Biên dịch: HƯƠNG PHONG
TUẦN THỨ MƯỜI HAI
CHÚNG TÔI NÓI VỀ LÒNG VỊ THA

“Hãy tha thứ cho bản thân mình trước khi chết. Tiếp đến, hãy tha thứ cho người khác”.
Vài ngày sau buổi phỏng vấn của nhóm Câu chuyện hàng đêm. Bầu trời mưa dầm dề u ám. Thầy Morrie nằm thu lu trong chăn. Tôi ngồi đằng cuối giường xoa chân cho thầy. Chúng đã chai sần lên và co quắp lại, các móng chân đều ngả sang màu vàng. Tôi vớt một ít thuốc mỡ trong lọ, bôi lên mắt cá thầy và xoa bóp.
Đây cũng là món tôi bắt chước các hộ lý từ mấy tháng trước - một cố gắng nhằm vớt vát bất cứ điều gì tôi có thể làm được cho thầy. Bệnh tật khiến thầy không thể ngọ nguậy ngón chân dù vẫn luôn buốt thốn. Tất nhiên, mát xa thường xuyên sẽ giảm bớt phần nào. Nhưng còn hiển nhiên hơn, thầy thích được vuốt ve, đụng chạm! Và tôi tự nguyện làm bất cứ điều gì, miễn là thầy sướng vui!
“Mitch à”, - Thầy quay trở lại đề tài lòng vị tha - “Không có gì hay ho ở sự báo thù hay cố chấp. Những thứ đó đã đè nặng suốt cuộc đời ta, khiến ta hối tiếc khôn nguôi. Lòng kiêu hãnh. Tính tự ái. Tai sao chúng ta lại phải khổ sở với chúng đến thế?'
Tầm quan trọng của lòng vị tha là mối bận tâm của tôi. Tôi đã xem nhiều bộ phim, trong đó, vị tộc tưởng hay người cha trong gia đình trước khi hấp hối cứ nằng nặc cho đòi đứa con bị từ chối đến gặp, có lẽ để được ra đi yên lành. Tôi  tự hỏi không biết thầy có chất chứa điều gì trong lòng, một nhu cầu trĩu nặng đến nỗi cần phải nói 'Ta xin lỗi' trước khi chết.
Thầy gật.
“Con có thấy bức tượng điêu khắc đằng kia không?”
Thầy nghiêng đầu về phía một bức tượng bán thân bằng đồng đỏ đặt trên tủ sách phía bức tường đối diện. Gương mặt một người đàn ông trạc tuổi 40, đeo nơ, một ít tóc lòa xòa trước trán.
“Đó là ta đấy! Một người bạn đã tạc hình ta cách đây 30 năm. Tên ông ta là Norman. Chúng ta đã từng thân thiết nhau một thời gian dài, từng rủ nhau đi bơi, đón xe lên New York. Ông đã dắt ta về nhà mình ở Cambridge và tạc tượng ta ở dưới tầng hầm. Phải mất hàng tháng mới làm xong, nhưng ông vẫn muốn chỉnh sửa cho nó thật hoàn thiện".
Tôi dòm kỹ gương mặt trong tượng. Thầy Morrie nằm co ro trong chăn thật khác xa thầy Morrie mạnh khỏe, trẻ trung, đang nhìn đăm đăm thầy trò chúng tôi. Ngay cả bức tượng cũng có ánh mắt ngông nghênh. Tôi nghĩ người bạn tác giả của thầy có lẽ cũng có ý đồ triết lý gì đây.
"Hừ, phần sau của câu thuyền thật buồn. Norman và vợ chuyển tới Chicago. Sau đó, cô Charlotte, vợ thầy phải nằm viện qua một cuộc giải phẫu khá nặng. Hai vợ chồng Norman không hề liên lạc gì cả. Cô Charlotte và ta cảm thấy bị tổn thương vì không bao giờ họ gọi hỏi thăm xem cô có mạnh không. Thế là chúng ta cắt đứt quan hệ".
"Vài năm sau ta gặp lại Norman vài bận và anh ta luôn cố làm lành. Nhưng ta nhất quyết không chịu! Ta không thông lời phân bua của anh ta. Vì quá kiêu ngạo nên ta đã phủi bỏ tình bạn.”
Thầy nghẹn ngào:
"Mitch à, cách đây... vài năm... Norman đã chết vì bệnh ung thư. Ta rất buồn. Ta không bao giờ trông thấy ông ta nữa. Ta đã không tha thứ. Bây giờ điều đó đang làm ta đau đớn, chua xót lắm".
Thầy khóc thầm lặng. Và vì đầu thầy gục xuống nên nước mắt lăn vòng qua má trước khi chảy vào miệng thầy.
"Con xin lỗi" - Tôi lặng người.
"Không nên thế. Nước mắt làm ta nguôi ngoai, không có gì phải xấu hổ cả".
Tôi cắm cúi xoa đôi chân tê dại của thầy - mặc thầy than khóc những hoài niệm.
"Chúng ta không chỉ cần tha thứ cho người khác, mà chúng ta còn cần phải tha thứ cho chính mình, Mitch à ".
"Thưa thầy, tha thứ cho chính mình ư?"
"Đúng thế, con ạ. Cho tất cả những gì chúng ta đã không làm, tất cả những gì mà lẽ ra chúng ta đã làm. Con không được để cho mình bị mắc kẹt trong niềm tiếc nuối về điều có lẽ đã được thực hiện. Điều đó chẳng giúp gì cho con khi con rơi vào tình cảnh như ta đây".
"Ta luôn mong ước làm được nhiều việc hơn. Uớc gì ta đã viết được nhiều sách hơn. Ta đã từng tự đấm vào ngực mình. Bây giờ ta thấy nó chẳng thay đổi được gì. Thôi thì hãy an bình. Con cần an bình với chính mình và với mọi người quanh con".
Tôi cầm chiếc khăn giấy cúi xuống chậm nước mắt cho thầy. Thầy chớp chớp mắt, hơi thở rền rĩ như tiếng ngáy.
“Hãy tha thứ cho mình và tha thứ cho người. Đừng chần chừ Mitch à. Không phải ai cũng có được những giây phút ngây ngất như ta đây khi được con xoa dịu - không phải ai cũng may mắn như ta".
Tôi vứt chiếc khăn ướt nhem vào sọt rác rồi quay trở lại với cái chân cứng ngắc. Lẽ nào như thế này mà là may mắn? Tôi ấn mạnh ngón cái vào da thịt khô đét của thầy nhưng thầy chẳng cảm thấy gì.
"Mitch à, con hãy tránh tình trạng căng thẳng của sự đối đầu. Con có ghi nhớ điều ta dạy không? Mọi vật đều tỏa ra muôn phương, phải không nào?"
"Con sẽ ghi nhớ ạ".
"Ta đã than khóc vận xui của mình, nhưng ta đã sướng rơn khi có cơ hội làm điều đúng đắn".
Chúng tôi ngồi im lặng nghe mưa đập thình thịch vào cửa sổ. Chậu dâm bụt sau lưng thầy vẫn sống hiên ngang - nhỏ bé mà kiên cường.
"Mitch này". Thầy bỗng gọi khẽ.
"Dạ?"
Tôi tỉ mẩn xoa ngón chân thầy, chăm chú để khỏi phải biểu lộ bất cứ cảm xúc gì.
"Hãy nhìn thẳng vào ta đây, con à".
Tôi ngước lên bắt gặp ánh nhìn đăm đắm của thầy. "Ta không hiểu sao con đã trở lại gặp ta sau chừng ấy năm. Nhưng ta muốn nói với con điều này..."
Giọng thầy nghẹn lại.
"Nếu ta có thêm một đứa con trai... thì ta muốn nó... là con".
Tôi vội hạ mắt xuống, bóp chặt thớ thịt chết trong tay. Trong thoáng chốc, tôi sợ quá - như thể nếu nhận lời thầy tức là phản bội lại cha mình. Nhưng khi ngước lên, tôi thấy thầy mỉm cười qua làn nước mắt chan hòa. Phải rồi! Làm gì có sự phản bội nào ở thời điểm như thế này - tôi biết mà!
Tất cả những gì tôi sợ là lời chào vĩnh biệt.
“Ta đã chọn nơi an nghỉ cuối cùng cho mình rồi”.
“Ở đâu thế ạ?”
“Không xa đây lắm. Trên một ngọn đồi bên dưới một tàng cây soi bóng xuống hồ, rất nên thơ - một nơi thật bình yên để suy tưởng?.
“Thầy đang nghĩ đến chuyện nằm đó để suy nghĩ phải không ạ”.
“Ta đang nghĩ đến chuyện nằm đó để chết”.
Thầy cười khúc khích. Tôi cũng cười.
“Con có đến thăm ta không?”
“Thăm thầy ấy ạ?”
“Đến chỉ để nói chuyện thôi mà. Hãy hẹn vào thứ Ba hàng tuần - con chẳng vẫn luôn đến với ta vào mỗi thứ Ba đấy sao!”
“Thầy trò mình là những người của ngày thứ Ba mà”.
“Đúng thế. Những người của ngày thứ Ba. Hãy đến và nói chuyện với ta, được chứ?”
Thầy lịm đi.
"Hãy nhìn ta đây”. Thầy bảo.
“Con đang nhìn ạ”.
“Con sẽ đến bên mộ ta để kể cho ta nghe về những nỗi khó khăn bức xúc của con, phải không?”
“Về những bức xúc của con ấy ạ?”
“Và thầy sẽ đưa đường chỉ lối cho con, phải không ạ?”
“Ta sẽ khuyên con tất cả những gì ta có thể. Có phải là ta vẫn luôn luôn làm vậy đấy chứ?”
Tôi vẽ ra trong óc ngôi mộ thầy nằm trên đồi, soi bóng xuống hồ. Chỉ cần một chỗ khoảng chừng hơn một mét, người ta đặt thầy xuống, phủ đất lên và đậy phiến đá lại. Vào tuần sau? Không! Có lẽ một vài ngày sau? Tôi ngồi đó một mình, tay bó chặt gối, nhìn chối chết vào khoảng không.
"Nhưng mọi thứ sẽ không còn giống như thế này nữa. Con không thể nghe tiếng thầy nói.”
“Ờ, con hãy nói chuyện...”
Thầy nhắm mắt lại và cười.
“Con hãy trò chuyện với ta, ngay cả sau khi ta chết. Và ta sẽ lắng nghe con.