Vương Cao tự Quế Am là con nhà thế gia ở phủ Đại Danh (tỉnh Hà Bắc), đi chơi xuống miền nam, ghé thuyền vào bờ sông. Trong thuyền bên cạnh có cô gái ngồi thêu giày, xinh đẹp tuyệt trần. Vương nhìn chằm chằm hồi lâu mà nàng như vẫn không hay biết. Vương ngâm nga "Cô gái Lạc Dương nhà trước cửa"° cố ý để nàng nghe, cô gái như hiểu là vì mình, khẽ ngẩng đầu liếc qua rồi cúi xuống thêu như cũ. Vương tâm thần càng điên đảo, lấy một thoi vàng từ xa thảy tới trúng vạt áo cô gái, nàng cầm lên ném đi như không biết đó là vàng. Thoi vàng rơi lên bờ, Vương nhặt về rồi lại thảy một cái vòng vàng rơi xuống dưới chân cô gái, nàng vẫn tiếp tục thêu không nhìn tới. Không bao lâu người nhà thuyền trở về, Vương sợ ông ta nhìn thấy cái vòng cân vặn con gái, vô cùng nóng ruột, nhưng cô gái ung dung nhấc đôi hài giẫm lên che đi. Người nhà thuyền cởi dây thuận dòng chèo đi, Vương tâm tình chán nản ngồi ngẩn ra nghĩ vẩn vơ. Lúc ấy Vương vừa cưới vợ thì vợ chết nên hối hận vì không lập tức nghĩ tới việc nhờ người mai mối. Bèn hỏi thăm các thuyền chung quanh nhưng họ đều không biết họ tên cô gái, liền cho quay thuyền đuổi gấp theo, nhìn ngó mỏi mắt mà thuyền kia mất hút không biết đi về đâu. Vương bất đắc dĩ phải cho quay thuyền xuôi nam, việc xong trở ra bắc, dọc đường hỏi thăm hai bên bờ rất kỹ nhưng không hề có tin tức gì, về tới nhà rồi lúc ăn lúc ngủ đều tơ tưởng tới nàng. °Cô gái Lạc Dương nhà trước cửa: nguyên văn là “Lạc Dương nữ nhi đối môn cư” câu trong bài Lạc Dương nữ nhi hành của Vương Duy thời Đường. Qua năm sau Vương lại đi xuống phía nam, mua một chiếc thuyền ở hẳn trên đó, ngày ngày nhìn ngó những thuyền bè qua lại, thuộc cả cánh buồm bánh lái nhưng chiếc thuyền năm xưa vẫn bặt tăm. Được nửa năm hết tiền đành quay về, ra tưởng vào nhớ không buồn làm việc gì cả. Một đêm nằm mơ thấy tới một làng ven sông, đi qua mấy ngõ thấy một căn nhà cánh cổng bằng tre quay về hướng nam, phía trong có giậu trúc thưa, cho là vườn hóng mát liền lần vào. Thấy có một gốc dạ hợp đầy dây tơ hồng phủ kín, nghĩ thầm thật đúng với câu thơ "Mã anh trước cổng gốc đầy hoa”°. Đi thêm vài chặng, thấy giậu tường vi tươi tốt lại lần vào, thấy phía bắc có căn nhà ba gian, hai cánh cửa khép kín, phía nam có gian nhà nhỏ, lá chuối che khuất cửa sổ, thò đầu vào nhìn thấy ngay cửa có cái giá áo trên treo chiếc quần hoa, biết là phòng đàn bà con gái vội vàng lui ra. Nhưng bên trong đã biết, có một người chạy ra nhìn khách, môi son má phấn, chính là cô gái trong thuyền năm xưa. °Mã anh trước cổng gốc đầy hoa: nguyên văn là “Môn tiền nhất thụ mã anh hoa", câu trong bài Bàn Đường giang thượng thị nùng gia của Thủy Tiên Thần thời Thanh. Vương quá mừng rỡ bật kêu lên "Cũng còn có lúc gặp nhau sao?”, đang định bước tới ôm lấy thì cha nàng vừa về tới, giật mình tỉnh dậy mới biết là nằm mơ. Nhưng vẫn nhớ rõ ràng cảnh vật đã thấy, giữ kín sợ nói ra cho người khác biết thì hỏng mất giấc mộng đẹp. Hơn năm sau Vương lại tới Trấn Giang, phía nam quận có quan Thái bộc họ Từ vốn là thế giao mời Vương tới uống rượu. Vương phóng ngựa đi, lạc vào một thôn nhỏ, thấy đường sá cảnh vật quen quen như từng tới rồi, trong một cánh cổng cũng có một gốc mã anh sờ sờ, phát hoảng vứt roi xuống ngựa lần vào thì cảnh sắc chung quanh không khác gì trong giấc mơ năm trước. Lại đi vào nữa thì nhà cửa phòng ốc cũng giống hệt, biết giấc mơ đã nghiệm bèn không nghĩ ngợi gì nữa, đi thẳng vào gian nhà phía nam. Cô gái trong thuyền năm xưa quả đang ở đó, vừa nhìn thấy Vương từ xa đã giật mình đứng lên núp sau cánh cửa quát hỏi là đàn ông ở đâu? Vương rụt rè bước tới, vẫn còn ngờ là đang nằm mơ, cô gái nghe tiếng bước chân tới gần liền đóng sầm cửa lại. Vương nói “Nàng không nhớ người ném cái vòng sao?”, rồi kể lể nỗi khổ nhớ nhung, thuật lại cả giấc mơ. Cô gái bên trong cánh cửa hỏi vọng ra về gia thế, Vương nói rõ hết. Cô gái nói "Đã là dòng dõi nhà quan thì thiếu gì giai nhân, cần gì tới thiếp?” Vương đáp "Nếu không vì nàng thì ta đã cưới vợ lâu rồi". Cô gái nói “Nếu đúng như thế thì đủ biết lòng chàng rồi. Nông nỗi này thiếp không thể thưa với cha mẹ, nhưng thật ra cũng đã cãi lời mà chối từ mấy người tới dạm hỏi rồi. Cái vòng vàng vẫn còn đây, vẫn nghĩ nếu là người chung tình ắt sẽ tìm hỏi cho ra tin tức. Hiện nay cha mẹ qua thăm bên ngoại cũng sắp về, chàng cứ về nhờ mai mối tới hỏi, chắc chắn là được. Còn nếu muốn nên đôi lứa trái lễ thì tính sai rồi đấy". Vương thảng thốt quay ra, cô gái gọi với theo nói "Vương lang, thiếp tên Vân Nương, họ Mạnh, cha thiếp tự là Giang Ly". Vương ghi nhớ rồi đi. Xong tiệc ở nhà Thái bộc, Vương vội quay về xin gặp ông Giang Ly, ông đón vào mời ngồi bên giậu trúc. Vương kể gia thế, kế ngỏ ý rồi đưa ngay ra trăm lượng vàng nộp sính lễ. Ông nói "Con ta đã hứa gả rồi”. Vương nói "Ta đã hỏi đích xác là chưa nhận lời ai, sao ông cự tuyệt thẳng thừng như vậy?”. Ông đáp "Vừa nhận lời xong, thật không dám nói dối”. Vương bàng hoàng thẫn thờ chào về, không biết có đúng thế không, đêm ấy cứ trằn trọc, tiếc là không có ai làm mai mối cho. Trước đã định nhờ Thái bộc, nhưng sợ cưới con nhà thuyền bị ông cười, nay việc đã gấp không biết nhờ ai, sáng ra đành tới gặp Thái bộc thưa thật lại chuyện. Thái bộc nói “Ông ấy có họ hàng với ta, là cháu đích tôn của bà ngoại ta, sao không nói sớm?". Lúc ấy Vương mới kể rõ ẩn tình, Thái bộc ngờ vực nói "Giang Ly tuy nghèo nhưng không làm nghề chèo thuyền để sống, có lầm không đấy?”. Bèn sai con trai là Đại lang tới nhà ông Mạnh, ông Mạnh nói “Ta tuy nghèo nhưng không phải là kẻ bán con gái. Mới rồi công tử đem vàng tới tự làm mối, có lẽ cho rằng ta thấy lợi sẽ động lòng, nên ta không dám hứa gả. Nay đã có lệnh của tiên sinh, ắt không có chuyện sai quấy ngang trái, nhưng con bé bướng bỉnh nhà ta cậy được nuông chiều, từ chối nhiều nhà giàu sang rồi, phải bàn lại với nó để về sau nó khỏi oán là phải lấy chồng xa". Rồi đứng dậy vào nhà trong, giây lát trở ra chắp tay xin nhận lời, hẹn ngày cưới rồi chia tay. Đại lang về báo lại, Vương bèn sửa soạn đồ lễ rất hậu đưa tới nhà Mạnh nộp sính lễ, mượn nhà Thái bộc đón dâu làm lễ cưới. Được ba ngày Vương từ biệt nhạc gia về bắc, đêm ngủ trong thuyền hỏi Vân Nương rằng “Trước đây gặp nàng ở chỗ ấy, ta đã ngờ không phải là con nhà thuyền, hôm ấy nàng ngồi thuyền đi đâu?". Vân Nương đáp "Nhà chú thiếp ở bờ bắc sông, hôm ấy thiếp chỉ tình cờ mượn thuyền đi ngắm cảnh thôi. Nhà thiếp chỉ tạm đủ ăn nhưng không coi trọng loại tiền bạc đột nhiên mà có, thật đáng cười chàng hai mắt chỉ nhỏ bằng hạt đậu, mấy lần đem vàng ra mong làm người ta xiêu lòng. Khi vừa nghe tiếng ngâm thơ đã biết chàng là bậc văn sĩ phong nhã nhưng cũng còn ngờ là kẻ phóng đãng đi tìm loại đàn bà hư hỏng. Nếu để cho cha thấy cái vòng ấy thì chàng cứ gọi là chết không có đất chôn, lòng thiếp mến tài như thế tha thiết đấy chứ”. Vương cười nói “Nàng sâu sắc lắm, nhưng cũng mắc kế của ta rồi". Vân Nương hỏi là chuyện gì, Vương không đáp, nàng hỏi gặng mãi mới nói "Sắp tới nhà rồi, chuyện này không thể giấu được mãi nên nói thật với nàng ta đã có vợ ở nhà, là con gái Thượng thư họ Ngô”. Vân Nương không tin, Vương làm ra vẻ nghiêm trang như thật, nàng biến sắc im lặng hồi lâu rồi chợt vùng dậy lao ra ngoài. Vương lật đật đuổi theo ra thì nàng đã gieo mình xuống sông rồi. Vương la lớn, thuyền bè quanh đó náo động nhưng đêm tối mịt mùng, trên mặt sông chỉ còn toàn là bóng sao lung linh. Vương đau xót khóc lóc suốt đêm, thả thuyền theo ven sông trả tiền thật hậu thuê người tìm kiếm thi hài nhưng không thấy đâu, rầu rĩ về nhà, vừa đau thương vừa buồn tủi. Lại lo cha vợ tới thăm con gái thì không biết ăn nói ra sao, nhân có người anh rể làm quan ở Hà Nam bèn sai đánh xe tới chơi, hơn một năm mới về. Giữa đường gặp mưa, trú lại trong một nhà dân, thấy phòng xá sạch sẽ, có bà già đang chơi với một đứa nhỏ trong phòng. Đứa nhỏ thấy Vương vào lập tức giơ tay đòi bế, Vương lấy làm lạ nhưng thấy kháu khỉnh dễ thương bèn đặt nó lên đầu gối, bà già gọi mà nó không chịu rời ra. Lát sau tạnh mưa, Vương nhấc đứa nhỏ lên đưa cho bà già, bước ra chuẩn bị lên đường, đứa nhỏ khóc kêu "Cha đi mất rồi!". Bà già ngượng ngùng, quát mắng mà nó không chịu nín đành bế xốc đi chỗ khác. Vương đang ngồi chờ sửa soạn xe kiệu, chợt có một cô gái đẹp từ sau bình phong bế đứa nhỏ bước ra, chính là Vân Nương. Vương đang sửng sốt thì Vân Nương mắng “Gã bạc tình kia! Để lại một cục thịt này làm gì?". Lúc ấy Vương mới biết đó là con mình, trong lòng chua xót áy náy, chưa hỏi việc nàng vừa qua lưu lạc thế nào, cứ phân trần rằng trước đây chỉ là nói đùa, thề độc để bày tỏ, Vân Nương mới đổi tức giận thành buồn thương, nhìn nhau rơi nước mắt. Trước là ông Mạc chủ nhà này sáu mươi tuổi mà không có con trai, đưa vợ tới chùa Quan âm cầu tự trở về, trên đường ghé vào bờ sông, vừa gặp lúc Vân Nương bị sóng cuốn chạm vào thuyền. Ông Mạc sai người vớt lên cứu chữa suốt đêm mới tỉnh lại. Hai ông bà thấy nàng xinh đẹp mừng lắm, coi như con ruột, đưa luôn về nhà. Được vài tháng định gả chồng cho nhưng nàng không chịu, qua mười tháng nàng sinh được một con trai đặt tên là Ký Sinh, lúc Vương vào nhà ấy trú mưa thì Ký Sinh mới được đầy năm. Vương lập tức cởi hành lý vào lạy ông bà Mạc, nhận nhau làm cha mẹ vợ và con rể. Ở lại vài ngày Vương mới đưa cả gia đình về, tới nhà thì ông Mạnh tới đợi đã hai tháng. Khi ông mới tới, thấy bọn tôi tớ trong nhà ấp úng sợ sệt rất lạ lùng ngờ vực, gặp con rồi mới vui vẻ khoan khoái, đến khi nghe kể lại mọi việc mới biết sở dĩ họ có vẻ khác lạ là vì như thế. Phụ: Ký Sinh (Ký Sinh - Phụ) Ký sinh tự Vương Tôn là danh sĩ trong quận. Cha mẹ thấy lúc còn nằm tã mà biết nhận ra cha, cho rằng có trí tuệ trời cho nên rất yêu thương. Lớn lên càng tuấn tú, tám chín tuổi đã biết làm văn, mười bơn tuổi được vào học trường huyện, thường có ý tự mình chọn vợ. Cha là Quế Am có em gái tên Nhị Nương, gả cho Tú tài Trịnh Tử Kiều sinh được một gái là Khuê Tú, thông minh xinh đẹp không ai sánh kịp. Vương Tôn trông thấy thầm yêu, ngày càng thiết tha nhung nhớ, lâu ngày bỏ cả ăn uống, cha mẹ lo lắng gạn hỏi mãi mới chịu nói thật. Cha nhờ người mai mối qua gặp Trịnh, nhưng Trịnh tính mực thước khuôn phép, ngại là con cô con cậu ruột nên từ chối°. Nhưng Vương Tôn bệnh càng nặng thêm, mẹ không biết làm sao bèn ngầm ngỏ ý với Nhị Nương, chỉ xin cho Khuê Tú tới thăm một lần để con đỡ bệnh, Tnnh nghe thế càng tức giận, nói ra những lời không hay, cha mẹ đã tuyệt vọng nên chỉ đành chịu trận mà thôi. °Ngại là... từ chối: tục Trung Hoa ngày xưa con cô con cậu có thể được cưới nhau vì khác họ, nhưng thường là đã qua một đời (con cô con cậu họ). Trong quận có họ Trương là nhà vọng tộc, có năm con gái đều xinh đẹp, nàng nhỏ nhất tiểu đanh là Ngũ Khả đẹp nhất còn chưa gả chồng. Một hôm nàng đi tảo mộ giữa đường gặp Vương Tôn, ngồi trong kiệu nhìn ra, về kể cho mẹ. Mẹ dò biết ý tìm gặp bà mối họ Vu úp mở nói chuyện, bà mối bèn tới nhà Vương. Lúc ấy Vương Tôn đang bệnh, bà ta hỏi han biết chuyện bèn cười nói "Bệnh ấy thì già này chữa được". Vân Nương hỏi sao nói thế, bà ta kể ý họ Trương, lại tán tụng Ngũ Khả xinh đẹp. Vân Nương mừng rỡ, bảo bà ta qua thăm Vương Tôn. Bà ta vào vỗ về Vương Tôn kể lại, Vương Tôn lắc đầu nói “Thầy thuốc ấy không hợp với chứng bệnh này, làm sao được". Bà ta cười nói "Chỉ cần hỏi thầy thuốc giỏi hay không thôi, nếu là thầy giỏi thì dùng phương hòa hoãn cũng được, chứ cứ nhất định mời cho được thầy nào đó rồi thà chết để đợi thì há không phải là ngây sao?”. Vương Tôn thở dài nói “Nhưng thầy thuốc trên đời không ai kê được phương hòa hoãn cho ta đâu”. Bà ta nói "Sao mà kiến văn hẹp hòi thế”, rồi thì mắt mũi tóc da, thần thái dáng điệu của Ngữ Khả đều khoa tay múa chân tả lại. Vương Tôn lại lắc đầu nói "Thôi bà đừng nói nữa, người ấy thì ta không mong ước tới", rồi quay mặt vào vách không nghe nữa, bà ta thấy không lay chuyển được bèn bỏ về. Một hôm Vương Tôn đang nằm thiêm thiếp chợt một tỳ nữ bước vào nói "Người công tử mơ ước tới đây này?", mừng quá nhảy chồm dậy, vội vàng bước ra khỏi phòng thì giai nhân đã vào tới trong sân nhưng nhìn kỹ lại thì không phải Khuê Tú. Thấy nàng mặc áo khoác màu vàng, quần thêu gấp nếp nhỏ, hé lộ hai mũi giày cong vút chẳng khác gì thần tiên. Vái chào hỏi tên họ, nàng đáp "Thiếp là Ngũ Khả. Chàng có tình sâu nặng mà chỉ hướng về một mình Khuê Tú khiến người khác bất bình". Vương Tôn tạ lỗi, nói “Bình sinh chưa thấy dung nhan nên trong mắt chỉ có một mình Khuê Tú, nay đã biết lỗi rồi”, rồi định cùng nhau thề thốt, vừa nắm tay đắm đuối thì mẹ vào vỗ về, sực tỉnh, thì ra là nằm mơ. Nhớ lại nét mặt tiếng cười vẫn như rành rành trước mắt, thầm nghĩ nếu quả Ngũ Khả đúng như trong giấc mộng thì cần gì phải mong ước người khó gặp gỡ kia nữa. Nhân đó kể lại giấc mơ cho mẹ nghe, mẹ mừng thấy con đã hơi bỏ ý cũ vội định nhờ người làm mối. Vương Tôn sợ là nằm mơ thấy đẹp khác hơn người thật, bèn nhờ bà già láng giềng vốn quen họ Trương tìm cớ tới nhà, dặn ngầm nhìn mặt Ngũ Khả. Bà già tới thì Ngũ Khả đang ốm, tựa gối chống cằm, dáng vẻ yêu kiều không ai sánh kịp. Bà già tới gần hỏi thăm đau ốm thế nào, nàng chỉ im lặng mân mê thắt lưng không nói một tiếng, người mẹ đáp thay "Có bệnh gì đâu, suốt sáng giận hờn cha mẹ đấy". Bà già hỏi duyên cớ, người mẹ đáp "Ai tới dạm hỏi cũng không ưng, cứ đòi phải được như Ký Sinh nhà họ Vương mới chịu lấy, mẹ thấy nóng ruột khuyên nhủ thì hờn dỗi bỏ cơm mấy hôm nay". Bà già cười nói "Cô nương đây mà lấy Vương lang thì đúng là người ngọc thành đôi, mà nếu Vương lang không gặp được Ngũ nương e cũng sẽ khô héo mà chết. Ta về rồi sẽ nhờ người mai mối tới ngay, có được không?". Ngũ Khả ngắt lời nói "Bà đừng làm thế, sợ không thành thì ta càng bị chê cười thêm". Bà già hăng hái tự nhận quyết sẽ làm cho việc phải thành, Ngũ Khả mới mỉm cười. Bà già về tả lại, nhất nhất đều như bà mối đã nói. Vương Tôn hỏi kỹ về y phục thì đều ăn khớp với giấc mơ, cả mừng, tâm tình thư thái dần nhưng rốt lại vẫn chưa dám tin chắc vào lời người khác nói. Vài hôm sau đỡ bệnh, ngầm gọi bà mối họ Vu tới bảo tìm cách cho mình được nhìn thấy Ngũ Khả một lần, bà ta thấy khó nhưng cũng vâng dạ rồi về. Lâu không thấy tới, đang định đi tìm thì bà ta chợt hớn hở tới nói “Có cơ hội rồi đây. Vài hôm nay Ngũ Khả khó ở, ngày nào cũng sai đám tớ gái dìu ra sân đi dạo, công tử cứ tới núp chờ. Ngũ nương đi rất chậm, có thể nhìn kỹ được". Vương Tôn mừng rỡ theo lời, sáng hôm sau sai thắng ngựa đi sớm, tới nơi thì bà mối đã đứng chờ sẵn, bảo buộc ngựa vào gốc cây trong thôn rồi dẫn vào một nhà gần đường, thu xếp chỗ cho ngồi rình xong, đóng cửa bỏ đi. Giây lát quả nhiên Ngũ Khả dựa tỳ nữ bước ra, Vương Tôn từ trong khe cửa nhìn chằm chằm, cô gái đi ngang qua cửa, bà mối lại cố ý chỉ cho xem cảnh vật này nọ để giữ chân nàng. Vương Tôn nhìn lén thấy rõ cả, mường tượng như lại đang nằm mơ, mừng quá run lên không kìm được. Lát sau bà mối tới hỏi “Thấy Khuê Tú được chứ?”, Vương Tôn cảm tạ rồi về. Lúc ấy mới thưa với cha mẹ, nhờ mai mối qua dạm hỏi, nhưng qua tới thì Ngũ Khả đã hứa gả cho người khác rồi. Vương Tôn thất ý, rầu rĩ muốn chết, lập tức trở bệnh lại. Cha mẹ lo quá, trách con nông nổi. Vương Tôn không đáp, mỗi ngày chỉ hớp một ngụm cháo, được vài tháng chỉ còn da bọc xương, so với trước kia càng nặng hơn. Bà mối chợt tới, kinh ngạc hỏi "Sao yếu đến thế?”. Vương Tôn sa lệ kể lại sự tình. Bà mai cười nói “Công tử đúng là ngây, hôm trước người ta theo thì nhất định chối từ, hôm nay muốn mong cầu người ta là được toại nguyện ngay sao? Nhưng cũng còn có thể cố sức làm được, chỉ cần bàn tính với già này sớm, thì cho dù đã hứa gả cho hoàng tử con vua ta cũng giành lại được mà!". Vương Tôn cả mừng hỏi cách, bà ta bảo viết thư sai người đưa đi, hẹn hôm sau sẽ tới chờ ở nhà họ Trương. Quế Am sợ đường đột sẽ bị cự tuyệt, bà ta nói "Hôm trước ông Trương đã nói ưng thuận rồi, vì dằng dai mấy hôm nên ông ta đổi ý, nhưng tuy hứa gả cho nhà khác vẫn chưa có thư làm bằng. Lời ngạn có câu Nấu trước được ăn sớm, còn ngần ngại gì nữa", Quế Am bèn nghe theo. Hôm sau sai hai người gia nhân đưa thư qua không thấy nói gì khác, được thưởng hậu trở về. Vương Tôn mừng, lập tức khỏi bệnh, từ đó hết nhớ nhung Khuê Tú. Trước kia Trịnh Tử Kiều từ chối sính lễ, Khuê Tú đã bực tức, đến khi nghe việc cưới gả với họ Trương đã thành, lòng càng uất ức, thẫn thờ như bị bệnh, càng ngày càng võ vàng, cha mẹ hỏi thì không dám nói. Đứa tỳ nữ biết ý lén nói với bà mẹ, Trịnh biết chuyện tức giận, không mời thầy thuốc, định bỏ cho chết. Nhị Nương bực tức nói “Cháu trai ta cũng không có gì xấu, sao cứ khư khư giữ thói hủ nho mà giết chết con gái cưng của mình?". Trịnh giận dữ nói "Con gái của bà chết sớm càng tốt, khỏi bị chê cười", từ đó vợ chồng bất hòa. Nhị Nương cố nói với con gái rằng thế nào cũng gả nàng cho Vương Tôn, coi như vợ lẽ cũng được. Cô gái cúi đầu không đáp, như rất bằng lòng. Nhị Nương bàn với Trịnh, Trịnh nghe càng nổi nóng, mặc kệ cho Nhị Nương lo coi con gái như chết rồi, không cần biết tới nữa. Nhị Nương rất thương con, nhất định làm như đã nói, cô gái vui mừng mới dần dần khỏi bệnh. Bèn ngầm hỏi dò ngày Vương Tôn đón dâu, tới hôm ấy lấy cớ sắp đám cưới cháu trai, giả về thăm nhà. Trời chưa sáng đã sai người qua nhà anh mượn xe kiệu, Quế Am rất yêu quý em gái, lại vì hai nhà cũng gần nên sai lấy xe ngựa chuẩn bị để rước dâu đi đón Nhị Nương trước. Xe kiệu tới nơi, Nhị Nương trang điểm cho con gái rồi bảo lên xe, sai hai người tớ trai và hai bà già đưa đi, tới nơi thì trải thảm lông từ cổng mà vào. Lúc ấy đàn sáo đã tề tựu đông đủ, người tớ trai cao giọng sai cử nhạc, mọi người huyên náo cả lên một lượt. Vương Tôn nhào ra xem thì cô gái đã lấy khăn hồng che kín mặt, khiếp sợ toan bỏ chạy thì hai người tớ trai nhà họ Trịnh xốc nách đỡ ra bảo làm lễ giao bái. Vương Tôn chẳng hiểu vì sao nhưng cũng lập tức vái lạy, kế hai bà già dìu cô gái đi thẳng vào phòng tân hôn, lúc ấy mới biết đó là Khuê Tú. Cả nhà phát hoảng không biết làm sao, trời đã xế chiều, Vương Tôn không dám làm lễ rước dâu nữa. Quế Am sai đầy tớ qua kể sự tình với Trương, Trương nổi giận muốn tuyệt hôn luôn, Ngũ Khả không chịu, nói "Người kia tuy tới trước nhưng chưa có mai mối sính lễ, chi bằng cứ nhắn bên kia qua rước dâu” Cha cho là đúng, nói với người đầy tớ, người ấy về thưa lại nhưng Quế Am vẫn không dám theo lời, nhăn nhó nhìn nhau không biết nên mừng hay nên giận. Trương chờ đợi hồi lâu biết họ Vương không rước dâu, bèn cũng đem xe kiệu đưa Ngũ Khả tới. Vì vậy phải bày một phòng tân hôn khác, mà Vương Tôn ở giữa muốn chu toàn cứ qua lại cả hai nơi không biết ngủ đâu. Mẹ bèn đứng giữa điều đình, sai lấy tuổi lớn nhỏ mà sắp vai vế, hai nàng đều vâng lời. Đến khi Ngũ Khả nghe Khuê Tú hơi lớn hơn, phải gọi bằng chị thì tỏ vẻ khó chịu, mẹ rất lo lắng. Ba hôm sau cùng tới phòng mẹ, thấy Khuê Tú dung mạo đẹp đẽ, thái độ đường hoàng lấy làm kính trọng, từ đó vai vế mới định. Tuy nhiên cha mẹ vẫn lo lâu ngày sẽ không hòa thuận được với nhau, nhưng hai nàng không hề có điều tiếng gì, áo quần giày dép cũng dùng chung, yêu mến nhau như chị em ruột vậy. Vương Tôn bấy giờ mới hỏi Ngũ Khả vì sao từ khước mai mối, nàng cười đáp "Chẳng vì sao cả, chỉ là để trả thù chàng cự tuyệt bà Vu thôi. Lúc chưa gặp thiếp, thì trong lòng chỉ biết có Khuê Tú, lúc thấy rồi thiếp cũng làm khó một chút xem ý chàng đối với thiếp và Khuê Tú hơn kém nhau thế nào. Nếu chàng bệnh vì người ta mà chẳng bệnh vì thiếp thì cũng không nên ép uổng phải sum họp”. Vương Tôn cười nói "Trả thù như thế cũng thảm độc đấy. Nhưng nếu không có bà Vu thì làm sao ta được thấy mặt hoa một lần". Ngũ Khả nói "Đó là tự thiếp muốn cho chàng thấy, chứ bà ta làm sao tính được. Lúc đi ngang căn nhà ấy thiếp há lại không biết người đang ở trong nhìn ra chằm chằm là ai sao? Từng hẹn nhau trong mộng rồi, thì còn gì mà chưa tin nữa chứ?". Vương Tôn kinh ngạc hỏi sao biết, nàng đáp "Lúc bệnh nằm mơ thấy tới nhà chàng, vẫn nghĩ là mộng mị quàng xiên, sau nghe nói chàng cũng nằm mơ, thiếp mới biết hồn phách có thể làm được như vậy, Vương Tôn lấy làm lạ, nàng bèn kể lại giấc mơ, ngày giờ đều đúng cả. Mối lương duyên của hai cha con đều nhờ chiêm bao mà thành, cũng là chuyện tình kỳ lạ nên chép lại cả hai. Dị Sử thị nói: Cha ngây vì tình, còn con thì mấy lần suýt chết vì tình, chữ “Nặng tình" có lẽ là chỉ Vương Tôn chăng? Không có người cha khéo nằm mơ như thế thì làm sao sinh được đứa con xuất hồn trong giấc mơ.