Dịch giả: Phạm Vũ Thịnh

Tôi gặp nàng trong một tiệc cưới của người quen, từ đó mà thân nhau. Chuyện đã 3 năm trước. Tôi và nàng cách nhau đến gần một con giáp, nàng 20, tôi 31. Nhưng mà điều ấy chẳng phải là chuyện quan trọng. Đúng vào thời kỳ ấy, tôi có lắm chuyện đau đầu, mà thật tình cũng không có thời giờ rảnh để mà so tính chi li chuyện tuổi tác chênh lệch. Nàng thì ngay từ đầu đã chẳng hề nghĩ đến chuyện tuổi tác, mà lúc ấy, ngay cả chuyện tôi đã kết hôn cũng chẳng là vấn đề. Có vẻ như nàng tin rằng chuyện tuổi tác hay gia đình hay lương bổng cũng chỉ thuần túy là chuyện bẩm sinh, như kích thước bàn chân, hay giọng nói cao thấp hay hình dạng móng tay, nghĩa là những thứ có suy nghĩ đến cũng chẳng làm gì được. Mà nghĩ cho cùng, như thế cũng có lý.
Nàng lúc ấy vừa theo học kịch câm độc diễn ở một người thầy nổi tiếng là ông gì gì đấy, vừa làm người mẫu quảng cáo để sinh sống. Thật ra tính nàng không ưa chuyện phiền phức nên rất thường từ chối công việc mà người đại diện giới thiệu đến, do đó thu nhập quả thật chẳng bao nhiêu. Có vẻ phần thiếu thốn về thu nhập của nàng đã được bù đắp vào do hảo ý của vài người bạn trai. Tất nhiên hư thực ra sao thì tôi không rõ. Tôi chỉ hình dung ra thế từ vài khúc đuôi vụn vặt trong những lời nàng nói ra mà thôi.
Nhưng nói thế chứ tôi không có ý nói là nàng vì tiền mà ngủ với bạn trai đâu. Chắc là chuyện đơn giản hơn thế nhiều. Và cũng vì chuyện bù đắp cho nàng tự nó là chuyện quá đơn giản nên khi bù đắp cho nàng, nhiều người, như một phản xạ, đã vô tình mà gán cho những cảm tình mơ hồ thường ôm ấp trong lòng, ý nghĩa của những tình cảm có hình thái rõ ràng hơn như hảo ý, hay ái tình, hay chịu đựng. Tôi không thể giải thích hay hơn được nhưng cuối cùng chuyện bù đắp ấy là như thế đấy. Tất nhiên, sự kiện một cảm tình mơ hồ vô tình biến thành một ý thức rõ rệt kiểu ấy không thể xảy ra mãi được. Kiểu ấy mà xảy ra đến vô tận thì tất cả cơ cấu của vũ trụ này sẽ đảo ngược đi mất. Sự kiện ấy chỉ có thể xảy ra trong điều kiện đặc thù về không gian và thời gian mà thôi. Như trường hợp tôi gọi là "lột vỏ quít". Chuyện "lột vỏ quít" ấy là như thế này:
Buổi sơ kiến, nàng nói với tôi là nàng đang theo học nghệ thuật kịch câm độc diễn. Tôi nói "Thật thế sao?" tuy thật tình không ngạc nhiên gì mấy. Thời buổi này, các cô tre trẻ, cô nào mà chẳng đang theo học một thứ gì đấy. Mà nàng trông cũng không phải là mẫu người có thể chuyên chú nghiêm túc học tập một thứ gì để trau dồi tài năng của mình.
Thế rồi nàng diễn màn "lột vỏ quít" cho tôi xem. "Lột vỏ quít" đúng nghĩa đen thế đấy. Bên trái của nàng có một chậu thủy tinh đựng đầy quít vun lên đến ngọn, bên phải có một chậu để đựng vỏ quít. Cứ thiết định như thế, chứ thật sự chẳng có chậu hay quít gì cả. Nàng lấy một quả quít tưởng tượng ấy lên, thong thả lột vỏ, tách từng múi quít đưa lên miệng, ngậm lấy và nhai, xong nhả xác ra. Ăn xong một quả quít thì dồn xác vào trong vỏ quít cuộn lại và vất vào trong chậu đựng vỏ quít. Chuỗi động tác ấy cứ thế mà lặp đi lặp lại với những quả quít vô hình. Diễn tả bằng lời nói thì nghe chẳng có gì đặc sắc, nhưng thực tế nhìn thấy chuỗi động tác ấy diễn ra trước mắt trong vòng 10, 20 phút, như lúc tôi và nàng đang ngồi cạnh nhau nói chuyện đời ở quầy rượu trong quán, nàng vừa nói chuyện vừa liên tục "lột vỏ quít" hầu như hoàn toàn vô thức như thế, thì từ từ tôi có cảm giác bị cuốn hút vào như mình đang sống trong cảnh lột vỏ quít thật sự. Một tâm cảnh thật là kỳ dị. Có lần tôi nghe nói rằng ngày xưa Adolf Eichmann đã bị lôi ra pháp đình Israel và bị tuyên phạt nhốt trong ngục tối rồi rút không khí từ từ ra khỏi phòng ngục. Kiểu ấy rồi chết như thế nào thì tôi không hiểu rõ, tôi chỉ chợt nhớ đến chuyện ấy trong tâm cảnh kỳ dị này thôi.
-"Có vẻ em có tài thật đấy chứ". Tôi nói.
-"Ối, chuyện đơn giản ấy mà, có là tài năng gì đâu. Cốt là đừng cố tin rằng quả quít có ở đấy, mà chỉ cần quên đi rằng quả quít không có ở đấy, là được. Chỉ có thế thôi".
-"Nghe cứ như là công án Thiền ấy nhỉ".
Tôi chịu nàng từ chuyện ấy.
Tôi và nàng cũng không gặp nhau thường lắm đâu. Chỉ độ mỗi tháng một lần, nhiều lắm là hai lần. Đi ăn xong là đến quán rượu, quán Jazz, hay tản bộ ban đêm với nhau.
Một mình với nàng, tôi có được cảm giác vô cùng thanh thản. Quên bẵng đi được những công việc không muốn làm, những rối rắm nhàm chán không giải quyết được, những chuyện bâng quơ về những nhân vật vớ vẩn cố thủ những tư tưởng không đâu. Nàng như có năng lực giúp tôi quên. Hầu hết những lời nàng nói không hoàn toàn trăm phần trăm là có ý nghĩa, nhưng lắng nghe nàng nói, tôi cảm thấy mơ hồ mà thư thái như đang ngắm những đám mây lững lờ xa tắp.
Tôi cũng đã nói với nàng rất nhiều, nhưng chẳng nói chuyện gì đáng nói cả. Thật thế. Chẳng có chuyện gì đáng nói cả.
Mùa xuân năm trước, thân phụ nàng chết vì bệnh tim, để lại cho nàng một số tiền mặt khá lớn. Ít nhất thì chính nàng đã cho biết như thế. Nàng bảo muốn sang Bắc Phi một ít lâu với số tiền ấy. Lý do tại sao nàng chọn Bắc Phi thì không rõ mấy, nhưng vừa đúng lúc tôi có quen một cô đang làm việc trong Sứ quán Algeria ở Tokyo, nên giới thiệu với nàng. Thế là nàng sang Algeria. Từ dính líu ấy mà tôi đã đi đưa nàng ở phi trường. Nàng chỉ mang theo một túi xách hàng hải cũ mèm nhét đầy quần áo. Ở chỗ xét hành lý, trông nàng có vẻ là người trở về Bắc Phi hơn là người sắp đi Bắc Phi. Tôi hỏi đùa:
-"Liệu có trở về Nhật không đấy?"
-"Tất nhiên sẽ trở về chứ". Nàng đáp.
Ba tháng sau, nàng trở về Nhật thật. Gầy hơn lúc ra đi 3 kí lô, và da ăn nắng đen thui. Lại dắt thêm người yêu mới. Nghe đâu hai người quen nhau trong quán ăn ở Algeria. Không có bao nhiêu người Nhật ở Algeria nên hai người đã thân nhau ngay rồi trở thành tình nhân. Theo chỗ tôi biết thì anh chàng này là người yêu chính danh đầu tiên của nàng.
Chàng vào khoảng nửa sau của tuổi đôi mươi, cao, lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, nói năng lễ phép. Khuôn mặt không có nét gì đặc biệt nhưng cũng thuộc loại điển trai nên cũng dễ có cảm tình. Bàn tay to, ngón tay dài. Tôi biết hình dạng chàng ta rõ ràng như thế là vì tôi đã ra phi trường đón hai người. Thình lình nhận được điện tín từ Beirut, trên ấy chỉ ghi ngày và chuyến bay, tôi đoán là nàng muốn được đón ở phi trường. Gặp ngày trời xấu, máy bay đến trễ cả 4 tiếng đồng hồ, tôi đành vào quán cà-phê trong phi trường ngồi đọc tập truyện ngắn của Faulkner. Máy bay đến, hai người khoác tay nhau bước ra cửa đợi, trông như một cặp vợ chồng son đẹp đôi. Nàng giới thiệu chàng với tôi. Chàng và tôi bắt tay nhau theo phản xạ. Cái bắt tay chặt chẽ thường có ở người quen sống nhiều năm ở nước ngoài. Xong cùng vào quán ăn. Nàng bảo thế nào cũng phải ăn món cơm có tôm chiên, nên gọi món ấy, còn chàng và tôi uống bia hơi.
Chàng cho biết đang làm việc về mậu dịch quốc tế, nhưng chỉ thế thôi chứ không nói gì thêm về nội dung công việc. Không rõ vì không muốn nói về việc mình làm, hay vì ngại tôi chán nghe chuyện ấy. Mà tôi cũng chẳng đặc biệt muốn biết về chuyện mậu dịch nên cũng không hỏi gì thêm. Không có chuyện gì khác nên chàng nói về tình trạng mất an ninh ở Beirut và hệ thống đường thủy ở Tunis, có vẻ thông thạo tình hình vùng Bắc Phi đến tận Trung Đông.
Chén sạch tô cơm có tôm chiên xong, nàng ngáp dài và nói buồn ngủ. Có vẻ sắp gục luôn tại chỗ. Nàng vốn có tật bạ đâu cũng ngủ được. Chàng bảo có thể gọi taxi đưa tôi về đến nhà, nhưng tôi nói sẽ lấy tàu điện vì nhanh hơn. Tôi không hiểu mình đến tận phi trường để làm gì.
Chàng hướng về phía tôi, nói như xin lỗi: -"Rất vui mừng được gặp anh".
Tôi đáp lễ: -"Được gặp anh là điều vui mừng của tôi mới đúng".
Từ đấy, tôi gặp mặt chàng ta vài lần. Cứ khi nào tình cờ gặp nàng ở đâu đấy, thế nào cũng thấy chàng ta ở bên cạnh. Nhiều lúc tôi hẹn gặp nàng, lại thấy chàng lái xe đưa nàng đến chỗ hẹn. Chàng lái một chiếc xe thể thao Đức quốc màu bạc bóng loáng không một vết dơ. Chuyện xe hơi thì tôi hầu như hoàn toàn chẳng biết gì nên không giải thích rõ hơn được, nhưng tôi có cảm tưởng đã thấy kiểu xe này trong một phim đen trắng của đạo diễn YÙ Federico Fellini.
Có lần tôi đã hỏi thử nàng: -"Cậu ấy có vẻ giàu sụ đấy nhỉ?"
-"ƯØ nhỉ. Hẳn là thế thật đấy". Nàng đáp, có vẻ không mấy quan tâm.
-"Công việc mậu dịch mà lắm tiền đến thế sao?"
-"Mậu dịch gì cơ?"
-"Thì cậu ấy bảo đang làm mậu dịch đấy mà".
-"Thế thì đúng đấy. Nhưng mà em không rõ lắm đâu. Thấy anh ấy cũng chẳng có vẻ gì là làm việc gì nhiều. Hay đi gặp người này người nọ, hay điện thoại nhiều thì có, nhưng chẳng có vẻ gì là chuyên chú hết mình vào công việc nào cả".
-"Nghe cứ như là Gatsby [1] ấy nhỉ"
-"Ai thế anh?"
-"Đùa thế thôi". Tôi đáp.
Nàng gọi điện thoại đến tôi một buổi chiều chủ nhật tháng 10. Tôi ở nhà một mình, vợ đã đi thăm bà con từ sáng rồi. Một ngày chủ nhật đẹp trời làm lòng mình cũng thật khoan khoái, tôi đang vừa ăn táo vừa say ngắm cây long não trong vườn nhà. Từ sáng, tôi đã ăn hết 7 trái táo rồi.
-"Tụi em đang đến gần khu nhà anh đây, cả hai người cùng đến thăm anh có được không?" Nàng hỏi trong điện thoại.
-"Hai người à?" Tôi hỏi lại.
-"Thì em với anh ấy đấy mà".
-"Được chứ, có sao đâu".
-"Vậy thì, khoảng 30 phút nữa gặp anh nhé". Nàng nói rồi cắt điện thoại.
Tôi ngồi lơ đãng trên ghế dài phòng khách một lúc rồi vào phòng tắm cạo râu và tắm. Xong vừa lau khô mình mẩy vừa ngoáy tai. Lưỡng lự không biết có nên thu dọn phòng khách hay không nhưng cuối cùng cũng mặc kệ. Thu dọn toàn bộ cho thật ngăn nắp thì không đủ thì giờ, mà thu dọn lưng chừng thôi thì chi bằng đừng thu dọn gì cả còn hơn. Căn phòng có sách vở, tạp chí, thư từ, đĩa nhạc, áo len, lắm thứ linh tinh thế nhưng không có vẻ gì dơ bẩn cả. Tôi vừa mới làm xong một công việc nên chẳng muốn làm gì cả. Tôi lại ngồi lên ghế dài, ngắm cây long não trong vườn và ăn thêm một trái táo nữa.
Hai người đến khoảng sau 2 giờ chiều. Nghe tiếng xe thể thao ngừng trước nhà, ra cửa chính thì thấy chiếc xe thể thao màu bạc đã có lần thấy rồi ấy đậu bên đường. Nàng ló đầu ra ngoài cửa xe, vẫy tay. Tôi hướng dẫn xe vào chỗ đậu xe phía vườn sau.
-"Đến nơi rồi". Nàng nói, vừa mỉm cười hân hoan. Nàng mặc áo mỏng nổi rõ hình dạng hai đầu vú, và chiếc váy mini màu xanh lục.
Chàng mặc áo khoác màu xanh biển kiểu Âu châu. Tôi có cảm giác phong mạo chàng có hơi khác lần gặp trước, vì có thêm đám râu ria lởm chởm, ít nhất cũng đã hai ngày không cạo. Ở chàng, nói là râu ria lởm chởm nhưng thật ra hoàn toàn không có vẻ gì là bê bối mà chỉ làm khuôn mặt thẩm hơn thôi. Chàng nhét chiếc kính râm thể thao đang cầm nơi tay vào túi áo rồi khịt mũi khẽ khàng. Lối khịt mũi thật là trang nhã.
-"Anh đang nghỉ ngơi mà tụi em đột ngột kéo đến quấy rầy, xin anh tha lỗi cho". Chàng nói.
-"Có sao đâu. Tôi ngày nào cũng giống như ngày nghỉ, mà ngồi nhà một mình cũng đang chán đây thôi".
-"Em có đem thức ăn đến đây". Nàng nói, vừa lôi từ ghế sau xe ra một bao giấy lớn màu trắng.
-"Thức ăn à?"
-"Cũng chẳng có gì. Ngày chủ nhật mà lại đến đột ngột thế này thì em nghĩ cũng nên đem theo đôi chút thức ăn". Chàng nói.
-"Quý hoá quá. Từ sáng đến giờ, tôi chỉ ăn có mấy quả táo thôi".
Vào trong nhà, bày các thứ thức ăn trên bàn, mới thấy là các thức khá sang trọng. Rượu vang trắng hảo hạng, bánh mì kẹp thịt bê thui, món rau xà-lách, cá hồi xông khói, kem dâu xanh, món nào cũng đầy ắp. Bánh mì kẹp thịt bê thui còn có thêm rau cải xoong. Bột cay cũng là thứ thiệt. Bày các món vào đĩa, rồi mở nút chai rượu vang ra, thì có ngay một tiệc tươm tất.
-"Bắt cô cậu phải lo liệu đủ thứ thế này là lỗi của tôi đấy". Tôi nói.
-"Không phải thế đâu anh. Tụi em đường đột quấy rầy anh đấy chứ". Chàng đáp lễ.
-"Mình ăn đi các anh. Em đói quá rồi đây". Nàng giục giã.
Tôi là chủ nhà nên bắt đầu rót rượu vang vào ly của hai người, xong cả ba cụng ly. Loại rượu vang có vị đặc biệt càng uống càng thấy ngon.
-"Em quay đĩa nhạc nghe nhé?" Nàng hỏi.
-"Cứ tự nhiên". Tôi đáp
Đã có lần đến đây chơi rồi nên không cần phải giải thích nàng cũng tự mình làm được. Nàng chọn vài đĩa từ ngăn để đĩa nhạc, lau đĩa và tra vào giàn lắp đĩa tự động.
-"Bộ máy lắp đĩa tự động hiếm có quá nhỉ". Chàng nhận xét.
Quả thật giàn lắp đĩa tự động này là đồ cổ khó kiếm. Tôi đã khổ công tìm kiếm mới có được giàn Garrard phẩm chất tốt như thế. Được người khác hiểu cho cái khổ công ấy làm mình vui thích. Thế là chuyện trò với nhau một hồi về chuyện máy móc âm hưởng.
Nàng thích các bài hát Jazz xưa nên cho chạy các đĩa Fred Astaire, Bing Crosby, nửa chừng có các bản Serenata bằng đàn dây của Tchaikovsky, rồi trở lại Nat King Cole.
Vừa nghe nhạc vừa gặm bánh mì kẹp, ăn món rau trộn và nhón cá hồi xông khói. Chai vang vừa cạn xong lại lôi mấy lon bia trong tủ lạnh ra uống. Gì chứ bia thì tủ lạnh nhà tôi luôn luôn đầy ắp. Có người bạn kinh doanh hãng nhỏ, khi nào có dư phiếu bia tặng khách hàng thì lại mang đến cho. Chàng uống bao nhiêu mặt cũng không đổi sắc. Tôi thì bia uống bao nhiêu cũng được. Nàng cũng uống theo bạn vài lon bia. Kết cuộc chỉ trong khoảng chưa đến một giờ đồng hồ mà đã có 24 lon bia không trên bàn. Xong nhóm đĩa ấy, nàng lại chọn nhóm 5 đĩa khác. Đĩa đầu là "Airegin" của Miles Davis.
-"Em có cần sa đây. Anh có muốn hút không?". Chàng nói.
Tôi hơi lưỡng lự. Chỉ vì tôi vừa bỏ thuốc lá được một tháng nay, đang là thời kỳ chưa rõ ràng, bây giờ hút cần sa vào, không rõ sẽ có tác dụng như thế nào. Nhưng cuối cùng cũng đồng ý hút. Chàng lấy miếng giấy nhôm từ đáy bao giấy ra, đặt lá thuốc lên trên một miếng giấy vấn, cuốn tròn lại rồi liếm phần hồ dán trên giấy vấn để dán lại. Bật lửa hộp quẹt lên, hút vài lần cho lửa bén hẳn hoi vào điếu thuốc rồi đưa điếu thuốc cho tôi. Loại cần sa có phẩm chất ưu hạng. Trong một lúc lâu, cả ba không ai nói gì, hút một hơi thuốc xong lại chuyền điếu thuốc cho người kế tiếp. Đĩa nhạc Miles Davis xong, lại đến các bản luân vũ của Johann Strauss.
Khoảng xong một điếu thuốc, nàng nói buồn ngủ. Vì đã thiếu ngủ từ trước, lại uống hết 3 lon bia và hút cần sa vào nữa. Quả thật nàng có vẻ buồn ngủ. Tôi dìu nàng lên gác, đặt nàng lên giường ngủ. Nàng xin mượn một áo sơ-mi. Nhận áo từ tay tôi, nàng tuột áo và quần ra, chỉ còn quần lót, tròng áo sơ-mi lên người rồi chui vào giường, đâu khoảng 5 giây sau là đã ngủ được rồi. Tôi lắc đầu, trở xuống.
Trong phòng khách, người tình của nàng đã cuốn xong điếu thuốc thứ hai. Ra vẻ một tay chì lắm. Tôi thì chỉ muốn chui vào nằm cạnh nàng mà ngủ một giấc say sưa. Nhưng thật khó mà làm thế được. Không hiểu sao tôi lại nhớ đến vở kịch đã đóng trong hội ca diễn thời tiểu học. Hồi ấy, tôi đã đóng vai ông thợ làm bao tay, có chú chồn con đến hỏi mua bao tay từ ông thợ ấy. Nhưng chú chồn không mang đủ tiền.
-"Chừng ấy thì chả mua được bao tay đâu". Tôi nói, ra dáng một kép độc.
-"Nhưng mà mẹ cháu kém chịu lạnh lắm. Tay đã nứt nẻ ra vì lạnh quá đấy". Chú chồn con năn nỉ.
-"Không được là không được. Về gom góp cho đủ tiền rồi hãy lại đây. Có thế mới..."
-"Thỉnh thoảng em vẫn đốt nhà kho đấy anh".
Chàng nói.
-"Cái gì kia?". Tôi nói. Còn đang lơ mơ chuyện cũ, tôi có cảm giác mình nghe nhầm.
-"Thỉnh thoảng em vẫn đốt nhà kho đấy". Chàng lặp lại.
Tôi hướng mắt về phía chàng. Chàng đang miết móng tay dọc theo đường vân trên hộp quẹt, xong hít khói cần sa vào thật sâu trong phổi, giữ lại đấy đến mươi giây, rồi từ từ thở khói ra. Trông cứ như là thứ linh khí gì đấy từ miệng chàng bay ra phiêu bồng trong không khí. Chàng trao điếu thuốc cho tôi.
-"Thứ ngon lành đấy chứ nhỉ". Chàng nói.
Tôi gật đầu.
-"Mang từ Ấn Độ sang đấy. Chỉ chọn thứ phẩm chất tốt mà thôi. Thuốc này mà hút vào thì nhớ ra được nhiều thứ một cách kỳ lạ, như là màu ánh sáng hay mùi hương nào đấy. Phẩm chất của ký ức...". Chàng ngưng ngang như đang gắng tìm chữ một hồi, ngón tay búng vào nhau vài cái..." như hoàn toàn đổi khác. Anh có nghĩ thế không?"
Tôi nói tôi cũng nghĩ thế. Tôi lúc ấy còn đang nhớ đến tiếng ồn ào lao xao trên sân khấu buổi ca diễn cùng mùi sơn của các bức vẽ trên giấy bìa cứng dùng làm phông ngày trước.
-"Tôi muốn nghe chuyện đốt nhà kho ấy". Tôi nói.
Chàng nhìn tôi, nét mặt không lộ vẻ gì khác lạ.
-"Nói được không anh?"
-"Dĩ nhiên là được chứ".
-"Chuyện đơn giản thôi. Tưới xăng lên, ném que diêm bắt lửa vào đấy, bùng lên một phát, thế là xong. Cháy tiêu hết chỉ cần không đến 15 phút".
-"Thế thì...". Tôi khựng lại vì không tìm ra lời nói cho thích hợp. -"Nhưng mà vì sao lại đốt nhà kho thế?".
-"Nghe kỳ quái, phải không anh?"
-"Không hiểu được. Cậu đốt nhà kho, còn tôi thì không. Giữa hai điều ấy đã có khác nhau rồi. Đối với tôi thì có kỳ quái hay không chưa kể, trước hết cần vạch rõ là có sự khác biệt ấy. Điều ấy cần cho cả hai. Vả lại, chuyện đốt nhà kho ấy là cậu nói ra trước mà".
-"Vâng". Chàng nói. -"Đúng thế thật. À, mà anh có đĩa nhạc của Ravi Shankar nào không?"
Tôi đáp không. Chàng có vẻ lơ đãng một lúc.
-"Khoảng hai tháng là đốt một nhà kho". Chàng nói, rồi lại búng ngón tay. -"Mức độ ấy có vẻ là tốt nhất. Dĩ nhiên là tốt nhất đối với em ấy".
Tôi mơ hồ gật đầu. Mức độ là thế nào? Tôi hỏi:
-"Nhưng mà cậu tự tay mình đốt nhà kho của mình đấy à?"
Chàng nhìn tôi có vẻ ngờ ngợ, ngạc nhiên về câu hỏi:
-"Tại sao lại phải tự mình đốt nhà kho của mình? Mà em làm gì có nhiều nhà kho thế?"
-"Thế nghĩa là...". Tôi nói. -""Cậu đốt nhà kho của người ta đấy sao?"
-"Đúng thế". Chàng nói. -"Tất nhiên là thế. Nghĩa là hành vi phạm pháp đấy. Giống như anh và em lúc này đang ngồi hút cần sa với nhau thế này rõ ràng là hành vi phạm pháp đấy".
Tôi ngồi chống khuỷu tay vào tay dựa của chiếc ghế, im lặng.
-"Chính là tự tiện nổi lửa đốt nhà kho của người ta đấy. Tất nhiên là phải chọn nơi nào không gây ra hỏa hoạn quá lớn. Bởi vì em cũng đâu có muốn gây ra hỏa hoạn lớn, chỉ muốn đốt nhà kho thôi".
Tôi gật đầu, dụi tắt điếu thuốc đã hút gần hết rồi.
-"Nhưng mà bị tóm thì sinh chuyện rầy rà đấy. Gì chứ tội phóng hỏa có khi bị tù khổ sai đấy chứ không đùa đâu".
-"Làm sao mà bị tóm được!" Chàng nói như chẳng có gì đáng lo. -"Tưới xăng lên, quẹt diêm, xong chạy ngay ấy mà. Rồi từ xa, dùng kính viễn vọng, thảnh thơi mà ngắm. Không làm sao mà bị tóm được. Thứ nhất, cháy một cái nhà kho bé tí thế kia thì cảnh sát cũng chả thèm động đậy làm gì".
-"Thêm vào đấy, ai mà nghĩ được rằng một chàng trai trẻ lái xe ngoại, trông đàng hoàng đứng đắn thế kia mà lại đi đốt nhà kho đâu, phải thế không?"
Chàng mỉm cười gật đầu: -"Đúng thế đấy".
-"Mà cô ấy có biết chuyện này không?"
-"Cô ấy không biết gì cả đâu. Chuyện này em đâu có nói với ai".
-"Vậy sao cậu lại nói với tôi?"
Chàng giương thẳng mấy ngón tay của bàn tay trái ra, xoa lên má. Những cọng râu dấy lên tiếng lạo xạo nho nhỏ.
-"Em nghĩ anh là người viết tiểu thuyết, hẳn là rành những mô thức hành động của con người. Thêm vào đấy, tiểu thuyết gia hẳn là người trước khi phê phán sự việc gì, cũng thưởng ngoạn sự việc ấy như chính nó. Thế nên mới nói với anh đấy".
Tôi gắng suy nghĩ về điều chàng nói một hồi. Có vẻ hợp lý. Tôi nói:
-"Chắc là cậu nghĩ đến các tác giả hạng nhất rồi".
Chàng cười lớn như vừa nghe chuyện khôi hài:
-"Nói thế này có lẽ nghe kỳ lạ lắm". Chàng vươn hai tay ra trước mặt, vỗ vào nhau. -"Trên thế gian này có rất nhiều nhà kho có lẽ đang chờ tay em đốt đi. Thứ nhà kho dựng lên lẻ loi ở bờ biển, nhà kho trơ trọi ngoài đồng trống, � đủ loại nhà kho ấy. Chỉ cần 15 phút là tiêu bén đi ngay. Cứ như là ngay từ ban sơ đã chẳng có gì ở chỗ ấy. Chẳng có ai buồn tiếc gì cả. Chỉ có biến mất tiêu trong khoảnh khắc. Chỉ nghe phụt một cái".
-"Chúng không cần thiết gì cả là chính cậu phán xét đấy à?"
-"Em có phán xét gì đâu. Chỉ quan sát thế thôi. Giống như là mưa ấy. Mưa xuống. Sông đầy nước. Vật gì rơi vào luồng nước thì bị cuốn đi. Mưa có phán xét gì đâu. Này nhé, em tin vào đạo lý. Đạo lý của con người là dung nhận sự hiện hữu đồng thời".
-"Hiện hữu đồng thời là gì?"
-"Nghĩa là, em đang ở nơi đây, mà đồng thời em cũng đang ở nơi kia. Em đang ở Tokyo này đây, mà em cũng đang ở Tunis. Buộc tội là em, mà đồng thời tha thứ cũng là em. Ngoài ra còn gì khác nữa đâu anh".
Ngơ ngẩn. Tôi nói:
-"YÙ kiến của cậu có vẻ cực đoan. Chung quy là một ý kiến đặt cơ sở trên một giả thuyết. Nói một cách nghiêm túc thì ngay cả khái niệm đồng thời ấy cũng mơ hồ lắm".
-"Em hiểu như thế. Em chỉ muốn biểu hiện cảm nghĩ của mình đấy thôi. Mà thôi, ta ngừng chuyện ấy đi. Em vốn ít lời, mà hút cần sa vào lại đâm ra lắm mồm thế này".
-"Uống bia không?"
-"Cảm ơn anh. Xin anh".
Tôi vào phòng bếp mang ra 6 lon bia và phó mát camembert. Mỗi người uống 3 lon bia và nhắm phó mát.
-"Lần trước đốt nhà kho là hôm nào thế?" Tôi hỏi chừng.
Chàng bóp nhẹ lon bia không trong tay, trầm ngâm một lúc như cố nhớ lại.
-"À, mùa hè, đâu khoảng cuối tháng Tám đấy".
-"Rồi lần tới định là lúc nào?"
-"Chưa biết được. Cũng chẳng dự tính gì trước, hay là ghi sẵn trên lịch đâu. Khi nào thấy thích thì đi thôi".
-"Thế nhưng đâu phải lúc nào cậu thấy thích thì có ngay nhà kho thích hợp vừa ý cho cậu đốt đâu?"
-"Tất nhiên là thế". Chàng nói, giọng hòa hoãn. -"Bởi thế nên chọn trước nhà kho nào thích hợp cho mình đốt".
-"Giữ chỗ sẵn đấy nhỉ?"
-"Vâng, đúng thế đấy".
-"Hỏi thêm một điều nữa thôi, có được không?"
-"Được chứ anh".
-"Thế cậu đã nhắm được nhà kho sắp đốt lần tới chưa?"
Chàng nhíu mày, rồi mũi hít vào thật sâu đến ra tiếng.
-"À, đã nhắm xong rồi đấy".
Tôi im lặng nhấm nháp chút bia còn lại trong lon. Chàng nói tiếp:
-"Nhà kho này được lắm. Lâu lắm mới có nhà kho xứng đáng để đốt. Sự thật là hôm nay đã đi điều tra để chuẩn bị đấy".
-"Thế nghĩa là nhà kho ấy ở gần đây à?"
-"Gần ngay đây thôi". Chàng đáp. Chuyện nhà kho ngừng ở đấy.
Đến 5 giờ chiều thì chàng đánh thức nàng dậy, và nói lời xin lỗi đã đột ngột đến quấy rầy tôi. Đã uống đâu gần 20 lon bia rồi mà vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Chàng đưa xe từ vườn sau ra.
Lúc chia tay, tôi nói: -"Chuyện nhà kho thì tôi sẽ để ý xem".
-"Vâng. Dù sao, cũng gần đây thôi". Chàng nói.
-"Nhà kho gì thế?" Nàng hỏi.
-"Chuyện đàn ông với nhau ấy mà". Chàng đáp.
-"Ối dào".
Rồi hai người biến đi.
Tôi trở lại phòng khách, thả mình trên ghế dài. Trên bàn vẫn còn tán loạn mọi thứ. Tôi nhặt chiếc áo khoác vải thô rơi trên sàn phòng, đắp kín từ đầu xuống, ngủ một giấc say sưa. Khi mở mắt ra thì căn phòng tối om. Đã 7 giờ tối rồi. Bóng đêm xanh thẩm và mùi cần sa ngào ngạt bao trùm căn phòng. Bóng tối chênh vênh kỳ lạ. Nằm dài trên ghế, tôi cố nhớ tiếp màn kịch trong buổi ca diễn ngày xưa ấy nhưng không sao nhớ thêm được gì. Không biết rồi chú chồn con ấy có mua được bao tay không?
Tôi nhỏm dậy, mở cửa sổ cho thoáng khí, vào bếp nấu nước pha cà-phê uống.
°
Ngày hôm sau, tôi đến hiệu sách mua bản đồ của khu vực nhà mình, loại bản đồ chi tiết 1 phần 200 ngàn, ghi cả những đường hẻm. Cầm tấm bản đồ ấy, tôi đi rảo hết các đường chung quanh nhà mình, đánh dấu tréo bằng bút chì vào các địa điểm có nhà kho. Ròng rã 3 ngày, đi nát hết không chừa một góc nhỏ nào của một vùng mỗi cạnh 4 km. Nhà tôi ở vùng ngoại vi thành phố, chung quanh vẫn còn nhiều nhà nông, do đó có nhiều nhà kho. Tất cả 16 cái. Nhà kho mà chàng ta định đốt chắc hẳn là một trong đám 16 cái này. "Gần đây thôi" như cách chàng nói thì tôi tin chắc rằng nó không cách xa nhà tôi hơn được đâu. Thế rồi, tôi kiểm kê cặn kẽ tình trạng của từng cái một trong đám 16 nhà kho ấy. Trước tiên là loại bỏ những nhà kho nào quá gần nhà người ta đang ở, hay dựng sát bên cạnh các nhà kiếng, nhà ươm trồng phủ vải nhựa. Thứ đến, loại luôn những nhà kho nào chứa nhiều nông cụ hay nông dược, người ta ra vào nhiều lần. Tôi nghĩ chàng ta không muốn đốt cả nông cụ hay nông dược đâu.
Kết cuộc, còn lại 5 cái, 5 nhà kho có vẻ đốt được. Hay là 5 cái nhà kho có đốt đi cũng không sao. Thứ nhà kho chỉ cần độ 15 phút là cháy tiêu mất, và có cháy tiêu đi cũng chẳng ai tiếc nuối gì. Cái nào trong 5 nhà kho này là cái chàng định đốt thì tôi không quyết được. Chỉ còn là chuyện thích cái này hay cái kia thôi. Tôi thật nóng lòng muốn biết chàng ta định đốt cái nào trong 5 nhà kho ấy. Tôi trải rộng bản đồ ra, chừa 5 chỗ ấy lại, còn thì xoá hết các dấu tréo. Xong, dùng thước thợ, thước vẽ đường cong và thước đo, tôi vạch ra con đường ngắn nhất từ nhà đi qua cả 5 nhà kho ấy rồi về lại nhà. Bởi vì đường đi phải uốn vòng theo con sông và ngọn đồi, nên vạch ra được đường ngắn nhất cũng tốn nhiều thì giờ. Kết cuộc, cự ly ngắn nhất là 7.2 km, tôi đã đo đi đo lại nhiều lần nên chắc chắn không sai lệch bao nhiêu.
6 giờ sáng hôm sau, tôi mặc áo quần tập thể thao, mang giày thể thao, chạy theo con đường đã vạch ra ấy. Từ trước, mỗi ngày hai lần sáng chiều vẫn chạy 6 km mỗi lần, nên có chạy thêm 1 km mỗi vòng cũng chẳng cực nhọc gì hơn. Phong cảnh bên đường cũng không đến nỗi tệ. Tuy có hai chỗ cắt ngang đường rầy tàu điện nhưng cũng hiếm khi gặp đúng lúc tàu điện chạy qua. Từ nhà chạy ra, trước tiên là vòng qua sân vận động của trường đại học, rồi chạy dọc theo con sông trên khoảng đường chưa chỉnh trang khoảng 3 km. Nhà kho thứ nhất nằm trên khoảng chạy ấy. Thế rồi chạy xuyên qua khu rừng thưa trên đường hơi dốc lên. Có nhà kho thứ hai. Phía trước một tí là tàu ngựa đua, có thể đám ngựa sẽ náo động khi thấy lửa, nhưng cũng chỉ thế thôi, không thiệt hại gì hơn. Nhà kho thứ 3 và thứ 4 trông giống nhau như một cặp song sinh vừa già vừa xấu xí, lại chỉ cách nhau có 200 thước. Cả hai đều cũ và dơ bẩn. Nếu đốt thì đốt cả hai cùng lúc cũng được.
Nhà kho cuối cùng dựng bên cạnh cổng đường rầy tàu điện, ở địa điểm 6 km. Một nhà kho bị bỏ phế hoàn toàn, hướng mặt về phía đường rầy, có gắn tấm bảng kẽm quảng cáo Pepsi-Cola. Căn nhà -tôi không chắc còn gọi được nó là căn nhà không nữa- hầu như đang trên tiến trình sập đổ hoàn toàn. Trông thật đúng như cách chàng ta nói là chỉ còn chờ đến ngày có người nào đến đốt tiêu đi thôi. Tôi dừng lại trước nhà kho cuối cùng này, thở thật sâu vài lần, rồi băng ngang đường rầy, chạy về nhà. Tất cả 31 phút 30 giây. Cũng tàm tạm. Tôi tắm táp và ăn sáng. Xong trước khi bắt đầu làm việc, cho chạy một đĩa nhạc, vừa nghe nhạc vừa ngắm cây long não trong vườn.
Trong vòng một tháng, mỗi sáng tôi chạy một vòng như thế. Chẳng có nhà kho nào bị đốt cả. Đôi lúc tôi nghĩ hay là chàng ta dụ tôi đốt nhà kho? Đầu tiên là nhồi nhét hình ảnh đốt nhà kho vào trong đầu tôi trước, xong từ từ bơm phồng nó lên như người ta bơm thêm không khí vào bánh xe đạp ấy. Quả thật, có đôi lúc tôi đã nghĩ thay vì kiên trì chờ đợi chàng ta đốt nhà kho, chi bằng tự mình quẹt diêm đốt quách đi thì đỡ thấp thỏm hơn. Chứ chỉ lũ nhà kho cũ rích ấy thì có đáng gì. Nhưng nghĩ thế thì quá đáng thật. Vấn đề thực tế là tôi không khi nào đốt nhà kho. Đốt nhà kho là chàng ta kia mà. Có lẽ chàng đã đổi ý, định đốt nhà kho ở khu nào khác rồi. Hay có lẽ là bận bịu quá chưa tìm ra thì giờ để đi đốt nhà kho. Mà nàng cũng hoàn toàn chẳng thấy liên lạc gì cả.
Sang tháng 12, hết mùa thu, khí trời buổi sáng sớm đã bắt đầu chích buốt vào da. Đám nhà kho vẫn còn nguyên đấy, chỉ có thêm sương trắng rơi đọng trên mái. Vang động tiếng đập cánh của lũ chim mùa đông trong khu rừng băng giá đông cứng kia. Thế giới vẫn chuyển động như chẳng có gì thay đổi.
Lần kế tôi gặp lại chàng là khoảng giữa tháng 12 năm ngoái, trước ngày Giáng Sinh một tí. Đi đâu cũng nghe nhạc Giáng Sinh. Tôi đi rong các phố tìm mua đủ thứ quà tặng cho đủ thứ người thân quen. Cho vợ là áo len màu xám bằng lông lạc đà, cho em họ là cuộn băng các bản nhạc Giáng Sinh do Willie Nelson hát, cho con của em gái là truyện bằng tranh, cho bạn gái là cái gọt bút chì có hình con nai, và cho chính tôi là áo sơ-mi thể thao màu lục. Tay phải nắm mấy bao giấy đựng mấy món quà ấy, tay trái thọc vào túi áo khoác vải thô, lúc đến khoảng Nogizaka, tôi nhìn thấy chiếc xe của chàng. Đúng là chiếc xe thể thao màu bạc của chàng, không lầm đâu được. Đúng số xe vùng Shinagawa ấy, đúng vết trầy nhỏ bên cạnh đèn trước bên trái ấy. Chiếc xe đậu trong bãi đậu của quán cà phê. Không ngần ngừ, tôi bước vào quán. Bên trong tối và nồng mùi cà phê. Ít nghe tiếng người nói, chỉ nghe tiếng nhạc đệm baroque êm dịu trôi chảy. Tôi làm bộ kiếm chỗ ngồi, đưa mắt tìm chàng. Và thấy ngay. Chàng đang ngồi một mình gần cửa sổ, uống cà-phê sữa. Trong quán thì nóng hầm đến mờ mắt kính của khách, thế mà chàng vẫn mặc chiếc áo khoác bằng len cashmere màu đen cố hữu. Khăn choàng cổ cũng để nguyên.
Tôi hơi lưỡng lự, nhưng rồi cũng lên tiếng gọi chàng. Nhưng không nói gì đến chuyện thấy xe chàng đậu phía trước, chỉ làm như mình tình cờ bước vào quán và ngẫu nhiên mà gặp chàng thôi.
-"Tôi ngồi đây được không?"
-"Được chứ, mời anh". Chàng nói.
Rồi trao đổi bâng quơ thiên-hạ-sự không đâu vào đâu. Đã chẳng có đề tài gì chung, mà chàng lại có vẻ đang bận tâm chuyện gì đấy. Tuy thế vẫn không có vẻ gì phiền nhiễu vì có tôi ngồi cùng bàn. Chàng nói chuyện phi trường Tunisia, rồi nói chuyện tôm bắt được ở xứ ấy, một cách thành tâm chứ không phải vì lễ nghĩa mà phải nói. Nhưng rồi câu chuyện ngưng nửa chừng. Chàng đưa tay lên gọi thêm hai cốc cà-phê sữa.
-"Mà này, chuyện nhà kho đến đâu rồi?" Tôi hỏi liều.
Chàng mỉm cười nhẹ ở khoé môi.
-"Nhà kho à? Tất nhiên là đốt rồi chứ. Đốt đẹp như đã hứa với anh đấy".
-"Gần ngay nhà tôi đấy chứ?"
-"Đúng thế. Gần ngay nhà anh đấy".
-"Lúc nào?"
-"Sau hôm đến thăm anh chừng 10 ngày thôi".
Tôi bèn đem chuyện mình đã đánh dấu vị trí các nhà kho trên bản đồ rồi mỗi ngày chạy qua trước đám nhà kho ấy, ra nói.
-"Do thế mà tôi không thể nào không biết nếu đã đốt rồi". Tôi nói.
-"Anh tỉ mỉ quá nhỉ". Chàng nói, có vẻ thích thú. -"Tỉ mỉ và rất là luận lý. Nhưng mà chắc chắn là anh đã bỏ sót rồi. Chuyện thế vẫn thường có đấy. Gần quá thì lại không thấy mà bỏ sót mất".
-"Khó hiểu thật".
Chàng sửa lại cà-vạt rồi nhìn đồng hồ.
-"Gần quá đấy anh". Chàng nói. -"Nhưng mà đã đến giờ em phải đi rồi. Chuyện ấy để đến lần gặp tới mình sẽ nói tiếp nhé. Anh tha lỗi cho. Người ta đang chờ gặp em đấy".
Tôi không có lý do gì để trì kéo chàng ta nữa. Chàng đứng lên, cho thuốc lá và hộp quẹt vào túi.
-"À, tự lần trước, anh có gặp lại cô ấy không?" Chàng hỏi.
-"Không, có gặp đâu. Cậu thì sao?"
-"Em cũng không gặp. Mà cũng không sao liên lạc được. Cô ấy không ở nhà trọ, điện thoại không được, mà lớp kịch câm cũng không đến đã lâu lắm rồi".
-"Không lẽ cô ấy thình lình đi chơi xa đâu đấy rồi. Từ trước cũng đã có vài lần như thế".
Chàng nán lại, hai tay đút vào túi áo khoác, nhìn đăm đăm lên bàn.
-"Không có đồng nào mà đi cả một tháng rưỡi được sao? Lại ngay tháng 12, đang là mùa đông nữa".
Tôi nói tôi cũng chẳng hiểu được.
Chàng búng tay vài cái bên trong túi áo khoác.
-"Em biết rõ là cô ấy hoàn toàn không còn đồng xu nào. Bạn bè cũng không có ai. Sổ điện thoại thì đầy những tên đấy, nhưng thật ra chẳng có ai là bạn cả. À, mà riêng anh thì cô ấy tin cậy lắm. Em không nói nịnh đâu". Chàng lại nhìn đồng hồ. -"Thôi em đi đây. Hẹn anh lần sau nhé".
-"Vâng, lần sau vậy". Tôi nói.
°
Sau đó, tôi điện thoại cho nàng nhiều lần, nhưng điện thoại ấy đã bị sở điện thoại cắt rồi. Lo lắng, tôi tìm đến nhà trọ của nàng. Phòng nàng vẫn đóng cửa. Người quản lý nhà trọ thì chẳng thấy đâu nên ngay cả chuyện nàng có còn ở đấy không cũng không rõ. Tôi xé giấy trong sổ tay, ghi mấy chữ: "Muốn em liên lạc đến tôi." cùng với tên tôi, xong đút vào ngăn nhận thư của phòng nàng. Chẳng có liên lạc gì cả.
Lần sau tôi đến phòng trọ ấy thì bản tên người trọ ở cửa phòng đã ghi tên người khác rồi. Tôi gõ cửa nhưng mãi không có ai mở. Mà người quản lý thì vẫn chẳng thấy đâu. Tôi đành chịu. Chuyện đã gần một năm trước.
Nàng đã biến đi đâu mất tiêu.
°
Tôi vẫn còn chạy qua 5 cái nhà kho ấy mỗi buổi sáng. Các nhà kho chung quanh nhà tôi vẫn chưa có cái nào bị đốt. Cũng không nghe nói có nhà kho nào bị đốt ở đâu cả. Rồi tháng 12 lại đến. Lũ chim mùa đông lại bay ngang đầu. Trong bóng tối mịt mùng của đêm, đôi lúc tôi lại nghĩ đến những nhà kho bị đốt. Và tôi càng ngày càng già đi.
Phạm Vũ Thịnh dịch
Sydney 03/04
Cước chú:
  [1] Gatsby: một chàng trai thành công, giàu có, nhân vật tiểu thuyết trong "The Great Gatsby" của F. Scott Fitzgerald, 1925.
Truyện ngắn "Đốt Nhà Kho - Naya wo Yaku", ra mắt độc giả tháng 11 năm 1982, được dùng làm mô hình cho sinh viên Cleveland State University, Cleveland, Ohio, USA, nghiên cứu về văn học hậu-hiện-đại post-modern Nhật Bản. Và là một trong những tác phẩm Murakami Haruki đã gợi ý cho đạo diễn Atta Chui dựng nên phim ngắn "Memory Chase" ở Hongkong.

Xem Tiếp: ----