Hình ảnh của căn nhà mang số 71 Hàng Bè, ở Huế, đã ăn sâu vào tâm khảm của tôi. Có lẽ vì đó là nơi tôi được sinh ra và lớn lên trong tuổi thơ. Dưới mắt tôi, trong suốt thời gian bé tí này, với tấm thân ốm yếu mong manh vì bệnh suyễn liên miên, với khối óc và tầm mắt hạn hẹp của một “chú bé” lên ba, lên bốn thì căn nhà này quá rộng, quá mông mênh để cho tôi chơi trò trốn tìm mà khó ai tìm ra được tôi... Nằm giữa một dãy phố êm đềm, cổ kính rêu phong, con đường Hàng Bè chạy dọc bờ sông Hương với hàng cây xanh mướt. Sông Hương soi bóng bốn mùa, chùa Diệu Đế im lìm trầm tư bên tê bờ sông là hai hình ảnh đập vào mắt tôi mỗi buổi sáng khi vừa mới thức dậy, như muốn chào đón một ngày mới êm đềm của chú bé con. Những ngày tháng đầu đời sống trong căn nhà này, hình như tôi không được sống gần Ba. Nhưng lạ thay,tôi cũng không bao giờ cảm thấy một sự thiếu vắng hình bóng của Ba tôi, vì sự hiện diện của ba bên cạnh tôi được biểu hiện qua những đồ chơi mà Ba từng nâng niu mang về từ một thành phố xa xôi cho “con trai” của Ba: khẩu súng lục bắn nước, cây súng trường có đầu đạn bọc cao su bắn dính lên tường, đoàn xe lửa chạy quanh đường rầy, chiếc trực thăng bằng sắt xinh xắn như thật...những đồ chơi mà tất cả những bé trai khác đều mơ ước. Những lúc ba về thăm nhà, tôi lại tạm bỏ rơi món đồ chơi thân thiết của tôi là đống vỏ hộp thuốc (dấu tích của bệnh suyển đã đày đọa thể xác nhỏ bé của tôi qua nhiều năm tháng).Tôi thường say mê xếp, chồng để xây nhà xây lầu như các trẻ em ngày nay chơi trò lego. Sau này lớn lên tôi mối hiểu: thời gian đó, Ba đi làm xa ở tận Đànẵng, lo tạo sự nghiệp, xây cất nhà cửa để chuẩn bị đón gia đình vào lập nghiệp. Tôi còn được biết thêm: trên tôi còn có hai chị Manh Manh và chị Bướm đã theo Ba tôi vào sống ở Đà Nẵng để tiện việc học hành. Mạ ở lại Huế một mình tần tảo buôn bán nuôi con và cáng đáng một gia đình gồm có Mệ nội, ba đứa con thơ, ba đứa em là cậu H., Cậu Th., dì Dung. Cộng thêm một đoàn thanh niên tuổi từ 15 đến 19 từ quê vào Huế học...nào là chú L., chú H.,...em cô cậu của Mạ: nào là chú T., chú Q...em chú bác của Ba; anh Đ., cháu gọi Ba bằng chú. Ôi chao! Nghĩ lại mới thương cho dì Dung của chúng tôi chứ, lẻ loi giữa một đám ông tướng ở tuổi vị thành niên khó tính, khác nào hoa lạc giữa rừng gươm!!!. Dì tôi hiền lành, dịu dàng, mộc mạc, nhưng tâm hồn ướt át ghê lắm. Dì thương tôi và chăm sóc tôi như chị cả lo cho em út. Tuy tôi có Mạ thương, có Mụ Xạ (bà vú của chị em tôi) cưng tôi như trứng mỏng, nhưng dì là người kề cận tôi như hình với bóng... Ngoài những giờ đi học và học bài, dì và tôi quấn quít bên nhau, cùng ăn, cùng ngủ, cùng đi chơi... Dì dạy tôi đọc thơ Tản Đà, Nguyễn Khuyến, bà Huyện Thanh Quan...mặc dù tôi mới lên bốn lên năm. Sau nhà là một chiếc sân hẹp và sâu nối liền nhà trên với nhà bếp núp tận cuối vườn, nơi có đám cây rũ tàng lá dài đong đưa theo gió, kĩu kịt trong đêm làm tăng thêm cảm giác rờn rợn sợ ma lúc chiều trở tối. Giữa sân bên trái là hàng cau thẳng tắp, vươn cao, tắm ánh trăng ấm, với những buồng hoa trổ màu ngà quí phái..Cạnh bờ dậu ngăn cách với vườn hàng xóm, tọa lạc một cây khế tỏa bóng sum sê. Đến mùa, hoa tím thơ mộng rụng đầy một khoảng sân như xác pháo hồng ngày cưới...Cho đến bây giờ tôi vẫn còn mê man với cảm giác lâng lâng được nằm trên chiếc giường tre kê ngoài sân, hít hương cau thoang thoảng hoặc cảm giác nhột nhạt hứng hoa khế lả tả rụng hôn lên má khi có một cơn gió nhẹ thổi qua. Vừa nằm ngắm sao, vừa nghe Dì đọc thơ và dạy tôi lập lại từng câu để thuộc lòng những vần thơ nhẹ nhàng xao xuyến: Gặp em thơ thẩn bên vườn Hạnh Hỏi mãi mà em chẳng trả lời... .......... Ao thu lạnh lẽo nước trong veo Một chiếc thuyền con bé tẻo teo... ........... Làm trai đứng ở trong trời đất Phải có danh gì với núi sông... ............. Những vần thơ cứ lướt vào tâm trí thơ ngây một cách dễ dàng. Sau này khi vào Trung học, gặp lại những bài thơ xưa, lòng tôi bồi hồi rung động như gặp lại cố nhân. Khung trời tuổi thơ của tôi còn ghi dấu một kỷ niệm khó quên. Đó là trận lụt đầu thập niên 50. Có một ngày nước sông Hương dâng ngập đường sá phố phường. Nhà tôi cách mặt đường khá xa. Muốn vào nhà phải bước lên hai bậc thềm cao, thế mà hôm đó, nước tràn vào, dâng cao hơn nửa thước. Suốt ngày, bầy trẻ chúng tôi phải bó gối ngồi trên bàn ăn. Người lớn thì kẻ bơi, người lội bì bõm để dọn nhà, vớt đồ đạc trôi lềnh bềnh khắp nẻo. Mọi người chắc lo âu lắm, nhất là Mạ, thời đó đang buôn bán, hàng hóa chất đầy nhà...Chỉ có bọn trẻ như tôi thì vô tư thích thú với cảnh nhộn nhịp chung quanh. Từ trong nhà ra đến ngoài đường, một biển nước mênh mông trải dài ngút ngàn không thấy bến bờ chi nữa. Xa xa chỉ còn lờ mờ bóng dáng chùa Diệu Đế bên nớ chắc cũng ngập nước như bên ni.!!! Hàng chục chiếc đò ngày thường cắm sào dưới sông Hương, hôm nay lại cặp bến ngay trước nhà tôi. Ôi chao, rộn ràng inh ỏi như một cái chợ nổi! Phần tôi thì thích quá, nhờ nước lụt mà nhà tôi biến thành bến đò, rầm rầm vui như ngày hội. Nhất là về đêm, đèn đuốc thắp sáng trưng trên thuyền, tạo nên một cảnh hội hoa đăng lập lòe trên sóng nước. Mãi cho đến giờ ăn, tôi mới thấm thía cái mùi lao khổ của dân Huế gánh chịu bão lụt: ăn cơm chan nước chè xanh, nêm thêm chút muối cho..dễ nuốt vì chợ đò không có, thức ăn không còn.Tuy nhiên, tuổi thơ mau quên, tôi lại tiếp tục vui theo cảnh nước lụt khi cùng em tôi vắt vẻo trên thềm nhà, thi nhau chỉ chỏ, reo hò khi chị Sắc anh Lực đang lội bì bõm trong sân nhà để vớt khế rụng. Đã hơn năm mươi năm qua, tôi không còn nhớ tối hôm đó tôi ăn cái gì? Gia đình tôi có được một bữa canh khế thay nước chè xanh hay không nữa? Một sáng đẹp trời vào vào năm 53, tôi theo Ba Mạ, Mệ Nội, Mụ Xạ và hai em Bé Tí, Bé Ti làm một chuyến viễn du bằng máy bay Air Việt Nam để vào định cư tại Đà Nẵng, thành phố cãng mang dáng vẻ tây phương bên kia đèo Hải Vân, bỏ lại sau lưng căn nhà nhỏ đã chứng kiến những ngày tháng đầu đời của tôi bên dòng Hương Giang lặng lờ muôn thuở... Chí Linh