Phần IV

Sài Gòn ngày... tháng... năm...
Thưa Ba Má.
 
“Con được hạnh phúc.
“Nhưng nhớ Ba, Má và các em lắm.
“Vài tháng nữa con sẽ về thăm Ba, Má và các em.
“Kính chúc Ba Má được sức khoẻ, trường thọ và các em vui vẻ học hành.
Nguyễn Thị Minh.
Huyền Trân nghiên cứu suốt ba hôm mới viết được bức thư sáu dòng chữ nầy.
Đó là sự vắn tắt cố ý để người đọc thư đoán rằng nàng đang say mê hạnh phúc của nàng mà không còn thì giờ để nghĩ đến ai cả, cho dẫu là đến những người thân yêu nhứt trong đời nàng từ thuở giờ, mà bây giờ đã bị đẩy xuống hàng ghế thứ nhì.
“Vài tháng nữa con sẽ về…” Nhớ lắm, khỏi làm dâu làm con ai, chồng lại tốt, phương tiện rất dồi dào, thế mà vài tháng nữa mới về có phải chăng là nàng đang triền miên vui duyên thắm?
Theo giao hẹn, họ không trở về đằng gái ba ngày sau lễ cưới. Nghi thức ấy bỏ đi thì cái thời gian là Minh để ra đặng hưởng tuần trăng mật, dài hay ngắn tùy cả ở hạnh phúc của nàng.
Trong những ngày bà chủ nhà cặm cụi viết thư thì anh thư ký lại làm thơ.
Không riêng gì ở đất nước Việt Nam nầy đâu, mà toàn thể thiếu niên trên thế giới đều thế, hễ lên tới trung học là cậu nào cũng thử làm ít lắm là một bài thơ trong đời học sinh trung học của họ.
Đó là thời mà tình cảm của con người bắt đầu ló dạng mà lối diễn tả tình cảm đó, là thơ văn.
Nhưng cậu học sinh trung học Minh của những năm trước chỉ than mây khóc gió một cách bông lông thôi. Ngày nay chàng đã có cái đích cụ thể để mà sầu.
Người thư ký cần cù nhanh nhẹn và thực tế ấy bỗng hóa ra một người khác. Gia nhơn mới không thấy được sự biến đổi ấy, mà cả đến ông chủ cũng chưa thấy vì tuần lễ đầu nầy ông không làm việc, ít gặp thư ký của ông lắm.
Mà thư ký của ông cũng cố lánh mặt ông những khi họ phải chạm trán với nhau, những khi ông Hóa xuống dưới nhà để làm cái gì đó.
Minh không ý thức về sự thay đổi nơi chàng, nhưng cố tránh ông Hoá vì chàng đã oán ghét ông ta. Ngoài vẻ thẫn thờ của chàng và sợ ông Hóa bất chợt dấu hiệu bên ngoài của căm thù nầy, sự phải bối rối trước một người mà chàng phải kính trọng, nhưng lại không giả dối được để vâng dạ.
Ông Hoá, người chủ nhân đạo đức, rộng lượng và dễ thương của chàng bỗng mang vẻ mặt của một thứ cường hào ác bá thời phong kiến, một thứ Nghị Hách [1] thời thực dân tiền chiến, chuyên làm áp lực bằng tiền hay bằng quyền uy để hưởng gái tơ.
Chàng hiệp sĩ sẵn có trong bụng của mỗi người, chàng hiệp sĩ mà tiểu thuyết võ hiệp của buổi thiếu thời đã tạo ra, được âm thầm nuôi nấng trong tiềm thức của mỗi người, chàng hiệp sĩ thích cứu khổ, phò nguy tế nhơn độ thế, chàng hiệp sĩ ấy bỗng bừng tỉnh giấc sau một thời gian ngủ quên rất dài.
Hình ảnh của chàng kỵ mã áo đen, nửa đêm phi ngựa đón dưới cửa sổ đền đài của vị lãnh chúa bạo tàn, cướp nàng công chúa mắc nạn để sau yên ngựa rồi phóng nước đại vào rừng sâu, hình ảnh hào hùng đã làm giựt gân bọn thiếu niên ấy, rất đẹp rất nên thơ.
Thế nên chàng thi sĩ mới ra đời có mấy hôm làm chưa xong hai bài thơ tình đã phải, nhường chỗ cho một vị tiểu tướng yên hùng, cả quyết ăn thua đủ với Nghị Hách.
Tuy nhiên, tuổi trẻ có ngây thơ đến đâu, chàng thư ký Minh cũng biết rằng thời thế đã thay đổi, không còn cỡi ngựa vung gươm được nữa.
Chàng phải hành động khác hơn, cóp theo các phim nghẹt thở ngày nay, thực tế khoa học, không cần có thiên tài mà vẫn thành công ngoạn mục và ở trong cái sê-căng cuối cùng, cô gái mắc nạn và được giải thoát cũng sẽ vào tay chàng thanh niên đẹp trai đã cứu nàng ra khỏi hỏa ngục của một mối tình gượng ép.
Vậy chàng cố bình tĩnh để dựng kế hoạch và chờ dịp thuận tiện hầu thi hành kế hoạch đang xây dựng. Nhờ thế mà chàng bớt đau khổ phần nào.
Tối hôm ấy Minh đi thơ thẩn ngoài vườn, lắng nghe và cố tìm hiểu ý nghĩa của nhạc bản Cái Chết Của Công Chúa Ỷ Sơ mà Huyền Trân đánh mãi ngày nầy qua ngày khác, khiến chàng đâm ngờ rằng bà chủ nhà đánh nhạc để giải trí hoặc để tập cho nhuần tay.
Sức tưởng tượng mạnh mẽ của tuổi trẻ giúp chàng dựng lên cả một pho truyện trinh thám: đó là tiếng kêu cứu của một tần cung nữ bị sanh cầm trong chốn thâm cung, y như dã sử đã cho rằng khi sắp bị đốt sống theo xác chồng, và hay tin viên tướng trẻ là Trần Khắc Chung từ Thăng Long đến, Huyền Trân công chúa đã cho bọn thế nữ người mình theo hầu cận nàng, hát lên bài hát ám hiệu cầu cứu sau đây:
Đàn kêu tích tịch tình tang...
Ai đem công chúa xuống [2] thang mà về.
Chàng dốt nhạc, nhưng bản nhạc nào cũng gồm một hay vài giai điệu mà nghe vài lần là thuộc ngay và nhận ra bản nhạc ấy liền khi nghe lần thứ ba, thứ tư.
Chàng quýnh lên vì nghe rằng lời cầu cứu ấy tha thiết và tuyệt vọng lắm, nếu chàng không ra tay ngay thì giai nhơn sẽ lâm nguy mất.
Đêm tân hôn của họ, sau khi nghe nước xối ào ào rồi sau đó lặng trang, Minh đã nghe tim chàng bị xé nát mà tưởng tượng đến cảnh ván đã đóng thuyền.
Nhưng rồi chàng lại cố mà tưởng tượng rằng... chưa. Vâng, chắc chắn là chưa, vì giai nhơn đã chống cự, đã bịa lý lẽ để lùi ngày thành thân thật sự với ông chồng.
Thế nên giờ chàng mới bồn chồn mà lo sợ trễ quá nếu cứu không kịp.
Bỗng hai tia đèn pha xe hơi dọi thẳng vào vườn xuyên qua hai cánh cửa sắt bông nặng nề đang đóng kín.
Chàng vừa day ra để xem gì đó thì nhận được chiếc D.S của ông Trường Thạnh.
Công việc mở cổng là công việc của chị người nhà, nhưng chàng sẵn đứng đó nên chạy ra mà không do dự.
Chính ông Trường Thạnh lái xe và bà Trường Thạnh ngồi cạnh ông.
Đây là một cặp vợ chồng so le nữa, vì ông Trường Thạnh trang lứa với ông Hóa còn bà chỉ mới ba mươi thôi. Tuy nhiên họ xem được lắm, chớ không chênh lệch nhau quá như ông chủ bà chủ của chàng.
Ông Hóa có điện thoại trên lầu và Minh đoán rằng ông Trường Thạnh đã báo trước cuộc viếng thăm nầy. Quả thật thế, bà Trường Thạnh xác nhận điều đó bằng một lời yêu cầu:
Thầy ký ơi, làm ơn báo tin cho ông Hóa giùm chúng tôi.
Nếu không có hẹn, bà ấy đã hỏi: ông Hóa có ở nhà không thầy ký?
Minh dạ một tiếng rồi chạy vào mở toang cửa phòng khách ra, đoạn chụp ngay ống nói của điện thoại nội thự, kêu lên lầu: “- A lô! Ông chủ? Vâng Minh đây! Dạ, có ông bà Trường Thạnh đến thăm!”
Chàng buông ống nói xuống thì khách đã vào tới thềm. Chàng lời họ vào trong rồi bước ra sân.
Minh biết kín đáo như bất kỳ người thư ký riêng tín cẩn nào. Chàng không hề rình ở sau các lỗ khóa, hoặc sau các cánh cửa sổ để bắt chợt câu chuyện của chủ chàng.
Nhưng trong trường hợp nầy, chàng vẫn không đi xa và đứng xấn rấn cạnh cửa lớn, nhìn vào nhà. Ông Hóa có tật hay gọi chàng giữa những lúc đàm thoại với bạn làm ăn của ông, để hỏi thăm vài chi tiết, để biết một con số, hoặc để sai chàng gọi điện thoại kêu ai đó.
Ông Hóa nhảy xuống thang lầu như bay vì đã có hẹn mà ông không đợi sẵn dưới nhà, ông sợ khách phiền.
Họ chào hỏi nhau lăng xăng, cả đôi bên đều xin lỗi nhau đã chưa đi thăm nhau và bà Trường Thạnh hỏi:
Còn chị nhà đâu anh?
À, nhà tôi nó xuống tới bây giờ, nó còn làm dáng ấy má! Xin lỗi anh chị để tôi đi hối thúc nó, kẻo nó lại đánh phấn thì đến mười giờ đêm mới xong.
Hôm nay Minh tưởng tượng họ đang chiến tranh với nhau hay ít lắm cũng găng nhau dữ lắm. Lời lẽ của ông Hóa làm cho chàng ngạc nhiên hết sức.
Ông Hóa lại chạy bay lên lầu và một phút sau, dắt tay bà chầm chậm xuống từng nấc thang một.
Chàng thư ký chết sững mà nhìn một bà Hóa vui tươi, sung sướng mà trước đây mấy giây đồng hồ chàng còn hình dung bà ta đầu bù tóc rối, gương mặt bèo nhèo và bị ông kéo lôi xuống như kéo một tội nhân.
Từ ngày rước dâu tới nay, nghĩa là sáu hôm đã qua, Minh mới thấy mặt lại Huyền Trân.
Những lần nàng xuống ăn sáng, điều khiển anh làm vườn, đi phố v.v... chàng cố tránh nàng mà cũng không dám liếc nhìn trộm nữa.
Huyền Trân như lớn thêm bốn năm tuổi, xem nàng đứng người ra - nhưng không phải vì thế mà nàng già đi, còn trái lại nữa - và vẻ ngây thơ nữ sinh quá trẻ con của ngày rước dâu đã viễn du mất rồi.
Đứng người ra, Huyền Trân lại đẹp lộng lẫy, khiến Minh ngây ngất nhìn nàng mà ngỡ đó là người khác.
Thiếu kinh nghiệm, chàng không dè mà sáu hôm sau khi lấy chồng, một người trinh nữ lại biến đổi như thế về thể chất.
Nhưng vui tươi sung sướng trên mặt nàng là vui tươi sung sướng thật hay giả vờ? Đành rằng  nước da của Huyền Trân hồng hào ra và tự nhiên là người ta thấy nàng tươi hơn, tuy nhiên bộc lộ bên ngoài của những biến đổi sinh lý không hẳn phải đi đôi với biểu lộ của tâm trạng nàng.
Minh cố tình mà thấy sự miễn cưỡng trong vẻ yêu đời của Huyền Trân và thấy niềm đau thương của nàng ẩn hiện sau nụ cười gượng ép của nàng.
Đôi vợ chồng nầy không chênh lệch quá như chàng đã tưởng tượng. Nghĩa là họ vẫn so le, nhưng có lẽ là chàng đã hình dung một sự cách biệt lớn lao quá nên giờ thực tế làm chàng thấy họ khá xứng đôi.
Vả lại như đã nói, Huyền Trân đã lớn thêm ba bốn tuổi, đã ra vẻ người lớn hẳn rồi thì một người lớn trẻ không so le với một người lớn già như một ông già so le với một đứa con nít.
Có lẽ gia đình ông Hoạch đã giáo dục con gái họ một phần nào theo Âu châu, hoặc theo xã hội phú hào Á đông ta, nghĩa là con gái lớn tới tuần cập kê là họ tập cho chúng quen với việc lấy chồng, với tác phong một người vợ chớ không để chúng hoàn toàn dốt hẳn về chuyện đó rồi cứ trẻ con ngây thơ mãi, nên chi bà Hóa tiếp khách một cách rất là người lớn.
Bà ta có phong độ của một bà chủ nhà đứng tuổi không mặc cảm về sự trẻ dại của mình, không mặc cảm về ông chồng già của nàng.
Minh chợt nhận thấy điều nầy là phụ nữ họ hơn hẳn nam phái về chỗ người lớn ấy. Nếu họ muốn, là họ làm được ngay. Đồng tuổi tác, đồng giáo dục, đồng huấn luyện, một thanh niên hai mươi không thể có được một tác phong của một người chồng đàng hoàng như một thanh nữ hai mươi lấy bộ một bà chủ hách dịch.
Mới có sáu hôm thôi mà Minh thấy đã có sự cách biệt rõ rệt giữa chú rể giả của ngày nào và cô dâu bất đắc dĩ của ngày nào.
Mới ngày nào đây, họ còn xứng lứa vừa đôi với nhau biết bao nhiêu!
Cô nữ sinh trong trắng ấy đã mau chân trong cuộc chạy đua với chàng trên đường đời, bỏ chàng lại khá xa và sẽ còn bỏ xa thêm nữa.
Năm mươi lăm tuổi của ông Hóa thì già quá đối với cô gái hai mươi nầy, nhưng hai mươi hai tuổi như chàng thì lại trẻ con quá đối với nàng. Tuy nhiên sự già quá ấy dầu sao vẫn có được cái oai vệ, cái hách dịch tự nhiên của người lớn bù cho, chí như sự trẻ dại của chàng...!
Minh. thử hình dung chàng đang ngồi trước mặt khách, thay thế cho chủ nhà. Cả ba người trong đó, hai vợ chồng ông khách và bà chủ nhà đều sẽ lấn lướt chàng từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ. Chàng sẽ là kẻ lép vế nhứt trong bọn, trong khi chàng phải là người kẻ cả nhứt mới xứng đáng địa vị chủ nhà và chủ của linh hồn bà vợ.
Trong giây phút, chàng hiệp sĩ giang hồ kiếm khách chuyên cứu khổ phò nguy nầy bị mặc cảm tự ti tưới nguội cái hăng say ra tay nghĩa hiệp của chàng.
Chàng mặc cảm và đâm ra nghi ngờ, tự hỏi mình còn lý do để mưu toan giải thoát người đẹp mắc nạn nữa hay không?
Người đẹp có quả bất mãn và đau khổ vì số phận của nàng chăng, hay đã được hạnh phúc thật sự trong tay một kẻ nhiều kinh nghiệm, già chiến thuật, hạnh phúc thật sự trong nhung lụa, trong đủ thứ tiện nghi, trong mọi hưởng thụ vật chất?
Bà Hóa thật xứng đáng một nữ chủ gia theo quan niệm của Âu Mỹ, nghĩa là một nội tướng đủ tư cách thay mặt chồng để tiếp khách mặc dầu người chồng vẫn có ở đó chứ không phải đi vắng.
Trong xã hội ta, một tác phong như vậy bị chê bai, vì người nội trợ có vẻ lấn lướt chồng quá, nói nhiều gấp ba chồng, cướp hết khách như ông chồng không có mặt. Nhưng những người bị Âu hóa thấy đó là một bà chủ thức thời.
Một ông chồng lịch sự, lịch sự theo Âu Mỹ như ông Hóa rất hãnh diện mà có được một người vợ đủ khả năng như thế và rất sung sướng mà thấy bà ấy trổ tài. Ông không mặc cảm vì chính ông còn bảnh hơn vợ ông nữa, sỡ dĩ ông thụ động chỉ vì muốn nhường cho vợ công việc tiếp khách thôi.
Riêng Minh, chàng bỗng nghe mình nhỏ nhoi quá.
Chàng không làm được như ông Hóa mà Huyền Trân làm được, tức là hơn hẳn chàng rồi. Chàng hình dung ra mình đang ở địa vị ông Hóa và thấy Huyền Trân là kẻ cả của chàng rõ rệt.
Ảo tưởng bình đẳng và đồng đẳng với Huyền Trân buổi đưa dâu, ảo tường được nuôi nấng cho tối đêm nay, bỗng tan đi thình lình và Minh nghe mình xa Huyền Trân hằng vạn dặm. Hai người như đã cầm tay nhau đi song song trên đường đời, nhưng Huyền Trân mau bước vượt tới còn chàng thì kém cỏi nên rớt lại đằng sau, không hy vọng rượt theo kịp bạn nữa.
Kìa, khách đã đứng lên xin về. Minh vội bước tránh qua bên góc sân bên kia, núp sau tàn một cây nguyệt quế già.
Huyền Trân đi trước với ông khách còn ông Hóa thì đi sau với bà vợ của kẻ kia. Họ đứng nơi sân mà nói thêm vài mẩu chuyện nhỏ nữa rồi khách mới lên xe.
Khi hai cánh cửa sắt được con sen đóng lại rồi, Huyền Trân trở gót đi vào trong ngay mà đi thật lẹ chớ không so bước với ông để chậm rãi mà chuyện trò thân mật trong khung cảnh thần tiên nầy đáng lý mỗi đêm, đôi vợ chồng mới phải đếm bước trong đó.
Vườn hoa nhà ông Hóa rộng như vườn hoa các võ quan Tây trên đường Nô Rô Đôm đời Pháp thuộc với những cây phượng vĩ, những cây đa cổ thụ mà về đêm, thắp đèn trên ngọn cây, dưới nầy những lối đi được soi sáng một cách rất là thơ mộng.
Bao nhiêu tủi thân của Minh dường như được xóa hết thình lình trước lạnh lạt của cái bà vợ cố ý trốn thân mật với chồng nầy. Bà ta chỉ vui vẻ lúc có khách để trình diện với người ngoài một bộ mặt hạnh phúc giả tạo của gia đình bà và một khi khách ra khỏi nhà, bà ta lại rút trở vô cái vỏ lạnh lùng câm lặng của bà ta.
Tình yêu vô lý của Minh, chàng ngỡ nó vô vọng từ lúc thấy Huyền Trân bảnh quá, và sung sướng quá trong địa vị người vợ. Nhưng sự cổi lốt bất ngờ của bà chủ nhà bất đắc dĩ, đóng kịch hạnh phúc để tiếp khách khiến tình chàng tỉnh dậy như một võ sĩ bốc Ăng-lê vừa bị đánh nốc ao đo ván nãy giờ, bây giờ lại ra khỏi ngất lịm.
Minh ơi!
Ông Hóa gọi chàng trong lúc bất ngờ, khiến chàng ngạc nhiên mấy giây; chàng lặng lẽ rời chỗ núp chạy đến trước mặt chủ nhân.
Có lẽ ông Hóa bị vợ bỏ rơi nên kêu chàng nói bậy bạ điều gì cho có vẻ bận rộn để ngầm cắt nghĩa sự không kịp đi với vợ, cho đỡ ngượng vậy thôi.
À, Minh anh lấy bằng lái xe hồi nào?
Dạ, đã hai năm rồi.
Lái đã giỏi chưa?
Dạ, rất dở, vì tôi không có xe để tập thêm.
Bắt đầu ngày mai, anh thuê xe mà tập, đây tôi cho anh một ngàn đồng để mướn xe, và cho mượn tài xế để nó dìu dắt anh. Nội trong một tuần lễ, anh phải lái cho thạo. Qua tuần lễ đó, tôi sẽ cho phép anh tập bằng xe tôi, chớ bây giờ thì không dám, sợ anh quẹt trầy xe hết.
Độ rày tôi cần đi đứng nhiều ban đêm, mà tài xế thì bảy giờ tối nó đã về mất rồi. Tôi có thể cho tiền xúp để nó ăn cơm tối rồi trở lại, tôi có thể mướn tài xế khác để lái giấc tối, nhưng không sao bằng người ruột trong nhà.
Vậy anh sẽ lái xe tôi về đêm. Tôi sẽ trả lương đêm anh bằng hai lương tài xế ban ngày, mặc dầu không phải đêm nào cũng đi và có đi cũng chỉ đi vào tiếng đồng hồ.
Minh làm thinh không nhận đề nghị cũng không từ chối. Thư ký riêng không thể từ chối công việc nào cả trừ những công việc mà họ cho là phạm nhơn phẩm của họ. Mà dây không phải là trường hợp đó.
Nhưng Minh bần dùng là vì chàng vốn vừa bị mặc cảm nhỏ nhoi trước Huyền Trân rất bảnh thì công việc mà ông Hóa đề nghị với chàng sẽ hạ chàng xuống thấp hơn nữa đối với bà chủ.
Anh không bằng lòng à?
Ông Hóa ngạc nhiên hỏi gặn như vậy, vì ông đã quen quá rồi với sự vâng lời không suy tính của Minh từ thuở giờ.
Thưa ông cũng được, nhưng tôi tập xe ban ngày thì công việc giấy tờ ai làm và tài xế đi theo dìu dắt tôi thì ai mà lái xe cho ông.
Không cần, bỏ hết mọi công việc trong hai tuần lễ để lo tập xe. Còn tài xế thì Minh đã biết, ở nhà nó cũng không có công việc gì mà làm.
Quả thật thế, ông Hóa ít đi đâu lắm. Thương lượng làm ăn, ông chỉ dùng điện thoại thôi. Công việc chính của tài xế của ông là lau xe và rửa xe chớ không phải lái xe. Vả lại, chính ông lái xe rất thạo thì không cần hắn lắm.
Nè, tiền đây. Thuê loại xe cùng một loại số với xe nhà nầy để khỏi bỡ ngỡ khi trở về với xe ở nhà.
Dạ.
Ông Hóa bỏ chàng bơ vơ nơi sân rồi đi lên lầu. Con sen lo đóng cửa phòng khách và trên kia, những tiếng nhạc quen thuộc lại nối đuôi nhau mà bay qua cửa sổ gởi về đâu không rõ tâm sự của người thiếu phụ không toại nguyện chốn lầu son.
Hôm sau và những ngày sau đó, Minh dượt xe buổi sáng. Buổi chiều tài xế phải đưa vợ chồng ông Hóa đi thăm bạn hữu, thăm trả lễ những cuộc viếng thăm liên tiếp hằng đêm của những người quen thuộc với ông Hóa.
Biết tánh chủ mình, ra thời hạn là ra đúng không thích bị ai làm sai lệch, nên Minh cố tập cho thạo trong một tuần lễ.
Nhưng chàng chỉ có một buổi sáng thôi, buổi chiều tài xế bận công việc của hắn. Thành thử chàng lái suốt mỗi buổi sáng từ tám giờ đến mười một giờ, mệt nhoài.
Đã vậy mà sau ba hôm tập dượt, tài xế lại còn bắt chàng phải lái từ bảy giờ sáng đến đúng ngọ. Hắn cho rằng phải lăn xả vào giờ đi làm và giờ tan sở, phải bị kẹt xe mỗi mười thước đường, có thế mới mau giỏi.
Minh không còn tâm trí nào để nghĩ đến bà chủ trẻ tuổi của chàng nữa. Cuộc đời phẳng lì buồn tẻ của chàng càng phẳng lì, buồn tẻ hơn vì chàng ngủ riêng dưới nhà một mình và ăn tại buồng ăn hẹp dưới bếp.
Chàng quen lần với nếp sống ấy và gần an phận được rồi. Hai cái ghen của chàng cũng đã dịu. Hai cái ghen? Ừ. Chàng ghen với bà chủ đã cướp mất người bạn già của chàng. Chàng ghen với ông chủ đã ấp yêu một thiếu nữ mà suốt mấy tiếng đồng hồ, trên xe hoa, chàng đã nuôi nấng một ảo mộng phạm thượng dưới một bộ mặt ngoài cung kính và biết thân.
Bắt đầu tuần lễ thứ nhì của khóa dượt xe, ông Hóa hỏi thăm tài xế của ông về tiến bộ và khả năng của Minh rồi cho phép chàng lái xe nhà.
Lại bắt đầu bảy ngày khổ dịch nữa. Minh bỗng thấy mình vụng về như trong ngày đầu của tuần trước vì xe nhà lớn và dài hơn xe thuê nhiều, khiến chàng đâm hoảng khi vào những con phố đông đúc.
Và như tuần trước, bảy ngày bận rộn và mệt nhọc nầy là bảy ngày tâm thần chàng được yên ổn một cách dễ chịu.
Đêm đầu của tuần lễ thứ ba của mùa tập xe, là đêm xuất quân đầu tiên của Minh.
Đêm ấy vợ chồng ông Hóa đi ăn cơm ngoài. Tài xế được giữ lại để kèm Minh mà ông Hóa chưa vững tin.
Tuy nhiên, ngồi cạnh thầy Minh, tài xế tài tử, anh tài xế nhà nghề không được nói, không được làm gì cả, và chỉ can thiệp vào giây cuối cùng trước một tai nạn có thể xảy ra thôi, nếu anh ta can thiệp kịp. Bằng như không kịp thì thôi.
Minh đã lái tròn trịa, mặc dầu chàng dám lo ra như một tài xế nhà nghề lái thật giỏi.
Chàng lo ra vì sự im lặng bất thường ở sau lưng chàng.
Huyền Trân đã khéo léo xử sự cho khách ngỡ nàng sung sướng lắm, hạnh phúc lắm. Nhưng có lẽ nàng xét rằng thư ký của chồng nàng và tài xế là những người không đáng kể nên không cần làm bộ làm tịch gì cả.
Ông Hóa có lẽ cũng quên mất rằng trên xe có hai nhơn chứng nên không yêu cầu bà có một thái độ bình thường.
Sự bất đếm xỉa nầy, một lần nữa làm cho Minh tủi thân. Chàng thấy chàng là một đơn vị không đáng kể trong xã hội của Huyền Trân, chàng là một con chốt lúc cờ mới xuất quân.
“A, con chốt! Minh nghĩ, con chốt thì không nặng bao nhiêu thật đó khi bàn cờ còn rậm ri, còn đông đúc quân lính. Nhưng đến lúc cờ tàn thì phải biết uy lực của một con chốt là như thế nào!”
Ý nghĩ thoáng qua nầy an ủi anh con trai lộn xộn, không chịu thủ phận. Anh đã trót uống lộn thuốc tiên chăng?
Cô dâu đã cười để tự chế diễu mình đã tưởng tượng nhiều quá và nước trà không phải là rượu yêu. Nhưng thuốc tiên đâu phải chỉ ở trong rượu. Thuốc tiên là ảo tưởng của chàng. Thuốc tiên là bao nhiêu ngộ nhận của bao nhiêu tân khách ngồi họ, ngộ nhận đó đã gây ngộ nhận của chính người trong cuộc nữa, mặc dầu người trong cuộc đã ý thức rằng y chỉ đóng trò thôi.
Các diễn viên sân khấu, diễn viên nào lại không có những phút quên cái tôi của họ, nhị hóa nhơn cách của họ, tưởng họ là người của vở kịch, cũng vui buồn giận ghét thương yêu như người trong vở?
Đó là ảo tưởng diễm huyền mà ai đã trót mang, cứ tiếc thương mãi, cứ muốn nuôi nấng nó mãi kẻo nó tan đi.
Vả kẻ nuôi ảo tưởng nầy chưa chắc chỉ có một mà không hai, chưa chắc gì có chú rể giả là nhị hóa nhơn cách mà thôi đâu, Minh tin chắc như vậy.
Ngoài sau, hai vợ chồng mới cứ ngậm câm như vừa giận nhau đâu lúc sắp sửa ra đi.
Minh nhớ có đọc một bài báo ngoại quốc nói đến một cặp vợ chồng già kia ở Luân Đôn.
Sau bốn mười lăm năm chung sống, họ không còn gì nói với nhau nữa cả. Những chiều dắt tay nhau đi dạo mát ngoài phố, ngậm miệng mãi họ thấy rằng trơ, nhưng lại không bao giờ ai tìm được đề tài câu chuẩn cả, trong hai ông bà ấy.
Rốt cuộc bà vợ phát minh ra một trò chơi tinh xảo để tạo một cảnh kịch thân mật vui vẻ giữa hai vợ chồng.
Phát minh ấy là thế nầy: bà đếm từ một đến mười, rồi ông đếm từ mười đến hai mươi, rồi tới phiên bà, và cứ như thế mãi, chưa tới số một trăm họ đã buồn cười và cả hội đồng cười vang phố, cười vui thật tình chớ không phải cười giả nữa.
Kẻ qua đường thấy môi của họ cứ nhóp nhép mãi và thấy thỉnh thoảng họ cười ngả nghiêng ngả ngửa, ngạc nhiên lắm và tự hỏi sao họ lại còn nhiều điều vui ngộ để nói với nhau.
Minh định sẽ làm cho bài báo ấy lọt dưới mắc ông Hóa một cách kín đáo để giúp ông ra khỏi tình trạng khó chịu của ông. Nhưng càng nghĩ kỹ lại thì thấy rằng không được.
Trò chơi ấy chỉ có bồ mới có thể chơi.
Ít ra bà vợ cũng phải chịu khó tham gia để cử động môi của bà ta, chớ nếu ông chồng cứ đếm một mình mãi, có lẽ chính vợ ông cũng cho là ông nổi cơn điên.
Minh chỉ thương xót chủ chàng một chút xíu thôi vì chàng nghe sung sướng lắm trước cảnh lạnh nhạt của đôi vợ chồng nầy.
Rõ ràng là Huyền Trân không phải của ông Hóa, không chịu thuộc về ông Hóa. Mặc dầu nàng cũng không phải của chàng, nhưng chàng thích thấy nàng rảnh rang, độc lập như vậy.
Chàng là kẻ chiến bại và đã lùi về một vị trí mới, ở sau mặt trận cũ rất xa, nhưng rất hãnh diện về điểm kiên thủ nầy.
Khi xe hoa từ Ban Mê Thuộc về đến Cầu Bông, chàng đã hốt hoảng, toan làm hiệp sĩ để bắt cóc người đẹp rồi quất ngựa bôn đào. Nhưng mộng chàng không được thực hiện giai nhơn đã qua đêm tân hôn với vị lãnh chúa trong đền đài rồi.
Sự thua trận của chàng là không cứu vãn được thân thể của người đẹp cho nó còn hoàn toàn trinh trắng.
Vi trí mới mà chàng quyết chống giữ đến giọt máu cuối cùng là tình trạng vô chủ của tâm hồn Huyền Trân.
Ừ, ván đã đóng thuyền rồi không làm sao cho bát nước đổ lại đầy, thì ít ra Huyền Trân phải còn nguyên tấm lòng, không chịu trao gởi cho ai của nàng, để cho chàng mơ.
Bữa ăn của những ông nhà giàu với phụ nữ đẹp thường được kéo dài đến đỗi các bác tài xế phải ngáp. Thế mà bữa cơm tối đêm nay lại ngắn quá.
Người tài xế thật thụ chưa kể hết hai tích cải lương cho Minh nghe thì hai vợ chồng ông chủ đã ra. Cũng may là Minh từ chối đi nhậu với hắn.
Ông chủ gọi tài xế lại, cho hắn một trăm bạc bảo hắn về. Ông đã tín nhiệm Minh được rồi ở chuyến đi xuôi chèo mát mái và chuyến về, chàng được lái một mình khỏi bị ai âm thầm kiểm soát nữa cả.
Đi một vòng cho mát cưng nhé?
Ông Hóa hỏi bạn bằng tiếng Pháp và bà Hóa đáp bằng câu đáp cổ điển của nàng.
Tùy anh.
Chạy vòng lớn!
Ông Hóa lên sau bà, đóng cửa lại rồi ra lịnh như thế. Ông quên rằng “vòng lớn” chỉ là danh từ mà ông đặt riêng để nói với tài xế của ông, người khác không thể hiểu được.
Vòng lớn của ông là cái vòng mô phỏng theo “Vòng Tòa Bố” của người Pháp hồi tiền chiến, có thay đổi chút ít nhờ vài con đường mới mở sau nầy.
Minh bối rối muốn hỏi nhưng không hiểu sao lại thôi. Có lẽ chàng định giấu mình luôn trong im lặng, lên tiếng là Huyền Trân sực nhớ đến chàng ngay, nghĩ đến chàng ngay, thấy ngay rằng chàng chỉ là người tài xế phụ làm xúp ban đêm.
Không biết cái vòng lớn của chủ mình là cái gì, Minh quyết chạy trên những con đường trống trải có nhiều bóng tối và gió, nhứt là con đường dài bao trùm thành phố Sài Gòn lại. Vòng lớn kia mà! Biết đâu tuy chạy bậy, ông chủ ổng thấy hay hay, ổng sẽ công nhận cái vòng mới đó và hủy bỏ vòng cũ của ổng đi chăng?
Thế nên chàng đâm ra Tự Do rồi đổ xuống sông. Tới nơi, chàng quẹo trái để vào Cường Để. Không nghe ông chủ nói gì cả về vòng lớn bí mật đó.
Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hồng Thập Tự - Cầu Thị Nghè! Xe chạy đã khá tốn xăng rồi mà ngoài sau đó hai ông bà cứ diễn kịch câm mãi.
Bà Hóa không có gì để nói với ông, hay có những điều không thể nói với ông. Còn ông thì vẫn có nhiều chuyện lắm, nhưng biết chắc rằng bà không thích nên cũng chẳng buồn nói. Chẳng hạn như ông định gom hết tiền cất vài cái buyn đin rồi ở không mà an hưởng tuổi già, khỏi tranh đua nữa cho nhọc trí, nhưng dưỡng già lại là một hoạt động tối kỵ đối với tuổi trẻ.
Những bà vợ trẻ họ rất ghét chồng họ làm ăn bề bộn rồi không còn thì giờ để săn sóc họ. Nhưng chồng họ ở không, họ cũng chẳng thích.
Khi nãy chạy ngang qua hồ tắm học trò, em nghe làm sao?
Ông Hóa thật là ích kỷ. Từ hồ tắm học trò tới đây, có cả hai cây số mà ông chỉ mới hỏi cảm tưởng của vợ về cái nơi gợi nhớ đời nữ sinh của nàng ấy thôi.
Nhớ nhiều kỷ niệm nhưng xa lắm rồi!
À, hổm nay em lội trong câu lạc bộ có vui hay không?
Hồ tắm sạch lắm, sạch nhứt thủ đô, người tắm cũng có vẻ sạch và chắc chắn là rất lịch sự
Em nói “có vẻ sạch” là nói mỉa mai đó. Ừ, bề ngoài họ có vẻ sạch, nhưng họ có thật sạch hay không chỉ có trời mà biết.
Tuy nhiên em có thể tin chắc là họ sạch vì em khen họ rất lịch sự. Người lịch sự không bao giờ để người khác chịu đựng bẩn thỉu của mình. Đã có bạn chưa?
Em có vẻ là một thiếu phụ góa chồng, lẻ loi lắm. Người Âu họ không đánh bạn với ta.
Ông Hóa biết vợ ám chỉ điều gì và định đi tới đâu trong câu chuyện. Nàng trách khéo ông đã bỏ nàng một mình đó. Những kẻ có vợ có chồng chỉ thích cùng giải trí với người bạn đời của họ thôi, cho dẫu người ấy không xứng lứa vừa đôi với họ lắm.
Nhưng ông Hóa không còn phong độ để chơi thể thao nữa. Thành thử ông phải đánh trống lấp để hướng câu chuyện qua nẻo khác. Nhưng không tìm được đề tài nào cả, ông lại ngậm câm như trước.
Trong cái im lặng đó, cả ba người trên xe đều nghĩ đến một việc sau đây, làm như là họ nhờ thần giao cách cảm truyền ý nghĩ của họ cho nhau.
Họ nghĩ đến những cặp vợ chồng so le ở bên trời Âu. Bên ấy y như là bên Tàu, người ta kết hôn như vậy là thường. Âu châu và Trung Hoa là hai nơi giàu có lâu đời, văn minh vật chất rất là tế nhị và con người nghĩ ra được lắm cách hưởng thụ cuộc đời.
Những lão Tây già độ lượng phóng khoáng chớ không phải ích kỷ như những lão Tàu đâu.
Trong khi người Tàu giấu tỳ thiếp mười bảy mười tám tuổi trong buồng the thì trái lại người Âu châu khuyến khích cho các bà vợ trẻ của họ có bạn trai cùng lứa.
Họ không chạy theo kịp những bà vợ còn cứng gối của họ mà cũng không đành để các bà ấy trơ trọi, buồn hiu, nên những mùa tắm biển vào hè, và những cuộc trượt tuyết trên núi vào mùa băng giá là những dịp mà các ổng thả cửa cho các bà ấy.
Các ổng tin nơi tiết hạnh của các bả lắm chăng và không biết ghen là gì sao?
Không, các ổng không tin và vẫn biết ghen. Nhưng các ổng không ghen với thanh niên mà các ổng xem là kém các ổng. Nếu có xảy ra các mối tình tội lỗi thì mấy ổng sẽ xem đó là thứ tình học trò, thứ tình con nít, không đáng kể, và các bả sẽ quên đi.
Độ lượng của các ông chồng già Âu châu là một thủ đoạn khôn khéo vô cùng. Họ mượn tay thanh niên, những thanh niên mà họ kín đáo khuyến khích, thường là những anh chàng xoàng xĩnh về học vấn, về thông minh và chưa có dịa vị, họ mượn tay các người ấy để giữ vợ họ, nếu không các bà sẽ chán nản mà xin ly dị mất.
Cả ba người trên xe đều nghĩ đến phong tục Tây phương nầy, nhưng mỗi người nghĩ mỗi cách.
Huyền Trân nhờm gớm phong tục dó. Minh thì lại mơ ước được làm ông thần giữ của cho ông chồng già.
Riêng ông Hóa, ông đặt thành vấn đề hẳn hoi. Ông tự hỏi ông có nên rộng lượng như thế không.
Huyền Trân được giáo dục theo Âu châu, từ học đường cho đến gia đình, đã tiêm nhiễm tinh thần tự do cá nhân của châu Âu, không thể nhốt nàng được như các ông lão Trung Hoa nhốt tỳ thiếp.
Nàng yêu đời, ham sống, nhứt là ham sống động, như vậy nàng sẽ nghe cô đơn hơn là một thiếu phụ thường, một thiếu phụ được giáo dục theo lối khuê môn bất xuất.
Một người bạn trai cho nàng?
Ông Hóa đặt vấn đề, tìm ra giải pháp, nhưng không dám nhìn rõ giải pháp đó. Dầu sao, ông cũng còn là người Á đông, hơn thế người Á đông chịu văn hóa Trung Hoa, nghĩa là một kẻ rất quí trinh tiết của phụ nữ.
Nhưng ông đã bắt đầu thấy rằng khó lòng mà nhốt người vợ yêu quí của ông được.
Nhốt đây là nhốt tấm lòng của nàng, chớ thân thể nàng thì ông chủ trương để bạn tự do.
Nàng sẽ buồn ghê lắm và sẽ tìm một tâm hồn bầu bạn.
Trên xe lại lặng trang, xe đưa đám ma cũng không im thin thít như thế nầy! Minh buồn cười lắm mà nghĩ đến câu chuyện ngộ nghĩnh nầy là nếu ông Hóa là một chánh khách quan trọng của một nước Đức quốc xã mà buồng ngủ bị sở Gestapo của Hít-Le gắn máy vi âm hầu rình nghe câu chuyện phòng trung của ông để kiểm soát tư tưởng của ông, thì nhơn viên phụ trách công việc rình rập, nghe ngóng ấy sẽ ngỡ rằng máy vi âm hỏng vì cặp vợ chồng nầy không hề nói điều gì với nhau cả.
Cho đến những tiếng thở dài cũng không vang lên không trung vì hình như là Huyền Trân cũng chẳng buồn thở dài nữa.
Xe đã qua hết con đường Hàng Xanh vắng vẻ rất hợp cảnh cho những câu chuyện tâm tình, mà Minh chỉ nghe có một tiếng đánh diêm quẹt của ông Hóa rồi thôi.
Qua khỏi trường Mỹ thuật Quốc gia, đường lại vắng trở lại và Minh lại lắng tai chờ đợi.
Quả thật máy vi âm hỏng. Hay họ là những tên phản nghịch nguy hiểm, lắm thủ đoạn, bút đàm với nhau cho kẻ rình nghe hỏng giò chơi?
À, em còn tiền tiêu xài hay không?
Ông Hóa hỏi bạn khi xe chạy ngang khu hồ tắm Chi lăng.
Còn nhiều.
Câu hỏi nầy là một phát minh rực lỡ của một ông nhà giàu. Có lẽ ông ta đã bươi trí tìm kiếm lâu lắm mới phát kiến ra được câu hỏi đó cho đỡ tẻ không khí.
Đó là một săn sóc ân cần rất cảm động... đối với một người có đầy đủ cả mọi thứ nhưng thiếu tiền. Huyền Trân thì có đầy đủ tiền nhưng lại thiếu thứ khác, thành thử nàng thấy săn sóc của chồng quá thiển cận.
Số phận của những ông nhà giàu là thế. Họ bị khinh bỉ một cách bất công. Những bà vợ trong các gia đình khiêm tốn thường thỏ thẻ với chồng:
Anh ơi, làm thế nào rán kiếm tiền để sắm một máy hát âm thanh nổi.
Nếu ông chồng rán được thì bà vợ xem đó là một kỳ công đáng thán phục và đề cao.
Trong các gia đình phú hào, các bà vợ trẻ lại lo cái khác không thèm đếm xỉa đến tiền mà các ông chồng già chỉ biết dâng tiền, tiền, tiền thì bảo sao các bà lại không khinh thường các ông.
Nhưng có phải chăng là bất công và các ổng đáng tủi thân ta cần thương xót các ổng. Có tiền nhiều quá, lắm khi cũng là cái tội đáng trách đối với đàn bà. Họ làm như các ông không còn biết gì khác hơn là tiền, không trọng gì khác hơn là tiền. Nếu tiền làm đẹp mặt người khác thì lắm khi nó lại làm xấu mặt các ổng.
Minh nghĩ rằng chủ của chàng đã hớ. Cứ bằng vào cái vốn học vấn và giáo dục của Huyền Trân, người ta có thể đoán biết nàng thích cái gì. Một thiếu phụ hạng ấy thì thường ưa nghệ thuật và thể thao. Ông Hóa có đủ điều kiện để thỏa mãn vợ ông, vì ông không dốt nghệ thuật cho lắm, biết xem tranh, biết thưởng thức thơ, biết nghe nhạc thì sao ông không nói đến thứ ấy. Còn thể thao thì tuy ông ngại bơi lội, ngại lái xe hai bánh, ông vẫn có thể bàn rộng về cái thú chuồi trên mặt nước sau chiếc bo bo.
Minh sẵn lòng nhắc khéo chủ chàng để cứu vãn hạnh phúc của ông, nhắc khéo ưu thế mà ông đang nắm trong tay là tuy ông đã mua vợ ông bằng tiền, nhưng ông vẫn có những cái khác hơn là tiền mà ông quên sử dụng.
Nhưng một hậu ý tội lỗi lại ngăn chàng thực hiện thiện chí của một viên thư ký trung thành.
Trái lại, chàng còn mong ông Hóa càng ngày càng lỗi lầm sâu sắc hơn lên. Chẳng hạn như cứ nói mãi chuyện sắm hột xoàn cho Huyền Trân, chuyện đổi xe mới cho nàng, chuyện tậu biệt thự nghỉ mát cho nàng ở Cao nguyên hay ở bờ biển.
Từ đó cho đến khi về tới nhà, người ngoạn cảnh im lặng không kém máy tốt của chiếc Mercédès mà họ ngồi trên đó.
Minh cất xe rồi đi ngủ, hay nói cho đúng là đi nằm để lắng nghe điệu nhạc quen thuộc. “Cái chết của công chúa Ỷ-Sơ”, điệu nhạc làm khổ tai hàng xóm hằng đêm vì đàn sai, và vì cứ được đàn đi đàn lại mãi độc một bản đến nhàm.
Nhưng đêm nay Huyền Trân không đàn. Có lẽ vì đã khá khuya rồi và nàng tha cho người lân cận một đêm vậy.
Chàng lắng đợi tiếng đàn và lắng nghe tác động của thuốc tiên nó lần lần nhiễm sâu vào các tế bào của chàng. Thành ngữ “thấm thuốc” của ta thật là bóng bẩy và gợi hình ảnh.
Minh đã bị liều thuốc yêu đương thấm lần vào tim chàng. Mặc dầu ý thức rằng tình của chàng tội lỗi và có thể vô vọng, chàng cứ mơ người thiếu phụ mà chàng cho là đáng thương.
Có biết quả thật người ta đáng thương hay không, hay người ta rất sung sướng mà chỉ vì người ta ít nói nên chàng ngộ nhận?
Mà cho dẫu người ta có đáng thương đi nữa, thì chắc chàng cũng chỉ thương xót vừa vừa vậy thôi chớ không phải vì sự thương xót to lớn quá mà chàng phải ra tay nghĩa hiệp, yêu để an ủi người ta như chàng đã giả dối với chàng mà tự bảo như vậy.
Chàng yêu là yêu, không cắt nghĩa tình yêu của chàng được. Hay có muốn giải thích nguồn gốc của tình yêu ấy thì nên đổ lỗi cho liều thuốc tiên mà ông Hóa đã dại dột trao cho người tuổi trẻ ấy. Liều thuốc tiên ấy là sự trá hình của chú rể giả đi rước dâu thay cho ông.
Chàng đã yêu!
Và càng yêu, chàng càng tủi thân. Chàng là một con sâu đất, đêm đêm bò lên nằm ở miệng hang, say sưa nhìn vì sao lấp lánh trên trời, mê nàng sao ấy vô cùng, nhưng nàng ở cao quá!
Nàng ở trên kia, ngay trên đầu chàng. Nàng đang làm gì, đang nghĩ gì, và có bao giờ nhớ tới chàng rể giả ngày nào không?
Từ hôm ấy đến nay, bốn tuần trăng đã qua rồi, mà chàng chưa được trao cho nàng một lời. Minh cứ ước ao mình là anh làm vườn. Anh nầy thì được bà chủ nhà sai khiến luôn, bảo hủy một bụi bông đã cỗi, bảo xén một bãi cỏ không được mỹ thuật lắm. Chàng không trực thuộc bà chủ thì đã đành, mà cũng tại chàng cố tránh bà ấy. Chàng chỉ thích xuất hiện ra trước mặt người đẹp dưới hình thức một nhơn vật đặc biệt và xuất chúng mà thôi. Địa vị khiêm tốn của chàng trong nhà nầy như bóp teo chàng lại trong con mắt của bà chủ. Chàng là kẻ không đáng kể.
Sáng ra, vừa mới bét mắt, anh tài xế đã hớt hơ hớt hải chạy vào nhà Minh. Anh ta cho hay vợ anh ta đẻ khó, được bà đỡ nhà hộ sinh tư trong xóm đưa vào Từ Dũ để mổ mà đưa rất trễ, nên đã khó khăn lại rắc rối thêm.
Mặc dầu anh ta chỉ kể vậy thôi, nhưng Minh biết anh ta muốn nhờ chàng xin phép cho anh ta nghỉ ngay. Chàng dùng điện thoại nội thự để gọi ông Hóa, trình bày việc nhà của tài xế và xin phép giùm hắn.
Lúc chàng bỏ ống diện thoại xuống, anh tài xế sốt ruột hỏi:
Thầy xin phép giùm tôi được mấy bữa?
Anh nghỉ cho tới chừng nào chị ấy thật đỡ.
Anh tài xế rối rít cám ơn chàng rồi dông liền.
Minh biết rằng chàng sẽ phải kiêm nhiệm luôn chức tài xế, nên vội thay đổi y phục để ăn điểm tâm. Tuy chủ nhà ít đi đâu, nhưng ông ta hay đi bất thình lình và nóng tánh, ông ta không chịu được phải chờ đợi ai cả.
Bà chủ ăn sáng xong, lên lầu và độ mười lăm phút sau bà trở xuống ăn mặc y phục đi phố. Bà trang điểm sơ sài như thường bữa nên ít tốn thì giờ về khoản nầy lắm.
Chiếc xe đã được Minh đánh ra ngoài, đậu nơi con đường trải đá đỏ xắn ngon lành vào thảm cỏ xanh của sân nhà, đưa thẳng ra cổng.
Bà thong thả lên xe và thấy Minh chạy lại trước xe mở cửa bước lên chỗ tài xế, bà mới chưng hửng:
Tài xế nghỉ rồi à? - Bà hỏi.
Dạ, anh ấy xin phép nghỉ để đưa vợ đi nhà thương.
Hai vợ chồng ông Hóa ngủ riêng buồng nên bà không nghe được câu chuyện điện thoại lúc nãy.
Bấy giờ bà Hóa mới chợt nhớ ra rằng tài xế không có mở cửa cho bà lên xe như thường ngày hắn đã làm. Minh vẫn biết điều đó, nhưng không thèm thi hành vì chàng cho rằng chàng không phải là kẻ chịu hạ nhơn phẩm mình như vậy.
Tổng Ngân khố.
Bà chủ ra lịnh ngắn ngủi và giọng của bà là một giọng trung lập, không có hồn không dịu cũng không xẵng. Đó là giọng nói với những người không đáng kể.
Minh mở máy rồi sang số thật mạnh. Chàng đổ chút căm tức của chàng lên cái hộp số vô tội của chiếc xe mà máy móc tinh xảo rất là ngoan ngoãn, dễ điều khiển chớ không trục trặc như một con ngựa chứng bao giờ.
Đến nơi, bà chủ làm biếng vào kho bạc, viết ngân phiếu tên chàng cho Minh vào lãnh mười hai ngàn.
Mười lăm phút sau, trao tiền cho chủ xong, Minh lại nghe một cái lệnh khác:
Hiệu Dư Âm!
Cũng may là chàng làm nghề thư ký riêng, nên biết hiệu nầy ở đâu. Tài xế và thư ký riêng là hai hạng người mà địa chỉ nào họ cũng phải biết. Các chủ nhơn, lên xe xong chỉ thảy ra một cách cụt ngủn những cái lịnh như thế nầy, Tòa Đại sứ Hòa Lan hoặc Phòng chưởng khế.
Đáng sợ hơn hết là địa chỉ các tư gia: “ông Đại Xương” hay: “Bà Vĩnh Lợi”. Nhưng đó còn có cái hiệu, chí như “Ông Thành” hoặc “Cô Phiến” thì thật là chết. Họ quen đến mười hai ông Thành và bốn năm cô Phiến gì đó, phải đoán xem họ đang muốn mua sắt của ông Thành I hay muốn bán cao su cho ông Thành II, đoán xem họ đang nhớ cô Phiến tóc thề hay cô ưa mặc “din”.
Hiệu Dư Âm là một hiệu chuyên bán máy thu thanh, máy hát âm thanh nổi và dĩa hát ngoại quốc ở đường Tự Do.
Bà Hóa vào đó rất lâu, Minh phải đậu xe đằng xa trong con phố hẹp Nguyễn Thiệp để chờ bà. Có chờ đợi như thế nầy, chàng mới biết các tài xế xe nhà ăn tiền rất đáng công, mặc dầu nhiều anh một tháng lái xe tổng cộng không quá mười tiếng đồng hồ.
Không có gì khổ bằng ngồi không, đứng không để chờ ai. Anh tài xế nào thích đọc tiểu thuyết kiếm hiệp thì còn đỡ khổ chớ các anh không ưa sách vở thì tổn thọ vô cùng vì bực mình suốt ngày, suốt tháng suốt năm.
Minh chắp tay sau mông, đi bách bộ trên vỉa hè Tự Do, nhìn khách qua đường xem họ có nhìn chàng hay là không để đoán xem họ nghĩ về chàng thế nào, xem chàng là một tài xế hay là gì gì, chàng có phải là một kẻ không đáng kể trong xã hội chăng.
Chàng thất vọng lắm vì không có ai nhìn chàng cả. Họ thờ ơ đi qua như không có chàng ở dó, như bà chủ đã xem chàng là một cái máy để huy động máy xe hơi.
Chàng nhớ có nghe một người bạn cao niên nói “ở đời ngoài những kỳ công làm chấn động dư luận thì không kể, ngày thường mà muốn được người ta chú ý tới phải có một cái mũi vẹo, một bộ râu trịch thượng hay một diện mạo Tống Ngọc. Nhưng lý tưởng là họ xem như không có ta. Họ xem như thế tức là ta không què giò, không cụt tay, không gù lưng, tức là tương đối khá lắm rồi.”
Quan niệm của người bạn ấy thật chí lý nhưng Minh cứ muốn chàng khác thường. Chàng tự nguyện sẽ làm cái gì khác thường sau hồi thất vọng nầy. Ừ, đã không xuất chúng được ở bề ngoài thì chàng sẽ xuất chúng bằng việc làm vậy.
Có phải chăng tâm trạng kỳ khôi ấy là nguyên động lực tạo ra anh hùng hào kiệt, tạo ra các nhà bác học lừng danh, tạo ra những văn nghệ sĩ lỗi lạc?
Người ta yêu một người dàn bà mà vì kém cỏi quá, người ta âm thầm nỗ lực làm việc để đạt thành tích hầu xứng đáng với người đàn bà đó. Chỉ hơi phiền là kết quả thật lâu đến, nhứt là trong địa hạt văn nghệ. Tới lúc lừng danh thì tóc đã bạc rồi như cái ông lão Picasso ấy, đợi đến bảy mươi hai mới cưới vợ, và chắc chỉ cưới được cái bản sao của người đàn bà gây hứng thôi vì người ấy cũng già xọm như ông rồi.
Minh quyết sẽ hành động mau lẹ để khỏi chịu cảnh nổi danh ba bốn mươi năm về sau, nổi danh một cách vô ích khi mà Huyền Trân đầu bạc răng long rồi.
Ông lão Picasso mặc dầu đã cưới được cô gái hai mươi, chắc vẫn không toại nguyện vì cô gái trẻ măng ấy không phải là nàng tiên của lão ngày xưa.
Thình lình Minh đi mau bước vô cùng. Sự gia tăng tốc độ ấy ăn nhập với sôi nổi trong lòng chàng. Chàng đang phẫn nộ ông Hóa.
Nếu tài văn nghệ đã bù được cho cái duyên không may của cô gái hai mươi lấy lão Picasso bảy mươi làm chồng, thì không có gì bù cho Huyền Trân cả và ông Hóa được nàng là một sự bất công hết sức.
Nghĩ tới đó, Minh giận run, làm như nạn nhân chính là chàng và làm như ông Hóa đã phạm trọng tội cần bị trừng phạt nặng nề.
Chàng đi như sợ bị trễ xe lửa và khi sực nhớ lại bộ tịch của mình, Minh xấu hổ chậm bước lại. Binh tĩnh được như cũ, chàng lại xấu hổ cho tình cảm của chàng tất cả những trò trẻ con của chàng đều là những hình thức ghen tương, không hơn không kém.
Tình cờ ngước lên chàng thấy người của hiệu Dư Âm ở bên kia phố, xách ra khỏi hiệu một cái thùng khá nặng và Huyền Trân nối gót theo người ấy, cũng ôm xách kè kè.
Tức thì chàng chạy băng qua phố, bất kể xe cộ, để giúp đỡ Huyền Trân.
Khi ra đi chàng không thèm mở cửa xe cho bà chủ vì thấy chàng không có bổn phận. Giờ chàng cũng không có bổn phận trong tư cách công nhân của ông Hóa.
Nhưng chàng lại thấy có bổn phận của người con trai trước một thiếu phụ bề bộn bưng xách.
Tới nơi, chàng nói: 
Thưa bà cho tôi giúp đỡ bà.
Huyền Trân mỉm cười, trao cả cho Minh và nói:
Cám ơn thầy ký.
Họ nối đuôi nhau mà đi lại xe, Minh chạy trước để mở cửa, người của hiệu Dư Âm đi giữa, Huyền Trân chẫm rãi theo sau.
Chiếc thùng được để ngay dưới chân của bà Hóa. Minh đặt những gói nhỏ mà chàng rước lấy khi nãy, và đoán là dĩa hát, đặt nó lên băng, cạnh Huyền Trân.
Đoạn chàng ra trước, lên xe toan mở máy. Nhưng Huyền Trân lại nói. Đây là lần thứ nhì từ khi về nhà chồng mà bà Hóa trao lời với chàng. Lần thứ nhứt chỉ cách đây có năm phút thôi. Lần ấy chàng đã xúc động lắm rồi, mặc dầu nó chỉ là một câu ngắn và hơi phũ phàng: “Cám ơn thầy ký”. Nếu bà nói: “Cám ơn Minh” chắc chàng sung sướng không biết bao nhiêu.
Vì thế mà Minh không mở máy xe, cố lắng nghe xem bà chủ nói gì. Dịp quan trọng như vậy, chàng không thể bỏ qua và sẽ ân hận lắm nếu bà ấy nói gì êm dịu hơn mà chàng lại nghe sót một vài tiếng. Bà nói:
Tôi sắm máy ký âm. Chẳng, tôi thích một bài hát trong đài phát thanh mà tìm dĩa mua thì không thấy có bán trên thị trường, nên định rình nghe hễ họ có cho hát lại thì tôi ghi.
Ý nghĩ đầu tiên của Minh, sau lời kể lể của bà Hóa là cái thói lãng phí của nhà giàu: họ sắm một máy ký âm thứ thật đắt tiền để chỉ ghi có một bài hát thôi.
Nhưng một nghi ngờ thoáng xẹt qua trí chàng như chớp nhoáng. Nghi ngờ nầy ghê gớm quá khiến chàng chết điếng mấy giây và lúc tỉnh lại, chàng cho xe chạy liền, đáng lý thì theo phép lịch sự, chàng phải nói lại với Huyền Trân vài lời.
Để chuộc tội, chàng hỏi hơi trễ:
Thưa bà, bà có mua băng nhựa chớ?
À, có.
Trước nhà, thỉnh thoảng có một người ăn mày đàn bà đi qua. Người ấy “kêu cơm” giọng tốt lắm và thân thiết lắm. Khi nào họ có qua đó nữa, tôi sẽ gọi vào cho bà lấy bài “kêu cơm” ấy.
Ý hay lắm và thầy chắc biết thưởng thức cái đẹp lắm. Phải, không phải chỉ có ca hát mới hay, mà tiếng chim kêu cũng cần ghi y như là một giọng hát danh tiếng.
Dạ.
Nhưng mà...
Huyền Trân bỏ lửng câu nói của nàng, và Minh đoán rằng câu đó chỉ có thể là: Nhưng mà vô ích thôi Minh ơi! Huyền Trân còn thiết gì nữa mà ghi cái nầy hay cái nọ? Tất cả đều vô nghĩa, cho dẫu là nghệ thuật đi nữa. Và còn chẳng bao lâu...
Sở dĩ chàng đoán nghe như vậy là vì nghi ngờ khi nãy.
Huyền Trân xem ra chẳng buồn nói chuyện với chàng, và lời cám ơn lúc chàng rước gói, chỉ là nói vì lịch sự thôi. Như vậy sao nàng lại khoe chiếc máy ký âm?
Phải chăng là có một chuyện rất buồn, liên hệ đến máy ký âm nó đè nặng lòng nàng, nàng cần nói với bất kỳ ai lời nào cho vơi niềm sầu?
Phải chăng là Huyền Trân muốn quyên sinh, định ghi lại mấy câu vĩnh biệt để cha mẹ nàng, em út nàng cất làm kỷ niệm?
Những lời nàng nói bây giờ với chàng là những lời phân trần với một nhơn chứng ngoài gia đình, như các cô sầu tình kia lúc sắp sửa nhảy xuống cầu Bình Lợi, hay réo khách đi đường mà la:
Bà con ơi, tôi chết đây, chết vì không sống được với nỗi đau khổ của tôi.
Người ta trối trăn với người thân yêu, nhưng người ta phân trần với bất kỳ nhơn chứng nào.
Dự đoán ghê gớm ấy, Minh lập ra trong trí chàng một cách rất là trinh thám vì giàu tưởng tượng và vì quá là lo âu cho thiếu phụ mà chàng si tình, chớ biết đâu nàng chỉ sắm máy ký âm để ghi bài hát, chỉ giản dị có thế thôi.
Dầu sao, bà chủ đã có nói chuyện với chàng. Sung sướng ôi! Trời hôm nay đẹp ghê hồn, và tất cả tài xế đều chạy xe một cách biết điều và dễ thương, cho đến đỗi những người đi xe đạp, những anh phu xích lô đạp đi đường bất kể luật lưu thông là thế, hôm nay chàng thấy họ cũng dễ mến lạ.
Chú rể giả hôm tháng trước không hạnh phúc như thầy thư ký hôm nay vì trên xe hoa cô dâu buồn quá, có chê chàng cô cũng phải nói cái gì cho đỡ buồn. Chàng chỉ là một mẩu thuốc tàn đỡ ghiền lúc người ta bị giam cầm trong khám. Ra khỏi ngục thất, người ta lại hút Ăng Lê chớ.
Hôm nay thì khác rồi, Huyền Trân không muốn thì thôi chớ nếu nàng muốn ắt sẽ có hàng ngàn người xứng đáng trò chuyện với nàng bất kỳ giờ phút nào và bất kỳ ở đâu. Thế nghĩa là nàng không xem thường chàng vậy.
Minh nhớ lại một kỷ niệm xa xôi mà buồn vô hạn trong mấy giây, rồi thầm cám ơn Huyền Trân không biết bao nhiêu.
Năm ấy chàng từ Cần Thơ lên Sài gòn mong tìm việc. Xe chết máy dọc đường, giữa ruộng. Hành khách của chuyến xe rủi ro đó toàn là nông dân quê dốt, trừ một ông có vẻ sang trọng và chàng, một học trò khó, nhưng có được phong độ của người có học. Ông ấy buồn quá và hành khách đón xe dọc dường mà đi lần hết cả, thành thử ông ta chỉ biết nói chuyện với chàng.
Hai người quen nhau khá thân và chàng được biết ông ấy là một công chức cao cấp. Khi tới phiên họ đón được xe họ cùng lên thủ đô rồi chia tay nhau tại bến An Đông với nhiều quyến luyến bịn rịn, ông nọ có mời cả chàng đến nhà ông ta chơi nữa.
Nhưng một tuần lễ sau gặp lại ông ta ngoài phố, chàng chạy a tới chào hỏi thì sự thờ ơ lạnh nhạt của ông ta như tát nước lạnh vào mặt chàng.
Ông ấy quả đã thật tình mến chàng lúc ở giữa đồng ruộng, và lúc đi chung xe, nhưng về tới Sài Gòn, bao nhiêu là bạn hữu hay ngộ hơn chàng đã khiến tâm trạng ông ta đổi đi.
Tâm trạng của Huyền Trân đối với chàng không thay đổi, thế nghĩa là cảm tình của nàng đối với chàng trên xe hoa không phải là cảm tình tạm bợ của một thợ săn đối với rượu đế giữa rừng sâu, nơi không có Huýt ky là món sở thích của hắn.
Về tới nhà Minh vội mở cửa xe cho bà chủ. Giờ thì khác, chàng chịu làm cái công việc mà khi sáng chàng chê vì chàng tự nhủ rằng bây giờ chàng làm là vì nịnh đầm.
Huyền Trân xuống xe xong, Minh ôm xách các thứ vào nhà và tới nơi, gọi chị Lầu tiếp tay cho chàng vì chàng tránh lên gác.
Lúc cho xe vào ga ra. Minh sực nhớ lại rằng Huyền Trân không căn dặn chàng: “Nè thầy ký, hôm nào có chị ăn mày “kêu cơm” thảm thiết ấy đi ngang qua đây, thầy nhớ gọi vào nhé!”
Đáng lý gì Huyền Trân phải dặn như vậy, căn cứ vào sự đón tiếp nồng nhiệt đề nghị của chàng khi nãy.
Sự im lặng của nàng nhắc cho chàng nhớ câu nói bỏ dở nửa chừng của nàng trên xe: “Nhưng mà...” và khiến chàng lo lắng trở lại.
Nhưng mà... làm sao! Có phải chăng là “Nhưng mà đã trễ lắm rồi vì chỉ còn có mấy hôm nữa thôi là tôi đã xa lánh cõi đời nầy rồi!”
Xế hôm đó, trong khi Huyền Trân đánh đàn trên lầu thì ông Hóa xuống nhà gọi chàng mà hỏi:
Minh nè, hiện giờ Minh lãnh được bao nhiêu mỗi tháng tất cả?
Dạ, lương thư ký bốn ngàn. Tháng tới sẽ có lương tài xế đâu hai ngàn rưỡi nữa là sáu ngàn rưỡi tất cả.
Không vợ con, không tốn tiền ăn ở, chắc Minh không muốn làm thêm nữa, có phải không?
Vâng.
Nhưng Minh nên làm thêm nếu có công việc. Không bao nhiêu mà đủ cả. Ta phải gom cho thật nhiều, phòng những lúc ốm đau bịnh tật, những lúc thất nghiệp.
Dạ ông dạy đúng. Nhưng tôi không nên phung phí tâm lực mà bê trễ việc của ông.
Minh nói cũng đúng, nhưng làm thêm cho tôi thì không sao. Minh chịu làm tài xế ban ngày hay không?
Người thư ký riêng của ông Hóa làm thinh vì chàng không thích công việc đó. Biết ý chàng; ông Hóa nhấn mạnh:
Tôi muốn như vậy.
Đó là một cái lịnh mà Minh không thể không nghe.
Chàng đáp một cách yếu ớt.
Tùy ông.
Đây, cho Minh một ngàn đồng để sắm quần áo đẹp mà mặc. Tóc phải hớt mỗi tuần. Không được làm khác lời.
Dạ.
Chẳng khi trưa vợ tôi nó phàn nàn rằng chiếc xe đồ sộ quá và nó ngồi một mình phía sau có vẻ quan liêu, và cái vẻ quan liêu ấy làm cho nó bệ vệ và già đi.
Nó đòi sắm một chiếc xe nhỏ để nó tự lái lấy! Nhưng tôi thì không dám cho nó mạo hiểm.
Tôi đã tìm được một thỏa hiệp là để nó ngồi phía trước với người lái khi nào không phải chính tôi lái. Mà như vậy người lái xe phải có tư cách, chớ không thể là một tài xế.
Minh thừ người ra, tại sao ông Hóa lại dám nghĩ ra thỏa hiệp nầy và nhứt là dám dùng nó? Và tại sao Huyền Trân lại nhận.
Giây lát sau, chàng ngần ngừ rồi nói:
Thưa ông, nhưng giựt chén cơn của anh tài...
Minh không có giựt chén cơm của ai hết. Tại tôi đập bể chén cơn của nó đó chớ. Nhưng tôi sẽ thưởng nó ba tháng lương và cho nó tiền lo thuốc cho vợ nó.
Nếu không nhiễm các thứ tiểu thuyết trinh thám và nghẹt thở, Minh dã mừng như trúng số độc đắc. Thế nào! Khi không mà giấc mơ của chàng lại thành sự thật à? Từ đây chàng sẽ là một chàng công tử quần áo bảnh bao, lái xe nhà, bên cạnh là một người đẹp có hạng.
Nhưng chính vì sự đắc thắng dễ dàng đó mà chàng đâm sợ. Chàng thấy đó là một cái bẫy mà ông Hóa gài chàng vào để hại chàng. Hồ nghi của chàng có vẻ trinh thám lắm nên rất hấp dẫn đối với chàng.
Vì thế mà mặc dầu sợ, chàng vẫn ham. Đây là một cuộc phiêu lưu kỳ thú, xứng đáng với chàng hiệp sĩ dạ hành đã ân hận trót sanh vào thời buổi quá trật tự, không thi thố tài năng được.
Minh phấn khởi đi sắm thêm quần áo. Chàng mua những chiếc sơ mi thể thao, những chiếc sơ mi ba gai, những chiếc sơ mi trai lơ và y như Huyền Trân, chàng thấy xe Mercédès bệ vệ, quan liêu quá, chàng không thể bảnh trai được khi lái loại xe ấy, nó làm cho chàng già ra.
“Nếu ta xúi ổng sắm một chiếc D.S.!” Nhưng Minh vừa nghĩ xong điều nầy thì bật cười. Nếu ổng chịu sắm xe thể thao thì chính Huyền Trân sẽ lái lấy chớ có cần gì chàng. Để có cái tư cách mà ông Hóa đòi hỏi, Minh lại phải sắm giày. Từ thuở giờ chàng hà tiện nên đi giày da nội hóa hai trăm đồng một đôi. Nhưng giày tốt, hai đôi là đi hết chín trăm bạc rồi, một ngàn đồng ông Hóa biếu, không đủ đâu vào đâu cả. Chắc ông chủ đã quên cái khoản giày nầy, chớ ông rộng rãi lắm.
Tuy nhiên tất cả những trò vật chất xa xỉ vừa mua sắm không giúp Minh thấy chàng xứng đáng với Huyền Trân.
Ông Hóa nghĩ khác, nên ông hài lòng. Ông ta chỉ cần một bề ngoài sạch sẽ và khá giả của chàng thôi.
Chàng muốn vượt lên cao thực sự trên cái thang giá trị, giá trị tinh thần ấy, chớ còn chàng ăn mặc sang thế nào, Huyền Trân cũng cứ thấy kẻ ngồi cạnh nàng là một viên thư ký, không hơn không kém.
Về học vấn, chàng không bị mặc cảm vì chàng không chơi bời lêu lỏng nên có rất nhiều thì giờ để tự học, chàng giỏi hơn các anh tú tài khác bội phần, không những chỉ biết bài nhà trường không mà thôi, lại thạo cả văn nghệ, chánh trị, các vấn đề văn hóa lớn.v.v...
Nhưng chàng muốn được cao đẹp một cách ngoạn mục kia, chẳng hạn như phải làm một cuộc hy sinh lớn lao nào, hoặc chịu những khổ hạnh nào, có thế mới thật là xứng đáng với người ngọc.
Sáng hôm sau, vợ chồng ăn điểm tâm xong, bà Hóa lên lầu trang điểm, còn ông Hóa thì ra ngoài sân để điểm binh người tài xế mới của ông.
Minh đã đánh xe ra sân đúng y theo truyền thống của các tài xế nhà nghề. Chàng lau xe, nhưng làm khác tài xế nhà nghề là lau nhè nhẹ bằng nùi giẻ chứ không phải quậy cho bụi bay lên đầy trời bằng chổi lông gà.
Ông Hóa đứng sau lưng chàng mà chàng không hay, cứ bình tĩnh làm việc như thường. Thoạt tiên ông chủ nhà rất hài lòng. Nhưng nhìn kỹ lại viên thư ký riêng của ông, ông đâm lo.
Ăn diện vào, Minh khác hẳn anh chàng lù khù hôm trước. “Tuy nó không được vạm vỡ, thể thao lắm, tức là không được đẹp trai theo quan niệm bây giờ, ông Hóa nghĩ, nhưng nó vẫn đẹp trai, đẹp như một thư sinh thời con trai của mình.”
Ông đã quá xem thường anh con trai nầy nên ông mới dám ra một quyết định mà người khác sẽ cho là liều lĩnh. Giờ ngắm kỹ thanh niên vụt bảnh trai ra thình lình nầy, chính ông chợt thấy quyết định của ông là phiêu lưu quá.
Huyền Trân là một thiếu phụ có học vấn, có giáo dục, con nhà lành. Tất cả những đức tánh ấy cũng không ngăn được nàng ngoại tình. Tuy nhiên có ngoại tình nàng cũng sẽ ngoại tình đúng thể thống của nàng, nghĩa là không yêu một anh chàng bá vơ nào đó, như anh thư ký riêng của ông chẳng hạn.
Đó là cái nếp hư của những người đàn bà vào hạng Huyền Trân. Ừ, hư cũng có ba bảy đường hư và mỗi hạng người hư theo một nếp, không nếp nào thanh cao được cả, nhưng có nếp tương đối ít bẩn thỉu.
Sự thật là như vậy… nếu Huyền Trân lớn tuổi hơn một chút, ra vẻ đàn bà hơn lên một chút.
Giờ nàng chỉ là một cô bé thôi với tất cả ngây thơ, nhẹ, hời hợt của tuổi hai mươi thì một thanh niên sạch sẽ như thế nầy là một mối nguy đó.
suy tư rắc rối phức tạp về tình yêu, về tiết hạnh người của đàn bà.
Nếu không có những quyến rũ khách quan, nếu không gặp rủi ro trong đời sống tình cảm thì trong một ngàn bà vợ, có đến chín trăm chín mươi chín bà trọn tiết được với chồng cho đến lúc xuống mồ. Cái bà thứ một ngàn còn sót lại ấy, thuộc hạng người lẳng lơ thì không đáng kể.
Nhưng trừ phi nhốt vợ trong nhà như người Nhật Bổn, trừ phi bắt vợ che mặt bằng một tấm khăn đen như người Á rập, không làm sao mà các bà tránh quyến rũ khách quan được cả.