Chiến Tranh Việt Nam - Một Góc Nhỏ

Vì cần gắp giấy tờ để nạp cho nhà trường nên tôi phải về Sadec và lên ngay chiều hôm nay. Tôi vội vã trở lên Sàigòn trên chuyến xe Sadec-Sàigòn và phải ngồi tụt ở băng cuối để có thể bắt kịp cho lớp ngày mai. Chiếc xe cứ cà tịch cà tang cũng như những chuyến xe đò khác, hết tắp nơi nầy lại đến nơi khác. Cho dầu tôi có muốn nhanh đi nữa thì cũng chẳng đặng.
Khi chuyến xe nầy đến Cai lậy, thì có một vị cảnh sát chận xe lại. Lần nầy ông cảnh sát không phải chặn xe lại để kiểm tra căn cước mà xin cho mẹ con người tị nạn vì chiến tranh “quá giang”. Tôi phóng mắt nhìn ra ngoài xa phía về đồng ruộng, xa xa khói bốc mịt mùng. Những đám khói đen từng cụm bốc lên, chiếm cả một khoảng đen của vùng trời xanh. Nó không phải là những đám khói củi than nấu cơm buổi chiều an lành trong làng quê mà là những đám khói phối hợp với những chiếc trực thăng nòng nọc, cùng với các chiến đấu cơ quây quần trên nên trời khói lửa, khói của bom đạn, khói của chiến tranh đang bùng nổ. Những phi đạn từ trên những chiếc trực thăng liên tục phóng ra cùng với những tiếng bom từ nòng đại bác bắn ào ạt mà tôi vẫn nghe được văng vẳng ngoài xa. Chiến tranh đang hồi kịch liệt. Cái giấc ngủ gật gà gật gưỡng của tôi lúc nãy thì giờ đã tỉnh hẳn.
Tôi quay lại và lặng lẽ nhìn thấy một mẹ già độ khoảng bốn mươi hay gần năm mươi, nhưng có lẽ bà đã già đi trước tuổi bởi lẽ đàn con bà vẫn còn nheo nhóc. Bà với đàn con nheo nhóc nhỏ dại nặng nề bước lên xe và ở cùng băng sau với tôi. Tôi nhường chổ ngồi không thích thú nầy cho bà ta vì không còn chổ nào khả dĩ để ngồi kể cả cái ghế “xúp”. Thôi thì đành đứng vậy!
Cả bốn mẹ con nhét vào một gốc ngồi nhỏ hẹp. Một đứa bé nhỏ nhất độ khoảng ba tuổi hãy còn trong vòng tay mẹ vô tư lự vẫn cười vui hí ha hí hởn với anh chị nó. Bà mẹ già thểu não, mất hết nghị lực và lòng tin, đôi mắt buồn rủ rượi lại đỏ hoe, không biết vì khói súng hay khóc hận cho cuộc đời vận rủi (?). Đôi mắt thất thần kia, cộng với sự lo âu và sợ sệt, và đầu tóc rối bời làm cho lòng tôi se thắt. Hồn phách của bà ta không còn nữa mà chỉ còn sự kinh hải với những trận bom dội xối xả, những tiếng súng điếc người, với những đám cháy tràn lan ruộng vườn, với những xác chết đầy máu tươi tưới xuống đồng lúa xanh mượt.
Hai đứa con - chị của đứa bé nhỏ nhất khoảng năm, sáu tuổi, đứng tựa cằm vào chiếc ghế xe ở băng trước, mắt thì ngơ ngác, đầu tóc bù xòa, dường như sợ hãi một cái gì, hay hãy còn bị sự ám ảnh của trận giặc. Nó nhìn dáo dác, không còn lanh lợi, hoạt bát như những đứa bé được sống yên ổn khác. Thằng con trai, có lẽ lớn nhất trong các em; nó độ khoảng chín, mười tuổi đầu, hai chân để cả lên ghế ngồi, nó ngồi chòm hỏm, tay bụm đầu, đôi mắt đỏ hoe, thất thần, quần áo đầy cả bùn sình. Gương mặt của nó thì nhăn nhó, biểu lộ bất mãn một sự gì; nó ngồi như mất hồn, hầu như nó không biết hiện giờ nó phải làm những gì, nó như bà mẹ nó, chỉ thừ ra như một khúc gổ. Có lẽ họ đã phải trãi qua một đêm dài kinh hoàng khi trận chiến bắt đầu nổ tung. Có lẽ họ phải dẫn dắt nhau suốt cả đêm dài mà chạy bán mạng cho đến con lộ xe nầy. Xác của họ tuy đã được trên xe hành khách nầy, nhưng hình như hồn của họ vẫn còn trong cơn ác mộng hãi hùng. Trông mà tội nghiệp!
Cái đoạn đường từ Sadec đến Sàigòn, nó nói dài thì cũng không dài, nói ngắn thì nó cũng không ngắn, phải hết bốn, năm tiếng đồng hồ mới đến nơi đến chốn. Trong khoảng thời gian dài như thế này, cái đầu của tôi sao cứ suy nghĩ vu vơ. Tôi cố gắng đi tìm cái chân lý của chiến tranh vô duyên nầy. Nó không phải chiến tranh chống lại ngoại xâm, mà là máu thịt tương tàn. Rồi tôi tự hỏi ai sẽ là kẻ chiếm lợi lộc trong cuộc chiến tranh vô lý nầy.
Tôi quay mắt lại mẹ con người tị nạn, tôi tìm không thấy người đàn ông nào trong gia đình họ. Tự nhiên tôi tự đặt câu hỏi cho chính mình, thế còn cha của những đứa trẻ kia hiện giờ ở đâu? Chả lẽ đã bỏ thân trong đám bom kia? Hay chỉ vì một viên đạn AK54 vô tình? Tôi không dám tiếp tục nghĩ thêm … mà để cho lòng nặng trĩu trôi đi.
Ai đã cướp đoạt sự an vui của mẹ già? Ai đã cướp đoạt tuổi ấu thơ, vui đùa, hồn nhiên vô tư lự của những đứa bé? Đâu còn là ruộng lúa đồng khoai? Đâu còn là những buổi cơm chiều an nhàn thơm mùi khói củi? Có phải chiến tranh đã cướp đoạt đi những gì rất đơn giản mà họ có? Hay những kẻ mang danh vì lý tưởng chủ nghĩa mà để cho những kẻ dân hèn phải chịu đầy thống khổ? Đã hơn hai mươi năm, hai mươi năm không một ngày đất nước thanh bình, an lạc.
“Chiến tranh đã hủy diệt tình thương. Chiến tranh đã cướp đi sự yên vui và hạnh phúc của con người.”
Chiếc xe đò chở đầy hành khách cứ cà tịch cà tang rồi cũng đến bến xe xa cảng miền Tây, Sàigòn. Tôi vỏn vẹn chỉ còn hai tờ “Trần Hưng Đạo” trong túi, mà cái nghề phát báo hằng đêm của tôi cũng không còn. Chỉ nhờ hai tờ 500 nầy để cho qua tháng khác. Tôi không nghĩ gì cả chỉ vội ví cho bà ta năm trăm đồng, mặc kệ, tới đâu hay tới đó. Số tiền quá ít ỏi so với lòng thương hại của mình với sự thất thoát của bà ta. Đôi mắt bà mẹ già rực sáng lên so với lúc nãy, tôi cũng biết rằng số tiền chẳng thấm tháp vào đâu so với sự bỏ chạy hoảng hốt, bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn với đống tro tàn của bà. Và mẹ con bà sẽ nương tựa vào đâu nơi chốn phồn hoa đô thị nầy. Nhưng dầu sao “có còn hơn không”. Bà lập cập cám ơn, chứ không còn biết nói gì hơn khi những sợi dây thần kinh của bà căng thẳng đến mức cùng cực. Còn tôi thì vội vả bước xuống xe quẳnh gánh suy tư. Tôi chỉ mong tôi có thể gầy dựng lại niềm tin, và tình thương đồng bào cho bà ta để bà còn tiếp tục sống với những chuổi ngày cùng với các con nhỏ dại. Hãy xoa dịu vết thương đau của bà với khả năng mình có thể.
Trương Văn Tú
Thứ Năm, ngày 23 tháng 5, 1974

Xem Tiếp: ----