Dịch giả : Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên
TRƯỚC KHI VÀO TRUYỆN

Vào tháng chạp năm 1941, đợt tấn công sấm sét của quân Đức đã bị bất thần chặn đứng cách Mạc Tư Khoa vài cây số. Sức đề kháng mãnh liệt của quân đội Nga được hỗ trợ bởi thời tiết của một mùa đông cực kỳ buốt giá, đã ngăn chặn hẳn đà tiến của các Sư đoàn Quốc Xã mà thoạt tiên cố bám chặt một cách điên cuồng những vị trí đã chiếm được nhưng rồi bắt buộc phải bỏ cuộc, tháo lui trong hỗn loạn. Khắp nơi, cuộc triệt thoái của Bộ binh Đức (Wehrmacht) đã diễn ra một cách hỗn độn – Đó là một cuộc trốn chạy, một tình trạng tan rã cuồng loạn, hỗn mang, hoàn toàn giống như cuộc bại tẩu của các mảnh vụn thuộc quân đội Pháp năm 1940. Lạc lõng trong đám đông hỗn loạn của các Trung đoàn bị tàn sát phần lớn đã mất tinh thần, một đơn vị SS do Trung uý Otto Skorzeny chỉ huy, tìm cách rút lui cùng với quân dụng về vị trí được chỉ định. Người sĩ quan trẻ tuổi đã chứng kiến với tất cả kinh hoàng, quang cảnh ác mộng của đoàn quân bại trận. Đó là lần đầu tiên mà Skorzeny cảm thấy tâm thần bị xâm chiếm bởi một mối nghi ngờ khủng khiếp và đau xót: Phải chăng Đức Quốc thực sự là một quốc gia vô địch? Nước Đức có đánh giá quá cao sức mạnh của mình? Skorzeny đã cố gắng xua đuổi cảm nghĩ này, nhưng vô ích, ông không còn tìm được niềm lạc quan mà cách đó mấy tuần, đối với ông rất là tự nhiên dễ hiểu.
Dầu sao, Bộ Chỉ huy tối cao Đức cũng đã sớm thành công trong việc tái lập được một phòng tuyến liên tục đủ sức chống trả đợt phản công của quân đội Nga Sô. Riêng với Skorzeny, vì bị những cơn đau ruột hành hạ dữ dội, nên đã được thuyên chuyển về Đức và được bổ nhiệm trong tư cách là một kỹ sư, về một công xưởng gần Bá – linh. Thời gian sáu tháng bình thản, vô vị mà Skorzeny đã sống để chăm sóc việc tân trang quân dụng, đã không đóng góp được gì để làm cho tinh thần ông khá hơn. Ngay đến cả các chiến thắng mà quân Đức đã mang lại vào mùa hè năm 1942 sau khi tiến quân sâu vào miền Caucase, cũng đã không đưa được ông ra khỏi cơn mơ ảm đạm vì ông đã không thể dự vào các chiến công này.
Nhưng đến tháng Giêng năm 1943, Hội nghị Casablanca đã bùng nổ như sấm động trong một bầu không khí nặng trĩu những đe doạ. Quyết định của Anh quốc nhằm theo đuổi cuộc chiến cho đến khi đối phương đầu hàng không điều kiện, đã làm thay đổi sâu xa trạng thái tinh thần của Skorzeny cũng như của toàn thể Đức quốc. Trong khi tại Pháp, một số người đã đón nhận quyết định này với sự hài lòng rất thuần khiết, một số người lại tỏ vẻ rất dửng dưng nghi ngờ - những người lo sợ một nền hoà bình què quặt – Tại Đức quyết định đó đã tạo ra một phản ứng mà các nhà lãnh đạo Đồng minh chắc chắn không lường trước được: sự kết hợp chặt chẽ tức thời ý chí chiến đấu, một thứ phẫn nộ trong tuyệt vọng. Hệ thống tuyên truyền của Goebbels đã khơi động tận cội rễ nơi mỗi công dân Đức, trạng thái thịnh nộ này. Đây là kỹ thuật được vận dụng lần đầu tiên trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ bởi một tướng lãnh Bắc quân khi ông giải thích: nếu một con quạ có tư tưởng kỳ cục là dạo quanh vùng chiến bại một vòng, nó phải mang theo thức ăn.
Đối với Skorzeny cũng như với mọi “công dân Đức tốt”, từ đó, chỉ có một lối thoát: hoặc là chiến thắng, hoặc sự huỷ diệt Đức quốc hoàn toàn không cứu chữa được. Từ lúc đó, dân Đức cho rằng tất cả mọi toan tính tiến tới một thoả hiệp với Đồng minh đều có ý nghĩa như là sự từ chối sống còn, là tự vẫn. Đối với họ, ngọn lao đã phóng đi: họ phải chiến thắng hoặc chết.
Trạng thái tinh thần đó đã giải thích được phần nào “hiện tượng” Skorzeny. Vả chăng, đây là lúc khởi đầu một nghề nghiệp thực sự của một nhân vật mà báo giới Hoa Kỳ từng mệnh danh là: “NGƯỜI NGUY HIỂM NHẤT ÂU CHÂU”.