Phần VI

Ở tỉnh nhỏ, không bí mật nào giữ lâu được cả.
Bạn thân của Nhan đã đánh hơi được mối tình giữa cô nữ sinh nầy và ông trưởng ty Quan Thuế trẻ tuổi và độc thân, không phải do sự khoe khoang của người nào trong cuộc cả mà vì Nhan đã mượn máy ảnh quí giá của Công để chụp hình họ, và vì mấy bức ảnh mà Công đã chụp Nhan mà họ thấy dán trong tập ảnh.
Nhan là một người bạn tốt, họ cũng tốt bụng nên cả thảy đều im đi, mãi cho đến ngày mà họ thấy rnắt bạn họ sưng lên chù vù vì đã khóc nhiều, họ mới nổi nóng.
Gái thơ thường thì chỉ biết đời một cách phiến diện và cực đoan. Một mớ thấy con trai tốt quá, cao đẹp quá, mớ khác, phần đông là con nhà nề nếp, thấm nhuần khuyên răn của cha mẹ và nhiễm nhiều tiểu thuyết luân lý, thấy con trai toàn là một lũ quỉ sứ như nhau.
Họ đoán bạn họ bị người công chức bảnh trai ấy dụ dỗ làm hại cuộc đời rồi bỏ rơi, nên họ thương xót lắm, và oán ghét người thanh niên “điếm đàng” ấy lắm.
Tình cảm của họ sôi nổi quá nên họ giữ kín bí mật đó không được nữa. Tin tức bị xì ra và cả chợ đều biết câu chuyện nầy, nghĩa là biết một câu chuyện tưởng tượng do bọn nữ sinh dựng đứng lên để trả thù cho bạn họ, trong đó người con trai gương mẫu trước kia bị bôi mặt lọ lem.
Tám Huỳnh sống khuất dạng, ít giao thiệp với ai, Công cũng thế, thành ra cái tin được loan đi nhanh chóng như một vệt thuốc pháo dài ấy lại không lọt vào hai nhà nầy.
Cái người mà câu chuyện tình đểu giả kia làm cho khổ tâm nhứt là Thúy.
Thì ra, người con gái bí mật đã làm Công mất hồn dạo trước là Nhan, con bé Nhan học trò mà Thúy chưa biết mặt, nhưng nghe tên, vì Nhan được xem như là hoa khôi trong tỉnh.
Nhưng Nhan đã bị thất sủng.
Đó là một điểm làm nàng vui mừng.
Nhưng cô bé nầy lại bị thất sủng chỉ mua một tháng yêu đương thôi. Thế thì người con trai mà nàng yêu thầm là một kẻ mau chán quá, không kể cái bất lương đã bỏ rơi một cô gái thơ.
Nếu chính nàng bị bỏ rơi sau khi được hưởng hạnh phúc với Công trong vài năm, nàng sẽ không ghê tởm Công và sẵn sàng nhận chịu số phận ấy!
Đằng nầy chỉ có một con trăng thôi! Người thanh niên ấy là một kẻ đáng khinh nhờm nhứt trần đời!
Người chủ sở mà Thúy xem như thần tượng bỗng dưng hiện ra với một gương mặt ác quỉ, hung thần, vì cái ngày mà Thúy nghe được sự tác tệ của chàng, nàng buồn mửa lắm khi vào sở, phải đứng gần chàng hay bị chàng đứng cạnh nàng.
Con người thơm tho đạo đức ấy bỗng tanh mùi địa ngục và nơi gương mặt đẹp của hắn, dưới mắt Thúy, ẩn hiện tà tâm ác khí, nguy hiểm không biết bao nhiêu vì gian ác của hắn được mã đẹp bên ngoài che giấu cho.
“Thật hú vía, Thúy tự nhủ thầm, mình thật tốt phước. Nếu hắn chú ý đến mình, mình đã ngã. Mình sẵn sàng đợi hắn mở lời để rơi vào tay hắn kia mà.”
Nhưng không hiểu sao nàng cứ bị đôi mắt của hắn thôi miên, đôi mắt mà nhìn vào cái gì, chiếc máy đánh chữ, tờ công văn, vạt áo đen của những nông dân trồng thuốc đến xin giấy tờ, nhìn vào đâu Thúy cũng thấy nó hiện ra với lối nhìn vừa cương quyết vừa mơ mộng thật dễ say mê của nó.
“Nhưng sao hắn lại âu sầu như thế kia”? Thúy tự hỏi. Vẻ âu sầu đó không phải là hối hận. Vả con người bần tiện như vậy không thể biết hối hận đâu.
Hắn âu sầu, thẫn thờ, rồi như đi vắng, hay giựt mình đánh thót lên khi nàng hỏi hắn điều gì. Y hệt như lúc hắn mê Nhan, nhưng bi thảm hơn nhiều chớ không phải chỉ lo ra, đảng trí như lúc đó.
“Hay là không phải… và bọn nữ sinh ấy chỉ đặt điều nói xấu chàng?” Thật ra Thủy không tìm được dấu hiệu nào để nghi ngờ như vậy ngoài sự khác biệt giữa hai lối thẫn thờ của Công. Nàng hoài nghi về lời đồn đãi, có khuynh hướng muốn bào chữa cho Công chỉ vì “khi thương trái ú cũng tròn”.
Lòng nàng còn mang nguyên vẹn cảm tình với ai, chỉ có lý trí của nàng là lên án hắn thôi. Lý trí thủ vai công tố viện để buộc tội, nhưng lòng đặt ngay nghi vấn để xin tòa cho đình lại hầu điều tra bổ túc.
Bấy giờ ngôn ngữ của luật gia mới được xử dụng để nói lên điều mà lòng rất thèm nói: “một khi chưa hoàn thành điều tra, chưa luận án thì bị cáo được xem là còn vô tội”.
Vì thế mà khi Công gọi:
Cô Thúy ơi!
Thì Thúy vẫn nhỏ nhẹ vâng dạ như không có gì xảy ra, như kẻ lưu manh mà nàng đã ghê tởm vẫn cứ là một tâm hồn cao quí như bao giờ.
Cô Thúy ơi!
Dạ.
Cô có thấy là lũ đờn ông chúng tôi ngốc hay không cô Thúy?
Ông muốn nói về cảm nghĩ, hành động nào của họ, em chưa được rõ nên trả lời không được.
Họ cứ muốn tiếp tục yêu những người không xứng đáng tình yêu của họ, và nếu cần phải dứt, họ cứ đau khổ về sự dứt đó.
Thúy cười rất chua chát mà rằng:
Về mặt đó thì cả phụ nữ chúng tôi cũng ngốc không kém đàn ông chút nào. Phụ nữ cử tiếp tức yêu những kẻ không xứng đáng tình yêu của họ.
Vậy à?
Công ngạc nhiên hỏi, vì, mặc dầu là một công chức rất giỏi, Công chưa có tí kinh nghiệm nào về tình yêu, nhứt là về những đau khổ do tình yêu.
Thúy cũng chẳng kinh nghiệm. Đây là bài học mà nàng vừa học được ở chính bản thân nàng.
Vậy à? Nếu quả có như cô vừa nói thì cả loài người đều ngốc…
… Về phương diện yêu đương. Vâng, họ đều ngốc cả…
Tại sao như thế hở cô?
Em cũng không biết tại sao. Có lẽ tại lòng người như vậy.
Không thế nào yêu một cách khôn ngoan hay sao cô Thúy?
Em không biết.
Thúy không biết yêu thế nào cho khỏi phải đau khổ nhưng nàng vừa biết sự thật về vụ Nhan-Công, một sự thật đại khái như thế nầy. Nhan đã phạm lỗi gì đó, nặng lắm (rất có thể là cô bé ấy vừa yêu một học sinh, lại vừa yêu Công và Công đã khám phá được sự trắc nết của nàng). Công thấy nàng không còn xứng đáng nữa, đã dứt với nàng, nhưng đau khổ lắm.
“Nếu quả như thế, Thúy nghĩ, thì chàng sẽ quên, và mình không đến nỗi tuyệt vô hi vọng đâu!”
Và nàng càng ngày càng làm dáng hơn lên, càng cố siêng năng và dịu dàng hơn lên.
°
°
Tám Huỳnh về nhà một cách... kiếm hiệp như ra đi, nghĩa là vào lúc giữa khuya, một đêm mưa gió.
Những lần trước ông đón xe giữa truông ở xa lắm để về tỉnh lỵ một cách công khai giữa ban ngày. Từ khi Nhan biết sự thật, ông từ trong rừng đi thẳng ra nhà lúc tăm tối.
Sáng ra, người dì họ của ông chỉ hơi ngạc nhiên sơ sơ thôi vì bà cũng như Nhan, nghi là ông có nhơn tình, cái dì Năm ấy, và đã từ nhà người nhơn tình đó mà về đây hồi hừng đông.
Ông Tám gọi cửa và vào nhà, ông hỏi con:
Có gì lạ không con?
Không ba à. Ba đã thật khỏi chưa ba?
Đã khỏi hẳn.
Ông Tám đã khỏi hẳn nhưng Nhan lại đang bịnh nặng, cái bịnh sầu tình của nàng. Nàng ngạc nhiên quá mà tự hỏi sao mình không chết trong những cơn đau xé tim vừa qua, sao mình không tự tử để thoát đau một cách vĩnh viễn mà còn sống được đến hôm nay.
Hôm nay, niềm đau đã hóa thạch. Sự ê chề đã bọc ngoài tim nàng một lớp chán chường khiến hương sống không còn mùi, vị sống đã nhạt phèo chớ không được cái đắng cay chua chát của những ngày mới bị hất hủi.
“Không có gì lạ ba à”. Đó là câu trả lời của nàng với cha, trả lời đúng y tình trạng bên ngoài mà mọi người đều thấy.
Quả không có gì lạ cả. Con rạch con cứ chảy bên nhà, mấy cây bưởi cứ ra hoa, và thiên hạ cứ vui sống. Biến cố lớn lao trong đời nàng chỉ có một mình nàng là hay biết, là chịu đựng thôi.
“Không có gì lạ ba à!” Chỉ có một người con gái nhỏ xíu vừa bị đè bẹp dưới một trái núi đau thương. Chỉ có một thiếu nữ hai mươi, trong vòng sáu hôm, đã sống qua hằng mấy năm tân khổ. Chỉ có một sụp đồ của cả một đời người mà người ấy hoàn toàn vô trách nhiệm, hoàn toàn bất lực trước một tai họa mà nàng biết trước rằng khó tránh.
“Không có gì lạ ba à!” Nhan đáp xong, cắn môi lại đến muốn đứt thịt. Nàng trợn trạo nuốt cái tiếng nấc của uất hận nó chỉ đợi ai nhắc nhở đến biến cố vừa qua là vọt lên từ đáy lòng nàng.
Thôi, con đi ngủ, để cửa đó ba đóng cho.
Nhan đi thức chớ không đi ngủ. Nàng đã thức trong nhiều đêm rồi và đêm nay, có lẽ nàng còn xốn xang nhiều hơn mấy đêm trước nữa.
Giờ ông cụ đã thoát nạn và khỏi bịnh, cô gái tội nghiệp nầy không còn phải lo sợ cho cha nữa và để cả tâm trí để nhơi nỗi sầu của nàng.
Nhan lăn trở mãi cho đến khi nàng giựt mình thức dậy thì cảm giác rằng mình chỉ ngủ quên đâu lối một tiếng đồng hồ thôi.
Cửa ngoài đã mở cả ra và một giọt nắng rơi ngay trên mình nàng.
Nhan ngồi dậy bước xuống giường, hé màn dòm ra ngoài thì thấy cha nàng đang ngồi uống trà nơi ghế sa lông.
Ông cụ có thói quen ăn sáng thật sớm, không ăn gì khác hơn là ăn cơm với cá kho, rồi uống nhiều chén trà thật đậm.
Nàng lặng lẽ ra sau rửa mặt thì thấy bà dì đã sẵn sàng để đi chợ. Bà dặn:
Bà đã nấu cơm cho ba con ăn. Con cứ dọn lấy mà lót lòng.
Dạ, bà để đó cho con.
Nhưng rửa mặt xong, nàng chải gỡ rồi lên nhà trên với cha chớ không ăn sáng. Hôm nay Chúa nhựt, không phải đến trường mà nàng thì chỉ quen ăn bánh mì thit nguội mua trước trường thôi, thói quen từ thuở nhỏ còn rơi rớt lại, giờ đã biết mắc cỡ nhưng không bỏ được.
Nhan lại ngồi cạnh cha và hỏi:
Ba nói đã khỏi hẳn, nhưng có thật là khỏi hẳn hay không ba, hay còn đau nhức?
Thật khỏi hẳn.
Nhưug ba ốm đi nhiều lắm.
Cố nhiên. Ba đã nhịn đói nhiều ngày, chưa kịp lấy lại sức.
Tám Huỳnh nhìn con, ngày thường mỗi khi nhắc đến nghề của ông, Nhan vẫn buồn, nhưng không héo xào quá như bây giờ. Ông nói:
Con cũng gầy sút đi nhiều lắm. Con đừng có phiền muộn quá mà không tốt cho sức khoê của con. Thế nào rồi ba cũng giải nghệ.
Ông Tám đâu có dè rằng con ông tiều tụy vì lẽ khác. Nhan rưng rưng nước mắt nhưng chỉ làm thinh. Nàng vẫn cứ còn muốn cho cha nàng giải nghệ như bao giờ, nhưng chợt thấy là đã trễ quá rồi. Việc lớn của đời nàng đã đổ vỡ thì thật là nàng không thiết tha với sự giải nghệ đó cho bằng dạo trước nữa.
Ba sẽ giải nghệ, ông Tám tiếp, không phải bị một lần rồi tởn - ba đã bị biết bao nhiêu lần rồi, nhưng giải nghệ để cho vui lòng con.
Cám ơn ba!
Nhan nói xong câu ấy rồi nức nở ra mà khóc.
Thôi con à! Ba hứa chắc mà, không sớm thì muộn ba cũng …
Bỗng ông Tám cười lớn lên, cười ha hả một hơi rồi dỗ Nhan:
Nè, con nín đi, ba kể cho nghe một câu chuyện buồn cười hết sức, xảy ra trong lúc ba bịnh nằm dưỡng trong xóm tha la.
Thấy cha vui, Nhan cũng cố nén sầu để ông Tám được trọn vẹn thơ thới lòng. Nàng hỏi:
Chuyện gì đó ba?
Có một người đến cầu hôn, muốn xin cưới con.
Nhan cũng bật cười: ai lại cầu hôn giữa rừng.
Nó xin cưới con bằng một trăm con trâu.
Bây giờ Nhan cười dòn lên, cười vui thật sự. Nàng đoán đó là một tay công tử nhà quê mới có chuyện cưới vợ bằng trâu.
Con có biết một trăm con trâu là bao nhiêu tiền hay không?
Mấy ngàn ba?
Ông Tám lại cười ha hả rồi nói:
Con thật không biết khỉ khô gì ngoài đời cả. Một trăm con trâu là gần một triệu bạc chớ sao lại mấy ngàn.
Dữ vậy lận sao ba?
Ừ. Ba mà nhận lời và nhận lời được thì một sớm một chiều giải nghệ được ngay. Nhưng chuyện nầy đối với ba chỉ là một chuyện cà rỡn hôi, mặc dầu họ đề nghị nghiêm trang.
Nhan giựt nẩy mình khi nghe hai tiếng “giải nghệ”. Nàng làm thinh mà nhìn cha rất lâu, trong trí nàng đang xây dựng lên cả một chương trình, một kế hoạch.
Lâu lắm nàng mới hỏi:
Sao lại cà rởn ba?
Vì hắn là người Cao-Miên.
Vậy à?
Nhan có một giọng cụt hứng rõ rệt. Kẻ tinh ý đoán được là nàng đã cứu xét đề nghị đó với nhiều thiện chí và có thể đã nghĩ qua việc lấy chồng miễn cưỡng để cứu cha ra khỏi cảnh bùn nhơ.
Nhưng quả thật nàng không thể lấy một người Cao Miên, mặc dầu nàng không có óc kỳ thị chủng tộc.
Ừ, nó là đàng Thổ. Thật trèo đèo.
Đằng Thổ … trèo đèo… Nhan lập lại lời cha như một tiếng vang.
Và kẻ tinh ý chấc sẽ thấy nàng đang cố gắng cực kỳ để cứu xét lại vấn đề, đang làm một nỗ lực tinh thần cuối cùng.
Nhưng không, Nhan đã buông trôi câu chuyện, rơi vào một sự uể oải sau những phút căng thẳng tột độ. Không thể nào nàng làm vợ một người ăn cơm bóc được cả. Ít ra người chồng tương lai của nàng phải có một dúm tối thiểu văn minh chẳng hạn như một nông phu Việt Nam, biết dùng đũa cho nó sạch sẽ con người ra.
Kẻ ấy không là một công tử nhà quê, cũng không được là một nông dân đồng chủng với nàng.
Tám Huỳnh lại cười lớn mà tiếp:
Tệ hơn nữa, hắn là một tướng cướp. Vì một lẽ riêng, ba không dám giận hắn, nếu không ba đã nổi xung thiên tạt cho nó gãy họng rồi vì sự trèo đèo vô lễ của nó.
Mắt Nhan bỗng lại sáng lên như khi nãy vừa nghe cha đánh giá một trăm con trâu.
Tướng cướp?
Ừ, một tên tướng cướp xem mạng người như cỏ rác.
Nhan không buồn hỏi cha xem vì sao mà ông không dám nổi giận trước đề nghị trèo đèo của tên cướp Miên, vì nơi trí nàng đang sôi nổi trở lại kế hoạch vừa bỏ trôi.
Mắt nàng lại sáng lên. Hi vọng khi nãy đã bỏ nàng mà đi, thình lình trở về trên mặt nàng mà nhìn vào, người ta đoán biết sau vầng trán ngây thơ ấy, một tâm tư đang bấn loạn.
Ba nhận lời đi ba.
Ông Tám Huỳnh đang nâng chén trà lên gần kề môi, giựt mình dừng tay lại, rồi trố mắt, hả miệng mà nhìn con.
Con không nói đùa chớ?
Nhan chỉ lắc đầu, đôi mắt mơ màng nhìn xa vào khoảng không.
Ông Tám nhìn con rất lâu sau câu hỏi ấy. Quả thật Nhan không đùa. Nàng nghiêm trang hơn bao giờ cả và bỗng ông Tám thấy rằng không khí ở đây vụt trở nên nghiêm trọng vô cùng.
Con không đùa chớ?
Không ba à.
Đừng có nói điên. Nó mua con đó chớ không cưới như thường đâu. Nó căn dặn ba như có nhận lời nó thì nó giao trâu cho ba cùng lúc với ba giao con cho nó giữa rừng sâu. Như vậy là hạ con xuống ngang hàng với trâu, đánh đổi con như con vật.
Vậy à?
Ừ, con thấy không? Ba chỉ kể để cười chơi, nhơn cái câu chuyện cần tiền giải nghệ ấy. Ba nói rõ như vậy để con khỏi tủi thân ngỡ ba đã xem xét lời đề nghị của nó. Sao con lại nhận lời?
Nếu quả như thế thì càng nên nhận lời ba à. Nhận có lợi lắm.
Quả như thế là quả làm sao?
Quả hắn đòi tiền trao cháo múc.
Ba không hiểu vì sao mà con nghĩ điên như vậy.
Như thề nầy: nếu hắn là người lương thiện, con không thể nhận, vì nhận là phải làm đúng lời giao ước là làm vợ hắn. Con làm thế nào mà ưng lấy một người đằng Thổ được.
Cố nhiên.
Nhưng nếu hắn là tướng cướp thì vấn đề hiện ra dưới một bộ mặt khác.
Không ai lại phải giữ chữ tín với một tướng cướp và không cần thương xót hắn. Ba nhận lời, con làm vật trao đổi, rồi con sẽ trốn đi sau cuộc trao đổí.
Tám Huỳnh cười khà:
Con cũng lưu manh nữa à? Thật cha nào con nấy. Nhưng con ngây thơ lắm. Con không làm sao trốn thoát tên cướp lợi hại ấy được cả. Rừng rậm là giang sơn của nó mà nó đã thuộc lòng cả từng gốc cây, từng ngọn cỏ. Hơn thế nơi xó nào, nơi đầu truông, gốc bụi nào nó cũng có đặt người của nó.
Nếu con bằng lòng thì dầu muốn dầu không, sẽ phải làm vợ nó suốt đời. Như vậy là một hy sinh của con rồi, hy sinh to lớn quá, ba không thể chiều ý con.
Con tin chắc là con sẽ trốn được, nhứt là từ lúc nghe ba nói hắn buộc phải trao đổi tại chỗ. Ba cứ bằng lòng đi.
Không thể được.
Ba bẳng lòng, nhưng đưa điều kiện và nhờ điều kiện ấy mà con sẽ thoát.
Điều kiện nào?
Là cuộc trao đổi chỉ có thể diễn ra tại Trảng Sụp.
Trảng Sụp?
Vâng, Trảng Sụp.
Sao con biết Trảng Sụp?
Nhan cười dòn lên và đáp:
Sao ba hỏi lạ thế? Người xứ nầy ai lại không biết Trảng Sụp.
Cố nhiên là biết. Nhưng chỉ biết tên thôi. Ba dám chắc trong mười ngàn người không có hơn một người đã đi đến đó và đã biết rõ nơi ấy, mặc dầu nó chỉ cách xa tỉnh lỵ có bốn, năm cây số thôi.
Mà con đã đi đến đó.
Thật à?
Dạ thật!
Hồi nào?
Năm kia, năm con học đệ lục. Tụi con Cánh, cái tụi “ba gai” mà ba đã biết, tụi con của ông Hợp đó mà, chúng nó rủ con đi trong một thời gian mà ba vắng nhà.
Trời, lũ con nít bây giờ thật là liều lĩnh, mà lại con gái nữa mớí rắn mắc chớ!
Cô Nhan bỗng nhớ sực lại như mình đang sống vào năm cô học đệ lục ấy, cười ngã nghiêng ngã ngửa rồi nhỏng nhẻo nói:
Tại ba đi hoài, con ở nhà con buồn lắm.
Thật hú vía! Tụi bây mà chết trong ấy thì thật không ai hay biết.
Nhưng con còn sống nhăn tới bây giờ.
Nhưng tụi bây biết mà biết có rõ không, tả thử tao nghe coi nào.
Dạ, Trảng Sụp là một cánh đồng mà ngày xưa do cuộc thiên tai nào không rõ, thình lình sụp xuống thành một cái hồ sâu. Cái hồ ấy được lấp đầy lần lần và ngày nay thì gần bằng mặt với những cánh đồng chung quanh.
Đó là con nói về địa lý, địa chất học nhưng sai bét, sai đúng theo tin tưỏng của người thường. Cái tên của cái trảng ấy cũng sai theo tin tưởng đó.
Chớ thế nào ba?
Sự thật là như vầy: Đó là nơi đất trũng ngày xưa, rất lâu đời rồi. Mặt đất ở đó thấp quá sức nên vùng ấy là cái rún của các vùng đất chung quanh, luôn luôn tụ nước. Đất bị ngâm nước hằng trăm năm, hàng ngàn năm thì tan thành bùn non.
Nhưng cùng với tháng, năm, nước mưa mang đất các nơi khác về lấp đầy lần lên chỗ trũng đó thành thử ngày nay mặt cánh đồng thấp ấy chỉ còn thấp hơn mặt đồng chung quanh một ít thôi.
Tuy nhiên, lớp đất trên mặt tương đối rất mỏng. Bên dưới vẫn là bùn non. Trảng không chở nổi một sức nặng đáng kể như một con heo chẳng hạn.
Ai phiêu lưu vào đó là bị đất sụp, chôn mất dưới ấy.
Danh từ Trảng Sụp tuy sai về mặt địa lý, vẫn đúng về mặt nầy. Léo hánh vào trảng đó là bị sụp chôn sống ngay. Rồi sao nữa, trảng ấy nằm ở đâu?
Nó nằm ở giữa núi Bà và con đường đi Vũng Chàm.
Đúng. Nhưng nó ở gần tỉnh lỵ quá, đi ba bốn cây số là tới nơi. Ba sợ hắn không dám đến Trảng Sụp.
Có được một trăm con trâu, chắc hắn phải là một tên cướp lợi hại và nhiều bản lãnh.
Cố nhiên. Nhưng hắn không dại mà vào một chỗ gần quan quân trong khi không cần thiết lắm.
Mình phải trình bày điều kiện như là rất cần thiết.
Trình bày làm sao? Ừ, ba quên hỏi tại sao con lại đòi hỏi như vậy.
Ba bảo ba sợ hắn tráo trở, bắt con rồi không giao trâu; giữa rừng hắn mạnh, ba yếu, tức ba sẽ bị lường gạt mà không tự vệ được. Giao trâu gần đồn bót tức là liều vào chỗ nguy hiểm. Mà vào một chỗ như vậy rồi, không thể dám phản trắc, vì sợ ba trả thù bằng cách báo động lên.
Nhưng nếu hắn không dám liều? Điều kiện ấy cần thiết thật đó, nhưng lại đơn phương, chỉ cần thiết cho ta thôi.
Không dám thì thôi vậy. Nhưng con tin là hắn sẽ dám.
Nhưng con đừng ngỡ dựa thế gần đồn bót mà chạy trốn được, cũng đừng ngỡ ba có thể báo động mà quân lính cứu kịp. Tóm lại, con không thể bội ước, còn nó mà có bội ước, ta sẽ cua tay.
Con xin thưa rõ, và luôn tiện giải thích lý do con đòi hỏi như vậy. Phải, ba nói rất đúng rằng con khó mong ỷ lại vào đồn bót mà chạy trốn được. Nhưng con sẽ tạo thuận lợi cho sự chạy trốn của con chính nhờ địa thế của Trảng Sụp.
Thưa ba, con sẽ báo tin cho công quyền hay buổi trao đổi ấy để họ tấn công bọn cướp. Đó là sự thuận tiện mà con tạo ra để thừa dịp tẩu thoát.
Tám Huynh cười ha hả rồi nói:
Con thật là trẻ con, khờ dại lắm. Bị tấn công, nó chết, con lại sống được à?
Không, Nhan có rất ít hy vọng sống sót. Nhưng đó là một cuộc tự tử trá hình, tự tử vì nàng thấy đời nàng đã vô nghĩa, tự tử vì chỉ có cái chết của nàng mới giúp cha nàng đủ phương tiện giải nghệ.
Ít hy vọng sống sót, không phải là hoàn toàn không hy vọng. Thế nên Nhan cũng cười và đáp:
Thưa ba, hắn không chết đâu. Trong đêm tối, loạt súng đầu của công quyền không sao giết hắn ngay được…
Nhưng những loạt súng sau?
Vâng, hắn không chết ngay, nhưng phải nằm xuống lập tức và không đủ thì giờ gữ con trong giây phút đó. Con sẽ vuột ra - thí dụ hắn đang ôm chặt con mà lăn đi - cũng nằm xuống như hắn rồi lăn đi mấy mươi vòng. Bị bắn rát quá, hắn đâu còn dám mò theo mà tìm con.
Tám Huỳnh nghe cũng hay hay nên hỏi:
Rồi sao nữa?
Rồi nhứt định hắn phải bỏ con để tự vệ.
Ừ, nhưng con cũng có thể bị đạn.
Thưa không. Công quyền sẽ nhắm lửa súng của địch mà bắn vào đó. Con đã xa súng của hắn hằng chục thước rồi.
Hừ, con nhỏ nầy nói có vẻ quân sự dữ đa!
Dạ, dầu sao, con cũng là con của một tay buôn lậu từng xông pha tên đạn mà ba.
Ừ, đúng như vậy.
Vậy hắn phải bỏ con để tự vệ. Và chắc chắn là hắn phải thua vì khi công quyền được chuẩn bị thì nhứt định mạnh hơn.
Ừ, rồi sao nữa? Hắn thua, hắn rút lui, con ở lại?
Nếu hắn rút lui được, ba sẽ chết dưới sự trả thù của hắn. Ba đã nói hắn là một tướng cướp vô cùng lợi hại kia mà!
Ừ, thế đó!
Đến đây mới thấy tất cả quan trọng của vai trò Trảng Sụp. Hắn sẽ bị tấn công nhiều mặt, cố nhiên, trừ mặt Trảng Sụp, điều nầy cũng cố nhiên, mặt đó kể như là một tấm vách phành thì không ai phục binh làm gì.
Ba như bắt đầu hiểu rồi.
Chỉ còn có một con đường để rút lui thôi, tất nhiên hắn phải dùng vì dầu sao nẻo ấy cũng có chút đỉnh hy vọng sống: biết đâu Trảng Sụp đã thật khô rồi, không ai khi không mà đi kiểm soát xem Trảng Sụp ngày nay đã thật khô chưa trừ bọn học trò tinh nghịch tụi con.
Ừ, khá lắm.
Và hắn sẽ bị chôn sống trong đó.
Kể ra thì cũng hay. Nhưng ba nghe xong phải rởn óc. Ác quá, và bất lương quá!
Chính con cũng đau lòng, nhưng hắn đã giết người. Còn về điểm bất lương hay không, con nghĩ trâu ấy cũng không phải của hắn.
Cố nhiên, nhưng mà làm sao ấy.
Có lẽ con còn đau lòng hơn ba nữa vì chính con là chủ mưu, mượn tay công quyền để giết hắn, nhưng không hiểu sao cá tánh của con lại mạnh mẽ được đến độ nầy, con cũng ngạc nhiên lắm!
Tám Huỳnh không biết là con ông đã tuyệt vọng, đã quá ê chề nên đâm liều. Ông ngỡ rằng nó thừa hưởng khí bẩm ngang tàng của ông nên mới oanh liệt như vậy, điều đó thì cũng đúng phần nào thật.
Ông Tám làm thinh suy nghĩ giây lâu rồi lắc đầu:
Hỏng, không được đâu con à.
Sao lại không được, thưa ba?
Điềm chỉ cho công quyền, con sẽ được thưởng công, bằng tiền chẳng hạn, nhưng trâu thì phải để làm tang vật, họ không thể chia cho ta được.
Không có vấn đề chia. Họ phải để hết cho ta, đó là điều kiện của con.
Ông Tám Huỳnh cười ha hả rồi nói:
Trẻ con đừng có tin tưởng điên khùng. Không ai nhận điều kiện của con đâu.
Con chắc một trăm phần trăm là họ sẽ nhận.
Họ sẽ gạt con thì có.
Gạt thế nào?
Nghĩa là họ nhận bừa, xong chuyện họ sẽ thưởng công con rồi trâu sẽ bị dẫn về phú de như thường.
Không, thưa ba, đổi chác xong là ba lùa trâu đi ngay, ba đi khỏi đó rồi họ mới tấn công. Nếu không, ba cũng chết mà trâu cũng không còn. Cho là họ không trọng sanh mạng của ba đi nữa, họ cũng phải tiếc trâu và đợi ba đi khỏi rồi họ mới đánh…
Đành là thế. Nhưng họ có thể phục binh ở một mặt trận thứ nhì, ở ngoài mặt trận đó để chận ba lại.
Con có một lá bài bí mật để đòi họ bảo đảm lời hứa.
Lá bài gì?
Đã bảo là bí mật thì con không thể nói rõ cho ba nghe.
Ba là ba của con mà.
Cho dẫu vậy đi nữa.
Coi chừng bật mí đa con.
Coi bộ ba không tin tưởng vào kế của con...
Chỉ về điểm cuối cùng ấy thôi. Chiến lược của con, con sắp đặt xem ra cũng khá ổn.
Nói thí dụ, ta bị họ gạt, chận bắt trâu thì đã sao đâu?
Ừ, thì đã sao đâu.
Như vậy sao ba không thuận theo kế hoạch của con thử xem. Gì đi nữa thì con cũng sẽ được thưởng công vài ngàn để con ăn bánh…
Chỉ được có vài ngàn ăn bánh trên cái chết của người khác thì…
Nhưng cái người khác đó là một kẻ mà tay đã bẩn máu.
Tám Huỳnh bỏ quên chi tiết nầy là Thạch Poul là đại ân nhân của ông mà cũng là ân nhân của Nhan nữa. Còn Nhan, nàng biết đại khái kẻ cứu nàng là một người quen với ba nàng, có lẽ cũng là một tên buôn lậu, không ưa giới đó lắm nên không tò mò hỏi rõ về sau. Thành thử Thạch Poul mãi đến giờ phút nầy vẫn cứ là một kẻ hoàn toàn xa lạ đối với nàng.
Tám Huỳnh cứ làm thinh, khiến Nhan lại hối, giọng van lơn cầu khẩn:
Ba nghĩ thế nào? Nhận đi ba?
Để ba xét lại thử coi.
Dạ ba xét giùm, con mong ba sớm giải nghệ.
Ông Tám nhìn theo đứa con gái thân yêu nó đi xuống nhà sau để ăn sáng và bỗng nhớ đến vợ mà dáng đi, điệu đứng được truyền lại nguyên vẹn cho con.
Cả hai mẹ con đều oai phong lẫm liệt mà không thô kịch. Nhan mặc dầu còn ngây thơ, chưa tự tin trong tuổi non nớt của nó, cũng đã hách lắm rồi. Nó mang máu giang hồ của ông trong người nó, mẹ nó lại mang máu hiên ngang của của ông cố ngoại nó là một tướng giặc cuối cùng của phong trào Cần Vương.
Những kẻ dũng mãnh như thế ấy thì nếu làm anh hùng, anh thư không được, tất nhiên biến thành cường đồ, không sao tránh khỏi.