Chương 3
LẬP VỐN:
HỌC LẤY MỘT NGHỀ ĐỂ NUÔI SỐNG

Ruộng bề bề không bằng một nghề trong tay.

 

 

Sống trước đã. Nếu có một hang người nhắm mắt chạy theo “con bò vàng”, một hạng người chỉ biết xem tiền là chúa tể vạn vật thì cũng có một hạng người khác sống giữa thời kim tiền này mà họ rất khinh miệt đồng tiền hoặc chẳng lo nghĩ gì đến cách kiếm tiền.

Không phải là những người gần đất xa trời, đã tận hưởng những cảnh giàu sang, đã chán mùi phú quý để có thái độ bi quan như thế. Họ là những người bạn trẻ, chân ướt chân ráo mới nhảy vô cuộc đời. Chưa sống họ đã chán chê sự sống. Trong lúc tay không rỗng túi, còn ăn bám vào gia đình, họ đã tập tễnh lên án buộc cho tiền bạc trăm điều tội lỗi, rập theo những nhân vật trong tiểu thuyết hoặc trên sân khấu. Tuổi trẻ thường dễ đam mê, xem những tiểu thuyết trong đó tác giả khéo thi vị hóa cuộc đời, vẽ toàn những “người hùng”, những “thánh nhân”, sống trong những cảnh chỉ có thể có trong óc tưởng tượng là họ đam mê ngay. Họ muốn sống một cuộc đời siêu thoát, không bận tâm đến những vấn đề cơm áo mà họ cho rằng là sà dưới mặt đất.

Cho nên không bao giờ họ lo nghĩ đến cách làm ra tiền dầu là làm ra tiền để nuôi sống chính họ. Chúng ta thấy nhiều bạn trẻ đến tuổi lập thân đáng lẽ phải lo tìm một kế sinh nhai hoặc học một nghề để nuôi sống, trái lại chỉ lo những chuyện không đâu chẳng đem đến cho họ một sự lợi ích thiết thực nào cả.

Người thì lo học nhảy “Claquette”, người lo học đờn ghi ta, người khác lo gọt đẽo mấy vần thơ để than mây, khóc gió, quyết học làm thi nhân. Chúng ta không bảo những thú chơi, những công việc ấy là hoàn toàn vô bổ. Song đối với cái tuổi của họ, ở vào địa vị của họ thì những việc học ấy, những trò chơi ấy phải để vào hạng phụ thuộc. Cần thiết hơn là cái học “kiếm cơm”.

“Sống trước đã… triết lý sau” lẽ phải dạy chúng ta như thế. Nghèo không xấu, song chưa nuôi nổi thân mình là một điều sỉ nhục. Chưa nuôi thân mình được thì mong gì giúp ích cho ai. Bao nhiêu người ôm ấp những hoài bão cao siêu, những tư tưởng rất nhân đạo. Nếu đem ra thực hành sẽ giúp ích cho đời, cho nước, song thiếu tiền bạc, thiếu điều kiện tối cần ấy thì những tư tưởng kia chỉ có giá trị trên mặt giấy vì có bao giờ đem ra thực hành được.

Làm ra tiền là một điều rất chính đáng. Tiền là phần thưởng của sự cần lao, là phần thưởng của sức cố gắng. Nó là một phương thuốc làm phấn khởi sức hoạt động của con người.

Biết làm ra tiền mới sống một cuộc đời độc lập. Nếu không phải ở cung trăng rơi xuống thì chúng ta phải nhận rằng: hiện giờ không ai thoát khỏi kềm kẹp của tiền bạc. Kẻ nào không biết lo chạy cho đủ ăn, đủ mặc thì sớm hay muộn cũng phải sè tay xin những người mà họ đã cho là quá bận bịu với tiền bạc.

Làm ra tiền là tạo lấy cho mình, cho những người thân yêu mình một đời sống tốt đẹp hơn, mặc dầu tiền bạc không có nghĩa là hạnh phúc. Có ai ở giữa cảnh chạy ăn từng bữa toát mồ hôi, hoặc gặp hồi túng bấn, nợ kêu đòi trước cửa mà còn giữ được sự thư thái trong tâm hồn?

Lo làm việc, lo kiếm tiền chẳng những là lo cho bản thân mình, vì sự lợi ích riêng mình song đồng thời ta cũng giúp ích cho đoàn thể, cho nước nhà. Một nhà kỹ nghệ dựng lên một xí nghiệp, một nhà thương mãi kinh doanh một cuộc doanh thương, một nhà nông khai khẩn một đồn điền, thoạt tiên họ chỉ lo làm lợi cho túi tiền riêng của họ. Song song khi làm lợi cho họ thì họ cũng đã làm giàu cho ngân sách quốc gia. Vì tài sản của một quốc gia là tài sản của những tư nhân góp thành.

Cái “án” tiền bạc. Nhưng tại sao có một hạng người không ưa tiền bạc, cho nó là mụt ghẻ của xã hội, là đầu dây mối nhợ của trăm điều tội lỗi. Tại sao xưa giờ có nhiều triết gia đã lên án tiền bạc? Phải chăng do người ta lầm lẫn trong sự định giá của nó?

 Tiền bạc là một thế lực, nó không phải là “chúa tể vạn vật”. Nhiều người quá tin tưởng ở thế lực tiền bạc. Họ cho rằng “có tiền mua tiên cũng được” hoặc “đã là nhà triệu phú chúng ta sẽ có tất cả”, nên họ nhắm mắt chạy theo đồng tiền, gác bỏ hết mọi tình cảm, đạp lên mọi bức rào luân lý, bán rẻ danh dự để hốt cho nhiều tiền.

Nhưng một khi đã ngồi trên đống bạc, họ sẽ thất vọng mà rằng: có tiền chưa hẳn là có tất cả như họ nghĩ, bởi có nhiều điều mà tiền bạc không thể mua được, thí dụ như tài năng, sức khỏe hoặc hạnh phúc.

Sức khỏe, có ai dùng tiền mua được nó? Bằng chẳng thì những tay triệu phú có tiếc gì mà chẳng vãi tiền ra mua để sống trên trăm tuổi hầu tận hưởng cuộc đời phú quý của họ.

Tiền bạc cũng không mua nổi hạnh phúc. Chúng ta còn nhớ tích vị hoàng tử trong một truyện ngụ ngôn phải nhọc công đi tìm khắp nước chiếc áo lót của người hữu phúc, bởi có vị tiên mách bảo với ông rằng ông sẽ nếm được hạnh phúc khi choàng chiếc áo lót của người ấy. Đến khi gặp được anh chàng hữu phúc, ông ta thất vọng bởi chàng ta nghèo đến nỗi chẳng có một tấm áo che thân.

Nói về cái óc con buôn của một hạng người, Charles Wagner có viết trong quyển Đời Đơn Giản:

“Có những người buôn khoái lạc, buôn ái tình, buôn phép màu, buôn lòng ái quốc, như thế cái danh hiệu của nhà thương mãi rất đáng kính khi người mang danh đó buôn bán những cái gì là những thức có thể mua bán, đã thành một điều đại sỉ nhục khi đó là những vật thuộc về cõi lòng, về tôn giáo, về tổ quốc”.

Tiền bạc là một phương tiện, không phải là một cứu cánh. Bao giờ chúng ta còn phải chạy ăn, sắm mặc, chúng ta còn phải cần dùng tiền bạc. Mặc dầu tiền bạc chưa hẳn là hạnh phúc, song với tiền bạc chúng ta mua được nhiều “hạnh phúc” nho nhỏ: một chỗ ngồi trong rạp xi nê, một quyển sách hay, một bữa ăn ngon ở hiệu cơm. Chính những hạnh phúc lặt vặt ấy góp lại sẽ tạo nên cuộc đời hạnh phúc.

Đã nhận chân giá trị của đồng tiền thì lo kiếm thật nhiều tiền cũng nên, miễn là chúng ta đừng ra khỏi vòng danh dự và liêm sỉ, miễn là chúng ta đừng cho nó là cứu cánh của đời sống, và chỉ xem nó như một phương tiện để sống. “Tiền là một người giúp việc tốt nhưng là một chủ nhân xấu”.

Nếu mỗi người chỉ thấy ở trước mặt đồng tiền, nếu trong lúc làm việc mỗi người chỉ đem cái “óc con buôn” ra mà đo lường thì là một điều không may mắn cho con người, cho xã hội. Một người làm công nếu chỉ xét theo đồng tiền lương mà làm việc không phải là người giúp việc tốt, vì cách làm “trả nợ quỷ thần” như thế không bao giờ sinh lợi. Một người thầy thuốc nếu chỉ thấy “đồng tiền” trước mặt thật là điều không may cho bệnh nhân, vì nếu có phải kéo dài bệnh tình của thân chủ để thủ lợi họ cũng không từ.

Chúng ta thử hỏi người đã rộng miệng lớn tiếng cao rao “Vạn sự chỉ ư tiền” hoặc “Không có tiền không có lính hầu”, nếu mỗi người đều làm việc theo đồng tiền như họ thì cuộc đời có thể an bài như thế này chăng?

Phải vất vả chăn nuôi họ từ ngày mới lọt lòng, người mẹ của họ đã lợi lộc những gì? Người chiến sĩ ngã gục trên chiến trường để bênh vực một lý tưởng, nhà thông thái hiến thân cho khoa học như bác sĩ Noguchi chết rét trong rừng hoang Châu Phi, bác sĩ Vaillant ở bệnh viện Laribrosière 13 lần bị mổ, bị cưa cả hai tay vì thí nghiệm quang tuyến, phải chăng cũng vì đồng tiền?

Không, nếu ở đời này có một “lũ hãnh tiến” chỉ biết cắm cổ chạy theo đồng tiền để làm tôi mọi cho nó thì cũng vẫn còn một hạng người biết quên những tư lợi nhỏ nhen để làm việc cho nghệ thuật, cho khoa học, cho tổ quốc, cho nhân loại. Sở dĩ loài người có được những công trình đẹp đẽ về mỹ thuật hoặc văn chương, có những cuộc phát minh hữu ích như ngày nay là nhờ công khó nhọc của hạng người đáng kính ấy, và nếu chúng ta còn mong mỏi ở sự tiến bộ của nhân loại là bởi chúng ta tin rằng: hạng người ấy vẫn còn.

Nên quay về các công nghệ. Sống trước đã! Nhưng sống bằng cách gì? Nhiều bạn trẻ than: “Thời buổi khó khăn này tìm một cách sống không phải chuyện dễ, các đường lối đều có người đặt chân đến, các nguồn lợi đều có người khai thác. Trong cuộc đi tìm cách sinh sống những kẻ sinh sau đến muộn như chúng tôi đi đến đâu cũng chạm đầu vào những cửa đóng bít”.

Vâng, làm ra chén cơm đâu phải dễ. Sách Kinh Thánh ngày xưa đã có câu: “Mày phải lấy mồ hôi trán mà mua lấy chén cơm mày”. Ở thời buổi nào lại chẳng thế? Song nói rằng các đường lối đều bế tắc cả có khi hơi quá đáng. Ở vào một nước như nước ta mà họ còn than rằng khó sống, nếu phải sang nhằm ở những nước bên Âu Mỹ mà một nguồn lợi dầu nhỏ nhặt đến đâu cũng đã có người nghĩ đến và khai thác, dầu là một mẩu thuốc lá cũng có người nhặt lấy, thì họ còn than vãn đến cỡ nào?

Nếu nói rằng: cửa các công sở đều đóng bít hoặc nghề cầm viết khó nuôi sống thì có khi đúng. Nhưng tại sao cứ lăn xả vào con đường chật hẹp ấy? Trong lúc đó trên lĩnh vực thương mãi, kỹ nghệ, công nghệ còn bao nhiêu thửa đất bỏ hoang, hoặc chỉ dành cho những người xứ lạ đến khai thác.

Mở hiệu buôn, lập xưởng kỹ nghệ, nhiều người sẽ viện lẽ rằng thiếu vốn liếng. Thì còn những tiểu công nghệ:  với nghề trong tay, chúng ta có đã có sẵn một số vốn rồi. Chỉ thêm vào đó sức làm việc, cái khéo léo của tay chân, cái khôn ngoan của khối óc là chúng ta có thể sống được. Bất luận là một nghề nào, nếu ta thông thuộc cho tinh tường nó cũng có thể nuôi sống ta một cách chắc chắn, nếu nó không đưa chúng ta đến chốn giàu sang. Chúng ta đã thấy gương bao nhiêu người Bắc, Trung Hoa đã sống một cách dễ dàng với những nghề may, nghề đóng giày, nghề thợ mộc, nghề thợ bạc v.v… lắm người đã nhờ đó mà lập nên cơ nghiệp đồ sộ.

Học các công nghệ không phải mất nhiều năm. Sở dĩ những người thợ xưa cho rằng học nghề là khó, như một nghề may cắt mà họ phải học mất năm mười năm mới thành nghề là do bởi phần đông họ thiếu sở học phổ thông cho nên việc truyền nghề thành khó khăn. Hơn nữa, trường chuyên nghiệp chưa có, họ phải học thí công ở các xưởng, người chủ làm sao tận tâm truyền dạy nghề cho họ. Mà nếu… có người thật lòng muốn dạy bảo thì lại thếu hẳn phương pháp dạy nghề. Đã học nghề theo lối “truyền khẩu”, họ chỉ biết dùng phương pháp cổ hủ ấy mà truyền lại cho đoàn hậu tấn, làm gì có những phương pháp dạy theo khoa học, làm gì có những sách vở về nghề nghiệp. Chính hiện giờ những khuyết điểm ấy vẫn còn. Nếu có những trường chuyên môn dạy nghề, nếu có những phương pháp chỉ dạy đắc lực, nếu có người tận tâm chỉ biểu, với sở học đã sẵn có chúng ta có thể thâu ngắn thời gian học tập rất nhiều. Một nghề khó khăn đến đâu học tập đôi ba năm đã thành thuộc.

Một khi đã thành nghề, tìm công việc làm không khó. Các xưởng công nghệ luôn luôn cần dùng tay thợ, nhất là những tay thợ chuyên môn, thật tinh nghề.

Song học nghề chúng ta có một ước vọng cao xa hơn là đi xin một chân làm công. Lúc đầu, chẳng có ai cấp vốn, chúng ta đi làm công, để có một phương tiện sống tạm thời, để chuẩn bị cho đủ điều kiện, hầu sau này làm chủ.

Trong khi giúp việc chúng ta có bao nhiêu dịp học hỏi thêm về nghề nghiệp, về cách  mua bán, về tổ chức, về cách dụng người, cách xử thế cũng là một dịp để chúng ta học hỏi thêm. Số tiền lương hằng tháng sẽ giúp chúng ta sống và cũng để bồi bổ vào quỹ tiết kiệm chúng ta sẽ tiện tặn, gom góp để thành một số vốn to. Một khi mớ kinh nghiệm về nghề nghiệp đã đủ, số vốn đã dồi dào, ai cấm cản chúng ta ra chủ trương một công cuộc làm ăn riêng.

Những tại sao xưa nay các bạn trẻ rất lãnh đạm với công nghệ?

Óc trọng nghề làm việc bằng tri thức. Ở đây chúng tôi có nên nhắc lại việc xếp đặt ngôi thứ các nghề nghiệp theo xưa: sĩ, nông, công, thương là bất hợp thời? Cách xếp đặt ngôi thứ ấy chỉ thích hợp với nền tảng kinh tế thời phong kiến. Một trang sử đã lật qua hẳn, hiện nay với sự phát triển không bờ bến của thương mãi, công nghệ, kỹ sư, sự phân chia ngôi thứ ấy cần làm lại. Nói cho đúng, chẳng nên nghĩ đến việc chia ngôi thứ các nghề nghiệp là hơn, vì nó không còn lý lẽ nữa, vả lại chúng ta sẽ căn cứ vào đâu để làm công việc ấy?

Xét kỹ ra, đã là một nghề chân chính thì bất luận một nghề nào cũng tốt và cũng có thể giúp ích cho xã hội cả, như vậy nghề nào cũng cũng đáng cho ta quý trọng cả. Một chính khách đã nói: “Cầm dụng cụ không kém vinh dự hơn là cầm một cán bút”.

Nhưng khốn thay, mặc dầu tình thế hiện nay đã làm sáng mắt bao nhiêu người, đầu óc họ cũng chưa được tẩy sạch cái óc khinh nghề chân tay. Tuy ngoài miệng họ vẫn nói “Không có nghề nào hèn…” song trong thâm tâm, nếu phải chọn lựa họ vẫn thích được người ta gọi bằng “thầy” hoặc “ông” hơn là “anh” hoặc “bác”.

Bao giờ trong khi nhận xét giá trị các nghề nghiệp chúng ta chỉ thấy hai chữ “cần lao”, bao giờ người ta có đủ can đảm để bỏ hẳn cách phân chia ngôi thứ các nghề nghiệp, ngày ấy các bạn trẻ sẽ có cảm tình với các công nghệ nhiều hơn.

Tính ỷ lại vào gia đình. Tính ỷ lại, nếu không làm hư đốn hẳn con người cũng làm cho họ ươn hèn, không còn biết ráng sức, chịu khó. Bởi không muốn chịu khó nên thà họ xin làm việc bàn giấy, dầu chỉ giữ một chân chạy giấy họ cũng thích hơn là đi làm bác phó may hoặc anh thợ giày. Mặc dầu họ biết làm những nghề ấy được nhiều tiền gấp mấy lần cái chức chạy giấy. Bởi óc khinh miệt nghề tay chân nên họ sợ bộ quần áo xanh dính dầu mỡ, những tay chân lem luốc, chai đá của người thợ.

Họ không đáng trách, có ai dại khờ, trong khi ăn không ngồi rồi cũng có cha mẹ dâng sẵn đủ cơm áo, cho cả tiền bỏ túi mang thân đi tìm sự vất vả, nhọc nhằn. Nên trách hơn là những đấng làm cha mẹ  vì ấp ủ con trên nhung lụa đã tạo cho chúng một đời sống an nhà, tập cho chúng tính ỷ lại vào gia đình. Họ biết đâu với lối giáo dục sai lầm như thế, đứa con họ sẽ trở nên nhu nhược, bất lực.

 Nếu họ có can đảm như một nhà triệu phú, nếu chúng tôi không lầm là ngài Henry Deterding, một vua dầu hỏa, đã làm tờ chúc ngôn chia gia tài sự sản lại cho con ngay lúc ông còn sinh tiền, chỉ chia cho nó một phần vừa phải, còn bao nhiêu bỏ vào quỹ các hội phước thiện; với số tiền nhất định ấy, người con gái phải tách ra tự lập lấy một công cuộc làm ăn riêng, lời ăn lỗ chịu. Lẽ cố nhiên biết lo sợ là bắt đầu biết khôn, người con ấy ráng hết sức cần cù lo làm ăn, không như “các cậu công tử bột” xứ ta, ba mươi tuổi đầu còn ngửa tay xin tiền cha mẹ để ăn mặc bảnh bao, để cặp gái đẹp đi dạo phố.

Bao giờ những cha mẹ chịu hiểu rằng: lo cho con không phải chỉ lo cho nó có một sản nghiệp đồ sộ là đủ, song lo cho con là lo cho nó có đủ khí giới để xông pha vào trận đời, những khí giới ấy là một chí khí, một sức khỏe, một khối óc, một nghề nghiệp. Ruộng, nhà cửa, nó có thể bán mất, tiền bạc nó có thể tiêu hoang, song để lại những sự sản thiêng liêng ấy tức là đảm bảo tương lai chúng nó một cách chắc chắn.

Bao giờ một lối giáo dục gia đình hợp lý như thế thì các bạn trẻ sẽ biết lo tự lập hơn, và con đường công nghệ sẽ nhiều người đặt chân đến.

Vài ý nghĩ về nghề nghiệp và sự chọn nghề. Nghề lao công có làm nhụt phần trí thức ta chăng?

Có người không vô lý đến nỗi khinh miệt nghề tay chân, song họ lại sợ làm những nghề ấy phần trí thức của họ bị nhụt lần và suy kém đi. Nghĩ như vậy rất sai lầm, vì khó mà phân biệt nghề làm việc bằng trí thức với nghề làm việc bằng tay chân. Vì rất ít nghề hoàn toàn “tay chân” hoặc “trí thức”. Một người đại diện thương mãi tuy thuộc hạng trí thức, song suốt ngày phải đi đứng luôn, đi từ hiệu buôn này sang hiệu buôn khác, có khi từ tỉnh này sang tỉnh khác, chân cẳng rã rời, sự mệt nhọc về thể chất của họ ắt phải vượt trội hơn  sự mệt nhọc của người thợ cắt tóc, tuy ở hạng người tay chân, nhưng suốt ngày đứng một chỗ, làm việc không thấy đổ mồ hôi. Trái lại óc phải tuy tính làm sao cắt mớ tóc cho khéo, uốn một kiểu tóc cho mỹ thuật, mới mẽ.

Vả lại nghề nghiệp nào cũng có phần tinh hoa của nó. Nếu người làm nghề biết phóng tầm mắt ra ngoài phần thường thức của nghề, nếu họ biết góp thêm một ít sáng kiến khi làm nghề thì dầu một nghề tầm thường đến đâu cũng có thể trở nên phong phú.

Xem như nghề may cắt, mới trông qua thì không gì tầm thường hơn là những công việc đo, cắt, vá, khâu. Có người thấy cái đời những bác thợ may hàng suốt năm suốt đời chỉ lẩn quẩn với cái kéo, cây kim, sợi chỉ mà phát chán. Song lọt vào tay một người có óc tiến thủ, nghề may cắt ấy sẽ được nâng cao lên thành một hạng nghệ thuật. Chẳng những họ tìm trong môn thẩm mỹ học thế nào là ảnh hưởng của màu sắc để biết chọn hàng cho hợp với người khách, thế nào là những nét cân đối nhịp nhàng của một đường cắt để khéo tô điểm thân hình hư hỏng của người khách. Họ sẽ là những họa sĩ chính hiệu, khi họ sáng chế ra kiểu mẫu quần áo.

Họ sẽ học về môn khảo cổ để tìm hiểu lịch sử những bộ quần áo, những biến đổi của y phục các thời đại, ở khắp nước… như vậy để đoán biết những xu hướng của thời trang mà đi trước.

Nếu tính làm ăn to, họ lại bước qua lĩnh vực kỹ nghệ. Họ phải nghiên cứu về cách may cắt quần áo sẵn bằng máy móc như bên Âu Mỹ, tìm cách giải quyết vấn đề sản xuất những nguyên liệu cần thiết trong nghề: chỉ, vải v.v…

Như ta thấy, tuy người ta quen xếp nghề may vào hạng tay chân, song muốn trở nên một tay thợ chuyên môn bậc sư trong nghề như J. Patou, Ch. Dior, Molyneux phần trí thức của họ phải làm việc rất nhiều, có khi hơn cả người làm nghề trí thức.

Nghề nghiệp không cấm ta đeo đuổi theo một chí hướng. Nếu được may mắn làm một nghề hợp với sở thích, tự mình chọn lấy thì không gì hay hơn. Đã yêu nghề, chúng ta sẽ để hết tâm trí, hết thời gian vào việc học nghề, luyện nghề, làm nghề. Song có người, và đây là số đông, vì ở xứ ta hiện nay vấn đề hướng nghiệp chưa được mấy người lưu tâm, bắt buộc phải làm những nghề nuôi sống mà đôi khi họ không yêu thích cho lắm bởi không thích hợp với chí hướng riêng của họ.

Gặp trường hợp như thế, họ có hai giải quyết. Hoặc họ sẽ kiên tâm, trong lúc củng cố địa vị hiện tại để sống tạm, họ sẽ học một nghề nào khác thích hợp với chí hướng của họ. Ai cấm cản một viên thư ký đánh máy, ngoài giờ làm việc đeo đuổi thêm nghề hội họa? Ai cấm ông chủ hàng tạp hóa theo nghề viết văn, nếu đó là sở thích của họ? Bên Pháp lại chẳng có những người như André Lebesgue vừa là nhà nông vừa là một thi sĩ có tài. Bên xứ ta cũng có ông giáo kiêm tiểu thuyết gia Nguyễn Công Hoan, hoặc ông tham Hồ Trọng Hiếu tức là thi sĩ Tú Mỡ.

Phải chọn nghề hợp với khả năng của mình. Nhớ lại năm xưa, trong một buổi học về bài luận, ông giáo ra một đầu đề: “Sau khi ra trường các anh sẽ chọn nghề gì và hãy cắt nghĩa sự chọn lựa ấy”. Một số đông, hầu hết cả lớp đều trả lời: muốn làm tài tử xi nê, làm nhà văn.

Những bộ óc non dại, thiếu thực tế ấy chỉ biết chọn nghề theo sở thích riêng của họ chứ không biết như thế có hợp với khả năng của họ chăng. Họ cũng không cần biết mặt trái của những nghề ấy ra sao. Độ ấy phong trào xi nê mới phát triển ở xứ này, thấy báo chí thường ca tụng đời sống như thơ mộng của những tài tử ở kinh đô chớp bóng Hollywood là họ mê ngay và họ đinh ninh là sẽ trở nên một Gary Cooper hoặc một J. P. Aumont. Họ sẽ là một tài tử xi nê được, song là một tài tử không công việc làm, vì họ quên rằng ở xứ này chưa có những hãng, những xưởng quay phim, thì ai mướn họ đóng tuồng. Đó là chưa xét đến việc họ có đủ điều kiện để trở nên một tài tử màn ảnh chưa?

Họ muốn nhà văn có lẽ họ thấy cái vỏ hào hoa của một vài văn nhân. Họ biết đâu cái cảnh “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” của thi sĩ Tú Xương, cái cảnh lầm than của người cầm bút mà Lãng Tử đã tả trong thiên phóng sự Nợ Văn. Họ biết chăng với ngọn bút tài hoa như Tản Đà mà nghề bán văn của ông cũng không được phát đạt lắm đến nỗi ông định đem văn ra bán ở chợ trời vì “Văn chương hạ giá rẻ như bèo…”.

Sự chọn nghề có mật thiết đến tương lai, hạnh phúc cả một đời người. Có thích nghề mới có thể cố gắng làm việc, có hợp với khả năng của mình mới mong tiến hóa và do đó mới có thể thành công đắc thắng. Ở những nước tiên tiến sự chọn nghề, tìm nghề đã thành những vấn đề quan trọng. Có những cơ quan hướng nghiệp để chọn nghề cho bạn trẻ tùy theo khả năng, khí chất, năng lực của mỗi người. Bao giờ ở xứ ta có những cơ quan hữu ích như thế?

Học chuyên nghiệp. Thế nào là người chuyên nghiệp? Người chuyên nghiệp là người thông hiểu về nghề nghiệp, về chức vụ của họ một cách rành mạch và đầy đủ.

Đã định nghĩa như vậy chúng ta nhận thấy ở xứ này còn thiếu, thiếu rất nhiều tay chuyên nghiệp.

 Đi ngoài phố chúng ta thường thấy ghi trên các bảng hiệu “Thợ may chuyên môn, thợ đồng hồ chuyên môn, thợ sơn chuyên môn, những anh khách sơn đông nhổ răng chuyên môn, những “giáo sư” coi tay coi tướng theo Tây cũng chuyên môn…”. Chúng ta đừng vội mừng, vì phần nhiều những nhà chuyên môn đó có danh mà không có thực.

Có dịp nhờ đến những tay chuyên môn ấy chúng ta mới thấy sở học chuyên nghiệp của họ thường là con số “dê rô” to tướng. Đến đặt may một bộ đồ, chúng ta phải bất mãn vì lối cắt vụng về, những đường may dối trá, nếu có được vừa vặn là một dịp may mắn. Đem đồng hồ đến sửa, phải đem sửa đi sửa lại đôi ba phen mới chạy được đều đều. Mất tiền còn phải mất công, phí thời giờ, thật là tai hại.

Một người bạn nói: “Ở nước ngoài, đến đặt may quần áo ở một hiệu, tức là mình gieo mối lo cho người thợ. Họ phải lo sao cho vừa lòng người khách. Trái lại, ở xứ mình đến may đồ ở một hiệu là mình rước nỗi lo vào mình, bởi không thể tin tài nghệ của người thợ mặc dầu lời quảng cáo khoe khoan của họ “kêu” lắm. Vả lại, hình như họ không chăm lo mấy, nếu đồ đặt may vừa vặn, đó là may mắn, họ tươi cười nhận tiền công. Bằng trái lại, nếu bộ đồ may hư hỏng, họ vẫn tươi cười và xin mình châm chước với những câu thành như cổ điển: “Bị… tại… vì… bởi…”. Đối với nghề nghiệp họ, họ rất dễ dãi, rồi với mình, họ cũng xin mình dễ dãi theo.

Những ai đã có dịp giao thiệp với những tay nghề ấy chắc phải nhận rằng lời than phiền trên đây thật không quá đáng, vì những tay thợ “nửa mùa” hiện giờ ở xứ ta không phải là ít.

Ở xứ ta, nghề nghiệp thiếu tổ chức, thiếu trường dạy nghề, không liên đoàn, không ai kiểm soát về nghề nghiệp. Thậm chí như nghề thầy thuốc, có người biết một ít chữ nho, đọc sơ qua năm ba quyển sách thuốc là dám trương bảng làm thầy, xem mạch, bốc thuốc, thì việc làm thợ có ai cấm cản họ bỏ vốn ra lập xưởng và trương bảng thợ chuyên môn mặc dầu họ chỉ là tay “mỏ” trong nghề.

Sự lão luyện nghề nghiệp là một điều liêm khiết. Làm một nghề mình không tinh thông tức là mình lừa dối người, có khác nào người bán sữa bò pha nước lã hoặc người thợ bạc làm món đồ nữ trang không đủ phân lượng, như vậy là điều bất chính. Một người thợ mộc đăng bảng: chuyên môn đóng bàn ghế. Tin theo lời quảng cáo, người khách đến đặt làm một cái tủ. Tủ đóng xong, tiền trả tất, đến khi đem cái tủ về nhà mới biết mình bị gạt vì tủ đóng vụng về, chỉ ít hôm là cây ván hở, mộng sút. Sự dối trá của người thợ mộc chỉ là tai vạ cho túi tiền người khách, song nếu nó thuộc về những nghề nghiệp có liên quan đến sức khỏe, sự sống của con người như nghề thầy thuốc chẳng hạn, sự không tinh tường nghề nghiệp là một tội ác, vì mỗi khi họ lầm lỡ là một mạng người bị thiệt.

Sự lão luyện nghề nghiệp là bí quyết thành công. Nhà triệu phú cũng là nhà đại doanh nghiệp người Mỹ, ông A. Carnegie khuyên: “Anh phải quyết chí học hỏi cho rành mạch chức nghiệp của anh, thấu đáo nó đến triệt để, hầu trở nên một tay lão luyện trong nghề. Đừng để một người nào khác trong nghề biết nhiều hơn anh. Hãy học cho biết hết tất cả những cái gì đã có làm trong nghề nghiệp của anh và ở khắp mặt đất này”.

Nhà triết học Emerson cũng nói: “Kẻ nào biết làm một cái bẫy gài chuột khéo nhất, biết đọc một bài giảng hoặc viết một quyển sách hay nhất, có thể cất nhà ở tận rừng sâu, dấu chân của khách hàng sẽ làm thành một con đường mòn dẫn đến nhà họ”.

Một khi đã tinh thông nghề nghiệp, chúng ta đã hiển nhiên là một phần tử cần thiết trong xã hội. Như vậy, trên con đường làm ăn chúng ta không biết sợ một sự cạnh tranh nào cả. Đã có hàng trăm hiệu giày, nếu ta lại mở ra một hiệu đóng giày như hàng trăm hiệu đã có, sự thành công của ta không có gì bảo đảm. Song nếu giày của chúng ta đóng vừa đẹp, vừa chắc, vừa bền, giá lại phải chăng, nếu chúng ta biết trở nên một tay vô địch trong nghề đóng giày thì khách hàng chắc chắn sẽ đến đông, và sự phát đạt của cửa hiệu chúng ta nắm chắc.

Có người nói: “Làm nghề này khá, nghề kia mau giàu, nghề này không khá”. Sự phân xét này không đúng, ngó lại những người đã lập cơ nghiệp chúng ta nhận thấy có đủ mọi nghề. Không phải chỉ lập nhà máy xay gạo hoặc khai khẩn ruộng đất mới làm giàu; một người thợ bạc, một người thợ mộc, một nhà văn, một người bán trái cây cũng có thể làm giàu nếu họ đều là những tay chuyên môn, những bậc “sư” trong nghề.

Sự chuyên nghiệp là điều cần thiết ở buổi này. Những người như Maichel Ange vừa là nhà điều khắc, vừa hội họa, nhà kiến trúc, nhà triết học, nhà thi sĩ có tài hoặc như Léonard de Vinci vừa là nhà hội họa, nhà kỹ sư, nhà văn có tiếng không thể có nữa.

Bờ cõi các môn học mở rộng một cách quá nhanh mà tài sức, óc thông minh của con người có giới hạn. Chỉ chọn lấy một ngành hoạt động nào, hoặc chỉ chuyên về một phần nhỏ nào trong đó có khi suốt một đời người học cũng chưa làu thông.

Một nhà luật sư, một viên bác sĩ, một viên kỹ sư học đến già vẫn còn thấy phải học. Đó là nói những nghề đòi hỏi một sở học rộng rãi, song nhiều nghề mới xem thấy rất thường như nghề đứng bán hàng, nghề làm bánh, muốn trở nên một tay nhà nghề lão luyện cũng không phải trong đầu hôm sớm mai là được.

Chúng ta có thể nói: “Bí thuật của thành công là biết lựa chọn lấy một nghề và trở nên chuyên môn, một tay vô địch trong lĩnh vực chức nghiệp của mình”.

Sự chuyên nghiệp cũng là một điều cần thiết cho sự phát triển của một đất nước. Một nước hùng cường là một nước có nhiều tay chuyên môn. Chính phần “thượng lưu” này điều khiển, dìu dắt, giúp một nước tiến bộ nhanh hay chậm. Đám đông ở xứ nào cũng thế, chỉ là một đoàn cừu.

Bởi hiểu thế nên ở các nước tân tiến, những trường kỹ thuật, những trường chuyên nghiệp được mở mang rất nhiều. Bất luận một nghề nào cũng có trường chuyên môn dạy, có đủ báo chí, sách vở về nghề nghiệp.

Chúng ta có thể nói về sự dạy nghề ở nước Pháp, không phải là thiếu tổ chức. Ấy thế mà trong quyển Créer, nhà lãnh tụ đảng Cấp Tiến Xã Hội, ông E. Herriot đã phải lên tiếng than phiền về sự dạy nghề ở nước Pháp còn kém sút lắm, sánh với những cường quốc như Đức, Mỹ. Để kết luận chương bàn về vấn đề ấy, ông viết: “Ở đầu sự giáo huấn là nền tiểu học, kế đó việc dạy nghề nghiệp cách hợp lý. Mỗi người muốn xứng đáng làm người đều phải làm một nghề, việc họ phổ thông, theo chúng tôi, chỉ để làm hậu thuẫn sở học chuyên môn… Muốn phụng sự nước nhà cách đắc lực, trước hết hãy là những người có tay nghề giỏi, sau đó, nếu có thể hãy có những ý tưởng khái quát”.

Bên xứ ta, năm xưa chính phủ có mở ra hai lớp dạy nghề may cắt và nghề đóng giày, và có dự định lập một trường dạy nấu ăn, đừng nhầm lẫn với những lớp dạy làm bánh mứt, nấu ăn ở những trường nữ công. Đây là một trường để đạo tạo ra những đầu bếp sành nghề. Người có sáng kiến này đã nói rất hữu lý: “Làm một người đầu bếp thiệt thọ cần phải nhiều năm mới làm được. Nhiều người mạo danh là đầu bếp nhưng thật ra họ không biết nấu món ăn cho ra hình. Đây là một nghề phải học và tiến từng bậc một, sau khi đã từng lặt nhiều bó rau, phỏng lửa năm bảy lần và mồ hôi nhễ nhại trước hỏa lò, lúc ấy người ta mới có thể dọn ra một món ăn nên hồn”.

Muốn trở nên một nhà chuyên môn cần phải có sở học chuyên nghiệp. Trên lĩnh vực nghệ thuật có những người đặc biệt nhờ thiên tư mà trở nên nhà thơ hoặc nhạc sĩ có tài, không phải mất nhiều năm luyệp tập. Song về công nghệ muốn trở nên một tay nhà nghề không thể thiếu một sự luyện tập chuyên cần. Ở đây phải nói như Buffon: “Tài năng là một sự kiên nhẫn dài”.

Sự học chuyên nghiệp bắt đầu ở những trường chuyên môn, song đây mới là bước đầu. Ra ngoài đời còn bao nhiêu dịp để học hỏi thêm mà một người biết nghề không bao giờ bỏ qua.

Học nghề ở nhà trường là mình thâu thái mớ kinh nghiệm của những người đi trước. Ra ngoài đời mình sẽ có dịp thâu thái lấy những kinh nghiệm riêng của mình trong lúc làm nghề.

Bất luận ở đâu, trong khi xem sách, lúc đi chơi, trong khi giao thiệp, lúc nào cũng là dịp để cho chúng ta học thêm về nghề nghiệp cả, nếu chúng ta biết tự đặt những câu hỏi:

- Điều này có quan hệ gì đến nghề nghiệp của tôi chăng?

- Nếu có thì về phần nào?

Và đây là lúc phải mở rộng hai mắt, hai tai, đây là lúc dùng đến óc quan sát để xem xét chung quanh mình: Những người bạn đồng nghiệp ta đã làm gì? Nghề nghiệp ta đã tiến đến đâu? Như vậy để luôn luôn theo kịp người và làm hơn người.

Ngoài ra, chúng ta phải biết như nhà bác học, vừa phải lo bảo tồn vốn kiến thức đã thâu thái mà cũng vừa lo tìm cách chấn chỉnh nghề nghiệp hoặc sáng chế ra những điều gì có thể giúp ích chung cho nghề nghiệp. Như vậy để đền đáp trong muôn một công ơn của những bậc tiền bối đã vạch nghề cho chúng ta, và cũng để giúp ích cho lớp người sau này.

Hạng người ích kỷ, lúc sống khư khư ôm trong mình những điều hay về nghề mà họ gọi là “bí mật nhà nghề” để khi chết mang luôn xuống mồ, thật không đáng sống ở xã hội tân tiến này.