Mỗ Ất ở phía tây huyện ta vốn là kẻ trộm. Người vợ rất lo sợ, nhiều lần khuyên thôi đi, ất bèn bỏ nghề. Được hai ba năm, nghèo túng không sao sống nổi, định bụng giở nghề cũ ra làm một lần chót. Bèn nói thác là đi buôn, tới gặp một người thầy bói giỏi, hỏi đi về hướng nào thì tốt. Người thầy bói nói “Hướng đông nam tốt, nhưng có lợi cho kẻ tiểu nhân, bất lợi cho người quân tử” ất thấy quẻ bói hợp với mình, trong bụng mừng thầm, bèn đi về phía nam. Tới huyện Tùng Giang vùng Tô Châu, hàng ngày đi dạo qua các thôn xóm, suốt cả mấy tháng. Một hôm ngẫu nhiên vào một ngôi chùa, thấy ở góc tường có hai ba hòn đá chất lên nhau, lấy làm lạ cũng nhặt một hòn vứt vào đó rồi ra sau tháp nằm ngủ. Đến chiều thì nghe trong chùa có tiếng nói ồn ào, như có hơn chục người. Một người ra đếm đống đá, thấy thừa một hòn thì ngạc nhiên, cả bọn đổ đi tìm, thấy Ất sau tháp bèn hỏi “Ngươi ném hòn đá vào phải không?”. Ất dạ. Bọn kia hỏi tới tên họ quê quán, Ất bịa đặt trả lời, cả bọn bèn nhận Ất làm đồng đảng, dắt đi theo. Tới một ngôi nhà lớn, bọn họ bắc thang lên tường tranh nhau trèo vào, riêng Ất vì từ xa tới không thông thuộc đường sá nên được nằm lại ở bên ngoài nhận đồ vật từ trong chuyền ra. Giây lát, có một cái bao ném ra, lát sau, lại một cái hòm được ném ra. Ất bưng cái hòm thấy bên trong có đồ vật, bèn phá ra đưa tay vào mò mẫm, thấy toàn là vật nặng đắt tiền, bèn dồn cả vào một cái bao, vác lên trốn đi luôn, ngày đêm theo đường về nhà. Nhờ đó xây dựng nhà cửa, mua ruộng tốt, nộp thóc mua phẩm hàm cho con, được quan huyện cấp cho biển “Thiện sĩ” treo ở trước cổng. Về sau vụ án ấy bị phát giác, bọn cướp kia đều bị bắt, duy có Ất không ai rõ tên họ quê quán nên quan không điều tra được, vẫn được yên ổn. Việc đã yên rất lâu, một hôm ất say rượu kể ra người ta mới biết. Huyện Tào (tỉnh Sơn Đông) có tên tướng cướp là Mỗ vớ được chuyến hàng lớn, về làng tiêu phủ phê. Một hôm có hai ba tên cướp ranh trèo tường vào nhà bắt Mỗ đưa vàng bạc ra. Mỗ không chịu, chúng lấy dùi sắt nung đỏ dí vào người, rồi vơ vét sạch của cải trong nhà mang đi. Mỗ nói với người ta rằng "Ta không biết bị đốt da thịt khổ đến như thế". Mỗ căm hờn bọn cướp, tình nguyện gia nhập đội lính đi tróc nã, bắt được bọn cướp nào trong huyện cũng giết hết, khi bắt được bọn đã cướp nhà mình, cũng lấy dùi sắt nung đỏ đốt da thịt chúng. Huyện ta có tên Ất nhà nghèo túng. Cuối năm trong nhà hết gạo, trên người không có được tấm áo nào lành lặn, tự nghĩ không biết lấy gì mà sống. Bèn giấu vợ, lén vác gậy ra rình trong khu mộ ngoài đồng, chờ có kẻ nào đi ngang một mình thì ra cướp. Rình rập rất lâu, nhìn xa xa chẳng thấy bóng một ai, mà gió lạnh thấu xương, chịu không nổi đã toan bỏ về. Chờ thấy một người ì ạch đi tới, mừng thầm đợi lúc tới gần bèn nhảy xổ ra. Thì ra là một ông già đeo cái túi, đứng lại bên đường năn nỉ với Ất rằng "Trên người không có vật gì đáng tiền, nhà hết gạo vừa qua vay con rể được năm đấu gạo này mà thôi". Ất cướp túi gạo, lại muốn lột cả cái áo bông, ông già khóc lóc lạy lục, Ất thương đã già bèn cho đi, vác gạo về nhà. Vợ hỏi gạo từ đâu ra, ất nói dối là đánh bạc thắng được, nghĩ thầm cách này quá hay. Hôm sau lại ra đi, chờ không bao lâu thấy một người vác gậy tới, cũng núp vào trong khu mộ, ngồi chồm hổm nhìn nhìn ngó ngó. Ất bèn sau mộ đi vòng ra, người ấy giật mình hỏi là ai, đáp là kẻ đi đường. Lại hỏi sao không đi tiếp, Ất đáp "Chờ anh đấy thôi". Người kia cười ngất, hai bên hiểu ý nhau rồi cùng than thở chuyện đói rét. Đến khuya chẳng cướp được gì, Ất muốn về, người kia nói "Anh tuy làm nghề này, nhưng còn ngây thơ lắm. Thôn trước có người gả con gái, bày biện đến khuya, cả nhà chắc đều mỏi mệt. Anh đi với ta, được bao nhiêu thì chia đôi". Ất mừng bèn đi theo. Tới một ngôi nhà nọ, nghe sau vách có tiếng dọn dẹp bát đĩa, biết là người nhà còn thức, cùng nằm xuống chờ. Không bao lâu có người mở cửa ra múc nước, hai người nhân đó lẻn vào, thấy phòng phía bắc còn đèn sáng, các phòng khác đều tối om. Chợt nghe một bà nói "Đại thư à, về phòng phía đông xem lại xem, nữ trang của con cất cả trong rương, có khóa hay quên rồi?". Hai người nghe tiếng cô gái mệt mỏi ậm ừ, mừng thầm lẻn qua phòng phía đông. Mò mẫm trong bóng tối, thấy có cái rương dài, mở náp lên sờ soạng nhưng đáy rương sâu quá không với tới. Người kia bảo Ất "Vào đi", ất nhảy vào vớ được một cái bọc chuyền ra. Người kia hỏi hết chưa, đáp "Hết rồi". Lại nói "Tìm nữa xem", rồi đóng nắp rương cài khóa lại bỏ đi. Ất bị nhốt ở trong, không ra được. Không bao lâu có ánh đèn lửa tiến vào phòng, soi tới cái rương, rồi nghe tiếng bà già nói ai khóa lại thế nhỉ. Kế đó hai mẹ con tắt đèn đi ngủ, Ất bí quá giả làm tiếng chuột gặm sột soạt, cô gái nói "Trong rương có chuột". Bà già nói "Coi chừng nó cắn nát áo con đấy, mẹ mệt lắm rồi, con dậy xem đi”. Cô gái mặc áo trở dậy mở khóa giở nắp rương lên, Ất bất ngờ nhảy ra, cô gái hoảng sợ ngã lăn xuống đất, Ất tuông cửa chạy bạt mạng, tuy không lấy được gì song còn may không bị bắt. Việc nhà người gả con gái bị trộm đồn đãi khắp nơi, có người nghi là Ất. Ất sợ, trốn về phía đông hơn trăm dặm làm đầy tớ cho ngườí ta, hơn một năm lời đồn đãi đã ngớt mới lại về ở với vợ, không dám làm nghề trộm cướp nữa. Đây là theo chính lời y kể lại, vì giống với truyện họ Thân° nên chép phụ vào đây. °Truyện họ Thân: tức truyện Thân thị, quyển IV. 414. Con Hồ Xấu Xí (Xú Hồ) Mục sinh là người Trường Sa (tỉnh thành Hồ Nam). Nhà rất nghèo, mùa đông không có áo bông mà mặc. Một đêm đang ngồi buồn bã, thấy có cô gái bước vào, quần áo rực rỡ sang trọng nhưng diện mạo đen đúa xấu xí, cười nói "Không lạnh à?". Sinh sợ hỏi, đáp "Ta là hồ tiên, thương chàng tịch mịch buồn bã nên tới ngủ cùng để chia ấm lạnh". Sinh sợ là hồ, lại ghét vì xấu, la lớn. Cô gái lấy tiền ra đặt lên bàn nói "Nếu chịu thương nhau, xin tặng cái này", sinh mừng rỡ nghe theo. Gần sáng, cô gái dậy nói "Mau đem tiền ta tặng mua chăn màn để cùng ngủ, còn lại cũng đủ mua cái ăn cái mặc, nếu thương nhau mãi thì đừng lo nghèo", rồi đi. Sinh đem chuyện kể lại cho vợ, vợ cũng mừng rỡ, lập tức đi mua vải vóc về may chăn đệm. Tối đến cô gái tới, thấy chăn màn gối nệm đều mới, vui vẻ nói “Nương tử nhà chàng khó nhọc quá!", bèn đem vàng tặng vợ sinh. Từ đó đêm nào cũng tới, lần nào ra về cũng để lại tiền bạc. Hơn một năm, nhà cửa phòng ốc của sinh đều được sửa sang, người nhà trong ngoài đều mặc lụa là gấm vóc, nghiễm nhiên thành giàu có. Cô gái dần dần đưa tiền ít đi, sinh do đó chán ghét, bèn rước thầy pháp về, vẽ bùa dán ở cửa. Cô gái tới, xé nát lá bùa, vào nhà chỉ mặt sinh nói "Vong ơn phụ nghĩa như chàng là hết mức, nhưng thứ bùa phép ấy thì làm gì được ta? Nếu đã không thích nữa, thì ta tự đi thôi. Có điều tình nghĩa đã tuyệt, nhận cái gì của ta thì phải trả lại đủ số", rồi đột nhiên biến mất. Sinh sợ, đem chuyện kể lại cho thầy pháp, thầy pháp bèn lập đàn trấn yểm. Còn đang bày biện chưa xong chợt ngã lăn xuống đất, máu chảy đầy mặt, nhìn lại thì đã bị cắt mất một tai. Mọi người hoảng sợ chạy tán loạn, thầy pháp cũng ôm tai lủi trốn. Trong nhà chợt có những tảng đá bằng cái chậu ném ầm ầm, cửa nẻo bát đĩa gãy vỡ tan nát cả. Sinh chui vào gầm giường trốn, không dám thở mạnh. Giây lát thấy cô gái bước vào, ôm một con vật đầu mèo đuôi chó, đặt xuống trước giường, suỵt suỵt nói "Hì hì, cắn vào chân thằng gian đi". Con vật lập tức há miệng, răng nhọn như đao, sinh cả sợ định co người ẩn núp, thì chân tay đã không cựa quậy được nữa. Con vật cắn vào ngón chân sinh nhai nhai, nghe tiếng xương gãy răng rắc. Sinh đau quá van lạy, cô gái nói "Đem hết vàng bạc châu báu ra đây, không được giấu diếm". Sinh vâng dạ, cô gái nói "À à", con vật mới thôi không cắn nữa. Sinh không dậy được, chỉ nói ra nơi cất tiền bạc. Cô gái tự đi lấy, ngoài áo quần và vật trang sức chỉ có hơn hai trăm đồng vàng, thấy còn thiếu, lại nói "Hì hì". Con vật lại cắn, sinh rên rỉ thảm thiết xin tha. Cô gái hẹn sau mười ngày phải trả sáu trăm đồng vàng, sinh vâng dạ, cô gái bèn ôm con vật đi. Hồi lâu người nhà dần dần tụ họp lại, đỡ sinh ra khỏi gầm giường, thì máu ở chân chảy ròng ròng, hai ngón chân dập nát. Nhìn tới trong phòng thì tiền bạc của cải mất sạch, chỉ còn những món đồ rách ngày trước mà thôi, bèn lấy đắp cho sinh nằm. Sinh sợ mười ngày nữa cô gái lại tới, bèn bán đầy tớ cầm ruộng đất lấy đủ số tiền. Đến hẹn quả nhiên cô gái tới, sinh vội đưa tiền ra, cô gái cầm lấy im lặng bỏ đi, từ đó không gặp nữa. Sinh bị thương ở chân, chữa chạy nửa năm mới khỏi, mà nhà lại nghèo khó như xưa. Hồ tới ở với họ Vu ở thôn bên cạnh. Vu làm ruộng, nhà không đủ ăn, nhưng sau ba năm trở nên giàu có, nạp thóc mua phẩm hàm, nhà cửa treo rèm, quần áo đẹp đẽ, quá nửa là đồ vật trong nhà sinh trước, sinh nhìn thấy song cũng không dám hỏi. Có lần ngẫu nhiên đi ngoài đồng gặp cô gái, sinh quỳ xuống ven đường, cô gái không nói câu nào, nhưng lấy mấy đồng vàng gói trong khăn ném cho rồi quay người bỏ đi. Về sau họ Vu chết sớm, lúc ấy cô gái còn tới nhà, vàng lụa trong nhà đều lấy đi hết. Con trai Vu chờ lúc cô gái tới, lạy nói "Cha đã chết, bọn con trẻ cũng như con, giả như không thương xót chu cấp thì thôi, lại nỡ bắt phải nghèo đói sao?". Cô gái bèn bỏ đi, sau đó không trở lại nữa.Dị Sử thị nói: Yêu tà tới nhà, nếu giết đi thì cũng là mạnh mẽ, nhưng lại chịu ơn nó, thì không thể phụ bạc ma quỷ được. Đã được giàu sang rồi lại giết người giúp mình giàu sang, thì kẻ hiền hào coi đó là điều sai trái. Nếu trong lòng vốn thật không thích, thì tiền bạc nào làm động tâm được. Nghĩ kẻ kia thấy vàng vui ra mặt, thì cũng chỉ vì lợi mà quên thân làm chuyện nhục nhã, chẳng đáng tiếc sao? Tham của quên thân, rốt lại bị hại. 415. Bói Tiền (Tiền Bốc Vu) Hạ Thương người huyện Hà Gian (tỉnh Hà Bắc). Cha là Đông Lăng, giàu có xa xỉ, mỗi khi ăn bánh bao thì xé bỏ vỏ bột, vứt bừa đầy đất, người ta thấy thân hình to béo nên gọi là "Thái úy bỏ vỏ”. Về già thì nghèo mạt, ngày không đủ hai bữa cơm, hai cánh tay tóp lại, da chảy xệ xuống lùng nhùng như cái túi, người ta lại gọi là “Nhà sư khuyến hóa", ý nói là như khoác cái túi vậy. Lúc sắp chết dặn Thương rằng "Ta lúc trước phung phí của trời, làm trời nổi giận nên tới nỗi đói rét mà chết. Con nên tiếc phúc mà cố gắng, chuộc tội cho cha. Thương tuân theo lời trối trăn, thành thực chất phác không hai, cày ruộng nuôi thân, người làng đều yêu mến nể vì. Có phú ông Mỗ thương Thương nghèo bèn cho mượn tlền làm vốn bảo đi buôn. Thương thua lỗ mất sạch vốn, thẹn không thể đền được, xin làm đầy tớ để trả, phú ông không chịu. Thương áy náy, bán hết điền sản đem tiền trả. Phú ông hỏi biết rõ chuyện càng thương hơn, ép phải về chuộc lại điền sản, lại giúp thêm rất nhiều tiền cho đi buôn tiếp. Thương chối từ nói “Mười mấy lượng vàng trước còn chưa đền được, chẳng lẽ lại còn mang nợ để kiếp sau làm lừa ngựa trả ơn ư?". Phú ông bèn gọi người khác cùng đi buôn với Thương, vài tháng trở về cũng có lãi chút ít, phú ông không lấy, bảo cứ lấy đó làm vốn buôn tiếp. Hơn một năm thì vốn liếng nhiều lên, mua hàng đầy xe trở về, qua sông bị đắm thuyền, hàng hóa mất hết. Về tính lại phần mình thì tạm đủ để đền, bèn nói với người bạn buôn rằng “Trời bắt ta nghèo, ai mà cứu được? Đây đều là ta làm lụy cho ông cả", rồi tính sổ giao hết hàng cho người ấy, tay không trở về. Phú ông lại ép đi buôn nữa, nhưng Thương không chịu, chỉ cày ruộng nuôi thân như cũ, thường than rằng “Người ta sinh ra ở đời đều được hưởng phúc vài năm, sao ta lại vất vả thế này?". Gặp lúc có người thầy bói ở nơi khác tới, chuyên bói bằng tiền, biết rõ số mạng người ta, Thương bèn kính cẩn tìm tới. Thầy bói là một bà già, nhà cửa phòng ốc sạch sẽ, giữa đặt bàn thờ thần, khói hương nghi ngút. Thương vào vái lạy, bà ta bèn đòi trả tiền công trước. Thương đưa ra một trăm đồng tiền, bà ta bỏ cả vào cái thùng gỗ, cầm lấy quỳ xuống trước bàn thờ thần lắc vang, dáng như cầu khấn. Kế đứng dậy dốc tiền vào tay, rồi bày theo thứ tự lên trên bàn. Lối bói này lấy đồng tiền ngửa là rủi, sấp là may, mà năm mươi tám đồng đầu tiên đều ngửa, từ đó trở đi đều là sấp. Bà ta bèn hỏi tuổi tác, Thương đáp là hai mươi tám. Bà ta lắc đầu nói “Còn sớm quá. Quan nhân hiện đang trong vận của ông cha chứ chưa qua vận của bản thân, phải đến năm mươi tám tuổi đến vận của bản thân, mới như ý được". Thương hỏi thế nào là vận của ông cha, bà ta đáp “Ông cha làm điều lành, phúc đức chưa hết thì con cháu được hưởng, ông cha có điều không hay, tai họa chưa hết thì con cháu phải gánh chịu. Thương bấm đốt tay nói "Ba mươi năm nữa thì ta đã già sắp xuống lỗ mất rồi". Bà ta nói "Trước năm năm mươi tám tuổi cũng có năm năm giao vận, làm ăn tạm được, không tới nỗi đói rét. Năm năm mươi tám tuổi sẽ có món tiền lớn tự tới, chẳng cần tìm kiếm. Quan nhân cả đời không làm điểu lầm lỗi, kiếp sau sẽ được hưởng thụ không hết”. Thương chào người thầy bói ra về, nửa tin nửa ngờ. Nhưng vẫn giữ phận nghèo, không dám mong cầu gì, về sau đến năm năm mươi ba tuổi thì nghiệm ra thấy đúng. Mùa xuân năm ấy vào đầu vụ lúa Thương bị bệnh không cày cấy gì được, đến khi hết bệnh thì trời đại hạn, lúa mạ cháy khô, gần vào thu mới mưa, nhà không còn gì ăn, có vài mẫu ruộng phải trồng bắp cả. Kế đó lại hạn hán, lúa thu chết một nửa, chỉ có bắp không bị gì, sau lại gặp mưa lớn, nên Thương thu hoạch được rất nhiều. Mùa xuân năm sau đói lớn, nhưng nhờ có bắp nên nhà đủ ăn, Thương vì thế tin lời người thầy bói, tới phú ông mượn tiền buôn bán nhì nhằng cũng được lời chút ít. Có người khuyên nên buôn lớn, Thương không chịu. Đến năm năm mươi bảy tuổi ngẫu nhiên cuốc đất ở chân tường trồng rau, đào được cái chảo sắt, kéo ra thì hơi trắng xông lên lóa mắt, Thương sợ không dám giở lên. Lát sau hơi trắng tan hết, thấy là một vò bạc đầy, vợ chồng cùng vần vào nhà, cân lên được một ngàn ba trăm hai mươi lăm lượng, bàn thầm với nhau rằng bà thầy bói nói cũng còn sai chút ít. Có người đàn bà láng giềng qua nhà Thương nhìn trộm thấy bạc, về nói với chồng, người chồng chị ta ghen ghét bèn đi báo quan. Quan huyện là người rất tham lam, bèn bắt Thương đòi lấy tiền. Vợ Thương muốn giấu bớt một nửa, Thương nói “Của cải bỗng dưng mà có, giữ lại chỉ chuốc họa", bèn nộp hết. Quan huyện ngờ là còn giấu diếm, lại đòi nộp cả cái vò đựng, đổ bạc vào trở lại thấy đầy bèn thả Thương về. Không bao lâu viên quan huyện được thăng làm Đồng Tri phủ Nam Xương (tỉnh Giang Tô), qua năm sau Thương đi buôn tới Nam Xương thì viên quan đã chết, vợ con sắp về quê, bán hết các vật cồng kềnh nặng nề. Trong đó có một thùng dầu rất lớn, Thương bèn mua chở về. Tới nhà thì cái thùng bị nứt, bèn rót dầu sang vò khác, thấy có hai nén bạc, thò tay vào thùng mò thử thì đều là bạc, xem lại đủ cả số bạc trước đó Thương đào được. Thương nhờ vậy giàu phất lên, rất hay giúp đỡ kẻ nghèo, không hề bỏn xẻn. Vợ khuyên nên dành dụm để lại cho con cháu, Thương nói "Giúp đỡ người ta như thế là dành dụm để lại cho con cháu đấy". Người láng giềng tố cáo Thương ngày trước sa sút, nghèo khó đến nỗi phải đi ăn xin, cũng muốn nhờ vả Thương nhưng xấu hổ không dám tới. Thương nghe được gọi qua nói “Chuyện ngày trước là số phận của ta phải thế, nên quỷ thần mượn tay anh để làm hại thôi, anh có lỗi gì đâu!", rồi chu cấp cho, người láng giềng cảm động òa khóc. Sau Thương thọ đến tám mươi tuổi, con cháu thừa kế, mấy đời không suy. Dị Sử thị nói: Xa xỉ quá đáng thì dẫu là bậc vương hầu cũng không nên, huống chi là kẻ thứ nhân ư? Kẻ kia lúc sống thì phung phí của trời, lúc chết thì không có miếng cơm trong miệng, thật đáng thương thay! May là lúc chết còn có lời nói hay, người con lại có thể sửa cái lỗi lầm của cha, nên suy bại bảy mươi năm rốt lại còn khá lên được. Nếu không thì cái oan nghiệt của cha làm lụy đến con, con lại làm lụy cháu, không đời đời đi ăn xin thì chưa thôi đâu. Bà thầy bói già kia là người gì mà nói ra được sự bí ẩn của đạo trời, than ôi lạ thay!