Trong khoảng thời gian này, cuộc đổ bộ của Đồng minh – tại Đức chúng tôi gọi là cuộc xâm lăng – đã bắt đầu. Vào rạng đông ngày 6 tháng 6 năm 1944, những đơn vị Anh Mỹ đầu tiên đặt chân được lên Normandie. Trong nhiều tuần lễ liền, tình hình không được rõ rệt, nhưng khi phòng tuyến Avranches bị chọc thủng, cán cân lực lượng nghiêng về phía Đồng minh. Ngày hôm đó, hầu hết dân Đức có lẽ nghĩ rằng chúng tôi sẽ bại trận. Về phần tôi, tôi chưa có cảm tưởng nào về kết quả chung cuộc, và nếu trước các thuộc viên tôi còn giữ tư thế chỉ huy trang trọng, tôi không tìm cách dấu niềm bi quan khi thảo luận với một vài người thân tín như Radl hay Đại úy Foelkersam. Liệu tôi có cần rút ra từ sự linh cảm này, nếu không nói là sự chắc thật, các kết luận thực hành không? Thường thường tôi tự đặt vấn đề như vậy và luôn luôn đi đến cùng một kết quả: theo ý tôi, không phải tôi, không phải binh sĩ, mà cũng chẳng phải các sĩ quan – kể cả các tướng lãnh – là những người quyết định tiếp tục hay chấm dứt sự thù nghịch. Quyết định này phải được dành cho các Đại lãnh tụ chính trị và quân sự có cái nhìn toàn diện và có khả năng ảnh hưởng vào chiều hướng các biến cố lịch sử. Nếu các người ấy ra lịnh cho chúng tôi tiếp tục chiến đấu, chúng tôi chỉ còn biết phải tuân hành. Tôi lại còn biết rằng Tổng Hành Dinh của Fuhrer vẫn còn hy vọng, một mặt vào diễn biến thuận lợi của tình hình chính trị, và mặt khác vào sự hoàn thiện mau chóng các loại vũ khí bí mật – theo các tin tức mà tôi có được, các hy vọng đó không phải là không có căn cứ. Tuy nhiên từ tháng 7 năm 1944, tình hình trở nên khẩn trương. Trong tuần lễ đầu tiên của tháng 6, một đợt tấn công kinh hồn của quân Nga đã làm cho gần như toàn diện phòng tuyến phía Đông bị tan rã. Có thể coi Lộ quân trung ương như không còn nữa. Hơn ba mươi Sư đoàn Đức bị bắt cầm tù. Tại hậu tuyến không ai hiểu làm sao mà một cuộc đầu hàng vĩ đại như thế lại có thể xảy ra được. Phải quy trách nhiệm vào Bộ Tư Lệnh tối cao hay là vào sự mệt mỏi chán nản của các đơn vị ở đây? Ở phía Tây, quân Đồng minh nhờ ưu thế vật chất tuyệt đối tiến như gió hướng về biên giới Đức. Chúng tôi chỉ còn cách nghiến chặt đôi hàm răng và chiến đấu đến cùng. Thành thật mà nói, chúng tôi chưa nghĩ rằng đó là điểm khởi đầu của sự bại trận chung cuộc. Ngày 20 tháng 7 năm 1944, tôi sửa soạn đi Vienne để xem xét lại một vài chi tiết của kế hoạch bắt Tito. Và tin tức về một cuộc đảo chánh lật đổ Hitler bùng nổ như sấm động, may thay âm mưu đã thất bại. Tôi và các sĩ quan hết sức kinh hoàng.[1] Một chuyện như thế có thể xảy ra được sao? Phải chăng địch quân đã len lỏi vào được trong lòng Tổng Hành Dinh của Fuhrer rồi? Không bao giờ chúng tôi lại có ý nghĩ là chính một người Đức đã đặt quả bom đó. Dầu sao, vì Hitler vẫn còn sống nên tôi không thấy có lý do gì để trì hoãn cuộc hành trình. Lúc 18 giờ, Radl và tôi đến nhà ga Anhalt. Chúng tôi lên toa xe dành riêng và chuẩn bị đi ngủ. Nhưng đến ga Lichterfelde, trạm dừng cuối cùng nằm bên trong khu vực Bá-linh, tôi nghe có ai gọi tên tôi: Thiếu tá Skorzeny! Thiếu tá Skorzeny! Trên sân ga, một sĩ quan chạy dọc theo con tàu và kêu réo luôn miệng. Tôi mở cửa sổ và ra hiệu, anh ta nhào tới, thở hổn hển. - Thưa thiếu tá, ông phải trở lại lập tức. Lệnh thượng cấp… Cuộc mưu sát Fuhrer là khởi đầu cho một cuộc chính biến. Tỏ vẻ không tin, tôi nhún vai: - Coi, chuyện đó làm sao có được. Một số quí ông ấy điên mất rồi. Thật là điên rồ, nhưng mặc kệ… để tôi trở lại với anh. Radl cứ tiếp tục đến Vienne và bắt đầu các cuộc thương thảo. Ngày mai tôi cố đi theo. Trong khi xe hơi đưa chúng tôi về trụ sở trung ương của Waffen SS, viên sĩ quan thông báo cho tôi những tin tức hết sức lờ mờ mà anh ta lượm lặt được. Quả nhiên là có âm mưu phiến loạn do một nhóm sĩ quan cao cấp và tướng lãnh chủ xướng. Hình như một vài đơn vị thiết giáp đang tiến về Bá-linh; không ai biết rõ ý định của các cấp chỉ huy đơn vị. Tôi thì luôn luôn không tin vào những chuyện mà tôi cho là những tin đồn đại vô căn cứ. Các vị chỉ huy quân sự của chúng tôi lúc này còn có nhiều việc phải làm hơn là đi thông mưu đảo chánh. Schellenberg, nay đã trở thành chỉ huy trưởng Lữ đoàn SS, tiếp tôi và thông báo cho tôi biết vài chi tiết. Theo ông, trung tâm lãnh đạo cuộc đảo chánh hình như đặt tại Bendlerstrasse nghĩa là trụ sở văn phòng Tư lệnh Quân đội Nội địa.[2] Schellenberg mặt mày tái mét và có vẻ lo sợ thấy rõ. Trên bàn giấy tôi thấy một khẩu súng lục đặt trong tầm tay ông ta. - Tình hình rất rối rắm và cực kỳ nguy hiểm, - ông giải thích. - Dầu sao, nếu họ đến được đây, tôi sẽ tự vệ. Tôi đã phân phối vũ khí cho thuộc viên rồi. Anh có thể gọi thật nhanh một đại đội của anh đến bảo vệ cơ sở được không? Trong cơn kích động, tôi quên mất cả việc gọi cho đơn vị. May thay, liên lạc điện thoại vẫn còn hoàn toàn tốt. Tôi nói chuyện với Friedenthal được ngay và cho gọi Đại úy Foelkersam. - Đặt tiểu đoàn trong tình trạng báo động ngay lập tức. Đại úy Fuc.ker nắm quyền chỉ huy và chờ các mệnh lệnh do chính tôi ban hành. Đưa ngay một Đại đội đến trụ sở SS trung ương, tôi đang ở đó. Chính anh và Chuẩn úy Ostafel tạm thời là tùy viên của tôi, lên xe ngay và chạy hết tốc lực đến đây trước. Tôi gác máy và lại quay về phía Schellenberg: - Theo ý tôi, ông nên giải giới các viên chức ở đây: Tôi cảm thấy sợ khi thấy các đấng thư lại của ông khoa chân múa tay với súng lục vừa được phát. Lúc mới đến tôi đã khó chịu với một chú thư ký rồi. Tôi đã cho nhốt hắn trong hầm, như vậy hắn hết đường gây rắc rối với món đồ chơi nguy hiểm. Dầu sao, nếu vạn nhất “họ” đến đây trước Đại đội của tôi, tốt hơn hết là ông nên thoát thân, bởi vì ông đâu có thể bắt họ tuân phục được bằng khẩu súng lục này? Tôi để ông ta ở lại với các tư tưởng hắc ám, và bước ra đường. Tôi nóng nảy chờ Von Foelkersam và Ostafel, nữa giờ sau, họ xuất hiện giữa đám bụi mù mịt. Chắc họ phải chạy như bị ma đuổi. Vì vẫn chưa nhận được lệnh lạc gì cả, tôi quyết định đi một vòng xem chuyện gì đã xảy ra ở Bá-linh. Foelkersam ở lại trụ sở trung ương SS, tôi hứa thỉnh thoảng sẽ liên lạc bằng điện thoại để cho anh ta biết tin tức. Khốn khổ thay cho chúng tôi, vì vẫn chưa được trang bị loại máy liên lạc vô tuyến cầm tay gọi là “walkie-talkie” mà quân đội Mỹ đang sử dụng! Nhảy lên một chiếc xe, trước hết hỏi tôi đến khu vực đặt trụ sở các Bộ, nơi đây có vẻ hoàn toàn yên tĩnh. Sau đó tôi đến công trường Fehrbellin, nơi đặt Bộ Tư Lệnh thiết giáp của Tướng Bolbrinker, người mà tôi có quen biết. Khu vực này ít có vẻ yên lành hơn, trên một đại lộ dẫn đến công trường, hai chiếc xe tăng khổng lồ đang án ngữ. Tôi chỉ cần nhô đầu ra khỏi xe là được đi qua liền. Chắc chắn cuộc hỗn loạn không có gì trầm trọng quá như Schellenberg tưởng. Tướng Bolbrinker tiếp tôi lập tức. Ông chẳng biết gì nhiều và hỏi ý kiến tôi nên làm gì. Do mệnh lệnh của Tư lệnh Quân đội Nội địa, ông ta mang các Đơn vị thiết giáp từ Wunsdorf về Bá-linh và tập trung quanh công trường Fehrbellin để có thể nắm vững lực lượng. Hiện tại ông ta đang chờ diễn biến. - Vả chăng, - ông giải thích, - tôi quyết định từ đây chỉ thi hành lệnh của Thanh tra các Đơn vị thiết giáp, nghĩa là của chính Tướng Guderian. Không biết ông này có biết tin tức gì về cuộc âm mưu không. Anh xem, chẳng hạn người ta bắt tôi đưa các bộ phận thám sát đến tấn công vào doanh trại của Đơn vị Waffen SS. Anh nghĩ sao? Skorzeny? - Coi, - tôi choáng váng trả lời, - chúng ta chưa ở trong tình trạng nội chiến mà. Tôi cho rằng nếu tuân theo một mệnh lệnh mơ hồ là thiếu thận trọng. Thưa đại tướng, nếu ông muốn, tôi sẽ đi một vòng cho đến doanh trại Lichterfelde để xem chuyện gì đã xảy ra. Từ đó tôi sẽ gọi điện thoại cho ông. Theo ý tôi, chúng ta phải có bổn phận giữ bình tĩnh. Như trút được lo âu, Đại Tướng chấp thuận đề nghị của tôi và tôi lại lên đường. Tại Lichterfelde, trong doanh trại cũ của tôi, tất cả đều có vẻ yên tĩnh, mặc dù Tiểu đoàn trừ bị và các đơn vị khác đều được đặt trong tình trạng báo động. Tôi tiếp xúc một lát với viên Trung tá Chỉ huy các đơn vị đó và không ngớt yêu cầu ông tỏ ra khôn ngoan, nghĩa là chớ nên làm một hành động gì dù cho tình thế biến chuyển ra sao. Sau đó, tôi gọi Foelkersam và được biết Đại đội của tôi đã đến. Tôi ra lệnh giữ Đại đội lại trong sân cơ sở Trung ương SS. Lúc đó tôi mới thử lượng định tình hình. Thật ra, tôi cũng chẳng hiểu thêm gì được nhiều. Rất có thể là Tướng Tư lệnh Quân đội Nội địa đã ra lệnh báo động vào buổi trưa. Nhưng sau đó, khắp nơi đều có sự do dự, nơi thì tuân lệnh, nơi khác lại phản lệnh, rõ rệt tình hình đã không ăn khớp với một kế hoạch toàn bộ nào đó. Dầu sao, theo tôi vụ này hình như không có vẻ trầm trọng lắm, chắc chắn tôi sẽ bị hố to nếu coi sự việc quá quan trọng, bởi vì các đơn vị thiết giáp vẫn án binh bất động, và các đơn vị Waffen SS thì lại chưa nhận được mệnh lệnh nào. Tóm lại, mọi người đang tự hỏi ai đã nổi dậy và để chống lại ai. Tuy nhiên ngoài tính cách ấu trĩ, âm mưu này còn là một trọng tội, bởi vì lúc này đây ở phía Đông cũng như ở phía Tây, binh sĩ đang can đảm chiến đấu trong tuyệt vọng. Trong khi đang trầm ngâm với các ý tưởng không mấy vui vẻ đó, tôi chợt nhớ rằng Đại tướng Student hiện cũng đang ở Bá-linh. Tôi chạy nhanh đến Wannsee, một trong rất nhiều hồ bao quanh thành phố, Bộ Tư Lẹnh đơn vị không vận đóng bên bờ hồ. Các sĩ quan chẳng biết gì cả, họ cũng không nhận được mệnh lệnh nào. Tôi chỉ biết Đại Tướng đã về nhà, tại Lichterfelde. Tôi lại lên xe, mang theo sĩ quan tùy viên của Đại Tướng để lâm thời, nhận lệnh từ Đại Tướng. Lúc đó trời đã tối, đến 2 giờ đêm, chúng tôi đến biệt thự và trông thấy một khung cảnh thật thanh bình. Trên sân thượng, Đại Tướng khoác một chiếc áo ngủ dài, đang ngồi đọc cả núi hồ sơ dưới ánh đèn. Cạnh đó, phu nhân đang ngồi thêu. Tôi không ngăn được ý nghĩ là tình thế thật khôi hài: Nơi đây, một trong các lãnh tụ quân sự quan trọng của Bá-linh đang nghỉ ngơi yên lành trong một ghế mây thoải mái, trong khi những tướng lãnh khác âm mưu đảo chánh. Mặc dù rất ngạc nhiên khi thấy tôi đến thăm vào giờ quá trễ, Đại Tướng cũng tiếp tôi một cách thân ái: chắc chắn dây liên lạc được thiết lập giữa chúng tôi trong chiến dịch giải thoát Mussolini năm ngoái vẫn còn. Khi trình bày rằng đến vì “công vụ”, vợ ông kín đáo tránh đi nơi khác. Nhưng khi tôi bắt đầu thông báo những gì tôi thấy và biết, ông ngắt ngang lời tôi: - Coi, Skorzeny, anh nói cái gì vậy! Đảo chánh – không, không thể có được. Tôi khổ sở thuyết phục ông ta tin rằng tình thế nghiêm trọng. Sau cùng ông ta bằng lòng gởi cho tất cả các cấp Chỉ huy đơn vị nhảy dù một mệnh lệnh đại khái như sau: Báo động. Chỉ nhận lệnh của chính Đại Tướng Student mà thôi. Đúng lúc đó, chuông điện thoại reo vang. Thống chế Goering gọi. Sau khi xác nhận báo cáo của tôi, Thống chế còn thêm vài chi tiết mới: có lẽ cuộc mưu sát Fuhrer là do một sĩ quan thuộc Bộ Tham Mưu Quân đội Nội địa thực hiện. Bendlerstrasse – nơi đặt Bộ Tham mưu đó – đã vội vàng loan báo cái chết của Fuhrer và cho áp dụng vài biện pháp khẩn trương. Goering xác định rằng lúc này chỉ có Bộ Tư Lệnh Tối cao của Lục quân mới có tư cách ra lệnh. Tôi nghe Đại Tướng nhắc lại các chỉ thị của Thống chế Goering: Bình tĩnh, yên tâm, bằng mọi giá cố tránh các biến chuyển có thể đưa đến nội chiến. Tôi đã hiểu, thưa Thống chế. Hiện tại, ông Tướng không còn nghi ngờ các điểm tôi thuật lại nữa. Sau khi hứa giữ liên lạc với tôi và Đại Tướng Bolbrinker, ông lần lượt gọi các Tiểu đoàn và ra chỉ thị. Tôi xin phép cáo từ và trở về trụ sở SS Trung ương thật nhanh. Trong cơ sở rộng mênh mông, tất cả yên tĩnh. Schellenberg chờ tôi trong văn phòng và yêu cầu cung cấp một đoàn hộ tống gồm một sĩ quan và mười binh sĩ. Ông vừa nhận được lệnh bắt ngay Đô đốc Canaris và lẽ tất nhiên, ông không thể đơn độc một mình thi hành một mệnh lệnh tế nhị như vậy. Vì chỉ có vỏn vẹn 1 Đại đội nên tôi chỉ cho ông “mượn” một sĩ quan. Một giờ sau, Schellenberg trở về, cuộc bắt bớ đã không gây ra một biến cố nào. Qua điện thoại, tôi biết rằng các khu vực do đơn vị thiết giáp của Tướng Bolkrinker và do quân nhảy dù của Tướng Student chiếm đóng, vẫn được yên tĩnh – Thật ra, trên đường trở lại Friedenthal, tôi thấy cả Bá-linh đều yên tĩnh. Đột nhiên, Tổng Hành Dinh của Fuhrer cho gọi tôi. - Lệnh cho Thiếu tá Skorzeny mang toàn lực lượng hiện có, đến Bendlerstrasse để hậu thuẫn cho hành động của Thiếu tá Remer, Đại đội trưởng Đại đội phòng vệ “Đại Đức Quốc” hiện đang bao vây Bộ này. Vội vã, tôi tập họp đại đội – đáng tiếc là tôi không cho gọi cả tiểu đoàn – và lên đường. Vào lúc gần nửa đêm, chúng tôi đến cửa chính của trụ sở. Hai xe lớn chận đường chúng tôi: lúc xuống xe và một mình đi bộ đến, tôi thấy ngay giữa một toán quân xôn xao, viên chỉ huy SS Kaltenbrunner đang nói chuyện với một Tướng lãnh lục quân – Tướng Fromm, Tư lệnh Quân đội Nội địa. Tôi nghe ông nầy nói với Kaltenbrunner: “Tôi đi về nhà, các anh có thể kiếm tôi ở đấy suốt đêm”, rồi ông lên xe chạy đi, vạch một lối cho đơn vị tôi đi qua. Tôi ngẩn ngơ, khi thấy vị Tư lệnh Quân đội Nội địa lại bỏ về nhà trong giờ phút nghiêm trọng này. Tuy nhiên điều đó không dính dáng gì đến tôi. Trước cổng vào Bộ, tôi gặp thiếu tá Remer. Tôi trình diện và được biết ông ta được lệnh cô lập hóa kín mít toàn thể khu công ốc. Sau khi đưa cả đại đội vào sân, tôi mang theo Đại úy Foelkersam và Chuẩn úy Ostafel, theo cầu thang tiến lên lầu. Trong hành lang tầng thứ nhứt, tôi gặp nhiều sĩ quan tay cầm súng lục. Người ta có cảm tưởng là đang ở trong một pháo đài ngay tiền tuyến. Trong văn phòng của Tướng Olbricht, tôi gặp một vài sĩ quan tham mưu quen biết từ lâu, họ cũng tự võ trang và có vẻ rất khích động. Họ kể nhanh cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra: vào buổi chiều, họ thấy có một cái gì sai lạc trong lệnh báo động phát xuất từ một vài Sở. Tướng Fromm gần như hội họp liên miên, nhưng chỉ có một vài sĩ quan thân tín được dự họp. Vì quá sức ngạc nhiên và lo âu, phần lớn các sĩ quan tự võ trang và đột nhập vào văn phòng của Tướng Fromm, đòi hỏi giải thích. Bị đặt vào trong tình thế khó xử, ông Tướng đành phải thú nhận một cuộc nổi dậy của quân đội đã bùng nổ, và nói thêm rằng ông đã được lệnh mở các cuộc điều tra sơ khởi các kẻ chịu trách nhiệm. Vài phút sau, Tướng Beck tự tử, trong khi đó, ba sĩ quan, trong đó có Đại tá Stauffenberg, Tham mưu trưởng của Tướng Fromm, bị Tòa án quân sự do một Tướng lãnh chủ tọa xử tử hình. Cả ba đã bị một Tiểu đội Hạ sĩ quan xử bắn ngay trong sân cách đây nửa giờ. Mặt khác, trong hành lang tầng lầu thứ nhất, đã có vài loạt súng, nhưng không có gì quan trọng. Những tin tức này đã đóng khung khá rõ rệt những gì tôi đã biết, nhưng vẫn không soi sáng thêm được tình hình. Những cố gắng liên lạc bằng điện thoại của tôi với Tổng Hành Dinh của Fuhrer đều vô ích, vậy tôi phải hành động theo sáng kiến. Trước hết tôi tìm cách lập lại yên tĩnh và trật tự trong tòa nhà khổng lồ này, nơi mà mọi người rõ ràng bị bối rối cực độ. Để đạt đ ược mục tiêu đầu tiên đó, tôi cho triệu tập các sĩ quan quen biết và đề nghị với họ là hãy tiếp tục các công việc bỏ dở dang từ hồi chiều. Tôi nhắc nhở họ là chiến tranh đang tiếp diễn và tất cả mọi mặt trận đều cần lực lượng tăng cường, tiếp tế, tiếp liệu. Mọi người đồng ý với tôi và trở lại làm việc. Lát sau, một Đại Tá chợt nhớ ra rằng có vài quyết định liên quan đến việc tăng cường lực lượng phải do chính Tham mưu trưởng ký, mà Đại tá Stauffenberg lại vừa bị hành quyết. Tôi tuyên bố tạm gánh thêm trách nhiệm phụ đới này. Tuy nhiên có một điều làm tôi ngạc nhiên: phần lớn các lệnh báo động cho những người dự mưu ban hành đã bị hủy bỏ từ hồi nào. Trước văn phòng Tướng Olbricht, tôi gặp hai nhân viên mật thám Gestapo. Vài giờ trước đó, Chỉ Huy trưởng cảnh sát đặc biệt đã phái họ đến bắt Bá tước Stauffenberg. Chưa kịp thi hành mệnh lệnh, họ đã bị các sĩ quan của Stauffenberg vừa từ Tổng Hành Dinh về, bắt nhốt vào trong một văn phòng. Càng ngày tôi càng không hiểu: hoặc giả cơ quan Gestapo vốn biết tin rất nhanh, đã bị vụ đảo chánh làm kinh ngạc quá, hoặc giả cơ quan này cho rằng nội vụ chẳng có gì là quan trọng. Nếu không phải như thế thì tại sao họ lại chỉ phái có hai trự đến bắt tay đầu não của cả một cuộc âm mưu quân sự? Hiện tại, tôi có thì giờ để bắt đầu lục soát bàn giấy của Bá tước Stauffenberg. Tất cả các hộc bàn đều đã bị mở tung, hình như có kẻ nào vừa vào lục soát vội vã. Trên bàn giấy tôi tìm thấy hồ sơ kế hoạch “Walkyrie” nghĩa là các chi tiết sắp xếp cuộc báo động. Tôi nhận thấy Stauffenberg đã ngụy trang ý định chính – chiếm thật nhanh các trung tâm đầu não tại Bá-linh và các cơ quan chỉ huy quân đội – dưới danh hiệu “Các biện pháp phản công trong trường hợp quân Đồng minh tấn công bằng quân nhảy dù”. Trong một hộc bàn, tôi giật nảy mình vì khám phá được một bàn cờ, các quân cờ xê dịch tùy theo số điểm của các hột xúc xắc mà người chơi đổ được. Trên một bản đồ khu vực Đông Âu thật lớn, một đường vạch đậm, mà theo lời chú thích bên lề, biểu hiện cho trục tiền quân của một quân đoàn, thuộc lộ quân phía Nam, trong cuộc tiến đánh Nga sô – quân đoàn mà chính Stauffenberg làm Tham mưu trưởng. Nếu sự sử dụng vô vàn khổ đau và sự chiến đấu của hàng ngàn binh sĩ vào một trò chơi bẩn thỉu, tự nó đã có vẻ nông nổi, chướng mắt rồi, thì các lời phẩm bình tô điểm cho sự giải thích nguyên nhân, lại còn chứng tỏ một sự vô liêm sỉ, khiến cho tôi tự hỏi, với một tâm tánh như vậy, làm sao một sĩ quan cao cấp có thể phục vụ tổ quốc trong thời chiến được. Một vài giờ sau, tất cả các bánh xe của guồng máy phức tạp đã hoạt động điều hòa trở lại. Tuy nhiên, một lần nữa, tôi điên đầu trước các quyết định mà tôi buộc phải lấy thay cho ba sĩ quan, quan trọng nhất của cơ quan này: Tướng Fromm, Olbricht và Đại tá Stauffenberg. Tôi xin nói chuyện với Tổng Hành Dinh không ngừng. Cuối cùng, cũng liên lạc được, tôi vội yêu cầu bổ nhiệm một vị tướng lãnh có thẩm quyền vào chức vụ Tham mưu trưởng Quân đội Nội địa. Tôi mong được giải nhiệm càng sớm càng tốt, nhưng lẽ tất nhiên người ta trả lời một cách mơ hồ, bảo đợi và tiếp tục đảm nhiệm công việc cho đến khi Fuhrer đề cử một người có khả năng. Cứ cách hai hay ba giờ, tôi lại gọi xin được thay thế, và lần nào cũng vậy, nhận được một câu trả lời tránh né. Rốt cuộc, đến sáng 22 tháng 7, nghĩa là sau 36 giờ, đích thân Himmler đến, có Tướng Juttner thuộc đơn vị Waffen SS tháp tùng. Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông ta tuyên bố được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đội Nội địa. Chắc chắn Himmler là một trong những người thân tín của Fuhrer, nhưng ông ta không phải là quân nhân. Làm thế nào mà ông ta có thể chu toàn được nhiệm vụ trong khi cùng một lúc ông giữ nhiều chức vụ quan trọng hàng đầu? Lúc đó tôi mới chú ý đến Tướng Juttner, tư lệnh phó, ông này chắc hẳn rất bằng lòng với sự bổ nhiệm vì trong thực tế chính ông mới là người lãnh đạo thường trực của cơ quan. Nhưng tôi không có thì giờ để suy tư vẩn vơ. Sau khi cho tập họp các sĩ quan, Himmer làm một bài diễn thuyết bất ngờ, ông tuyên bố là âm mưu đảo chánh chỉ do một nhóm nhỏ hành động đơn độc. Liếc nhìn cử tọa im lặng, tôi nhận thấy tất cả có phản ứng như nhau: Sự đồng ý rõ rệt và sự khoan khoái thấy cơn bão tố đi qua mau. Có lẽ phần đông những người này, được đào tạo theo các truyền thống cứng rắn của tập thể sĩ quan nhà nghề, không còn muốn nghĩ đến âm mưu nổi loạn này nữa – hành động tội lỗi và tự dập tắt trong trứng nước. Cuối cùng, tôi có thể nghĩ đến chuyện xả hơi một lúc, trở về Friedenthal, tôi vùi mình trong chăn. Sau sáu tiếng đồng hồ, tôi thức dậy, tươi mát và khỏe khoắn, và tôi tìm cách tính sổ các biến chuyển. Đây là lần đầu tiên tôi thấy, trong quân lực và có lẽ trong lòng dân tộc Đức nữa, có những luồng tư tưởng mâu thuẫn, có tình trạng căng thẳng giữa các phe nhóm – cho đến nay, tôi không hề nghĩ đến sự kiện này. Đối với tôi, sự ngạc nhiên trở nên khó nhọc nếu không nói là đau đớn. Niềm an ủi duy nhất đối với tôi là thấy âm mưu đảo chính bị tan rã mau lẹ, một phần vì căn bản của nó yếu quá, phần khác nhờ hành động sấm sét của các lực lượng quân đội khác. Về phần tôi, tôi sung sướng được biết rằng, nhờ thuộc về binh chủng thứ IV,[3] các đơn vị Waffen SS, tôi đã không can dự trực tiếp vào nội vụ. Độc giả cho phép tôi mở một dấu ngoặc tại đây: sau 3 hay 4 năm, hôm nay khi nói đến “sự dẹp tan âm mưu đảo chánh ngày 20 tháng 7 năm 1944” rất có thể là các diễn biến không được mô tả trung thực. Tất cả những người tham dự trực tiếp vào tấn thảm kịch này đều xác nhận rằng những người chủ mưu, ngoại trừ Bá-tước Stauffenberg, đều tự động bỏ cuộc ngay khi cuộc mưu sát thất bại. Hay nói cho đúng hơn, từ lúc đó, họ không còn có thể tìm đâu ra lực lượng hành động, đến nỗi chỉ cần một nhóm nhỏ sĩ quan trung thành với chế độ, cũng đủ lật nhào toàn bộ lâu đài xây trên cát ấy. Có lẽ theo sự ước tính của các người dự mưu, cái chết của Adolf Hitler là yếu tố quyết định; vậy thì ngay lúc Fuhrer thoát chết một cách kỳ diệu, họ phải tính rằng chương trình của họ không còn thực hiện được nữa. Suốt đời tôi, tôi sẽ nhớ mãi cơn cuồng nộ xâm chiếm tâm hồn tôi lúc vừa thức giấc sáng ngày 23 tháng 7: tôi phẫn nộ đối với những kẻ muốn đâm sau lưng dân tộc Đức và họ làm như thế đúng vào lúc dân tộc chiến đấu để sống còn sau bao nhiêu thử thách. Rồi khi tâm tư sáng suốt trở lại, tôi nhớ đến vài câu chuyện với các sĩ quan làm việc tại nhiều cơ sở khác nhau thuộc Bộ chiến tranh. Nhiều lần người đối thoại tuyên bố, với tất cả sự thẳng thắng tin được, rằng họ chống Hitler và chế độ Quốc xã. Tuy nhiên, tất cả những đối thủ của chế độ này không trừ một ai, đều là những người yêu nước, và trong khi tình hình đất nước lâm nguy, chắc chắn họ chỉ nghĩ tới Tổ quốc. Ngay lúc bấy giờ tôi đã tin rằng – và niềm tin đó vẫn không thay đổi – trong số những người dự mưu, chắc có một vài người công dân Đức tốt. Đáng tiếc thay, những người này lại chỉ đồng ý với nhau có một điểm: sự cần thiết phải tách rời Hitler khỏi guồng máy lãnh đạo quốc gia dù bằng cách làm cho ông tự nguyện hay bằng cách dùng sức mạnh bó buộc ông. Ngược lại, quan điểm của họ về chính sách phải theo sau khi chiếm quyền thì lại khác nhau, nhất là vấn đề tìm cách đạt được mau chóng một cuộc ngưng bắn vì tình hình quân sự đã trở nên tuyệt vọng. Một nhóm do Stauffenberg lãnh đạo chủ trương thương thuyết hòa bình riêng rẽ với Nga sô, nhóm kia muốn tìm cách thỏa hiệp với các cường quốc Tây phương. Thế mà nếu căn cứ vào một tin tức được Đài phát thanh của Anh loan đi ngày 25 tháng 7, thì cả hai nhóm đều đã không thăm dò trước chiều hướng lập trường phía đối nghịch, thật vậy, đài BBC tuyên bố rằng ngay cả một chính phủ mới của Đức – người Anh tin rằng Hitler đã chết – nếu muốn chấm dứt sự thù nghịch lập tức thì phải ngưng bắn cả với Anh-Mỹ lẫn Nga sô, và chỉ sau khi chấp nhận nguyên tắc ấn định tại Casablanca, nguyên tắc “đầu hàng vô điều kiện”. Ngày nay ta có thể tự hỏi các người âm mưu đảo chánh sau khi chiếm quyền, làm sao xoay sở trong một tình hình như thế. Tóm lại, cuộc nổi loạn thất bại ngày 20 tháng 7 năm 1944 đã mang lại hậu quả: thứ nhất, cuộc mưu sát đã làm cho Hitler, lãnh tụ tối cao của Đức quốc, Tư Lệnh tối cao của Quân lực, trở nên tàn tạ cả về phương diện vật thể lẫn về phương diện tinh thần. Đành rằng các vết thương nơi ông không có gì nguy hiểm, tuy nhiên một người phải gánh trách nhiệm quá nặng, chịu đựng thương tích, dù là nhẹ, dở hơn người thường. Về phương diện tinh thần, không bao giờ ông có thể vượt qua được cơn kích xúc do sự khám phá đau đớn còn hơn là các vết thương trên da thịt nữa: Trong lòng quân đội, vậy là đã có một vài sĩ quan – biết đâu là vài nhóm nữa – có thể phản bội lãnh tụ và chính nghĩa. Mối nghi ngờ do linh tính hơn là do lý trí của ông, càng ngày càng bành trướng và trở thành một ám ảnh thật sự. Càng lúc, ông càng bị lôi cuốn vào các suy tư quá lạm, và những hành động bất công đối với cả những người không đáng bị đối với cả những người không đáng bị đối xử như vậy. Tôi lại còn biết rằng từ đó ông mắc luôn căn bệnh sợ hãi. Hậu quả thứ hai của cuộc mưu sát cũng tiêu cực như trên: Từ đó, tất cả mọi thỏa hiệp với Đồng minh để đạt được một nền hòa bình mà không tiêu diệt chế độ, không còn có cơ hội thực hiện nữa. Lẽ dĩ nhiên, thái độ cứng rắn của đối phương nay lại cứng rắn thêm bởi vì họ có thể trông đợi vào sự chia rẽ làm suy yếu Đức quốc. Không nên quên rằng sự từ chối thỏa hiệp của Đồng minh không những chỉ áp dụng cho một nước Đức quốc xã và thuộc về Hitler, mà ngay cả những người kế tục Fuhrer nữa. Trong những điều kiện đó, Đức quốc không còn cách nào để tìm kiếm một nền hòa bình bình thường cả. Tất cả các ý định biểu hiện theo chiều hướng này đều bị Đồng minh gạt ngang với thái độ khinh miệt. Và điều này chắc chắn đã làm cho Hitler quyết định giữ vững lập trường và tỏ ra cứng rắn cho đến phút cuối cùng.
[1] Xem “Những trận đánh lịch sử của Hitler”, sách đã phát hành – Sông Kiên xuất bản. [2] Quân đội có nhiệm vụ duy trì trật tự tại Đức quốc và tại các vùng bị sáp nhập – Tiệp Khắc, Ba Lan, Alsace, v.v. [3] Ba binh chủng khác là: Lục quân (Wehrmacht), Hải quân (Kriegsmarine), Không quân (Luftwaffe) – Ghi chú của người dịch.
[1] Xem “Những trận đánh lịch sử của Hitler”, sách đã phát hành – Sông Kiên xuất bản. [2] Quân đội có nhiệm vụ duy trì trật tự tại Đức quốc và tại các vùng bị sáp nhập – Tiệp Khắc, Ba Lan, Alsace, v.v. [3] Ba binh chủng khác là: Lục quân (Wehrmacht), Hải quân (Kriegsmarine), Không quân (Luftwaffe) – Ghi chú của người dịch.