Trước khi tôi được bổ nhiệm, cơ quan Tình Báo Chính Trị cũng đã bắt đầu tổ chức một khoá huấn luyện gián điệp tại Hoà Lan. Trường huấn luyện đặc biệt này được đặt tại một cơ sở tư, thuộc một nhà quí tộc Hoà Lan. Tại đó, người ta đã chú trọng đến việc đào tạo các chuyên viên vô tuyến và phá hoại. Một hôm, tạm để lại công việc tại Friedenthal, tôi đến viếng thăm cơ sở huấn luyện này. Ngay trong lần thanh sát đầu tiên này tôi nhận thấy người ta đã làm việc trên một tầm mức rộng lớn hơn là tổ chức của tôi tại Đức. Khoá huấn luyện do một Thiếu Tá Tình báo điều khiển. Một tình trạng làm tôi lúng túng, vị sĩ quan này không thuộc quân đội chính quy, lại đã mang cấp bậc lớn hơn tôi. May thay, ông ta tự đặt mình dưới quyền chỉ huy của tôi ngay. Gần như tất cả những gì tôi học hỏi được trong cuộc hành trình này về hoạt động của các cơ sở phản gián điệp đều mới mẻ đối với tôi. Mặt khác, đây cũng là lần đầu tiên tôi ý thức được cường độ hoạt động của phía Đồng Minh, đặc biệt là Anh quốc, trong lãnh vực này. Đêm này qua đêm khác, những phi cơ bay nhanh đã liệng vòng trên các vùng đất do quân đội chúng tôi chiếm đóng để thả dù những nhân viên có nhiệm vụ phản gián và phá hoại, hoặc để tiếp tế cho những nhân viên đang hoạt động dưới đất, các loại radio, chất nổ, vũ khí và dụng cụ. Các cơ sở của chúng tôi ước lượng rằng 50% điệp viên địch bị bắt cầm tù vài ngày, có khi là vài giờ sau khi đáp xuống đất. Hơn thế nữa, 75% vật liệu được thả dù thường thường rơi vào tay chúng tôi. Tôi yêu cầu và được cung cấp các loại dụng cụ bắt được này, như vậy, từ lúc đó, chính quân thù đã thân ái lãnh nhiệm vụ giải quyết những khó khăn của chúng tôi. Đây là phương pháp ít tốn kém mà sau này tôi thường nồng nhiệt khuyến khích các đơn vị trưởng cảm tử quân áp dụng. Tôi cũng được biết một số báo cáo liên quan đến cung từ của các điệp viên Anh bị bắt. Nghiên cứu các câu trả lời của họ, tôi ước lượng được sự chậm trễ lớn lao mà chúng tôi phải theo đuổi để bắt kịp kẻ thù. Tôi đặc biệt chú ý đến các phương pháp huấn luyện được đối phương bên kia bờ biển Manche áp dụng. Do lời yêu cầu của tôi, người ta đã tăng cường việc hỏi cung theo chiều hướng này và nhờ đó tôi có ngay một số tin tức rất chính xác. Như thế, hiện nay tôi biết rằng phần lớn các trường huấn luyện của cơ quan Tình báo Anh quốc đều được đặt tại một vùng nào đó ở Ecosse - một thứ khu vực cấm lai vãng, được canh giữ kỹ càng - tại đây, chúng được che đậy tài tình trong các ngôi nhà riêng rẽ biệt lập. Một số đông điệp viên bị bắt đã cung cấp cho chúng tôi bảng mô tả chi tiết và cách thức đến gần các địa điểm huấn luyện này. Mặt khác chúng tôi còn biết cả chương trình các khoá huấn luyện điệp viên Anh, nhờ đó chúng tôi biết phải hướng các nỗ lực huấn luyện của chúng tôi theo chiều hướng nào. Cũng tại Hoà Lan, lần đầu tiên tôi làm quen với một vài kiểu mẫu thuộc loại điệp viên hai mang. Một vài tù nhân của chúng tôi - những người coi hoạt động gián điệp như là một nghề kiếm cơm - bị thuyết phục “trở áo” dễ dàng và tiếp tục hành nghề gián điệp nhưng lần này là để chống lại chủ nhân cũ của họ. Điều này không ngờ vẫn thường xảy ra luôn, đã minh chứng cho tôi rằng chỉ nên giao phó những sứ mạng thật sự nguy hiểm cho những quân nhân tình nguyện. Thật rõ ràng rằng lòng nhiệt thành thuần khiết, niềm tin tưởng vững chắc vào sự hy sinh tính mạng cho một mục tiêu cao cả, cho sự an toàn của dân tộc, là những thừa số chủ yếu của sự thành công. Nếu thiếu hai động lực đó, nói lời thành công là điều rất đáng nghi ngờ. Người ta không thể đòi hỏi những kẻ đem mạng sống của mình đánh đổi một số tiền chứng tỏ lòng trung thành bền vững được, một vài trường hợp biệt lệ mà tôi biết cũng không thể nào đánh đổ được qui tắc đó. Trong chuyến hành trình này, tôi cũng lại được biết chi nhánh cơ quan Tình báo của chúng tôi tại Hoà Lan đã có những cuộc tiếp xúc tuyệt vời với “đồng nghiệp” Anh quốc qua làn sóng vô tuyến, đây thật sự là một “trò chơi vô tuyến”. Người của chúng tôi đã chiếm được cả tá máy móc do người Anh thả dù và nhất là các mật mã giúp mã hoá và đọc các loại mật điện. Nhờ các điệp viên Anh, những người đáng lẽ được nhận máy móc và mật mã đó, chúng tôi đã duy trì được một cuộc đối thoại đều đặn với Anh quốc. Các tin tức bắt được đã giúp chúng tôi khám phá cả một hệ thống kháng chiến gồm hàng trăm người Hoà Lan. Và bởi vì tổ chức này không biểu dương một hoạt động nào, chúng tôi cũng chưa cho bắt họ như dự trù, hy vọng tiếp tục lừa được đối phương để nắm được các kết quả trọng yếu hơn. Trong vô số các tin báo khác, cung từ của các điệp viên Anh bị bắt cho chúng tôi biết rằng, tại các trường huấn luyện của Anh, đối phương đã sử dụng một loại súng lục hãm thanh để thực tập tác xạ. Tại Đức, chúng tôi chưa hề sản xuất loại vũ khí tương tự, và cho đến này, chúng tôi chưa được may mắn tìm thấy một khẩu nào trong vô số kiện hàng được thả dù đã lọt vào tay chúng tôi. Một tư tưởng táo bạo hiện ra trong óc tôi: Tại sao chúng tôi không sử dụng trò chơi vô tuyến để yêu cầu Anh quốc gửi cho chúng tôi một khẩu? Chi nhánh của chúng tôi tại Hoà Lan liền tuyên bố sẵn sàng thực hiện vụ “đặt hàng” này. Mười lăm ngày sau, khi tôi trở lại La Haye, người ta đã trình tôi loại vũ khí này thật, một khẩu súng lục nòng 7,65 ly, bắn phát một, một sản phẩm phần nào còn thô sơ, có lẽ vì thế mà tỏ ra rất chắc chắn nhưng khó thay đổi bằng những cơ hành phức tạp hơn. Ngay khi nhận được mật điện do chúng tôi gửi, ký tên một gián điệp bị bắt có bí danh là “Treasure” (Kho tàng), người Anh đã gửi ngay khẩu súng - bằng đường hàng không, tất nhiên – và chúng tôi chiếm hữu thành công ngay gói hàng được thả dù. Lập tức tôi làm một cuộc thí nghiệm bằng cách bắn qua cửa sổ văn phòng nhắm vào đàn vịt bơi lội thơ thẩn trên kinh đào. Tôi có thể xác nhận rằng quả thật người ta chẳng nghe gì cả: ngoài đường phố, khách bộ hành cũng không hề quay đầu lại. Những chuyến hàng do người Anh thả dù xuống Bỉ, Pháp và Hoà Lan cũng chứa đựng loại tiểu liên tí hon hiệu Sten. Ngay khi nhìn thấy thứ vũ khí này tôi rất ngạc nhiên vì cách cấu tạo giản dị của nó, có thể cho phép sản xuất nhanh và rẻ. Chúng tôi cũng được biết người Anh đã chế tạo nòng hãm thanh cho loại tiểu liên này nhưng họ còn giữ bí mật. Cơ hội này lẽ tất nhiên cũng kích thích tôi muốn thử kiếm kiểu nòng bí mật này. Nhưng làm thế nào? Lần này hệ thống đặt hàng vô tuyến của chúng tôi không thành công nữa. Hoặc giả là người Anh đã cảm thấy một cái gì ám muội, hoặc giả họ quyết định còn giữ kín loại nòng hãm thanh nói trên. Tình cờ lúc đó tôi biết một Đại Uý người Hoà Lan sắp đi Anh quốc với một sứ mạng khác. Đương sự có ý định trước hết đến Thụy Điển rồi đến một hải cảng vùng Ecosse để nhận giấy tờ gửi cho các điệp viên Anh đang hoạt động tại Hoà Lan. Do lời yêu cầu của tôi, người ta còn phải tìm cách kiếm một nòng hãm thanh của loại tiểu liên Sten. Nhờ mánh khoé này, vào cuối tháng sáu năm 1943, tôi vui sướng nhận được nòng hãm thanh đầu tiên trong số đã lọt vào tay người Đức. Tôi bị hấp dẫn ngay vì khả năng hữu dụng của khí cụ này. Một toán tuần tiễu được trang bị loại tiểu liên có nòng hãm thanh có thể tránh khỏi bị tổn thất, thoát khỏi những hiểm nguy, bởi vì trong trường hợp đụng độ bất ngờ với một bộ phận địch quân, toán tuần tiễu sẽ không hành động ầm ĩ làm cho các đơn vị khác của đối phương chú ý để đến tăng cường lực lượng địch. Tôi tin rằng bất cứ binh sĩ nào hoạt động trong một toán tuần tiễu hoặc hoạt động đơn độc trong nhiệm vụ tiền sát cũng đều ưa thích được trang bị loại vũ khí như thế. Thế nhưng cơ quan nghiên cứu vũ khí tại Bá-linh đã không đồng ý với tôi. Khi trở về Friedenthal, một đêm, tôi trình nòng hãm thanh cho một vài sĩ quan cao cấp và chứng minh tính cách hấp dẫn của loại vũ khí này: Trong khi chúng tôi đi dạo trong công viên – lúc đó trời đã tối - một binh sĩ đã theo chúng tôi cách vài bước và bắn chỉ thiên hết nguyên một băng đạn, các vị sĩ quan này tỏ ra hết sức ngẩn ngơ khi tôi chỉ các vỏ đạn rơi vung vãi dưới đất. Nhưng họ lại phản đối, cho rằng sức xuyên phá không đủ và nòng hãm thanh làm giảm bớt mức độ chính xác. Tôi bèn đề nghị bắt chước kiểu tiểu liên Sten - một vũ khí đơn giản nhưng lại rất chắc chắn – và trang bị cho quân đội Đức. Thực tế cho thấy là người ta có thể ném khẩu Sten cho chìm xuống bùn, đạp lên trên và rồi có thể sử dụng ngay được, trong khi đó tiểu liên Đức không bao giờ có thể chịu đựng nổi một thử thách như thế. Hơn nữa, việc sản xuất tiểu liên Sten chỉ đòi hỏi một thời gian ngắn và cùng một số nguyên liệu cần thiết để sản xuất tiểu liên Đức. Một lần nữa, các đấng thư lại thân mến của chúng tôi lại tìm các lập luận bác bỏ đề nghị của tôi. Lần này họ động viên cả đến Adolf Hitler: một hôm, Fuhrer đã nói rằng chỉ trang bị cho chiến sĩ Đức những vũ khí tuyệt hảo mà chúng ta có. Thật vậy, độ chính xác của tiểu liên Sten có kém sút tiểu liên Đức đôi chút. Các ông này quên mất rằng tiểu liên luôn luôn là loại vũ khí dành cho các trận cận chiến và không một quân nhân nào lại nghĩ đến việc dùng tiểu liên để bắn vào một mục tiêu xa.