Em tôi mọi người đều khen là đẹp trai, đôi mắt to với hàng mi cong trên khuôn mặt hay mắc cỡ, hay đỏ mặt đến nỗi mỗi lần khách ba mẹ đến nhà sau khi chào xong là chạy trốn vào trong. Bạn tôi đến hỏi có tôi ở nhà hay không? Hắn chỉ trả lời có hay không rồi biến mất, muốn hỏi thêm câu nào cũng đành chịu. Ngày tháng đi qua, em tôi lớn lên theo thời gian, cái mắc cỡ, cái đỏ mặt không còn nữa, em tôi trở thành một thanh niên hoạt bát với vẻ mặt nghiêm nghị nhưng với khuôn mặt đó, nụ cười đó đã lôi cuốn nhiều cô gái cùng tuổi để rồi chúng tôi được dịp lén đọc những lá thư yêu, những lá thư ghen, những giận hờn, những oán trách. Không những thế mà bạn của tôi cũng ngẩn ngơ mỗi lần nhìn em tôi trên màn ảnh nhỏ. Em tôi dáng cao, đàn hát hay, khéo nói. Chị em chúng tôi một nửa giống ba nên đam mê văn nghệ, trong khi nửa kia còn lại giống mẹ chỉ biết thưởng thức, không như một nửa giống ba của chị em chúng tôi.Những ngày cuối tuần, dưới bếp mẹ bận rộn với tiếng thớt, tiếng nồi niêu xoong chảo bao nhiêu thì trên phòng khách chị em chúng tôi đàn ca vui hát nhộn nhịp bấy nhiêu của những sáng tươi hồng như Beautiful Sunday, The Magic woman, I Will Follow You, Đốt Lá Trên Sân hay Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ... tôi có đến 4 em trai cao lớn trong nhà và các cậu quý tử của bố mẹ đã vô tình đuổi đi những cây si của tôi... "anh đi ngang nhà em mấy lần nhưng không dám vào vì ngại mấy ông anh của em..." Khi em tôi đậu tú tài, ba mẹ thưởng cho em đi du lịch từ Sài Gòn ra Huế, mua một chiếc xe dzeep làm quà để sau đó cứ phải nghe ba phàn nàn mỗi chiều sau khi đi làm về rằng mấy ông bạn làm cùng đơn vị với ba mách bảo, thằng con lái xe nhanh trong thành phố, đã vậy tay không để trên tay lái, trên xe chở toàn là con gái cười nói ầm ĩ... Sau đó em làm xướng ngôn viên cho đài truyền hình của thành phố chúng tôi ở, mọi người thích nhìn em tôi trên màn ảnh, họ ngóng chờ giờ em đọc tin tức, bình luận. Bạn tôi cứ đùa kêu lên: "sao mày không bảo em mày cười với tao một cái..." Cái đào hoa của em tôi giờ này vẫn còn làm cho người bên cạnh phải bực mình khó chịu. Hai đứa lớn lên trước đôi mắt của gia đình hai bên, cuộc sống của em tôi thăng trầm mà tôi không thể ngờ được trong thời gian bao cấp. Những lá thư viết sang không hề than trách cho đến khi tôi trở về...Cô em dâu tôi kể những khó khăn mà vợ chồng em tôi gặp phải... "anh ôm thùng kem đi bán, băng qua đường bị xe đụng, thùng kem đổ tung ra.... về nhà hai vợ chồng ôm nhau khóc... 2 vợ chồng mở tiệm cho thuê bàn ghế chén bát, sau những đám cưới phải xắp xếp bàn ghế, rửa chén bát cho đến sáng để hôm sau còn kịp giao cho đám khác. Mở tiệm cafe, tụi nó ngồi vừa uống vừa phá, đổ cả bình đường vào ly, ngồi hoài không chịu về cho dù đã quá giờ đóng cửa... " nghe em dâu tôi kể mà nước mắt tôi đầm đìa, lòng tôi đau như cắt, tôi không thể ngờ cuộc sống của em tôi lại trải qua những thời kỳ đen tối như vậy? Trong khi đó tôi cứ tưởng gia đình tôi vẫn sung túc, cuộc sống của gia đình em tôi ấm no nên bao nhiêu tiền bạc đều gởi về cho gia đình chồng, vì nghĩ họ cần sự giúp đỡ hơn gia đình tôi mà qua những lá thư than vãn xin xỏ mà chúng tôi nhận được. Tôi đâu có ngờ sự vô tình của tôi đã đưa các em tôi đến bên bờ khốn khổ nghèo túng? Càng nghe kể tôi càng cảm thấy có lỗi với gia đình, với em tôi... Em tôi là người đàn ông có trách nhiệm, không một lời than van, xin xỏ để gánh chịu những khốn khó cùng cực cùng với những người dân lúc ấy trong thời buổi đen tối nhất của thời cuộc.Khi tôi dắt 2 con về Việt Nam lần đầu tiên sau những năm rời xa quê hương. Tôi về dự lễ giỗ một năm của vợ chồng em trai tôi, cậu em trai thứ tư trong gia đình, em tôi ngày ấy yêu nồng nàn, yêu đắm say nên đã từ bỏ tất cả, từ bỏ Canada, từ bỏ cuộc sống mà những người ở Việt Nam lúc ấy đang thèm khát để đi tìm tình yêu của chính mình. Sau đó một tai nạn thảm khốc đã đem đi sinh mạng của vợ chồng em tôi và để lại một bé gái 2 tuổi... Tôi đưa hai con trở về nơi tôi đã bỏ đi nhiều năm với cõi lòng tan nát, khổ đau. Khi em đưa tôi đến Thánh Đường ở Gò Vấp nơi cất giữ hài cốt... nhìn 2 cái hộp đặt trong tủ kiếng nằm kế cận bên nhau với hình ảnh của vợ chồng em trai tôi trông quá trẻ với nụ cười tươi làm lòng tôi đau ngút ngàn, em tôi đến ôm chị vỗ về. Cái ấm ấp trong vòng tay em tôi làm tôi muốn òa khóc.Thời gian tôi về lúc ấy, cuộc sống của gia đình em tôi đã ổn định, có căn nhà khang trang ở đường Lê quang Định, có tiệm cho thuê video rất khấm khá làm ăn nên, có lúc phải thuê 3, 4 người phụ việc, tôi mừng vì cuộc sống của vợ chồng em tôi khởi sắc nhưng cũng có lúc sóng to gió lớn trong hạnh phúc của em tôi suýt nữa đổ vỡ... "chị xem, em đứng ngay bên cạnh anh ấy mà tụi nó cứ bám theo, làm như không có mình vậy, sáng nào cũng đến, chiều nào cũng có mặt mà anh ấy lại chẳng đuổi đi đã vậy còn cười nói với nó...". Các cô trong tiệm làm tóc, làm móng tay gần nhà mà em đã đưa tôi đến, các cô vừa trông thấy đã tươi cười đon đả..."cô mới về hả? cô giống chú ghê, chú đẹp trai giống Nguyễn Ngọc Ngạn..." tôi cười nhủ thầm "Nguyễn Ngọc Ngạn mà đẹp gì? em tôi phải khác hơn chứ..."Em tôi có uy quyền của một người đàn ông đến tôi là chị mà cũng phải e dè, đôi khi cái uy quyền đó làm tôi bực mình, tự ái đến muốn khóc vì có cảm tưởng hắn lấn át tôi, hắn cho hắn cái quyền được canh chừng, bảo vệ tôi và dĩ nhiên tôi cũng phải cẩn thận e dè hơn trong cuộc sống của riêng mình vì tôi muốn tôi vẫn mãi là một người chị đúng nghĩa trong lòng em tôi.Ngày tôi trở lại nơi này, tôi đã để lại một số tiền lớn cho em tôi qua ông bố vợ nhờ ông đưa lại cho em sau khi tôi đã đi, vì tôi biết chắc nếu đưa tận tay em sẽ không bao giờ nhận. Số tiền nào đi nữa cũng không đủ bồi đắp những thiếu xót vô tình của tôi trong thời kỳ đen tối đã qua mà gia đình em tôi đã gặp phải... Chúng tôi đến Quy Nhơn vào một sáng thật sớm đã thấy bạn của em tôi đứng đợi trước khách sạn từ bao giờ làm chúng tôi vô cùng ái ngại... Em tôi đấy, không những là một người bạn tốt, một người chồng quán xuyến mọi công việc làm ăn, một người anh, người em biết thương yêu bảo bọc chị, bảo bọc em và là một người cha quá chu toàn đối với con cái, một người cha nhìn vào tôi thèm được có cho các con tôi..."Tiếng bạn tôi ở Việt Nam đều đều bên kia đầu giây kể về cuộc sống của bạn... của gia đình em tôi... Tao bị bịnh áp huyết cao phải uống thuốc mỗi ngày cứ phải mua tí gạo nếp nấu để dành ăn mỗi sáng cho khỏi xót ruột. Tiệm internet của thằng em mày dạo này ế ẩm phải đóng cửa, lúc trước cho người ta thuê phía trước để bán Cháo Dinh Dưỡng cho các em bé, bây giờ họ trả lại không thuê nữa vì nhà nước làm đường bụi bặm. Nhân cơ hội nhà nước sửa đường, hai bên nhà họ có tiền xây lên cao trông khang trang, còn 2 vợ chồng nó đâu có tiền nên chỉ xây sơ sài lên cho có để sau này cho thuê phía dưới. Mày biết hồi trước sáng nào nó cũng đi quán uống cafe, bây giờ bảo vợ mua về nhà pha, không dám uống bia, uống rượu, không ăn sáng. Ngày trước chê cơm nhà, đi ăn tiệm, bây giờ sáng cũng nhịn đói không ăn, chỉ chờ vợ nấu cơm ăn thôi... ". Nghe bạn nói nước mắt tôi tuôn,. cổ tôi nghẹn, tôi muốn bảo bạn im đi, tôi nghe đủ rồi, nhưng tôi không nói được, tiếng bạn vẫn đều đều. Tôi thương em tôi, tôi đau vì sự tiết kiệm quá đáng của em tôi, vậy mà gia đình ở Canada gởi tiền về hay mỗi lần gọi điện thoại hỏi thăm về cuộc sống hiện tại, em tôi đều trấn an vui vẻ để mọi người yên tâm. Đêm qua lại mất ngủ, tiếng đều đều từ TV phát ra làm tôi mệt mỏi muốn chìm vào giấc ngủ nhưng khi tắt TV, những lời nói của bạn tôi lại quay cuồng trong đầu, nhìn đồng hồ mới 2 giờ 30, trằn trọc qua lại, nhìn lên đồng hồ lần nữa... hơn 3 giờ sáng... tôi muốn dỗ giấc ngủ nên lại mở TV lên để xua đi những ý nghĩ về cuộc sống của bạn tôi, của gia đình em tôi đang dày vò làm tôi khó chịu... Trằn trọc suốt đêm, không tài nào ngủ được, tôi ngồi dậy tìm địa chỉ, số điện thoại của em tôi và những gì cần phải làm trong ngày hôm nay để bỏ sẵn vào xách tay, vì dù sao những chuyến du lịch dự tính của tôi có thể xếp lại trong tương lai, hoặc không cần thiết bởi những khốn khó của em trai tôi là những khổ đau, là những nghèn nghẹn trong tim tôi lúc này... Vì tôi biết, nếu em ở vào địa vị tôi, chắc chắn em tôi cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ... và tôi, dù sao tôi cũng vẫn là người may mắn còn có một chỗ đứng nơi đây, còn có một công việc mà tôi đang và đã yêu thích nhiều năm.... Nguyễn Thị Tê Hát