Hè năm 2000, nhận lời mời của Trung tâm Quốc tế nghe nhìn tại Paris (CIFAP), nhà văn Hoàng Minh Châu sang thăm nước Pháp. Cuốn ký sự Gặp gỡ ở Pháp là kết quả của chuyến đi này. Nhà văn tâm sự: "Hóa ra, văn hóa của một dân tộc không chỉ nằm trong bề dày tác phẩm, trong các bảo tàng, thư viện, mà nó còn thể hiện phong phú và vô cùng sinh động trong ngôn ngữ sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày của mọi người, từ bình dân đến trí thức". eVăn giới thiệu ký sự Gặp gỡ ở Pháp.Tôi đến ngồi trên góc nền một trụ tháp để chiêm ngưỡng kỳ công của nước Pháp. Leo bộ lên tầng ba uống tách cà phê ở quầy hàng Jules Verne. Rồi lại nhờ thang máy đưa lên tột đỉnh mà ngắm toàn cảnh Paris.1. Đến Paris được mấy ngày, sau khi đã có sự tùy nghi ăn ở, tôi thử rong chơi đó đây, có suy nghĩ gì cũng từ điều mắt thấy tai nghe đây đó...Một buổi sáng đẹp trời, chuyển ba tuyến métro, qua hai trạm buýt, tôi đến khu đồi ngoại ô.Mùa nghỉ hè, khắp nơi học sinh Pháp đi căm-ping, đá bóng, nô đùa. Và sự thoải mái hồn nhiên thì không ai bằng các em. Cảm hứng trẻ trung, tôi thảnh thơi rảo bộ xuống dốc rồi khoan khoái cởi ba lô sách vừa mua đặt xuống vệ cỏ.Một tốp các em quần cộc áo may-dô chạy tới quanh chỗ tôi ngồi dưới gốc cây um tùm bóng mát.- Chào các em!- Chào bác! - tất cả đáp lại.Một em có mái tóc hoe lân la tới gần ngắm nhìn tôi đang "vờ" nheo mắt. Nó hỏi tôi:- Bác là ai? Bác từ đâu tới?- Từ Châu Á sang đây! - tôi nheo mắt khác trả lời.Tiếng một đứa khác láu lỉnh hơn:- Bác là người Nhật Bản hay Triều Tiên?- Là người Việt Nam - tôi đáp giọng ồm ồm khiến cả bọn cười rộ.- A, Việt Nam! Ồ, cái túi của bác đầy sách! Bác đi du lịch?... Bác là nhà báo?... Bác mệt lắm hả?... - mỗi em một câu đoán theo cử chỉ, giọng đùa của tôi.Cứ thế, bầy trẻ xúm quanh tôi càng đông. Tiếng cười reo kéo theo nhiều em bỏ bóng chạy tới. Bây giờ là cả một cơn mưa câu hỏi của chúng!... Tôi nghĩ với trẻ em, nếu mình cứ ngồi kể công việc nghề viết thì thực vô duyên. Sau khi hỏi chuyện học hành một vài em bá vai bá cổ mình, tôi đưa tấm danh thiếp cho một em nhớn nhất có tên Paul, rồi đứng dậy đeo ba lô lên vai.- Tạm biệt nhé, bác còn phải đi học!- Bác mà còn đi học? - Paul trố mắt bước theo nhe răng sún cười...Tôi vừa làm điệu bộ chú bé bước đi vừa đọc bài học thuộc lòng ở trường Tây từ thuở nhỏ "Bây giờ tôi đến lớp..." [1] Cả bọn thích chí. Chúng yêu cầu tôi đọc lại. Đến cuối câu, tôi đỏi chữ "cậu thiếu niên" (un grand garçon) thành ra "người cuốc bộ" (un grand piéton), rồi vẫy tay tạm biệt chúng. Sau lưng nhiều tiếng reo "chào nhé, chào nhé!".2. Thôi được, cậu đã nói thế thì ta cùng đi! - tôi trả lời Charles, cậu sinh viên con bác chủ nhà đeo máy ảnh vào rủ đi xem tháp Eiffel, mặc dù bố cậu cho biết Eiffel chẳng có gì mới, ngồi nhà nói chuyện còn hơn...Thực ra, dù mới đến Paris lần đầu, nhưng tôi đã biết tháp Eiffel qua bao sách báo. Tôi còn biết rõ hơn Charles về kích thước, chiều cao mỗi tầng, sức nặng khối thép, cả lời ca ngợi và chê bai cái tháp. Tôi đoán chắc vậy vì khi tôi hỏi có phải các nhà văn tầm cỡ Pháp, kẻ thì khen tháp "như cái tất lộng lẫy" (Giraudoux), kẻ lại bảo đó là "sinh vật nửa ngợm nửa người" (Roland Barthes) thì chính Charles cũng bảo là "cháu chưa hề đọc".- Nhưng bác đến Paris mà không có pô ảnh nào chụp cảnh tháp thì coi như là chưa đến.- Có lẽ vì câu nói đó của cậu, và lại nghĩ rằng mình không có ảnh mang về thì dễ bị coi là anh nói phét, nên tôi nhận lời.Tôi đến ngồi trên góc nền một trụ tháp để chiêm ngưỡng kỳ công của nước Pháp. Leo bộ lên tầng ba uống tách cà phê ở quầy hàng Jules Verne. Rồi lại nhờ thang máy đưa lên tột đỉnh mà ngắm toàn cảnh Paris.Mải mê ngắm, khi quay lại tôi không thấy Charles đâu. Hóa ra, vì yếu tim, cậu ta đứng dưới giơ máy ảnh vẫy vẫy tôi... "Nhìn đây, nhìn đây..."Khi trở xuống, tôi thanh thản dạo quanh. Người chen người, toàn khách du lịch.Tôi chưa biết nên xem gì nữa, cứ tha thẩn. Chợt thấy một bác già đội mũ công nhân, dựng chổi sơn ngồi nghỉ ở vệ đường, tôi tới làm quen. Được biết, bác đã gần mười năm trong nghề chuyên cạo rỉ, quét sơn, tu dưỡng tháp Eiffel, tôi gợi chuyện:- Thưa bác, có đúng như báo chí viết "chú hươu cao cổ này ngày càng hái ra tiền"?Bác già mỉm cười:- Đúng đấy! Nhưng gọi là "chú gà Gaulois ngày đẻ trứng vàng" thì hay hơn.- Đẹp tuyệt! - tôi khen - quả là biểu tượng cho văn hóa thanh lịch của nước Pháp.Chẳng ngờ bác công nhân phả một làn khói thuốc rồi từ từ nói:- Văn hóa văn minh thì tôi không dám bình. Nhưng nhờ khách du lịch, tiền và vàng ngày càng chất cao thì đúng. Có điều, riêng mức lương thợ sơn chúng tôi còn đứng tại chỗ - Đến đây, bác rút ra chiếc bánh mỳ cặp xúc xích ăn trưa một cách ngon lành. Chắc là đã đến giờ lao động tiếp.Tạm biệt bác thợ sơn, tôi bước đi, nghĩ bụng "có lẽ đấy là điều mới nhất ở cái tháp kỳ công này vậy."3. Rời nhà ông bạn Jean C. ở khu vườn đồi (Résidence des coteaux) đã lên ngồi metro quay về trung tâm, thấy trời chưa tắt nắng, tôi lại xuống đi bộ một vòng.Trời ngoại thành trong veo.Thấp thoáng những lùm cây xanh.Tôi rẽ vào một ngôi nhà nửa biệt thự. Chủ nhà là một cụ cao tuổi đang tưới hoa.- Chào cụ! Chủ nhật đi chơi, xin phép cụ vào thăm nhà.- Xin tự nhiên - cụ già đáp.Tôi ngồi ngắm căn nhà không rộng nhưng ba phía đều thông thoáng. Cụ chủ nhà dẫn tôi xem phòng ăn, đơn sơ mà sạch sẽ. Phòng làm việc, sách báo xếp ngắn nắp gọn gàng. Bên phải là hành lang, bên trái là phòng ngủ.Trở ra phòng khách, tôi để ý trên ghế bành, quyển sách trang mở ra còn dằn cái kính...- Thưa, cụ vẫn còn làm việc?- Nghỉ hưu lâu rồi. Khóa nhà trên phố trung tâm, về đây với cháu, đọc sách, tưới hoa...- Cụ bằng lòng với cuộc sống ở đây?- Cứ cho là thế - cụ đáp.Rồi cụ cho biết thêm, là nhà giáo nghỉ hưu nên công việc vẫn còn. Từ ngày bà nhà tôi mất, con cái đi làm xa, đứa ở ngành hàng không, bay quanh năm như chim, đứa thì say nhạc pop, nhảy suốt đêm ở các tiệm. Vì vậy mà ngày con gái sinh cháu đầu lòng, tôi bảo nó đem về đây tôi trông cho vui cửa vui nhà...Cũng là lúc có tiếng trẻ oe oe bên phòng ngủ. Cụ mời tôi dùng trà, rồi vào đẩy chiếc xe nôi ra...- Cháu không quấy cụ chứ?- Không, cháu ngoan. Ông biết đấy, ở nước Pháp, nhà trẻ hiện đại chăm sóc đầy đủ nhưng tôi cức muốn giữ cháu trong nhà. Tuổi này vắng tiếng trẻ mới thực là cô đơn.Nói xong, cụ bước tới ghế, đem cuốn sách đang đọc dở đến:- Đây, nhờ đọc cụ Victor Hugo... mà tôi biết cách chăm cháu... Cuốn Nghệ thuật làm ông (L'art d'être grand père) này, thực đã giúp tôi nhiều... Nhưng ông bạn Việt Nam, ông thấy tôi sống ở đây, thế này có được không?...Chú thích:[1] Maintenant, je vais à l'école.,J'apprend chaque jour ma leçon.,La sac qui pend à mon épaule,vDit que je suis un grand garçon.