Đến đây, tôi phải dừng chốc lát để kể lại những gì đã xảy ra với tôi kể từ cái ngày hè lúc tôi ôm hôn lần cuối vị giáo sư đáng kính và khôn ngoan, hứa thư từ qua lại với ông. Tôi đã không giữ được lời hứa. Thực ra, tôi đã mất liên lạc với hầu hết những ai đã cùng tôi đi qua năm năm đại học, từ mấy thằng bạn bia bọt cho tới người phụ nữ đầu tiên ngả vào vòng tay tôi. Những năm tháng sau đại học đã nhào nặn tôi - chàng sinh viên khệnh khạng mới tốt nghiệp háo hức bay tới thành phố New York thi thố tài năng - thành con người khác xa. Tôi khám phá ra rằng thế giới không hoàn toàn thú vị như người ta tưởng. Ở tuổi 20, tôi đã phải lang thang đây đó nhiều năm, dốc hầu bao trả tiền thuê phòng chỉ để ngày ngày đọc mấy mục rao vặt tìm việc. Tôi ôm mộng trở thành nhạc công nổi tiếng (tôi chơi đàn piano). Thế nhưng sau vài năm đen tối vất vưởng trong những hộp đêm vắng ngắt, những lời hứa suông, những cuộc hợp tan của các ban nhạc, thái độ thờ ơ của các nhà sản xuất băng đĩa đối với tài năng của tôi… giấc mộng trở nên chua chát. Tôi đã nếm vị đắng cay từ thất bại đầu đời. Cùng thời gian đó, lần đầu tiên tôi phải đối mặt với chết chóc. Ông cậu yêu quý của tôi - người thầy dạy nhạc, dạy lái xe và là người đầu tiên chỉ vẽ cho tôi mánh lới tán tỉnh bọn con gái - qua đời ở tuổi 44 vì bệnh ung thư tụy. Cậu tôi vóc người tuy thấp bé nhưng là người đàn ông đẹp trai với một bộ ria rậm. Trong suốt một năm cuối đời ông, tôi sống trong một căn hộ tầng dưới nơi ông ở. Tôi đã chứng kiến cảnh ông héo hon, rồi sau đó bị phù. Mỗi lần ngồi bên bàn ăn, cơn đau của ông dường như nhân lên gấp đôi. Ông ôm bụng, mắt nhắm nghiền, miệng méo xệch vì đau đớn. "Aaaaaaa. Lạy Chúa!", ông rên rỉ. Những người còn lại trong gia đình - mợ tôi, hai đứa con trai của cậu và tôi - đúng đó, im lặng lau chén đĩa. Chúng tôi chỉ còn biết đưa mắt nhìn nơi khác. Trong đời, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình bất lực như vậy. Một đêm tháng Năm, hai cậu cháu tôi ngồi trên ban công căn hộ. Gió hiu hiu, ấm áp. Cậu tôi nhìn về phía chân trời và nói qua kẽ răng rằng sang năm ông sẽ không còn được tiễn con mình tới trường. Ông yêu cầu tôi thay ông chăm sóc hai đứa em. Tôi khẩn cầu ông đừng nói như vậy nhưng ông chỉ nhìn tôi buồn rầu. Vài tuần sau, cậu tôi qua đời. Sau lễ tang, cuộc đời tôi có thay đổi chút ít. Tôi cảm thấy thời gian đột nhiên trở nên quý giá. Nó như dòng nước chảy nhanh xuống cống mà tôi không cách nào đuổi kịp. Những hộp đêm vắng khách không còn làm tôi quan tâm. Dẹp qua một bên những ca khúc thúc trắng đêm sáng tác nhưng chẳng ai buồn nghe, tôi quay trở lại trường kiếm thêm được tấm bằng cao học báo chí và không lưỡng lự chấp nhận lời mời làm việc đầu tiên. Tôi làm việc cho vài tờ báo và viết bài thêm cho mấy tờ tạp chí khác. Từ bỏ cố gắng trở thành một nhạc công trứ danh, tôi xoay sang viết về những vận động viên đang rượt đuổi theo danh tiếng của họ. Tôi làm việc bất kể giờ giấc. Sáng tinh mơ, vừa nhào khỏi giường, tôi đánh răng qua quýt, mặc nguyên bộ đồ ngủ ngồi vào bàn miệt mài gõ máy đánh chữ. Sinh thời, cậu tôi làm việc cho một công ty và ông căm ghét công việc đơn điệu ngày qua ngày của mình. Chắc chắn tôi sẽ không bao giờ như ông. Một dạo, tôi long đong đây đó từ New York cho tới Florida. Sau cùng, tôi đồng ý nhận giữ chuyên mục thể thao cho tờ Detroit Free Press. Dân thành phố Detroit rất say mê thể thao. Điều này thật hợp ý tôi. Họ có những đội bóng tròn, bóng chuyền, bóng rổ và khúc côn cầu chuyên nghiệp. Trong vài năm liền, tôi không chỉ là cây bút chủ chốt của trang thể thao mà còn viết được vài cuốn sách, xuất hiện thường xuyên trên radio, truyền hình, lớn tiếng công kích các cầu thủ bóng đá giàu có cũng như các đối thủ khác của tôi... Tôi là một phần của con sấm sét truyền thông đang giáng xuống nước Mỹ của chúng ta. Tôi đang có giá. Chuyện thuê mướn đã lùi vào quá khứ. Giờ tôi đã có đủ tiền để mua. Mua một căn nhà trên đồi, một chiếc xe hơi, mua chứng khoán. Giờ thì tôi lúc nào cũng cài số năm, đã chơi thì chơi hết cỡ. Tôi hùng hục luyện tập thể thao như một con quỷ. Tôi phóng xe như bay. Tôi kiếm ra tiền nhiều đến chóng mặt. Tôi gặp gỡ một cô gái tóc đỏ sẫm tên là Janine, người chưa rõ tại sao lại yêu tôi bất chấp lịch làm việc kín mít và sự vắng nhà thường xuyên của tôi. Chúng tôi cưới nhau sau 7 năm hẹn hò. Chỉ một tuần sau hôn lễ, tôi đã phải đi làm trở lại. Trước đấy, tôi có hứa với cô ấy và cả chính mình rằng một ngày nào đấy chúng tôi sẽ bắt đầu cuộc sống gia đình thật sự - điều vợ tôi hằng mong mỏi. Nhưng rủi thay, ngày ấy chưa từng đến. Thay vào đó, tôi tự chôn vùi trong hàng núi công việc bởi lẽ tôi tin rằng chỉ trong công việc tôi mới làm chủ được mình, tôi mới tìm được hạnh phúc trước khi bệnh tật và chết chóc mang tôi đi, giống như cậu tôi trước đây. Còn thầy Morrie? Thỉnh thoảng, tôi cũng nghĩ tới thầy, nhớ tới những điều thầy dạy chúng tôi phải nằm lòng để "làm người" và "đối xử với nhau”. Nhưng tình thực những lời của thầy có vẻ xa lắc như ở tận hành tinh nào vậy. Trong nhiều năm liền, tôi quẳng vào sọt rác mọi thư từ gửi đến từ trường Đại học Brandeis, nghĩ rằng người ta chỉ nhớ đến tôi khi nào cần... tiền. Vì vậy, tôi không hể biết là thầy Morrie lâm bệnh. Tên họ của những người có thể báo cho tôi biết tin này đã nhòa trong ký ức của tôi. Số điện thoại của họ lẫn đâu đó trong những thùng các-tông được đóng gói cẩn thận cất trên gác xép đầy bụi bặm và mạng nhện. Mọi chuyện có lẽ sẽ cứ như vậy nếu một tối nọ tôi không bật máy truyền hình.