Dịch giả: Đặng Phi Bằng
- 23 -
ĐẦU ÓC CỦA MỘT KỲ THỦ

Ông đã sống bên khẩu súng và thường phải giáp mặt với cái chết cũng bởi súng ống. Người thanh niên du kích ấy đã phản ứng rất mau lẹ để né tránh những mũi đạn không khác gì như một người lính dày dạn chiến trường, vị Thủ tướng ấy đã bị B-40 và lựu đạn nhắm vào mình. Những kẻ thù của ông nhiều lần cố ám sát ông. Họ đã không thể làm gì được ông. Cuộc chiến nóng bỏng mà ông đã bị đắm chìm vào và bị kích động khi còn là một cậu bé, đã tiếp tục diễn ra ác liệt suốt cho tới tuổi trung niên. Ông đã nhận biết không có hòa bình và phản ứng lại với mọi tình hình là cách mà một người du kích sẽ làm. Một mạng lưới phức tạp lộn xộn mà ông đã len lỏi qua đó có thể đã tiêu diệt ông. Nhưng nó vẫn còn để ông sống.
Ông nhận định “Họ không thể lật đổ tôi bằng vũ lực. Nếu họ muốn trừ khử tôi, họ sẽ phải chơi  nước cờ chính trị tài tình hơn tôi”.
Tình trạng không an toàn của ông bắt nguồn từ những kẻ thù vây quanh, bao gồm Khơme Đỏ, những người Bảo hoàng và các nhà lãnh đạo phe đối lập, họ muốn loại trừ ông. Tình hình thiếu an toàn đã khiến ông phải phát triển mạng lưới an ninh, ông đã tự bố trí các lính bảo vệ được chọn lọc kỹ lưỡng, và ngoài họ ra còn một lực lượng vũ trang tinh nhuệ có thể được điều động để yểm trợ chính phủ.
Những người chỉ trích Hun Sen thường hay so sánh ông với Pol Pot và Stalin. Nhưng lý lẽ căn bản bên dưới những sự so sánh ấy chỉ là hời hợt bên ngoài và sai lầm, vì ông đã ghê tởm chính các cuộc thảm sát của họ và đã bỏ trốn. Ông đã từ chối thực hiện mệnh lệnh của Pol Pot tấn công cộng đồng nhỏ  bé những người theo Hồi giáo. Nhưng ông đã sống trong những giai đoạn bạo lực và cuối cùng gánh nặng trách nhiệm của hoàn cảnh đã biến ông thành một nhân vật độc tài. Ông muốn trở thành như thế, và chẳng có cách nào khác hơn. Một người độc tài duy nhất có thể kiểm soát được bạo lực và một xã hội đã bị chia rẽ tan nát vì cuộc chiến.
Phương Tây đã tỏ ra không khoan dung với ông. Họ muốn ông trở thành người theo chế độ dân chủ ôn hòa. Hun Sen đã không nhịn được kiểu lên mặt dạy đời của những người phương Tây. Ông biết chuyện gán ghép một chế độ theo kiểu Mỹ ở một nước châu Á đang hết sức bất ổng, bên cạnh bờ vực của tình trạng hỗn loạn, nơi mà cuộc nội chiến vấn còn bốc háy âm ỉ sẽ là một sai lầm. Điều đó không thể thực hiện được ở Trung Quốc và cũng không thể áp dụng ở Campuchia. Hun Sen đã chấp nhận thử thách và đối đầu với phương Tây.
Ông nói “Tôi muốn trở thành một nhân vật có thế lực và làm được điều gì đó cho đất nước tôi”.
Những lời nói đó là tính cách tiêu biểu cho dòng dõi tộc trưởng. Nhưng ông không phải nhân vật có thế lực từ dòng dõi tộc trưởng tiêu biểu. Ông không cho rằng sự tàn sát và tội diệt chủng có thể sắp đặt một trật tự mới cho xã hội, và điều đó cũng không đưa đất nước ông đến chỗ thịnh vượng. Thay vào đó, ông tạo ra cơ cấu tổ chức cho một nền dân chủ độc đoán, ông đòi hỏi người dân phải tôn trọng và đề cập đến việc thực hiện điều kỳ diệu về kinh tế, nhưng trong khuôn khổ văn minh của nền dân chủ.
Ông muốn quyền lực, thậm chí đã khao khát điều đó giống như bất cứ chính trị gia nào khác. Ông đã hàng ngày hô hào đến kiệt sức, nói chuyện với đông đảo người dân ở các tỉnh mà họ còn mập mờ chưa hiểu rõ, cho tới khi mất cả tiếng. Ông đã tham gia lãnh đạo cuộc vận động giống như một đảng viên Đảng Dân chủ. Ông đã cố tranh thủ sự ủng hộ của cử tri bằng những lời hứa hẹn, và thực sự đem lại cho họ một số những điều ấy, xây dựng trường học, đường sá và các kênh mương tưới tiêu ở khắp nước. Ông không tìm cách trả thù những người đã không bỏ phiếu cho ông. Ngược lại, ông đã trở lại với họ và cho họ những thứ họ cần – trường học, hệ thống kênh mương thủy lợi. Ông chuyện trò với họ, hút chung cùng một điếu thuốc, và họ đã đáp lại tình cảm của ông.
Con người này đã mang trong mình hình ảnh của cậu bé ấy. Ông đã lắng nghe cậu bé trong chính con người mình và đã được định hình từ cậu bé ấy. Không nhiều người biết về cuộc sống thời thơ ấu của ông và những khó khăn ông đã phải đương đầu. Ông sẽ không quên một thời đau khổ của cậu bé ấy, ký ức về những cơn đói triền miên và sự xa cách gia đình. Ông bị dằn vặt bởi những cảnh chết chóc mà mình đã chứng kiến khi còn ở tuổi thiếu niên. Những hình ảnh đó đã khắc ghi vào tâm trí ông. Giấc mơ tồi tệ đã làm ông phải thức giấc vào ban đêm, mồ hôi đổ ra như tắm chẳng khác gì giấc mơ của một người lính đã từng trải qua một cuộc chiến kinh hoàng.
Những giấc mơ đó không bao lâu đã diễn ra. Cậu bé ấy đã phải xa rời tình cảm ấm áp và nơi che chở của gia đình mình ở Kompong Cham, và buộc lòng phải đến sống ở một ngôi chùa nhờ vào lòng tốt của các nhà sư, vì cha mẹ ông lúc bấy giờ đã rơi vào tình cảnh túng quẫn. Ở nơi đó, vào tuổi còn trẻ dại, ông đã học được những bài học về cuộc đời nghiệt ngã là như thế nào. Ông đã phải đi khất thực để nuôi các nhà sư và bản thân mình, phải đi xách nước từ xa về và ngủ trên sàn ván gỗ, bị muỗi đốt đến phát bệnh.
Ông đã trải qua hàng giờ trên các khu phố quen thuộc và thân thiện mà chúng đã trở thành gia đình thứ hai của ông khi phải đi làm những công việc lặt vặt hàng ngày. Cậu bé bơ vơ lanh lợi ấy biết rằng mình có khả năng chơi cờ sắc bén. Cậu đã học được những thế cờ tại tiệm hớt tóc ở một hẻm phố. Không bao lâu những kỳ thủ dày dạn đã nhận ra được là cậu bé có thể tính trước nước cờ để dồn đối phương vào thế bí.
Mặc dù cơn đói dằn vặt trong bụng, nhưng ông không bao giờ chểnh mảng việc học tập. Ông học bài bằng ánh trăng giữa đêm khuya khoắt với ánh sáng lờ mờ, và ông đã học khá giỏi trong lớp. Các giáo viên thấy rõ sự tiến bộ của ông, nhưng họ đã lo ngại cho ông là kiểu người lầm lì ít nói.
Cuộc nội chiến lan rộng đã làm đảo lộn cuộc đời của ông, đã làm ông phải trốn khỏi ngôi chùa đi vào nưoi hoang vu trong rừng. Khi ấy Sihanouk đã bị đảo chính lật đổ, ông đã gia nhập phong trào kháng chiến để khôi phục lại chính quyền của Sihanouk. Lời hiệu triệu của Sihanouk đã giày vò người thanh niên ấy đến nỗi Hun Sen đã bị cuốn theo sức hút của ông ta, và sẵn sàng chết cho vị hoàng thân trẻ có những cuốn phim mà ông đã xem khi còn bé. Đối với ông, Sihanouk không chỉ làm một chính khách anh hùng, mà còn là một thần tượng được phái nữ hâm mộ. Trong nhiều sự trớ trêu của cuộc đời, sau này chính Hun Sen lại là người đọ sức với Sihanouk. Vị anh hùng của thời thơ ấu đã biến thành đối thủ trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Hun Sen có thể sẽ mãi là một chiến sĩ vô danh, một người sống và chết mà thậm chí tên tuổi sẽ chẳng được ai biết đến. Nhưng ông đã dần học được cách để tồn tại. Ông đã nghiên cứu chiến thuật chiến tranh du kích và biết cách đánh lừa tử thần khi đến lấy mạng của mình không biết bao lần.
Khi gia nhập phong trào kháng chiến, ông đã không biết được rằng phe cánh này được Khơme Đỏ cầm đầu. Đối với ông, ai lãnh đạo phong trào kháng chiến này không thành vấn đề, miễn là chế độ Lon Nol đáng khinh phải bị lật đổ. Ngay cả trước khi Khơme Đỏ lên cầm quyền, Hun Sen đã chứng tỏ mình là một du kích không dễ bị đánh  bại.
Ngoài ra, ông còn thoáng nhận ra Khơme Đỏ có khả năng thuộc dạng không biết khoan dung, hay can thiệp vào chuyện người khác và đa nghi. Họ dựng lên tất cả các tình huống gây khó khăn để ngăn chặn ông cưới Bun Rany. Cuối cùng, ngọn lửa tình cảm sôi nổi của họ quá mãnh liệt đến độ ý đồ của Angkar đã bị lụi tàn. Nhưng thủ đoạn cắt đứt quan hệ giữa họ của Khơme Đỏ đã bắt đầu. Đôi vợ chồng trẻ biết được rằng đây không phải là phong trào kháng chiến thực sự mà họ muốn gia nhập. Phe đảng này đã thoái hóa thành đê tiện, hành động dã man và hạn chế tự do tư tưởng.
Hun Sen và bạn bè ông đã phải kinh hoàng vì những dòng sông vấy máu mà Khơme Đỏ đã khai nguồn. Bước ngoặt quyết định đã đến khi ông được lệnh tấn công một cộng đồng Hồi giáo nhỏ bé. Ông đã chống lại và trốn sang Việt Nam.
Bàn tay của chính ông có vấy máu không? Một cuộc điều tra về các vụ thảm sát hàng loạt đã được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ và được trường đại học Yale tiến hành đã không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy Hun Sen có dính líu tới tội diệt chủng. Thậm chí Hun Sen còn hoan nghênh cuộc điều tra ấy, và nói rằng ông sẵn sàng cởi mở về bất cứ câu hỏi thẩm tra nào. Sau khi cân nhắc kỹ, xem ra bàn tay của ông vô tội. Phản đối lại các vụ thảm sát, ông đã thấy ngày càng khó có thể ở lại bên trong phe Khơme Đỏ, và đã trốn ngay khi Pol Pot sai một nhóm tay sai giết người đi hành quyết ông.
Cậu bé đã chống lại hành động bất công bằng cách gia nhập phong trào kháng chiến này đã trưởng thành, và con người này đã chống lại một sự bất công khác bằng cách rời bỏ hàng ngũ trốn sang Việt Nam. Hành động trốn sang Việt Nam là sự chọn lựa duy nhất. Không có một tổ chức nào tồn tại ở Campuchia vào thời điểm đó dám thách thức Khơme Đỏ, lại càng không dám tuyên bố chấm dứt sự đổ máu. Ông đã phải quay sang tìm kiếm quan hệ thân thiện với thế lực ở nước ngoài.
Đó là một bước liều lĩnh, đầy những mối nguy hiểm cho cả cá nhân và dân tộc. Nguy cơ đầu tiên ông có thể vướng phải là bị phía Việt Nam bắt và giết; nguy cơ thứ hai là gây nguy hại cho các lợi ích của đất nước ông vì đưa mối lợi vào tay nước láng giềng có thế lực mạnh. Ông còn sống và các quyền lợi của đồng bào ông vẫn được giữ gìn đã là một phép màu. Những nạn nhân của cảnh thiếu ăn và bị tra tấn còn sống sót qua chế độ diệt chủng cuối cùng đã được bộ đội phối hợp của Việt Nam và quân nổi dậy của Campuchia giải phóng.
Sự rèn luyện thành một du kích và một người biết vận dụng đường lối chính trị ở trong các trường đặc công của Khơme Đỏ đã giúp ông vượt khỏi cảnh hiểm nghèo và đã cứu được mạng sống của hàng triệu người dân Campuchia. Ông lúc nào cũng xem hành trình trở về Campuchia của mình là một sứ mạng cứu dân tộc thoát khỏi cảnh diệt vong, và ông đã hoàn thành được sứ mạng ấy. Điều đó cũng dễ dàng diễn ra theo chiều hướng khác. Những người Việt Nam bắt giữ ông có thể không tin lời ông và bắn ông ngay tại chỗ.
Nếu Hun Sen bị giết thì lịch sử Campuchia sẽ hoàn toàn khác. Sự tàn sát khủng khiếp có thể còn diễn ra ở qui mô lớn hơn nhiều. Chế độ diệt chủng với 1,7 triệu người đã bị giết cuối cùng có thể sẽ lên đến 4 triệu người chết do bị đói và bệnh tật hoành hành. Và nếu Pol Pot tiếp tục tán sát thì một nửa dân số có thể sẽ bị xóa sạch. Campuchia có thể bị một thảm họa nhân đạo lớn hơn. Chắc chắn sẽ rơi vào cảnh ngộ này, vì không có một dấu hiệu nào từ Angkar của Pol Pot cho thấy có sự phát triển kinh tế hợp lý có thể diễn ra, ngoại trừ các chương trình cải cách ruộng đất đã bị thất bại.
Hun Sen đã sống qua nhiều trại giam ở Việt Nam và với ông, niềm hy vọng của hàng triệu đồng bào của ông vẫn còn. Hàng ngàn người còn ở Campuchia đã rời bỏ nhà cửa để gia nhập vào các lực lượng giải phóng. Họ khấn vái cho ngày mà chiến dịch lật đổ Pol Pot của họ sẽ thành công và mang lại lợi ích cho cả cá nhân mỗi người lẫn đời sống chính trị của đất nước sau nhiều năm trải qua đói kém.
Một phẩm chất đặc biệt trong các năng khiếu của Hun Sen là một nhà đàm phán, nên ông đã có thể thuyết phục những nhà lãnh đạo quân sự của Việt Nam tin là việc giúp giải phóng đất nước ông cũng nằm trong các lợi ích của họ. Đối với Việt Nam, điều đó sẽ là một việc phải trả giá đắt liên quan đến nhiều sư đoàn, có khả năng xảy ra tổn thất về nhân mạng, và phản ứng của quốc tế đả phá sự can thiệp kịch liệt hơn. Nhưng cuối cùng, Hun Sen có thể trình bày lý lẽ thuyết phục thành công cho cuộc giải phóng là yếu tố cần thiết để giải thoát người dân khỏi chế độ dã man. Ngay từ đầu Việt Nam bất đắc dĩ buộc phải trả đũa khi Pol Pot phát động nhiều cuộc tấn công liên tiếp vào các xã biên giới của họ.
Mặc dù Hun Sen là người chỉ đường dẫn lối, nhưng ông không thể thực hiện thành công sự nghiệp lớn lao của mình mà không có sự giúp đỡ của các đồng chí của ông, Heng Samrin, Chea Sim, Pen Sovann, và các đồng chí khác tập hợp lại để thành lập Mặt trận Thống nhất. Chỉ riêng Hung Samrin và Chea Sim đã tập trung được sự ủng hộ của hàng ngàn người ở các tỉnh miền đông, với cơn tức giận của họ đang chực chờ được đứng vào hàng ngũ chiến đấu.
Công cuộc giải phóng đã diễn biến thuận lợi. Các lực lượng của Pol Pot đã qui hàng với điều kiện dễ dàng, điều đó đã phơi bày cốt lõi giả dối của một chế độ mà Pol Pot đã ngu xuẩn và tắc trách đến độ dám tấn công Việt Nam, nhưng lại không chuẩn bị tốt để tự bảo vệ. Thế giới đã thấy ngay được chế độ của ông ta kệch cỡm đến thế nào.
Sau chiến thắng, Hun Sen và các đồng chí của ông đã bay từ thành phố Hồ Chí Minh đến Phnom Penh trên một chiếc máy bay của Việt Nam, câu hỏi quan trọng hơn hết trong tâm trí của họ liên quan đến thời gian bộ đội Việt Nam có mặt ở Campuchia: Đã lật đổ được Khơme Đỏ, họ nên rời khỏi hay họ nên ở lại?
Hun Sen nói rằng chính ông đã yêu cầu quân đội Việt Nam kéo dài thời gian ở lại để bảo đảm Khơme Đỏ bị kìm chân ở vùng biên giới Thái, để các lực lượng Campuchia mới thành lập có thể xây dựng thêm và trang bị vũ khí. Sự rời khỏi ngay của Việt Nam cũng được xem như là mở cửa hậu cho Pol Pot quay lại. Chế độ mới còn dễ bị lung lay đến nỗi các nhà ngoại giao cho là phe Khơme Đỏ chẳng mất mấy tháng có thể đánh lật ngược trở lại đến thủ đô.
Khi đảng của ông, KPRP đã đưa nhân vật trẻ trung và còn non kinh nghiệm ấy lên giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, là họ đã thừa nhận công lao đóng góp to lớn của ông vào công cuộc cứu nguy và bảo tồn dân tộc. Thêm một lần nữa ông đã đạt được một thành tích chưa từng có, hoàn toàn xứng đáng khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng.
Nhưng bất cứ kế hoạch nào vị Thủ tướng trẻ này đưa ra để phát triển đất nước thì đều gặp phải sự bế tắc, vì quốc gia của ông chưa được thế giới không cộng sản công nhận. Một trong những sự hối tiếc lớn nhất của Hun Sen là chính phủ của ông đã bị từ chối các khoản vay để xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất, chẳng hạn như cầu đường, nhà máy phát điện, phi trường và hải cảng. Vì vậy, dù ông đã cứu nhân dân thoát khỏi cảnh chết chóc, nhưng ông đã không thể làm được gì nhiều để cải thiện cuộc sống của họ.
Cái thực tại bất ổn này đã dần thuyết phục cựu binh du kích vốn không biết nhượng bộ này phải thương lượng với các địch thủ của ông. Bước kế tiếp là các cuộc đàm phán hòa bình với Sihanouk, nơi ông đã có được ưu thế vượt trội hơn vị Hoàng thân đã mệt mỏi mà sau đó phải khen ngợi ông về các nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho Campuchia. Sihanouk nói rằng Campuchia cần có nhiều người như Hun Sen. Cuối cùng vào năm 1991, Hiệp định Hòa bình đã được ký. Vào thời điểm ấy, Hun Sen, Heng Samrin và Chea Sim thấy cần phải rời khỏi chủ nghĩa cộng sản và lèo lái đảng của họ hướng tới các cuộc bầu cử.
Chưa bao giờ đối đầu với một cuộc bầu cử trong cuộc đời, Hun Sen đã bất ngờ bị lôi kéo vào cuộc vận động tranh cử, chủ tọa các buổi mít tinh ở ngoài phố và tranh giành để vượt lên trước các đảng khác. Ông đã học được cách làm thế nào để trở thành một người theo chế độ dân chủ, nhưng chưa được chuẩn bị để đối phó với dư luận của nhân dân trong cuộc bầu cử năm 1993.
Ông đã bị thất bại.
Ranariddh chiến thắng và trở thành Thủ tướng thứ nhất. Hun Sen được bổ nhiệm làm Thủ tướng thứ hai. Chính phủ liên hiệp khập khiễng của họ chỉ kéo dài cho tới lúc Ranariddh bắt tay với Khơme Đỏ, và bí mật nhập khẩu vũ khí. Hun Sen đã xem Ranariddh như một mối đe dọa cho sự ổn định, và đã lật đổ ông ta vào năm 1997 sao những cuộc giao tranh đẫm máu trên đường phố.
Thình lình, con người bị cái bóng của Ranariddh che khuất đã xuất hiện như một nhân vật quyền lực. Ông đã lên nắm chính quyền và kiểm soát chính quyền chặt chẽ. Người đàn ông trẻ ấy đã sống bên khẩu súng, đã từng dùng súng, đã thông sạch nòng súng và đã để khẩu súng lục trở lại bao súng của ông.
Nhưng hình ảnh của Hun Sen phần  nào bị hoen ố bởi bị cho là có các mối liên hệ với một người giàu có nhất ở Campuchia, Theng Bunma. Vào ngày 22 tháng 6 năm 1998, Thái Lan đã ra lệnh bắt Bunma với tội danh giả mạo, cho rằng ông ta đã dùng hộ chiếu Thái bằng một cái tên giả. Ông ta cũng bị điều tra ở HongKong vì bị cho là sử dụng hộ chiếu giả để đăng ký công ty Thai Boon Roong của ông ta. Nhưng ở Phnom Penh, Bunma vẫn còn là một nhân vật có thế lực. Ông sở hữu một khách sạn lớn, và là Chủ tịch của Phòng thương mại Campuchia. Bunma đã bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, vì họ nói là đã có bằng chứng cho thấy ông ta có dính líu tới vụ buôn ma túy; tuy nhiên, ông ta đã bác bỏ lời buộc tội ấy. Nhưng đã có lần, ông ta thừa nhận đã cung cấp hàng triệu đô la để tài trợ cho các cuộc vận động chính trị của Hun Sen.
Không bị chi phối bởi các vấn đề ngoại cảnh của Bunma, Hun Sen đã hoàn toàn để hết tâm trí vào cuộc bầu cử trong năm 1998. Đảng của ông đã giành được thắng lợi thuyết phục, nhưng đã không có đủ hai phần ba đa số phiếu để lên cầm quyền.
Một lần nữa, khát vọng của Hun Sen đã bị ngăn lại. Ông đã đi nước cờ dân chủ, theo các quan sát viên quốc tế thì cuộc bầu cử được xem là công bằng, tuy nhiên, ông chưa thể thuyết phục được các nước ủng hộ mình.
Hiện tình có thể là như vậy, nhưng dường như không có sự lựa chọn nào ngoài Hun Sen. Ông là người duy nhất đủ bản lĩnh điều khiển một đất nước đã bị phân hóa bởi cuộc nội chiến, tàn quân du kích Khơme Đỏ, các tên cướp và những kẻ bắt cóc.. Ông và các thủ lĩnh trong đảng của ông, Chea Sim và Heng Samrin vẫn còn là những người lãnh đạo Campuchia.
Một lần trước đây người dân Campuchia đã liều lĩnh đặt tương lai của họ vào bàn tay của một người đã giải thoát họ khỏi Khơme Đỏ. Thêm một lần nữa, các kết quả của cuộc bầu cử năm 1998 cho thấy dân chúng đã sẵn sàng liều thêm một lần nữa: đặt ông lên làm nhà lãnh đạo tương lai của họ. Đó chính là cơ hội mà ông đã chờ đợi.
Campuchia chỉ có thể được điều hành bởi một con người hầu như hoàn toàn đáng tin cậy, một con người xuất chúng. Hun Sen đã đáp ứng được điều đó bằng cách trở thành một con người đúng như thế.
Dân chúng Campuchia đang đặt ra các câu hỏi sâu sắc – Tương lai của Campuchia dưới trào Hun Sen sẽ như thế nào? Ông có thể đoạn tuyệt với những sai lầm trong quá khứ không? Ông có thể cải tổ lại chính phủ để chấm dứt tham nhũng và làn sóng bạo lực dâng cao không?
Một học giả uyên thâm về chính trị ở Phnom Penh đã vận dụng mọi cách để cố gắng trả lời cho các câu hỏi gây nhiều tranh cãi này. Sự nhất trí vào đầu năm 1999 là với các mối quan tâm trên hết của ông, Hun Sen có thể, và điều đó giải thích cho nhiều vấn đề gây tranh cãi, nhưng chỉ với những người có thế lực bên trong giới bạn bè thân cận của ông và bên trong đảng CPP, để gửi đi một thông điệp rõ ràng tới cộng đồng quốc tế là ông quyết tâm tuyệt giao với quá khứ ấy, và để cho thấy dấu hiệu về sự cam kết của ông với việc kiến tạo một chế độ minh bạch. Người ta cho rằng Hun Sen khó có thể cắt đứt các mối quan hệ với những vẫn còn trung thành với ông.
Tuy nhiên, điểu trở nên cần thiết đối với Hun Sen là bắt đầu nghĩ tới việc dẹp bỏ nhóm giật dây đang chú ý tới cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2003. Các cử tri Campuchia sẽ đánh giá nhiệm kỳ Thủ tướng của ông với cách nhìn phê phán. Họ sẽ không chỉ để mắt đến sự cống hiến của ông vào việc cải thiện đời sống của họ; họ sẽ đánh giá ông qua phẩm chất của những người trong chính quyền của ông. Ông đã ý thức được về các nhu cầu của dân chúng và biết rằng mọi hành động của mình sẽ bị họ phê phán đến nơi đến chống. Ông đă bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng của mình với nhiều sự ủng hộ và cảm tình của nông dân Campuchia, nhưng ông biết rằng cũng chính những người dân này đã không tán thành về các hành động của cán bộ nhân viên chủ chốt của ông.
Việc bỏ đi những người đã từ lâu trung thành với mình nói thì dễ hơn làm. Vì vậy, ông nghĩ rằng sửa đổi họ có thể dễ thực hiện hơn thay vì sa thải họ. Vào giữa năm 1999, ông đã cảnh báo với các đảng viên của mình là hãy dẹp bỏ hành động tham nhũng và hành vi thiếu đạo lý. Tại một đại hội đảng được giữ kín gồm 200 đại biểu, Hun Sen đã nói “Nếu bất cứ viên chức nào phạm phải hành vi sai trái, họ sẽ bị thay thế, nếu không sẽ bị sa thải”.
Chiến lược toàn diện của ông xoay quanh sự ăn khớp của ba yếu tố - sự ổn định chính trị, nguồn viện trợ và sự đầu tư nước ngoài. Rõ ràng là ông đã sử dụng quyền lực cần thiết để mang lại sự ổn định chính trị mà các doanh nhân nước ngoài và địa phương mong muốn. Điều đó còn cho thấy rõ là ông sẽ không khoan nhượng với bất cứ sự bất đồng quan điểm chính trị nào, nếu điều đó gây thiệt hại cho cơ cấu ổn định chính trị. Với các nguồn viện trợ lớn cho Campuchia, Mỹ, Nhật Bản và châu Âu ủng hộ chính phủ của ông, điểu đó xem ra quốc gia của ông sẽ nhận được hàng tỷ đô la tài trợ cần thiết để xây dựng đường sá, cầu cống và phi trường. Với sự ổn định chính trị và cơ sở hạ tầng vật chất thích đáng, vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi nguồn vốn đầu tư của các công ty tuôn vào để tạo ra việc làm và đưa người dân Campuchia đến gần hơn với giấc mơ hòa bình và thịnh vượng.
Có lần, Hun Sen đã nói với chúng tôi “Tôi muốn xây dựng nền kinh tế của chúng tôi giống như các nhân vật xuất chúng khác ở Đông Nam Á đã làm”.
Ông muốn biến Campuchia thành một con hổ kinh tế châu Á khác. Nhân dân Campuchia còn tạo cho ông thêm một cơ hội để thực hiện lời hứa của mình.

HẾT

Xem Tiếp: ----