà Vú thích ăn nhất  … Con sẽ cho Vú …cho Vú …- nó nhìn quanh lo lắng – con chẳng có gì hết ngoài mấy món đồ chơi kia.
Bà Trần xen vào:
- Con cho Vú trái tim của con, Huy nhé! Trái tim của con là món vật dễ thương nhất mà con có thể tặng Vú lúc nầy.
- Trái tim của con? – vừa hỏi Huy vừa cởi nút áo-  Nhưng mà làm cách nào hở mẹ? Con cần có con dao mới làm được..
- Con ngoan của mẹ – Mẹ nó ôm nó trong tay bà, mỉm cười với nó – Mẹ không có ý muốn nói con tặng Vú trái tim đang đập trong lồng ngực của con mà là sự dịu dàng trong tim con.
Trong lúc ấy, Bình đang suy nghĩ phương cách xoa dịu nỗi buồn sâu đậm của bà Vú. Sau cùng nó đã tìm ra được một cách. Nó nói:
- Vú à, con có môt số tiền vừa đủ để xin  5 lễ cho mẹ của Vú. Chúng ta sẽ đến nhà thờ cầu nguyện cho bà được bình an bên cạnh Thiên Chúa.”
Bà Vú cảm động vuốt đầu nó:
- Cám ơn con, Bình ạ! Nếu bà chủ cho phép thì Vú xin nhận món quà đó của con vì Vú sẽ phải tiêu hết tiền dành dụm của Vú để lo tang lễ cho mẹ Vú, và…
Mẹ Bình ngắt lời Vú Năm:
- Vú đừng lo nghĩ gì về chi phí cho tang lễ, tôi sẽ lo hết cho Vú. Vú hãy giữ tiền lại cho mấy đứa con của Vú.
- Đội ơn bà chủ. Lòng tốt của bà chủ quả là một nguồn an ủi lớn cho tôi.
Bà Trần nán lại một lúc với Vú Năm. Khi thấy Vú tuy vẫn còn khóc nhưng đã dịu xuống nhiều thì bà trở về phòng bà. Bình đi theo mẹ. Còn Huy thì  không muốn bỏ bà Vú lại một mình. Nó tìm đủ mọi cách để an ủi bà. Nó lập đi lập lại:
- Nếu con là ông Trời, con  sẽ làm phép cho mẹ Vú sống hoài cho đến khi mọi người trong nhà nầy cùng chết một lượt, như vậy có phải là tốt hơn phải không Vú?
Vú Năm mỉm cười qua màn nước mắt. Lúc ấy bà Trần trở lại tìm Huy để bà Vú đi ra ngoài lo việc tang chay. Huy vào phòng mẹ nhìn bà đang sắp xếp lại các vật dụng đang nằm la liệt trên giường mà bà đã lôi ra từ các ngăn tủ. Bỗng bà kêu lên ngạc nhiên:
- Thật là kỳ quái, sao mẹ không tìm thấy nó kìa! Mẹ nhớ kỹ là vừa để nó trên chiếc ghế dài nầy cùng với mấy món vật khác của mẹ đây mà!
Huy hỏi lại mẹ:
- Mẹ tìm cái gì hở mẹ?
- Một cái áo dài và khăn choàng màu đen!
- Thưa mẹ, chính con đã lấy các món ấy đi!
Bà Trần ngạc nhiên:
- Con à? Con để chúng ở đâu? Con lấy đi để làm gì vậy?
- Thưa mẹ, con đã mang mấy thứ đó vào phòng Vú Năm. Tại con thấy mẹ không bao giờ mặc nó, con nghĩ rằng mẹ không cần nữa mà các thứ ấy sẽ làm bà Vú đáng thương của con rất hài lòng.
- Mẹ tìm những món ấy cũng là để tặng cho bà Vú đấy Huy ạ! Việc con muốn dùng món quà đó để an ủi bà Vú rất đáng khen, nhưng con không được quyền lấy những gì thuộc về mẹ mà không xin phép, con hiểu không?
- Dạ hiểu! Con sẽ đi lấy lại cho mẹ ngay tức thì. Con chỉ biết con rất vui khi đem tặng chúng nó cho bà Vú vì con nhận thấy Vú được an ủi rất nhiều khi được món quà gì.
- Thôi, con cứ để chúng nó nơi bà Vú vì con đã đem đến cho Vú rồi.  Mẹ và con đều có lòng nghĩ đến bà Vú như nhau.
Nghe những lời của mẹ, khuôn mặt của Huy ngời sáng lên. Lúc ấy Bình bước vào hỏi:
- Mẹ ơi, hôm nay chúng ta có đến nhà bà ngoại ăn cơm tối không?
- Có chứ! Các con sẽ ăn chung với các anh chị họ của các con.
Huy lắc đầu:
- Chắc là con sẽ không đi mẹ à!
Bình ngạc nhiên:
- Tại sao vậy Huy?
- Bởi vì ngày hôm nay không phải là ngày có thể vui đùa được. Em sẽ ở nhà với Vú Năm.
- Vú Năm cũng sẽ cùng đi với chúng ta đến nhà ngoại như mọi khi mà! – Bình nói.
Nhưng Huy vẫn lắc đầu:
- Những lần khác thì đúng như vậy, nhưng hôm nay thì không. Làm sao Vú có thể cười nói trong khi Vú buồn khổ như thế này.
Bình cố gắng thuyết phục em nó:
- Em nghĩ sai rồi Huy ạ! Anh nghĩ ngược lại, Vú sẽ không có thời giờ để nghĩ đến mẹ của Vú vì phải lo chăm sóc hai chúng ta.
- Anh chắc không? Vậy thì em sẽ đi, nhưng trước tiên em phải đi hỏi Vú thích đi với chúng ta đến nhà ngoại hay thích ở nhà với em.
Nãy giờ bà Trần im lặng để nghe hai đứa con nói, bấy giờ bà mới xen vào:
- Huy à, mẹ chắc chắn rằng Vú sẽ vui lòng cùng chúng ta đi để các con được vui vẻ vì không thất hẹn với các anh chị em họ của hai con. Mẹ rất hài lòng khi thấy con biết hy sinh mình, điều đó chứng tỏ con có một tấm lòng rất tốt.

*

Một lát sau, Vú Năm về đến nhà. Huy thay mặt mẹ trao cho Vú chiếc áo dài và khăn choàng. Nó hỏi Vú có muốn nó ở nhà ăn cơm tối với Vú không. Nó nói:
- Vú biết không, Vú đang có chuyện buồn thì Vú sẽ thấy khổ hơn khi thấy người khác cười đùa. Con rất muốn ngồi yên bên Vú không đùa giỡn, nhưng con sợ là con không làm được vì con sẽ không kềm được rồi con bật cười với các anh chị họ của con.
Bà Vú cảm động ôm lấy Huy nói:
- Bé Huy đáng yêu của Vú, con cứ chơi, cứ cười giỡn với họ. Vú sẽ được nguôi ngoai hơn khi nhìn con vui chơi.
Huy mừng rỡ cám ơn Vú Năm rối rít và chạy đi báo cho mẹ và anh nó biết tin này.
- Mẹ ơi – Huy vừa thở dốc vừa gọi mẹ khi vào đến phòng của bà Trần – con sẽ cùng với anh Bình đến nhà bà ngoại ăn tối. Vú Năm cũng muốn đến đó. Vú bảo Vú muốn thấy con chơi đùa vui vẻ.
- Mẹ đã đoán biết trước mà. Vậy là thời khóa biểu hôm nay của các con sẽ được sắp xếp như sau: sau giờ học Anh văn sáng nay, các con sẽ đi dạo vào lúc 2 giờ, 4 giờ trở về nhà làm bài vở; 6 giờ thì đi lại nhà bà ngoại và tối đến chúng ta sẽ đi thăm dì Lý.
Có tiếng chuông ngoài cửa, Bình nhìn ra và nói:
- Cô An đã đến dạy Anh văn cho tụi con rồi mẹ!
Huy hốt hoảng la lên:
- Chúa ơi! Con đã quên học bài thơ ngụ ngôn và ngữ vựng Anh văn rồi.
Bình mắng em:
- Em lúc nào cũng vậy. Luôn luôn chờ nước đến chân mới nhảy. Nếu hôm qua em học bài cùng lúc với anh thì em đã thuộc bài như anh rồi.
Huy phụng phịu:
- Làm sao em biết trước được rằng Vú Năm sẽ có chuyện buồn? Anh nghĩ em có thể đoán trước được hay sao?
- Em không cần phải đoán chuyện đó; nhưng em phải phòng ngừa trước chuyện khác.
- Thí dụ như chuyện gì?
- Anh không biết! Chỉ biết là nên học bài của mình tối ngày hôm trước. Bây giờ thì thế nào em cũng sẽ bị phạt.
Huy bật khóc:
- Sáng nay em không có thời giờ để học, đâu phải lỗi ở em.
Bà Trần không nói lời nào. Bà giả vờ như không nghe thấy gì, vẫn tiếp tục chải tóc.
Cô giáo An bước vào. Đó là một cô gái khá lớn tuổi, có vẻ rất nghiêm khắc. Cô cất tiếng chào bà Trần và hai đứa bé rồi ngồi vào chỗ của cô ở bàn dạy học. Bình nộp quyển vở học của nó và bắt đầu trả bài. Cô An cất tiếng khen Bình:
- Bình giỏi lắm – Rồi quay sang Huy cô hỏi – Còn Huy, tới lượt em đọc bài!
Bình mếu máo:
- Thưa cô, em không thuộc bài. Em không có thời giờ để học.
Cô An tròn mắt nhìn Huy nói:
-Thế nào? Em không học bài vì em không có thời giờ? Em khiến cô tức quá! Cô phải phạt nặng em mới được. Cô sẽ yêu cầu mẹ em bắt em ăn tối một mình trong phòng.
Huy nức nở chạy đến cạnh mẹ:
- Mẹ…mẹ..cô giáo không cho con đến nhà bà ngoại tối nay và bắt con ở nhà ăn một mình. Đâu phải lỗi của con … đâu phải lỗi của con!
Bà Trần vừa hôn Huy vừa nói với cô An:
- Lần này cô đã trừng phạt bé Huy không đúng cô An ạ! Nó quên học bài vì cả buổi sáng hôm nay nó chỉ bận tâm lo lắng tìm cách an ủi bà Vú trước hung tin bất ngờ xảy đến.
- Thưa Bà, tôi nghĩ rằng em Huy cũng có thể làm giống như em Bình, học thuộc bài và làm bài đầy đủ. Ý của tôi vẫn là phải phạt em Huy.
- Dĩ nhiên là học trò phải chịu phạt khi chúng không làm đầy đủ bổn phận, tôi hoàn toàn đồng ý với cô; nhưng lần nầy thì xin cô suy nghĩ lại.
- Vâng, tùy ý bà! Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng sự trừng phạt lúc nào cũng tốt cho trẻ con phạm lỗi.
- Tôi thì nghĩ rằng kết quả sẽ tốt nếu sự trừng phạt được áp dụng khi đứa bé đáng bị trừng phạt. Nếu không thì kết quả sẽ ngược lại, có hại nhiều hơn lợi.
Bình buột miệng nói:
- Mẹ nói đúng. Một sự trừng phạt bất công hay quá nặng sẽ khiến trẻ con càng thêm giận dữ và làm điều bậy để trả thù.
Cô giáo An cao giọng nói với Bình:
- Hả? Vậy thì theo “cậu”, phải làm gì với em “cậu” bây giờ?
- Thưa cô giáo, em sẽ không trừng phạt em Huy gì hết vì em ấy không có làm điều gì sai.
Cô An nói với một giọng nhạo báng:
- Tốt lắm cậu Bình ạ! Cậu xử sự như một đứa bé không có đầu óc vậy.
Bình định trả lời lại cô An, nhưng mẹ nó đã ra dấu bảo nó yên lặng rồi yêu cầu cô An bắt đầu buổi dạy học. Hai anh em ngoan ngoản ngồi học rất chăm chỉ. Lợi dụng những lúc được nghỉ ngơi, Huy chạy vào phòng bà Vú để xem Vú còn khóc hay không. Nó hoàn toàn yên tâm khi thấy Vú đã dịu xuống và đang làm việc nhà.
Buổi học chấm dứt. Cơm trưa đã dọn lên, hai đứa bé lặng lẽ ngồi vào bàn ăn. Xong bữa ăn, chúng nó đang định đứng lên thì cửa mở, Tùng và Bá bước vào. Hai đứa nó lướt nhìn hai đứa em họ, nhận thấy nét buồn trên gương mặt chúng nó và mắt của Huy đỏ mọng vì khóc, cất tiếng hỏi dồn:
- Chuyện gì vậy Huy? Tại sao em khóc? Tại sao hai đứa đều có vẻ buồn rầu như vậy?
Bình trả lời:
- Tại vì Vú Năm vừa bị mất mẹ!
- Hả? Mất mẹ? Tại sao Vú biết? Ai đã báo tin này cho Vú?
- Cha của Vú viết thư báo cho Vú biết sáng nay!
- Anh dám đánh cuộc rằng đây không phải là sự thật vì đó chỉ là một trò đùa ác độc của hai thằng Thiên và Thông.
Bà Trần ngạc nhiên:
- Cháu Tùng, điều cháu vừa nói không tốt chút nào. Không thể nào Thiên và Thông có thể bịa ra một chuyện ác như vậy.
- Thưa Dì, thật sự là như thế! Hai đứa nó muốn gạt bà Vú cho “vui”, chúng nó gọi đây là Con Cá Tháng Tư và rủ cháu và Bá cùng tham gia nhưng hai đứa chúng con nhất quyết từ chối.
- Nhưng mà dì thật không hiểu vì sao chúng nó lại muốn phá Vú Năm trong khi Vú chẳng đụng chạm gì đến chúng nó cả?
- Chúng nó bảo rằng chúng nó phải trả thù Vú về chuyện Vú cứ nhất định kéo Bình và Huy về trong bốn đứa nó đang chơi đùa vui vẻ.
Bà Trần kêu lên:
- Thật là khó tưởng tượng được! Mau đi tìm bà Vú, mẹ sẽ xem lại dấu bưu điện đóng trên bì thư coi lá thư từ đâu gởi đến, có đúng là từ Nha Trang thành phố cha của Vú đang cư ngụ hay không!
Huy chạy nhanh nhất đến phòng Vú Năm. Nó vừa thở dốc vừa nói:
- Vú ơi, Vú đưa lá thư cho con nhanh lên. Anh Tùng và Bá vừa bảo rằng tin báo trong thư là không có thật. Hai anh Thiên và Thông bày trò phá Vú thôi.
- Cái gì? Tin đó không thật à?
- Dạ, mẹ của Vú đâu có chết. Đây là trò chơi vô duyên hiểm ác của Thiên và Thông mà thôi.
- Hả, con nói gì? Cái gì mà trò chơi? Cái gì mà hiểm ác hả Huy?
- Rồi Vú sẽ biết ngay bây giờ. Mẹ của Vú không có chết. Con nói với Vú là do Thiên và Thông bày đặt chuyện thôi.
Bà Vú mặt mày xanh dờn, tay run rẩy lôi từ trong túi áo ra lá thư khủng khiếp kia đưa cho Huy. Lúc ấy bà Trần cũng vừa vào tới, Huy trao thư cho mẹ. Bà mẹ lướt mắt nhìn dấu bưu điện trên bì thư: con tem được đóng dấu nơi gửi từ Đà Lạt tức là thành phố bà vú đang cư ngụ với gia đình bà Trần. Bà mở nhanh lá thư ra đọc. Đầu thư ghi “Đà Lạt ngày 1 tháng 4 năm …”.
Bà thảng thốt kêu lên:
- Đúng là một lá thư giả mạo. Cha của Vú ở Nha Trang chứ đâu ở Đà Lạt với chúng ta. Thêm vào đó thư viết ngày hôm nay, ngày 1 tháng 4 thì làm cách nào thư đến tay bà Vú nhanh như vậy. Vú ơi, mẹ của Vú không qua đời mà cũng không bệnh hoạn chi cả.
Vú Năm không dám tin vào đôi tai của mình. Vú muốn đọc lại lá thư mà hai tay Vú run lập cập đến nổi Vú không đọc được chữ nào cả. Anh em Bình – Huy nhảy nhót cười vui, chúng ôm hôn bà Vú, hôn mẹ, hôn hai người anh họ đã mang tin vui đến cho chúng. Sau cơn xúc động vì vui mừng, Vú Năm đã bắt đầu bình tỉnh trở lại. Bỗng gương mặt bà Trần lộ vẻ cương quyết:
- Phải trừng trị hai đứa Thiên – Thông này mới được. Phải khiến chúng từ đây về sau bỏ cái tính xấu thích gạt người nầy.
Huy vỗ tay, vui mừng hỏi mẹ:
- Mẹ sẽ phạt tụi nó cách nào hở mẹ?
Bà mẹ mỉm cười:
- Con sẽ biết rõ tối nay. Tất cả các con đều được chứng kiến lúc chúng nó bị phạt.
- Thưa Dì, chừng nào thì Dì sẽ trị chúng nó? – Tùng hỏi.
- Tại buổi họp mặt toàn thể gia đình chúng ta ở nhà dì Lý của các cháu đấy cháu Tùng ạ!
Bá vẫn còn tò mò lập lại câu hỏi của Huy lúc ban nãy:
- Dì định trừng trị chúng nó cách nào?
Bà Trần xua tay:
- Cháu đừng vội. Tối này cháu sẽ biết! Trong khi chờ đợi, hai cháu hãy thuật lại cho Dì nghe chi tiết tại sao các cháu biết được âm mưu của hai đứa nó!
Tùng và Bá luân phiên nhau kể hết từng lời nói trong cuộc nói chuyện xảy ra ngày hôm qua, luôn cả chuyện ông già Phong bị gạt.
Chúng ta hãy cùng mấy anh em Tùng-Bá-Bình-Huy ráng chờ đến tối nay để xem hai đứa Thiên-Thông bị phạt ra sao!