" Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ! "
 
Nhẩm lại bài thơ của thi sĩ Vũ Ðình Liên, tôi thoạt hình dung thân phận mình lồng qua hình ảnh của ông đồ ngày xưa ấy, thời vàng son của chữ Nho, chữ Nôm hình vuông khuôn vàng thước ngọc, chữ thảo rồng bay phượng múa, thời ‘vinh qui bái tổ ‘ ‘áo gấm về làng’ ‘ngựa chàng đi trước võng nàng theo sau’ của các sĩ tử tên ghi trên bảng vàng trong các kỳ thi Hương thi Hội. Cũng như các cụ, tôi cũng có một quá khứ huy hoàng nổi tiếng. Cho đến bây giờ, như vẫn còn phảng phất dư hương màu sơn son thếp vàng của những câu đối chúc tụng trên thân thể tôi, da thịt tôi cũng được ‘xâm’, khắc khảm chạm trổ những bức tranh hoa bướm rồng phượng tinh vi, và ngay cả những y phục tôi cũng được trang trí mỹ thuật tô điểm bằng thư pháp hay hoa lá cành thêu tinh xảo. Chúng tôi đều thuộc thành phần cổ vừa tương phản vừa bổ túc nhau. Thầy đồ là nhà đào tạo, phân phát ban chia tri thức cho thế hệ tương lai, ngược lại tôi chỉ là sản phẩm nắn nót do bao tay nghề đóng góp, kẻ thụ hưởng tốt số, chứng nhân của văn hóa nghệ thuật kinh tế một thời hưng thịnh. Xin thưa ngay, tôi tên tộc là Nhà Cổ, nôm na gọi là Nhà Xưa, tuổi gần trên thế kỷ.
Thật ra, mỗi thời kỳ lịch sử đều có những nét thăng trầm xã hội đặc thù, có những sự kiện người đương thời khen thưởng trọng vọng, thời sau đó lại lên án bài trừ nhưng dù sao cái tinh túy cái hồn vẫn không mất mà tồn tại với thời gian. Hình thể của mái nhà hay nét chữ Nho tượng hình là do sự đúc kết công sức kỹ luật ý chí tinh thần của bao ngưòi tạo nên thành phẩm. Nhớ câu chuyện kể vào thời kỳ Nhật chiếm đóng Việt nam, một học giả Nhật nhờ một ông đồ già viết mướn trên lề đường một chữ Quốc. Sau khi bình tĩnh mài mực sửa lại cây cọ lông, cụ đồ không chút xao động tập trung vung bút. Chỉ cần quan sát qua phong cách của cụ đồ và nét chữ, nhà trí thức Nhật kết luận rằng dân tộc Việt nam khó có thể bị khuất phục, đầu hàng.
Hơn thế nữa, thời đại nào cũng thế có học vẫn hơn. Thế giới thay đổi luôn không ngừng, vậy kiến thức cần thiết để đẩy lùi ngu dốt mới tiến bộ được. Không thể ngăn chận dòng lịch sử đi tới vì thế đừng hòng một thế lực hùng mạnh độc tài nào đó có thể bắt câm bít miệng thế hệ đương thời cúi đầu dậm chân tại chỗ hoặc tàn ác ngu ngốc hơn đẩy lui quá trình đạt được trở về thời tiền sử.
‘Ai ơi đừng lấy học trò,
Dài lưng tốn vãi ăn xong lại nằm.’
‘Dài lưng thì có võng điều,
Tốn vãi thì có áo bào vua ban.’
Câu đối đáp mộc mạc trên cũng chứng minh thêm rõ rằng ngay trong thời kỳ quân chủ chuyên chế lòng hiếu học luôn được đền bù xứng đáng và bậc thang xã hội cũng được định giá theo ‘có công mài sắt có ngày nên kim.’.
Thầy đồ, lúc bấy giờ, còn thuộc giai cấp lãnh đạo luôn được mọi tầng lớp xã hội kính trọng, do đó vị thế của thầy chỉ sau vua mà trước cả cha, câu ‘quân sư phụ’ xác nhận điều trên. Rồi theo giòng thời gian, cái còn cái mất, cũ mới, thay đổi biến thể không ngừng. Thời ‘Tam tự kinh’ cũng không khỏi bị ảnh hưởng soi mòn tàn phá. Chữ Nho đến lúc cũng phải nhường chỗ cho tiếng Việt qua mẫu tự la tinh.
Chúng tôi không được cái vinh dự ‘tôn sư’ ấy nhưng dù sao may mắn cũng thuộc vào thành phần giàu sang quý tộc ruộng đất ‘cò bay thẳng cánh’. Tôi hảnh diện thể hiện một phần nào mơ ước cao sang của mọi thành phần xã hội, bằng chứng của sự thành công cá nhân, gia tộc, địa phương, làng nước, chứng tích hữu hình lịch sử, niềm kiêu hãnh trong cuộc đời của lớp người tốt số, nét văn hóa đặc trưng của quốc gia. Chẳng những là ‘đứa con cưng ‘ chắt chiu phác họa sáng tác điển hình mỗi thời đại, khuynh hướng mới của nhà kiến trúc, nhà xây cất, chúng tôi còn được hình thành do tập trung công sức của bao ngành nghề tinh vi khéo léo khác. Người Việt ta mong rằng ‘Sống có nhà, chết có mồ’ như người Bỉ thường bảo ‘’ trong bụng người dân Flamand đều có viên gạch’ vậy. Hơn thế nữa, đây còn là nơi tập trung sinh sống qua bao thế hệ của một dòng họ, đậm đặc bao kỷ niệm chồng chất tản mạn khắc cốt sinh sôi phiêu bồng.
Vì thế giàu nghèo tùy theo ‘hầu bao’ ai cũng dự định xây cho mình một mái nhà. Nhìn những lâu đài cung đình nguy nga đồ sộ ngày xưa luôn vẫn còn phong độ đẹp bền hiên ngang bên cạnh những nhà nhiều tầng, nhà chọc trời với kiến trúc tân kỳ, quả thật óc sáng tạo kỹ mỹ thuật con người phong phú siêu đẳng tuyệt vời và biết luôn cải tiến. Ngắm phố cổ Hội An hay bao nhiêu nhà cổ rải rác ở thị thành hay làng quê tỉnh lẻ, với mái tóc phủ rong rêu, rui kèo cột gỗ ‘trơ gan’ qua bao phong sương bụi bặm tháng năm như những anh hùng luôn kiên cường thẳng đứng bảo vệ mái nhà tổ quốc, ai không chạnh lòng hoài cổ như bà huyện Thanh Quan:
« Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương. »
Như con người, phải có sự bồi bổ thường xuyên tuổi thọ mới cao. Ðể trùng tu những bức họa xưa nỗi tiếng thế giới trên trần cung điện Versailles ở Pháp chẳng hạn, người ta phải huy động nhiều thành phần nghệ sĩ chuyên gia phục hồi tái tạo màu sắc nước sơn nét vẽ mờ nhạt lột xác trở thành như nguyên bản. Mỗi tác phẩm kiến trúc tồn cổ, hoặc theo khuynh hướng thời đại, hay phối họp xưa nay đều tiêu biểu hiện trạng giai đoạn xã hội lịch sử cụ thể thời bấy giờ, như Dinh Ðộc lập do kiến trúc sư vang danh quốc tế Ngô Viết Thụ thực hiện ở thế kỷ XX.
Nói thế để thấy rằng việc trùng tu nhà cổ đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của giới trách nhiệm, không thể vịn vào thành kiến, mặc cảm, ý thức khác biệt, quan điểm chính trị lên án bắt triệt hạ. Vì kém hiểu biết, vụ lợi, độc tài vô ân, người ta chỉ biết phá hủy, làm biến chất cổ đi thay vì phục hồi di tích đáng được lưu truyền.
Hiện đại hóa tùy tiện tân tạo bừa bãi chỉ là « bức tử » cái hồn ngày xưa. Ðập phá tan tành không tiếc thương rồi xây mới lại, như vậy đâu còn giá trị đích thực, kiến trúc của một thời mà nên nhớ rằng, ông cha ta xưa rất tinh tế thận trọng biết làm văn hóa bằng cả tâm hồn vả kỹ thuật riêng. Người ta có cảm tưởng là hiện nay ngay cả di tích lịch sử quốc gia có khi cũng còn không được phục hồi đúng cách, càng ngày càng bị lấn chiếm, cắt xén, xé manh mún, thu hẹp nhường chỗ cho phố phường trơ trẻn hiện tại.
Dòng lịch sử vẫn vô tình trôi, nhưng từ dòng luân lưu đó, con người cần rút kinh nghiệm, tìm bài học sống. Bên Trung quốc chẳng hạn, chẳng những phục hồi công trình vật chất, người Trung hoa còn biết cách khai thác lòng hoài cổ, tồn cổ qua cách tân cảnh vật dựa vào sử kiện liên quan quanh một triều đại lớn, những danh nhân anh hùng liệt nữ. Chẳng hạn như khi đến Hàng châu, dân chúng hay người du lịch có thể viếng chiêm ngưỡng ngôi đền lộng lẫy thờ vị anh hùng « tận trung báo quốc » thế kỷ thứ XII Nhạc Phi. Ở cửa đền có hai câu đối:
« Thanh sơn hữu hạnh mai trung cốt
Bạch cốt cô vô chú nịnh thần »
(Núi xanh may mắn được chôn xương bậc trung quân
Sắt trắng vô tội mà phải đúc bọn nịnh thần.)
Ðặc biệt trong một góc tường trước mộ Ngài, người Trung hoa còn để tạc hai tượng bằng gang vợ chồng tên gian thần Tấn Cối và Vương thị bị trói đang quỳ, y với cái đầu láng bóng vì dân chúng đánh vò đầu. Tính chất khách quan trung thực của lịch sử cần được tôn trọng bảo trì. Người đương thời không thể phê bình sử kiện một cách chính xác, thế hệ tương lai mới có cái nhìn đúng hơn, vô tư không thiên kiến hơn trong việc phán xét, phân biệt rõ ràng hơn đâu là đúng sai, địch thù, công tội.
Vì vậy, nếu hiện tại không có chính sách đường lối đúng, vì lòng thù hận, do mặc cảm thắng bại, thiếu hiểu biết ít học đạo đức kém, độc đoán mà lại có quyền hành trong tay, thật là thảm họa cho đất nước, thay vì xây dựng tiến bộ, lại là chỉ làm phá hủy, đình trệ ngăn cản bước tiến cần thiết.
Phần đông những nhà xưa thuộc tư nhân, nhà từ đường thờ riêng của một dòng họ. Tôi cũng thuộc thành phần danh dự ấy và số phận tôi cũng theo vận nước nổi trôi. Như là một công dân trong nước, phải có khai sinh, lý lịch, đặc biệt tên chúng tôi là số, thuộc giai cấp nào như nhà trệt, ba gian hai chái, nhà dãy, nhà có gác có lầu, lâu đài biệt thự villa. Ngày xưa đại gia đình nhiều con đông cháu, hai ba bốn thế hệ thường sống chung với nhau, do đó nhà to rộng rãi. May cho tôi trước kia luôn được tu bổ và sửa chữa khuếch trương lại mấy lần nên còn giữ được phần nào vừa gia phong nề nếp xưa vừa thái độ thức thời tiến bộ.
Thế nhưng, hậu quả chiến tranh nhất là nội chiến không chừa một ai, nạn nhân không chỉ riêng là người dân, chúng tôi cũng thế nhất là nhà cổ miền Nam. Chúng tôi sinh sau nở muộn, lại sống trong vùng đất mới được thiên nhiên ưu đãi lại còn thừa hưởng bao nền văn minh Á Âu. Do đó kiến trúc của chúng tôi là sự hòa hợp mới cũ, ấn tích sự phối hợp linh hoạt giữa hai nền văn hóa xưa và Ðông Tây. Tính hào phóng hiếu khách dễ dãi rộng lượng trong cuộc sống biến chúng tôi thành những tác phẩm văn minh vừa cổ vừa hợp thời mới. Có những nhà ba gian hai chái nhưng cách bài trí bên trong là sự hài hòa thẩm mỹ giữa phong cách đặc trưng miền Nam với bàn thờ uy nghi ở gian giữa xen lẫn bộ bàn ghế Trung quốc, bộ salon, bộ đèn pha lê Pháp. Cũng theo khuynh hướng mới đó, có những ngôi nhà lầu nhưng cách trưng bày trang trí trong nhà theo xưa, khánh thờ sơn son thếp vàng, bàn ghế tủ trường kỷ cẩn ốc xa cừ, chạm trổ theo mẫu truyền thống. Oái oăm làm sao, thay vì được đặc cách là di tích cổ đáng được lưu giữ, nhiều cô bác chú dì bạn bè xa gần tôi bị xem là ‘ tàn dư chế độ cũ’ bị lên án trớ trêu thay!
Hơn thế nữa, lại còn có các cụ già xấu số bị kết tội là sản phẩm của ‘thành phần tư sản tư bản mại bản’ nên nhiều nhà bị tịch thu, trưng dụng thành cơ quan nhà nước. Sau một thời gian sử dụng, đồ đạc cổ quí trong nhà mất mát thất thoát từ từ, tình trạng nhà không ngân khoảng tu bổ sửa chữa nên càng ngày càng bị « mối mọt » đục khoét hư haọThế là phá hủy, cả cái nền móng nhà cho đến xóa hết mọi vết tích ngày xưa của lịch sử dù lịch sử không theo phe phái nào càng không thuộc kẻ thắng người thua.
Khu đất sẽ được chia lô phân phối bán lại theo thời giá cho giới ‘tư bản mới’, những « nhà cao tầng » ngạo nghễ từ đấy trồi lên chiếm thế thượng phong.
Có cụ xưa khác tốt số hơn được cho đóng « dấu ấn » mới « di sản cấp quốc gia » « cấp tỉnh » nên không bị triệt tiêu, cải tên ‘Nhà truyền thống’ chẳng hạn. Nhưng rồi, bước đi của thời gian mấy mươi năm qua tất nhiên cũng vô tình để lại dấu vết, mái nhà rong rêu dột bể, tường tróc sơn xi măng trơ gạch, thềm nhà loang lỗ dậm vá nhiều nơi,...
Thế là cuộc chỉnh trang thực hiện theo chủ trương mới, kỹ mỹ thuật ‘hiện đại’, phá bỏ cái nhà cũ rồi xây lại cái mới với cùng mẫu cũ mà vật liệu mới, ‘bình cũ rượu mới’, sơn phết màu sắc không nhất thiết như bản gốc, bề ngoài có vẻ như còn được tôn trọng riêng tinh thần công trình cũ « qua đường không ai hay ».
Nhìn những ngôi nhà cổ trong lớp áo ‘thời mở cửa’ loè lẹt nổi bật vàng trắng đỏ xanh, thật cảm thấy thương cho thân phận của thế hệ trước không hậu duệ kế thừa, người quá cố cũng không yên nghỉ trong mộ phần. Ông cha ta đã cố gắng tạo ra một kỳ tích để lưu truyền lại không phải chỉ cho con cháu trực hệ thôi, mà còn ước vọng khắc ghi niềm tự hào của làng của nước, nét văn hoá đặc trưng điển hình một thời đại, kỷ niệm sáng kiến canh tân, tâm tư nguyện vọng tiến thủ của người dân. Vậy mà con cháu sao chóng quên công ơn người trước!
Lịch sử như thời gian, không ai biết đâu là điểm đầu và điểm cuối, một con đường vô hình mà mang vết tích sử kiện hữu hình, mà quá khứ tương lai được tiêu biểu bằng trừ và cộng vô cực. Nói ví von như thế để thấy tầm quan trọng bề dầy, hồn thiêng của lịch sử, nếu không tìm hiểu sâu sắc hầu tiếp tục đúng hành trình, không tôn trọng lịch sử, anh hùng trở thành anh khùng không xa đâu.
Hình ảnh của Ông đồ
« Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng baỵ”
Hay những mái rêu xưa dù có bị phai mờ với thời gian vẫn là niềm tự hào của một nền văn hóa Việt nam đã biết vừa giữ truyền thống vừa cầu tiến. Cải cách viết theo mẫu tự La tinh quả là một bước tiến vào việc hội nhập văn minh quốc tế. Ðặc biệt hơn là để khẳng định tính thích ứng cao độ dân tộc, ta đã phong phú hóa óc sáng tạo bằng nghệ thuật Thư pháp viết chữ đẹp, thảo chữ Việt với năm dấu như chữ Nho Nôm cổ truyền trong khuôn bằng bút lông mực Tàu như thời trước.
Lịch sử là tấm gương soi cho ta thấy cuộc đời ngắn ngủi, hợp tan, sướng khổ, mất còn, không có gì là vĩnh viễn, bất di bất dịch. Biết thế để nhắc nhở con người cần phải biết luận suy, rút kinh nghiệm sống từ dòng luân chuyển bất tận tuyệt vời ấy. ‘Cây kim trong bọc lâu ngày cũng trồi ra’, sự thật có cố tình bưng bít đậy che, thế rồi, cũng được phơi bày rõ trắng đen.’Cái gì thuộc về César phải trở về với César’ vì vậy không ai bóp méo sửa đổi mãi lịch sử được.
Xưa nay, công trình nào, hành động tốt xấu nào, kỷ niệm vui buồn nào cũng là dấu tích, cái mốc của quá khứ, lịch sử, ngay cả con người tiền sử cũng thế. Không có những bằng chứng hữu hình hay vô hình cổ xưa làm sao chứng minh hiện tại tương lai là có thật và thế giới luôn luôn biến đổi cải tiến không ngừng. Vật chất có thể phai mòn mất mát nên cố gắng bảo trì lưu niệm cho thế hệ sau làm kinh nghiệm bàn đạp vươn lên, và nhất là không được đánh mất cái tinh hoa của mỗi sự vật, như cái hồn thiêng đất nước mà ông cha ta qua bao thăng trầm lập kỳ công trong việc dựng giữ nước cho tới ngày nay.
Trần Thành Mỹ

Xem Tiếp: ----