Chúng tôi đã biết và hiểu, nơi đây, cách gần 700 năm, đã có những người xưa, sống vì tình yêu như thế. Nơi đây, có một vị hoàng đế anh minh dứt lòng trần tu tâm dưỡng cửa Phật mang giáo lý đến muôn đời.
Vời vợi đất trời phiêu dạt tình ai
Giữa chốn huyền không tìm người trong mộng
(Trên Đỉnh Phù Vân - Phó Đức Phương)
1.
Ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, có đỉnh Yên Tử quanh năm mù sương. Trần Nhân Tông, vị vua anh hùng nhà Trần, sau hai lần lãnh đạo nhân dân đánh tan quân Nguyên xâm lược, từ bỏ ngai vàng thượng sơn Yên Tử, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm, truyền bá giáo lý nhà Phật đến mọi thần dân.
Tôi đã từng ra thăm "đỉnh núi mênh mang" Yên Tử, cảm nhận được không khí thanh nhàn, thiêng liêng của nơi phát tích Phật giáo Việt Nam. Chuyến đi thật thú vị, về lại nơi cửa Phật, thấy lòng thanh thản, khơi gợi bao ý nghĩa về cuộc sống theo nghĩa nhà Phật. Càng thú vị hơn, khi tôi biết được một bí mật bi thương, có lẽ ít ai biết được....
Tôi kể chuyện này cho anh cho chị, bởi anh chị sẽ có một ngày đến Yên Tử, đi trên những bậc thềm đá đầy rêu phong, thầm tưởng tượng ra bước chân người xưa.
Tôi kể chuyện này cho anh cho chị, bởi đến một lúc nào đó, anh chị rũ lòng vương bụi trần khi đã mòn bước chân thế sự, muốn tìm nơi yên bình của chốn tâm linh.
Tôi kể chuyện này cho em nghe, bởi đến lúc nào đó em cảm nhận được tình yêu vô bờ bến vĩnh cửu, em cảm nhận được những gì gọi là đường trần đôi ngả, biết xoay theo vần nào.
Tôi kể cho anh nghe, bởi một lúc nào đó, anh cảm nhận được tình yêu rất gần, mà rất xa, anh ray rứt với một tình yêu không với tới được nhưng vẫn giữ một lòng son sắt…
Dưới chân núi Yên Tử có suối Giải Oan, bờ suối rêu xanh phủ đầy, dòng nước trong veo. Gần đó có một chiếc am nhỏ, không đề tên tuổi, trong lạnh lẽo quạnh hiu. Có lẽ am chỉ ấm lên bởi một vài ngày lễ, ngày Tết, những vị sư sãi trong chùa cảm động mà thắp nên nén hương tưởng nhớ người xưa. Rời suối Giải Oan, bước chân lên những bậc đá dẫn lên đỉnh Yên Tử, nơi đó có chùa Đồng, tương truyền là nơi thiền 49 ngày của Phật Hoàng khi viên tịch.
Một ngày thăm quan Yên Tử, những câu chuyện thần kỳ người xưa, tấm lòng hiếu để với nhà Phật của vị vua anh hùng, khiến tôi ngậm ngùi, xuống núi mà lòng nghĩ vẩn vơ. Ngang suối Giải Oan, mua một bó nhang, thắp vào chiếc am. Không biết người xưa là ai, có lẽ một bó nhang cũng đủ để ngài ấm lên nơi chín suối vốn an bình nhưng quạnh quẽ…
2.
“Anh có biết, chiếc am đó thờ ai không?”
Tôi giật mình quay ra, tự bao giờ đã có một cụ già đứng sau mình. Cụ già, xem chừng hơn bảy mươi, dáng người nhỏ nhắn, nhưng toát lên vẻ rắn chắc, chòm râu dài, cượng nghị nhưng vẻ bí hiểm. Tôi nhận định ông chẳng phải người xứ này, có lẽ cũng là một du khách giống tôi. Dĩ nhiên là tôi không biết cụ già, cũng như chiếc am thờ ai, ngập ngừng…
“Chiếc am này thờ vị tướng quân Trần Trọng Thi. Ngài không nổi tiếng, chính sử cũng không còn lưu lại. Mà người ta cũng không buồn lưu, nên hầu như chẳng ai biết đến ngài cả…”
Tôi à lên thành tiếng rõ to. Như giải đáp được một phần thắc mắc của mình từ lúc bước chân lên suối Giải oan.
“Thưa cụ, vậy hẳn vị tướng quân này là thuộc hạ của vua Trần Nhân Tông? Theo cháu suy đoán thì vị tướng quân này tháp tùng ngài đến đây..., và vì lòng trung kiên nên khi Phật Hoàng tạ thế, ông cũng thủ tiết để chứng tỏ lòng mình?”
“Không hẳn thế… Nếu vậy, người xưa đã lập cho ông cái am trong chùa Hoa Yên kia kìa, chứ không phải là ở đây đâu. Và, tên tuổi ông trong chính sử cũng sẽ được nhắc đến một cách đường hoàng chứ không hiu quạnh thế này đâu…”
Ông vừa nói, vừa trỏ tay lên phía xa, thấp thoáng dấp dáng bóng chùa Hoa Yên.
Dĩ nhiên là tôi không hiểu. Những bí ẩn về vị tướng trong am Trần Trọng Thi, đã gây sự tò mò trong tôi.
"Thôi đi đi anh, em đã đói lắm rồi..."
Người bạn của tôi giục, đã leo núi hơn ngày rồi, đã đến lúc cần phải nghỉ ngơi...
"Gượm đã… Anh rất muốn biết câu chuyện về chiếc am, về suối Giải Oan, về tướng Trần Trọng Thi…".
Dĩ nhiên, nàng không hài lòng lắm, nhưng để chiều ý của tôi, nán lại đứng bên, chúng tôi cùng hướng về phía cụ già… chờ đợi...
3.
"Chuyện này rất dài, có rất nhiều tình tiết oan khiên. Thấy anh chị có vẻ quấn quýt nhau, chắc đều là những người ngoan. Tôi sẽ kể cho anh chị nghe. Biết đâu, tuổi trẻ ngày nay, rút ra một điều gì đó…".
Rồi thần sắc của ông chùng hẳn. Không còn vẻ cương nghị, mà đã toát lên một nỗi buồn đâu mơ hồ...
"Ngày Phật Hoàng bày tỏ ý định sẽ buông rèm nhiếp chính, rồi sau đó quy y cửa Phật, phát tích lòng độ thế trong dân chúng, có rất nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau. Mẫu hậu của vị Thái tử trẻ nhận thấy con mình đã đủ bản lĩnh, khí tiết điều hành vương quốc, thuận ngài hoàn thành tâm ý, dù lòng rất muốn ngài ở lại thêm vài năm nữa..."
"Vị Hoàng Đế có một cung phi rất sủng ái, là La phi, thân phụ của La phi nhờ thế con nên leo được lên chức Thượng thư của một bộ quyền cao chức trọng. Vị thượng thư rất muốn con mình cũng sinh được vị Hoàng tử sau này giành nối dõi với vị Thái tử kia. Ông ta không muốn Hoàng Đế thoái vị ngay, dùng ảnh hưởng hết lòng can ngăn. Những phi tần cung nữ, vì tình yêu với Hoàng Đế cũng cố sức ngăn ngài…”
Nói đến đây, cụ già đột nhiên ngưng lời, nhìn lên đỉnh núi cao mù sương kia, xa xăm…
Câu chuyện đã bắt đầu cuốn hút hai chúng tôi….
“La phi ngày còn trẻ, là một cô nương xinh đẹp, có tình yêu sâu đậm với Trần Trọng Thi. Nhưng La phi phải nghe lời cha, vào cung cấm hầu hạ Hoàng thượng, tình yêu của họ cũng bị ngăn cách. Để giấu mình, Trần Trọng Thi không dám tiếp xúc với chốn cung đình, không muốn gặp La Phi, tình yêu của ông với La Phi thì vẫn son sắt…”
“Sự đời lắm tréo ngoe. Lúc vào cung cấm, cảm được khí phách của vị vua anh hùng, La phi quên đi người tình cũ, một lòng hầu hạ ngài lòng không tơ tưởng đến người tình xưa…”
"Vậy chắc Trần Trọng Thi đau khổ lắm?"
"Điều đó đã rõ. Nhưng các con biết đấy ngày xưa mà, Vua thì ai dám ngăn, dám cản. Mà có lẽ Trần Trọng Thi cũng nhận thấy vị vua anh hùng, nên lòng vui mừng vì thấy người yêu mình có nơi trao thân gởi phận xứng đáng..."
"Cuối cùng ngày vị vua xuất hành lên núi Yên Tử đã tới. Đêm đó, La phi bí mật bàn với 20 cung tần phi nữ khác, thượng sơn cùng ông để ngăn cản ý định quy cửa Phật…".
Ông già lại ngừng kể... đảo mắt một vòng lên đỉnh Yên Tử đang mờ sương kia… Có lẽ thần tính đang chìm đắm trong diễn biến câu chuyện huyền bí của người xưa…
"Hai cháu cũng biết, ngày xưa đường lên Yên Tử xa xôi, cách trở, nhiều hiểm nguy, chứ không phải như bây giờ. Biết bao nhiêu khổ ải nguy hiểm trên đường, Nhà vua lại không muốn các vị tướng võ đi theo tháp tùng…"
“Vị thượng thư có tay chân khắp nơi biết ý định của các phi tần cung nữ, yên tâm nghĩ rằng ngày thường hoàng đế rất chiều chuộng họ, có thể ngài sẽ chiếu cố mà nghĩ lại. Hôm đó bí mật gặp Trần Trọng Thi, nhờ vị tướng này tháp tùng trong bí mật các vị phi tần cung nữ này…”
"Họ vẫn đi, vị vua cùng 2 tùy tùng đi trước, có 3 vị võ tướng tài giỏi bí mật theo sau. Năm dặm theo sau là 20 vị phi tần cung nữ đã cải trang thành dân thường.Trần Trọng Thi cùng 10 thuộc hạ bí mật bảo vệ…Hơn mười ngày ròng họ mới đến được Yên Tử”.
“Đến chân Yên Tử, Hoàng đế dừng lại. Nửa ngày sau, các cung tần tới nơi, ra mặt Hoàng đế. La Phi khẩn thiết: “Chúng thiếp từ khi nhập cung, chỉ một lòng hầu hạ hoàng thượng. Nay Thái tử còn trẻ, thần dân cần có Hoàng thượng. Chúng thiếp còn phải hầu hạ hoàng thượng…”.
“Ta đã một lòng dứt khoát bụi trần, tự thấy có duyên với của Phật, xưa nay cơ hồ như người nhà Phật. Muốn yên tĩnh nghiên cứu Phật pháp, truyền bá phật pháp đến với mọi nhà. Đó há không phải là việc tốt hay sao. Ta nghĩ Thái tử tuy còn trẻ, nhưng khí phách phi phàm, có đức độ tốt, có thể làm vua một nước. Ta có lỗi với các nàng. Nhưng ta không còn cách lựa chọn nào khác…”
"Nếu bệ hạ đã quyết, chúng thiếp xin quỳ dưới chân núi này một lòng mong bệ hạ hồi tâm chuyển ý …"
Vị hoàng đế thở dài. "Các nàng đừng làm thế. Ta lại càng khổ tâm hơn”. Rồi ngài khuyên họ trở lại kinh thành, tất cả cung tần phi nữ một mực không nghe, cùng khấu đầu, quỳ gối bên bờ suối.…”
“Vị hoàng đế ngậm ngùi, im lặng hồi lâu, quyết lòng quay gót đi, dẫn thuộc hạ mở đường lên đỉnh Yên Tử. Sau lưng ngài 20 đóa hương lệ tuôn thánh thót. Dòng suối chảy xiết, trắng xóa, vô tình cuốn từng giọt lệ mặn... Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày… Yên Tử vẫn mây mù, thăm thẳm cây rừng, các phi tần cung nữ vẫn nhẫn nại quỳ, lệ không ngừng tuôn. Họ nhìn lên phía chân núi, mong ngóng vị hoàng đế xót thương nghĩ tình mà quay lại. Ngày qua ngày, sáng rồi tối, tối rồi lại sáng, họ chờ đợi trong vô vọng…”
Biết nói sao với tình cảm sâu đậm của 20 vị phi tần cung nữ. Họ đã chọn cách đó mong vị hoàng đế hồi tâm chuyển ý, chúng tôi không nghĩ là họ cố chấp…
Trần Trọng Thi đến bên La Phi…"Nàng chịu chết ở đây hay sao? Hãy tuân theo thánh ý Hoàng thượng. Hãy về kinh thành, rũ bỏ nơi xa hoa, sống cuộc sống yên bình. Có ta luôn luôn ở bên nàng…”. La phi không nói gì, chỉ nức nở rơi lệ, lòng nàng đã quyết… Sang này thứ mười, 20 vị phi tần cung nữ cơm không ăn nước không uống, bơ phờ, vật vờ, mất hết khí lực. Nhưng họ vẫn kiên định mong hoàng đế trở lại…”
Tôi và nàng lặng người đi. Khí tiết, tình yêu của các vị phi tần vô bờ bến Tôi khẽ nhìn sang nàng, vô tình nàng quay sang nhìn tôi. Không nói gì. Có lẽ chúng tôi đều nghĩ đến… điều kỳ diệu của tình yêu…
"Nàng còn có mẹ già. Nếu nàng không lo cho bản thân, nàng cũng lo cho mẹ già. Nếu nàng chịu quay về kinh thành, thì 19 vị cô nương kia theo nàng. Người ta nói cứu mạng người hơn xây 10 tòa tháp, nàng nhẫn tâm thấy 19 vị cô nương dần héo dần mòn hay sao?..."
La phi vẫn im lặng, khuôn mặt vốn kiều diễm đã héo úa của nàng trông thanh thản lạ thường, mặc cho Trần Trọng Thi cố van nài...
"…Đột nhiên, nàng lấy hết sức cùng lực kiệt, chạy về phía chân núi, men theo những con đường mòn đầy cây, đầy đá. Băng băng xua cây rừng đi lên. Trên đó có gì, nàng không cần biết. Hùm beo, hổ... bao nguy hiểm phía trước nàng mặc kệ… Trần Trọng Thi cố đuổi theo nàng…"
"Sang ngày thứ 15. 19 vị cung tần phi nữ, tuyệt vọng trẫm mình xuống dòng suối mát mà chết. Trần Trọng Thi và La Phi vẫn bặt vô âm tín… Trần Trọng Thi và La Phi có gặp và thuyết phục được Hoàng đế hay không? Hay là họ cùng kiệt quệ sức tàn mà chết đi nơi vùng núi rừng âm u này?..."
4.
Cụ già quay sang nhìn chúng tôi. Cả ba chúng tôi đều lặng đi xúc động. Một không khi trầm buồn bao quanh...
"Dưới chân núi Yên Tử, có suối Giải Oan. Tương truyền rằng, mười chín cung tần mỹ nữ theo chân hoàng đế, mong được ngăn bước chân ngài quy cửa Phật. Lúc tuyệt vọng họ trẫm mình xuống suối tự vẫn minh chứng cho tấm lòng son sắt. Người đời sau đặt tên suối Giải Oan, gột rửa những oan khuất những người đàn bà trung tiết. Tên tuổi của những cung tần mỹ nữ, ngày nay không còn nhớ rõ, nhưng tấm lòng sáng ngời tình yêu của họ thì ai cũng biết. Đó là sự thật, mà ai ai cũng biết cả…”
“Thuộc hạ của Trần Trọng Thi đã làm chiếc am nhỏ bên bờ suối thờ ông. Họ tiếc thương cho La Phi, tiếc thương cho ông. Tiếc thương cho tình yêu của ông. Nhưng có lẽ không ai trách họ, cả hai đều chọn cho mình cách để sống và chết với tình yêu…"
Cụ già ngừng lời. Nhìn chúng tôi mỉm cười. Nụ cười đầy bao dung, khích lệ.
Chúng tôi đã biết và hiểu, nơi đây, cách gần 700 năm, đã có những người xưa, sống vì tình yêu như thế. Nơi đây, có một vị hoàng đế anh minh dứt lòng trần tu tâm dưỡng cửa Phật mang giáo lý đến muôn đời. Chúng tôi kịp cảm ơn cụ già, cụ đã bước nhanh ra sau con đường mòn dẫn lên núi. Chúng tôi toan quay bước đi, chợt nhớ ra điều gì, khẽ quay lại, thì không thấy bóng dáng ông đâu. Trời sắp tối rồi. Tôi nắm chặt tay nàng, cả hai khẽ nhìn lên... Chỉ thấy trên đỉnh Yên Tử xa xa, mây mù đâu kéo về từng dải.

Xem Tiếp: ----