Một năm sau ngày tôi ra đời, chiến tranh kết thúc, điều đó đồng nghĩa với sự đoàn tụ. Những người lính còn sống lần lượt trở về tron sự mừng tủi ngày sum họp. Gia đình tôi cũng khắc khoải chờ đợi ngày bố tôi trở về. Bà tôi xăng xái lo đi chợ, mua về đôi gà mái tơ: “Ðợi bố nó về rồi ăn mừng.” Trông bà như trẻ lại, những nếp nhăn trên mặt dãn ra, đôi mắt lấp lánh những tia sáng ngời. Bà nhanh nhẹn dọn dẹp, sắp lại cái này, xếp lại cái kia. Mẹ ôm tôi trong lòng, nước mắt rưng rưng nhưng môi lại cười vì hạnh phúc.
Lại một năm nữa trôi qua, những người lính còn sống sau cuộc chiến đã trở về hoặc đều có tin tức, ba tôi vẫn chưa thấy về. Ðêm đêm, chong ngọn đèn dầu, bà tôi ngồi bó gối lặng lẽ, mắt đục mờ nhìn ra bóng đêm đen đặc. Mẹ ôm tôi chặt hơn, trái tim không ngường khắc khoải, mỏi mòn trong chờ đợi. Những đêm mưa, gió quật tả tơi vào bức vách, lá rụng rào rào, bà tôi lập cập chồm dậy, quờ quạng xuống giường, ra mở cửa. Gó từ ngoài thốc vào, bóng bà nghiên ngả, xiêu vẹo. Mẹ đặt tôi xuống giường, lần mò trong bóng tối bước đến, ôm vai bà: “Mẹ”. Bà thẫn thờ, giọng nghèn nghẹn:
- Tao nghe tiếng gõ cửa, cứ ngỡ bố nó về.
Nước mắt mẹ ứa ra. Những đêm như thế, cả mẹ và bà đều không ngủ. Sáng ra, mắt hai người đỏ hoe, sưng mọng, cả hai không dám nhìn mặt nhau.
Bốn năm sau, trước khi mất, bà còn nói: Mẹ tin nó còn sống, rồi nó sẽ về...
Mẹ tôi gạt nước mắt, gật đầu. Bà nhắm mắt, buông xuôi, môi phảng phất nụ cười.
Ðám tang bà trời mưa như trút nước, trắng xoá đất trời. Mẹ tôi khăn xô, áo trắng, ướt lướt thướt, ngất rồi lại tỉnh mấy lần. Chiếc khăn tang dành cho bố tôi trước áo quan bà, phất phơ. Ði bên cạnh người hàng xóm, tôi nhìn ảnh bà, mắt ráo hoảnh. Bà hàng xóm giật tay: “Con bé này, khóc bà một tiếng chứ!”
Trẻ con không phải không biết buồn, nhưng tôi không khóc, nước mắt lặng lẽ chảy vào trong. Ðứa trẻ sáu tuổi là tôi chưa hiểu hết cái chết nghĩa là gì. Chết cũng như là một sự ra đi, tôi không còn gặp lại được bà nữa, không được bà ôm ấp, vuốt ve, nâng niu hôn hít:
- Cục cưng của bà, cục vàng của bà, lớn lên thì giống cha, giống mẹ lắm đấy. Bố mày không về mà xem con lớn!
*
Thời gian qua đi, trên bàn thờ, cạnh ảnh bà, mẹ tôi treo thêm ảnh ba tôi. Trong ảnh là người đàn ông còn rất trẻ, cao lớn và một đôi mắt rực sáng, như những đốm lửa. Những ngày giỗ, Tết, mẹ bày thêm đôi đũa, bát cơm. Tóc mẹ bạc dần. Ba tôi không được công nhận là liệt sĩ, không ai nhận được giấy báo tử của ba.
Tôi lớn lên, trưởng thành trong vòng tay chăm bẳm của mẹ, tóc mẹ thêm nhiều sợi bạc, đôi vai gầy nhô cao, những giọt mồ hôi trên trán mẹ to hơn, mặn chát hơn. Mẹ nhận thêm việc về làm, đến tận khuya. Trong giấc mơ, tôi thường nghe rõ tiếng máy may xè xè, lọc cọc của mẹ. Ðôi lúc dừng tay, mẹ quay lại, mỉm cười nhìn tôi ngủ rôi lại làm việc tiếp. Cho đến trọn đời, tôi cũng không thể quên những nụ cười ấy của mẹ, nó đã động viên tôi rất nhiều trên mỗi bước tôi đi.
*
- Chị Thương, hôm nay mình nghỉ sớm nhé! – Thùy Linh nũng nịu kéo áo tôi, đôi mắt có hàng mi cong chớp chớp, năn nỉ. Cử chỉ trẻ con đầy đáng yêu ấy làm tôi bật cười, vui vẻ gật đầu, xếp lại chồng sách vở lên giá.
- Hôm nay chị em mình đi chơi nhé. Em đưa chị đi ăn kem. Kem ngon tuyệt. Ðồng ý nha chị!
- Có chuyện phải không? – Tôi buông lời thăm dò.
- Ba em gửi thư về từ Ðại lục. Ba nói sẽ về dự sinh nhật em, nhất định em sẽ có quà và cho cả chị nữa.
- Em có người cha thật tuyệt vời, nhưng tại sao lại có chị trong đó? - Thùy Linh cất tiếng cười, lúm đồng tiền hằn sâu trên hai má trắng hồng.
- Em viết thư cho ba, nói chị là gia sư của em.
Ðã hơn hai tháng nay, tôi nhận lời làm gia sư, giúp việc học cho Thùy Linh. Trừ buổi lên giảng đường học, tuần ba buổi tôi đến nhà dạy thêm cho Thùy Linh, cô bé đang chuẩn bị thi vượt cấp. Công việc không đến nỗi vất vả, lại là chuyên môn nên tôi vừa có thêm thu nhập phụ với số tiền ít ỏi hàng tháng mẹ gửi lên, lại vừa thực hànhh những phương pháp giảng dạy đã học trên lớp. Nhà Thùy Linh rất giàu có, ba mẹ cô bé tỏ ra rất quan tâm tới việt học của con, chuyện công sá họ tính toán khá sòng phẳng.
Thùy Linh đập nhẹ lên vai tôi, ấn vào tay ly nước quả:
- Chị nghĩ gì mà thần người ra thế?
- Chị nghĩ đến mẹ, giờ này chắc mẹ đã đi làm về. Chị nhớ mẹ chị!
- Hèn chi mẹ đặt tên chị là Thương – Linh hóm hỉnh cười – có ý nghĩa ghê hén. Còn ba chị?
- Ba chị?!? Từ nhỏ cho tới giờ, chị chưa một lần biết mặt cha. Ông đã không về từ khi chiến tranh kết thúc, chị chỉ biết qua bức ảnh nhỏ xíu và qua những lời kể của mẹ. Nói chung, chị không giống ba nhiều lắm.
- Tại sao vậy? Sau cuộc chiến, những người lính còn lại đều về với gia đình.
- Ðúng, nhưng chi tin ba đã không còn. Chiến tranh không loại trừ một ai. Không có con số chính xác về những người đã xuống, có rất nhiều mộ liệt sĩ vô danh. Chắc chắn ba chị nằm trong số đó.
- Chị nghĩ vậy à?
Cả mẹ lẫn tôi đều tin rằng ba đã mất, nếu không ông đã trở về. Chiến tranh qua đã lâu, mà tôi thì đã hai mươi tuổi. Không còn gì để hy vọng. Thời gian trôi thật nhanh mà cuộc đời mỗi người đều quá ngắn ngủi. Ðêm nằm có một mình trên chiếc giường tầng ở ký túc xá, tôi nhớ tới mẹ, nước mắt ứa ra. Từ ngày bà mất, không khi nào tôi để rơi nước mắt trước mặt mọi người. Trái tim không bằng đá, nhưng chưa đến nỗi mềm để lúc nào cũng tan thành nước, nhỏ lụy khóc than. Tôi lớn lên trong sự thiếu vắng người cha mặc dù mẹ cố gắng bù đắp nỗi thiếu hụt ấy. Nhưng tôi chưa khi nào cảm thấy trọn vẹn tình yêu của người cha. Dẫu trong mơ, ba có trở về, chưa khi nào ông âu yếm tôi. Ðiều đó làm tôi đau đớn. Tỉnh dậy sau những giấc mơ như thế, tôi mệt đến rã rời thể xác.
*
Ðang nằm đọc sách, đứa bạn đến gần, nói:
- Hoài Thương, có người gặp kìa!
Tôi chồm dậy, ra là Linh. Cô bé tới gặp tôi có chuyệngì? Nó đã thi xong và tôi cũng không còn phải tới nhà dạy phụ đạo Linh nữa.
- Chị Thương, ba em đã về rồi! Ông muốn gặp chị!
- Ðể làm gì, chị không hiểu?
- Em viết thư và kể chị là gia sư của em. Co thể ba không tin kết quả thi của em nên muốn biết em học hành ra sao?
Tôi cười, cảm thấy ganh tỵ với Linh. Ganh tỵ và xót xa cho bản thân thật nhiều. Mẹ tôi vẫn còng lưng trên chiếc máy khâu cũ mòn, nhẫn nại vắt kiệt những giọt mồ hôi mặng đắng, nhặt nhạnh từng đồng gửi lên cho tôi. Mẹ thường bảo: “Nếu ba còn sống, con sẽ đỡ thiếu thốn hơn”. Có thể, nếu ba còn sống, cuộc đời hai mẹ con tôi đã khác, nhưng điều đó không khi nào thành sự thật. Và tôi vẫn mãi là đứa con mất cha. Ðôi lúc tôi có cảm giác căm thù chiến tranh, nó đã cướp đi những người thân của mình, cướp đi tuổi xuân mỏi mòn chờ đợi của mẹ. Tôi căm thù nó và ganh tỵ với những người bạn có đầy đủ bố lẫn mẹ.
Linh đưa tôì vào phòng khách, một người đàn ông đứng tuổi đã ngồi ở đó. Linh vui vẻ:
- Ba ơi! Chị ấy đây này.
Hình như ông ta đã giật mình, một cái nhìn thật lạ lướt nhanh trên mặt tôi, có cảm giác như vừa phát hiện ra điều gì, cốc nước trên tay ông sóng sánh, chao đảo:
- Cháu là Hoài Thương, gia sư của Thùy Linh?
- Dạ. - Tôi nói khẽ khàng, mắt không rời được khuôn mặt ông. Ông ta có những nét thật quen, quen đến mức sững sờ, và nhất là đôi mắt, đôi mắt giống ba tôi trong ảnh đến lạ lùng! Ðất dưới chân tôi như sụp xuống, cả căng phòng như chao đảo, tôi nhắm mắt, cố xua đi hình ảnh vừa thoáng hiện trong ý nghĩ. Ông ta là bố của Thùy Linh!
- Ba ơi, con lấy quà của ba cho chị ấy nhé!
Linh nói và chạyh đi, ánh mắt ông nhìn theo thật ấm áp, đây trìu mến. sống mũi tôi bất giác cay cay.
- Cháu ngồi đi, Hoài Thương.
Rót nước đưa cho tôi, ánh mắt ông dừng lại thật lâu trên mặt tôi. Cử chỉ bỗng vụng về: “Cháu có cái tên rất đẹp nhưng buồn”.
- Ðó là một câu chuyện, bác ạ.
- Có thể kể cho bác nghe được không?
Tôi ngập ngừng, chưa khi nào tôi kể cho mọi người nghe vì sao tôi mang cái tên buồn đến thế. Mắt ông ta nhìn tôi cầu khẩn.
- Nó gắn với sự chờ đợi của một người mẹ, một người vợ, và một người con đối với một người đi xa.
- Mẹ cháu tên gì?
- Mẹ cháu tên Mai Hương, trong một lần hành quân qua nhà, bố cháu ghé lại, mẹ cháu có mang cháu từ đó. Cái tên là cách nói mẹ vẫn luôn chờ và nhớ tới ba cháu, mong ba trở về.
Bàn tay để hờ hững trên bàn tay người đàn ông bỗng run rẩy, ông ta cười, nụ cười méo mó:
- Ba cháu đã không về!
- Vâng, đã hai mươi năm, cả mẹ và cháu đều tin rằng ông đã mất.
- Thế còn bà cháu?
- Bà cháu đã mất sau hòa bình vài năm, bác có biết tại sao không? Tôi nghẹn ngào – vì bà đã mỏi mòn sống trong chờ đợi con, bà đã không thể chờ đợi được. Cho đến lúc nhắm mắt, bà còn nắm chặt tay mẹ cháu dặn dò hãy đợi bố cháu. Bà tin ông ấy vẫn còn sống!
- Trái tim của người mẹ... - Người đàn ông thầm thì, khóe mắt ông giật giật liên tục, ông ta lảo đảo đứng dậy, xoay lưng lại phía tôi, chậm chạp rời khỏi phòng.
Tôi cắm chặt hai chân xuống sàn nhà, không đủ sức đứng dậy, cảm giác mệt mỏi, trống rỗng xâm chiếm khắp người. Tôi uể oải đứng lên, nặng nhọc bước ra khỏi nhà, ý nghĩ muốn mau chóng đi khỏi nơi đây làm tôi đi như chạy, nước mắt đột nhiên tuôn rơi. Có cái gì đó vừa rơi xuống, vỡ tan thành ngàn mảnh, hình ảnh ba tôi tan biến, nhòe nhoẹt trong hai hàng nước mắt. Ngày kia là ngày giỗ của ba, tôi phải trở về nhà, đó mới là sự thật. Sự thật là ba đã chết, chết từ lâu.
Tôi ra bưu điện, đánh điện tín về cho mẹ: “Con sẽ về trong ngày giỗ của ba, con muốn thắp hương cho ba. Mẹ nhớ đón con, mẹ nhé!”.
Phương Nguyên