Phần II

Bên đàng trai, công việc phiền phức chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Nhưng bên đàng gái thì người ta bận rộn ghê lắm.
Vì đường xa nên phải đãi ăn khách rước dâu, đó là cực nhọc lớn đối với người ở thành phố, vì không được xóm giềng phụ giúp như ở thôn quê, dầu mà có đặt nhà hàng làm cả, cũng còn cực.
Nhưng mối lo nghĩ lớn của ông Hoạch, bà Hoạch là con gái thân yêu của ông bà.
Ông bà mong cho cô can đảm nhận chịu số phận, nhưng thấy cô can đảm quá, ông bà đâm lo, băn khoăn không biết con họ đang nghiền ngẫm mưu kế gì, chẳng hạn như cuốn gói ra đi vào phút chót, hoặc uống một ống thuốc ngủ đêm cuối cùng.
Nếu cô khóc thầm hay khóc công khai gì, ông bà cũng bực, nhưng ông bà thấy rõ được là phản ứng đó rất tự nhiên, rồi khỏi phải lo sợ. Cái nầy cô cứ lầm lầm lì lì, không thể đoán được cô đang xây đắp ý nghĩ hắc ám gì trong đầu cô và đang nhơi các ý nghĩ ấy.
Những đêm cuối cùng, bà Hoạch bắt con gái bà ngủ với bà để thỏa tình mẹ con, nhưng chính thật là để ngăn kịp lúc một cuộc quyên sinh có thể xảy ra và chận kịp lúc một cuộc thoát ly gia đình cũng rất có thể xảy ra.
Mặt khác bà kín đáo soát buồng của Minh, gỡ nệm, lật gối nơi nào cũng xem xét kỹ lưỡng xem có bắt gặp món thuốc độc nào hay bức thơ tuyệt mạng nào hay chăng.
Thần kinh của hai ông bà bị căng thẳng đến độ tột cùng, và cả hai đều trông đứng trông ngồi cho cái ngày trọng đại ấy đến cho rồi.
Thiệp báo hỷ đã gởi đi khắp nơi, không gây tiếng vang khác thường ở Cao nguyên nhưng làm cho giới doanh nghiệp ở Sài Gòn xúc - động ghê lắm.
Thật là môn không ngứa mà bạc hà tăng tăng. Chính cô dâu, mà ai cũng ngỡ là nạn nhơn, lại bình tĩnh như thường, bình tĩnh cho đến sáng hôm ngày chánh lễ cưới, cha mẹ cô thức đậy thấy con vẫn còn ở trong nhà và sống nhăn, ông Hoạch, bà Hoạch mới đám thở ra.
Tuy nhiên lo lắng của ông bà chưa gọi là hết được. Chừng nào trao con gái tận tay ông Hóa dưới Sài Gòn, ông bà mới an tâm cho.
Họ đàng trai lên đường hồi ba giờ khuya và lên đến nơi hồi mười giờ sáng.
Không có tai nạn nào xảy ra từ lúc họ đàng trai trình giờ đến lúc nhập tiệc cả.
Minh chỉ giựt mình lúc cha mẹ đưa đi trình diện đôi vợ chồng với các bàn tiệc và bị nhiếp ảnh viên chụp hình.
Ông Hoạch phải cho phép một nhà nhiếp ảnh trong tỉnh làm ăn, kẻo họ sanh nghi, ông Hóa đã yêu cầu ông không phát tặng các ảnh ấy cho các tân khách và mua đứt kiếng ảnh của hiệu chụp hình.
Nàng không thấy chú rể giả, nói đúng ra là không thấy rõ mặt hắn mà nàng không buồn nhìn làm gì.
Khi đứng sau lưng một số thực khách để chụp hình, nàng chỉ chợt nhận ra rằng hắn cao hơn nàng độ nửa cái đầu.
Những chi tiết sau đây, Minh không quan sát mà vẫn thấy được. Là hắn ăn mặc hợp thời trang, một bộ lễ phục may rất khéo. Hắn lại có tướng ăn mặc và đi đứng dễ dàng lắm, tuy hắn có xúc động mấy giây ngắn từ lúc đến trước nàng để cùng được đưa đi trình diện.
Sở dĩ Minh bình tĩnh, can đảm được như thế vì nàng đã có thái độ rõ, và yên chí được với dự định của nàng. Số phận nàng không sửa đổi được, thì nàng cam chịu vậy cho đến cái lúc thực hiện được dự định mới nghe.
Họ đàng trai ra về hồi một giờ trưa, tiệc tùng xong là đi ngay vì đường xa lắm và đàng gái đưa dâu chỉ có hai người, đúng y theo kế hoạch của ông Hóa, hai người đó là ông suôi gái và bà và chính ông lái xe, mặc dầu theo tuổi tác của ông thì lái trên một đoạn đường trường như thế sẽ nhọc quá sức ông.
Cô dâu mặc áo dài may bằng một thứ hàng trắng thưa và mỏng nhưng cứng mình, tuy không dài cho đến phải có hai đứa bé theo sau để nâng vạt sau lên, nhưng cũng phết gót.
Nàng thướt tha đi bên cạnh một thanh niên cúi mặt xuống mãi vì thẹn, cái trắng tinh của áo nàng, của vòng hoa voan trắng trên đầu nàng nổi bật lên bên cạnh màu đen mướt của chiếc quần nỉ và đôi giày véc ni của chú rể.
Người tài xế của chiếc xe hoa đã mở sẵn cửa và đứng đợi họ, trong bộ li-vê trắng, cứng hồ của hắn.
Cả hai đều hồi hộp lúc nhìn thấy cửa xe mở toác ra để đợi họ.
Từ nãy giờ, mặc dầu đã đứng cạnh nhau chụp ảnh, đã đi bên nhau, mỗi người đều kiên thủ được trong thế giới riêng biệt của họ nhờ khoảng trống quanh họ bảo vệ họ, giúp họ cách biệt với nhau được.
Giờ, một căn buồng nhỏ đã làm cho họ khó chịu rồi huống chi là một thùng xe hơi, một chiếc băng sau, chỉ vừa cho hai người ngồi mà khỏi đụng chạm nhau, chung quanh là vách sắt che kín họ, ngoài khó lòng mà trông vào thấy được rõ ràng cảnh bên trong.
Nhưng quanh đó nữa, một lát đây, khi ra khỏi thành phố rừng xanh bát ngát bao la, là núi đồi trùng điệp.
Người tài xế ngồi phía trước là một nhơn chứng thật đấy, nhưng là một nhơn chứng nặc danh. Đối với hắn họ cũng nặc danh vì hắn chỉ mới được thâu nhận đêm rồi và sẽ bị thải đêm nay, với một số tiền an ủi lớn.
Có lẽ vì nhịp bước của cô dâu đưa mau theo nhịp tim của cô một cách bất giác và vì tăng gia tốc độ đi thình lình nên Minh vấp phải chính vạt áo trước của nàng và chúi nhủi tới.
Chàng rể giả hốt hoảng và phản ứng chớp nhoáng của chàng không để cho lý trí kịp xui chàng dè dặt.
Chàng nói: “Ý chết” rồi đưa tay ra chụp ngay lấy vai người... thiếu nữ mà chàng không có quyền động đến.
Thời nay câu “Nam nữ thọ thọ bất thân” không còn giá trị gì nữa cả. Nhưng trong trường hợp nầy, không ai bảo cho, Minh cũng thấy rằng một sơ hở nhỏ cũng sẽ gây ngộ nhận tai hại về sau.
Cửa xe đã gần kề, vì thế mà Minh, cô dâu mới, mau bước chạy đến đó như để chạy trốn, mặc dầu biết rằng lên xe rồi thì lại phải ngồi cạnh nhau càng khó chịu hơn, nàng cũng cứ thấy rằng cái buồng hẹp đó giúp nàng thoát ra khỏi cuộc bách bộ vai sánh vai nầy.
Và vì mau bước mà nàng đã vấp.
Khi nhờ người rể giả níu lại, nàng đứng được ngay ngắn, nàng lại vụt chạy đi như bay và nhảy lên xe thật lẹ.
Cái vấp ngã và bị chụp nơi vai, khiến Minh xúc động ghê hồn vì phải qua hai lần sợ hãi. Lần nầy mới đích thật là chạy trốn.
Nàng quyết nhảy lên xe rồi đóng lẹ cửa lại, sẵn lòng quên chỉ thị của cha mẹ, ông Hoạch và bà Hoạch đồ đi đồ lại không biết mấy trăm lần rằng nàng phải để cho chú rể giả cùng lên ngồi băng sau với nàng.
Xe rước dâu là chiếc Mercédès thứ nhì của ông Hóa, tối tân hơn chiếc mà ông đã biếu bố vợ nhiều, ngoài và trong được cải thiện về tiện nghi, không hề có gai góc nào cả.
Thế mà vạt áo dài của cô dâu lại bị kẹt ở cửa xe.
Vì quýnh quáng, cô dâu ấy đã trì, đã kéo mạnh và chéo áo kẹt càng kẹt cứng hơn. Chàng rể giả đã bước theo kịp và đỏ cả hai tai, chàng ta cúi xuống để gỡ rối cho nàng.
Lần thứ nhì, Minh nghe thân thể nàng bị đụng chạm. Đây là một cảm giác đụng chạm gián tiếp, như ngày xưa phụ nữ quí phái Á đông bị đàn ông lạ thấy mặt là nghe như đã thất tiết rồi.
Khi vạt áo của Minh được giải thoát, nàng không thể đóng cửa lại được nữa như đã quyết chí nãy giờ, bởi chàng rể trá hình đã ló phân nửa đầu của chàng vào phía bên trong và thân hình của hắn cũng choán cả lối quỉ đạo mà cánh cửa phải theo để mà đóng lại.
Mà cho dẫu không bị chướng ngại ấy, cô dâu cũng không thể đóng cửa. Nàng đã sợ hãi, đã thẹn quá mà mất cả bình tĩnh, mất cả trí khôn, chỉ lo lết tuốt vào trong xa sát cánh cửa bên trái của chiếc xe.
Hai vạt áo dài quá dài của cô dâu, vạt sau trải rộng trên mặt băng, vạt trước trải trên thảm lót xe.
Chàng rể giả, trước khi bước lên đó đã phải nhẹ nhàng cầm từng chiếc vạt một để đưa về người mặc áo.
Và lần thứ ba, cô dâu lại nghe cảm giác bị hắn đụng chạm vào người nàng.
Ông Hoạch và bà Hoạch đã theo dõi con từng giây từng phút, đã lo sợ một chuyện không hay xảy ra, và khi người tài xế li-vê bố trắng đóng cửa xe lại kêu đánh phập một cái, ông bà mới thở ra, mồ hôi hai người toát dầm dề...
Ông bà thì nghe nhẹ nhõm cả người, nhưng con của họ bỗng như bị không khí dồn ép trong khoảng hẹp của thùng xe đè bẹp xuống!
Minh nghe ngột thở thật vì tim nàng đã đập mạnh và mau quá sức. Đoàn xe đưa dâu chuyển bánh đi tới từ hồi nào nàng không hay và mãi cho đến khi các ngoại ô xa của thành phố hiện ra với những nếp nhà lụp xụp của nó, nàng mới trở về với thực tại.
Sanh trưởng ở Sài Gòn, Minh chưa nguôi tình sinh quán từ ba năm nay theo cha mẹ lên đây, lần nào có dịp về thủ đô nàng cũng nghe lòng rộn vui như cá về với nước, như chim về với rừng. Chỉ có một lần nầy là ánh nắng trên đường mang một màu xám xịt, và tâm trạng của cô gái nầy là tâm trạng của một Hạnh - Nguyên trên đường cống Hồ.
Thêm vào nỗi sầu thân phận, cái khó chịu nhứt thời bên cạnh một người con trai lạ khiến cho Minh nghe như mình bị đưa lên đoạn đầu đài.
Nàng ngồi sát cánh cửa trái, để một khoảng cách lớn giữa người con trai ấy với nàng, vì thùng xe to, băng xe rộng nên khoảng cách ấy vừa cho một người Á đông mập lớn ngồi xen vào.
Minh day mặt ra đường nhìn khối xanh của chồi cây mọc hai bên lộ, khối xanh nầy dựng lên như bức tường che đậy rừng già bên trong, nghĩ miên man đến cái không may của đời nàng.
Nguyên là nữ sinh của trường Marie Curie từ bé đến lớn, Minh thấm nhuần tinh thần của nền giáo dục Pháp và dành cho cá nhân một địa vị quan trọng trong đời sống con người: tự do cá  nhân, hạnh phúc cá nhân v.v...
Với ý thức hệ đó, nàng đau khổ nhiều hơn những thiếu nữ khác được giáo dục theo ta, khi nàng phải quyết định đời nàng theo quyền lợi gia đình.
Nàng thấy cá nhân nàng chỉ là con số không, cái cá nhân quan trọng đối với xã hội Âu Mỹ mà nàng đồng quan niệm ấy.
Sở dĩ nàng không nổi loạn, lại ngoan ngoãn hành động, theo ý muốn của gia đình là vì nhơn sinh quan của nàng chưa đủ sức đương đầu với giáo dục gia đình mà nàng đã tiêm nhiễm. Hơn thế tình nhà mạnh mẽ lắm nơi bản ngã vị tha của nàng.
Lâu lắm, nàng mới sực nhớ lại sự có mặt của người con trai lạ cạnh nàng.
Ông Hóa đã cho nàng biết rõ hắn là ai, qua trung gian của thân phụ nàng.
Hắn trùng tên với nàng và là thư ký riêng của chồng nàng.
Cái ý “thư ký” vừa nghĩ đến, làm cho Minh bỗng công phẫn hết sức. Nàng thấy rằng cho dẫu sắp đặt giả trá đi nữa, ông Hóa ít ra cũng phải cố chọn một người xứng đáng với thể thống của nàng, nàng trước đây, nàng bây giờ với nàng ngày sau, chớ sao lại đưa một anh thư ký vào vụ nầy?
Cũng lại giáo dục gia đình nữa! Nhưng Minh không đáng trách lắm đâu. Không có người con gái nhà giàu có sang trọng nào mà không nghe như nàng, tức là không phân biệt giai cấp, ít ra cũng về những vấn đề tế nhị như thế nầy.
Nàng có thể trò chuyện thân mật với một viên thư ký, có thể cho hắn ăn cùng bàn, đi cùng xe, và không hề khinh miệt địa vị thấp của hắn, nguồn cội tối tăm của hắn, nhưng mà để hắn giả làm chồng nàng trong mấy tiếng đồng hồ thì nhứt định không.
Đây là mối hận đầu trong đời làm vợ của Minh, nàng thấy nàng bị xem rẻ.
Cô dâu ngồi day mặt ra phía rừng lâu quá nên mỏi phải day trở lại nhìn tới trước.
Bấy giờ trước mắt nàng là một bức tường khác, trông cũng kiên cố lắm, đó là cái lưng áo trắng của người tài xế, cái lưng to như một tấm thớt đình. Tấm thớt đình là thành ngữ mà Minh nghe mẹ nàng thường dùng chớ nàng chưa thấy tấm thớt đình lần nào cả.
Trông cao lên một tí, Minh thấy tóc nơi ót của người tài xế lòi ra ngoài mí của chiếc kê bi của hắn, tóc ấy hoa râm. Chi tiết nầy làm cho nàng dễ chịu hết sức.
Những kẻ cao niên ít hay tò mò đến việc trai gái lắm. Ngước lên nhìn tấm gương chiếu hậu, Minh thấy quả người tài xế không có dòm vào đó để theo dõi những gì xảy ra trên băng sau.
Sự dễ chịu nầy giúp cho phẫn nộ của nàng dịu lại và bây giờ hông nàng như có mắt, nàng quan sát thanh niên ngồi bên cạnh nàng, cũng ngồi nép vào cửa xe như nàng nhưng ở cửa bên phải.
Trong giây phút, Minh có ý nghĩ dại nầy, là nếu xe đụng, có thể bộ máy đóng cửa không toàn hảo, cửa sẽ bật ra và cả hai sẽ văng xuống đường dễ như chơi.
Hông nàng như có mắt? Thật ra nàng quan sát người láng giềng bằng ký ức còn mới, bằng những gì đã thoáng thấy lúc cùng nhau đi trình diện qua các bàn ăn, và lúc từ nhà ra xe.
Cuộc quan sát nầy thật ra chỉ là một cuộc soát lại những gì đã thấy trong một lúc bối rối thôi.
Hắn cũng còn trẻ lắm, chỉ mới hăm hai thôi nhưng chững chạc như một người đứng tuổi. Hắn ăn mặc đẹp lắm, không đẹp vì giá cao của hàng vải cho lắm, không đẹp vì tài khéo cắt may của thợ cho lắm, mà đẹp vì hắn có tướng ăn mặc.
Mặt mũi hắn thế nào? Minh nhớ ra là hắn trắng trẻo, nhưng không được rắn rỏi lắm. Tuy nhiên hắn vẫn tuấn tú khôi ngô.
Nếu nhìn hắn bằng con mắt của cô gái sống cách đây ba bốn mươi năm thì hắn là một người con trai đẹp một vẻ đẹp lý tưởng, hắn có tướng thơ sinh. Nhưng con gái đời bây giờ thích con trai thô bạo hơn, thể thao hơn, nước da đen cũng được, miệng mũi thô cũng được, mà phải rắn rỏi, phải nhiều nam tính trong thể chất.
Nhưng chắc các ông cụ dự tiệc cưới đã thấy là hắn đẹp trai, cố nhiên.
“Cũng tạm cứu vãn được bề ngoài”. Minh nghĩ thầm như vậy.
Và ý nghĩ nầy làm cho nàng bớt xem thường người thanh niên bên cạnh nàng. Hơn thế, nàng lại nghĩ tốt cho địa vị của hắn!
Cái nghề thư ký riêng chỉ mới xuất hiện ở xứ ta có mấy năm nay thôi, chưa có biệt sắc, chưa có truyền thống rõ rệt.
Minh, cô dâu thật, nghĩ về địa vị xã hội của Minh, chủ rể giả, qua những hình ảnh mà cô thấy tả trong các tiểu thuyết Âu Mỹ.
Bên ấy thư ký riêng thường là những người có trình độ tương đối khá cao, ít lắm cũng phải có văn bằng văn hóa tổng quát, tức là bằng tú tài.
Vì vị trí then chốt của họ trong công việc làm ăn của các chủ nhơn ông mà không bí mật nào họ không biết, từ bí mật doanh thương, đến bí mật gia đình, bí mật sức khoẻ bí mật tư tưởng, nên chỉ có những kẻ hạnh kiểm toàn bích mới được chọn.
Tương lai của bọn thư ký riêng khá rực rỡ. Lắm ông nhà giàu có ghi rõ trong tờ di chúc của họ, biếu một phần tài sản cho thư ký riêng của họ để tưởng thưởng sự trung thành của các cộng sự viên đặc biệt ấy.
Nhưng không có khoản tiền bất ngờ ấy, bọn thư ký riêng, anh nào cũng khá giả cả và rất nhiều người trở nên giàu có về sau.
Lương họ rất cao, họ lại khỏi tiêu xài gì hết vì ăn ở nhà chủ. Vì thế mà anh nào cũng tiết kiệm được rất nhiều tiền. Vài chủ nhân ông, gặp hồi nguy khốn đến phải vay tiền thư ký của họ nữa.
Hơn thế, nhờ địa vị của các anh ấy, các anh rất thạo làm ăn, và khi có vốn, các anh lại hùn hạp  để doanh thương, phần đông thành công và làm giàu.
Cái anh thư ký riêng của ông Hoạch chắc không được như thế đâu, nhưng cũng không phải là một viên thư ký thường như muôn ngàn viên thư ký khác.
Bấy giờ đoàn xe xuống đến chân một cái dốc dài rồi lại bắt đầu bò lên một cái dốc khác.
Xe cô dâu chạy giữa đoàn, và đường rất thẳng, nên Minh thấy được những chiếc xe trước nối đuôi nhau mà bò lên, trông đẹp mắt hết sức.
Đằng xa kia, đầu dốc như gác lên trời và con đường đứt khúc nơi nền xanh ấy.
Trời trong vắt và nền trời mường tượng như mặt bể xanh. Minh thấy đó là bể khơi mà cũng thấy đó là vực thẩm, là “chơn trời” thuở bé con của nàng.
Thuở bé, nàng tưởng tượng trái đất vuông vức như một bộ ván, và khi người ta đi đến chân trời, tức là đến bìa bộ ván khổng lồ là quả địa cầu, thì người ta đứng trước một vực thẩm, bên kia là hư vô, không còn gì nữa cả, ai rơi vào đó là mất xác.
Quan niệm bé con của gái thơ, được hình ảnh các đầu dốc về sau nầy cụ thể hóa ra và lúc còn là học trò, mỗi lần đi xa nghỉ mát, và có dịp ngồi xe leo dốc là nàng sợ hãi sẽ phải rơi vào khoảng hư vô đó.
Nhưng giờ đây, Minh cứ muốn tưởng tượng của tuổi ngây dại là sự thật, và cứ muốn được rơi vào khoảng hư vô trên đầu dốc thôi.
Rơi vào đó cho xong cuộc đời không may mắn của nàng, cuộc đời mà đối với nàng không còn chút mùi vị, màu sắc nào nữa cả.
Xe chạy đã được hai tiếng đồng hồ rồi. Nắng trưa nung không khí trong chiếc thùng sắt nầy làm cho nhiệt độ của nó lên cao và mặc dầu kiếng của cửa xe được hạ sát xuống, gió vào vùn vụt, cả hai cùng đổ mồ hôi nhễ nhại.
Sau lưng dựa của băng trước, chủ xe có gắn thêm một thứ giỏ bằng nhôm, chia ra làm nhiều ngăn dể đựng vài thứ cần dùng dọc đường lúc phải đi xa.
Chú rể thật - chú rể mà hiện giờ đang nằm nhà - đã chu đáo đặt vào dó một bình thủy trà ngon và vài cái tách, căn dặn chú rể phải săn sóc cho cô dâu, mời cô ta giải khát khi nào trời nóng bức quá.
Minh - chàng rể - với tay tới rút bình thủy ra và lấy tách rót nước đoạn day lại mời cô dâu, hắn vừa kính cẩn dâng nước vừa lễ phép nói bằng tiếng Anh:
- Thưa bà, đây là nước trà ông soạn cho bà giải khát lúc đi đường, chính tay ông soạn lấy. Thưa bà trời nóng, chắc bà thích nước đá chanh, nước cam hơn, nhưng không có gì giúp ta mau hết khát bằng nước trà nóng và ngon, mau hết khát lại hết khát rất lâu mới nghe khát nữa.
Người Tàu chỉ uống trà nóng khi khát nước.
Thanh niên thanh nữ có học của ta ngày nay vì theo chương trình Việt nên không thạo tiếng Pháp. Về sau, bị mặc cảm dốt ngoại ngữ, họ hối học tốc hành một thứ sinh ngữ tương đối dễ dàng nào đó. Phần đông học tiếng Anh.
Minh - cô dâu - chỉ thạo tiếng Pháp, quen nói và quen nghe tiếng Pháp, nên chi câu Anh ngữ trên đây mà nàng chỉ hiểu lõm bõm thôi, làm cho nàng thoạt tiên hơi ngạc nhiên.
Nhưng rồi nàng hài lòng lắm. Anh thư ký nầy kể ra cũng thông minh. Nếu anh ta nói bằng tiếng Việt, người tài xế nghe biết bí mật vụ nầy thì kỳ lắm.
Cô dâu đưa tay cầm chén trà rồi nói:
- Cám ơn anh!
Nàng nói bằng tiếng Pháp. Và đại danh từ “anh” là ta dịch ra như thế thôi, chứ thật ra nàng đã dùng tiếng “vous” mang rất nhiều nghĩa. Nó có thể là ông, là chú, là mầy, là anh, là chị, là cô, là bà, là lu bù thứ nữa.
Có lẽ nàng dùng tiếng “Anh nầy” theo nghĩa Anh của người miền Bắc, Anh tức là Mầy, mà Mầy đây không phải là Mầy thấp hèn mà là Mầy, kể nhỏ hơn Tao, nhưng có thể thống, Tao phải nể. Cha kêu con bằng anh theo nghĩa đó.
Nước nóng lắm, Minh ngồi uống từng hớp nhỏ, sau mỗi hớp lại đặt chén trà lên dĩa cầm nơi tay khác.
- Thưa bà, ông chủ cũng có chuẩn bị sẵn bữa ăn chiều cho bà, cũng để trong giỏ nhôm nầy. Các xe khác cũng có mang bữa ăn theo, vì theo tục lệ, ta không được ghé dọc đường mà ăn.
Cô dâu mỉm cười hỏi :
- Bữa ăn chiều cho tôi? Còn anh và tài xế nhịn đói sao?
Chú rể giả cũng cười và nói rõ hơn :
- Thật ra đó chỉ là một thôi, để tỏ sự cung kính của tôi đối với bà, chớ tôi và tài xế vẫn có phần ăn để chung trong đó. Vả lại, khi ra lịnh chuẩn bị bữa ăn nầy, ông chủ chỉ nghĩ đến bà thôi, thì bảo rằng đó là bữa ăn cho bà cũng không sai bao nhiêu.
Buồn cười lắm là họ nói chuyện với nhau mà kẻ dùng tiếng Pháp, người tiếng Anh, mà cả hai đều chỉ lõm bõm ngôn ngữ của người đối thoại của họ.
Cô dâu lại hỏi :
- Anh nói theo tục lệ không được ngừng dọc đường để ăn, thế dọc đường có hiệu ăn sao?
- Thưa có. Lát xế đây ta sẽ đến một xóm Thượng hẻo lánh, xóm Bù Đăng, nơi đó có mấy cái quán của người mình, quán xép nhưng nấu ăn khéo lắm, hành khách đi Cao nguyên và từ Cao nguyên xuống, thường ăn ở đó.
- Anh đi Cao nguyên thường lắm à?
- Thưa không, có lẽ còn ít hơn bà nữa, nhưng tôi là đàn ông, lại nghèo, nên ở đâu tôi cũng ghé ăn được nên thạo vậy thôi.
- Anh vào giúp việc cho … cho … cho… chồng tôi được bao lâu rồi?
- Dạ, trên hai năm.
- Trước anh làm ở đâu?
- Thưa, tôi chỉ mới đi làm lần đầu trong đời tôi thôi, trước tôi là học trò.
- Vậy à? Anh học tới đâu rồi?
- Dạ, năm vào làm với ông chủ, tôi chỉ mới đậu bằng trung học đệ nhứt cấp thôi. Tôi nghèo nên học trễ lắm. Hai năm nay tôi tự học và đỗ tú tài I.
Thấy chén nước của bà chủ cạn phân nửa và chắc đã nguội, người thư ký vội lấy bình thủy ra, mở nắp và đưa miệng bình thủy tới, hắn hỏi :
- Xin phép bà?
Minh làm thinh chìa chén ra, nhưng chợt nhớ đến kẻ phục dịch mình, nàng hỏi :
- Anh không khát à?
Chú rể giả vừa phục dịch xong cho cô dâu, đáp :
- Thưa bà, tôi cũng uống đây chớ.
Nói xong, hắn lấy ra một chén tách thứ nhì và tự phục dịch mình.
Thoáng thấy người thanh rên nầy cùng rót một thứ nước ở chính cái bình thủy, một liên tưởng làm cho Minh giựt nẩy mình.
Cảnh tượng nầy đúng là cảnh tượng trên một chiếc hải thuyền, vào một đêm trăng kia, lâu lắm, trong vực sâu của đêm tối thời gian Âu châu... một cảnh trong truyện Tích-Tăng và Ỷ-Sơ mà nàng đã được học ở trường.
Công chúa tóc vàng Ỷ-Sơ là con gái của một vị Quốc vương trị vì nơi một đảo kia, ngoài khơi của Đại tây dương, có lẽ là nước Anh chăng?
Một sáng kia, cùng triều thần đi săn bắn, một vị quốc vương khác trong lục địa tình cờ bắt được trong không trung một sợi tóc vàng óng ánh và thơm phức mùi trinh nữ.
Trong giây phút, vị Quốc vương nầy ngẩn người ra mà tưởng tượng đến dung nhan kiều diễm của chủ nhơn sợi tóc mà ông cầm chắc giữa hai ngón tay, xe qua xe lại để xúc giác của ông tận hưởng sự mịn màng của tóc.
Lát sau ông hỏi quần thần:
- Người con gái nào mà có thể có tóc như vầy?
Một lão quan râu bạc chảy như thác nước xin xem sợi tóc rồi tâu rằng:
- Tâu Quốc vương, chỉ có công chúa Ỷ-Sơ là có được tóc nầy trên đời thôi.
Về trào Quốc vương mơ công chúa Ỷ-Sơ đến bỏ ăn bỏ ngủ và sau một thời gian ngắn, ông quyết định cầu hôn.
Ông ra lịnh sắm sửa hải thuyền và sai vị lão quan thạo việc năm châu bốn bể ấy mang quốc thư của ông và lễ vật ra tìm hòn đảo ấy để cầu hôn.
Phần nghi lễ do vị quan già ấy phụ trách, còn về mặt võ biền thì Quốc vương giao phó cho một viên tướng trẻ tuổi, tướng Tích Tăng mà Quốc vương đã nhận là con nuôi.
Cuộc cầu hôn có kết quả. Cái đêm cuối cùng còn ở trong cung cấm, trước buổi rạng đông mà nàng phải xuống thuyền để viễn du về nhà chồng trong lục địa, công chúa Ỷ-Sơ được vương mẫu cho một bình rượu tiên mà rằng:
- Con nè, con chưa biết mặt mũi của chồng con ra sao, còn mẹ thì nghe thiên hạ đồn rằng vị Quốc vương góa bụa ấy đã già lắm rồi.
Như thế, con sẽ rất khó lòng mà yêu chồng con, mà không tình yêu, hôn nhơn của con còn ra gì?
Nay mẹ thỉnh được bình rượu tiên nầy nó có tánh chất giúp cho tình yêu hai con và nhứt là của con nẩy nở ra. Về nhà chồng, đêm tân hôn con sẽ đem bình rượu nầy ra rồi cùng với chồng con giao bôi.
Có như thế con mới được hạnh phúc.
Rồi công chúa xuống thuyền, thuyền trương buồm tách bến ra khơi, đưa Ỷ-Sơ về một nơi mà tương lai nàng nằm cả trong bầu thuốc tiên huyền diệu của vua bà trao tặng.
Lúc ấy vào độ trăng tròn, sóng êm gió lặng. Đây là lần đầu tiên mà nàng công chúa khuê môn bất xuất rời gia đình để đi một chuyến xa thật xa, dặm nghìn non sâu nước thẳm.
Nỗi nhớ cha mẹ, nhớ nhà, nhớ nước khiến Ỷ-Sơ nghe mình trơ trọi quá. Nàng thơ thẩn đi lên bông thuyền nhìn trăng nhấp nhô đầu sóng ở đằng chơn trời hướng đông, nghe cả trời biển bao la trùm cô đơn lên tấm thân liễu yếu của nàng. 
Thình lình một bóng đen dài thật dài làm cho công chúa kinh hãi, kêu rú lên một tiếng. Vì trăng mới mọc cho nên bóng của vật gì trên bông thuyền cũng kéo dài ra cả, còn công chúa thì chưa ra khỏi lầu son lần nào, nên không biết điều đó.
Bóng đen dài ấy lại vụt chạy về hướng công chúa khiến công chúa lại càng thêm khủng khiếp hơn và  khi thấy hai cánh tay khổng lồ của bóng quỉ vung lên sàn gỗ bông thuyền, công chúa suýt ngất đi.
Tiếng đế giày nện lên bông giúp công chúa tự trấn tỉnh được và một trang võ tướng tuấn tú khôi ngô hiện ra trước mặt công chúa.
Ỷ-Sơ là người phụ nữ độc nhứt trên thuyền, không kể đám thế nữ theo hầu hạ nàng, nhưng bọn nầy ăn mặc riêng biệt, trông thấy là biết ngay, chớ không gấm vóc ngọc ngà như nàng công chúa nầy.
Vì thế mà võ tướng gập mình lại liền mà thi lễ:
- Thưa công chúa, tôi đang ở dằng mũi thuyền, nghe kêu, ngỡ có biến chạy đến đây, không dè là công chúa. Thưa có việc chi dạy bảo, công chúa cứ sai khiến.
Ỷ-Sơ vẫn còn đánh trống ngực, thở hổn hển nói:
- Không, không có việc gì cả. Ta thấy bóng tướng quân trên bông gỗ, ngỡ bóng quỉ nên sợ hãi vậy thôi.
- Té ra là vậy. Thần thật đáng tội lắm, xin công chúa thứ lỗi cho.
- Không hề gì. Nhưng tướng quân là ai.
- Thưa, tôi là Tích-Tăng, tướng cận vệ của quốc vương nước tôi. Tôi có sứ mạng bảo vệ phái đoàn cầu hôn nước tôi và bảo vệ đoàn hoa thuyền nầy.
- Vậy à? Ta có nghe danh Tích Tăng là viên tướng lỗi lạc của vương quốc của tướng công, nay mới thấy mặt đây.
Bấy giờ ánh trăng không bị mạn thuyền cao che khuất nữa và Tích Tăng lặng người ra mà thấy trước mặt mình một nàng tiên nga kiều diễm.
Ỷ-Sơ cũng thấy, nổi bật lên nền trời hướng Đông đầy ánh trăng, một bóng dáng hùng dũng uy phong và cũng ngây người nín lặng rất lâu.
Thấy không còn lý do đứng nơi đó, Tích Tăng lại gập mình lần nữa để chào mà đi. Nhưng Ỷ-Sơ hỏi:
- Còn bao lâu nữa ta mới tới đất liền?
- Thưa còn ba hôm nữa.
- Té ra ta đi đã được nửa đường rồi vì, ta ra khơi đã ba ngày nay.
- Thưa phải.
- Buồn quá tướng quân ơi, ta nhớ nhà quá!
- Thưa công chúa, vương quốc của chúng tôi là một vương quốc phồn thịnh, người đông của nhiều, khí hậu hiền hòa, cảnh vật xinh tươi. Rồi công chúa sẽ vui sống bên ấy và quên được nỗi nhớ nhà.
- Ta chỉ mong được thế thôi. Nhưng cũng khó lòng mà làm quen với đất mới trong mấy tháng đầu. Đâu tướng quân kể cho ta nghe những điều hay lạ bên ấy coi.
- Thưa công chúa…
Trong khi Tích Tăng bắt đầu kể chuyện thì công chúa Ỷ-Sơ vẫy tay ra hiệu cho bọn hầu thế nữ từ đàng xa. Một nàng thế nữ lướt tới bẩm:
- Chờ lịnh công chúa.
- Mi vào phòng ta lấy ra đây một bình rượu ngon và hai cái chén ngọc, để ta thưởng Tích tướng quân coi nào.
Sự may rủi của số mạng đã xui người thế nữ cẩn thận ấy vội vàng nên lấy lầm bình rượu tiên mà vua bà đã ban cho công chúa.
Tích Tăng kể chuyện nghe hay quá nên được công chúa liên tiếp thưởng nhiều chén rượu. Công chúa cũng tự rót cho mình để thưởng trăng, và nhận chìm niềm sầu viễn xứ.
Huyền diệu ơi, khi bình rượu vừa cạn thì cả hai bỗng nghe mình yêu đắm đuối kẻ đối thoại với mình và...
Câu chuyện còn rất dài, nhưng cô dâu chỉ nhớ tới đây thôi, khi liếc nhìn chú rể trá hình tự rót trà cho chàng ta cũng từ bình thủy độc nhất ấy ra.
Minh mỉm cười vì chợt thấy mình nhạy liên tưởng quá và giàu tưởng tượng quá nên phải lo sợ hão. Thuốc tiên và nước trà, là hai thứ khác nhau một trời một vực.
- À, anh tên gì,  nàng lại hỏi sau một hồi mà cả hai đều nín lặng.
- Dạ, tôi tên Minh.
Minh ngạc nhiên hết sức trước sự trùng tên mà nàng chỉ mới biết đây thôi. Tất cả những gì thuộc về người thư ký của ông, ông Hóa đã cho gia đình nàng biết cả, có gởi cả ảnh của hắn lên Ban Mê Thuộc nữa. Mẹ nàng cũng đã kể lại những chi tiết ấy cho nàng nghe, trừ tên của hắn mà có lẽ bà Hoạch cho là không quan trọng nên bỏ qua. Ảnh hắn, nàng không buồn xem, nhưng nếu tên hắn mà được cho biết có lẽ nàng đã chú ý lắm vì sự trùng ngộ nghĩnh đó.
- Anh có biết chăng là tôi cũng tên Minh?
- Dạ không.
- C…hồng tôi gọi anh bằng gì?
- Dạ, bằng tên của tôi.
- Như vậy trong hai ta, có một kẻ phải tạm hy sinh tên mình, ít ra trong gia dình của chồng tôi, nếu không, sẽ gây nhiều lộn xộn.
- Dạ, vâng.
Thư ký Minh nhận ra ngay điều đó mà hắn thấy là hữu lý. Nhưng hắn bỗng châu mày, rồi tủi thân đến muốn rưng lệ. Hắn biết rằng, bà chủ tương lai của hắn tuy nói “trong hai ta” nhưng chắc chắn kẻ phải chịu hy sinh là hắn rồi, không còn ai vào đó nữa.
Lắm trường hợp, chính đương sự tự động cải danh đổi tánh mà không nghe buồn. Nhưng nếu y làm thế vì một áp bức nào, một áp lực nào, cho dẫu là áp lực ấy đưa ra dưới hình thức nhẹ nhàng là gợi ý đi nữa, hắn cũng nghe tủi thân như là chính một bộ phận trong con người của hắn, một ngón tay chẳng hạn, mà cha mẹ hắn đã yêu quí và hắn cũng xem trọng, bị cắt đi.
Bà Hóa tương lai bắt chợt được dấu hiệu của phản ứng tâm lý nơi người thư ký nầy và thấy rằng thật là bất công nếu sự việc xảy ra như vậy, nên nàng an ủi:
- Nhưng thôi, để tôi tự đặt cho tôi một biệt hiệu để chồng tôi gọi tôi. Vả tên Minh của tôi cũng không có vẻ là tên phụ nữ cho lắm.
Thư ký Minh muốn nói: “Cảm ơn bà” nhưng hắn lại làm thinh, vì nếu nói câu cám ơn đó, hóa ra hắn đã chống lại đề nghị của bà chủ tương lai của hắn, và được tha cho sự thiệt thòi đó nên mới mang ơn.
Họ không còn nói gì với nhau nữa nên cả hai đều làm thinh rất lâu.
Ánh dương xế bóng về hướng tây soi nghiêng vào cửa xe phía bên người rể giả nhưng chỉ rọi vào thân dưới tà áo của cô dâu thôi. Tuy nhiên, Minh cũng day mặt qua hướng đông, tức qua phía trái của con đường để tránh bị chóa mắt.
Vì thế mà nàng không biết được anh thư ký riêng của chồng nàng đang làm gì.
Thình lình nàng nghe Minh la lên:
- Bù Đăng.
Cô dâu giựt mình đánh thót một cái, day qua thì thấy Minh ngồi khom mình, hai tay vịn lưng dựa băng trước và cằm gác lên đầu lưng đó, nhìn tới đằng xa kia. Cũng nhìn theo kẻ chung chuyến, cô dâu thấy dạng mấy nóc nhà tranh.
Không mấy chốc xe đã chạy ngang qua cái xóm mà người thư ký đã nói đến lúc hai người mới bắt đầu đàm thoại với nhau.
- Sao chỉ leo heo có mấy nhà thôi?
- Dạ, chỉ có mấy cái quán cơm đó thôi, trong xa kia còn một xóm Thượng. Thưa bà, bà dùng bữa ăn chiều chớ?
- Sao lại ăn cơm sớm thế nầy?
- Tôi chỉ hỏi vậy thôi.
Thư ký Minh bị mấy quán cơm nầy nhắc nhở đến bữa ăn, và cứ ngỡ hễ tới đây là phải ăn, như hành khách xe đò vậy.
Nhưng người tài xế hỏi lớn:
- Ông cho tôi ăn được chớ?
Cả hai đều rụng rời vì họ nói chuyện với nhau bằng ngoại ngữ cớ sao anh nầy lại hiểu được, phải chăng là y đã biết rõ cả bí mật của họ.
Để thử cho biết, cô dâu hỏi y bằng tiếng Pháp:
- Bác đã nghe đói rồi sao?
Người tài xế làm thinh và họ an lòng. Có lẽ hắn chỉ biết lõm bõm một vài tiếng Anh hay tiếng Pháp và nghe mấy động từ “ăn sớm”, “dùng bữa”, hắn đoán đúng họ đang nói chuyện ăn.
- Cứ cho hắn ăn trước và dặn hắn nên cẩn thận trong lúc ăn.
Cô dâu nói bằng giọng thường nhưng vẫn hách một cách kín đáo mà không cố ý. Những kẻ giàu có quen ra lịnh, thường có được giọng ấy. Nếu họ tốt, cố làm dịu lời lẽ người ta vẫn cứ nghe rõ rằng đó là cái lịnh.
Thư ký Minh làm thinh, lấy bánh mì trao trước cho người tài xế. Vì anh ta không được buông cả hai tay ra để ăn, nên Minh chỉ trao thêm một món dồi khô thôi, chớ không khui những hộp chả gan, những hộp thịt bò hấp ra.
Bấy giờ mặt trời đã xuống thấp lắm rồi, đốt đỏ đầu rừng hướng tây.
Đầu rừng nầy chạy dài trên một dãy núi đồi trùng điệp, cứ càng phút càng đen sẫm lại trông như là sơn thủy cải lương vẽ trên giấy bồi cắt theo những hình hợp với cảnh.
- Phía bên kia dãy núi nầy là nước Lào phải không anh?
- Thưa không, đó là xứ Cam bốt.
Họ quên mất hỏi chuyện bằng tiếng ta. Cô dâu ngạc nhiên hỏi:
- Cam bốt? Sao anh lại dùng tiếng Pháp để chỉ xứ Cao Miên.
- Dạ, họ tự xưng như vậy và yêu cầu thiên hạ gọi họ như vậy.
- Có lẽ họ yêu cầu các chánh phủ của các nước trên thế giới chăng. Và các chánh phủ vì lịch sự ngoại giao, nên thỏa mãn họ, chớ ta là dân, ta đâu có bổn phận phải nghe họ, và ta cứ kêu theo sự quen miệng lâu đời thôi chớ.
- Dạ, có lẽ bà nói có lý.
- Tôi theo chương trình Pháp nên dốt Việt sử, anh có biết cái nàng công chúa gì mà gả cho vị quốc vương Cao Miên để đổi lấy quyền di dân vào Nam đó hay không?
- Thưa bà, tôi cũng không biết câu chuyện đó.
- Nhưng câu chuyện ấy sao mà giống câu chuyện Huyền Trân công chúa quá.
- Ừ giống quá... Lịch sử là một cuộc tái diễn muôn đời… thật là buồn.
Cô dâu đã trở lại nói bằng tiếng Pháp câu trên đây rồi cắn môi, châu nầy, mắt rưng rưng lệ Lâu lắm nàng hỏi:
- Anh có thường giao thiệp với người Huế hay không?
- Dạ không. Chi vậy bà?
- Chắc là anh không biết cái bài ca Nam bường gì mà hát lên thân phận của Huyền Trân...
- Dạ, tôi có biết.. Bài ấy tôi đã học ở nhà trường.
Nói rồi thư ký Minh hát bằng giọng Huế sai be bét:
 
“Nước non nghìn dặm ra đi.
Mượn màu son phấn đền nợ Ô, Ry.”