Viết truyện này mà tay tôi cứ run rẩy. Truyện tàn nhẫn đến đáng sợ, tôi vừa viết vừa loay hoay tìm lối thoát cho các nhân vật của mình. Nhưng dường như, cuối cùng tôi đã thất bại… Chiều…
Gió thổi xàn xạc vào những tán cây, mây đen kéo vần vũ, trời sắp chuyển mưa, tối sầm…
Rồi trời cũng mưa thật, mưa bôi lem luốc con đường nhựa còn đang thi công dang dở. Tiếng mưa lào rào trên mái nhà đánh thức bà Hạnh giữa cơn mê trái buổi. Nền nhà lênh láng nước, bà Hạnh xắn ống quần rồi chạy ra đóng vội cánh cửa sổ. Theo thói quen, bà nhìn xuống lòng đường, phát hiện một dáng người gầy gầy lấp ló trước cổng, bà không khỏi thắc mắc.
Mở cửa, nỗi ngạc nhiên xem lẫn hồi hộp khi trước mặt bà là một cô bé chừng mười hai tuổi, da đen nhẻm, đầu tóc rối bù, ướt sũng vì trời mưa, trên tay cô bé là một bó hồng nhung, cô bé trao bó hoa cho bà Hạnh một cách lễ phép rồi nói:
- Có một chú kia nhờ con mang hoa đến cho dì.
Ngắm đoá hoa đỏ thắm trên tay, bà Hạnh quay sang cô bé hỏi:
- Chú đó dáng dấp ra sao, con có thể tả cho dì biết được không?
Cô bé nhíu mày:
- Dạ con không để ý, chú đưa cho con bó hoa và dặn con mang đến đây cho dì, rồi chú cho con ít tiền.
Bà Hạnh xoa nhẹ mái tóc bẹp xẹp của cô bé, mỉm cười đồng cảm, bà nói:
- Con có lạnh không? Vào nhà dì ngồi chơi một chút, đợi hết mưa rồi về.
Cô bé thoáng chút ngại ngùng, lắc lắc đầu trong khi hai hàm răng sau đôi môi tím nhạt đánh vào nhau lập cập:
- Dạ không!
- Thôi vô đây, môi tái ngắt hết rồi kìa. Dì không ăn thịt con đâu mà sợ.
Vừa nói bà Hạnh vừa kéo tay cô bé vào trong nhà.
- Coi kìa, tội nghiệp chưa! Ướt hết rồi. Con cầm cái khăn và bộ quần áo này vào trong mà thay. Để vậy sẽ bị cảm lạnh đó.
Nhận chiếc khăn và bộ quần áo từ tay bà Hạnh, cô bé lẳng lặng vào trong. Lát sau bước ra, bà Hạnh không khỏi bật cười khi thấy cô bé nhỏ thó trong bộ quần áo quá rộng, kéo cô bé lại gần, bà nói:
- Nhìn con mặc áo của dì thật ngộ, nhưng như thế mới không bệnh được. Nhà con ở đâu?
Cô bé lắc đầu, cúi gằm mặt:
- Con không có nhà.
Bà chau mày, lại một số phận đáng thương nữa đây sao?
- Vậy con ở với ai? Ba mẹ con đâu?
Cô bé lại lắc đầu, lần này cô bé hướng ánh nhìn về phía bà, gương mặt buồn thiu:
- Ba mẹ con bỏ nhau, bỏ con rồi, ba con có vợ khác, người ta nói vợ khác của ba con là gái bia ôm. Gái bia ôm là ai vậy dì?
Bà Hạnh nghe đến đây, sượng sùng, hai tay bà không còn nắm tay cô bé nữa, bà quay mặt đi nơi khác, cố giấu vẻ ái ngại. “Gái bia ôm là ai vậy dì?” Câu hỏi đó mỏng te yếu ớt, nhưng sao giống như quả tạ ngàn cân chì nặng con tim bà, vì một lẽ, bà cũng là gái bia ôm, cũng trải qua biết bao cuộc tình dễ dãi mà đích đến là khoái lạc, là tiền bạc, là phá hoại gia đình người khác…
Chuông điện thoại reo lên, nghe tiếng chuông bà Hạnh như được giải thoát, bà đứng dậy chạy vội vào trong, không quên quay lại dặn dò:
- Con ngồi đây chơi đợi dì nghe điện thoại một lát. Con xem TV không? Để dì bật TV cho con xem nghen.
Thời gian trôi qua không biết là bao lâu, cuộc điện thoại cứ kéo dài, trong gian nhà nhỏ, chỉ còn văng vẳng tiếng cười khanh khách của bà Hạnh, tiếng nhạc xập xình trên TV. Trời đã tạnh mưa từ lâu, bà Hạnh cúp máy, sau đó sắp xếp đĩa trái cây mang lên gian nhà trước cho cô bé tội nghiệp, nhưng, gian nhà trống lõng, cửa mở toang, cô bé đã bỏ đi từ lúc nào. Bà Hạnh thở dài, tiếng nhạc trên TV làm bà khó chịu, với tay vặn nhỏ volume, bà ngồi xuống ghế, ngửa đầu ra sau, miên man trong lòng nhiều nghĩ ngợi… “ Cô bé này sao mà giống mình mấy mươi năm về trước…” Rồi bà nhắm nghiềng mắt, thả trôi mình vào những thời gian cũ…
*
Cái xóm nhỏ xác xơ nghèo nàn, hễ mùa nóng là nóng cháy thịt cháy da, mùa mưa là nước tràn lênh láng vào nhà. Cái xóm nhỏ siết chặt biết bao con người trong cái nghèo nàn túng quẩn. Và, giữa cái xóm nhỏ ấy, có cô bé Hạnh chới với không biết bấu víu vào đâu khi bị cha mẹ bỏ rơi, lúc đó Hạnh vừa lên mười tuổi.
Giữa cảnh côi cút bơ vơ, Hạnh như người sắp chết chìm vớ được cái phao khi hay tin có một người họ hàng xa muốn nhận nuôi. Người mệnh danh là “họ hàng xa” đó được Hạnh gọi là cô Tuyết, chủ một quán bia phục vụ khách ăn chơi. Như một lẽ thường tình, sống với cô Tuyết, Hạnh phải “tiếp cô Tuyết phục vụ buôn bán để có đồng vô đồng ra” - theo lời cô Tuyết dặn. Mới mười tuổi, Hạnh phải hầu bàn cho những gã đàn ông. Lớn hơn một chút, khi cơ thể đã mơn mởn, Hạnh được cô Tuyết dạy phải biết cách ăn mặc để khoe nữ tính, Hạnh bắt đầu làm quen với những chiếc áo hở lưng, hở vai, hở ngực, những chiếc quần ngắn củn cởn bó sát chưa được nửa bắp đùi. Mười sáu tuổi, mắc một cái bẫy tinh vi của cô Tuyết, Hạnh đã mất trinh, để rồi “chập chững” những bước đầu vào nghề làm điếm. Cái tên Candy Hạnh cũng từ đó nổi như cồn trong giới ăn chơi.
*
Bó hồng nhung trước mắt nhoèn nhoẹt đi, bà Hạnh nghe cay cay nơi sống mũi, đứa bé gái nghèo nàn ướt lết thết như con mèo hoang kia thoáng qua một chốc trong cuộc đời bà, để lại cho bà đoá hồng nhung và những hoài niệm, những cắn rứt khôn nguôi…Nhìn cô bé, bà như thấy được chính bà ngày nào, tinh khôi, hồn nhiên, trong sáng, rồi bà chợt quặng lòng khi nhớ đến giọt máu của mình không biết bây giờ phương trời nào lưu lạc.
“Con trai ơi, bây giờ chắc con đã trưởng thành rồi!”
Bà chợt nhớ đến đứa con trai mà vì một phút nông cạn bà đã nhẫn tâm dứt bỏ, hai mươi năm rồi còn gì.
*
Tối…
Bà Hạnh đứng trước gương, mặt bà thoáng buồn khi thấy mình trong gương héo hon tiều tuỵ. Gương mặt đã trét hai ba lớp phấn dày nhưng vẫn lộ những nếp nhăn, hai bắp tay thịt đã đổ chảy không còn săn chắc nữa. Nhìn đồng hồ đã bảy giờ, tới giờ hẹn, bà vội lấy thỏi son thoa nhẹ lên môi, xịt một làn nước hoa lên cổ, đóng cửa phòng, bà dắt xe ra khỏi nhà, hoà lẫn trong lòng người qua lại.
Dừng bước trước căn phòng số 302 của khách sạn, bà Hạnh dùng tay ốp gọn lại mái tóc trước khi mở cửa. Cuộc điện thoại lúc chiều đã đưa bà đến đây, bà Hạnh vẫn nhớ rõ giọng nói sang sảng của người đàn bà môi giới bên đầu dây bên kia: “Yên tâm đi cưng! Em nhỏ thất tình, chán chê gái trẻ. Không có làm khó em đâu!”. Bà Hạnh nhếch môi cười rồi bấm chuông nhưng không nghe động tĩnh gì.
Mở cửa
Trước mặt bà, chiếc giường nệm phủ drap trắng xoá, có vẻ như trong phòng hoàn toàn không có ai. Bà đóng cửa thầm nghĩ chắc khách chưa đến, ngồi xuống giường, bà tranh thủ lấy ra hộp phấn chỉnh trang lại diện mạo. Thình lình, một vòng tay cứng cáp siết lấy bà một cách thô bạo(!) Bà hoảng hồn quay lại, đó là một gã thanh niên, gương mặt đỏ gay, hơi thở còn nồng mùi rượu, bà cười thầm: “Àh, chắc lại là cậu ấm thất tình nên ăn nhậu chơi bời cho quên đời đây mà.” Bà nhẹ nhàng vòng tay xuống định nới lỏng tay người thanh niên ra, nhưng càng lúc hai cánh tay càng siết chặt lấy bà, bà như bị siết đến ngộp thở trong một cái gọng kiềm. Đang bối rối hoảng sợ không biết phải làm gì, người thanh niên đã quật mạnh bà xuống, dùng hai tay xé toạc quần áo bà, gương mặt gã lúc này trông như con mãnh thú, hai mắt long lên đỏ ngầu, hơi thở hồng hộc ngấu nghiếng từng phần da thịt bà. Không vùng vẫy được, bà Hạnh nhắm nghiềng mắt chịu đựng sự dày vò, thỉnh thoảng bà lại rướn người lên khi thịt da bị cắn xé bằng răng. Chưa bao giờ bà Hạnh rơi vào trường hợp này, bà đâm ra lo sợ. Nhưng thật lạ, gã thanh niên to khoẻ kia cứ hết thô bạo rồi lại mơn trớn vuốt ve, hết mơn trớn vuốt ve rồi lại thô bạo…Khúc dạo đầu như thế là quá lâu, hình như gã đang mong đợi một điều gì đó. Gần nửa giờ đồng hồ trôi qua, gã thanh niên thở một hơi dài, bất lực buông thân thể nhàu nát đầy vết cắn của người đàn bà ra, gã đứng dậy, có vẻ thất vọng, mở ví lấy ra một xấp tiền rồi quăng lên người bà Hạnh. Chắc chắn đây là một gã thanh niên mắc chứng bệnh bất lực_ Bà Hạnh nghĩ vậy. Gã im lặng mặc quần áo vào rồi đẩy cửa bước ra.
Bà Hạnh nằm đó, xơ xác, thẩn thờ. Nhìn dáng người thanh niên như một kẻ chiến bại yếm thế bước đi, bà bật khóc, bà như cảm thấy đau, một nỗi đau lạ lẫm, đau hơn cả những vết cắn hằn sâu trên da thịt đang rướm máu!
*
Trời gần sáng mà bà Hạnh cứ trằn trọc mãi không ngủ được. Cứ y như rằng hễ bà vừa nhắm mắt là cảnh tượng hãi hùng trong phòng khách sạn lại hiện ra: Gã thanh niên với thân thể cường tráng không một mảnh vải, đôi tay săn chắc như hai gọng kiềm cố bấu chặt lấy thân thể bà, hàm răng nhe ra như nanh sói cắn ngấu nghiếng vào cổ, vào ngực, vào cửa mình…tất cả hiện ra, rõ mồn một. Bà Hạnh lại một lần nữa nhói đau, những vết cắn kia như không phải chỉ cắn vào da thịt, mà còn đang nghiềng nát tâm can bà. Có một điều gì đó xáo trộn trong lòng kể từ lúc bà gặp người thanh niên bất lực nọ, bà đang cố lý giải cho cái cảm giác này, nhưng càng tìm cách lý giải, bà Hạnh càng bế tắc. Quá bối rối, bà nhấc máy điện thoại lên, nhưng rồi bà khựng lại đắn đo: “Sẽ gọi cho ai? Một khi cái tên Candy Hạnh này đã nhạt nhoà thì còn ai sẵn lòng nghe mình tâm sự nữa? Vả lại vào giờ này mấy ai còn thức?” Bà gác máy.
Một cơn gió mạnh thổi tốc vào cửa sổ làm đoá hồng nhung trên bàn rơi xuống đất, để lộ ra một tấm danh thiếp nhỏ, bà Hạnh như sực nhớ điều gì đó, nhặt tấm danh thiếp lên, bà lẩm nhẩm dòng số điện thoại li ti, rồi bà đánh liều bấm số…
Đầu dây bên kia, những hồi chuông đổ thật lâu nhưng không ai bắt máy. Bà lại thở dài, trằn trọc suốt đêm, chưa bao giờ bà thấy thấm thía ý nghĩa hai chữ cô đơn như lúc này. Cô đơn là khi người ta chẳng tìm thấy được những san sẻ từ đồng loại. Tự nhiên bà nhớ đến con trai da diết, bà ước chi ngày đó đừng nông nỗi thì giờ đây đã không phải cô đơn…
*
Năm đó Hạnh vừa tròn hai mươi tuổi, đã biết yêu.
Người đàn ông đầu tiên Hạnh yêu say đắm là Hoàng - nhạc công của một ban nhạc nhẹ ở Sài Gòn. Cô đến với Hoàng không phải vì tiền, chỉ đơn giản cô nghĩ rằng đó là người đàn ông có thể mang đến hạnh phúc cho mình.
Hoàng năm đó ba mươi tuổi, lớn hơn Hạnh cả một thập niên, nên trong mắt Hạnh, Hoàng luôn là một người vĩ đại. Yêu nhau được một năm, Hạnh có thai với Hoàng, cái bào thai là hậu quả của sự hớ hênh khi Hạnh tính toán sai chu kỳ kinh nguyệt.
Nghe tin Hạnh có thai, Hoàng khuyên Hạnh nên phá bỏ với đủ mọi lý do, nào là chưa đủ khả năng nuôi con, nào là chưa đủ tiền làm đám cưới, nào là sợ Hạnh mang tiếng khi chưa chồng mà chửa, và hàng trăm hàng ngàn cái nào là khác nữa… Hạnh vẫn quyết tâm giữ cái bào thai. Rồi chuyện gì đến cũng đến, Hoàng bỏ Hạnh ra đi, Hạnh suy sụp hoàn toàn khi nghe Hoàng nói ra lý do mà anh cho là chính đáng nhất: “Vì cô là đỉ. Tôi làm sao biết được cái thai đó là của tôi hay của thằng nào khác?!”
Quá đau khổ, Hạnh sinh non. Ngày Hạnh sinh, cô cứ mê sản gọi tên Hoàng, nhưng Hoàng đâu không thấy, chỉ thấy có cô một mình vượt cạn.
Từ yêu chuyển thành căm hận, cô hận Hoàng vì đã phản bội bỏ rơi cô không thương tiếc, rồi cô hận luôn cả cái thai nhi mềm oặt đỏ hỏn kia, chính vì nó mà Hoàng bỏ cô, Hạnh như điên loạn, sức khoẻ suy giảm trầm trọng. Rồi những suy nghĩ nông nỗi, mù quáng đã khiến cô quyết định sai lầm, cô đã mang đứa con trai chưa đầy một tuổi cho một cặp vợ chồng hiếm muộn để đổi lấy một khoảng tiền. Cứ nghĩ như thế sẽ hả được nỗi căm hận trong lòng, nào ngờ xa con Hạnh mới biết, cô thèm được nghe tiếng oe oe khóc của con, thèm được ngửi mùi nước tiểu khai ngấy của con, thèm cái cảm giác hạnh phúc mỗi khi cho con bú, cái thiên chức làm mẹ mới vĩ đại diệu kỳ làm sao! Thế mà cô nỡ dứt bỏ cả một tình mẫu tử. Nỗi đau càng lúc càng sâu, nhất là mỗi khi bầu vú căng tức nhức nhối vì sữa, Hạnh vắt kiệt và khổ đau nhìn từng giọt trắng rỉ ra vô nghĩa.
Quyết định xin lại con, Hạnh tìm đến nhà của đôi vợ chồng đó, nhưng khi đến nơi, Hạnh mới biết họ đã lên máy bay sang Mỹ định cư. Hạnh trở về, trong lòng không còn một tia hy vọng sống.
*
Người đàn ông bí ẩn gọi đến bà vào sáng hôm sau vì thấy có cuộc gọi nhỡ. Đúng như bà dự đoán, bó hồng nhung chẳng qua chỉ là một cách để bày tỏ tình cảm. Ông ta nói đã biết bà từ trước, nhưng ngại ngùng nên không dám tiếp cận. Bà Hạnh cười thầm, nghĩ trên đời sao còn có người như thế, đứng tuổi rồi mà cứ làm như thanh niên mới lớn. Bày đặt ngại ngùng e ấp làm gì, trái tim bà đã chai sạn từ lâu.
Hai người gặp nhau trong một quán café. Nhìn người đàn ông Việt kiều ở độ tuổi trung niên phốp pháp bảnh bao, bà không thể ngờ đó là một người nhút nhát trong chuyện tình cảm (như ông đã nói). Ông không nói nhiều, chỉ lắng nghe và nhìn ngắm bà thật lâu, ông nói bà có đôi mắt rất giống vợ cũ, người vợ đã mất sau một vụ tai nạn xe hơi trên đường cao tốc. Ông trở về nước cũng là để quên đi chuyện thảm khốc đó, và rồi lại gặp bà.. Bà đã quen với những lời ví von kiểu như thế, nhưng nhìn đôi mắt đượm buồn của ông, bà biết ông không nói dối. Bà cười: “Còn em thì thấy đôi mắt anh rất quen.”
Từ lúc gặp ông Từ, bà Hạnh bớt trống vắng. Bà hạn chế lại những cuộc rượu chè thâu đêm ở các quán bar, bà cũng từ chối hẳn những lời mời gọi của khách, đôi lúc bà tự hỏi không biết tại sao lại làm thế. Thời gian bà ở cạnh ông Từ càng lúc càng nhiều, cả hai bên cạnh nhau lúc đầu chỉ trên danh nghĩa là hai người bạn, cùng cô đơn, cùng mất mác, nên nương tựa vào nhau. Nhưng dần dần, cái gọi là tình bạn giữa hai trái tim đồng cảm đó không còn nữa, nó đã chuyển sang một cung bậc tình cảm khác.
- Em thích trời mưa không? – Ông Từ hỏi khi trời đang mưa lắc rắc.
- Không, mưa buồn lắm! Đời của tụi mình chưa đủ buồn sao anh?
Cả hai cùng nhìn ra ngoài trời, mưa mãnh liệt, nhìn mưa người ta hay hồi tưởng nhiều về quá khứ. Cho nên không dưng bà Hạnh lại thốt lên: “Em nhớ con em quá!” Ông Từ hỏi, em có bao giờ tìm lại con chưa? Bà Hạnh lắc đầu, có tìm cũng vô ích, nó ở tận trời Tây, chắc giờ này đang sung sướng cùng ba mẹ nuôi của nó. Rồi bà khóc, ông Từ nắn nhẹ bàn tay bà, đề nghị: “Hay là em lấy anh đi…” Bà im lặng, ông tiếp: “Con của anh rồi cũng sẽ là con của em.” Những ngón tay bà lúc này siết chặt bàn tay ông, bà biết rằng đã đến lúc mình phải dừng chân, đã đến lúc mình cần một nơi để mà nương tựa. Lăn lộn suốt mấy năm qua trên biết bao chiếc giường nệm của biết bao khách sạn với biết bao gã đàn ông, cuối cùng được gì, còn lại những gì?
Nhưng bà Hạnh vẫn cứ quay quắt lo, ai dám yêu và cưới một người đàn bà khi một ngày nào đó thức dậy phát hiện ra người nằm cạnh mình đã từng là một con điếm nổi danh một thời? Một lần bà hỏi:
- Anh hiểu về em nhiều không?
Ông Từ hỏi lại:
- Em còn nhiều bí mật lắm sao?
Bà Hạnh nhìn gương mặt tò mò đang nhíu mày thắc mắc của ông Từ, bà nghĩ lát nữa đây thế nào cái gương mặt này cũng thõng xúông, nghệch ra thất vọng não nề khi bà bật mí một sự thật xấu xa, rằng bà chỉ là một gái gọi hạng sang, chứ không phải một người đàn bà thất bại trong hôn nhân như đã từng tâm sự với ông từ lần gặp gỡ đầu tiên.
- Nếu biết em là đĩ, anh có yêu em không?
Ông Từ nhìn bà trân trối, không nói một lời.
Bà Hạnh nhếch môi, trong lòng đã chuẩn bị sẵn sàng cho một tràng cười chua xót. Ông Từ nắm tay bà, vẻ mặt ảo nảo:
- Em nói ra điều này làm chi? Chẳng thà…
Chẳng thà em đừng nói, chẳng thà em cứ giấu giếm để trong lòng anh cứ nghĩ rằng em là một người-đàn-bà-bình-thường như bao người đàn bà bình thường khác, để anh yêu em, cưới em như yêu một người đàn bà, như cưới một người đàn bà chứ không phải là yêu và cưới một con đĩ, có đúng không?
Sau ngày hôm đó, bà Hạnh không gặp ông Từ nữa, bà cũng không nghe điện thoại hay trả lời tin nhắn của ông. Ngựa quen đường cũ, bà lại trở về quán bar dìm mình trong bia rượu…
Bà không trách ông Từ, nếu đổi ngược lại là bà, thì bà cũng sẽ như thế mà thôi. Bản thân bà còn tự cảm thấy ghê tởm chính mình thì huống hồ chi là người khác. Bà nghĩ số kiếp mình chắc không thể nào có được một gia đình hạnh phúc, một thời thác loạn lừa tình, lừa tiền, cướp mất hạnh phúc của người ta, đã quá đủ rồi, còn có tư cách gì mà đòi hỏi ông Trời ban cho hạnh phúc?!
Bà lại ngã vào biết bao vòng tay đàn ông khác. Nhưng ngững người đàn ông lịch lãm với địa vị và danh phận cao trong xã hội đó chẳng thể khiến bà được ủi an. Bên cạnh họ, bà chỉ thấy lợn cợn những ô uế, đục ngầu những nhầy nhụa. Bởi, bà chẳng còn phân biệt được ai là ai một khi những đàn ông đó trút bỏ y phục. Họ hòan tòan giống nhau khi đã trở nên trần trụi. Bà nhận ra chỉ có ông Từ là chốn bình an cho bà náu mình, ông khác xa những đàn ông khác, ánh mắt ông không hề dán chặt vào ngực của bà mỗi khi gặp mặt, bàn tay ông cũng chưa từng phiêu du vào từng ngõ sâu xác thịt của bà dù chỉ một lần.
Một dêm mưa, sau khi rời khỏi quán bar và trở về xiêu vẹo trong men rượu. Bà Hạnh trông thấy ông Từ đứng mòn mỏi dưới ánh đèn đường ngang lối cầu thang dẫn lên căn hộ để chờ đợi. Bà vội vã quay đi, hấp tấp vẫy tay một chiếc taxi với ý định chạy trốn ông Từ. Nhưng ông Từ đã nhanh hơn, ông giữ chặt bà trong vòng tay mình, dìu bà lên căn hộ nhỏ.
Trong ánh đèn neon bật sáng, bà Hạnh thấy ông Từ tái nhợt, rũ rượi. Bà thương cảm muốn ôm chặt ông nhưng vì chút lòng tự trọng còn sót lại, đôi tay bà cứ buông lơi, để mặc ông Từ rầu rĩ trong từng hơi thở dài…
Bà Hạnh cố tỏ ra lạnh lùng:
- Anh tới đây có việc gì không?
Ông Từ nắn nhẹ bàn tay bà, nhưng bà nhanh chóng rút lại, thu vào mình. Ông Từ gục đầu buồn bã:
- Anh… Anh nhớ em!
Bà Hạnh cười lớn, tràng cuời như một lưỡi dao dài sắc béng cứa nát hai người, có lẽ vì đau mà mắt cả hai đỏ hoe. Bà Hạnh phanh áo, để lộ bộ ngực ra, hất mặt nhìn ông Từ khiêu khích:
- Đừng tưởng con điếm này già rồi mà ngã giá bèo. Tôi không tính rẻ đâu.
Ông Từ vội kéo áo bà Hạnh trở lại, rồi tiện tay ông ôm siết bà. Hơi ấm của ông làm dịu đi những nỗi đau. Bàn tay ông xoa nhẹ lên mái tóc rối, vỗ về. Bà Hạnh nức nở. Ông Từ áp mặt mình vao mái đầu bà, lặng yên…
Đêm đó, hai người ở bên nhau. Ngoài trời mưa lại rỉ rả, tiếng mưa một bên tai, tiếng ông Từ đều đều một bên tai:
- Anh muốn tiết lộ với em một bí mật!
Bà Hạnh đặt một ngón tay lên môi ông Từ, ngăn lại:
- Anh đừng nói! Em linh cảm những bí mật của chúng ta chỉ làm tổn thương nhau. – Bà tiếp – Em đến với anh chẳng phải vì quá khứ của anh, cũng chẳng phải vì một bí mật nào của anh cả. Em chỉ yêu con người mà hiện tại em trông thấy, còn những việc ẩn khuất hoặc đã qua, em không quan tâm.
Ông Từ gỡ nhẹ tay bà Hạnh khỏi môi mình rồi đặt nụ hôn lên đó. Ông mỉm cười:
- Bí mật này không kinh khủng lắm đâu. Anh nghĩ nó sẽ khiến em hạnh phúc!
Bà Hạnh nhổm dậy, nhìn ông Từ đầy thắc mắc.
Giọng ông Từ lại đều đều:
- Cả một đời người, ai cũng có lúc phạm sai lầm. Có những lỗi lầm người ta không thể chuộc lại được; nhưng cũng có khi ông Trời thương xót, cho họ có cơ hội đền bù. Em biết không? Thực ra anh gặp em lần về nước này không phải do tình cờ, mà đã có kế hoạch từ trước. Con trai anh đã trải qua nỗi đau mất mẹ, và anh muốn bù đắp cho nó bằng cách tìm cho ra người mẹ ruột.
Bà Hạnh nghe đến đây, cả gương mặt căng ra sững sờ.
Ông Từ âu yếm nhìn bà Hạnh:
- Anh chính là người đã nhận nuôi con trai em cách đây hai mươi năm!
Bà Hạnh kinh ngạc, hai mắt bà trố ra, nhịp tim đập loạn xạ. Bàn tay bà run run nắm chặt tay ông Từ. Và khi ông Từ nhìn bà trìu mến, bà lại bắt gặp ánh mắt của người đàn ông năm xưa, một ánh mắt thân quen, đượm buồn, nhân hậu. Bà đã từng nhận ra nỗi cảm thông, thương xót từ đôi mắt đó cách đây hai mươi năm, khi ông Từ nhìn bà trao đứa con trai nhỏ.
Bà Hạnh ôm gương mặt ông Từ trong đôi bàn tay mình, gục đầu vào trán ông mà khóc.
Một buổi sáng tháng Mười, ông Từ mời bà Hạnh về nhà trên danh nghĩa một người bạn xa lâu ngày không gặp, cốt yếu là để bà gặp mặt đứa con trai. Khi bà Hạnh vừa trông thấy nó bước xuống từ cầu thang, bà ngất ngay tại chỗ. Ông Từ và đứa con trai không biết chuyện gì đang xảy ra, vội đưa bà vào bệnh viện…
Chiều hôm đó, mọi người không thấy bà đâu nữa. Giường bệnh của bà trống hoác, chai nước biển đã cạn từ lâu. Người ta cho rằng bà trốn viện. Ông Từ lo lắng kiếm tìm, những cuộc điện thoại nối tiếp nhau réo rắt, những dòng tin nhắn liên tục đổ vào máy điện thoại của bà nhưng vẫn không nhận được phản hồi…
Trời tối mịt, ngoài phố đã lên đèn. Chiếc điện thoại oằn mình reo lên báo một dòng tin nhắn cuối cùng rồi hết pin: “Em ơi, chẳng phải mình đang hạnh phúc lắm sao?”
Bà Hạnh đọc tin rồi cười ứa nước mắt. Đôi cánh tay to khỏe như gọng kiềm của đứa con trai lại ám ảnh trong bà khiến vai bà run lên nức nở. Hạnh phúc nỗi gì?! Nếu lỡ một mai, thằng con trai vô tình thấy những vết răng đã thành sẹo trên thân thể mẹ kế của nó, nhớ ra người đàn bà đó đã từng loã thể oằn oại cùng nó trong phòng khách sạn như một con đỉ với khách mua dâm thì liệu có hạnh phúc nữa không?
Và nếu lỡ một mai, trong một trò đùa ác nghiệt nào đó của số phận, nó nhận ra rằng mẹ kế của nó, con đỉ của nó, cũng chính là mẹ ruột thì… Trời ơi, tội tình gì hả, con ơi?!
Bà ngồi thu lu trong căn phòng tối, biết ông Từ đang đứng ngoài cổng mỏi mòn chờ.
Hai mắt bà đã sưng vù, tóc tai rũ rượi, bên cạnh là chai rượu tây đã gần cạn, bà cứ ngồi hàng giờ đồng hồ để gặm nhắm nỗi đau. Nỗi đau này quá lớn, như nặng trĩu tấm thân bà, khiến lưng bà còm xuống lộ rõ nét già nua. Theo thói quen, bà vô thức ngồi thẳng lưng, ưỡn ngực trở lại, cái thói quen này có từ lúc bà mang danh Candy Hạnh đến nay; rồi bà lại cười một mình. “Đồ đỉ già, mày ngồi làm dáng để làm chi? Căn phòng này chỉ có mình mày, có còn ai để mắt xem mông mày to bao nhiêu, ngực mày nở bao nhiêu đâu. Mày làm đỉ, đến con trai ruột cũng không chừa - Bà cười nức nở - Trò đời là vậy sao? Tao nên cảm ơn mày hay nguyền rủa mày đây? Cảm ơn mày vì đã để con trai tao sinh ra là một thằng đàn ông bất lực, để mẹ con tao không mang tội loạn luân, hay nguyền rủa mày vì mày cho tao gặp lại con trong cảnh trớ trêu nhục nhã, mày bắt buộc tao phải một lần nữa bỏ rơi máu thịt của mình, Trời ơi…”
Cũng may đứa con trai không nhớ, có lẽ đêm đó trong cơn say tuý luý, nó chỉ biết người đàn bà trước mắt nó là một con đỉ, là vật thí nghiệm cho nó mặc sức dày vò, cắn xé đến tả tơi để thử bản lĩnh đàn ông, nhưng cúôi cùng nó vẫn là nó, thất bại, bất lực.
Bỗng dưng, mấy vết sẹo trên thân thể bà nhói đau dữ dội! Bà thảng thốt nhớ lại lời ông Từ nói với bà đêm nào, có những lỗi lầm mà người ta không cách gì chuộc lại được. Bà đứng dậy, từng bước chân mỏi mòn kiệt quệ lê lết về phía ban công như kẻ mộng du…
…từng bước…
…từng bước…
…ra khoảng không chênh vênh…
HẾT