Bóng hòn Đụn kéo dài ra thật xa, đầu bóng chạm phải chân hòn Chà Là ở tận mãi đằng kia, cách đây ngót hai hải lý, nhưng bóng lại ốm nhom vì hòn Đụn tương đối là một hòn đảo nhỏ trong cảnh bao la nầy, khiến Lực buồn cười quá.Chàng day lại nhìn cái bóng không tương xứng với vật cho cái bóng ấy, để trốn sự chói lòa của mặt nước dưới ánh thái dương. Mặt trời to quá, may là bị chân trời ngậm hết phân nửa mà còn đổ lửa tràn trề mặt biển thế nầy, huống hồ gì lát nữa đây khi nó được thiên nhiên nhả trọn ra.Nhưng Lực không tìm được nơi nghỉ ngơi cho đôi mắt của chàng: bóng ốm quá, và bên kia lại là sự chói lòa rất chóa mắt như ở bên nầy.Chàng đã từ cửa động ở hông đảo, bơi xuồng ra đây và sự đối chọi đột ngột giữa bóng râm mà chàng vừa lìa khỏi, với sự bừng cháy của mặt biển dưới ánh mai, làm cho Lực khó chịu hết sức.Nhưng không làm thế nào khác hơn được, chàng nhẫn nại chịu số phận, nhìn tới trước, đương đầu với mặt trời mà bơi.Lực cởi trần, chưng ra bộ ngực đầy lông lá, bắp tay chàng giống như những cục thịt trái thăng độn dưới da.Đầu chàng không đội nón, để lộ ra mớ tóc hớt ngắn, chỉa lên cứng ngắt như lông bàn chải. Mặt mày chàng khá sáng sủa, thông minh, mặc dầu nắng và gió mặn đã ăn sạm đen nước da của chàng.Xuồng của Lực là một chiếc xuồng nan, nhỏ bằng thứ xuồng ba lá ở miền Nam. Xuồng nhẹ như vậy mà sức bơi của Lực lại mạnh lắm nên nó lướt tới như bay trên mặt nước.Hòn Đụn, một cái đảo toàn bằng đá, cao độ ba mươi thước, như từ dưới đáy biển mọc thẳng lên, không thấy bãi thấy bờ gì cả.Đảo hình ngũ giác không đều, hơi bằng đầu, và trên vách đá ở cả năm phía đều có cửa động, có cửa chìm phân nửa dưới mặt nước trông cứ như là một ông khổng lồ nào đang tắm lội và hả miệng ra uống nước.Hòn Đụn, thuộc một bầy đảo hai mươi hòn nằm ngoài khơi Nha Trang. Bay như chim mà dòm xuống, trông bầy đảo giống như một đàn voi đen đang tắm trong một cái hồ khổng lồ nào.Bầy đảo mang đủ hình thù, có hòn um tùm cây cối, có hòn trọc lốc từ trên đầu hòn xuống tới mé nước.Những khu biển nằm giữa mấy mươi hòn đảo ấy, nhờ núp gió nên tương đối lặng trang. Những cái bể nho nhỏ ấy là những khung cảnh thần tiên, nhưng vì xứ ta ít người chơi du thuyền nên cảnh ấy luôn luôn vắng người, trừ những chiếc xuồng nan của những kẻ như Lực đây thôi.Lực vừa bơi, vừa ngước trông lên vách đá của hòn Đụn mà chàng có phận sự canh giữ. Vách đá màu bùn xám, điểm những đốm tròn nhỏ li ti màu ngà.Chàng đã thuộc lòng lượng số và vị trí của những đốm ấy và soát lại xem có thiếu mất đi đốm nào hay không.Lực bơi xuồng đi quanh hòn đảo của chàng và khi điểm qua được hai tấm vách, chàng bỗng nghe tiếng tù và từ xa vẳng lại. Chàng vội vàng cúi xuống khoang xuồng, lấy cây tù và của chàng lên rồi thổi đáp lại.Rồi thì nhiều hồi tù và khác trả lời nhau từ đảo nầy qua đảo nọ, vang dội khắp một góc bể lặng gió.Đó là mật hiệu của những người gác hòn yến, họ cho biết tin tức nhau, chớ không phải gọi nhau đi làm như nông dân ở thôn quê...Tiếng tù và ấy người thường nghe thì ngỡ là tiếng ốc thông thường như bao nhiêu là tiếng ốc khác, nhưng nó có giọng riêng mà mỗi giọng là một tín hiệu.Sự vắng mặt của một cây còi, báo động cho khắp các động biết rằng kẻ gác còi đau ốm gì hay đã lâm nạn cũng nên. Giọng còi thúc giục có nghĩa là phải coi chừng vì kẻ trộm lấp ló quanh đây. Tiếng còi đứt khúc báo tin một trận bão sắp thổi qua mà một người gác hòn thâm niên và nhiều kinh nghiệm tung ra cho đồng nghiệp trẻ tuổi của họ đề phòng.Thổi xong hồi tù và thường lệ buổi sáng. Lực ném khúc sừng trâu vào khoang xuồng rồi giở dầm lên chèo nữa. Bắp thịt vai của chàng đen thui như cột nhà cháy, nổi u lên mỗi lần chàng hạ giầm xuống quạt nước.Xuồng vừa quẹo nơi một góc hòn để đổ ra mặt vách thứ ba thì Lực giật nẩy mình mà trông thấy một chiếc xuồng nan khác. Tù và đâu đó, khắp nơi vừa báo tin yên ổn thì sự xuất hiện của chiếc xuồng trộm nầy bất chợt chàng thình lình quá, khiến trong mấy giây đầu, chàng hơi bối rối.Phải, đích thị là xuồng trộm rồi, vì bọn gác hòn không bao giờ đi xa hòn của họ cả, có đau ốm gì, họ cũng nằm trong động mà chịu trận cho đến ngày ghe tiếp tế từ trong đất liền ra.Lực hấp háy mắt, đưa tay lên ngang chân mày để che nắng, nhìn kỹ lại thì thấy hai người trên xuồng ấy lạ hoắc! Mặc dầu cả năm, chưa chắc chàng được gặp đồng nghiệp một lần, chàng cũng quen mặt họ cả rồi, thì bọn nầy chỉ có thể là ăn trộm thôi.Lực càng cố sức bơi, chĩa mũi xuồng của chàng về hướng chiếc xuồng lạ kia và khi chỉ còn cách họ độ một phần tư hải lý, chàng hét to: Dừng lại!Chiếc xuồng lạ vốn cũng đã thấy chàng rồi, nên bơi mau thoăn thoắt, giả điếc, không thi hành lịnh của chàng.Chúng nó phóng xuồng trở về hướng đất liền và chắc không dám trở ra nữa vì cái nghề ăn trộm hễ bị động ổ rồi thì không còn làm ăn gì được. Như thế, cứ để cho chúng nó thoát là hơn vì như vậy chàng khỏi nhọc xác.Nhưng sinh lực quá dồi dào, Lực quyết đua với kẻ trộm chơi.Bên kia hai dầm, bên chàng chỉ có một mình chàng thôi. Nhưng hai cánh tay vượn của Lực đẩy nước ồ ạt, làm cho xuồng chàng lướt tới băng băng.Khoảng cách giữa hai chiếc xuồng cứ được rút ngắn lần, ngắn lần và cả ba người trên hai xuồng đều rạp người xuống mà bơi.Nắng sớm rọi lên ba cái lưng trần đen thui ấy, trông họ giống như người thượng cổ, hoặc người của bộ lạc bán khai nào.Một chiếc thang rất dài nằm gác ngang trên xuồng trộm. Xuồng chòng chành và hai đầu thang nghiêng ngửa và cứ thọc xuống nước và cản sức tiến nhanh của xuồng.Vi thế mà hai người ngồi ở lái và mũi xuồng ấy có nỗ lực thế nào, họ cũng bị người gác hòn đuổi gần kịp.Để thoát thân, bọn trộm hất thang xuống biển cho được nhẹ tay dầm. Thang dài quá, người bơi lái phải đẩy ngang nó tới đằng mũi xuồng, rồi tên chèo mũi bước qua thang lấy chỗ cho thang vượt qua mũi xuồng mà rơi xuống nước, chớ họ không thể vứt thang xuống biển bằng cách nào khác mà không làm nghiêng hoặc lật xuồng.Họ phải ngưng tay dầm mà làm công việc nầy, tuy họ làm lẹ nhấp nháy nhưng cũng đủ chậm trễ cho Lực rượt theo kịp họ.Thấy không thể thoát, người chèo lái nói: Bọn tôi tới hai người như anh thấy. Vậy anh có khôn hồn thì về đi.Lực làm thinh nhìn hai gã toan trộm tổ yến ấy. Họ lực lưỡng lắm; gã chèo lái độ năm mươi còn tên chèo mũi cỡ mới hai mươi thôi. Có lẽ đó là hai cha con.Lực cân nhắc một lát rồi quả quyết bơi xáp lại gần xuồng trộm.Tức thì hai gã gian manh cúi xuống khoang xuồng của chúng, mỗi gã lấy lên một con dao mũi dài và nhọn hoắt như dao Tây rồi đồng nhắm Lực mà phóng mạnh tới.Lực té ngửa trên xuồng và hai lưỡi dao bay vù qua khỏi người chàng rồi rơi xuống biển. Anh gác hòn vừa cười ha hả vừa vụt ngồi dậy thật lẹ.Thường thì bọn trộm không bị rượt nà như thế nầy nên chúng không mang khí giới theo. Hai con dao đó là hai con dao chỉ để dùng gỡ tổ yến mà thôi.Mất khí giới, họ chụp dầm liền để bơi mau hầu thoát thân. Lực cúi xuống khoang xuồng lấy một cây đòn cán dài, lưỡi sáng giới rồi đâm tới. Nhưng xuồng trộm đã dang ra khỏi tầm tay của chàng rồi.Thấy đuổi nữa nhọc công bơi, Lực chửi lên vài tiếng rồi quay xuồng trở về đảo của chàng.Gặp chiếc thang tre dài còn trôi lềnh bềnh gần đó, Lực dừng tay bơi lại để vớt thang.Chàng không cần thang để làm gì cả, trái lại nữa, các chủ thầu hòn yến rất là nghi kỵ những anh gác hòn mà có thang trong động, nhưng thấy thang chắc và đẹp quá, chàng tiếc.Chàng loay hoay với chiếc thang dài hơn nửa tiếng đồng hồ, mình mẩy ướt đẩm mồ hôi như mới tắm lên, mới đặt được chiếc thang nằm ngang xuồng một cách quân bình.Lực tiếp tục bơi quanh đảo để kiểm điểm lại những tổ yến, vừa bơi vừa lấy tù và lên thổi còi báo động có trộm, thổi những hồi còi ngắn kế tiếp nhau nghe rất là giục giã.Từ các hòn khác, đồng nghiệp chàng đáp lại, để bảo rằng ta đây có nghe tín hiệu rồi, và cũng để truyền tin qua các hòn khác xa hơn.Mặc dầu kẻ trộm đã bị đuổi đi xa, và nắng đã lên cao, chúng không dám trở lại, Lực cũng cứ truyền tin đi đúng theo lương tâm nghề nghiệp trong giới, vì biết đâu lại chẳng có xuồng trộm khác lẩn quẩn đâu đây.Khi đến trước mặt vách thứ năm là nơi chàng xuất phát khi sáng, Lực cho đâm xuồng vào hòn.Bóng hòn Đụn bây giờ đã ngắn lại, đậm hơn. Càng trưa gió càng mạnh, nên những con sóng lăn tăn lúc hừng đông đã lớn lên, khiến Lực phải cẩn thận kẻo xuồng bị đập vào đá vách của hòn.Một cửa động khá to mở ra nơi tấm thạch bích đứng sững ấy. Cửa động hình thuẫn, tuy bị chìm phân nửa dưới mặt biển, vẫn trông giống như một cái miệng đang hả ra ngáp vì phần cửa động không chìm, soi bóng trên mặt rước, vẽ lại trên đó trọn vẹn cửa hang.Khi tới gần sát cửa động, Lực dừng tay bơi, sửa cho chiếc thang quay xuôi theo xuồng, đoạn cho xuồng nan từ từ chui vào động.Giây lát sau, xuồng đã mất hút trong đó mà một phần chiếc thang oằn xuống, còn lê trên mặt nước bên ngoài cửa động.Lực đang ở ngoài nắng mà vào đây nên động tối om đối với hai mắt chưa quen của chàng. Tuy nhiên chàng vẫn lái xuồng ngay ngắn vì đã thuộc lòng đường sá.Động rộng độ năm thước, nhưng cao đến mười thước, vách đá hai bên động đứng sững lên và trên kia hai bức vách nghiêng đầu giao lại với nhau làm thành một tấm trần lõm, thành một cái vòm tối om.Bấy giờ Lực đã thấy dạng dạng mọi vật trong động rồi, nhưng mắt chàng vừa làm quen được với bóng râm thì ánh sáng bên ngoài rơi vào hang đã đuối sức vì chàng đã vào khá xa trong động, thành thử những vật vừa thoáng thấy, lại bị xóa mờ ngay.Đối với người lạ cảnh, họ sẽ cảm giác là đi vào đêm tối hoàn toàn. Nhưng đã sống trong động nầy gần năm năm, Lực thấy bằng mũi, bằng tai, bằng da thịt của chàng nữa, chớ không riêng gì con mắt mới cho chàng giác cảm về sự vật. Bỗng con kinh ngầm, chảy đến một chỗ quanh. Lực lái cho xuồng quẹo qua bên tay trái. Nhưng thình lình chàng nghe tiếng của hai vật cứng cọ nhau sồn sột phía sau xuồng và xuồng vụt đứng lại, bơi thế nào cũng chẳng tiến tới.Thì ra đó là đuôi thang, cái đuôi thang quá dài không thể quẹo theo chiếc xuồng ngắn nầy được.Lực suy nghĩ giây lát, ban đầu chàng tiếc lắm, ngỡ phải bỏ chiếc thang tốt nầy, nhưng rồi chàng bơi ngược cho xuồng lùi lại, không dễ dàng lắm đâu, vì đuôi thang bị kẹt trong các nơi lồi lõm của vách đá, khiến chàng phải điều động khó khăn lắm mới ra được.Bên vách mặt của động có một bờ đá nằm là là mặt nước lớn, chạy dài ra tới ngoài cửa, Lực kề xuồng lại sát bờ đá ấy rồi cho thang lên đó.Xong đâu đấy, chàng lại chèo vào trong. Khi qua khỏi khúc quanh, động bỗng sáng sủa thình lình. Dó là thứ ánh sáng gián tiếp do nền đá phản chiếu một giọt ánh sáng to bằng đầu người, từ trên trần động rơi xuống.Từ khúc quanh vào đây độ hai mươi thước. Và tới đây là cái kinh ngầm đã dứt; nó nằm gác lên một bãi đá lài.Lực nhảy ra khỏi xuồng, nước lên khỏi mắt cá chàng, rồi chàng kéo dây xuồng ra khỏi khoang, cột vào hòn đá cuội to bằng trái bưởi, nằm dính với nền đá ở một nơi trên bãi lài ấy.Đoạn chàng nhắm cây cột nắng trồng ở cuối động mà đi vào.Bãi lài càng quãng càng dốc lên, còn trần đá thì càng quãng càng thấp xuống! Khi Lực đi đến chân cột ánh sáng thì nền đá nằm ngang chớ hết triền xuống nữa.Lực đặt cả gia tài sự sản của chàng ở đây: bốn khạp đường thẻ dùng để chứa nước ngọt, một khạp gạo, bốn khạp nhỏ cái đựng đường, cái đựng cá khô, trà Huế khô v.v...Nồi niêu quần áo, gối mền gì cũng để ở đây hết vì đây là nơi độc nhất trong động mà đồ đạc chịu nằm yên nơi, không lăn xuống nước.Lực lấy củi nhúm lửa, rồi xúc gạo vào nồi, múc nước trong khạp để vo gạo rồi chắt nước gạo nơi bìa cái nền bằng nầy, cho xuống một đường mương chảy dựa vách đá.Bếp là ba hòn đá cuội sắp theo hình tam giác như ba ông táo, và chỉ có độc một cái bếp ấy thôi.Bắc nồi cơm lên bếp xong, Lực mới thong thả lấy thuốc giấy ra vấn một điếu rồi ngồi hút phì phà.Khói thuốc của chàng nhập với khói bếp lửa pha đậm giọt nắng ấy mà vươn lên tới trần động để thoát ra ngoài.Bên ngoài, nếu có ai đang ngắm hòn Đụn, họ sẽ kinh ngạc mà thấy một cây khói thình lình mọc thẳng lên từ đầu hòn.Cây khói mọc lên cao độ một thước tây thì bị gió đè đầu xuống, nó nằm ngang và bay theo hướng gió, xa trông tưởng như hòn Đun là một chiếc tàu. Lực hút hết hai điếu thuốc, cơm mới sôi. Chàng bớt lửa, chắt nước, rồi bỏ cả đó, đi xuống mé nước.Chàng theo cái bờ đá dùng gác thang khi nãy, bờ đá nầy xuất phát từ mé nước để đi lần ra cửa hang.Nơi đây, khi bò ra khỏi cửa động, bờ đá gác đầu lên một bực đá, bực cuối cùng của một cầu thang, cầu thang bảy cấp nầy đưa lên một mỏm đá nằm de ra lặt nước.Không khí ẩm trong động và sự thiếu ánh sáng trong đó sẽ làm chàng vướng nhiều thứ bệnh nguy hiểm nên ban ngày, Lực ra đây phơi nắng và thở, lắm hôm chàng ở ngoài nầy đến bảy tám tiếng đồng hồ, ngồi từ giờ nầy qua giờ khác trên mỏm đá cheo leo ấy để nhìn trời nước mênh mông.Lực khó khăn leo lên tới đầu mõm thì ngồi xuống thở dốc. Ấy, chàng chỉ mạnh ở hai cánh tay thôi. Chân chàng đi cà nhắc, leo núi rất khó khăn và làm chàng mau mệt.Những hòn đảo khác chắn ngang chân trời ở ba phía, Lực không nhìn xa được, trừ phía trong đất liền. Vả hôm nay là ngày chàng trông đợi mành tiếp tế ra đây, nên dẫu chân trời bốn phía mở rộng ra, chàng vẫn thích nhìn vào bờ hơn.Hôm nay món thực phẩm đệ nhất là cá khô chỉ còn có nửa con, nhưng không nguy bằng nước ngọt đã cạn trong khạp, phải vét sồn sột mới múc được.Chàng trông đợi chiếc mành tiếp tế ấy vì cần thức ăn, nước uống mà nhất là thèm người.Có sống hoàn toàn trơ trọi trên một hoang đảo ngoài khơi mới ý thức được tất cả khốn đốn của con người thiếu đồng loại. Lực nhớ đất liền lắm, nhớ tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, thèm một tiếng người.Những đêm tối trời, ra khỏi động, lên ngồi trên mõm đá nầy, thấy vầng ánh sáng tỏa trên thành phố Nha Trang như là chân trời hừng đông vào buổi bình minh, chàng cứ muốn nhảy ùm xuống biển mà lội vào cái nơi có người ấy.Nếu làm như thế là phạm pháp và bị tù đày, chàng vẫn thấy sướng hơn là sống cô độc ở đây.Nhưng sở dĩ chàng không hề bỏ đảo vì chàng có lương tâm nghề nghiệp.Lực lấy tay che mắt để nhìn kỹ xem có phải con thuyền buồm thấy từ đằng xa tiến về phía hòn hay không, rồi reo lên một mình: A, họ ra kia! Thật là đúng ngày, đúng giờ.Lực vui mừng quá. Chàng thèm chất ngọt từ bốn hôm rồi, không kể những món thèm khác, và chắc chắn hôm nay chàng sẽ được một bữa say sưa.Rượu là một người bạn tốt của những kẻ cô đơn, nó giúp họ quên mất rằng họ trơ trọi và những hôm tiếp tế như vầy là những hôm các anh gác hòn say khướt. Nếu bọn trộm mà biết thế?Lực ngồi đợi độ hai nồi cơm sôi thì mành ra đến nơi. Đó là một bóng dáng quen thuộc như tướng đi của một người bạn thân, tuy mành nào thoạt trông cũng giống mành nào, nhưng Lực sẽ phân biệt được chiếc mành trông đợi nầy giữa trăm ngàn chiếc khác. Có gì lạ trong ấy hay không, các cha?Lực réo thủy thủ trên mành mà hỏi vì anh đói khát tin tức về cuộc sống trong đất liền.Bọn thủy thủ đang bận rối rít cũng cố đáp. Họ phải hét lớn vì thuyền đậu cách xa đảo hơn ba mươi thước: Có, có cô Yến, con gái ông bang Lìl, chủ thầu, bị họ gỡ đi rồi. Ai gỡ vậy? Anh tài phú trẻ tuổi trong nhà chớ ai. Thành ra trong bờ cũng có kỹ nghệ gỡ tổ yến nữa?Cả bọn cười rộ lên.Thủy thủ trên mành làm việc rất khó khăn là không bỏ neo, không hạ buồm mà mành phải đậu lại. Họ cần đi ngay qua các đảo khác để về nội nhật hôm nay, nên không ghé nơi nào lâu được cả.Tuy nhiên, theo truyền thống, họ không bắt buộc người gác đảo đưa xuồng ra nhận đồ tiếp tế, mà hạ thủy chính xuồng riêng của mành.Truyền thống nầy được lập ra và noi theo mãi vì người gác hòn có thể bận đi tuần tiễu nên vắng mặt, hắn cũng có thể đau ốm liệt chiếu liệt giường không ra khỏi động được.Theo truyền thống đó thì đáng lý gì xuồng của mành phải chui tuốt vào đáy động, nhưng Lực tha cho họ, bảo họ sang các thứ qua cát bệ đá gác thang, lần tiếp tế rào cũng thế cả.Chàng khập khiễng bước xuống các bực đá, đi trên bệ vào cửa động cùng một lượt với xuồng của mành và khi xuồng nầy bị cửa động nuốt được phân nửa mình, Lực cúi xuống vịn be xuồng vừa trì lại cho nó không chui vào động thêm nữa vì quá đà mà cũng vừa đỡ cho nó khỏi bị sóng đánh va vào vách đá.Người gác hòn bỗng tươi hẳn ra khi hắn nhìn thấy ba chai nước trắng để nằm nghiêng trong một thúng gạo. Hắn reo lên: Rượu đế? Sướng ôi? Nhưng sao có ba lít hè? Xì thẩu sợ anh uống nhiều rồi bỏ phế công việc. À, tôi có dặn anh mua dùm một lọ dầu cù là hiệu con ó, có hay không. Có. Với lại một ống thuốc Ganidan để trị chứng đi lỵ? Cũng có. Cách đây năm hôm, tôi có bắt được một con ghẹ, luộc ăn chơi, nó hành tôi đau bụng đi ngoài suốt một ngày một đêm, ngỡ chết luôn rồi. Cần thuốc ấy lắm. Chuyến nầy có mạch nha Quảng Ngãi để anh ăn đỡ buồn miệng, có cả kẹo đậu phộng Biên Hòa nữa. Có trà Huế khô chớ? Làm sao thiếu được món đó. Ông chủ thầu ngọt quá. Mà cô cháu ổng lại mặn. Cổ gởi cho anh một thố củ kiệu ngâm giấm và một gói tôm khô để anh nhậu chơi. Hoan hô cô sáu Hạc! Nhớ anh lắm đa nghen! Anh không về trong ấy mà an ủi người ta... … Người góa phụ không nguôi. Chỉ phiền tôi gãy một giò mà phối hợp với một cô tay cán vá thì càng mất quân bình hơn nữa.Người tiếp tế vừa khệ nệ đưa tám thùng thiếc nước ngọt lên bờ đá vừa nói: Đây là chuyến tiếp tế cuối cùng nên tôi không cần lấy thùng lại. Khi nãy tôi có ngước lên nhìn vách đá bên ngoài thì thấy yến đóng tổ gần xong. Thật cái ông xì thẩu ổng tính toán giỏi như thần, ngồi trong ấy mà ổng biết rõ như ta ra đây. Chuyến sau ổng sẽ cho thợ chuyên môn ra gỡ.Lực cúi xuống lấy lên một chai rượu đế mà săm soi. Đoạn chàng mở nút chai, ngước mặt lên trời, rót rượu vào miệng và nuốt đánh ực một cái. Chàng khè một tiếng rồi khen: Khá dịu.Người tiếp tế thọc tay vào cái thúng lấy ra một quyển sách mỏng trao cho Lực: Để đền ơn chiếc vảy cá anh tặng tôi, tôi biếu riêng anh món nầy đọc giải buồn.Sách, bìa in màu xanh xanh đỏ đỏ, những màu nóng sốt đối chọi nhau dữ dội, trên vẽ hình nét ngây ngô vụng dại. Lực đón lấy sách, cầm đọc lớn lên:
THƠ LỤC VÂN TIÊN
Bổn cũ soạn lại
Hay quá, Lực thích chí nói, ở một mình buồn muốn chết mà không biết nói với ai lời nào. Từ đây tôi đọc thơ để nghe chính tiếng tôi vang lên trong động.Trên mành có tiếng người giục: Lẹ đi cha, đã trưa rồi kìa!Lực và người tiếp tế day lại thì thấy trên ấy người ta khoát tay ra hiệu bảo họ trao và nhận đồ đạc cho nhanh chóng.Lực lấy hai bàn tay che miệng làm ống loa rồi kêu với ra mành: Mời các cha ở lại nhậu với tôi một bữa. Thôi đi, còn nhiều hòn khác nữa, phải để kịp về nội chiều nay.Một người trên mành nói tiếng Việt giọng Khách: Cái lầy vài bữa nữa da gỡ yến, tem ngà quay da nhậu chơi mà. Bữa nay phải về. A, chú Lầm! Dễ chịu hay không?Chú Lầm là người quản gia tin cẩn của Bang Lìl, chủ thầu các hòn yến nầy. Cứ mậu lúi hoài lớ! Puồn lắm! Xin tiền xì thẩu cưới vợ đi thì vui. Hổng vui tâu mà!Bang Lìl lấy vợ người mình, nhưng phần lớn gia nhân trong nhà ông ta đều là người Hải Nam. Ông ta không bao giờ ra đây, cả đến mùa gở tổ yến cũng vậy, mà chỉ phái quản gia là chú Lầm nầy đi, cho chú ta trọn quyền quyết định mọi việc.Gia nhơn và công nhơn giúp việc cho Bang Lìl đều sợ người Khách nghèo mà quyền hành rất rộng nầy nên họ nịnh chú ta lắm và vâng lời chú ta răm rắp.Chú ta được bà Bang giao cho sứ mạng làm mối cột anh gác hòn Đụn với cô em gái góa chồng và tay cán vá của bà, nên chú ta thường cho Lực nhiều thực phẩm hơn và tử tế với Lực hơn với những công nhơn khác.Lực hỏi trêu: Cưới vợ hổng vui hả? Không. Sao chú xúi tôi cưới vợ? Tại cái nị ở ngoài nầy puồn, cưới vợ vui, ngộ ở trỏng vui, cưới vợ puồn. Hò, cái lầy ni cỏn xám cỏn xi lớ. [1]Xuồng tiếp tế đã rời cửa động nãy giờ mà Lực không hay. Bấy giờ nó đã cập mành. Người chèo xuồng leo dây mà lên thuyền, rồi xuồng cũng được kéo lên bằng dây.Thủy thủ trên mành vẫy tay và hét để át tiếng sóng gió: Thôi ở lại mạnh giỏi nha! Các anh về mạnh giỏi!Thủy thủ trương buồm, mành quay mũi, rồi buồm no phồng lên. Thuyền nhắm hướng hòn Mun ở phía ngoài khơi mà chạy tới.Lực lại cà nhắc và khập khểnh leo lên mõm đá cheo leo rồi đứng dậy để nhìn theo những cánh buồm no gió ấy nó mang đi mất sự sống và sự vui vẻ. Tuy nhiên chàng không buồn bằng lát xế đây, nhìn nó chạy vào bờ sau khi đã làm xong sứ mạng tiếp tế.Chàng nghe văng vẳng tiếng hát từ chiếc mành theo gió mà vọng lại đây:Hồ khoan! Hồ khoan!Cùng nhau cất mái hồ khoan!Ra khơi muôn dặm...Lực khoanh tay lại rồi hát cà rỡn:Hồ khoan! Hồ khoan!Một mình dẹp mái hồ khoanRồi chun tuốt vô hangCuộc thế…a... ha... ha... ta không màng!Hát xong, chàng cười lớn lên một mình.Nắng trưa đổ lửa xuống mặt biển. Tất cả những bầy sóng nhỏ đều bạc đầu.Chúng hiền lành chạy giỡn với nhau như thân mật tắm lội trong ao nhà.