Khác hẳn cách đây mười năm, toa số 6 tàu Hà Nội - Lào Cai giờ đã được lát gỗ mặt sàn và bốn xung quanh, chăn đệm thơm mùi Downy, mới giặt. Chỉ có giờ chạy và tốc độ tàu thì vẫn thế, vẻ quàu quạu của nhân viên toa xe cũng vậy. Steve nhận xét và tự diễu, đi tàu chứ có phải gì đâu mà để ý thái độ người ta.
Bốn rưỡi sáng, tới Lào Cai. Không còn cảnh những chiếc Minsk đứng thành hàng đợi khách. Taxi lớn nhỏ, có cả những chiếc xe chạy điện chở khách tham quan thành phố hoặc là ngược lên cửa Hà Khẩu để một bước là khách Việt Nam có thể sang Trung Quốc. Mọi cái có vẻ thoáng. Ngay cả cái cách nhân viên hải quan không săm soi, gọi điện khắp nơi như hồi anh xuống sân bay cách đây mười năm.
Một khách sạn sừng sững vừa to vừa cao đối diện với nhà ga, ở giữa là cái bùng binh đầy hàng quán. Không khí tấp nập thường gặp ở chợ Châu Á luôn làm cho Steve ngạc nhiên thú vị. Nhưng cũng chỉ có khu vực cửa ga là thay đổi còn các con phố bắt đầu từ bùng binh toả ra mọi hướng vẫn nho nhỏ như trước.
Trước khi sang đây anh đã kịp tìm hiểu và biết rằng Việt Nam bây giờ đã không ít các "đại gia". Tuy nhiên, anh chẳng thấy thích mắt chút nào với những thứ mới mẻ một cách lộn xộn, chắp vá.
Anh tiếc rẻ. "Đại gia" mà chưa biết thế nào là một không gian đẹp. Nếu vào tay anh, ngôi nhà ấy sẽ là một kiệt tác kiến trúc hài hoà với phố cũ và với thiên nhiên ở đây...

*

Bắt một chiếc xe 7 chỗ anh lên Sa Pa. Đường có vẻ rộng ra, mịn hơn. Vẫn một bên là thung lũng ruộng bậc thang, một bên là sườn núi cây cối xanh ngát, không khí trong lành. Thi thoảng có tiếng nước chảy róc rách. Hơn nửa giờ là tới thị trấn.
Khách sạn N. ở Mường Hoa Sa Pa là nơi anh đặt phòng. Việc đầu tiên là anh tắm một "phát" cho đã. Cả đêm tiếng xình xịch, tiếng bánh sắt nghiến đường ray đã làm cho cái đầu anh âm u, ù lì. Nước xối đến đâu, óc sáng dần lên tới đó. Tâm trí hoạt động trở lại.
Khuôn mặt của Mẩy hiện ra lung linh. Nàng vẫn thế hay... À? Có lẽ đã hai nhăm. À không, hai sáu. Mười năm rồi còn gì? Lúc đó nàng... "Mẹ em bảo, con gái Mông qua tuổi này thì không còn lấy được chồng" - Nàng nói bằng thứ tiếng Pháp học mót. May mắn, cũng vừa với anh. Vốn tiếng Pháp của anh chỉ có vậy.
Anh bảo nàng: "Học tiếng Mỹ nhé, tao sẽ bảo cho mày. Tiếng Mỹ nhiều người sử dụng hơn. Có nó mày sẽ có cả thế giới đấy". "Ừ, mày dạy tao nhé, tao cũng thích tiếng Mỹ lắm. Ở đây nhiều người nói tiếng Mỹ, tiếng Anh".
Bây giờ Mẩy ở đâu? Em gái của Mẩy thì đã có chồng. Steve nghe bạn bè nói thế. Mỷ lấy một người Na Uy. Hai vợ chồng, làm một khách sạn nhỏ. Mỷ cũng xinh nhưng chị gái của cô có một cái gì đó rất hấp dẫn đối với Steve.
Mẩy, lúc đó, lúc mới quen anh, nàng mười lăm tuổi. Tóc dài và mượt như nhung, đôi mắt to đen láy thường cúi xuống mỗi khi xấu hổ. Khi xấu hổ, hai má nàng ửng hồng. Steve luôn bối rối khi nhìn thấy khuôn mặt ấy.
Anh quen Mẩy khi nàng làm người dẫn đường cho đoàn người Mỹ đi Phanxipăng, trong đó có bố con anh. Bố anh, một cựu chiến binh ở Khe Sanh. Năm người Mỹ cao to, hùng dũng lúc đầu ái ngại khi thấy cô gái. Đường xa. Độ cao. Rừng rậm. Mưa rét. Thú dữ. Đêm. Và mọi sinh hoạt người sẽ diễn ra trong 1 tuần. Chịu đựng ngần ấy thứ là một thử thách không nhỏ với rất nhiều người. Vậy mà một cô gái nhỏ, còn quá trẻ khiến cho cả đoàn lưỡng lự, muốn thay đổi.
Nhưng chủ tour nói với đoàn: "Ở đây, trẻ con tí tuổi đã biết đi rừng, mười lăm tuổi đã có thể làm bố làm mẹ, em Mẩy đã đi nhiều chuyến, chuyến nào cũng rất thành công. Nếu các ông không muốn chúng tôi sẽ đổi người nhưng phải đợi năm ngày nữa".
Nhìn gương mặt đầy tự tin của Mẩy, nghe Mẩy nói líu ríu, yên trí, yên trí, không sợ nhé, không có thú dữ đâu, hổ cũng sợ Mẩy mà... cả đoàn rồi cũng lên đường.

*

Steve bồi hồi nhớ lại. Con gái Mỹ mười lăm tuổi cũng có thể làm mẹ, cũng đủ sức khoẻ leo Phanxipăng, nhưng ở Mẩy có một cái gì đó, khó tả, hấp dẫn vô cùng. Đã mười năm mà chuyến đi ấy vẫn luôn sống động trong trái tim anh.
Anh nhớ cái khi anh bị trẹo chân, đau nhức. Mẩy nhai một thứ lá gì đó mang sẵn trong gùi băng bó cho anh, rồi dìu anh đi từng bước, mang hộ anh balô để cả đoàn không phải chờ. Lúc ấy, Mẩy chưa biết tiếng Mỹ, ngoài hello, bye bye. Chưa thể cùng nhau nói chuyện tâm tình. Steve rất muốn có cái gì đó làm phương tiện bày tỏ. Nhưng rồi anh không dám.
Sinh năm 1975, năm ấy Steve hai mươi tư tuổi, đã biết vị ngọt của nụ hôn, biết cơ thể của đàn bà. Nhưng với Mẩy, người con gái của dân tộc khác, vùng đất khác, ngôn ngữ khác và một cái gì đó quá đỗi thiêng liêng.
Nhất là, chuyến đi này cả đoàn của Steve đang muốn làm một cái gì đó như thể bù đắp cho những năm tháng đã qua của cuộc chiến. Bố của Steve là người hào hứng nhất. (Ông giờ không còn nữa. Trước khi ra đi, ông nói với con trai, nếu có tình yêu, hãy kết hôn với Mẩy. Hãy đem hạnh phúc đến cho những con người như thế).

*

Steve thoáng ân hận. Kể từ khi về Mỹ, anh đã không giữ liên hệ với Mẩy. Có thể giờ đây Mẩy đã có 5 người con như những cô gái Mông cùng tuổi. Có thể nàng đã thuộc về một người Châu Âu nào đó như em gái nàng. Nhưng Steve vẫn hy vọng.
Sau cái lần đi Phanxipăng ấy, Steve đã ở lại Sapa thêm hai tháng nữa chỉ vì cái ửng đỏ trên khuôn mặt của Mẩy. Hàng ngày anh dành 2 giờ dạy tiếng Mỹ cho cô, trừ khi nàng theo khách đi tour. "Em muốn học cả ngày nhưng còn phải đi làm kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi các em".
Chỉ hai tháng thôi mà cô nói sõi ngôn ngữ của anh (ngược lại anh "đánh vật" với tiếng Mông cho đến tận bây giờ vẫn đâu hoàn đấy). Hai tháng, chuyện tình vẫn chưa ngã ngũ. Mẩy không thể lấy Steve làm chồng và theo anh về Mỹ sinh sống. Với cô, dù lấy chồng hay ở một mình cũng không thể bỏ mặc gia đình, no đói phải chia sẻ cùng nhau.

*

Đã ba ngày ở Sa Pa. Đã đi dọc lòng suối cạn. Đã ngồi chờ nắng lên trong màn sương dày đặc. Đã mua chiếc khèn thổi ở bancông chờ trăng lên nhưng Steve không đến thẳng khách sạn của vợ chồng Mỷ. Anh ngần ngại nếu phải đối diện với thông tin "chị gái của em đã có chồng rồi anh ạ".
Anh quẩn quanh ở các con phố nhỏ khu trung tâm thị trấn. Lúc thì lượn qua công viên trước cửa nhà thờ. Lúc vào dự hẳn một khoá lễ. Ngôi nhà thờ nhỏ bằng đá tuổi đã hơn trăm mà thứ vẫn như nguyên vẻ ban đầu. Anh hy vọng sẽ bâng quơ mà gặp một người quen nào đó, người ta sẽ bâng quơ nói cho anh biết về Mẩy.
Có lúc anh ngồi hàng giờ trên vườn lan. Mùa này địa lan xanh nở rất nhiều. Nhưng chẳng có ai hiểu được anh. Mười năm, con gái ở đây đã kịp trở thành thiếu phụ trưởng thành.

*

Lúc này anh đang xuôi xuống Mường Hoa. Ngược chiều với anh là một đám phụ nữ người Dao đỏ đang trên đường vào chợ. Người Dao. Người Dáy. Người Mông mỗi người một kiểu hoa văn. Kiểu nào cũng khiến anh ngạc nhiên. (Chuyến đi trước, khi về Mỹ anh chỉ mang theo có 6 mảnh hoa văn của họ. Hoàn toàn thêu tay, hai mặt như nhau, trên vải dệt bằng sợi vỏ cây. Khách khứa đến chơi, đem khoe, ai cũng trầm trồ).
Sau đám người Dao đỏ là một tốp người Mông. Có ai đó sững ra khi nhìn thấy anh. Và anh kịp ồ lên một tiếng. Thì ra đó là Mỵ. Mỵ cùng tuổi với Mẩy, cùng nhóm đi tour, học tiếng Anh, nhà ở cùng bản. Mỵ địu con trên vai. "Đứa thứ ba rồi đó, Steve". Mỵ cười. Lộ chiếc răng viền bạc.
Steve mừng quá. Anh kéo Mỵ ra một chỗ, nhưng nghĩ thế nào anh lại dừng. Ngập ngừng. Rồi rút ví tiền. "Mỵ chia cho mọi người nhé. Mua gì? À. Mua phân đạm bón ngô. Được. Được!".
"Đứa thứ nhất mấy tuổi? Đứa thứ hai? Con trai? Con gái?... Vẫn đi bán hàng à? Nhà chồng có xa nhà mẹ đẻ không?...". Steve vẫn chưa dám hỏi về Mẩy.
Mỵ cũng quên không nói, chỉ mải hỏi Steve sang đây lâu chưa, ở đây đến bao giờ. Mỵ đã thuộc phong cách Mỹ nên không hỏi Steve có vợ chưa? Có con chưa? Làm gì? Ở đâu? Khiến cho Steve nóng lòng.
Cuối cùng, không đợi được nữa Steve nhỏ giọng hỏi: "Mẩy thế nào? Sao không thấy cô ấy ở đây?". Mỵ kể. Và Steve nghẹt thở
"Đi học. Đi nhiều lắm. Học nhiều lắm. Biết nhiều lắm. Chẳng thể lấy chồng được đâu. Không có đàn ông cho nó. Con trai Mông chẳng ai hai mươi tuổi mà chưa có vợ. Mẩy giờ là người già của bản rồi...". Mỵ tỏ ý thán phục Mẩy nhưng cũng thương cho Mẩy.

*

Steve quay lại Lào Cai. Nghe Mỵ nói anh biết phải tìm Mẩy ở đâu. Nhưng khi anh đến thì thầy giáo của trường sư phạm nói Mẩy đã đi Hà Nội gần một năm rồi.
Anh lại về Hà Nội, đến địa chỉ thầy giáo cho, ở đấy người ta bảo Mẩy đã trở về Sa Pa một ngày trước đó. Câu chuyện cho thấy Mẩy vẫn độc thân chưa có người yêu.
"Thật là tuyệt vời phải không ông trời?". Steve reo lên khe khẽ khi trở lại ga Hà Nội. Trở lại Sa Pa nếu có phải lội hết mọi con suối, đi khắp mọi cánh rừng để tìm được Mẩy anh cũng sẽ lội, sẽ đi. Trước khi sang đây, từ Mỹ anh gọi điện báo cho mẹ biết rằng, anh sẽ lấy vợ. Mẹ anh lúc đó đang ở Hawaii. Bà bảo bà sẽ hạnh phúc nếu có một nàng dâu Việt Nam. "Và ông trời đã hiểu điều đó cho anh. Đã xui khiến Mẩy... không lấy được chồng".

*

Phải mất ba tuần sau đó nữa, Steve và Mẩy mới gặp được nhau. "Mẩy giờ là cô giáo, lại thêm việc y tá lúc ở bản này, lúc sang bản khác chẳng ở hẳn chỗ nào. Dạy tiếng Kinh, dạy cả tiếng Pháp, tiếng Mỹ, tiếng Anh cho bọn trẻ. Đỡ đẻ cho phụ nữ. Mẩy sống cho tất cả mọi người thôi. Chẳng lấy chồng đâu? Cũng chẳng ai lấy Mẩy nữa đâu. Steve ạ".
Đôi mắt đen cúi xuống. Gò má ửng đỏ. Chân di di xuống đất. Vẫn cái xấu hổ ngày nào. Vẫn vẻ thơ ngây trong ngần thuở nào. Steve ngập ngừng. Run rẩy.
"Mẩy à? Anh muốn có em, anh cần em, anh yêu em. Anh sang đây chỉ muốn em hiểu điều đó. Chúng ta sẽ lấy nhau. Em không phải về Mỹ ở hẳn. Anh sẽ ở đây với em. Sẽ cùng em, làm tất cả những gì em đang làm.
Anh cũng muốn sống cho tất cả mọi người thôi. Nhưng chúng ta hợp thành một. Anh và em sẽ chia sẻ những gì mình có cho gia đình em, cho cả vùng đất này của em...
Anh yêu em. Anh chưa từng lấy vợ lần nào... Mười năm, thời gian chỉ để cho anh nghĩ xong điều đó thôi đấy. Anh đến đây chỉ để nói điều ấy thôi đấy".

*

Và sáng hôm sau, họ cùng nhau về Tả Phìn, nơi Mẩy sinh ra và lớn lên. Với tất cả khả năng của mình Steve nói bằng tiếng Mông với bố mẹ của Mẩy, rằng anh muốn được làm con rể. Hai ông bà người Mông nhìn anh người Mỹ, da trắng, mũi cao, tóc nâu, mắt xanh chẳng đoán được là bao nhiêu tuổi. Nhưng thấy anh nói được tiếng Mông là thấy tin, là gật đầu cho làm rể.
Ông lấy điện thoại di động gọi cho con rể Na Uy, cũng nói bằng tiếng Mông, rằng chồng của Mẩy không mở nhà hàng mà sẽ làm thầy giáo, dạy học cho bản.
Một tuần sau đám cưới được tổ chức. Chú rể nói với mọi người: "Tôi là người Mỹ, sinh năm 1975".
Trần Thị Trường

Xem Tiếp: ----