Dịch giả: Đặng Phi Bằng
- 8 -
SỰ LY KHAI

Ông cảm thấy lúc nào cũng bị hàng ngàn con mắt của Angkar theo dõi. Ông cảm thấy không yên. Ông đã phải chấp nhận các nguyên tắc tàn bạo, khắt khe trong nhiều năm cho tới khi ông không còn có thể chấp nhận được nữa. Ông sẽ phải trả giá đắt cho việc phản đối quyền lực của họ khi ông chống lại tổ chức. Khi ấy họ sẽ quản thúc vợ ông. Hàng ngàn con mắt theo dõi của nhiều người Campuchia giống như những mắt của quả dứa, bấy giờ cô ta cũng bị như vậy.
Hun Sen nói “Tôi đã trở thành kẻ thù của Angkar, vì vậy vợ tôi phải bị giam giữ. Chẳng ai còn có thể tin tưởng được nữa khi chồng họ tham gia việc chống lại tổ chức:.
Bằng cách hết sức lén lút Hun Sen bắt đầu bí mật chống lại Khơme Đỏ. Nhưng không kết quả. Vì vậy vào ngày 20 tháng 6 năm 1977, ông phát động cuộc đấu tranh công khai chống lại hành động tàn bạo điên rồ của họ. Trước khi sự cai trị khát máu của họ bất ngờ kết thúc vào hai năm sau đó, họ đã giết khoảng 1,7 triệu người dân Campuchia bằng cách hành quyết, tra tấn và bỏ cho chết đói.
Dù trước khi sự giết chóc xảy ra rõ ràng theo ý đồ diệt chủng, nhưng ngay đầu năm 1974, Hun Sen đã hiểu rõ và thừa nhận những sai lầm của Khơme Đỏ.
Ông nói “Vào lúc đó, chúng tôi không biết Pol Pot là ai. Chúng tôi chỉ biết Sihanouk và Penn Nouth (một người trung thành với Sihanouk, đã làm Bộ trưởng trong chính phủ trước đây của hoàng thân)”.
Bảy năm của ông trong hàng ngũ Khơme Đỏ từ ngày 14 tháng 4 năm 1970 tới ngày 20 tháng 6 năm 1977 không phải là hoàn toàn bỏ đi. Khơme Đỏ đã huấn luyện ông chiến đấu và suy nghĩ giống như một người du kích. Họ dạy ông chiến thuật quân sự kiểu cộng sản mà sau này đã tạo cho ông có sự sắc bén hơn đối phương của mình.
Vị trí đầu tiên của ông trong Lực lượng Vũ trang Cách mạng Khơme Đỏ là nhiệm vụ của một chiến sĩ tình nguyện, thường được xem giống như “ chiến đấu chống lại sự xâm lăng của đế quốc”.
Ông kể “ Chúng tôi là những người lính không lương. Chúng tôi đã phải sống với biết bao khó khăn “.
Ông nổi bật so với những chiến sĩ còn lại. Ông được cấp chỉ huy cao trong quân đội để ý đến. Do được học hành tốt hơn, ông được rất nhiều lính tình nguyện thất học kính nể mình, gọi ông là “guru “. Cậu con trai ấy đã gia nhập du kích cùng với 500 thanh niên, được bầu làm thành viên của nhóm lãnh đạo và sau khi được huấn luyện, cậu đã lãnh đạo một trung đội gồm 48 chiến sĩ.
Cuộc thử lửa đầu tiên sau khi được huấn luyện chỉ trong hai tuần, những chiến sĩ tình nguyện còn búng ra sữa được chia thành các đơn vị. Chỉ trong hai ngày, Hun Sen đã trở thành người lãnh đạo chi đoàn khi lần đầu tiên ông nếm mùi của chiến trận. Ông đã được lệnh đi chiến đấu chống lại quân Mỹ và quân miền Nam Việt Nam xâm nhập vào huyện Snoul của Campuchia ở tỉnh Kratie vào ngày 1 tháng 5 năm 1970. Trong một lần giáp mặt với trận chiến đấu bất ngờ, ông đã đương đầu với quân đội hùng mạnh nhất của thế giới, đó là quân Mỹ. Kết quả thì dễ dàng có thể biết trước.
Lực lượng của Mỹ được Jeoffrey Blume chỉ huy, người này đã trở lại Campuchia vào thập niên 1990, là một thương gia và là chủ tịch của hội đoàn Phật giáo Phnom Penh thuộc Rotary Club (một tổ chức quốc tế phi chính phủ chuyên làm công tác nhân đạo và từ thiện ).
Hun Sen kể “ Chúng tôi bị lực lượng Mỹ đánh bại vì chúng tôi là một toán quân nhỏ và còn mới mẻ, đã phải chống cự với lực lượng có quy mô lớn, bao gồm xe tăng và máy bay. Trong số 48 lính trong trung đội của tôi chỉ còn lại 16 người. Một số chết, một số bỏ trốn, một số đào tẩu tới các thành phố và hiện giờ có một người đang sống ở Mỹ “.
Với tiếng cười khe khẽ, ông nhớ lại tình trạng tan tác của đơn vị mình.
Ông kể “ Trận đánh ở Snoul đã làm kiệt quệ đoàn quân của tôi nhanh đến nỗi mình đang là trung đội trưởng trở thành tiểu đội trưởng của một toán quân nhỏ. Sau đó chúng tôi được sát nhập vào một đơn vị khác và tôi lại trở thành trung đội trưởng “.
Sau đó chỉ huy trưởng cử ông đi học ở một trường đặc công ở trong rừng. Tại trường đặc công, các chiến sĩ được chuẩn bị để giữ chức vụ cao hơn và họ được lên cấp trở thành người chỉ huy hoặc cán bộ huấn luyện. Sau một năm ông tốt nghiệp và được chỉ định làm đại đội trưởng phụ trách hơn 130 lính. Ông cũng là một người huấn luyện, dạy chiến sĩ xem bản đồ, sử dụng la bàn và ống nhòm. Angkar dành các công việc như vậy cho những người tốt nghiệp trung học.
Ông kể “ Trong số 78 người được huấn luyện cùng đợt, tôi là người duy nhất còn sống sót. Một số chết khi chiến đấu với quân Mỹ, nhưng phần đông bị chết trong những năm khi Pol Pot cai trị đất nước. Ngay cả tôi là người sống sót thì cũng là một thương binh”.
Tầm ảnh hưởng của Hun Sen trong Khơme Đỏ chỉ trong phạm vi quân sự. Là một cán bộ quân đội, ông không cần phải phát triển các mối liên hệ với các cán bộ chính ủy. Ông chưa bao giờ gặp Pol Pot, Nuon Chea hoặc Khieu Samphan. Nhưng ông đã gặp Ieng Sary vào cuối năm 1972, khi Sary đến vùng đã được giải phóng. Sary làm đại diện ngoại giao đặc biệt ở nước ngoài của Sihanouk. Vào thời điểm này, Hun Sen được đào tạo ở trường chỉ huy cao cấp, nơi các sĩ quan trẻ được chuẩn bị để trở thành chỉ huy trưởng tiểu đoàn và trung đoàn. Trong suốt quá trình phát triển của ông trong hàng ngũ Khơme Đỏ, ông đã được cử đi học ở các trường quân sự nhiều lần. Rõ ràng, lực lượng vũ trang Cách mạng này đã có các dự tính quan trọng đối với ông.
Ông kể “Sự thành thạo và nghề nghiệp của tôi là đi lính và thu thập tin tình báo. Cơ bản được huấn luyện thành người chỉ huy thu thập tin tình báo. Vì vậy, người ta có thể cho rằng Hun Sen có mạng lưới tình báo vững chắc trong nước và có người của Hun Sen (được cài vào) trong các đảng phái chính trị khác, là Hun Sen có thể đánh bại Khơme Đỏ nhờ vào chiến lược tình báo “.
Vào năm 1974, ông đã được đề bạt lên cấp chỉ huy trưởng một tiểu đoàn bộ binh 500 lính. Sau khi bị thương trong một vài trận chống lại lực lượng của Lon Nol, ông được chỉ định làm chỉ huy trưởng trung đoàn với hơn 2.000 quân. Các chức vụ chính thức của ông là: Trưởng ban tham mưu trung đoàn đặc công từ năm 1975 và Phó tham mưu trưởng trung đoàn đặc công từ năm 1977.
Ông nói “Tôi đã dùng lực lượng này làm công cụ để đấu tranh trước hết để chống lại Lon Nol và sau đó chống lại Khơme Đỏ".
Tại sao ông và hàng ngàn thanh niên vẫn tiếp tục phục vụ Khơme Đỏ, dù họ đã không còn ưa phe cánh này?
Hun Sen cho biết “ Nhưng chúng tôi có thể đi đâu? Chúng tôi là những con tin của chiến tranh. Chúng tôi tin chắc những điều khủng khiếp ấy do Pol Pot gây ra, nhưng thậm chí khi ấy chúng tôi cũng không biết đi đâu. Những người đã trốn sang Việt Nam, đã bị Việt Nam trả về cho Pol Pot, chỉ còn nước chết dưới tay ông ta ».
Ông nói tiếp «  Tôi căm ghét Khơme Đỏ. Các cảm nghĩ chống Khơme Đỏ của tôi đã xuất hiện khi Sihanouk còn cầm quyền. Nhưng tôi đã gia nhập du kích vì hai lý do: Thứ nhất, làm sao tôi có thể đứng yên khi Mỹ cho quân đổ bộ và dội bom xuống Campuchia? Đó là một sự xâm lược của ngoại bang vào một đất nước bình yên ».
Lý do thứ hai, ông nói là lời kêu gọi không thể cưỡng lại được của Sihanouk, một nhà lãnh đạo trẻ của họ có sức lôi cuốn quần chúng. Các thanh niên lớp lớp lũ lượt gia nhập du kích để bảo đảm Sihanouk được trở lại cai trị. Hun Sen đã giao số phận mình cho Khơme Đỏ mà không hay biết.
Ông nói « Tôi không biết là tất cả những người này thuộc Khơme Đỏ. Tôi chỉ hưởng ứng lời kêu gọi của Hoàng thân Sihanouk. Vào năm 1974, tôi đã nhận ra được không phải là Sihanouk mà Khơme Đỏ điều khiển mọi việc ».
Hun Sen và những thanh niên yêu nước của ông đã biết các tội ác mà Khơme Đỏ đang phạm. Có Sihanouk đã tạo thêm cho phe du kích tiếng tăm nể phục mà không ai có thể tin được các cán bộ cao cấp có thể chỉ thị cho thảm sát hàng loạt và những kẻ đó liền đổ lỗi cho các cấp dưới của họ. Họ đã lầm. Các quyết định ấy được đưa ra từ người có chức vụ chóp bu. Cuối cùng, không phân biệt thanh niên Campuchia theo phe nào – Khơme Hồng hay Khơme Xanh – vì tất cả người Campuchia đều là con tin của cuộc nội chiến đang lan rộng.
Khi chế độ Lon Nol bị hy sinh nhiều quân từ các cuộc tấn công của Khơme Đỏ được duy trì liên tục, tình trạng đó đã khiến cho họ phải cố gắng tuyển mộ được những người có khả năng hơn, và ngay cả Hun Sen cũng được ra sức thuyết phục đứng vào hàng ngũ của họ.
Hun Sen kể « Tôi có một vài người bà con ở phía Lon Nol. Một trong những người ấy là Nou Thol, một tướng hai sao. Họ đã yêu cầu tôi vào thành phố. Thậm chí còn hứa cho tôi cấp đại tá ».
Tướng hai sao này đã phái một toán sĩ quan tới nói chuyện với Hun Sen và rủ rê ông vào thành phố. Nhưng ông không đi.
Hun Sen nói « Dù tôi có đi vào thành phố tôi sẽ vẫn là một người lính. Và dù tôi có ở lại vùng giải phóng thì tôi cũng sẽ chẳng khác gì hơn. Vì vậy, tôi không có sự chọn lọc nào. Tuy nhiên, tôi có được thêm nhiều hiểu biết về chế độ Lon Nol qua cuộc đấu trí ấy ».
Nhưng ông không thể ở được nơi ấy nữa. Ông đã ngày càng ghê sợ những hành động dã man của Khơme Đỏ và bắt đầu nghĩ cách trốn thoát.
Khi bắt đầu chống lại Khơme Đỏ, ông đóng quân ở vùng phía đông của sông Mê kông, gần nơi cha mẹ ông sống. Ông cho biết cán bộ chính ủy Angkar đã xếp cha ông vào thành phần có « khuynh hướng chính trị cũ ủng hộ chế độ quân chủ, tư sản và lối sống giàu có ». Ông đã quyết định rời bỏ Khơme Đỏ khi hơn 10 người chú bác và cháu trai đã bị Khơme Đỏ giết.
Kế hoạch dựng lên một mạng lưới bí mật được tiến hành nhanh khi Hun Sen được cho vào một bệnh viện tiền phương, nơi có nhiều thời gian hơn để mưu tính các bước hoạt động của mình. Nhưng mạng lưới ấy đã bị sụp đổ khi trong số các thành viên thì 8 người đã bị bắt.
Ông kể « Sau đó chúng tôi quyết định chọn một đường lối khác. Chúng tôi không còn hoạt động bí mật nữa ».
Hun Sen thường làm những gì ông được yêu cầu. Thời kỳ ở trong hàng ngũ Khơme Đỏ, ông đã trải qua quá trình huấn luyện quân sự và tấn công các lực lượng của Lon Nol. Nhưng khi ông được cán bộ chỉ huy cấp trên yêu cầu tiến hành một cuộc tấn công tàn bạo vào cộng đồng người Hồi giáo Campuchia, ông đã từ chối. Sự kiện bất ngờ ấy xảy ra vào ngày lễ Phchum Bun, một ngày tang tóc của năm 1975. Hun Sen trước đấy đã bị ốm và được phép nhập viện. Khi ấy, ông đang làm trưởng ban tham mưu trung đoàn. Một vài ngày sau, ông ra viện và bị thuyên chuyển sang tiểu đoàn bộ binh gồm khoảng 600 quân, rồi tiểu đoàn pháo binh khoảng 100 quân.
Vào một ngày cuối năm 1976, ông nhận được lệnh chuẩn bị lực lượng sẵn sàng vào lúc 2 giờ sáng. Hun Sen đoàn là mình sẽ được chỉ thị tấn công Việt Nam vì quân của ông đang đóng quân không xa biên giới với Việt Nam. Vào lúc 11 giờ ông được cho biết sẽ có lệnh đi tiêu diệt một cuộc nổi dậy của cộng đồng Hồi giáo ở Kroch Chhmar. Pol Pot lo ngại rằng những người theo đạo Hồi sẽ kiên quyết và đoàn kết thành một cộng đồng ; và ông ta biết họ phản đối các chính sách cực đoàn của ông ta vì đã gây ra cảnh chết đói, bệnh tật và chết chóc tràn lan.
Ông kể « Tôi không còn tinh thần, và thất vọng về chuyện dùng một lực lượng hùng hậu như thế của tôi để chống lại một cộng đồng Hồi giáo nhỏ bé không được trang bị vũ khí. Tôi từ chối mệnh lệnh đó bằng cách viện cớ là mình phải trở lại bệnh viện vào ngày hôm sau. Tôi khuyên phụ tá của mình là lực lượng của ta không thể hành quân vì hơn 70% quân số đang bị sốt rét. Tôi quay lại bệnh viện và các lực lượng của tôi không bị đưa đi tấn công những người theo đạo Hồi ».
Cũng có nhiều lần như vậy, nếu tôi thấy các mệnh lệnh của cấp trên không thể tiến hành được.
Hai tháng trước khi ra viện, Hun Sen đã nhận lệnh tấn công Việt Nam trên ba phòng tuyến dọc theo biên giới kéo dài 30 kilômét giữa Campuchia – Việt Nam.
Hun Sen kể « Tôi chỉ huy một tiểu đoàn, còn một tiểu đoàn do Heng Samrin chỉ huy. Tôi đã trì hoãn cuộc giao chiến ấy cho tới khi tôi trốn thoát. Chúng tôi lấy cớ là mình không thể tấn công vì thiếu thông tin quân báo ».
Quân ủy Khơme Đỏ và các Lực lượng Vũ trang Cách mạng vẫn nhất định giữ ý đồ của họ. Khi ấy, Hun Sen bị buộc phải tấn công Việt Nam vào năm 1977 với ý đồ dời các cột mốc biên giới và lấn sang lãnh thổ của Việt Nam. Cuối cùng, ông đã tiến hành một cuộc xâm nhập nhỏ vào biên giới để làm bằng chứng đã thực hiện nhằm thỏa mãn mệnh lệnh cấp trên.
Ông kể « Tôi chỉ dời một cột mốc biên giới vào Việt Nam khoảng 200 mét. Đây là nơi lực lượng của tôi và lực lượng của Việt Nam tấn công lẫn nhau ».
Các câu hỏi vẫn còn được đặt ra về vai trò của Hun Sen và các cộng sự của ông. Ông đã từng tấn công Việt Nam. Có phải lực lượng của một chỉ huy khác của Khơme Đỏ, Heng Samrin đã tấn công Việt Nam?
Hun Sen nói « Tôi đã rời khỏi khu vực ấy một năm trước Heng Samrin và Chea Sim. Các sự kiện bị bóp méo là tôi đã tấn công tỉnh Tây Ninh và Sông Bé của Việt Nam, vì các lực lượng ở khu vực miền đông của Campuchia, gồm cả lực lượng của Heng Samrin, không còn được Angkar tin tưởng ».
Vì thế, các cánh quân do Ta Mok chỉ huy, một cán bộ chỉ huy cấp cao của Khơme Đỏ đã được điều đến các tỉnh phía đông Campuchia để áp sát lực lượng của Heng Samrin. Họ buộc Heng Samrin phải tiếp tục tấn công.
Các cuộc giao tranh nhỏ đó tạo cho Hun Sen cơ hội bằng vàng để trốn sang Việt Nam. Tình thế ông không còn có thể ở lại Campuchia. Chắc chắn ông sẽ bị Pol Pot bắt giết.
Hun Sen kể « Đúng là Pol Pot đã sai lính đi giết tôi. Nếu tôi không quyết định tấn công và chống cự vào ngày đó tôi chắc đã bị toi mạng. Vào ngày tôi bỏ trống sang Việt Nam vào tháng 6 năm 1977, chỉ huy của tôi đã bị bắt. Một người đi xe gắn máy đã đón tôi ở trung đoàn gần Memot và đưa tôi tới một tiểu đoàn gần đó. Ở đó, tôi đã gặp bạn bè, khoảng 30 người là những cán bộ chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn. Tôi biết tất cả họ đều đã bị bắt. Tôi thấy rất khó quyết định. Tôi phải làm gì để giải thoát họ? Lúc ấy một giải pháp chợt nảy ra: chỉ có cách duy nhất là giết tên chỉ huy đang nói chuyện với tôi ».
Bình thường, Hun Sen mang hai khẩu súng ngắn. Một khẩu giấu trong túi xách của ông. Khẩu kia đã nạp đạn được đeo bằng dây da ở sau lưng.
Hun Sen kể “ Tôi đã ba lần cố lấy súng khỏi túi xách để giết tên chỉ huy ấy. Tên chỉ huy này nhỏ con hơn tôi và hắn ta có một khẩu súng ngắn giấu ở dưới nách, vì vậy tôi biết hắn sẽ không thể móc súng ra ngay được. Lần đầu tôi với tay vào túi xách mà quyết định không móc súng ra, thay vào đó tôi lấy ra một cuốn sách. Lần thứ hai tôi lại chần chừ và thay vì móc súng ra, tôi lôi một cây viết ra. Lần thứ ba tôi vẫn do dự, rồi tôi lấy ra cây thước kẻ”.
Tại sao ông lại do dự?
Ông nói “ Sở dĩ như vậy vì nếu tôi giết tên chỉ huy ấy tôi sẽ phải ra lệnh cho tất cả lực lượng ở đấy tấn công đồng loạt. Vào thời gian đó, trong quân đội không dễ gì hiểu rõ được nhau. Nếu tôi giết tên chỉ huy này mà mình không biết chắc lính có theo tôi hay không hoặc liệu một số họ sẽ cố tình giết tôi hay không. Lúc ấy chúng tôi chắc chắn sẽ tự biến mình thành những kẻ sát nhân. Vì thế, tôi cố gắng tìm lối thoát khỏi tình huống đó bằng cách báo cáo với tên ấy về vị trị của tất cả các lực lượng”.
Bị ép buộc, Hun Sen đã nói cho tên chỉ huy biết ông vẫn còn 1.776 lính dưới quyền chỉ huy của mình. Ngay cả sau khi ông đã nói rõ các thông tin đó, tên chỉ huy này vẫn ở lại đó. Ông ta tịch thu hết tất cả điện thoại, các đồ trang bị và đưa đi tất cả các vũ khí hạng nặng, như súng DK-75 và 20 ly.
Sau đó, Hun Sen bị ép buộc phải viết thư viện cơ chính đáng để bắt tất cả các cán bộ chỉ huy trong vùng, họ là bạn bè và đồng nghiệp của ông. Vào thời điểm ấy hầu hết các cán bộ chỉ huy đều sợ ghi tên mình vào bất cứ giấy tờ nào, họ chỉ muốn người khác chịu trách nhiệm. Sở dĩ như vậy vì nếu có bất cứ điều gì sai sót, thì Pol Pot sẽ gán cho họ chịu trách nhiệm.
Vì vậy, Hun Sen được bảo phải viết là các cán bộ chỉ huy (lúc bấy giờ) được Angkar triệu tập đi huấn luyện và được lệnh xuất phát vào cùng buổi chiều. Nhưng tên chỉ huy này đã không chú ý tới một câu được Hun Sen đã khéo đùa thêm vào lá thư: Là Hun Sen đã rủ tất cả các cán bộ chỉ huy ấy bỏ sang Việt Nam với ông.
Ý tưởng trốn sang Việt Nam là điều mà Hun Sen nghĩ sẽ bị người ta nguyền rủa, ông đã bị gieo rắc sự nghi kỵ Việt Nam ăn sâu trong mình. Giống như hầu hết các thanh niên Campuchia, ông tự hào về chế độ quân chủ, nền độc lập của quốc gia mình và ông đã nhìn Việt Nam bằng con mắt nghi ngờ?
Hơi mỉm cười, ông kể “ Từ khi còn bé, thực sự tôi không có quan hệ tốt với Việt Nam. Thanh niên Campuchia và thanh niên Việt Nam học cùng trường ở Phnom Penh bị chia rẽ và không có quan hệ tốt với nhau”.
Trong các ngày lễ nghỉ học, ông làm nhân công lao động tại công trường xây dựng ở Phnom Penh, nơi một Học viện kỹ thuật đang được xây dựng. Các công nhân Việt Nam và Campuchia thường xuyên cãi nhau, khi chủ nghĩa dân tộc lóe lên đã kích động bên trong mình, ông không thể giữ được mối quan hệ giao hảo với các công nhân Việt Nam. Ông đã ngày càng tỏ ra có quan hệ lắm cái thích cùng nhiều điều ghét không rõ ràng đối với họ. Không lâu sau khi gia nhập du kích, ông đã sống một thời gian ngắn trong cùng trại với bộ đội miền Bắc Việt Nam đang hợp tác với những người theo Sihanouk.
Hun Sen nói “Đồng ý là Việt Nam giúp chúng tôi nhưng chúng tôi cũng đã cố tỏ thái độ không hợp tác với họ. Ngoài ra, Việt Nam còn giúp chúng tôi vào năm 1970 theo lời yêu cầu của Sihanouk. Việt Nam sẵn lòng cung cấp gạo ngon cho chúng tôi, giữ gạo xấu lại ăn. Vào thời điểm đó, chúng tôi thường phản đối họ, chúng tôi còn đánh cắp vũ khí trong kho của họ khi họ không có mặt, vì Campuchia không có đủ để trang bị. Tôi cũng đã dời các cột mốc biên giới sang phía Việt Nam, khiêu khích nhiều cuộc giao chiến giữa lực lượng của tôi và quân Việt Nam “.
Đối với ông và quân du kích của ông, hoàn toàn không có kế hoạc được tính trước để trốn sang Việt Nam.
Hun Sen kể “Chúng tôi suy nghĩ cả đêm liệu chúng tôi nên làm gì trước khi bỏ trốn sang Việt Nam. Vào lúc 2 giờ sáng (ngày 20 tháng 6 năm 1977), chúng tôi đã quyết định vượt biên giới sang Việt Nam.Chúng tôi đã không có các kế hoạch hành động như vậy”.