Một vài Thủ tướng ở độ tuổi bốn mươi bảy đã trải qua không biết bao nhiêu sự kiện, còn HunSen đã trải qua một cuộc sống bình dị: một cậu bé ở tỉnh Kongpong Cham, một chú tiểu ở Chùa, một cựu binh Khơme Đỏ, một chiến sĩ du kích lãng mạn, một người giải phóng dân tộc, một nhà ngoại giao và một nhân vật xuất chúng. Nhân vật đáng gờm này có nét độc đáo của một con người thực sự nhanh nhẹn sắc sảo, đã sống sót qua hơn chín lần chạm trán chớp nhoáng với cái chết. Đấy là vận may, cộng với khả năng phán đoán từng trải và ý chí để tiếp tục tồn tại đã khiến cho HunSen dường như có sức mạnh vô địch, và vẫn cứ tiếp tục vượt lên trên rất nhiều nhân vật ở chính trường Campuchia trong hai thập kỷ. Là Bộ trưởng ngoại giao lúc 27 tuổi, Thủ tướng lúc 33 tuổi, người luôn luôn có sự quyết đoán thật nhanh nhạy, ông lúc nào cũng là người biết vận dụng thời cơ rất thành thạo, người tỏa ra sức thu hút các póng viên, nhà báo, ngay từ lần đầu khi chúng tôi gặp ông vào năm 1989. Bằng con đường đi lên nhanh chóng, ông đã được người ta gán cho một loạt các tính cách, là một nhân vật tiếng tăm, một người chủ trương dân chủ và một người độc tài. Cho nhân vật xuất chúng này biết là chúng tôi đang có ý định viết tiểu sử của ông và yêu cầu ông cho một loạt các cuộc phỏng vấn có thể kéo dài thời gian, ông là một chủ đề hết sức nhạy cảm. Harish đã tình cờ bắt đầu đề tài này vào đầu thập niên 1990 với Uch Kiman, phụ tá của Thủ tướng HunSen, người cũng có vẻ thích khái niệm đó. Chúng tôi biết rồi một ngày nào đó ý tưởng này sẽ được chấp nhận. Khoảng năm năm sau, vào giữa năm 1997, Harish đưa ra yêu cầu chính thức bằng văn bản gửi tới Prak Skhonn, cố vấn cao cấp của Thủ tướng. Chúng tôi cho biết ý định muốn viết tiểu sử của HunSen. Liệu ông có thể thu xếp được mười tiếng phỏng vấn với HunSen không? Trong khoảng một tuần, Prak Sokhonn đã trả lời cho chúng tôi. Ông đã trình lá thư yêu cầu của chúng tôi với HunSen ngay sau thời gian HunSen đã lật đổ Thủ tướng thứ nhất, Norodom Ranariddh, chưa được bao lâu và HunSen đã đồng ý. Chúng tôi đến tư dinh rộng lớn của HunSen trên đại lộ Suramarit, đối diện với Đài Kỷ niệm Độc lập ở Phnom Penh. Chúng tôi đã gặp Prak Sokhonn ở đó. Sau khi lính bảo vệ kiểm tra theo thủ tục, chúng tôi được cho vào. Khu trang viên nhìn bắt mắt với các bụi hoa râm bụt đỏ tươi, các cây bonsai có hình con nai và các chú chó nhảy dựng lên trên thảm cỏ đã được cắt xén trông chúng có vẻ hung dữ. Sokhonn đang chờ chúng tôi. Một người đàn ông có dáng cao ráo, vui vẻ, trước đây ông vốn là biên tập viên cho một tờ báo quân đội. Vào đầu tháng 12 năm 1997 tại tư dinh của HunSen, Prak Sokhonn kể, khi tôi bắt đầu cho Thủ tướng biết về hai vị, ông đã đưa tay lên ngắt lời tôi. Rồi ông nói “ Không sao. Tôi biết họ rất rõ. Anh có thể mời họ đến “. Prak Sokhonn nói là chúng tôi được cho phỏng vấn HunSen ở thành phố Tây Nam của Siem Reap vào ngày 3 tháng 12 năm 1997, trước lễ hội Angkor Ramayana lần thứ ba sẽ diễn ra vào ban đêm ở ngoài trời tại khu di tích của đền Angkor. Nhưng nhóm truyền hình người Nga không mấy vui vì HunSen đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn thay vì họ. Prak Sokhonn đã mời chúng tôi đi máy bay với ông tới Siem Reap. Ông nói “ Chúng ta sẽ bay bằng chiếc Antonov 24 của Nga “, thấy chúng tôi bối rối, ông liền nói thêm “ Nó rất an toàn “. Chúng tôi không tin chắc điều đó. Trước đây một năm, một chiếc Antonov, cũng loại máy bay này đã đâm sầm vào vành đai của phi trường Pochentong của Phnom Penh. Vì vậy, chúng tôi đã từ chối và chọn đi bằng máy bay ATR-70 do châu Âu chế tạo và đã bay qua Biển Hồ đến Siem Reap trước người tùy tùng này của HunSen. Từ trên bầu trời, trông biển Hồ giống như một tô cháo khổng lồ đang bốc khói dưới ánh nắng mặt trời chói chang, được trang trí thêm bằng những hàng dừa nhô lên trên các thảm cỏ dại và những cánh đồng bát ngát chạy tới tận hướng bắc là các dãy núi nhấp nhô. Trong cái nôi trù phú này nhiều đế chế Campuchia đã trải qua các thời kỳ hưng thịnh, rồi sau đó vào giai đoạn cuối cùng nó đã lâm vào cảnh suy tàn. Mạn bên phải của “ tô cháo ấy “ là một vùng rộng lớn, rất dồi dào tôm cá và lúa gạo đủ nuôi cả một dân tộc. Chúng tôi đã quay trở lại nơi đó để tìm ra những câu trả lời vẫn còn bị lảng tránh. Những con diệc trắng hốt hoảng bởi tiếng động cơ máy bay khuấy động trên bầu trời khi chiếc máy bay của chúng tôi đáp xuống phi trường Siem Reap. Người tài xế taxi nói tiếng Anh trôi chảy với vẻ hơi châm biếm “ Trời mùa đông. Nhiệt độ mát mẻ 300C. Chúng tôi đang mong sao thoát ra khỏi cái nóng bức ấy để vào căn phòng khách sạn có máy điều hòa nhiệt độ. Những bông sen hồng nở trên các hồ nước mưa ứ đọng, và các thảm cỏ mọc cao đến thắt lưng sau mùa mưa gió đã che giấu đi cái khô ráo của mùa hè và đất đai bạc màu khi chiếc taxi chúng tôi chạy qua. Chúng tôi đăng ký khách sạn Nokor Kok Thlok để chờ Hun Sen đến. Giám đốc khách sạn cho biết cơ ngơi này đã mất hai tháng hoàn toàn không có khách sau khi quân đội tiếp quản vào tháng Bảy. Ông nói “ Có 150 khách du lịch bị kẹt lại ở đây, và Hun Sen đã cho một chiếc máy bay đặc biệt đến di tản họ. Nhưng thậm chí vào thời điểm đó, Siem Reap vẫn còn yên ắng. Họ biết cách làm thế nào để kiểm soát tình hình khu vực chung quanh đây “. Vào sáng sớm, bộ đội đặc công bắt đầu đến, mang theo súng máy. Họ chiếm các vị trí ở mảnh đất rộng còn bỏ trống đằng trước khách sạn. Ở giữa khoảng đất trống ấy là một sân bay dành cho máy bay trực thăng. Khi mặt trời mọc, bộ đội đặc công phân tán mỏng, phục bên dưới bóng cây thốt nốt. Ở phía ngoài sân bay trực thăng, hàng cây thốt nốt với lùm lá hiện lên trên đường chân trời, và xa hơn nữa, có thể nhìn thấy các ngọn tháp của đền Angkor Wat trong bầu trời quang đãng. Hun Sen đến trể khoảng hai tiếng. Quân đội phải chơi trò tiêu khiển để giết thời gian, và nhiều người khác cũng vậy. Một công an mặc thường phục đã giày vò một con châu chấu bằng cách dùng ngón tay quá khổ của anh ta búng vào mắt làm nó bị mù và cuối cùng bóp cho nó chết. Thấy cảnh này, một viên chức Campuchia phê bình bằng tiếng Pháp “ Je suis malade “ ( Tôi muốn bệnh). Vào lúc 5 giờ chiều, hai chiếc trực thăng màu xanh ôliu xuất hiện rõ dần bên trên ba phòng tuyến bảo vệ. Khi chúng tôi tới gần hơn, có thể thấy nét mặt rạng rõ của Hun Sen và phu nhân Bun Rany qua cửa kính của một chiếc máy bay trực thăng còn mời, có kiểu pha lẫn giữa Ý và Pháp. Cặp vợ chồng đầy thế lực này bước xuống và đi vào khách sạn, trong khi ấy chiếc trực thăng hộ tống tiếp tục tuần tra trên bầu trời đang xế bóng. Tối đó họ được cống hiến bằng các vũ điệu cổ điển Campuchia, Ấn Độ, Việt Nam và Lào tại lễ hội Ramayana ở khu phế tích âm u của Angkor. Sau đấy, Hun Sen khai mạc vũ hội ở quanh hồ bơi tại khách sạn. Sáng hôm sau, Hun Sen đã sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn đầu tiên của chúng tôi ngay sau bữa điểm tâm. Ngồi bên ông còn có thông dịch viên Bun Sam Bo, cố vấn Prak Sikhonn và một thư ký ghi chép. Mặc bộ com lê màu tối bên ngoài áo sơ mi không cài nút cổ, Hun Sen hút thuốc liên hồi, các ngón tay của ông bám đậm màu nicotine. Trong hai tiếng rưỡi, ông kể về thời thơ ấu và những năm tháng trong hàng ngũ Khơ me Đỏ, hít những hơi thuốc dài để cố moi móc ký ức về những xó xỉnh của một thời tăm tối. Đó là phần mở đầu có nhiều triển vọng cho quá trình viết về tiểu sử nhân vật. Ông đã đề cập đến nhiều lý lẽ. Sau đó không lâu, ông rời khỏi đó bằng máy bay trực thăng riêng. Chúng tôi theo sau ông về Phnom Penh. Sau đó hai ngày, chúng tôi lại phỏng vấn ông tại tư dinh Roun Khlar ( Hang Cọp) ở khu ngoại vi của thành phố Takhmau thuộc tỉnh Kandal, cách Phnom Penh 12 cây số. Sau khi để lại thành phố Takhmau phía sau, chúng tôi đến một quốc lộ rẽ ra khỏi xa lộ và đột ngột gặp một chốt chặn ách lại. Chúng tôi bị lính canh gác mặc sắc phục chặn lại. Ở ngoài rào chắn là một cần anten vô tuyến với vằn màu trắng đỏ đâm cao vút khỏi đường chân trời. Một khẩu pháo hiện ra lù lù bên ngoài tấm bạt phủ của một cái lều xanh ở mé ngoài doanh trại. Ở nơi đây thuộc khu vực tư dinh của Hun Sen: một pháo đài vững chắc ở giữa vị trí của một tiểu đoàn, vây quanh bởi các tháp canh được trang bị súng máy và rải rác các chốt pháo binh. Không sao có thể đến gần, vì nó được bảo vệ bởi các đầm lầy là nơi các loài rắn địa phương sinh sống. Chúng tôi đi xe dọc theo con đường đất và dừng lại trước một cổng sắt ở trên được trang trí với giàn hoa giấy. Dinh thự này được che khuất, ở phía sau các bức tường cao được gắn camera theo dõi. Cánh cổng mở da dẫn vào một con đường được lát bằng gạch lát hiện đại dẫn lên một biệt thự kiểu tiểu lục địa Ấn Độ với mái ngói đỏ. Cửa sổ có mái che, các bao lơn giả, dây phơi quần áo trên sân thượng đu đưa các tấm dra trải giường trắng, các anten đĩa và nhiều cần anten đã tạo cho ngôi nhà trông có vẻ tiện nghi sung túc. Một mái vòm cao đưa ra, được các cột trụ nâng đỡ kiểu thành Corin Hy Lạp, từ trên cao trông ra một cái hồ, nơi ấy những con bồ nông đang âm thầm lướt đi, một sân gôn nhỏ, nơi Hun Sen đã tập dượt thuần thục các cú đánh. Ngôi nhà ba tầng này được xây dựng vào tháng 11 năm 1997, bao quanh là các hàng dừa, một hồ bơi, một hồ có mái che và các thác nước. Nội thất được trang trí rõ ràng theo phong cách xưa của châu Âu, với nhiều chiếc đèn chùm và đồ đạc của Pháp kiểu thế kỷ 17. Các hàng cột làm bằng gỗ cao cấp, được kê chân trên nền đá cẩm thạch. Sở thích của Hun Sen không phải lúc nào cũng quá cầu kỳ, ban đầu ông sống trong một ngôi nhà hai tầng lầu ở ngay mé bên phải, xây dựng vào năm 1989. Ngôi nhà đầu tiên vẫn còn tồn tại. Một ngôi nhà rộng rãi, nhưng có cấu trúc giản dị. Khu vực này thường dành để tiếp khách, nó được trải thảm kiểu đặc trưng của Việt Nam, và những chiếc ghế được chạm trổ công phu. Nét giản dị ấy đã được thay thế bằng kiểu trang trí sang trọng. Hun Sen bước vào với bộ com lê màu xanh đậm và chiếc áo sơ mi màu xanh. Ông vừa bế mạc một cuộc họp với một nhóm sinh viên Hồi giáo. Giữa mỗi lần nhắp một ngụm trà Tàu, ông lại kể tiếp trước micro của máy ghi âm về lần ông đã trốn khỏi Campuchia, những ngày tháng ông phải ngồi trong các trại giam Việt Nam, những tháng năm nung nấu khát vọng giải phóng quê hương, nỗi tức giận về những người cai trị đất nước trước đây, và sự căm giân tội diệt chủng. Cuộc phỏng vấn đã diễn ra êm xuôi cho tới khi chúng tôi hỏi ông một câu, trong đó chúng tôi đã nhắc đến hành động quân sự của Việt Nam để lật đổ Khơme Đỏ như là một “ sự xâm chiếm “. Điều này đã khiến cho Hun Sen đưa ra câu trả lời đầy sôi nổi, phẫn nộ, ông đã nhanh chóng sửa lối giải thích lịch sử của chúng tôi, ông nói điều đó không bao giờ là một sự xâm chiếm, mà là một hành động giải phóng khỏi chế độ diệt chủng. Ông hỏi lại bằng tiếng Anh với giọng phải cố uốn ép lên xuống, một ngoại ngữ mà ông thấy khó và chưa bao giờ cảm thấy cần phải thành thạo “ Làm thế nào tôi, một người Campuchia lại xâm chiếm đất nước của chính mình?”. Vào lúc ấy, sự trầm tĩnh của ông không còn giữ được như bình thường và chúng tôi cảm thấy đã đến lúc phải kết thúc cuộc phỏng vấn. Đó là một buổi nói chuyện dài hơn hai tiếng với Hun Sen mà ông đã đề cập đến nhiều thông tin được ghi vào băng. Hôm sau, chúng tôi đi cùng với ông tới tỉnh Prey Veng, ở phía đông Phnom Penh. Ông nói một cách nhiệt tình “ Các vị đến đây đi với tôi, được không? Đến trước 8 giờ sáng mai. Tôi sẽ đi gặt lúa “. Ông đã bỏ qua cho chúng tôi “ cách dùng từ sai lệch “ về lịch sử, và ngay sau đó tiễn chúng tôi ở phía trước mái vòm. Sáng hôm sau, chúng tôi đi xe tới pháo đài của ông bằng một con đường khác dẫn vào cổng qua một chốt chặn khác, rồi qua chỗ các chú heo mọi bị buộc vào một cây chuối, các chú chó con sủa ầm ĩ và một tháp canh với một người lính đứng gác mỉm cười. Bốn máy bay trực thăng do Nga chế tạo đậu trên một dải bê tông được bao quanh bởi các hồ sen và cây thủy dạ lan hương. Từng cái một, bốn máy bay trực thăng cất thẳng lên trời và bay là là trên đầm lầy hướng về điểm đến của chúng tôi ở một vùng nông thôn được bao trùm đầy hơi nước. Sau ba mươi phút bay trên địa hình sum suê tươi tốt và các con lạch ngập nước, bốn chiếc máy bay đáp xuống một cánh đồng lúa bát ngát một màu vàng ở giữa hàng ngàn dân làng, đầu họ đội khăn krama ( khăn rằn). Ngay khi bước chân xuống đất, Hun Sen đã ôm choàng lấy các bà và các cháu. Rồi ông bắt đầu cắt lúa bằng kandeav ( một loại liềm ) với tốc độ nhanh và trong vòng mấy phút, ông đã gặt được khoảng 25 mét ruộng lúa trên cánh đồng với sự thành thạo của một nông dân trồng lúa. Sau đấy, ngồi bên dưới một túp lều dựng tạm thời, ông đọc một bài diễn văn bằng loa phóng thanh đã được bắt vít vào ghi đông của một chiếc xe đạp. Tất cả dân làng ngồi xổm vây quanh và thỉnh thoảng xen vào các mảng cây dạ lan hương xanh nhạt hơi pha đỏ. Mồ hôi ướt đẫm cái áo sơ mi được giặt bằng tay, ông nói với chúng tôi “ Tôi là một nông dân. Tôi rất nghèo. Tôi không giống như hoàng tử “.Chiếc khăn krama của ông rớt xuống đất. Một vệ sĩ nhặt lên và vắt lên vai cho ông. Một hành vi gây cảm động. Thủ tướng và vệ sĩ là một. Tiểu sử về ông sẽ không đầy đủ nếu không có cuộc nói chuyện với vợ ông. Chúng tôi thăm dò khả năng xem có thể có được một buổi nói chuyện thêm với Bun Sam Hieng hay không, bà thường được nhiều người gọi là Bun Rany, và Hun Sen đã đồng ý ngay không chút do dự. Ngày hôm sau, chúng tôi gặp vợ ông, là con gái của một nông dân, bà đã tìm cách thoát khỏi được một âm mưu sát hại. Bun Rany mặc bộ ikkat sampot lụa màu sô cô la và hoàng thổ với cái lưng rất thắng. Khi những tia nắng chiều yếu ớt ánh lên các cạnh sơn nhũ vàng của các chiếc ghế trường kỷ được chạm trổ trang trí theo kiểu Louis XVI ở trên tầng hai của ngôi nhà mới sang trọng ở Takhmau, giọng nói đều đều nhẹ nhàng của bà nghe giống như một bài hát ru. Cuộc nói chuyện của chúng tôi hóa ra như một trường thiên tiểu thuyết kéo dài bốn tiếng đồng hồ về cuộc đời và sự mất mát của bà, các niềm hy vọng và nỗi thất vọng, tình yêu và những bài học nhớ đời khi bà hồi tưởng lại những ký ức đau buồn bằng những dòng nước mắt giàn giụa. Ở tuổi 44, bà vẫn gây được ấn tượng với vòng eo khá thon thả, và trời phú cho đức tính rộng lượng đặc trưng của người Campuchia. Bà ngồi với đôi tay chắp lại để trên vạt áo. Đôi giày đen đế bằng hợp thời trang và cái bóp xách tay hiệu Dior, phu nhân của một người quyền lực nhất Campuchia đã tỏa ra nét duyên thầm khá quyến rũ. Nước da trong ngà làm tôn thêm cho mái tóc đen nhánh hơi xoăn đã phải cắt ngắn theo lệnh của Khơ me Đỏ trong thời gian họ cai trị. Bây giờ, sau hàng thập kỷ, mái tóc của bà đã dài buông ngang vai. Một vài chấm màu ngọc bích đặc trưng Khơme trang điểm cho các móng tay dài được sơn màu đỏ tía. Các lớp da ở khóe móng thường được cắt sạch cho thấy đã phải bỏ ra nhiều thời gian để làm móng kỹ lưỡng. Các cuộc phỏng vấn về tiểu sử của nhân vật này đã đi được nửa đường. Hun Sen đã đồng ý trả lời nhiều câu hỏi bằng thư. Chắc chắn, các câu trả lời được ông viết sẽ kịp thời. Ông nói hai tháng sau sẽ dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn cuối cùng. Trong khi chờ cuộc phỏng vấn cuối cùng ấy đến, chúng tôi đã kết hợp tất cả các cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo Campuchia khác lại với nha – Ranariddh và Son Sann trong số nhiều cuộc phỏng vấn mà chúng tôi đã nói chuyện với họ. Một số những nhận định sâu sắc nhất của các bạn bè trong thời thơ ấu của Hun Sen, những người đã sống với ông ở chùa vài giữa thập niên 1960 và các giáo viên của ông tại trường trung học. Cuộc phỏng vấn cuối cùng đã đến cùng với những cơn mưa bất chợt của Campuchia. Prak Sokhonn cho biết Thủ tướng tưởng chỉ có “ một cơ hội “ duy nhất để gặp chúng tôi vào đầu tháng 6 năm 1998. Một lần nữa, chúng tôi đi xe tới nhà của ông ở Takhmau cho buổi nói chuyện hai tiếng. Hun Sen nói về những ngày còn là một chú tiểu và những thách thức ông đã phải đương đầu khi trở thành Thủ tướng. Ông đã nhẹ nhàng hỏi xem cuốn tiểu sử của ông đã tiến hành được đến đâu. Ông chưa hề yêu cầu đọc bản thảo. Xem ra ông không muốn đọc bản thảo và muốn để cho chúng tôi viết bản thảo này tùy theo ý chúng tôi. Rõ ràng là các cán bộ nhân viên của ông đã quý mến và khâm phục ông, một con người đã vượt lên khỏi cảnh nghèo nàn thê thảm để trở thành một nhà lãnh đạo có thế lực nhất mà đất nước Campuchia chưa từng biết đến – thậm chí thế lực ấy còn lớn hơn cả quyền lực của Sihanouk, người đã dễ dàng bị lật đổ và kiên cường hơn cả Pol Pot. Vào thời điểm đó, Prak Sokhonn đã làm việc với Hun Sen được hơn bốn năm, ông cho biết sếp của mình không giống như hầu hết các Bộ trưởng. Ông nói “ Họ ký các văn kiện mà không đọc qua. Nhưng Hun Sen đọc từng từ. Không có một quan chức phụ tá nào dám để mắc sai lầm, tình trạng này sẽ gặp phải một sự khiển trách nghiêm khắc. Nhưng một khi ông đã cho biết ý kiến của mình rồi, thì ngược lại điều đó trở thành một chuẩn mực”. Trường hợp này cũng tương tự đối với sự quan tâm và lo lắng của ông về việc xây dựng trường học và hệ thống kênh mương tưới tiêu ở khắp nước. Ông nhận các nguồn viện trợ và đưa ngay nguồn tiền ấy vào các dự án phát triển. Con người xuất chúng của ông là vậy, nhưng với một ý chí cương quyết mạnh mẽ và sự ý thức về bổn phận. Và luôn mang ý nghĩa gián tiếp của một động cơ khác: đem đến cho dân chúng sự giúp đỡ hào phóng để thu phục sự ủng hộ của họ trong các cuộc bầu cử. HARISH C. MEHTA JULIE B.MEHTA Phnom Penh, tháng 8 năm 1999