Ngày còn đi học Trinh được bọn con gái gọi là hoa khôi, vì cái khuôn mặt duyên dáng, đôi mắt như hốt hồn người đối diện, hồn nhiên, lo toan chìu bạn, nhất là cái thói dễ thương... hay tổ chức mấy cái mini boum cho các bạn. Nhờ vậy mà có vài cặp thành đôi từ cái đám nhảy nhót đó, nhưng Trinh thì không, mặc dù có lắm người đeo đuổi, cô nhỏ vẫn độc thân vui chơi cho đến bây giờ.
Anh Hưng bạn thân của anh Tín được coi như người nhà, anh gọi Trinh là « Cô nhỏ » từ lúc nào không ai rõ, rồi cái biệt danh đó trở thành thân thuộc để anh chị « chì chiết » Trinh khi cô út làm nũng quá đáng với mẹ. Bạn bè chỉ gọi Trinh là « cô nhỏ » như muốn nhắc nhở một gã si tình nào đó, rằng hoa đã có chủ, cây si chớ có vội ngỏ lời quá sớm, cái từ nhõng nhẽo dễ thương như vậy trỏ thành rào cản của « lắm mối » nên giờ này Trinh còn « tối nằm không ».
Anh Hưng và anh Tín tòng quân theo tiếng gọi non sông, ngày ra trường Đồng Đế, cả nhà kéo ra Nha Trang dự lễ tốt nghiệp của các anh, sau đó mọi người chụp hình kỷ niệm, anh Hưng chụp với cô nhỏ một tấm riêng.
Một tuần sau từ Nha Trang vào, anh vào sân nhà tìm cô nhỏ, anh nói :
- Anh có quà cho em, nhưng em phải nhắm mắt lại
Trinh sốt ruột :
- Gì mà ghê vậy anh
Vừa nói cô nhỏ đã nhắm mắt, nàng nóng lòng muốn biết quà gì, Hưng xỏ chiếc vòng bằng vỏ ốc vào tay nàng, Trinh mở mắt thích thú :
- Cái vòng dễ thương quá, vừa y hà, anh đo cùm tay em lúc nào vậy ?
Hưng nheo mắt :
- Lúc cô đang ngủ
Trinh trợn mắt :
- Thật vậy sao ?
Hưng tội nghiệp cô nhỏ :
- Đùa thôi, ốc được xỏ vào vòng bằng thun, tay nào đeo vào mà không vừa
Trinh ngúyt anh :
- Anh hay nhỉ, xí gạt người ta
Cô nhỏ bỏ vào nhà thích thú kheo với mẹ, mẹ khỏ nhẹ đầu con :
- Lớn rồi chững chạc một chút coi, kiểu này ai dám cưới cô
Trinh nũng nịu :
- Con ở với mẹ suốt đời
Mẹ nghiêm mặt :
- Thôi đi cô, các chị sắp lấy chồng hết rồi, cô cũng đi giùm cho mẹ nhờ
Trinh bỏ đi cười một mình, mẹ nhìn theo ứa lệ, con bé mất cha sớm, được cưng chìu nên không chịu lớn, gần hai mươi rồi mà cứ ôm mẹ, hay con nhỏ thất tình ai, mẹ thầm lo vì có vài mối để ý nhưng lúc nào Trinh cũng lắc đầu.
 
Hồi anh Hưng nằm quân y viện Cộng Hòa, nhìn anh thiếp đi dưới ống nước biển trong veo, Trinh đã khóc, giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống mặt anh làm anh choàng tỉnh, từ từ nhướng mắt hỏi cô nhỏ :
- Sao em khóc, anh có sao đâu
Trinh chùi nước mắt :
- Em thương anh quá, chắc đau lắm phải không anh ?
Trinh khự lại khi vừa nói thương anh, cái ngôn từ mà cô luôn tránh né, sợ anh hiểu lầm, vì lúc nào cô cũng coi anh như anh Tín, một người anh để cô nhõng nhẽo...
Anh Hưng sung sướng :
- Anh không sao, em đừng khóc nữa
Nói thế nhưng thân xác anh đang đau đớn, chỉ có lòng anh là mát rượi vì giọt nước mắt của cô nhỏ, vì sự rung động của cô, rồi anh thiếp đi với cặp mắt đỏ hoe của cô, nhưng cũng từ đó Trinh lãng tránh anh, vì cô đã lỡ lời.
Sau khi bình phục, anh rủ cô nhỏ đi phố, chuyến này anh phải nói ngay cho cô biết, may mà vừa rồi anh đã thoát chết, đời lính chiến có ai dám chắc ngày mai còn gặp lại, Trinh mang máng bắt được cái ý đó của anh.
Khi ngồi đối mặt nhau trong quán kem, anh nắm bàn tay Trinh :
- Cô nhỏ của anh, cho anh « xin bàn tay », lời cầu hôn nặc mùi tây phú lang sa
Để yên bàn tay trong tay anh, giọng Trinh như nài nỉ :
- Em còn nhỏ mà anh, em coi anh như anh Tín vậy đó, anh hiểu cho em
Anh buồn bả không trả lời, buổi dạo phố kết thúc trong lặng lẻ, những lời đối đáp vui nhộn ngày trước không còn nữa, anh thả Trinh trước cổng nhà, ráng nói một câu vui :
- Chào cô nhỏ của anh, chúc ngủ ngon...
Trinh phụ họa đoạn cuối câu « thần chú » anh thường nói:
- Mơ thấy hoàng tử...
Lời chúc như một khẩu hiệu của riêng anh dành cho cô nhỏ, vậy mà bây giờ Trinh mới hiểu và thấy nôn nao, lời chối từ hồi chiều bổng ám ảnh cô nhỏ, Trinh cảm thấy hình như  mình vừa đánh mấy một báu vật.
Cũng từ buổi chiều hôm ấy Trinh thao thức với lời ngỏ của anh, cô chưa bao giờ nghĩ đến tình yêu, vì anh quá thân như người nhà, nhưng câu nói của anh đã làm xáo trộn cái trật tự mà cô ngỡ sẽ không bao giờ thay đổi.
Một chiều đi học về, mẹ báo tin anh Hưng vừa đính hôn, Trinh khựng lại hỏi cộc lốc :
- Thật à
Mẹ thản nhiên :
- Không thật là gì, nó gần ba mươi rồi, chỉ thằng Tín nhà này còn ham vui
Trinh lặng lẻ bỏ về phòng, chiều hôm đó cô nói với mẹ phải ôn bài thi nên sẽ ăn cơm sau, thật ra cô nhỏ thẩn thờ chưa biết phải làm gì, làm sao để liên lạc với anh Hưng, hỏi xem sự thể ra sao. Trinh mở hộc bàn tìm cái vòng ốc anh Hưng tặng ngày trước, cô mâm mê chiếc vòng trong tay, cô có cảm giác như vừa bắt được cái quá khứ lúc anh Hưng chưa đi hỏi vợ, xỏ vòng vào tay ngấm nghía mơ màng, hình như  anh Hưng vừa xỏ chiếc nhẫn đính hôn vào ngón áp út bàn tay phải của Trinh.
Những ngày tiếp theo thật buồn bã, vẻ liến thoắng yêu đời không còn nữa, Trinh bây giờ u sầu xa xôi, các bạn thí nhau, cô nhỏ đang yêu, cô nhỏ tương tư, cô nhỏ nhớ kép... Trinh không đính chính, mà nói cái gì khi anh Hưng chưa bao giờ là người yêu của cô, anh yêu đơn phương như anh nghĩ, nhưng hình như Trinh bắt đầu yêu...
Trinh chất vấn con tim đỏng đảnh, tại sao chối từ lời cầu hôn của anh, nghĩ lại cũng đáng tội cô nhỏ hách dịch vô cớ, Trinh giận mình đã quá hấp tấp khi anh Hưng ngỏ lời, giờ thì mọi sự đã an bài.
Vái tháng sau anh Hưng cưới vợ, anh Tín làm rể phụ, mẹ nôn nao than thở :
- Thằng Hưng thế mà hay, trông cù lần vậy mà cũng vợ con như ai, thằng Tín nhăn nhích bạn bè, giờ này vẫn vậy
Quay sang Trinh, mẹ thở dài :
- Thế cô thì sao ? Muốn mẹ phải lo lắng như thằng Tín phải không
Trinh trấn an mẹ :
- Học xong rồi sẽ tính, mẹ cho con khất lúc này nhe
 
Nói vậy chứ Trinh buồn lắm, tuy có nhiều chỗ quen biết của gia đình ngắm nghé nhưng cô nhỏ vẫn chưa để mắt đến ai, có người đã bỏ cuộc đi lấy vợ, trong đó có anh Hưng, cây si theo đuổi cô cạn dần, không sao, vì cô đã yêu ai trong nhóm đó đâu, chỉ có anh Hưng bây giờ là người làm tim cô đập loạn nhịp.
Nhân mùa thi, Trinh tránh gặp các bạn, chỉ đi ăn chè với mấy đứa thật thân, trong cái nhóm thân thiện đó có Miên, anh chàng là thầy giáo dạy toán, thầy dạy một đàng, yêu một nẻo, yêu không toan tính, yêu chỉ vì yêu. Cây si này mọc rể um tùm từ lâu và tình nguyện làm cội thông cho cô nhỏ trú mưa trú nắng, chờ trời quang mây tạnh cô nhỏ sẽ rời cội. Cái kiểu yêu đương zen như một thầy tu, phó thác cho số mệnh, ngày nào còn lẻo đẻo bên nàng, nhìn nàng yêu đời vô tư ngày đó là một ngày vui, yêu đơn phương, đời đơn giản thế thôi. Cô nhỏ đã quen với « chuyện tình không đoạn kết » của Miên ngay từ đầu nên hai người rất thoải mái đi chơi chung với các bạn, những buổi ngồi quán cà phê đến khuya, rồi Miên chở Trinh về nhà, quen đến độ ban đầu mẹ tưởng Trinh đã chọn Miên, cô nhỏ phải thanh minh với mẹ :
- Chả có gì đâu mẹ, tính Miên lãng mạn vậy đó, kệ hắn, con đã nói rồi, con chỉ là bạn thôi
Mẹ lắc đầu :
- Cái thằng học toán mà như vậy
Trinh không trả lời mẹ, nhưng thầm nghĩ, có thể anh chàng luôn đối diện với những con số quá rõ ràng nên muốn tạo một khoảng mờ mờ ảo ảo trong tâm hồn để đời bớt đơn điệu chăng.
Chuyện buồn của Trinh cũng đến tai Miên, chầu cà phê hôm đó thật lặng lẽ, mấy cô bạn rút lui trước, còn lại hai người, Miên khuấy mấy cục đá còn lại trong ly cà phê lạnh như muốn phá tan cái không khí ngột ngạc, rồi hỏi :
- Bi giờ Trinh yêu anh Hưng thật
Cô nhỏ lúng túng :
- Mới yêu thôi, lúc trước thì chưa, đến lúc anh sắp lấy vợ mình mới vỡ lẽ thì đã muộn
Miên từ tốn :
- Vậy Trinh tính sao
Cô nhỏ lắc đầu như muốn chối bỏ cái hiện tại trớ trêu, và tự diễu mình bằng hai câu ngẫu hứng :
Nếu biết rằng anh sẽ cưới nàng
Em về bên mẹ thế là xong
Miên bạo miệng :
- Thôi đi cô nhỏ, cô về xách giỏ theo tui đi
Hai đứa cùng cười, Trinh tiếp :
- Bây giờ Trinh mới thấy thương Miên ghê đi, thương như thương con thú nhồi bông của mình vậy đó, nó luôn ở bên Trinh chia xẻ ngọt bùi mà không đòi hỏi gì cả.
 
Đó là buổi chiều cuối họ gặp nhau, vài tháng sau là ngày 30 tháng tư, anh Hưng cùng gia đình xuống hạm đội mỹ đậu ngoài khơi, anh Tín theo hai ông anh rể và các chị di tản theo đơn vị tác chiến, chỉ có Trinh ở lại với mẹ.
Miên ra sao Trinh không biết, họ bật tin nhau từ đó, dù Trinh cố công tìm kiếm. Có tin đồn Miên chết trong cơn hoảng loạn khi leo lên tàu hải quân ở bến Bạch Đằng vào cuối tháng tư đen, có người nói gia đình Miên bị đấm tàu ngoài khơi những ngày sau đó. Cội thông của Trinh đã tróc gốc trước khi trời quang mây tạnh, chỉ còn con thú nhồi bông còn ở bên cạnh để Trinh thủ thỉ.
Hơn ba mươi năm sau Trinh vẫn vậy, vẫn độc thân, có khác là cô sinh viên đã thành nhà giáo, Anh Tín cưới vợ bên mỹ, anh ở gần gia đình hai chị và là người đưa tin về VN, anh cũng liên lạc với gia đình anh Hưng, mọi người đã an cư lạc nghiệp, cô nhỏ giờ này không còn nhỏ nữa, nhưng vẫn là cô nhỏ của một người.
Mới đây trên mạng, có người viết về cô nhỏ của ai đó, cái biệt danh do kẻ đến trước đặt, nhưng tác giả, kẻ đến sau vẫn giữ đến bây giờ. Trinh bàng hoàng, cái người mà mình không yêu, không nhớ, tưởng đã chết, lại xuất hiện với bao kỷ niệm êm đềm ngày xưa, ông thầy toán vẫn lãng mạn, vẫn còn nhớ đến cô nhỏ của ngày xưa thân ái.   
Trinh in bài viết ra giấy, đọc đi đọc lại đến thuộc lòng, rồi xếp bài đó dưới gối ngủ, mơ màng nghĩ đến Miên, giá ngày trước nàng chọn cội thông để một đời có nơi trú ẩn, đêm nay cần gì phải độn bài viết dưới gối như thế này.
Mai 09/ Đoàn Thị

Xem Tiếp: ----