1
Dân miền Nam dễ dãi trong việc đặt tên người và địa danh. Cha tên Khỏe, con là Mạnh. Cha tên Lúa, đặt cho các con: Dun, Đầy, Bồ, Mừng, Dui... Cứ nghĩ sao, đặt vậy; cũng là cách biểu thị lòng mơ ước của người bình dân. Địa danh cũng vậy, cái gì chỉ ra được cái chung cho nơi đó thì họ gọi tên như vậy: Giáp Nước, Ngọn Miễu, Xóm Đình...Tên "chữ" chỉ nằm trên giấy tờ hành chánh. Thành thử trong miền Nam có bao nhiêu chỗ có tên Giáp Nước, Ngọn Miễu, Xóm Đình...? - Nhiều lắm, không chừng tỉnh nào, làng nào, xã nào cũng có. Cho nên câu chuyện tôi kể về Xóm Cầu Ngang này cũng có thể giống như bất kỳ Xóm Cầu Ngang nào khác, ở một làng một xã nào đó trong miền Nam, nơi sông rạch chằng chịt. Chỉ cần một cây cầu, bằng xi-măng kiên cố hay chỉ miếng ván, thân cau, cây tre... lung lay, nối hai xóm ở hai bờ con rạch hay con sông nhỏ, cũng có thể làm cư dân quanh đó chấp nhận cái tên "Xóm Cầu Ngang".
Hồi đó, lúc mới về làm ruộng, tôi vô tuốt trong Ngọn Miễu, sống heo hút một mình, kiểu như chán mọi chuyện, tưởng mình theo gót Lão, Trang; tìm nơi vắng vẻ, có gì ăn nấy, cứ thuận theo thiên nhiên mà sống. Phải chi không vợ con, có lẽ tôi cũng "tu" theo kiểu đó rồi. Ngặt một điều, mấy đứa con ngày càng lớn, tụi nó cũng phải đi học, phải có bạn... không lý gì tôi bắt chúng phải "tu" theo mình. Còn vợ tôi nữa, đành rằng "có chồng thì phải theo chồng, đói no cùng chịu, lạnh lùng cùng cam" nhưng thấy sao mà tội quá. Cho nên, chỉ sau vài năm, tôi sang lại miếng vườn nhỏ ở Xóm Cầu Ngang, rồi dọn về đó, lòng nhủ lòng, đó là do mình "thương vợ thương con"! Bà con trong xóm, thấy tôi có chút chữ nghĩa hơn họ, gọi tâng là thầy, tôi thứ năm, họ gọi chết danh "thầy Năm" cho dù tôi không phải thầy giáo, thầy tụng, thầy ký... gì hết; không mấy người biết tên thật của tôi. Xét cho cùng, có cần gì biết tên họ thật, họ chỉ cần tên gọi để ai cũng nhận biết là được rồi, cần chăng là mấy người làm việc trên xã, nhờ tên thật khai trong đơn xin mua này mua nọ, hay trong hộ khẩu. Cả ấp, chỉ có hai "thầy" thứ thiệt là thầy giáo Lễ dạy ở trường cấp một và thầy y tá Hường phụ trách phòng y tế xã, nhưng cả hai đều ở tuốt ngoài Xóm Đình, cách xóm Cầu Ngang của tôi hơn hai cây số.
Cả xóm chừng ba mươi nóc gia, nối nhau bằng chiếc cầu ngang ba nhịp, nhịp giữa là một thân cau lão, lung lay như răng bà già, vắt ngang con kinh chảy quanh co giữa mấy khu vườn um tùm mấy đám ô rô, cóc kèn, dừa nước mọc dày ken ở hai bờ; nhiều đêm tối trời bơi xuồng, không thấy được mũi xuồng đằng trước. Đúng ra, cầu có tay vịn bằng tre, nhưng không biết ai rắn mắt gỡ mất, có ai đó thay tạm một cây trúc thấp tè ngang đầu gối, quặt quà quặt quẹo; ban ngày ban mặt, đi một hơi năm bảy bước là qua nhịp bên kia, còn ban đêm tối hù, thôi thì bò bò đi cho chắc ăn. Cầu này hồi trước do Xây dựng Nông Thôn làm, cả ba nhịp bằng xi-măng chắc chắn. Bây giờ, chỉ còn lại hai đầu là hai tấm xi-măng mẻ nhan nhở, lòi cả cốt sắt bên trong, gối lên hai bờ, còn miếng lớn ở giữa dài hơn hai sải tay đã mục gãy, cắm đầu xuống lòng sông, cư dân hai bên bờ thay nhịp giữa, khi thì tấm ván bìa, khi thì thân cau, thân dừa lão. Có vậy còn hơn phải lội bọc lên phía trên hay phía dưới cách hơn cây số, hay phải lội băng ngang sông.
Cư dân gồm cả dân cố cựu, cả ba bốn đời lập nghiệp ở đây, cùng với đám mới ngụ cư như gia đình tôi và Hai Phang, ngày trước đi Xây Dựng, nay về sống đùm đậu với má vợ, giáp ranh nhà tôi. Bên kia con lạch nhỏ là nhà Hai Lý, con năm đứa, hai Việt, hai lai trắng, một lai đen. Hai Lý một thời đi bán ba, chồng đạp xích lô ở Sài Gòn. Trừ mấy người mới về, còn thì hấu hết là bà con xa gần với nhau. Nghề chính của dân trong xóm là làm ruộng, trước khi vào tập thể có nhà có đến mười mấy, hai chục công ruộng, sau đó chỉ còn lại năm ba công, tùy theo số lao động trong nhà nhiều hay ít. Nam phụ lão ấu trong xóm có đủ, từ mấy lão nông tri điền, bảy tám mươi tuổi, đi ruộng từ lúc còn trong bụng mẹ, cho đến đám loi choi mới lớn. Từ ngày làm ruộng kiểu tập thể, người dân không đủ sống, quay ra làm đủ thứ nghề tay trái khác: xe đạp ôm, gia công dệt thảm, dệt chiếu cho mấy tập đoàn chiếu thảm xuất khẩu ngoài tỉnh, bán cà-rem, hớt tóc dạo, mua ve chai lông vịt... đủ nghề hết! Chỉ một hai năm sau, dân trong xóm ai cũng thuận tay trái hơn tay mặt. Lúc phải làm, họ ráng sức làm chết bỏ, quên ăn quên ngủ, lúc rảnh rang, họ nhậu, mà cũng nhậu tới bến, quên ăn quên ngủ.
2
 
Tiếng Tư Em bên ngoài vọng vào
- Thầy Năm ơi! ông Tư, ông già của Chín Đẹt gần "đi" rồi, thầy muốn qua đó một chút hôn, sẵn đuốc nè, mình đi luôn, có cả Hai Phang nè.
- Anh Tư chờ một chút, tui xỏ cái áo rồi ra liền
Ba anh em bò qua Cầu Ngang. Nói bò là đúng vì không dám đi, nhất là trong đêm hôm, trời lại mưa rỉ rả. Nhịp giữa cầu là một thân cây cau.
Nhà Chín Đẹt thắp sáng bằng hai cây đèn măng-sông ếch-đa của Tám Lú và Sáu Cu cho mượn, trong nhà đầy người, từ nhà trên xuống nhà dưới, ba bốn chiếc bàn tròn được bày dọc hàng hiên vì trời vẫn còn mưa lất phất. Bà con quanh xóm tụ lại, đàn bà, thanh niên lo kê bếp, nước nấu liên tục để châm trà, đàn ông ngồi túm tụm ở nhà trên bàn chuyện và... chờ. Ông Tư nằm một chỗ cũng mấy tháng nay, nên cả Chín Đẹt với bà con chòm xóm thấy chuyện ổng về với ông bà chỉ còn là ngày một, ngày hai. Chín Đẹt cũng lo liệu cho cha đầy đủ, quan tài đóng sẵn từ lúc hai ông bà còn sống, bả đi trước rồi, bây giờ ổng theo. Phần đất dành cho ông Tư, ngay sát cạnh bà Tư cũng đã được đám thanh niên trong xóm dọn dẹp trống trải. Hồi chiều thằng Hai, con rể chín Đẹt qua tuốt bên Giáp Nước đem về một con bò cột đàng sau, chờ làm đám.
Ngồi chơi với anh em một chặp, tôi xin kiếu về...
Chừng gần sáng, lúc tôi châm bình trà mới thì Tư Em đi ngang báo tin:
- Thầy Năm ơi, ông Tư đi rồi...
Nhà Chín Đẹt bây giờ còn tất bật hơn hồi đầu hôm, con bò làm đám đã được đâm họng và đang xả thịt, tiếng người nói, tiếng dao thớt va chạm lao xao... Ở nhà trên, người ta đã thay quần áo cho ông Tư bằng bộ bà ba trắng còn mới, hai ngón chân cái được cột dính bắng rẻo vải trắng, nải chuối xanh đặt ngay ngắn trên bụng. Quan tài của ông Tư được kê ngay ngắn giữa nhà, trước bàn thờ, đã lót hai chiếu mới và vải trắng phủ ra ngoài thành quan tài. Trong góc nhà, ba bốn người đang dùng giấy báo cuốn bông gòn đã rút sạch lõi và hột, làm loa kèn để liệm người chết. Có tiếng út Một:
-Bà con cuốn giùm cho đều tay, đừng chặt quá, đừng lỏng quá!Chặt quá tốn gòn; lỏng quá dễ sút. Ờ, ờ như vầy là được rồi.
Người ta chờ rước thầy tụng, và nhờ người xuống chùa ngoài chợ huyện xin thầy coi giùm giờ liệm, giờ chôn cất. Ông Năm thợ mộc đang tính toán số con cháu ông Tư để xé khăn tang. Bà con chòm xóm quá quen thuộc với việc ma chay nên ai làm được việc gì giúp gia chủ thì làm.
Có tiếng Hai Phang:
- Thầy Năm, chín Đẹt muốn nhờ thầy...
Tôi biết anh chín muốn nhờ gì rồi, từ ngày "định cư" ở xóm Cầu Ngang này, tôi nghiễm nhiên trở thành "thư ký" của mấy đám quan hôn tang tế trong xóm. Trước tôi do ba Quang, con dì Ba Xệ, học hết tiểu học lo, khi tôi về sống trong xóm, ba Quang giao tôi, nói tôi có chữ nghĩa nhiều hơn. Tôi chịu trách nhiệm về sổ sách chi thu, đám ma ghi rõ ai phúng điếu bao nhiêu, chi tiền chợ cho ai bao nhiêu; đám cưới ai đi mừng bao nhiêu. Phần tiền mặt do một người bà con gia chủ giữ; miễn sao cho tiền trên giấy tờ và thực tế ăn khớp nhau là được. Tôi cũng vui vẻ nhận, mình từ chợ về, không biết gì nhiều về tập tục dân làng, lại không phải là người có sức vóc gì, thì giúp cho họ trong việc ghi chép phân minh việc tiền bạc cũng là việc nên làm, sẵn dịp học cách sống thật của người dân quê mà đám có học ngoài "chợ" chỉ biết rất mù mờ qua sách vở, tiểu thuyết.
Một chiếc rạp được dựng tạm ngoài sân che nắng, gần chục bộ bàn tròn đã bày ra. Đám thanh niên mau tay lẹ chân lo hết mấy việc này, họ bơi xuồng đến mấy nhà kha khá mượn chén dĩa, nồi niêu, bàn ghế. Mượn của ai, nói thư ký ghi giấy, mai mốt gia chủ cứ theo đó mà trả. Sinh hoạt này, ngày trước sống nơi thị tứ không thấy. Ở đây, một nhà hữu sự, mọi người cùng góp công, góp sức, nhất là những lúc bất ngờ như vầy, không thấy ai kêu ca hay từ chối, bất kể có mất mát hay hư hao chút đỉnh. Mà cũng ngộ, nhà nào cho mượn cũng có dấu riêng, như hai bộ bàn ghế cùa Bảy Dẹt có ghi 7d ở mặt dưới; còn chén dĩa thì họ chấm sơn màu ở khu. Thường tôi phải ghi rõ: Hai Tú 10 tô, 30 chén, chấm vàng; Tám Ú 5 tô nhỏ, 6 dĩa, 15 chén, 2 chấm xanh... còn đũa chỉ ghi bao nhiêu đôi, lúc trả gia chủ chỉ cần đếm cho đủ mà trả, thiếu chút đỉnh không sao; đủa tre mà, một lóng tre già chẻ được hơn chục đôi, của có sẵn, ngồi chuồt chừng tiếng đồng hồ, được cả rỗ
Dân trong xóm đã tụ lại khá đông, họ ngồi uống trà bên ngoài. Bên trong, thầy tụng đang làm lễ nhập quan và phát tang cho con cháu ông Tư. Tiếng thầy í a lên xuống đều đặn theo tiếng chuông mõ, tiếng khóc khi lớn khi nhỏ lao xao với tiếng người nói chuyện rì rầm... Người ta khen ông Tư được phước, chết ở tuổi tám mươi ba là thọ quá rồi, con cháu đầy đủ, ấm cúng.
Hồi còn sống, mỗi khi qua chín Đẹt chơi ông vẫn thường chỉ cho tôi coi cỗ quan tài bằng lõi gỗ còng nâu bóng và nặng trịch kê trong góc chái mà nói:
- Năm coi, như vầy là qua yên tâm rồi, chỉ còn chờ ngày theo bả thôi.
Chín Đẹt chen vào;
- Tía tui khoái nó lắm, hồi nẳm, tui cho hạ cây còng lão, lõi ra gần tới da, đem ngâm dưới mương cả hai ba năm rồi nhờ ông Năm Thợ Mộc đóng cho tía má tui hai quan tài, bả nhường cho ổng phần gốc. Bả nói, để ổng chết, ổng nằm trong đó cho lâu, khỏi sợ con gì đụng tới...
Người ta bắt đầu phúng điếu, họ nhường cho thông gia đi trước. Tiếng trống tung tung chát tung tung cùng với tiếng chập chõa xập xòa giữ nhịp cho việc lên gối xuống gối quì lạy giã từ người chết Thông gia đông quá, chín Đẹt là con út mà đã có tới hai sui rồi, kể hết sui gia với mấy anh chị, tính ra gần hai chục. Họ phải đến chào ông Tư lần chót, đạo nghĩa phải như vậy, ổng là bực trưởng thượng, với lại 'anh em ngày một xa, sui gia ngày một gần' mà!
Thằng hai con chín Đẹt mang tiền trên bàn thờ xuống:
- Thầy Năm ghi giùm: sui cô Bảy hai trăm, sui bác Ba hai trăm, ba chồng con tư ba trăm... cứ ghi như vậy tía tui biết hà.
Bên ngoài bắt đầu lao xao mời chào, tiếng hai Phang:
- Dạ, mời chú tư ngồi vô bàn này cho đủ người! Dạ, chú về sao được, tới cúng ông Tư rồi, cũng phải uống ly rượu lạt vói gia đình cho phải phép...
... Cứ như vậy, người nào tới lúc trời kêu cứ đi, kẻ còn lại vẫn cứ nếp cũ mà sống. Có người uống vài hớp rượu gắp vài món ăn cho phải lễ rồi xin kiếu, cũng có người mượn rượu gia chủ để miệt mài thỏa mãn. Có lần hai Phang buông thỏng "... hèn chi có người gọi đi phúng điếu đám ma là đi chia thịt!"...
Xong đám, hôm cúng thất cho ông Tư, nghe bà con nói, ông Tư chết như vậy là ấm cúng, trong xóm ai cũng tới cúng, mấy người quen biết ở xóm Đình, Ngọn Miễu cũng đến. Tiền phúng điếu, sau khi trừ hết mọi chi phí, chín Đẹt còn "lời" hơn năm ngàn. Tư Em nói với tôi qua hơi rượu:
- Thầy Năm biết hông? không phải ai cũng được vậy đâu, hồi nẳm thầy chưa về; trong xóm, có ông hai Tổng chết. Nhà giàu quá, thằng con làm phách nói: "Lo gì! mỡ trôi tới đâu, lòng tong theo tới đó" dân trong xóm nghe được, không thèm tới! Chỉ có đám tá điền sợ mất ruộng, đến cúng cho có mặt, báo hại con bò, con heo gần một tạ với hơn chục gà vịt chết theo ổng lảng nhách. Sau mấy ngày, thằng con phải năn nỉ ông Năm thợ mộc hồi đó làm trùm trong xóm, đem khay trầu rượu xuống Xóm Đình năn nỉ đám "dưng quan" xuống khiêng quan tài, mà ở bển nghe bên này không làm cũng phải cử người vô xin phép trước. Sau đó đám con cháu hai Tổng hết dám làm phách với dân trong xóm, nhưng câu nói "mỡ trôi tới đâu, lòng tong theo tới đó" còn hoài.
3
Đám cúng thất cho ông Tư xong hôm trước, hôm sau cậu năm Côi dựng nhà. Cả đời gom góp, gần sáu mươi, cậu mới dựng được căn nhà có phần bề thế đó. Cậu năm về cặm dùi ở đây từ hơn ba mươi năm nay. Hồi đó chỉ có vài nóc gia, ruộng thì minh mông mà ở đâu cũng có chủ, phải mướn lại qua trung gian của tằng khạo. Ăn ít làm nhiều, ky cóp mua lại được mấy công đất cạnh bờ kinh, móc mương lên liếp lập vườn... Tính ra hơn hai mươi năm cậu mới đủ tiền đổ móng cuốn nền, lót gạch bông, tới đó hết vốn đành cất tạm căn nhà lá trên nền gạch bông, tuy coi khá hơn mấy nhà chung quanh nhưng ngó kỳ cục giống như mấy bát nhang chưn đèn bằng sành, bằng gỗ thô, ngự trên tủ thờ danh mộc có cẩn hoa văn xà cừ óng ánh.
Hai người con trai lớn của cậu Năm chuyên đổi ve chai lông vịt ở xa, mỗi chuyến ghe mất ba bốn tuần, cũng cần cù chắt mót như cha, góp tiền mua được bộ cột kèo bằng cây rừng từ xưởng cưa máy ngoài tỉnh. Ba cha con ky cóp gần cả chục năm nay, bây giờ mới dựng căn nhà tương đối kiên cố khang trang.
Ông Năm thợ mộc được mời tới xẻ đục gần tháng mới xong, lúc đó mỗi lần tôi có việc đi ngang, thế nào cậu năm Côi và ông Năm thợ mộc cũng hú vào uống nước trà. Ông thợ giỏi nghề và khéo tay, lại có tiếng là hiền đức, mát tay nên ai cũng cậy ông dựng nhà. Ông cũng lớn tuổi, biết nhiều tập tục nghi lễ cũ theo sách Văn Công Thọ Mai, nên ai có việc cũng nhờ tới ông. Tôi thích ông vì ông biết nhiều chuyện mà tôi không thấy trong sách vở hồi còn đi học. Có lần vui miệng ông Năm thợ mộc nói:
- Thầy năm biết hông, hồi mới học nghề, thầy tui dạy đóng cái "kệ" trước, mà không phải riêng tui, ai học nghề này cũng học đóng cái "kệ" trước.
- Sao vậy ông năm? sao không học đóng cái gì cho dễ mà đóng chi cái kệ cho khó trước?
- Thầy hổng biết, nghề này cưa xéo một chút, đục trật một chút, đẽo hư... cái gì cũng nói "kệ" nó, hổng phải nghề này học đóng cái "kệ" trước à?
Lần khác, Hai Phang sửa lại chái nhà, kê phần gốc tre làm kèo chái lên trên, ông Năm thợ mộc cười cười nói:
- Trồng tre trở gốc lên trời, con chị xong rồi, tính tới con em.
Hai Phang khoái chí, chả là cô em vợ Hai Phang thấy cũng có cảm tình với ông anh rể đàn hay, hát giỏi xuất thân từ lực lượng tay súng tay cày này.
Hôm dựng nhà, tôi cũng lên góp một tay, gì thì gì, mình cũng làm thợ vịn thợ phụ được mà. Trước bàn thờ, bày sẵn ba hũ sành đựng đầy gạo, muối, nước, một con heo nhỏ và một con gà cột ở chân bàn thờ; Trên bàn bày bình bông, xôi chè, bánh ngọt, và một dĩa trái cây gồm một trái mãng cầu, một trái dừa xiêm nhỏ, một trái đu đủ còn xanh và một trái xoài; Cậu năm Côi quần áo chỉnh tề thắp nhang khấn vái, cầu quỉ thần, đất đai nhân trạch, tổ tiên ông bà, xin được "cầu vừa đủ xài" và trong nhà lúc nào gạo, muối và nước lúc nào cũng đầy lu đầy hủ, cầu cho lúc nào cũng nuôi được con heo, con gà để không bỏ phí đồ ăn thừa, hột thóc rơi rớt... Mơ ước của người bình dân đơn giản như vậy đó mà lắm lúc cũng không có được.
Cúng xong, mọi người xúm vào làm theo lịnh của ông năm thợ mộc, chỉ hơn nửa buổi, sườn nhà đã dựng xong. Cơm nước, gia chủ đã dọn sẵn trên ba bàn tròn, mời mọi người dùng bữa chờ nước lớn để gác đòn vông. Chuyện này thì có lần tư Em đã nói với tôi, người ta tin rằng, gác đòn vông lúc nước lớn gần đứng là lúc sung nhất, gia chủ nhờ vào sự đầy đủ của con nước mà làm ăn khá. Việc nhìn con nước lớn để làm những việc hệ trọng này, tôi chỉ thấy ở trong Nam. Như việc rước dâu chẳng hạn; ở chợ hay ngoài Bắc, ngoài Trung, thường người ta rước dâu vào giờ tốt; trong Nam, giờ tốt là giờ nước lớn đầy. Ông bà mình cũng khéo tạo thành một thứ tin tưởng có tính thực dụng, vì thường ở trong vườn người ta rước dâu bằng ghe, rủi giờ tốt rước dâu (như kiểu ngoài Trung, ngoài Bắc) nhằm lúc nước ròng sát đáy sông (dám có lắm chớ!) thì thiệt là phiền, làm sao đưa với rước cô dâu, chú rể và họ hàng hai bên xuống ghe qua bãi bùn lún tới gối?
Đang ngồi chung bàn với Tư Em và Hai Phang, cậu Năm Côi lại khều tôi và Hai Phang nói nhỏ;
- Qua nhờ hai cháu một chuyện, tí nữa lúc thượng đòn vông, hai cháu làm sao cố cầm Bảy Lượm ở bàn nhậu, rượu thịt qua biểu sắp nhỏ lo, cứ cho chả uống thả giàn, làm sao đừng cho thằng chả leo lên mái...
- Sao vậy cậu năm? - Tôi ngạc nhiên hỏi lại
- Thằng chả cũng là thợ mộc, biết bùa Lỗ Ban! chả lên đó đóng bậy cây đinh ếm là qua khổ suốt đời. Cũng hổng chừng, chả lên đó làm bộ trật tay quăng cây búa đóng đinh của chả trúng nhằm ngạch cửa là qua cũng tiêu, cháu không biết chớ thằng chả độc lắm, chả ghét ai thì ếm cho tiêu luôn, nên qua sợ... Cả đời qua, cả nhà qua chắt mót dành dụm mới có được như vầy, qua sợ thằng chả ganh ghét làm bậy, thà tốn rượu thịt cho thằng chả mà qua có thể yên tâm...
Chiếc đòn vông có bịt hai vuông vải đỏ hai đầu kê trang trọng giữa nhà. Ba Quang từ bờ sông chạy vào kêu lớn:
- Nước đứng rồi, ông Năm ơi!
Hai người trung niên đã lên ngồi sẵn trên mái, hai người khác đang đứng chờ cạnh cây đòn vông. Ông Năm thợ mộc thắp nắm nhang đứng cạnh gia chủ, trước cây đòn, khấn. Sau khi cắm nhang vào bát, ông quay lại nói:
- Cẩn thận nhen bây, chuyện quan trọng đừng giỡn hớt không nên.
Hai người bước tới, cùng một lúc trang trọng nâng chiếc đòn vông, bước từng bước một lên hai chiếc thang được dựng sẵn. Tiếng ông Năm thợ mộc nhắc nhở:
- Đi lên cho đều, có hai chú nào quởn, vịn giùm hai cái thang cho vững...
Hai người ngồi sẵn đón hai dầu chiếc đòn vông. đặt đúng vào vị trí hai kèo trước và sau giao nhau...
Đến chiều, căn nhà của cậu Năm Côi cũng dựng xong, chỉ còn ráp bộ cửa, ngày mai ông Năm Thợ Mộc sẽ lo. Gia chủ lại mời mọi người ăn, lần này thì nhậu thả cửa vì công việc đã hoàn tất. Tôi gần xỉn vì phải cùng Hai Phang chuốc rượu cho Bảy Lượm, nhưng cũng không kiếu về được vì cậu Năm Côi nài nỉ quá.
Tư Em cũng đủ đô, bắt đầu lè nhè nói thơ:
- Thày Năm biết "Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu" là gì hông?
Không đợi tôi nói, Tư Em giải thích luôn:
- Rượu gặp người tri kỷ (như thầy Năm đây) thì có trời mới biều thôi. thầy Năm hiểu hông thiên bôi thiểu trời biểu thôi mà, phải hông thầy Năm, thầy dô cạn ly này tôi đọc thơ thầy nghe:
Rượu uống đừng say giữ tính thường
Tránh đường hoa nguyệt khỏi tai ương
Đừng ham cờ bạc còn gia sản
Giận tức mà dằn họa khỏi vương
phải hôn thầy Năm. thằng cha Bảy Lượm đó mà Lỗ Ban con mẹ gì, thầy Năm.
Tôi hoảng hồn đá chân Tư Em cản
- Thôi nghen Tư Em, rượu uống bậy được chớ lời không nói bậy được nghe Tư Em.
- Tui nói thiệt mà thầy Năm, hồi thầy chưa về đây, nhà thằng chả bị ăn trộm, chả đi khắp xóm nói chả sẽ ếm bùa, thằng lấy trộm nhà chả trong xóm chớ không đâu xa. trong vòng bảy bảy bốn chín ngày không trả sẽ sình bụng mà chết. Chả dán lá bùa trên cây gòn đầu xóm, báo hại mấy đứa chăn trâu không dám đi ngang. Của mất không thấy trả lại, nhà thằng chả bị trộm lần nữa, lần này nó lấy bộ chưn đèn trên bàn thờ, chỉ chừa lại bát nhang. Không thấy thằng nào sình bụng chết, chỉ thấy cây gòn có dán bùa không biết sao nó chết queo. Lỗ Ban gì, lỗ hang thì có.
Tôi lấy cớ Tư Em xỉn rồi, xin kiếu đưa Tư Em về... dọc đường Tư Em cứ lảm nhảm "Con người sống phải biết Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, phải hôn thầy Năm?" Tôi biết khi Tư Em nói tới đó là biết y sắp tiêu. Tư Em mạnh rượu hơn tôi nhiều, chỉ vì thiên bôi thiểu mà lần nào cũng chìm xuồng.
Hôm sau, Bảy Lượm khăn đóng áo dài đi qua lại trước nhà Tư Em chưởi:
- đ.m. mày Tư Em, tao chưởi mày như vầy là tao chưởi có văn hóa, ăn mặc đàng hoàng mà chưởi, không phải như mày không có văn hóa, ở trần quần xà lỏn nói xấu tao... Cây gòn chết là nó tới số nó chết, thằng nào ăn trộm nhà tao, không chết trước thì cũng chết sau. đ.m. mày Tư Em, có thằng nào không chết, có thằng nào chết mà bụng không sình lên...
Tư Em trong nhà, vẫn còn xỉn, nói vọng ra "Con người sống phải biết Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín"
Thế đó, đã gần cuối thế kỷ hai mươi. mà người dân trong Xóm Cầu Ngang của tôi cũng còn mang đủ gần hết những cái tốt và xấu từ thời mới tụ dân lập ấp.
Houston - tháng 10/2006

Xem Tiếp: ----