Văn phòng chung sự nằm trên đỉnh ngọn đồi Old Grove. Ðứng từ bực thềm văn phòng nhìn ra xa lộ, chỉ thấy toàn mộ bia lụp xụp như vườn nấm rơm đang độ nở rộ. Con đường dẫn ra xa lộ, mịn láng như da con trăn khổng lồ nằm bất động. 
Trời bắt đầu vào Xuân. Thời tiết có phần dễ chịu, nhưng nhiệt độ chưa lên đến 30 độ F. Những hạt tuyết trở thành đá còn đọng lại trên các cành cây trụi lá, lóng lánh như pha lê đưới ánh nắng mặt trời.
Kính rửa tay xong, lau thật khô, đoạn thong thả thay quần áo trước khi bấm thẻ ra về. Ba người bạn Mỹ cùng làm việc phụ trội với Kính đã ra về lúc 12 giờ trưa. Hôm nay Kính làm trưởng toán, có nhiệm vụ cất xe, cất dụng cụ vào kho, và khóa cửa văn phòng nên Kính nấn ná lại dăm phút để chu toàn công việc mà ông cai đã giao phó.
Trưa nay nghĩa địa có phần vắng vẻ hơn mọi khi. Thường thì khách đến viếng mộ vào ngày cuối tuần. Có người đem vòng hoa mới thay cho vòng hoa cũ. Có người đến cắm những con chim, con ngựa, con chó… bằng ni-lông. Cũng có người đến chỉ để dạo chơi hoặc kiếm tìm người thân.
Kính đã quá quen thuộc quang cảnh nghĩa địa này nên không còn sợ sệt trước những ngôi mộ vừa lấp đất. Ba năm trôi qua với bao nhiêu xác chết vùi sâu dưới lòng đất do chính bàn tay Kính đào huyệt và lấp đất lại. Ngày đặt chân tới thành phố này, Kính đâu nghĩ rằng đời mình sẽ gắn liền với nghĩa địa.
Lần đầu tiên, Kính xin việc làm tại bệnh viện. Công việc hàng ngày của Kính là chuyển các bao ni-lông từ phòng mổ xác ra thùng chứa. Tuỳ theo màu của mỗi bao mà để theo từng khu vực. Có tất cả bốn loại màu: xanh, đỏ, đen, trắng. Kính không biết mỗi loại bao đựng những gì, nhưng có điều chắc chắn là đựng những bộ phận của cơ thể con người. Suốt tuần lễ đầu tiên làm việc, Kính không tài nào nuốt trôi được một chén cơm, rồi Kính đâm ra sợ thịt heo. Dù vậy, Kính cũng ráng chịu đựng đến 4 tuần lễ mới xin nghỉ việc.
Người bảo trợ thấy Kính gầy quá bèn tỏ ra thương hại nên khuyên Kính đi xin việc làm khác. Việc làm mới của Kính là chăm sóc người già. Ðây là lần thứ nhất trong đời, Kính đặt chân tới Viện Dưỡng Lão. Hồi còn ở trong nước, Kính đã có nhiều lần đi ngang qua Viện Dưỡng Lão Thị Nghè, nhưng Kính chưa bao giờ đặt chân vô bên trong nên anh không thể so sánh cái cảnh người già ở xứ người có khác nhau với xứ mình như thế nào. Ngày nhận việc, Kính được chỉ định phụ trách làm vệ sinh cho thân chủ. Những thân chủ này, theo Kính nghĩ, chỉ còn đợi ngày theo ông theo bà mà thôi. Mùi phân, mùi nước tiểu trộn lẫn nhau làm Kính lợm giọng. Ðã lỡ nhận việc, Kính phải cố gắng làm cho trọn một tuần. Một tuần lễ trong Viện Dưỡng Lão sao mà dài kinh khủng!
Lần này, Kính nhất định tự mình tìm việc làm, không cần nhờ cậy người bảo trợ nữa. Kính mua báo, theo dõi mục “Help Wanted”. Ðọc đến mục quảng cáo “Nghĩa Trang Cơ Ðốc Giáo cần một Digger, sức khỏe tốt, không có kinh nghiệm sẽ được huấn lhuyện, lương bắt đầu 5 đồng 10 xu một giờ”. Lương như thế là quá hậu, Kính nghĩ. Kính chỉ hiểu mang máng chữ “Digger” là người đào đất, nhưng không hiểu đào đất như thế nào và để làm gì. Kính định hỏi người bảo trợ, nhưng anh lại thôi vì không muốn làm phiền. Kính gọi điện thoại đến văn phòng tuyển mộ để xin cái hẹn cho cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn, Kính mới hiểu rõ chữ “Digger” là người đào huyệt. Hai ngày sau đó, Kính được gọi đến nhận việc làm…
Trước khi về nhà, Kính lái xe dạo một vòng nghĩa địa. Trời hôm nay thật đẹp. Ánh nắng màu vàng, trong suốt, rải đều trên bãi cỏ phía tây lưng đồi. Nơi đây là những ngôi mộ mới, trong vòng 6 tháng trở lại, có cái mới vừa lấp đất ngày hôm qua.
Kính dừng xe lại trước ngôi mộ đang có người thăm viếng. Tiếng rít của thắng xe làm người đàn bà giựt mình, quay lại. Kính quay kiếng xe xuống, nhoẻn miệng cười chào người đàn bà. Người đàn bà, đeo kính màu hạt dẻ, gật đầu chào lại. Người đàn bà có vóc dáng Á-đông, mái tóc đen mượt, dài chấm vai. Kính liếc nhìn tên họ người vắn số trên mộ chí: James Hall.
Kính gợi chuyện:
- Ông Hall là chồng của bà?
Người đàn bà nhã nhặn, đáp lời:
- Vâng. Jim mất cách đây sáu tháng.
- Tôi biết. Kính gật gật cái đầu.
- Ông là bạn của chồng tôi?
- Không. Tôi làm việc ở đây. Hình như bà vắng mặt hôm hạ huyệt ông Hall?
- Tôi nhận được điện tín quá trễ. Lúc tôi tới đây thì mọi việc đâu đã vào đó rồi.
- Hôm đó bà ở đâu?
- Memphis, Tennessee.
- Rất tiếc là chúng tôi phải làm theo thủ tục, không thể chờ đợi bà được!
- Không sao! Nếu tôi đến kịp thì cũng không chắc được nhìn mặt Jim.
- Ông Hall chết trong trường hợp đặc biệt nên phải liệm ngay.
- Ông lịm xác Jim?
- Không. Việc đó không thuộc phần hành của tôi. Tôi chỉ được nghe nói lại. Công việc của tôi là đào huyệt và lấp đất lại.
- Việc của ông chắc nhàn?
- Có khi ngồi chơi ăn tiền. Có khi làm bù đầu. Tùy theo thân chủ nhiều hay ít.
- Ông làm ở đây được bao lâu rồi?
- Vừa đúng ba năm. Mời bà lên ngồi trong xe cho ấm.
- Cám ơn ông. Tôi đứng đây được rồi.
- Tôi không muốn thấy bà bị cảm lạnh.
- Hôm nay là ngày đầu mùa Xuân. Tôi muốn tận hưởng ánh nắng ấm áp của ngày Xuân.
- Dù có ánh nắng của mặt trời, nhưng chưa đủ ấm đâu. Ðêm hôm kia tuyết hãy còn rơi. Nghe nói còn độ hai, ba trận tuyết nữa mới dứt hẳn.
Người đàn mà mỉm cười, khen:
- Ông chịu lạnh tài quá!
- Tôi làm sao bì với bà được. Tôi mới ở đây có hơn ba năm thôi. Ở xứ tôi không bao giờ có tuyết và cũng chẳng bao giờ lạnh như ở đây.
- Xứ ông ở đâu?
- Việt Nam. Bà có biết Việt Nam không?
- Biết chớ. Tôi là người Việt Nam mà.
Kính đổi sang tiếng Việt, giọng mừng rỡ:
- Thế à! Bà ở Sài Gòn hay ở tỉnh?
- Tôi sanh ra ở tỉnh, nhưng lớn lên ở Sài Gòn.
- Khu nào?
- Ðakao.
- Tôi cũng ở Ðakao, đường Phạm Ðăng Hưng.
- Như vậy là ở cùng đường. Sao tôi không biết ông?
Kính bóp trán suy nghĩ rồi nói:
- Có lẽ bà quên đó thôi. Phải tên bà là Liên không? Kính gỡ cặp kính đen xuống để cho người đàn bà dễ nhận diện.
Liên reo lên:
- Anh Kính đây sao? Thế mà Liên không nhận ra anh!
Kính bước xuống xe, đi vòng qua bên phải mở cửa xe mời Liên bước lên.
- Tôi cũng không nhận ra Liên vì không bao giờ ngờ Liên có mặt ở xứ này. Nhờ nhắc tới Ðakao nên tôi mới sực nhớ ra Liên đó thôi.
- Mười năm rồi chớ ngắn ngủi gì đâu anh! Anh có gia đình chưa?
Kính lắc đầu, giọng chùng xuống:
- Kể từ ngày ấy, vợ đối với tôi trở thành vô nghĩa!
- Anh nói chi mà nghe buồn quá vậy? Như anh đã biết, lỗi ấy đâu phải do Liên!
Kính rút một điếu thuốc gắn lên môi rồi châm lửa:
- Nếu Liên không bận việc gì, xin mời Liên đến nhà tôi cho biết. Sau đó chúng ta cùng đi ăn cơm và kể chuyện lưu lạc nơi xứ người.
- Có làm phiền anh không?
- Có gì đâu mà phiền. Tôi ở một mình trong chung cư, rất yên tịnh. Hôm nay là Thứ Bảy, hết việc là đi ăn tiệm.
- Anh cho Liên ghé qua khách sạn để lấy ít đồ dùng. Liên định đến đây một chút rồi trở lại đằng đó nên không đem bóp theo.
- Vậy thì Liên lái xe dẫn đường, tôi chạy theo.
 

*

Tôi đang thất vọng thì nàng hiện đến, rực rỡ như sao mai, êm mát như lụa mỏng. Vóc dáng Liên đã thay đổi khá nhiều, song có một điều chắc chắn không thay đổi, tôi đoán, đó là tình yêu của nàng đối với tôi. Ðiều này tôi dám khẳng định vì qua giọng nói ngậm ngùi của nàng: “Lỗi ấy đâu phải do Liên!”
Nhà tôi cách nhà Liên năm căn phố. Tôi gặp Liên tại trường tiểu học Ðinh Tiên Hoàng, lúc đó tôi làm trưởng ban văn nghệ, còn Liên ở trong toán vũ. Vào thời đó, tôi chưa biết yêu là gì.
Năm lên trung học, tôi qua Võ Trường Toản, còn Liên vào Trưng Vương. Dù học khác trường, song chúng tôi vẫn gặp nhau hàng ngày. Sáng nào, tôi cũng đạp xe đạp ngang qua nhà Liên để tới trường. Có khi tôi đợi Liên tại trước cửa chùa Ngọc Hoàn. Có lúc, tôi dừng xe trước cửa hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm để cùng ăn sáng với Liên…
Thời gian trôi qua, chúng tôi vẫn coi nhau như bạn. Cho đến một hôm (hình như là buổi chiều Thứ Sáu) trên đường về, tôi bắt gặp Liên ngồi trên xe Honda của một người lính thủy. Cuối tuần đó, tôi bỏ tất cả các buổi dợt bóng tròn và bơi lội. Tôi không thiết ăn, và chán luôn bài vở. Ðầu óc tôi bần thần, rũ rượi. Tim tôi đau nhức như có hàng ngàn mũi kim đâm vào. Hình bóng Liên chập chờn trước mắt tôi, cả trong giấc ngủ. Tôi đi thờ thẫn ngang nhà Liên, ghé mắt nhìn vào trong nhà nhưng chẳng thấy bóng Liên đâu. Tự dưng tôi sợ mất Liên, và tôi ghét cái anh chàng thủy thủ mặc quân phục trắng đó.
Tôi thức gần suốt đêm Thứ Bảy để viết thư cho Liên, kể cho Liên nghe tâm trạng của tôi lúc ấy. Tôi không giải thích được tại sao tôi buồn và nhớ Liên. Như thế là tình yêu đó sao? Yêu là gì nhỉ?
Sáng Thứ Hai, tôi rời nhà sớm hơn mọi ngày để đón Liên trên đường tới trường. Lòng tôi hồi hộp vô cùng. Tôi phải nói sao đây để Liên nhận thư tay của tôi? Tại sao tôi không dám nói thẳng với Liên rằng tôi yêu nàng?
Khi thấy bóng Liên xuất hiện ở ngã tư Hồng Thập Tự - Nguyễn Bỉnh Khiêm, tim tôi đập mạnh liên hồi. Tôi vân vê quyển tiểu thuyết “Hồn Bướm Mơ Tiên”, trong đó có lá thư gửi cho Liên. Tôi vẫn thường cho Liên mượn sách, chắc nàng không để ý vẻ mặt khác thường của tôi? Liệu tôi có nên nói cho Liên biết về lá thư hay không?
Tôi mời Liên ăn bánh cuốn chả lụa. Không có gì thay đổi ở Liên, và nàng cũng không hề đề cập tới anh chàng thủy thủ nọ. Tôi cũng không có gì để nói thêm với nàng, ngoài những chuyện về thầy cô, sinh hoạt học đường và thể thao. Trước khi chia tay, tôi hẹn gặp lại Liên tại cửa Thảo Cầm Viên lúc 3 giờ 15 chiều, vì chúng tôi được nghỉ 2 giờ sau.
Tôi chờ Liên đến 4 giờ chiều mới thấy nàng xuất hiện. Khi chúng tôi vào trong sở thú rồi, tôi mới hỏi Liên lý do đến trễ. Liên nheo mắt cười: “Tại lá thư của anh”. Tôi hỏi Liên nghĩ sao về lá thư thì nàng cho biết: “Thư của anh làm Liên tức cười. Có như thế mà anh cũng cuống lên. Người đó là ông anh họ, nhân chuyến về phép, ảnh ghé lại nhà Liên chơi”. Thật là hú hồn! Liên cho biết nàng không có người bạn trai nào, ngoài tôi.
Sau đó, thỉnh thoảng chúng tôi cúp cua đi xi-nê hoặc vào sở thú. Vì sau giờ tan học, cả Liên lẫn tôi đều không được tự do. Mẹ của Liên rất nghiêm, trông chừng nàng từng cử chỉ một. Còn tôi, ngoài những giờ học và thể thao ra, phải quán xuyến việc nhà, trông nom lũ em ba đứa, nấu cơm, quét  nhà, rửa chén… Gia đình tôi, không có ai ở không. Mẹ tôi bán hàng ngoài chợ Ðakao, từ lúc hừng đông tới tối mịt mới về. Còn ba tôi lái xe hàng, thường vắng nhà cả tháng. Tôi là con trai đầu lòng nên vừa làm anh vừa làm chị của ba đứa em nhỏ.
Gia đình Liên không giàu lắm, nhưng khá hơn gia đình tôi, tôi đoán thế. Tôi có cho Liên biết về hoàn cảnh của tôi, song Liên bảo tôi đừng nghĩ đến vấn đề giàu nghèo. Dù được Liên trấn an, tôi cũng lấy làm lo lắng. Biết đâu có một ngày nào đó nàng đổi ý; hoặc cha mẹ nàng ngăn cấm thì sao?
Ðầu mùa Xuân năm Kỷ Dậu, mẹ Liên bị bệnh tim rất nặng, phải vào bệnh viện Ðồn Ðất để chữa trị. Tiền mất mà người Mẹ thân yêu không còn. Cha Liên nghỉ việc ở Bộ Kinh Tế vì tới tuổi về hưu. Gia đình Liên bắt đầu suy sụp từ đó. Liên cũng chấm dứt sự học sau đó ít lâu. Thế là tôi không còn dịp gặp Liên thường xuyên như trước nữa. Chúng tôi liên lạc nhau bằng thư, mặc dù ở cách nhau chỉ có năm căn phố!
Một tuần lễ trước ngày thi Tú Tài II, tôi nhận được thư Liên báo tin nàng sắp lấy chồng. Cha nàng nhứt định gả nàng cho con trai của một thương gia Hoa kiều ở Chợ Lớn. Liên cho biết nàng không thể làm trái ý cha, mặc dù nàng không yêu người đó. Lá thư thật dài, Liên kể lể nỗi đau khổ của nàng và tình yêu nàng đã dành cho tôi. Liên ví nàng cũng như Kiều. Còn tôi là Từ Hải hay Kim Trọng đây? Tôi bỏ hết việc ôn bài thi và kết quả năm đó tôi trợt vỏ chuối!
 

*

Kính giúp Liên xách hành lý vào nhà. Kính phải mất gần nửa tiếng đồng hồ thuyết phục, Liên mới chịu trả phòng lại cho khách sạn. Liên viện lẽ: “Mới gặp lại nhau mà đến ở với anh như vậy, thiên hạ sẽ cười cho”. Kính nói: “Ở đây có ai biết Liên đâu mà cười. Người Mỹ không bao giờ tò mò, tọc mạch như người Việt mình đâu”. Liên cãi: “Nhưng anh sẽ khinh em”. “Ðừng có nghĩ bậy!” Kính mắng yêu Liên. “Anh chỉ mong có ngày được gặp lại Liên. Ngày ấy là hôm nay đây.”
 Kính cột dây giày, nói với Liên trong lúc nàng chải tóc:
- Liên thích ăn cơm Nhựt hay Tàu?
- Tùy anh. Em ăn gì cũng được.
- Sao lại tùy anh? Liên là khách mà.
- Vậy thì cơm Tàu đi anh.
- Mình đến Trung Hoa Huê Viên nhé! Rất tiếc mùa này còn lạnh nên không được ngồi ngoài vườn. Vào mùa Hè, họ đặt bàn ngoài vườn, dưới tàng cây, bên cạnh những chậu thược dược, thủy tiên, hồng, cúc… Khách vừa ăn vừa ngắm hoa; hương hoa xen lẫn mùi gia vị của thức ăn.
- Anh kể còn sót một mùi. Liên ngắt lời Kính.
- Liên nói mùi gì?
- Ðố anh biết!
- Chịu!
- Mùi đàn bà! Nói xong Liên cười ngặt nghẽo. Kính đỏ mặt:
- Liên nghĩ bậy rồi đó!
- Em nói thật đấy. Mười năm qua, làm gì không có người đàn bà nào nằm trong vòng tay của anh?
- Cái đó thì có. Nhưng họ không phải là Liên. Họ là người xa lạ, đến với anh rồi đi, không để lại một nuối tiếc nào.
- Còn em để lại gì cho anh?
- Một tình yêu, một vết thương và một quá khứ đầy đau khổ!
Liên dịu giọng:
- Em xin lỗi anh!
- Liên không có lỗi gì cả! Chỉ vì hoàn cảnh mà thôi.
- Thôi mình đi anh! Liên giục. Em đói bụng rồi đây!
Chiếc Z28 màu bạc rẽ vào cổng Trung Hoa Huê Viên rồi dừng lại ở parking lot. Kính đi vòng qua bên phải mở cửa, dìu Liên xuống xe. Ðây không phải là lần đầu tiên Kính ga-lăng người đẹp, nhưng lần này anh xúc động có thể rơi nước mắt được. Mười năm rồi Kính mới có dịp nắm lại bàn tay mềm mại của Liên. Bàn tay người đàn bà Mỹ cứng nhắc và nặng nề làm sao!
Kính đẩy cửa kiếng nhà hàng và nhường bước cho Liên. Hai người chọn cái bàn nằm ở góc bên phải nhà hàng, nơi bị che khuất bởi cái quầy hàng tính tiền cao nghệu.
Người nữ hầu bàn vừa trông thấy Kính liền bước đến chào. Kính là thực khách người Việt duy nhất và thường trực của Trung Hoa Huê Viên, nên tất cả các cô hầu bàn đều quen mặt và tiếp đãi rất nồng hậu.
Liên luồn cánh tay dưới gầm bàn véo Kính một cái đau điếng.
- Anh si cô nào ở đây?
Bị véo và hỏi bất ngờ, Kính nhăn mặt khổ sở, phải mất vài giây mới hoàn hồn:
- Liên lại nghi oan cho anh rồi đó! Anh thường đến đây ăn luôn nên các cô ấy quen mặt, chớ anh có si cô nào đâu!
- Không si ai mà anh thường đến đây?
Kính phân bua:
- Chỉ vì khung cảnh ở đây đẹp, thức ăn hợp khẩu vị và tiếp đãi nồng hậu. Còn các nơi khác, anh chỉ đến một lần rồi không bao giờ trở lại nữa vì họ nấu dở và các cô hầu bàn kém lịch sự.
- Chớ không phải vì mấy cô hầu bàn ở đây đẹp?
- Không hẳn như thế.
Mấy cô hầu bàn ở đây đẹp thật, Kính nghĩ, nhưng không dễ gì tán tỉnh họ được vì những cành hoa đều đã có chủ rồi. Kính có cảm tình với cô Lam Ching Sha từ buổi đầu tiên đặt chân tới đây, nhưng khi hỏi ra thì cô Sha đã có chồng rồi. Thế là từ đó, Kính đến đây chỉ để ngắm hoa và ngắm người đẹp chớ không dám mở miệng tán tỉnh cô nào.
Cô hầu bàn trở lại với hai ly rượu khai vị và hai tờ thực đơn. Kính mở tờ thực đơn rồi đẩy về phía Liên.
- Xin nhường Liên chọn thức ăn.
Liên đọc qua thực đơn, có nhiều danh từ mà nàng chưa bao giờ nghe nói đến, chẳng hạn như “Gà xào kiêm huê”, “Nạch tuyết dạ tràng sơn”… Liên lắc đầu nói với Kính:
- Người Tàu dùng danh từ lạ quá, em không hiểu được! Em đi ăn cơm Tàu cũng thường nhưng không bao giờ để ý đến tên thức ăn. Anh ăn ở đây thường, vậy anh chọn đi.
Kính hớp xong ngụm rượu, nói:
- Anh cũng không hơn gì Liên, chỉ biết vài món thôi. Nếu Liên thích thì anh gọi.
Kính viết tên thức ăn ra giấy rồi trao cho cô hầu bàn và dặn thêm ly rượu khai vị. Kính có tật uống nhiều rượu trước bữa ăn. Liên không biết uống rượu nên chỉ thấm môi.
- Lần đầu tiên em thấy anh uống rượu, Liên nói. Anh biết uống rượu từ bao giờ vậy?
Kính đặt ly rượu xuống bàn:
- Từ ngày em đi lấy chồng.
- Vì buồn em nên anh mượn rượu để giải sầu, phải không?
- Vì đau khổ thì đúng hơn. Anh mất ăn mất ngủ và tâm hồn điên đảo, chỉ có rượu mới làm cho anh bớt đau khổ.
- Em biết! Nếu tin cho anh hay thì thế nào anh cũng đau buồn, nhưng em không thể nào giấu anh tin ấy được! Dường như tin ấy đến với anh trước ngày anh đi thi Tú Tài II, phải không?
- Ðúng thế! Ðúng trước một tuần lễ! Lúc ấy anh không còn tâm trí để ôn bài và kết quả là Thủ Ðức gọi anh. Nhưng anh còn sống và gặp lại Liên hôm nay! Ðó là phần thưởng do mười năm anh cầu nguyện.
- Anh nghĩ sao về em?
- Liên vẫn là Liên của mười năm về trước.
- Anh không ân hận vì đã lỡ yêu em?
- Không.
- Nhưng em không còn xứng đáng với tình yêu của anh! Em đã trãi qua hai đời chồng, trong khi anh chưa có một đời vợ nào. Người ta sẽ cười anh: “Trai tơ vớ phải đàn bà. Khi cơn mê tỉnh, cửa nhà mất vui”.
Thức ăn khai vị bằng món “Gà rau câu”, mỗi người một diã. Kính lo ăn nên không để ý đến câu nói sau cùng của Liên.
Kính gọi một ly cam vắt cho Liên và một ly cô-nhắc sô-đa cho mình. Người nữ tiếp viên đem tiếp bốn món liền sau khi “Gà rau câu” chấm dứt. Bây giờ Liên mới thực sự hiểu nghĩa “Gà xào kiêm huê” là gì. Nàng thầm thán phục tài biến chế thức ăn của người Tàu. Với ngần ấy vật liệu, chỉ khác cách nấu và trình bày, mà món ăn trở thành một tên gọi khác. Còn “Vịt quay Tứ Xuyên” và “Cơm Chiên Dương Châu” thì Liên đã từng ăn rồi nên không có gì phải thắc mắc. Chỉ có món “Tôm chiên bươm bướm” là mới mẻ đối với nàng. Tôm xẻ theo hình cánh bướm, lăn bột rồi chiên. Có điều đặc biệt là nước sốt bằng bột năng trộn với tương ngọt, tương ớt và cà chua.
Kính uống rượu nhiều hơn ăn. Càng uống, Kính càng ít nói. Tửu lượng của Kính rất khá, mới giữa bữa ăn mà Kính đã uống cạn hai ly rượu khai vị và ba ly cô-nhắc. Thấy thế, Liên nhắc khéo:
- Anh uống bớt lại một chút để còn đủ tỉnh táo mà lái xe về chớ!
Kính phân bua:
- Uống rượu nhiều không có nghĩa là say. Anh uống để mừng ngày gặp lại Liên đây. Lẽ ra Liên phải uống cùng anh để mừng ngày hội ngộ của chúng ta. Bộ Liên không vui sao?
- Anh nghĩ sao mà nói em không vui? Chỉ vì em không uống được rượu nên để anh uống một mình. Nhìn anh uống làm em phát thèm.
Kính đổi sang đề tài khác:
- Liên có thích đi xi-nê đêm nay không?
- Phim gì, anh?
- Chuyện tình Oliver.
- Có hay không, anh?
- Anh chưa coi thì làm sao biết nó hay!
- Chắc là chuyện tình buồn?
- Phim này tiếp theo phim Love Story.
Liên lắc đầu:
- Thôi em không coi đâu! Anh buồn, em cũng buồn mà đi coi phim buồn thì cuộc đời càng buồn hơn. Em cần ngủ lấy lại sức để chiều mai về lại Memphis.
- Bao giờ thì em trở lại đây?
- Sớm lắm thì cũng phải ba, bốn tháng nữa. Em nghỉ vacation xong thì mới tính được.
- Sao phải đợi đến sau vacation?
- Em cần phải suy nghĩ lại.
- Về chuyện gì?
- Tình yêu của chúng mình.
Kính chán nản, hớp cạn một ngụm rượu:
- Sao?
- Anh có chắc còn yêu em không?
- Chắc chớ!
- Liệu anh có quên được dĩ vãng của em không?
- Ðược.
- Làm sao em tin được lời anh?
- Bằng chứng là anh chưa hề nhắc đến hay hỏi đến dĩ vãng của Liên từ lúc gặp lại Liên tới giờ.
- Em biết. Nhưng em muốn kể cho anh nghe một lần dứt khoát về dĩ vãng của em để sẽ không còn nhắc tới nữa. Dù sao thì em cũng đã mang tiếng có hai đời chồng, và cả hai là người ngoại quốc. Anh có muốn nghe không?
- Thì Liên cứ kể, anh nghe.
 

*

Từ ngày má tôi vào nhà thương Ðồn Ðất, tôi phải lo mọi việc trong nhà nên không còn thời giờ để học bài, ngoại trừ những giờ ở trường. Ðầu tôi lúc đó chỉ nghĩ đến má tôi. Tôi cầu mong cho bà chóng lành bịnh để về nhà với chúng tôi. Tôi có hai đứa em trai cùng mẹ khác cha. Chúng hãy còn nhỏ nên chưa được biết về chuyện chắp nối giữa má tôi và kế phụ của tôi. Chính tôi cũng không được biết nhiều hơn về chuyện tình giữa hai người.
Ba tôi, tức người kế phụ, chỉ là công chức hạng trung ở Bộ Kinh Tế, nhưng ông giao thiệp rộng rãi nên quen biết nhiều người có máu mặt trong chánh quyền. Ông thường hay đi dự dạ tiệc, ăn cơm khách, hội họp, đánh quần vợt, v.v… Ðặc biệt, những người thường hay lui tới nhà tôi thường là người Tàu. Mỗi lần khách đến nhà, chúng tôi bị đuổi lên lầu, không được lai vảng ở phòng khách. Có nhiều đêm, gần tới giờ giới nghiêm, ba tôi mới về tới nhà. Những lần như vậy, theo câu chuyện tôi nghe lóm được trong cuộc đàm thoại giữa ông và má tôi, là ông chạy “áp phe”, nhưng tôi không hiểu “áp phe” việc gì. Mỗi lần ông trúng “áp phe” thì cả nhà được ăn uống linh đình và chị em tôi còn được tiền để ăn quà vặt hoặc mua sắm sách vở.
Ngày má tôi mất là ngày thê thảm nhất đời tôi. Tôi khóc đến nỗi sưng húp hai mắt. Quan tài má tôi được đưa về chôn tại đất thánh tây Vĩnh Long, thể theo lời trăn trối của bà. Vĩnh Long là quê ngoại của tôi, nhưng tôi không còn họ hàng ở đó, chỉ có hai ngôi mộ của Ngoại nằm trong đất thánh. Và đó là lần đầu tiên tôi được biết Vĩnh Long. Kính có cho tôi biết anh cũng là dân Vĩnh Long, sanh tại Long Hồ.
Sau ngày má tôi mất được ba tháng, ba tôi dắt về nhà một người đàn bà mập mạp, nước da trắng hồng, môi mỏng, tóc uốn cao, nói cười luôn miệng… Ba tôi bắt chúng tôi gọi bà bằng dì Ba. Dì Ba ở lại nhà chúng tôi luôn và bà ngủ chung với ba tôi. Dì Ba có vẻ khắng khít với ba tôi lắm. Dì chìu đãi ba tôi hơn má tôi hồi trước nhiều.
Một buổi tối, cách hai tuần sau ngày ba tôi về hưu, dì Ba gọi tôi ra phòng khách, vì ba tôi có việc quan trọng cần bàn với tôi. Tôi nghĩ bụng có thể ông sẽ hỏi ý kiên tôi về việc ông tục huyền với dì Ba; hoặc là ông hỏi tôi về chuyện giữa tôi với Kính. Tôi nghĩ tôi là con gái lớn trong nhà nên mọi quyết định nào của ba tôi từ đây về sau cũng cần có ý kiến của tôi.
Tôi ngồi gần dì Ba, đối diện với ba tôi. Ðốt xong tẩu thuốc, ba tôi cất giọng thong thả:
- Liên à, ba đã suy nghĩ kỹ mấy hôm nay nên muốn cho con hay về quyết định của ba đối với tương lai của con.
Tôi chưa kịp hỏi ông về ý nghĩa của chữ “tương lai” là gì, thì ông nói tiếp:
- Con có biết ông Phùng Khánh thường hay lại nhà mình không?
Tôi lắc đầu. Ông nói:
- Ông Phùng Khánh là giám đốc công ty xuất nhập cảng hàng vải tơ lụa Khánh Phong ở đường Ðồng Khánh, Chợ Lớn. Vì chỗ thâm tình với nhau, ba đã nhận lời gả con cho con trai của ông Khánh. Cậu ấy tên là Phùng Khánh Phong. Cậu Phong đã từng du học tại Ðài Loan và sẽ nối nghiệp ông Khánh. Ba nhận thấy cuộc hôn nhân này thật là xứng đôi vừa lứa. Tài sản của cậu Phong đủ bảo đảm tương lai cho con sau này. Vì vậy, ba quyết định cho con nghỉ học kể từ tuần sau để con có đủ thì giờ chuẩn bị cho đám hỏi. Cậu Phong sẽ đưa con đi sua sắm nữ trang và quần áo cưới. Ngày hỏi và ngày cưới, ba và ông Khánh đã định xong cả rồi. Con nghĩ sao thì cho ba biết?
Tôi như người vừa từ cung trăng rớt xuống đất. Ðầu óc tôi choáng váng, tim tôi muốn nứt ra từng mảnh. Lệ tôi trào ra khóe mắt từ lúc nào mà tôi không hay. Giọng tôi uất nghẹn nơi cổ họng. “Con nghĩ sao thì cho ba biết”. Trời ơi! Tôi phải nghĩ sao đây? Tôi không thể làm vợ một người mà tôi chưa hề quen biết và yêu thương. Người tôi yêu chính là Kính. Người sẽ làm chồng tôi chỉ có Kính chớ không có ai khác hơn được. Tôi đã yêu Kính, và Kính cũng rất yêu tôi. Chúng tôi nuôi dưỡng tình yêu này đã hai năm rồi chớ ít ỏi gì đâu. Tôi không thể nào xa Kính được…
- Thế nào? Con đã bằng lòng rồi chớ? Giọng ba tôi nửa trìu mến, nửa đe dọa.
Tôi cố thu hết cam đảm, nói:
- Con còn nhỏ mà ba! Có gì thì cũng phải đợi thêm một thời gian nữa, sau khi con thi xong Tú Tài II. Hơn thế nữa, con chưa biết ông Phong đó là ai thì làm sao con lấy người ấy làm chồng cho được!
Giọng ba tôi rắn lại, lạnh lùng:
- Bây giờ con chưa biết, nhưng mai mốt thì con sẽ biết. Từ quen biết tới yêu thì có mấy hồi đâu.
Tôi lắc đầu:
- Chuyện ấy không dễ như ba nói đâu. Con không yêu thì con không yêu.
Thấy tôi cương quyết, ông xuống giọng, tuyết phục:
- Con nên nghĩ lại hoàn cảnh của cha con mình lúc này. Từ ngày má con ngã bịnh, ba đã trút hết tiền để chửa trị cho má con. Kế đến, ba phải về hưu! Bây giờ ba không đủ sức nuôi con tiếp tục đi học nữa. Nếu con lấy Phong, con còn có dịp tiếp tục đi học và tiến thân sau này.
Tôi dứt khoát:
- Nếu ba không đủ sức nuôi con thì con sẽ đi làm giúp ba và đi học lớp đêm.
Ba tôi lên giọng, gắt:
- Con không nên cãi lời ba. Ba đã quyết định rồi thì không ai có quyền thay đổi được quyết định của ba.
Nói xong, ba tôi đứng dậy đi vào nhà trong. Dì Ba còn ngồi nán lại, không phải để an ủi tôi mà là châm thêm dầu vào lửa:
- Liên à, dì thấy ba con nói phải đó. Con nên nghe lời ba con đi, rồi đời con sẽ sung sướng. Con còn nhỏ nên chưa hiểu được trường đời. Tiền sẽ tạo cho con có cuộc sống thoải mái hơn.
Tôi vùng dậy, vuột khỏi bàn tay mát lạnh của dì Ba, sẵn giọng, nói:
- Tôi không cần dì nói thêm một lời nào nữa. Tôi đã lớn rồi, không còn con nít nữa đâu mà dì thuyết phục tôi.
Trong phút phẫn nộ, không kềm chế được bực tức, tôi nói tiếp:
- Nhưng tôi sẽ thỏa mãn lòng ích kỷ của dì và ba tôi. Tôi chán sống ở trong căn nhà này lắm rồi!
Tôi chạy như bay lên lầu, khóa trái cánh cửa phòng lại rồi nằm vật lên giường. Ðây là lần thứ hai tôi khóc cho đời con gái, sau lần khóc thứ nhất trong ngày má tôi nhắm mắt lìa đời. Làm sao Kính hiểu được nỗi lòng của tôi lúc này?! Kính sẽ cho rằng tôi tham tiền mới lấy Phong; chớ anh nào biết tôi bị ba tôi làm áp lực! Tôi là đứa con riêng của má tôi, là một cái gai làm cản trở cho việc ba tôi tục huyền với dì Ba. Cũng có thể vì gia đình tôi sa sút nên ba tôi muốn vớt vát lại uy tín? Ba tôi vốn là người tiêu xài không chừng mực, lại giao thiệp rộng. Ðùng một cái, tay chân ông bị trói lại thì làm sao ông chịu đựng được? Do đó, tôi là cái phao để ông bám vào; và người quăng cái phao ra chính là Phong.
Tôi thức trắng mấy đêm liền để viết thư cho Kính. Viết xong, tôi lại xé bỏ, rồi lại viết cái khác. Tôi không thể nào diễn tả hết được những gì tôi định nói với Kính để chàng thông cảm hoàn cảnh của tôi. Có thể Kính sẽ cho rằng tôi bịa đặt câu chuyện để có cớ từ chối tình yêu của chàng đã dành cho tôi. Nhưng cuối cùng tôi cũng viết được một bức thư, mặc dù không diễn tả hết lý lẽ đúng như ý muốn.
Ðám cưới của tôi xảy ra đúng như ý muốn của ba tôi. Tôi không thiết tha đến tiệc cưới, phó mặc tất cả cho Phong lo liệu. Phong lo hết mọi việc, từ thiệp cưới, quần áo, nữ trang đến tiệc thiết đãi họ hàng và thân hữu. Mặc dù tôi không nói ra nhưng với vẻ mặt ủ rũ của tôi, chắc Phong cũng đoán được phần nào ý nghĩ của tôi. Tuy nhiên, Phong không hề đả động tới nỗi buồn của tôi, mà trái lại Phong còn an ủi tôi. Có lẽ Phong nghĩ lầm rằng tôi buồn vì má tôi vừa mất.
Sau tuần trăng mật ở Hồng Kông về, tôi được Phong giao cho nhiệm vụ quản lý tiệm vải ở đường Tổng Ðốc Phương; còn Phong giữ nhiệm vụ phụ tá Giám đốc hãng xuất nhập cảng Khánh Phong. Thế là ban ngày chúng tôi ít khi gặp nhau, trừ những ngày nghỉ của Phong. Chính tôi đã cầu mong như vậy để tôi có thì giờ nghĩ đến Kính.
Tôi ít khi trở lại Ðakao thăm gia đình, viện cớ bận buôn bán để tránh gặp mặt ba tôi và dì Ba, mặc dù tôi nhớ hai đúa em cùng mẹ khác cha. Tôi có khoản tiền riêng, mỗi tháng gởi về cho hai đứa em để chúng nó có tiền tiêu vặt và mua sắm sách vở. Tôi cũng đã mở được hai trương mục tiết kiệm  “Gà ấp trứng vàng”, một cho tôi để phòng khi có việc bất trắc xảy ra, và một cho hai đứa em. 
Dù sống trong cảnh giàu sang, song tôi không cảm thấy thoải mái chút nào. Tôi cố gắng tập làm quen phong tục tập quán của gia đình Phong, nhưng tôi không thể nào hội nhập với họ được.
Một lý do rất đơn giản thế mà đã đưa Phong và tôi đến cuộc cãi vã và ly dị: Phong muốn tôi có con sớm, còn tôi thì phản đối. Tôi viện lẽ bận việc buôn bán nên không thể nào chăm sóc chu đáo cho con được. Phong làm sao hiểu được ý định thầm kín của tôi. Con là một ràng buộc đời tôi với Phong, còn tôi thì không muốn thế. Tôi muốn bước ra khỏi gia đình của Phong bằng lý do chính đáng để ba tôi và những người liên hệ không kết tội tôi được. Và tôi đã thành công.
Từ ngày rời khỏi nhà Phong, tôi từ giã luôn Ðakao. Chắc Kính cũng đã đi nơi khác? Tôi viết cho Kính liên tiếp mấy lá thư nhưng tôi không nhận được hồi âm. Chắc là Kính đã giận tôi? Thế là tôi mất hẳn liên lạc với Kính!
Tôi nhận lời lấy Phong để làm vừa lòng ba tôi, chớ không phải vì tài sản của Phong. Và nay tôi thôi Phong để chứng tỏ cho ba tôi biết rằng đồng tiền không mua được tình yêu của tôi. Tôi dám xóa bỏ hết tất cả chỉ vì tôi yêu Kính. Tôi còn yêu Kính và sẵn sàng ngã vào vòng tay thân ái của chàng. Nhưng rồi tôi cũng mất Kính và mất luôn tình yêu đầu đời của người con gái!
Từ thất vọng đó, tôi không còn tha thiết đến tình yêu nữa. Bao nhiêu chàng trai theo đuổi, tôi đều từ chối. Tôi tìm việc làm để nguôi ngoai vết thương lòng và chờ ngày gặp lại Kính.
Trong vòng một năm, tôi đổi liên tiếp ba sở làm chỉ vì tôi không ngửi được những lời tống tình sàm sở của các Chủ sự phòng. Ðến lần thứ tư thì tôi không phải đổi sở nữa vì nơi đây trả lương cao, nhân viên đối đãi nhau lịch sự, và không khí làm việc rất dễ chịu. Và cũng tại nơi đây, tôi đã gặp Jim. Hai tháng sau, Jim ngỏ lời yêu tôi. Jim nói sắp đổi qua Thái Lan nên muốn cưới tôi trước ngày anh rời khỏi Việt Nam. Tôi cho Jim biết là tôi chỉ mến anh mà thôi, chớ tôi chưa có tình yêu với anh. Ngoài Kính, tôi không còn yêu ai nữa. Jim bảo tôi nên suy nghĩ lại; vì Kính đã biệt tin thì còn hy vọng gì gặp lại mà chờ!
Sau sáu tháng ở Thái Lan, Jim trở qua Sài-gòn cùng với lá thư của mẹ anh viết cho tôi. Bà tha thiết muốn có cháu nội để bồng vì Jim là đứa con trai duy nhất trong gia đình; và tôi là người mà bà mong đợi trở thành con dâu của bà…
 

*

Kính tắt máy xe, bàn tay phải đặt nhẹ lên vai Liên:
- Người có lỗi chính là anh chớ không phải Liên. Vì buồn và giận nên anh quyết định không thèm đọc thư của Liên nữa, mặc dù anh đã nhận đủ tất cả. Vì không đọc thêm các lá thư của Liên nên anh không hiểu được hoàn cảnh của Liên lúc đó và tình yêu của Liên đã dành cho anh. Nếu anh không vì tự ái và nông nổi, chắc chắc là sự việc đã đổi khác rồi, và Liên đã thuộc về anh ngay lúc đó, chớ không phải đợi đến hôm nay. Xin em tha lỗi cho anh!
Liên ngã đầu vào vai Kính. Mùi rượu từ người Kính tỏa ra, chẳng những không làm cho Liên khó chịu, trái lại còn làm cho nàng cảm thấy ấm áp hơn. Kính hôn lên vầng trán người yêu:
- Vào nhà chớ em! Em định ngủ ở trong xe hay sao?
- Em ngủ ở đâu cũng được miễn sao nơi đó có hơi ấm của anh!
(St. Louis, 05-03-79)
Vĩnh Liêm
(Trong tập truyện “Ngày Xuân Chưa Ðủ Ấm”, chưa xuất bản)

Xem Tiếp: ----