Cái chí khí ấy chúng ta phải tự rèn lấy.
Có người sẽ hỏi: “Nói đến những bậc “chúa tể trên đời” có ích gì, hay chỉ làm cho chúng tôi thêm thất vọng? Họ thuộc về hạng người đặc biệt, người phàm như chúng tôi làm gì noi gương họ nổi?”.
Sao lại không? Họ là bậc “vĩ nhân”, họ không phải là “dị nhân”. Họ cũng xác phàm như chúng ta, họ cũng có những dục vọng để đè nén, cũng có thói ươn hèn để chống trả, cũng gặp những cảnh khó khăn làm nản lòng, họ cũng yếu đuối, cũng lầm lỡ, cũng thất bại như chúng ta song sở dĩ họ hơn người là họ biết tự rèn lấy một chí khí đanh thép. Không phải lọt lòng mẹ là họ được cái chí để hơn người, chí khí ấy họ phải tự rèn luyện lấy. Điều đáng bắt chước và chúng ta ai cũng có thể làm theo là cách luyện chí của họ.
Thống soái Foch, một vị tướng của nước Pháp nói: “Phước thay cho những kẻ sinh ra đời với một lòng tín ngưỡng, nhưng hiếm lắm. Không ai lọt lòng mẹ mà thông thái cũng như không ai sinh ra là thành lực sĩ. Mỗi người trong chúng ta phải tự rèn luyện lòng tín ngưỡng, mớ học thức, những bắp thịt. Cái kết quả ở đây không phát lột một cách chớp nhoáng hoặc do sự nẩy nở trong nháy mắt của những năng lực của chúng ta. Chúng ta chỉ thâu đoạt lấy kết quả bằng một sự cố gắng không ngừng”.
Với các bạn trẻ sắp bước chân ra trường đời chúng tôi xin nhắn: hãy rèn đúc một chí khí đanh thép; có chí, các bạn sẽ có tất cả.
Ý chí: một đức tính trụ cột thường bị bỏ quên.
Một đức tính quan trọng như ý chí lạ thay không được người ta chú ý cho lắm. “Ở nhà trường người ta nhét vào óc đứa trẻ một mớ hiểu biết làm cho đứa trẻ có thể trở nên nhà thông thái, song người ta lại không nghĩ đến việc giúp cho nó những khí giới để ra tranh sống, bởi sự rèn luyện về tinh thần của nó. Người ta không dạy cho nó làm người”. Bác sĩ G. Durville đã lên tiếng phàn nàn như thế.
Trong gia đình cũng không khác, cha mẹ chỉ khen những đứa con nào thông minh, học giỏi: “Cháu sáng dạ lắm, năm nay cháu đi thi tú tài phần nhì”. Không mấy ai để ý xét phần tính khí: Ý chí, óc hoạt động, óc sáng kiến, v.v… là những khí giới rất đắc dụng khi ra tranh sống với đời. Đã thế, nếu đứa trẻ có được một tinh thần sung mãn, thường có những cử chỉ hơi bạo dạn là bị liệt ngay vào hạng những đứa con hư; trái lại, những đứa trẻ tinh thần suy nhược đặt đâu ngồi đó lại được khen là dễ dạy.
Về sách vở cũng không thấy một quyển nào bàn về cách luyện chí trong khi đó hằng tá sách bàn về truyện Kiều. Sách về giáo dục, về luân lý xưa nay không phải thiếu, song những sách ấy thường chỉ thuyết lý suông: “Phải ăn ở như thế này, phải có đức tính này, đây là con đường mới của thanh niên, v.v…” Nghe qua những lời dạy bảo trên các bạn trẻ đều nhận là đúng, song họ sẽ hỏi: “Vâng, chúng tôi chịu rằng: Phải tập thể dục mới được khoẻ, phải tránh những thú vui xác thịt, phải chăm làm việc, phải biết chịu khó, nhưng làm thế nào để thực hành những lời khuyên ấy, một khi chúng tôi thiếu chí khí làm gốc? Biết làm như thế là đúng, song vì kém nghị lực, chúng tôi không làm theo nổi. Biết làm như thế là có hại, song vì yếu đuối chúng tôi vẫn đâm đầu vào”. Lời than của họ rất có lý. Với những kẻ sắp chết đói, nếu chúng ta chỉ giúp họ lời khuyên phỏng có ích lợi gì? Phải ăn cơm để sống, họ vẫn biết nhưng làm thế nào để có cơm ăn điều ấy họ cần biết hơn.
Một năng lực cũng như một bắp thịt, có vận động, có luyện tập là có nở nang. Không vận động, thiếu luyện tập thì dần dần suy kém đi. Năng lực của ý chí bị bỏ xó qua bên không được giũa mài lẽ cố nhiên lâu ngày phải rỉ sét để mục dần. Thiếu đức tính trụ cột này con người thành ra bất lực. Chúng ta đã thấy một hạng trí thức, cái gì cũng hiểu, cũng biết mà bất lực. Chỉ biết suy tính, giải quyết mọi vấn đề trên mặt giấy, làm bao nhiêu việc chỉ ở trên chót lưỡi. Một chính khách đã lên án họ bằng một câu chua chát: “Chúng ta cần những chiến sĩ. Phải đào luyện ở đám thanh niên ý chí hơn là óc thông minh”. Nói đến chí khí là nói đến ý chí, hai chữ này gần trùng nghĩa. Nói: một người có chí khí tức là nói người ấy có ý chí đanh thép. Vậy nói đến việc rèn đúc tính khí tức là nói đến cách rèn luyện ý chí.
Có thể sửa đổi tính khí của chúng ta chăng?
Trước khi bàn đến cách luyện chí, hãy thử xét tính khí của chúng ta có thể sửa đổi được chăng? Điều này rất quan trọng vì nếu quả thật như nhiều người đã nói, tính khí của chúng ta là “bất di bất dịch” không sao sửa đổi được thì chúng ta có còn can đảm nào lo rèn luyện.
Xét về vấn đề này, nếu chỉ đem so sánh ý kiến với những nhà giáo dục xưa nay chúng ta không còn biết tin theo đàng nào. Một phái rất tin ở hiệu lực của giáo dục rèn đúc tính khí con người. Một nhà giáo dục phương Đông nói: “Trong thiên hạ không có ai là không dạy được, cũng không có người nào mà không nên dạy”.
Cùng một ý kiến ấy, nhà giáo dục phương Tây nói: “Mọi người sinh ra đời đều bằng nhau, với những năng khiếu đồng nhau, chỉ có giáo dục làm cho có sự hơn kém”.
Một phái khác, trong có những triết gia: Kant, Schopenhauer cho rằng: rèn luyện tính khí là công dã tràng, vì tính khí là dấu riêng của mỗi người đã thọ lãnh khi ra đời, dấu ấy không sao sửa được. H. Spencer, một triết gia khác cho rằng: có thể sửa đổi tính khí con người, song cần một thời gian dài cả… mấy trăm năm, như thế cũng bằng không.
Như vậy còn biết tin đàng nào? Về lý thuyết thì lý thuyết nào cũng có lý lẽ của nó nếu cứ tin theo sách vở thì có khi chúng ta sẽ như anh chàng kia phải thức suốt đêm chẳng đám đặt lưng xuống nằm ngủ, bởi anh xem sách về vệ sinh thấy ông bác sĩ này cho rằng nằm ngửa có hại, ông khác bàn: chẳng nên nằm nghiêng phía mặt, ông khác nữa lại bảo nằm nghiêng bên trái có hại.
Hãy đem sự phán xét của chúng ta mà phán đoán. Chúng ta thấy gì? Tính khí chúng ta không phải là “bất di bất dịch”. Nó thay đổi với tuổi tác, với hoàn cảnh, có khi với sức khỏe. Cứ xét ngay ở mình: con người chúng ta hôm nay rất khác với con người chúng ta năm mười năm về trước. Có người lúc bé rất nhu nhược lười biếng, khi lớn lên đổi tính hẳn và trở nên người hiếu động. Cũng có người lúc bé tính tình chất phát, thật thà ít nói, khi lớn lên gặp phải hoàn cảnh xấu làm cho họ trở nên tay đàng điếm, tinh quái, xảo quyệt.
Cũng có người bản tính vui vẻ, về sau bị một cơn bệnh như đau dạ dày chẳng hạn, làm cho họ đâm ra cau có, buồn bã, chán đời.
Vả lại nếu nói theo Kant, thì người nào đã sinh ra đời với tính lười biếng thì suốt đời biếng nhác, chẳng bao giờ trở nên siêng năng được. Song một người dù lười biếng đến đâu lâm phải cảnh nghèo đói cũng có một lúc trở nên siêng năng.
Nếu họ còn lộn về đường cũ là bởi họ không biết bí thuật để duy trì những ý tưởng tốt ấy, tức là họ không biết cách luyện tập ý chí. Còn tính khí của họ dù chỉ thay đổi được trong giây lát cũng đã tỏ rằng: nó không phải là “bất di bất dịch”.
Tại sao có thể sửa đổi tính khí?
Bởi nó không phải là một vật đơn nhất hoặc thuần nhất, nó là sự tổng hợp của di truyền, của thói quen, của khí chất, của khuynh hướng, của thị dục, của lối sống, của hoàn cảnh riêng mỗi chúng ta. J. Payot nói: “Tính khí là một tổng hợp, mà một tổng hợp của nhiều lực lượng thì bao giờ cũng dời đổi do sự liên kết của lực lượng ấy”. Thay đổi được một trong những lực lượng đã hợp thành lại nó thì nó đã bị thay đổi. Ông cũng đã khéo cho một thí dụ: Âu Châu bao giờ cũng là Âu Châu, song bản đồ Âu Châu luôn luôn thay đổi do sự thịnh suy, do sự liên kết của các nước hợp thành nó.
Quyền hạn của chúng ta trong công việc sửa đổi tính khí.
Như đã nói trên: tính khí là tổng hợp của nhiều yếu tố: di truyền, khí chất, khuynh hướng v.v…
Một người thuộc đa huyết chất dễ đắm say về nhục dục. Người thuộc lâm ba chất có tính lười biếng không thích vận động. Đối với những người có khuynh hướng này ý chí của họ không có quyền lực gì một cách trực tiếp cả. Họ có quyền gì để lựa chọn cha mẹ, tổ tiên của họ. Nếu thế, họ sẽ làm tôi mọi suốt đời cho bản tính của họ sao?
Không, nếu ý chí của họ không có quyền lực gì để sửa đổi tính khí của họ một cách trực tiếp, trái lại họ có thể sửa đổi nó một cách gián tiếp, bởi cách điều khiển những khuynh hướng, những ý niệm, những tri giác của họ một cách khôn khéo.
Vì những khuynh hướng kia thật ra chỉ là những cái “mầm”, cái “gốc” chúng ta mang sẵn trong người thôi, nó không có quyền độc đoán với chúng ta. Người thuộc về đa huyết chất chỉ mang cái “mầm” thiên về nhục dục, song vị tất họ phải là tôi mọi cho nhục dục. Lửa, chất nóng, có tính cháy lan, song vị tất dùng đến lửa là bị phỏng, bị cháy. Nếu biết cách dùng lửa ta có thể nhen nhúm nó trong lò để nhờ hơi nóng của nó và ngăn ngừa không cho nó cháy lan.
Đi đến hàng sách vô tình chúng ta gặp phải một quyển sách “khiêu dâm” làm sôi lòng dục chúng ta. Trước sự bất ngờ ấy, chúng ta phải cam chịu cho thú dục nổi lên. Song chúng ta rất có thể lánh xa hiệu sách ấy ngay, không mua quyển sách xấu ấy.
Cũng trong quyển I’Education de la volonté, J. Payot đã dẫn một thí dụ rõ rệt: “Một cơn giận làm sôi máu ở tim chúng ta, khó mà diệt cơn giận ấy trực tiếp, nhưng chúng ta có thể ngăn cản nó một cách gián tiếp, không để nó phát lộ ra ngoài. Muốn phát lộ ra ngoài, cơn giận cần có quả tay nắm chặt, hai hàm răng cắn sát, gân mặt nheo lại, hơi thở hồng hộc. Song chúng ta có thể giữ nét mặt thản nhiên, có thể kềm hơi thở cho điều hòa, có thể giữ miệng tươi cười”.
Chúng ta có thể rèn luyện và làm nở nang ý chí cũng như chúng ta có thể rèn luyện và làm nở nang bắp thịt.
Chúng tôi quả quyết: tính khí con người có thể sửa đổi được nếu biết rèn luyện nó một cách hợp lý. Tức là có một phương pháp rèn luyện ý chí đắc lực, và chúng ta có thể rèn luyện làm nở nang ý chí như chúng ta luyện tập làm nở nang cơ bắp.
Chúng tôi sẽ cắt nghĩa tại sao?
Trong quyển Nghị Lực, ông P. N. Khuê viết: “Có biết bao nhiêu người đánh bạc cả đời, mê gái cả đời, uống rượu cả đời… tuy rằng lúc nào họ cũng chiêm bái những tư tưởng cao, lúc nào họ cũng nói ra những lời cương quyết”. Chúng tôi phải nói thêm: “Chẳng những họ chiêm bái những tư tưởng cao, song có lúc họ cũng biết giác ngộ và biết sống một đời mực thước, hợp đạo. Có người nghiện rượu nghiện á phiện mà suốt đời không có một lần định cai những chất độc ấy. Họ có thể chừa bỏ thói hư ấy trong một thời gian ngắn, tại sao họ không thể duy trì những quyết định ấy lâu dài hơn. Bí thuật của nhiều phương pháp luyện chí là ở chỗ đó: làm sao giúp họ duy trì những ý thiện”.
Có người sẽ bác: Không thể được, bắt họ chừa bỏ những thói hư tật xấu thật chẳng khác công dã tràng, ngựa quen đường cũ. Người Tây đã chẳng nói: “Đuổi cái thiên tính đi, nó sẽ chạy sãi trở lại sồng sộc”.
Lý lẽ này chỉ đúng một phần. Đúng vì trong việc tẩy trừ những tật xấu, công việc chúng ta không phải dễ dàng như việc nhổ cỏ xấu, chỉ bứng gốc rễ một lần là trừ tuyệt. Xua đuổi những thói xấu nó sẽ trở lại, trở lại nhiều lần. Song chúng nó không thể trở lại mãi mãi.
Không phải một sớm một chiều mà chúng ta có thể trở nên một người mới hoàn toàn theo ý muốn. Không phải chỉ xáp chiến một lần là quân đội đoạt được một cửa ải. Họ phải tấn công nhiều lượt, tấn công liên tiếp, đôi khi lại lùi bước trước những cuộc phản công quá gắt… nhưng không phải để chạy dài, song là để thừa cơ, phục sức mà mở những cuộc tấn công mới đến khi bên địch yếu sức phải đầu hàng.
Trên mặt trận tâm lý cũng thế. Muốn diệt trừ một thói xấu, muốn tập một nết tốt chúng ta phải ra sức cố gắng; đầu tiên, chúng ta phải vất vả nhiều vì bên địch còn khỏe, song lần hồi, sự cố gắng liên tiếp đã tạo cho ta những thói quen tốt thay vào những tật xấu, bấy giờ sự cố gắng chúng ta đã dễ dàng hơn. Một nhà tâm lý học, ông R. P Anderson, đã khéo so sánh: “Khối óc con người ví như một rừng rậm và tư tưởng chúng ta ví như những người khai phá. Những tư tưởng mởi phải cực nhọc, lấy dao mác để chặt những bụi cây rậm rạp, gai góc để khai phá con đường, để những tư tưởng sau này do con đường trơn tru ấy xâm nhập vào rừng cách dễ dàng. Đó là thói quen. Thử gấp một từ giấy lại rồi tháo ra, về sau nhờ có những lằn gấp chúng ta gấp lại cách dễ dàng. Đó là thói quen”.
Thói quen đó là khí giới rất đắc lực mà chúng ta sẽ dùng trong công việc chinh phục con người chúng ta. Đây là một người quyết theo đuổi việc tập thể dục. Sau thời gian sốt sắng ở buổi đầu, đến lúc chán nản. Mối khi đến giờ tập là họ thấy bứt rứt, khổ nhọc, thói ươn hèn, tật lười biếng đã nổi lên quyến rũ họ bỏ qua buổi tập. Muốn lướt thắng những lần đầu họ phải cố gắng nhiều. Ngày tới, rồi ngày tới, họ phải nỗ lực nhiều mới đeo đuổi trọn vẹn chương trình tập luyện đã dự định. Song lần hồi, sự tập thể dục đã thành một thói quen, sự cố gắng gần như không còn nữa và nếu bỏ qua một buổi tập họ lại cảm thất bứt rứt khó chịu.
Sự hoạt động của khối óc cũng như những bắp thịt, làm tựu lại đó nhiều máu và làm nở nang những phần ấy, tuy một cách chậm chạp song chắc chắn.
Giáo sư Elmer Gates đã chứng tỏ bằng nhiều cuộc thí nghiệm. Nếu não thần trung khu được hoạt động luôn, nó sẽ nở nang; trái lại, sự thiếu hoạt động làm cho nó trở nên suy nhược. Ông đã bắt vài con chó và vài giống thú khác để thử huấn luyện thị quan và thính quan của chúng về một vài phương diện: Ông đã tập được những con chó biết phân biệt màu xanh, đỏ. Cùng một lúc ấy ông đem nhốt một số con chó khác cùng một giống, cùng trạc tuổi vào trong buồng tối. Sau một thời gian ông giết chúng nó và đem mổ khối óc ra, ông nhận thấy ở não thần trung khu của thị quan ở những con chó được huấn luyện có nhiều tế bào thần kinh hơn ở những con bị nhốt trong tối không dùng đến thị quan.
Xem như thế, những năng lực của tinh thần cũng như năng lực của thể chất đều theo luật sinh trưởng nở nang bởi sự hoạt động: có vận động, có tập luyện là có nở nang.
Kết luận: chúng ta có thể làm nở nang ý chí cũng như chúng ta có thể làm nở nang bắp thịt. Chỉ cần một phương pháp rèn luyện ý chí cách hợp lý và đầy đủ và kiên tâm theo đó mà tập.
Một phương pháp luyện chí.
Ở đây, chúng tôi thử phát họa một chương trình luyện chí.
Luyện tập và luyện tập có phương pháp, đó là chương trình hành động của chúng ta.
Muốn biết đọc, phải tập đọc; muốn có ý chí, phải luyện chí.
Không phải chỉ nghiền ngẫm những cuốn sách về thể dục mà bắp thịt chúng ta được nở nang.
Không phải chỉ xem hết năm mười pho sách thánh hiền là chúng ta trở nên người đức hạnh. Cũng không phải chỉ nắm tay đập xuống bàn và nói: “Tôi sẽ là người có chí” mà được trở nên người có chí khí. Ý chí cũng như bắp thịt hay não óc, chỉ nẩy nở, phát triển là khi nó được luyện tập. Muốn được một chí khí đanh thép, điều kiện trước là phải luyện chí và luyện tập cho chuyên cần.
Điều ấy rất dễ hiểu, vì nó rõ rệt và chắc chắn như hai với hai là bốn. Tuy thế, có rất nhiều người muốn có ý chí mà không bao giờ nghĩ đến sự luyện chí. Họ cầu kỳ đi tìm những lý thuyết viễn vông hoặc bí quyết để trong tức khắc họ trở nên người có chí. Họ không bao giờ làm công việc trước tiên là lo tập luyện.
Nhà hiền triết Hy Lạp Epictète đã cho chúng ta một bài học thiết thực: “Muốn biết đi, hay tập đi; muốn chạy giỏi, hãy tập chạy. Anh muốn biết đọc, hãy đọc. Muốn biết viết, hãy viết. Thử nằm trong mười ngày liên tiếp rồi ra đi một khoảng đường xa, anh sẽ thấy cặp chân anh nó “khỏe” đến mức nào. Nói tóm lại: nếu anh muốn tập thói quen làm một công việc nào, hãy làm công việc ấy”.
Luyện tập… nhưng phải luyện tập cho có phương pháp.
Chỉ có ý muốn luyện tập không chưa đủ. Phải có công luyện tập. Song luyện tập mà thiếu phương pháp thật là phí công vô ích. Một người học bơi thiếu phương pháp mặc dầu hai chân đạp tung tóe, hai tay bơi không ngớt, song không biết lấy hơi thở cho điều hòa, giữ thân mình cho thăng bằng trên mặt nước thì không thấy mình tấn tới bao nhiêu, có khi kiệt sức rồi bị đắm luôn.
Đó là hình ảnh những người luyện chí mà thiếu phương pháp. Để luyện chí, họ thảo ra những chương trình luyện tập to tát, dù có cố gắng bao nhiêu họ cũng không thể thực hành theo nổi.
Có người bấy lâu nay quen sống một cuộc đời không mực thước, buông lung theo mọi thú vui vật chất. Một hôm xem được một quyển sách dạy phép “tu thân” trong giây phút họ giác ngộ và quyết rèn tâm sửa tính. Trong lúc quá hăng hái ở buổi đầu, họ muốn hoàn toàn ly dị với tất cả thói xấu đã vấn vít người họ bấy lâu nay. Họ quyết sẽ bỏ thuốc lá, cai rượu mạnh, cấm đi chơi đêm, mỗi ngày tập thể dục một giờ, đọc sách một giờ, viết xong mười pho sách. Nghĩa là họ muốn trong đầu hôm sớm mai sẽ trở nên một người hoàn toàn. Từ một linh hồn đen tối họ mốn trở nên một linh hồn trong trẻo của đấng thần minh. Nhưng hỡi ôi! Mộng càng đẹp bao nhiêu nó càng khó thực hiện bấy nhiêu. Cùng trong một lúc một mình phải chống trả với bao nhiêu kẻ thù làm sao họ thắng nổi. Lúc đầu, họ còn có chí tuân theo chương trình khắc khổ ấy, song chỉ nội vài hôm thì vẫn rượu chè, vẫn thuốc lá, vẫn chơi đêm, vẫn lười tập thể dục, vẫn không viết được một dòng chữ nào.
Khôn khéo hơn, họ nên kéo từng địch thủ một mà đánh. Xét trong các thói xấu kia cần diệt bỏ thứ nào trước, hoặc trong các tính tốt cần phải rèn luyện tính nào trước, rồi tập trung cả nghị lực để thực hành cho kỳ được chương trình khiêm tốn ấy. Mà như vậy họ sẽ có nhiều hy vọng để thành công hơn.
Nghệ thuật luyện chí là nghệ thuật tập nên những thói quen. Nhà tâm lý học G. Le Bon định nghĩa giáo dục: “Là nghệ thuật chuyển sang phần vô thức những gì đã có nơi phần ý thức”. Ở phần ý thức là lý trí, óc phán đoán; ở phần vô thức là tính tự động, là những thói quen. Theo G. Le Bon: “Giáo dục là nghệ thuật tập thành thói quen những gì lý trí và óc phán đoán chúng ta nhận là đúng nên theo”.
Đó cũng là mục đích chính của phương pháp luyện chí hợp lý. Những lề luật của thói quen sẽ làm nền tảng cho phương pháp luyện chí chúng tôi sẽ trình bày sau đây.
Có thể tóm tắt những lề luật ấy:
1) Mỗi tác động, về thể chất cũng như về tinh thần, chúng ta đã cố ý làm sẽ tạo cho chúng ta thói quen để lập lại những tác động ấy một cách vô tình.
Chúng ta vì tính tò mò muốn hút thử cho biết mùi vị lạ của thuốc lá nên đã cố ý đốt những điếu thuốc lá đầu tiên. Tác động ấy lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo cho chúng ta thói quen hút thuốc lá. Về sau chúng ta sẽ hút thuốc một cách vô ý thức.
Sáng ngày, mở mắt ra chúng ta vói tay lấy điếu thuốc châm lửa. Nếu có ai chặn hỏi: “Hút thuốc để làm gì?”. Chúng ta chỉ biết trả lời: “Hút chỉ để mà hút vì thói quen nó bắt hút”.
Do theo luật nói trên, một tác động xấu gây nên một thói xấu. Nếu muốn được một thói quen tốt, chúng ta chỉ có việc là gây nên một tác động tốt.
2) Thói quen ấy ngày càng ăn sâu vào người chúng ta và chúng ta lặp lại những tác động ấy một cách dễ dàng.
Ở trước chúng tôi đã có dẫn dụ của nhà tâm lý học
Một thí dụ khác cho dễ hiểu: Việc tập đánh máy chữ. Khi mới bắt đầu tập đánh máy, chúng ta phải hết sức chú ý để nhận biết đâu là phím nhấn chữ A, Z, E, R, v.v… Về sau, khi đã thông thạo, nghĩa là khi việc đánh máy đã thành một thói quen, mắt vừa nhìn thấy dạng chữ A trong bài là ngón tay chúng ta mổ đúng ngay vào phím chữ A, có khi ý thức chúng chưa kịp nhận biệt nút đó thuộc chữ gì.
Về phương diện tinh thần cũng thế, khi đã gây được một thói quen, thí dụ: ăn uống có tiết độ, chúng ta lướt thắng tật mê ăn, ham uống dễ dàng, ít khó nhọc hơn khi mới bắt đầu buộc mình tuân giữ theo phép ăn uống có tiết độ.
Thử phát họa một chương trình để luyện chí. Trình bày một phương pháp luyện chí là công việc ngoài phạm vi chương sách. Công việc ấy chúng tôi sẽ dành riêng trong một quyển sách.
Ở đây chúng tôi chỉ thử phát họa một chương trình tổng quát, chương trình ấy gồm những phương tiện chúng ta sẽ dùng:
1) Những phương tiện về thể chất.
2) Những phương tiện về tâm lý.
3) Những phương tiện bên ngoài.
Những phương tiện về thể chất. Biết rằng thể chất và tinh thần có liên quan mật thiết với nhau, chúng ta phải lo tạo một sức khỏe vì sức khỏe có dồi dào thì tinh thần mới rắn rỏi.
Chúng ta sẽ học lấy những điệu bộ, cử chỉ của một người mạnh tinh thần: mắt ngó thẳng, ngực nẩy tới trước, cằm đưa ra, ít nói v.v…
Những phương tiện về tâm lý. Biết rằng bên trong con người chúng ta có hai viên chủ nhân điều khiển: ý thức và vô thức. Chúng ta phải cùng một lượt giáo hóa hai người này.
Về phần ý thức: Tập suy gẫm để biết rõ mình muốn gì, để tạo một ý lực. Tập đóng vai tuồng, thế nào để lột hết tinh thần vai tuồng một người có chí khí mình mơ ước.
Để kích thích chúng ta trong khi theo đuổi một mục đích nên dùng những cảm tình có ảnh hưởng mạnh trong tâm tính hơn là dùng lý trí. Thí dụ, dùng lý trí mà suy xét, chúng ta biết rõ tất cả lợi ích của việc tập thể dục, tuy thế, nó không đủ sức kích thích chúng ta thực hành. Đến khi thấy một người bạn được khỏe mạnh, thân hình nở nang rất đẹp nhờ tập thể dục, chúng ta cảm thấy mình bị thua thiệt, thế là chúng ta có đủ ý chí để lo tập thể dục hàng ngày.
Về phần vô thức: Dùng lối tự dẫn dụ để nhét những ý tưởng tốt vào phần vô thức, để tập nên những thói quen tốt. Đây là phần quan trọng nhất trong việc luyện chí.
Những phương tiện bên ngoài. Biết rằng con người bị hoàn cảnh chi phối rất nhiều, chúng ta sẽ cố tạo cho mình một hoàn cảnh thuận tiện giúp ý chí được phát triển: tránh xa những bè bạn xấu, tạo cho mình một đời sống mực thước, tuân theo một quy phạm khắc khe, xem sách bổ tinh thần.
Về cách luyện tập.
a) Bắt đầu đánh những trận nhỏ, khởi sự chống lại những thói xấu nhỏ nhen để lần hồi loại trừ những tật xấu đã bám chặt vào chúng ta.
b) Phải chia ra từng phần mà chinh phục. Đừng bao giờ quyết rèn tập đôi ba đức tính trong cùng một lúc. Muốn tập tính siêng năng làm việc thì phải lo rèn tập đức tính ấy cho đến khi đạt thành, rồi sẽ bắt đầu tập đức tính khác.
c) Luyện chí cũng như luyện thân thể, được kết quả nhiều hay ít là do công phu rèn luyện. Mỗi ngày phải có làm một “công việc ý chí” cũng như các bạn hướng đạo sinh mỗi ngày ráng làm một việc thiện.
d) Đừng bao giờ nản chí, thua trận này hãy bày trận khác. Để an ủi, chúng ta nên nhớ rằng: Ở đời, những bậc hiền nhân quân tử rất hiếm. Người có ý muốn học thành quân tử đã quý lắm rồi.