Nhân vật: - Anh bộ đội - Bà cụ - Vợ anh bộ đội (Lan) - Anh con trai (con bà cụ) - Chị con gái (con bà cụ) - Bé gái, cháu nội bà cụ. Đêm đã rất khuya. Đường phố vắng ngắt. Trời se lạnh. Một anh bộ đội khoác ba lô rảo bước. Anh vừa xuống tàu, một chuyến tàu trễ giờ. Qua một vườn hoa nhỏ, anh nhìn thấy một bà cụ ngồi co ro trên một chiếc ghế xi măng. Tự nhiên anh bước chậm lại. Anh bộ đội (nói một mình): Vào giờ này mà còn có người ngồi đây nhỉ! Bà cụ nom phúc hậu, nhưng sao vẻ mặt âm thầm thế? Hay bị ốm? (lại gần) Chào cụ. Cụ khó ở phải không ạ? Bà cụ (hơi ngửng lên, giọng yếu ớt): Cảm ơn anh, tôi chẳng làm sao cả. Anh bộ đội (ngạc nhiên): Ơ! Mẹ có phải là mẹ Thục không ạ? Bà cụ nín lặng, nhắm mắt lại... Anh bộ đội chần chừ rồi bỏ đi. Được mấy bước, anh dừng chân ngoái nhìn lại. Anh bộ đội (nghĩ ngợi): Chẳng lẽ mình nhớ sai. Nhưng sao... (Tần ngần quay mặt định đi tiếp) Chuyến tàu chết tiệt! Trễ có đến nửa ngày chứ chẳng không. Chẳng biết Lan có đi làm ca đêm không. (Lại ngoái nhìn) Bà cụ chắc gặp phải chuyện gì đó... (Quay lại, đến gần chiếc ghế) Cụ ơi! (Bà cụ mở mắt, ngước nhìn) Cách đây hai tháng, cụ, à mẹ có tham gia một đoàn đại biểu hậu phương lên thăm bộ đội biên giới phải không ạ? Bà cụ (giọng uể oải): Anh ở đâu ta? Anh bộ đội: Nhà con ở thành phố này. Con vừa ở biên giới về. Con nhớ là mẹ đòi được đứng ở một điểm cao để nhìn bọn bành trướng bên kia biên giới. Mẹ và hai chị ngồi vá quần áo cho chúng con. Mẹ ứa nước mắt thương chúng con vất vả. Chúng con thì lại thương mẹ tuổi già leo núi vất vả.(Bà cụ lại nhắm mắt nín lặng)Sao mẹ lại ngồi đây? Trời khuya lạnh thế này, mẹ cảm mất. Nhà mẹ gần đây không ạ? (Bà cụ khẽ lắc đầu) Mẹ ở phố nào ạ? (Bà cụ mở mắt thẫn thờ nhìn đâu đâu) Con đưa mẹ về nhé? Bà cụ (thở dài): Tôi chẳng biết về đâu nữa. Anh bộ đội: Sao ạ? Bà cụ (trầm ngâm một lát, rồi đổi tư thế ngồi, lời đắn đo): Tôi ở một thị trấn ngoại thành vào thăm con. Tối nay đi dạo một mình chẳng may bị lạc. Tôi ngồi đây chờ sáng rồi sẽ liệu. Anh bộ đội: Mẹ còn nhớ tên phố hoặc tên phường không? Bà cụ: Tôi cũng chẳng biết nữa. Anh bộ đội: Thế thì mời mẹ về nhà con nghỉ tạm. Ngồi đây không tiện đâu. Bà cụ: Giã ơn anh. Tôi ở đây cũng được. Chắc trời sắp sáng rồi. Anh bộ đội: Mới hơn hai giờ sáng thôi mẹ ạ. Gớm! Chuyến tàu chậm hơn rùa. Nhà chúng con chỉ có hai vợ chồng, mẹ đừng ngại. Bà cụ: Anh cứ về đi, kẻo chị ấy mong. Mặc tôi. Anh bộ đội: Mẹ đi với con. Để mẹ trong tình cảnh này con không yên tâm. Nào! Mẹ đứng lên. Sương ướt cả mặt ghế rồi. Con dìu mẹ nhé. Bà cụ (miễn cưỡng đứng dậy): Không cần. Tôi đi được. ° Anh bộ đội đứng trước cửa nhà mình cùng bà cụ. Anh bộ đội (tự nhủ): May quá! Cửa không khoá ngoài.(Anh gõ cửa. Trong nhà vẫn im ắng. Anh lại gõ nữa.)Lan ơi! Lan! (Một lát) Người vợ (hỏi dè dặt từ bên trong, giọng ngái ngủ): Ai đấy? Anh bộ đội: Anh đây. (Cửa mở rộng. ánh sáng ùa ra) Người vợ: Ơ! Anh về muộn thế? Chẳng báo trước cho em biết! Anh bộ đội: Anh nhớ em quá trốn về ít hôm, làm sao mà báo trước được. Tàu bè khỉ quá, chậm như là... Người vợ: Thật không? Anh bộ đội: Cái gì "thật không"? à! Thật quá đi chứ. Cho anh vào nhà nhanh nhanh lên! Hàng xóm biết, lại phải nói dối, phiền ra. Người vợ: Thế thì... Anh bộ đội: Thế thì không cho vào phải không? Đuổi anh cũng được, nhưng để cụ đây vào nhà đã. Mẹ ạ, đây là vợ con. Người vợ (nghĩ nhanh): Lại còn bà cụ nào nữa thế này? (với bà cụ) Chào cụ ạ. Cụ... Anh bộ đội: Mẹ đây ở ngoại thành vào thăm con, đi chơi bị lạc, anh mời về đây nghỉ tạm, mai hãy hay. Kìa! Sao em có vẻ bối rối thế? Vừa rồi anh nói đùa thôi. Anh được thưởng nghỉ phép đặc biệt ba ngày. Có cần anh trình giấy ngay bây giờ không? Được! (rút từ túi ngực ra một tờ giấy, đứng nghiêm chào) Báo cáo thủ trưởng vợ! Tôi, thượng sĩ chồng... Người vợ: Thôi! Thôi! Cụ cười cho bây giờ. Anh cứ hay thích trêu em. Biết vậy thì cứ để cho gọi cửa đến sáng. (Mọi người vào nhà) Anh bộ đội: Rõ! Xin chịu phạt sau. Bây giờ em kiếm cái gì mời cụ xơi tạm. Bà cụ: Tôi chẳng muốn ăn gì cả đâu. Anh chị cứ tự nhiên. Anh bộ đội (trỏ một cái cửa): Thẳng lối này có nhà vệ sinh mẹ ạ. (Mở cánh cửa, chỉ tay) Tít cuối sân. Để con bật đèn. (Bà cụ đi ra) Người vợ (nói nhỏ): Anh biết người ta thế nào mà dám đưa về nhà? Thời buổi này, biết ai ngay, ai gian? Anh bộ đội: Trông người thì biết chứ em. Vả lại anh quen... Người vợ (cắt lời chồng): Bà này chẳng ra dáng người nhà quê. Khéo mà mất cảnh giác. Anh bộ đội: Anh quen, hôm cụ cùng đoàn đại biểu thành phố đến uý lạo bộ đội. Người vợ (giận hờn): Nghỉ được ba hôm, mà đã chậm tàu mất hàng nửa ngày rồi, lại còn... Anh chẳng tâm lí gì cả. Anh bộ đội (làm cử chỉ âu yếm vợ): Thôi, anh xin. Anh đền đây này (ôm vợ). Người vợ: Suỵt! Bà ta vào đấy (né ra). (Bà cụ vào) Anh bộ đội: Mẹ chắc đói và mệt. Bà cụ: Anh đi xa về, chứ tôi thì... đừng lo cho tôi. Anh bộ đội: Con ăn trên tàu rồi. Thôi thì mời mẹ ăn tạm mấy cái kẹo này vậy. Em lấy hộ anh cái đĩa rồi lại đây cùng ăn với cụ cho vui. Quà của lính chỉ có vậy. Em này! Nhà có nước sôi không? Để anh pha chè mời cụ. Chè tuyết Hà Giang chính hiệu nhé. Bà cụ: Đừng! Anh chị đừng quá bận tâm về tôi. (người vợ, nãy giờ vẫn có chỗ khó xử) Người vợ: Đi lạnh, uống cốc trà đường nóng cho ấm bụng để phòng cảm cụ ạ. Anh đi lấy nước cho cụ rửa, khăn mặt và xà phòng kia. Để em pha chè cho. Anh bộ đội: Em cho ít nước sôi vào chậu đây. Đi mệt, rửa nước ấm dễ chịu lắm. Mời mẹ lại rửa mặt. Bà cụ: Phiền anh chị quá. (Miễn cưỡng đi rửa ráy). Anh bộ đội: Có gì đâu. Mẹ cứ coi đây như ở nhà. (Bà cụ rửa xong) Mời mẹ uống nước, ăn kẹo. Ta làm một cuộc liên hoan nhỏ. Nói thế cho oai, Lan có tán thành không? Bà cụ: Các cụ và các cháu đâu không thấy ở đây? Người vợ (đã xởi lởi hơn): Bố mẹ chúng con đều đã mất cả rồi cụ ạ. Mẹ con vừa mất năm ngoái. Chúng con cũng mới cưới nhau. Anh bộ đội: Con cứ đi biệt, bắt cô ấy đợi mấy năm liền. Cô ấy định phạt chờ đến khi nào con rụng răng rồi mới cho cưới đấy mẹ ạ. Người vợ: Anh thì vẫn cứ tếu như con nít ấy. Có giặc, chúng nó khinh cho. Mời cụ xơi kẹo, xơi nước để còn đi nghỉ kẻo mệt. ° Hôm sau. Trời chưa sáng hẳn. Bà cụ đã dậy, thu dọn màn chiếu xong, ngồi bó gối trong bóng tối mờ mờ. Vợ chồng chủ nhà vừa dậy, bà đã xin cáo từ. Bà cụ: Giã ơn anh chị đã cho nghỉ nhờ qua đêm. Bây giờ xin phép anh chị tôi đi. Anh bộ đội: Ấy! Mẹ hãy súc miệng, rửa mặt, ngồi chơi một lát. Chúng con nấu chút gì ăn sáng đã mẹ ạ. Bà cụ: Thôi, anh ạ. Anh chị ở lại nhé. Người vợ: Cụ nán lại một lát thôi. Cơm chỉ rau dưa, con nấu một nhoáng là xong. Anh bộ đội: Để rồi con đưa mẹ đi tìm, kẻo mẹ lại lạc nữa thì khốn. Bà cụ: Anh chẳng biết đâu mà đưa đi. Vả lại, anh chị còn có công việc của anh chị. Để tôi đi hú họa may ra... Anh bộ đội: Không được đâu mẹ ơi! Mẹ cứ nghỉ lại đây. Ăn xong, nhà con đi làm, con đi hỏi cho. Cùng lắm, con đến đài phát thanh và truyền hình thành phố nhờ nhắn tin. À, mẹ có nắm được nơi công tác của các anh, các chị con không? Con đến ngay chỗ ấy là tiện hơn cả. Này, Lan ạ! Đừng nấu cơm nữa, em ra mua ít xôi về ăn tạm. Cụ đang nóng ruột về với con cháu. Và chắc hẳn là các con cụ cũng đang đi tìm cuống lên đây. Suốt đêm qua cứ là mất ăn, mất ngủ. (Bà cụ bỗng chới với rồi ngã vật ra giường) Chết thôi! Cụ bị cảm lạnh thật rồi, em đưa hộp cao sao vàng lại đây xoa cho cụ mau! Có khi phải gọi xích-lô chở cụ đi cấp cứu. (Bà cụ bỗng trào nước mắt đầm đìa) Kìa! Mẹ làm sao thế ạ? Em! Đưa khăn lau cho cụ! (Cuống quít, rót nước trong phích ra) Mẹ uống ngụm nước nóng cho tỉnh mẹ ạ. (Bà cụ đã bình tĩnh trở lại, ngồi dậy, xỉ mũi, lặng yên một lát). Bà cụ (giọng buồn buồn): Anh chị tốt quá, tôi chẳng giấu anh chị làm gì nữa, chẳng phải là tôi đi lạc đâu. Tôi ở ngay thành phố này từ hồi còn trẻ, làm sao mà lạc được. Tôi có nhà, có con cái mà giờ không biết về đâu. Vợ chồng tôi đã nuôi nấng, gây dựng cho hai đứa con thành đạt cả. Sau khi nhà tôi mất đi, chúng nó giành nhau nuôi tôi nói là không muốn để tôi thui thủi một mình. Tôi có lương hưu, cộng với tiền làm thêm nhì nhằng đủ để sống không đến nỗi nào. Nhưng tôi cũng chiều ý các con, quyết định ở với đứa con trai. Có chút gì tôi đều đem bù trì cho cháu nội. Mới được ít lâu, tôi đã thấy không được êm đẹp lắm. Tôi cứ phải nhịn như nhịn cơm sống. Tôi nghĩ chỉ tại đứa con dâu nóng tính và không được dạy bảo đường ăn nét ở đến nơi đến chốn từ trước. Còn thằng chồng thì chắc là không muốn ầm ĩ nhà cửa, tai tiếng ra ngoài. Hôm kia, con vợ nó hỗn với tôi, như là đối xử với con ở. Nó dám nói thẳng vào mặt tôi: "Bà sống thế đủ rồi". Thế mà thằng chồng nó cứ lờ đi như không. Đang ăn, tôi phải bỏ dở bữa. Tôi bỏ đến nhà chị nó cho khuây khoả. Hôm qua, thằng con tôi đến nhà chị nó. Tôi tưởng là nó đến đón tôi về. Ai ngờ... ° Cảnh phục hiện ở nhà chị con gái bà cụ. Người con trai: Bà ạ, dạo này con hay đi công tác luôn, có khi lại đi nước ngoài mấy tháng, bà cứ ở bên này ít lâu rồi con liệu sau. Bà cụ: Xem bộ anh cũng chẳng muốn tôi ở bên ấy nữa. Có điều vợ anh có con nhỏ, tôi bỏ đi lúc anh hay đi vắng không đành. Người ta khinh cho. Họ sẽ nói tôi vô phúc. Người con trai: Nhà con vụng xử thường làm bà phiền lòng. Thôi thì mặc kệ cô ấy, để rồi có bấn lên thì nháo nhào sang bên ngoại mà nhờ cậy. Bà ở luôn bên này đỡ đần chị con cũng được. Chị con gái: Cậu ăn nói hay nhỉ! Nhà tôi chẳng có việc gì bắt bà phải đỡ đần. Thế mà trước đây cứ đòi nuôi bà cho kì được. Người con trai: Thì chị chẳng vẫn nói là muốn bà về ở cùng là gì? Em không muốn mang tiếng giành nhau với chị. Chị con gái: Quí hoá nhỉ! Cậu nghĩ ra điều ấy từ bao giờ thế? Ngại nuôi bà rồi chứ gì. Anh con trai: Vợ chồng em chẳng ngại, nhưng chị cũng nên thử cho biết. Chị con gái: Cần gì phải thử. Ai chẳng biết cậu mợ nuôi mẹ vất vả nên mợ ấy cứ phây phây ra, còn mẹ thì gầy đét như thế kia. Anh con trai: Nói mồm thì dễ thôi. Chị con gái: Này! Tôi nói cho mà biết. Đừng có nghe vợ mà bạc với người đã rứt ruột đẻ ra mình. Có mỗi việc ấy mà cũng đùn đẩy. Anh con trai: Việc gì mà chị sồn sồn lên thế? Chị không có trách nhiệm gì với mẹ chắc? Tôi chỉ mới định gửi bà sang bên này một thời gian rồi thu xếp sau. Đã thế thì phân công rạch ròi luôn đi. Chị nuôi một tháng, tôi nuôi một tháng, cứ thế mà luân phiên, kể từ hôm nay. Chị con gái: Gớm thật! Rõ là "cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày". Mẹ có mỗi đứa con trai mà cũng không nương tựa được. Ai nuôi cậu thành tài để cậu đi nước ngoài nước trong? Ai cưới vợ cho cậu? Ai nhịn ăn, nhịn mặc để sắm sửa cho cậu? Thu vén điểm tô cho nhà cậu? Vợ chồng cậu nuôi bà đấy à? Có thành người hầu thì có: hết nấu cơm đến trông trẻ; hết quét dọn nhà cửa đến giặt là quần áo. Người hầu không công! Vợ chồng các người sướng thế mà không biết sướng. Chỉ được mỗi cái "đức" quí vợ hơn mẹ. Vừa khỏi vòng đã cong đuôi. Ờ, phải rồi! Bây giờ có chức có quyền rồi, cần gì mẹ nữa. Anh con trai: Thôi! Chị nói nhiều quá đấy! Dễ chị không được cha mẹ nuôi cho ăn học chắc? Ai bảo chị vội thích yêu đương mà bỏ học xin đi làm? Không có mẹ, mình chị xoay nổi gian nhà mặt đường này để mở cửa hàng được ư? Nếu mẹ không giúp vốn cho chị để chị xin về mất sức mà buôn bán phe phẩy thì làm gì mà nhà chị có nổi cơ ngơi như ngày nay? Thế mà mới chỉ đánh hơi thấy phải nuôi mẹ đã dẫy nẩy lên. Đấy! Cứ bảo chúng tôi lợi dụng bà thì chúng tôi nhường bà cho đấy. Chị con gái: Tao không bóc lột sức lao động của mẹ, của một bà già. Anh con trai: Chu cha! Hiếu thảo thế thì cứ nuôi nấng, hầu hạ mẹ cho mẹ ngồi chơi yên hưởng tuổi già, ai cấm? Chị con gái: Cậu cứ tuyên bố công khai rằng mẹ không còn con trai nữa là tôi rước mẹ về đây ngay. (Với bà cụ) Bà ạ, bây giờ mời bà cứ về bên ấy, xem vợ chồng chúng nó đối xử ra sao. Mà bà cũng nhiêu khê lắm kia! Chúng nó hỗn, chúng nó tệ, chúng nó hư thì mắng vào mặt chúng nó. Cứ ở lì đấy xem chúng nó dám làm gì nào! Chưa chi đã... Bên này chúng con đang bận tối mắt lại. (Bà cụ lẳng lặng đi ra) Kìa! Bà đi đâu? À, chắc lại về bên ấy để nghe chúng nó rỉa rói. Anh con trai: Đi ra phố dạo cho khuây khoả đấy thôi. Nhà cô con gái rượu ngày xưa bỏ mà đi sao nỡ! Chị con gái: Này! Giọng lưỡi ấy dành về cơ quan mà tâng trên, kích dưới. Trước đây, bà đã muốn vậy thì bây giờ phải cố mà chịu đựng. Các người cứ để bà bên ấy Nếu lương hưu và vốn riêng của bà không đủ sống thì bên này chu cấp thêm. Chẳng để các người chịu thiệt đâu. Anh con trai: Bà muốn hay chị muốn? Có mà chu cấp! Nếu bà còn vốn riêng khơ khớ thì đã vồ vập rồi. Thế nào cũng phải họp hai gia đình để bàn cho hết nhẽ. Chẳng lẽ chỉ mình chị khôn. Chị con gái: Ra khỏi nhà tôi ngay! ° Trở lại nhà anh bộ đội. Bà cụ: Nói ra thật tủi hổ với anh chị. Tôi đã làm gì thất đức để đến nỗi bị báo ứng nhãn tiền như vậy? Tôi đã toan chết quách đi cho rảnh. Nhưng nghĩ lại, chết thế thì xấu lây vong linh ông nó. ở quê cũ, tôi còn bà con; Ở thành phố này, tôi cũng còn mấy chỗ thân tình đều có thể ở nhờ được. Nhưng chỉ mới nghĩ đến đã thấy nhục. Cả đêm qua tôi đã nghĩ nát ra rồi. Thôi thì thà chịu nhục với họ hàng hoặc bạn bè còn hơn chịu nhục với con cái mang nặng đẻ đau. Tôi sẽ nhờ tạm người ta ít ngày, rồi cố chụm một túp lều để ở cũng xong. Bây giờ anh chị để cho tôi đi. Anh bộ đội: Mẹ ạ, mẹ nên nghe con. Như vậy là cả đêm qua mẹ không ngủ được, vừa rồi lại bị xúc động mạnh, mẹ chưa đi được đâu. Mà chúng con cũng chưa để mẹ đi được. Bây giờ để chúng con kiếm chút gì lót dạ. Rồi mẹ nằm nghỉ, cố ngủ cho lại sức. Sau đây, nếu mẹ không thích ở lại nữa, chúng con không dám giữ. (Ngoảnh lại thấy vợ đang đi ra) Em đi mua xôi đấy à? Người vợ: Vâng. Anh bộ đội: Hay là mua bát bún riêu cho cụ ăn cho đỡ nặng bụng em ạ. Người vợ: Phải đấy! Anh lấy hộ em cái cặp lồng treo trong góc kia kìa. Khoảng một giờ sau. Bà cụ nằm yên trên giường quay mặt vào tường, hình như đang thiếp đi. Hai vợ chồng anh bộ đội nói chuyện nhỏ với nhau. Người vợ: Cứ để yên cho bà cụ nghỉ. Em đi làm rồi, khi nào bà cụ dậy anh mời cụ ăn cơm rồi hãy để cụ đi. Tội nghiệp bà cụ, có con mà như không. Anh bộ đội: Sao lại có những người nhẫn tâm đến thế không biết! Anh mất mẹ từ bé, bây giờ muốn có mẹ để phụng dưỡng cũng không làm thế nào được. Vậy mà họ coi như cái nợ. (Ngần ngừ) Em ạ, hay là... chúng mình mời cụ ở hẳn đây... Người vợ: Chẳng biết cụ có chịu không. Mà... anh sắp đi xa kia mà... Anh đi vắng, một mình em không nuôi được cụ chu đáo lại mang tiếng. Anh bộ đội: Cốt nhất là cái tình em ạ. Miễn là no đói có nhau. Người vợ: Nhưng mà... Trước nay em không muốn anh phải lo nghĩ, chứ thật ra đồng lương công nhân bây giờ... Anh bộ đội: Anh biết. Cụ cũng có một ít lương hưu. Trong khó khăn chung, ta đùm bọc lấy nhau. Người vợ Anh bộ đội: Theo anh nghĩ thì cái mà cụ cần không phải là mức sống mà là thái độ cư xử. Người vợ: Chúng mình đều là con nhà bình thường. Mỗi khi bước vào những nhà sang trọng, em chẳng biết đặt chân tay vào đâu. Cụ đây chắc là đã quen với cảnh sống phong lưu. Anh bộ đội: Hôm ở biên giới, cụ lụi cụi mang đống quần áo bẩn của các anh xuống suối dưới chân núi giặt. Người như thế chẳng phải là người quen sống đài các đâu em ạ. Anh thấy cụ có vẻ phúc hậu, hồi trẻ có lẽ cũng là một người làm ăn chân chỉ. Cụ cần có người nương tựa lúc tuổi già. Còn em thì vắng anh mà có người bầu bạn trong nhà cũng tốt. Tình người có đi có lại. Nếu mình coi cụ như mẹ thì cụ coi mình như con. Hai bên nương tựa vào nhau, khích lệ nhau trong cuộc sống. Được thế thì anh ở xa, anh rất yên tâm. Người vợ: Nhưng còn các con cụ. Họ có chịu không? Anh bộ đội: Nếu họ biết nghĩ lại, do ăn năn hối hận mà thực lòng đón cụ về thì chúng mình mừng cho cụ chứ sao. Còn nếu chỉ vì sĩ diện hay vì một lí do nào khác mà họ đòi cụ về thì quyền quyết định ở cụ. Người vợ: Thời buổi này ít người nghĩ như mình, e rằng... Anh bộ đội: Ít nhưng vẫn là có, phải không? Mà đã chắc đâu là ít? Đáng tiếc là có những lúc cái xấu hoành hành, cái tốt phải náu mình. Thấy phải, ta cứ làm em ạ. Người vợ: Vâng... Anh ở nhà lựa lời mà nói với cụ. Em đi làm đây. Anh bộ đội: Thong thả đã! Lại gần đây với anh một tí đã nào. Người vợ: Ý! Cụ dậy bây giờ thì có mà dơ. (Tuy vậy, người vợ cũng đến gần. Người chồng đưa hai tay giữ vai vợ hôn vào môi. Chị vợ gục đầu vào ngực chồng một thoáng rồi ngửng lên đẩy nhẹ chồng ra, quay mình đi khỏi nhà) Em đi đây. ° Ít lâu sau. Nhà vợ chồng anh bộ đội. Lan và bà cụ vừa đi xem kịch về. Lan: Mẹ có thích vở kịch này không? Bà cụ: Mẹ thích. Anh bộ đội trong kịch cũng tốt nết như chồng con ấy (giọng đùa) Tôi e rằng đêm nay chị lại nhớ anh ấy không ngủ được thôi. Lan: Mẹ cứ nói... (nói lảng) Anh ấy bảo con phải năng viết thư cho anh ấy biết tình hình mẹ con mình, mà con cứ ngại viết là... Bà cụ: Phải viết chứ! Để cho nó vui. À này! Từ rày con đi đâu giải trí thì rủ bạn cùng đi. Để mẹ ở nhà trông nhà. Tình hình này, khoá nhà để đó đi lâu cũng sốt ruột lắm. Lan: Không được đâu mẹ ơi. Mẹ không nhớ anh ấy đã dặn con không được để mẹ buồn sao. (Có tiếng rụt rè gõ cửa) Ai đấy? Tiếng bé gái: Cháu. (Lan mở cửa. Một bé gái ló người vào) Bé gái: Cháu chào cô ạ. Đây có bà... (Chợt nhìn thấy bà cụ) Bà! (Muốn chạy tới nhưng còn e dè). Bà cụ (lặng đi một lát): Vân đấy ư cháu? Làm sao mà cháu đến được đây? Bé gái: Cháu ở rạp hát ra thấy hút bà, cháu theo về. Bà cụ: Cháu đi một mình à? Bé gái: Vâng, à không... cháu... (Vừa lúc, người con trai bà cụ đi đến đứng sau cháu bé) Anh con trai: Con đưa cháu đi.Bà cụ: Anh đến đây làm gì? Anh con trai: Bà làm chúng con tìm hết hơi. Lúc đầu, con thì tưởng bà vẫn ở bên chị Tâm; chị Tâm thì lại tưởng bà về bên con. Về sau, chúng con nghĩ là bà về quê, nên đã toan thông báo trên đài lại thôi. Bà cụ: Các người tìm tôi làm gì? Anh con trai: Bà về ở với con, với cháu, chứ ai lại... Bà cụ: Ngoài hai con tôi ở nhà này ra, tôi chẳng còn con nào khác. Anh con trai (nhìn quanh phòng, lầm bầm): Có nhà cửa đàng hoàng mà lại đi chui rúc ở đây. Bà cụ (quát lên): Anh không được ăn nói như thế! (kìm giọng) Tôi không có phận được ở nhà cao cửa rộng của các người. Ở đấy, chật những đồ lề sang trọng và những mưu tính bon chen còn đâu chỗ cho người mẹ nữa! Còn ở đây, nghèo của nả nhưng giầu tình người. Anh con trai: Bà làm người ta hiểu lầm chúng con, người ta đánh giá...It ra thì bà cũng nghĩ đến tiền đồ chúng con chứ. Bà đừng tạo cớ cho những đứa muốn lật con chúng bôi nhọ con. Bà cụ: Thì ra thế! Lan! Con mời ông đây đi ra. Khuya rồi, mẹ con ta cần nghỉ. Mai con còn phải dậy sớm đi làm. Bé gái (giọng vỡ ra): Bà về với chúng cháu đi bà! Anh con trai: Chẳng gì mà bà cũng giận chúng con. Nhưng bà nên nghĩ tới các cháu. Bà cụ (đưa ngón tay xỉ mũi): Nghĩ tới các cháu, nhiều đêm tôi không chợp được mắt. Nhưng đã không còn con, dám đâu nghĩ đến cháu. Anh con trai (ngoảnh lại Lan): Này chị! Bà chúng tôi còn con còn cháu, chị hãy làm ơn để cụ về. Bà cụ: Này! Nói cái giọng ấy là không được đâu. Nếu không có vợ chồng anh chị đây thì bây giờ tôi không biết đã ra thế nào rồi. Anh ấy được nghỉ phép chỉ mấy ngày thôi còn có bụng nghĩ đến người dưng, dám đón về nhà coi như mẹ đẻ. Anh chị đây biết quí con người, trọng tình người. Còn các người, các người quên hết, vứt hết; vứt tình nghĩa, vứt công lao người khác, quên rằng người khác, kể cả mẹ các người, cũng cần được sống cho ra sống. Càng hám lợi, hám danh, càng kiếm ra tiền, càng kiếm được một chỗ đứng cao thì tim các người càng hoá đá. Các người nói phục vụ nhân dân, nhưng ngay với mẹ đẻ của các người, khi không cần cho các người nữa, các người cũng coi như rơm rác. Tôi mà lại về ở nhà anh thì rồi mỗi khi vợ chồng anh có khách sang, khách sộp, anh chị lại phải mời tôi xuống bếp. Thật sướng cái thân tôi! Chẳng qua là tại tôi đã lo cho con cái không phải cách, chỉ nhìn thấy con mình, nhà mình, nên bây giờ tôi phải chịu báo ứng đấy thôi. Các cụ nói phải dành đức cho con, tôi lại cạn nghĩ, tôi xoay xở giành lắm thứ khác cho các người. Bây giờ trách chi trò đời đen bạc, thế sự đảo điên? À, anh đã làm xong giao kèo với chị anh chưa?Anh con trai: Giao kèo gì nhỉ? Bà cụ: Giao kèo chứa tôi ấy mà. Vì tôi mà chị em anh lục đục, tôi về làm gì! Mà sao lại có chuyện về nhỉ? Nhà tôi đây rồi. Thôi, bố con anh về đi. Bé gái: Bà ơi! Hu, hu, hu... (chạy đến gục đầu vào lòng bà) (Bà cụ vòng tay ôm cháu, mắt rưng rưng nhìn mông phía trước) Lan (ái ngại cho hai bố con): Mẹ ạ, hay là... thỉnh thoảng mẹ về với các cháu. Mẹ hiểu cho con, con không có ý gì đâu. Bà cụ: Mẹ hiểu. Nhưng mẹ đã hứa với chồng của con là luôn luôn có mẹ, có con. (Gạt nước mắt, đỡ cháu dậy) Vân, cháu về đi! Lâu lâu các cháu có nhớ bà thì đến đây thăm bà. Còn các người khác thì bà cấm cửa. Lan (với bé gái): Vân ạ, cháu nên nghe lời bà đã. (Với người bố) Anh hãy cứ về đi, sau hãy hay. Bây giờ khuya rồi, để cho cụ nghỉ. (Hai bố con âm thầm đi ra) Lan (sau khi đóng cửa): Mẹ ạ, các anh chị ấy cũng đã biết nghĩ lại. Cứ để các anh chị ấy lui tới đây thăm mẹ có được không ạ? Bà cụ: Chưa đâu. Con không nghe giọng lưỡi của thằng ấy à? Chúng nó vẫn chỉ nghĩ đến chúng nó thôi. Chúng nó thích thú gì chuyện thăm với hỏi. Còn lúc nào chúng nó thật sự biết nghĩ lại, không phải ở đầu lưỡi mà qua cách sống, thì bấy giờ sẽ hay. Dẫu có thế thì mẹ cũng vẫn ở với con. Ít ra là tới lúc chồng con giải ngũ. Trừ phi con muốn mẹ đi. Lan: Mẹ! Sao mẹ lại nói thế? Nhà con giận con chết. Chợt có tiếng gõ cửa gấp gáp. Hai người đưa mắt nhìn nhau lo ngại. Sau một chút ngần ngừ, Lan đi mở cửa. Chốt cửa vừa rút thì cánh cửa bị xô mạnh ra. Người con trai bà cụ xồng xộc bước vào đi thẳng tới trước mặt bà cụ. Anh con trai: Không thể để thế này được. Mời bà về! Bà bêu riếu con cháu thế đủ rồi. Bà cụ (sau mấy giây sửng sốt): Anh định làm gì? Anh định đánh tôi chắc! Anh con trai: Chẳng ai làm gì bà. Nhưng bà phải về. Nếu bà không đi được thì để tôi gọi xích-lô. Lan (đến bên định che đỡ cho bà cụ, rụt rè): Không nên thế anh ạ. Anh con trai: Chị biết gì! Ai cho phép chị can thiệp vào nhà chúng tôi. Lan: Em chẳng dám can thiệp đâu. Nhưng không nên bức bách cụ. Anh con trai: Bức bức cái gì. Cô cút đi! Lan (nghiêm giọng): Anh nên nhớ đây là nhà tôi. Anh con trai: Nhà cô à! Nhà cô là nơi quyến rũ người. Tôi sẽ đưa cô ra toà. Ra toà! Cô nghe rõ chưa? Lan: Không ai quyến rũ được cụ. Chúng tôi chỉ mời cụ cùng ở để trông nom nhau thôi. Anh con trai (cười giễu): Không phải trông nom khoản tiền tiết kiệm của bà già chứ? (với bà cụ) Bà ghê thật! Con bé Dung ở Ngân hàng mới hé lộ cho tôi biết bà có sổ tiết kiệm khá "nặng". Bà định cúng cho người hàng xứ hử? Bà cụ: Tiền tôi dành để lo hậu sự cho tôi đấy. Để chị em anh khỏi tị nhau về khoản tiền ma chay cho tôi, tôi mới yên lòng nhắm mắt được. Anh đừng suy bụng ta ra bụng người. Vợ chồng nhà này không tối mắt vì tiền như các người đâu. Anh con trai: Hừ! Chó thì có bao giờ chê cứt. Lan: Đúng đấy! Đã là chó thì không chê ăn bẩn. Nhưng ngay cả chó, chúng cũng không cắn mẹ chúng. Người đáng ra toà không phải là tôi đâu. Anh con trai: Này! Đừng có mà móc máy với dọa dẫm. Tôi không như người thường đâu. Chỉ cần một cú "phôn" thôi. Cô liệu đấy! Rồi sẽ biết tay nhau. Nào! Xin mời bà, đi! (Thô bạo gạt Lan ra, định kéo bà cụ dậy. Lan cố che đỡ. Giằng co.) Bé gái (kêu lên từ ngoài): Bố (chạy vào ngăn bố lại) Đừng bố! Anh con trai (hung hãn tát con một cái): Đã bảo về, ai cho mày quay lại đây, hử? Bà cụ (phẫn nộ): Đồ bất nhân! Mày lộng hành ngay đây hả? Lan! Con đi gọi cảnh sát vào đây! Anh con trai (chững lại, nhếch mép cười chua chát): Thì ra bà thế đấy. Bà cụ (trỏ tay vào tấm ảnh anh bộ đội trên tường): Hãy nhìn kia! Anh ấy đang ngó mày đấy. Tiếc rằng tao không có phúc đẻ ra được người con như thế. Anh con trai (nhìn theo tay mẹ, cười nhạt): Bộ đội à? Tưởng gì. Được! Tôi sẽ có cách. (Nghiến răng quát con) Con ranh, đi! Từ rày, tao cấm không được tự tiện bén mảng đến đây, nghe không? (Anh con trai lôi con đi ra. Cháu bé và đi vừa ngoảnh lại nhìn, nước mắt ướt má. Im lặng một lát). Bà cụ (chưa qua cơn xúc động, như nói một mình): Thế mà nó đang tay tát con bé... (sực nhớ, lo lắng hỏi Lan) Nó có làm con xây xát không? Lan (đang nắn chỗ vai bị đau, gượng cười): Không việc gì đâu mẹ ạ. (Nói vui) May mà mẹ có "sáng kiến" dọa anh ta, không thì còn lôi thôi. Bà cụ: Chồng con biết chuyện vừa rồi thì có tán thành mẹ con ta không nhỉ. Lan: Mẹ có muốn con viết cho anh ấy không? Bà cụ: Tuỳ con. Nhưng có lẽ đừng nói gì cả. Những chuyện như vậy không đáng để anh ấy bận lòng. Từng giờ, từng phút phải đối phó với quân xâm lấn biên giới đủ mệt quá rồi . (Thở dài lẩm bẩm) Lẽ nào đời này có con là "tội sống" ư? Hải Phòng, tháng 9/1985 Khải Nguyên