Biên dịch: HƯƠNG PHONG
TUẦN THỨ MƯỜI MỘT
CHÚNG TÔI NÓI VỀ NỀN VĂN HOÁ CỦA CHÚNG TA

"Hãy vỗ thật mạnh vào!"
Tôi vỗ lưng thầy bồm bộp.
"Mạnh nữa!"
Tôi lấy hết sức đập lưng thầy một lần nữa.
"Ở gần vai ấy... thế... thế... Nào, bây giờ thì thấp xuống".
Thầy Morrie mặc độc chiếc quần pyjama nằm bẹp trên giường, đầu bị trật khỏi cụm gối nệm, miệng há nặng nhọc. Chuyên gia vật lý trị liệu đang chỉ cho tôi cách đấm bóp nhằm ép khí độc ra khỏi phổi thầy - để chúng hoạt động và thầy có thể thở. Thầy cần phải được xoa bóp thường xuyên.
"Thầy biết... là em... đã có lần... muốn tống cho thầy một quả...". Thầy thở gấp gáp.
"Vâng". Tôi đùa khi dộng nắm đấm lên làn da màu ngọc thạch trên lưng thầy. "Đó là khi thầy cho con điểm "B" hồi con học năm thứ hai".
Rắc! Rắc!...
Chúng tôi cười khúc khích. Tiếng cười rón rén e sợ quỷ sứ nghe thấy. Khung cảnh êm đềm thấp thoáng này không phải là thứ mà tất cả chúng ta ai cũng từng trải qua, không phải ai cũng lý giải được - thật chẳng khác nào một bài tập thẩm mỹ cuối cùng, một ân huệ, trước lúc tắt thở! Căn bệnh bây giờ đã gần lan đến vùng nguy hiểm nhất - hai lá phổi. Thầy dự báo mình sẽ chết trong cơn nghẹn thở. Tôi sợ sệt mường tượng: rõ ràng không còn cách ra đi nào kinh khủng hơn! Chốc chốc, thầy nhắm mắt lại, cố tợp từng ngụm không khí nhỏ tí qua hai lỗ mũi và miệng, trông giống như thầy đang cố sức nâng nhấc cái mỏ neo.
Bên ngoài, trời se lạnh. Tháng Mười đến. Cây cối trút lá chất thành đống trên các bãi cỏ quanh West Newton. Bác sĩ vật lý trị liệu cho thầy đã phải đến sớm hơn thường lệ. Tôi tự cảm thấy mình vô duyên khi đứng xớ rớ xem các chuyên gia đặc biệt cùng các y tá hì hục chăm sóc thầy. Mấy tuần trôi qua tôi đã dần quen và đã bớt ngượng ngùng. Tôi muốn ở đó, muốn tận mắt trông thấy mọi thứ. Điều này thật trái ngược với bản tính của tôi. Nhưng tất cả những hành vi tôi biểu hiện trong vài tháng qua ở nhà thầy cũng chẳng giống tôi tí nào!
Tôi muốn nhìn bà chuyên gia đánh vật với thầy ở trên giường - vỗ phầm phập vào xương sườn của thầy, hỏi chừng xem thầy có cảm thấy đám xung huyết tan ra trong người hay không. Lúc nghỉ lấy hơi, bà hỏi tôi có muốn thử làm. Tôi trả lời "Có". Gương mặt vùi trong gối của thầy giãn ra một nụ cười.
"Nhẹ tay thôi! Thầy già rồi!" Thầy kêu lên nho nhỏ.
Tôi gõ như gõ trống trên khắp lưng thầy theo lời chỉ dẫn của lương y. Tôi ghét chuyện thầy phải nằm bẹp gí trên giường dù với bất cứ lý do gì (tôi nhớ lại câu cách ngôn của thầy: "Khi ta nằm trên giường tức là ta chết"). Lúc đó thầy cong queo như một nhúm cây khô nhỏ tí teo, như cơ thể một cậu bé chứ không phải là hình hài một người đàn ông. Vẻ xanh xao trên da thầy, mái tóc bạc trắng phất phơ trên đầu thầy, và cả đôi cánh tay đu đưa lèo khèo vô dụng  của thầy... Tôi nhìn và ngẫm nghĩ. Chúng ta đã phải bỏ ra bao nhiêu thời gian và công sức tập thể dục, uốn nắn hình thể, tập tạ, nhảy dây... cuối cùng chỉ để cho thiên nhiên mang đi hết cả! Dưới từng ngón tay đang miết, tôi cảm nhận những cục xương của thầy nhô ra nhọn hoắt. Thịt da nhăn nheo! Đấm thầy thật mạnh theo hướng dẫn, nhưng thật sự tôi chỉ muốn vận hết sức bình sinh mà đục tay vào tường!
“Mitch này!". Thầy thở hổn hển, cất giọng như tiếng máy khoan trong khi tôi vỗ đồm độp.
"Dạ?"
"Thầy... cho con... điểm "B"... hồi nào vậy?"
Thầy Morrie hoàn toàn tin vào điều tốt đẹp ở con người, nhưng thầy cũng tiên liệu được sự tiến triển của nó.
"Con người chỉ trở nên ác nghiệt khi họ bị đe dọa" - Thầy nói sau màn đấm bóp - “Mà sự đe dọa xuất phát từ đâu? Từ nền văn hoá và từ nền kinh tế của chúng ta! Ngay cả những người hiện đang có việc làm, dù tạm được hay béo bở, vẫn luôn bị đe dọa - họ lo sợ bị mất việc - cho nên lúc nào họ cũng canh cánh bồn chồn. Khi bất an - bị đe dọa - ta chỉ cum cúp vun vén, tính toán thiệt hơn cho bản thân mình (hay gia đình mình). Ta bắt đầu tôn thờ đồng tiền như vị chúa tể. Đó là bộ mặt muôn màu muôn vẻ của nền văn hoá của chúng ta".
Thầy thở phì phì:
"Chính vì thế mà thầy không chuốc nó vào thân!"
Tôi gật đầu và bóp chặt lấy tay thầy. Chúng tôi thường nắm tay nhau. Có một sự thay đổi trong tôi. Những gì trước kia khiến tôi nhột nhạt hay buồn nôn thì bây giờ đã khiến tôi bình thản. Cái ống thông nước tiểu đeo tòn teng bên người thầy, chứa đầy thứ chất lỏng màu xanh ngoét, đặt kế chân tôi cạnh chân ghế thầy. Cách đây vài tháng nó có thể làm tôi kinh tởm, nhưng bây giờ tôi chẳng thèm đếm xỉa mảy may đến nó. Cả cái mùi ngai ngái bệnh hoạn vương vất trong phòng sau khi thầy ngồi bô cũng thế. Thầy chẳng thể "xa hoa" đến mức có thể di chuyển từ chỗ này đến chỗ kia, vào nhà cầu, đóng cửa lại, và phun một ít nước hoa xịt phòng khi đi ra. Cái ghế của thầy; cái giường của thầy - đó chính là cuộc sống của thầy! Giả sử như cuộc sống của tôi mà bị ép chặt trong một cái đê (Một dụng cụ đeo vào đầu ngón tay khi khâu vá để tránh bị kim đâm), thì tôi nghi ngờ không biết mình có thể làm cho nó có mùi dễ ngửi hơn không (!).
"Đây là điều minh chứng của việc tự xây dựng cho mình một nền văn minh phụ - Thầy tiếp - Thầy không có ý kêu rêu là ta phải xem thường tất cả các quy tắc luật lệ trong cộng đồng chúng ta. Thầy không trần truồng chạy nhông nhông ngoài đường. Thầy không vượt đèn đỏ. Những điều vặt vãnh như thế thì thầy có thể tuân thủ. Nhưng những điều lớn lao như cách ta nghĩ, điều ta định giá trị - là những thứ mà ta phải tự chọn lựa cho mình. Ta không thể để cho bất cứ ai - hay để cho xã hội - quyết định giùm ta. Như trường hợp của thầy. Những điều mà thầy được trông chờ là phải xấu hổ - như không thể tự mình bước đi, không thể tự rửa ráy, muốn khóc thét lên mỗi sáng thức dậy - chẳng còn có thể làm cho cái tôi bên trong thầy cảm thấy ngượng ngập hay mắc cỡ nữa".
"Các phụ nữ phải sống dở chết dở nếu như họ không mỏng manh dễ coi mà lại sồ sề, ục ịch! Các quý ông hãi hùng khiếp vía nếu như họ không giàu có mà phải cắc củm từng đồng! Đó chỉ là những thứ mà nền văn minh nhồi nhét vào đầu óc chúng ta - khiến ta tôn sùng. Thôi đừng tôn sùng nó nữa!"
Tôi hỏi thầy sao thầy không chuyển đi nơi khác sinh sống khi thầy còn trẻ.
"Đi đâu?"
"Dạ, con không biết. Có thể là Nam Mỹ, Tân Guinea - - bất cứ nơi nào ít ích kỷ hơn nước Mỹ".
"Mỗi xã hội đều tồn tại những vấn đề riêng". Thầy hạ mắt xuống. Một cử chỉ ráng sức duy nhất thầy có thể làm được để diễn tả sự coi thường.
"Thầy nghĩ, cách đối phó với nó là phải lánh xa nó đi. Ta cần phải gầy dựng cho riêng mình một nền nếp văn minh mới. Hãy nhìn kỹ vào! Cho dù ta sống ở nơi đâu thì khiếm khuyết to lớn nhất của loài người vẫn là sự thiển cận! Chúng ta không cần nhìn thấy cái mà chúng ta sẽ trở thành. Chúng ta cần nhìn thấu vào tiềm năng của mình, cần trải lòng hòa nhập vào tất cả mọi thứ mà chúng ta sẽ là. Nhưng nếu chúng ta bị bao vây bởi những con người lúc nào cùng nhao nhao: "Tôi muốn cái của tôi", thì chúng ta sẽ kết thúc bằng một nhúm người đạt được mọi thứ và một đội quân ngày đêm canh chừng sợ đám người nghèo nổi loạn và ăn cắp mất".
Thầy ngó xa xăm qua cửa sổ. Từng làn gió thổi vọng lại - lúc thì vi vu, xào xạc, lúc thì rít thun thút rợn người. Thầy dòm đăm đăm giây lâu vào những căn nhà lân cận, rồi khề khà:
“Vấn đề là, Mitch à, con người không thể tin rằng chúng ta rất giống nhau! Da trắng - da đen, người Thiên Chúa Giáo - người theo đạo Tin Lành, đàn ông - đàn bà. Nếu nhân loại nhìn ra nhiều điểm tương đồng ở nhau hơn, thì chúng ta sẽ nhiệt tình gia nhập vào căn nhà chung trên thế giới này. Và chúng ta sẽ chí thú chăm lo cho nó y hệt như chúng ta vun vén cho chính căn nhà của mình".
"Nhưng hãy tin thầy, khi ta sắp chết ta sẽ thấy một điều thật hiển nhiên. Chúng ta đều có điểm xuất phát giống nhau - được sinh ra - và đều có một kết cục như nhau - chết đi. Vậy thì chúng ta khác biệt ở chỗ nào?!"
"Hãy chăm bón cho ngôi nhà của loài người. Hãy chăm chút vào con người. Hãy xây dựng một cộng đồng quây quần quanh những người yêu và được yêu".
Thầy nắn nhẹ bàn tay tôi, tôi xiết tay thầy trở lại - chặt hơn. Giống như lễ hội rước kiệu hàng năm, lúc ta gõ mạnh chiếc búa và nhìn những cái đĩa xoay tít trên que. Tôi có thể cảm nhận lửa nhiệt trong cơ thể mình cháy hầm hập trên lồng ngực và cổ thầy, lan ửng lên má và mắt thầy. Thầy cười hạnh phúc.
"Lúc khởi đầu cuộc sống - khi còn đỏ hỏn - ta cần người khác để sống sót, phải không? Và lúc cuối đời khi rũ rượi giống như thầy đây - ta cũng cần người khác để sống sót".
Giọng thầy chùng xuống chỉ còn nghe thảng hoặc, nhẹ ru:
"Và một điều bí mật: ở quãng giữa cuộc đời ta cũng cần người khác biết bao!"
Chiều hôm đó, Connie và tôi vào phòng ngủ để xem phiên tòa tuyên án O. J. Simpson. Một hiện tượng sôi sục khi mọi nguyên tắc, luật lệ đều chống lại bồi thẩm đoàn. Simpson bảnh bao trong bộ complê màu xanh da trời, lọt thỏm giữa đội quân luật sư bào chữa lẫn những kẻ buộc tội (họ muốn tống khứ anh ta vào ngục cách đó vài bước chân). Khi viên chánh án tuyên bố "Vô tội!", Connie chợt rú lên như bị cắt tiết:
"Ôi, Chúa ôi!"
Chúng tôi trông thấy Simpson ôm chầm lấy các luật sư biện hộ. Chúng tôi nghe tiếng bình luận viên cố giải thích tất cả những chuyện đó là gì. Chúng tôi nhìn đám đông da đen reo hô phấn khích trên các đường phố quanh tòa án, còn đám người da trắng thì ngồi chết lặng trong các nhà hàng. Phán quyết đã được tuôn ào xuống - mặc cho những vụ giết người dã man vẫn nhởn nhơ diễn ra hàng ngày. Connie bỏ ra khỏi phòng - cô ấy xem đã đủ.
Tôi nghe tiếng cửa phòng làm việc của thầy Morrie đóng lại. Tôi trân trối ngó chiếc tivi. Mọi người trên khắp thế giới đều đang chứng kiến điều này. Tôi thầm nhủ. Kế đến, tôi nghe tiếng lách cách vọng sang từ phòng bên - thầy Morrie được đỡ dậy khỏi bô. Tôi cười hì hì.
Trong khi "Phiên Tòa Thế Kỷ" tiến đến hồi kết ngoạn mục, thì vị cựu giáo sư của tôi đang đi toa lét!
Năm 1979. Một trận đấu bóng rổ diễn ra sôi nổi trong nhà thi đấu trường Đại học Brandeis. Đội bóng chơi quá xuất sắc. Sinh viên cổ động trên khán đài kết thành bè cùng đồng thanh: "Chúng ta là số một! Chúng ta là số một!”. Thầy Morrie đang ngồi gần đó liền dội cho họ một gáo nước lạnh. Ngay thời điểm họ gào thét hăng say nhất “Chúng ta là số một!”, thì thầy đứng lên dõng dạc hô: “Thế số hai thì đã làm sao nào?!”
Khối sinh viên há hốc mồm ra nhìn thầy. Họ ngưng la. Thầy thản nhiên ngồi xuống, nở một nụ cười chiến thắng.