Người ta, ai cũng có một lúc dường như quên ngày giờ đi, rồi thoạt nhiên lần tay tính lại cái thời kỳ thấm thoát bắt nhớ đến tình nầy nỗi kia mà luống bâng khuâng. Mãng lo nhớ cái cảnh đời sẽ tới mà lần lần quên những nỗi cam khổ đã trải rồi. Hồi tưởng lại chuyện gì đâu đâu, trong lòng bắt chán nản?Tám năm đã trải qua.Cảnh nhà của cô ba Dung trước kia thế nào mà bây giờ vắng teo!Cô không còn cái hạnh phước được nghe tiếng kêu “con” rất yêu dấu của mẹ nhơn từ. Không còn cái hạnh phước đọc chuyện lạ, thơ hay cho cha nghe nữa. Tiếc thay! Lòng con quyết báo đáp ơn sanh thành dưỡng dục cho vừa, mà cha mẹ đã vội lìa trần tục.Anh Hai chị Hai ra riêng ở làng khác. Con Lê có chồng có con rồi.Một mình hiu quạnh với con thơ cùng đứa tớ gái trong cái nhà rộng rãi êm đềm, cô Dung tuy nét mặt vẫn tự nhiên chớ trong lòng ngổn ngang nỗi thảm.Chiều chiều, mấy người hành khách thuờng thấy một người đàn bà xinh đẹp, bận áo dài đen, tha thướt đứng nhìn hoa, nét mặt rầu rầu như thương như nhớ ai không thế nào nguôi. Chẳng rõ ai có cái duyên được người thương nhớ thế mà có thấu lòng chăng nhẽ?Ðứa bé chừng năm sáu tuổi, khi đánh vòng, khi rượt bướm, phút chốc chạy lại nắm, mà mơn trớn tay người áo dài đen.- Má, chừng nào ba về?Cô Dung chừng như tỉnh giấc mơ gượng cười:- Còn ít tháng nữa ba về.- Ít tháng là mấy ngày?- Một tháng kể là ba mươi ngày; chừng vài ba cái ba mươi ngày như vậy.Thằng nhỏ chìa tay lẩm bẩm tính:- Dữ! Lâu quá lẽ chưa! Sao ba ở chi ngoải hoài vậy má?- Con đừng hỏi chi, má muốn để ít ngày nữa rồi con biết. Bây giờ con phải ráng ở cho ngoan hơn nữa, đặng sau ba con mừng. Con mà làm cho cha mẹ vui lòng là biết thương cha mẹ, là có hiếu, nghe con. Con thương ba không? Thằng nhỏ múa tay trả lời:- Con thương ba cũng bằng thương má vậy, con muốn ngoan cho ba với má vui lòng. Mà, ngoan là sao, hả má?- Ngoan là không cãi lời má dạy. Phải biết yêu kính người chịu cực vì con, phải biết kiêng cữ điều má ngăn cấm, dầu ham muốn thế mấy cũng phải dằn lòng. Con ở như vậy được không?- Ðược lắm! Con muốn sao người ta khen con giỏi hơn mấy đứa nhỏ kia. Hồi con biết đi, biết nói đến giờ, con có làm điều chi trái ý má không?Mẹ ngó con, chúm chím cười mà trả lời:- Cũng có một hai khi. Nhưng má không phiền con, má biết, hễ chừng con trộng [1] lên thì không hề làm như vậy nữa.Thằng nhỏ ôm má nó, ngước mặt tỏ ra cách biết ơn:- Má thiệt là nhơn từ. Năm nay con trộng rồi. Con biết rồi, con không hề làm một chút nào trái ý má nữa. Má ngồi xuống cho con hôn má đi.Cô Dung cảm động, nước mắt gần tuôn rơi, ôm con vào lòng mà hôn hít và nựng nịu.- Con là cục vàng của má đó con? Nàng lẩm bẩm câu ấy chẳng biết mấy lần, xem chừng nựng con là cái hạnh phước độc nhứt của nàng ở thế gian vậy.Nàng nựng con rồi bắt nghĩ thầm; nghĩ thầm lại tựa hồ mắc cỡ với con, tựa hồ đã bất cẩn, lộ ra cho chú bé rõ ý kín.Hôn con, tưởng rằng không còn cái hôn nào nồng nàn hơn; nhưng cô Dung nhớ đến chồng, rồi nghe như bên gò má có hơi thở của ai, nếu trong giấc mơ thì cô đã ngã mình ra cho ai đỡ lấy…Cái hôn chồng cũng nồng nàn lắm kia mà!Ở đời, có mấy đôi vợ chồng thương nhau bằng cái chơn tình? Chỉ có hai người đồng một cảm giác, đồng một tư tưởng, đồng một tấm lòng mới thương nhau bằng cái chơn ái tình. Thương nhau vì hiểu nhau; càng hiểu nhau lại càng thương vô tận. Nghèo khổ, tai nạn đã không thế làm phai lạt, mà lại tô điểm cho ái tình càng tốt đẹp, nấu nung ái tình lên đúng bậc thanh cao.Có bị khổ vì tình rồi mới biết cái chơn ái tình. Không được thương nhau bằng cái chơn ái tình thì cái đời không còn vui thú gì, chẳng qua «vui là vui gượng kẻo mà, ai tri âm đó, mặn mà với ai!»Ấy thế, tình là cần thiết cho đời người. Ðời người là giấc ngủ còn tình là cái chiêm bao; không có tình là không có sự sống. Có tâm sự mà không cùng nhau sớt thảm chia vui, thà sanh làm kiếp nào vô tri vô giác còn hơn.Cô Dung không phải lắm phen phong trần lặn lội mà cô lịch duyệt nhiều. Cô trông gương của chị dâu và anh ruột lại nhờ tánh hay suy xét nên đã sớm hiểu rằng sự phú quí, vinh hoa chỉ là miếng mồi nhử cái mê tâm của người, khiến cho nhãn lực không phân biệt được nổi vàng thau.Cô lại biết xét rộng ra nữa, là con người chẳng những bị ảnh hưởng của sự giàu sang mà còn bị ảnh huởng của cảnh ngộ; không cẩn thận thì cũng phải lầm lạc.Ðôi trẻ kia năng gần nhau, lần lần thương nhau, tưởng rằng kết được vợ chồng thì lấy làm hòa hảo. Nhưng đến chừng thân yêu rồi lại có chỗ phiền, là vì khi lửa tình nguội bớt rồi, họ dòm thấy cái xấu của nhau, lấy làm ân hận, trách mình quá vội. Ăn năn mà có ích gì!Thế cho nên cô rất dè dặt.Cô thừơng tự bảo: người có trí suy xét, thì khỏi phải ăn năn. Lắm kẻ gặp cơn rầu duyên, tủi phận hay oán trách ông trời. Nàng chê họ không biết nghĩ xa: Trời là đấng từ thiện, nhưng lại là đấng công bình. Trời để cho người tự do thương nhau, nào có ép ai đâu! Thế mà chẳng thiếu chi người, khi lòng muốn tính việc xằng, cũng đổ là Trời xui, khi tự mình nhận mình vào chỗ hôi tanh cũng đổ tại Trời xui; khiến cho nói đến việc hôn nhơn, mấy cô xuân nữ lấy làm lo sợ bến nước đục trong của trời dành để!Giúp người phải, xa kẻ quấy; biết thế tức là biết trời. Trời không có sắp đặt cho ai phải hạp với ai cả. Việc đó là nơi người kén chọn.Cô Dung không có cái sợ quấy, cô chỉ tin ở sự công bình của Trời và tấm lòng chơn chánh của mình. Cô học khôn trong cảnh nghèo, và lấy làm cám ơn trời cho cô sanh làm con nhà nghèo. Có chịu cay đắng, nhọc nhằn mới biết suy rộng nghĩ xa, mới biết tâm địa của người thiên hạ; nhơn đó mà biết gìn lòng, dưỡng nết mình tử tế, thanh cao.Cô chắc ý rằng cô lựa chẳng nhầm. Nếu chẳng đặng gặp người hiền để gởi phận trao duyên, thà là giữ tiết sạch giá trong mãn đời thôi; không phiền không tủi. Có chồng mà phải khổ tâm mới phiền tủi cho.Ðến khi cô ưng anh học trò nghèo là Ðoàn Hữu Minh, thì bị chị dâu mai mỉa lắm điều: «Hay bộ khôn mà thật chí ngu! Chỗ quyền cao lộc cả không ưng, để sánh đôi vói bợm tay trắng túi khô, đặng làm mọi cho nó cả đời. Thật là uổng, mà xét kỹ cũng thật là đáng kiếp!”Chính mình ông Nguyễn, bà Nguyễn cũng có ý buồn; song “ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên”, nên đành để tự ý con; sau có đến nỗi nào nó không trách cha mẹ được.Ðoàn Hữu Minh ở nhà cha mẹ vợ và đi dạy học; tánh nết hiền lương nên hai vợ chồng ông Nguyễn lần lần hết dạ yêu đương. Thầy ít giao thiệp; có thì giờ dư chỉ làm bạn với mấy quyển sách của mình nhín tiền mua, có khi đem ra bình phẩm với vợ hiền, lấy bao nhiêu đó làm thú vị.Ðám cưới cô Dung rồi độ một năm thì có người cô của nàng qua đời. Vì chẳng kẻ thừa hưởng, nên sự nghiệp để cho ông Nguyễn. Nhờ vậy mà cảnh nhà ông ấy mới khá lên. Nhưng hưởng thanh nhàn được vài năm thì ông bà lần lượt khuất hết; con, rể, thương tiếc vô cùng.Nhứt là cô Dung.Trước kia, khi được mười tám xuân đầy đặn, tức là cái tuổi, mà máu đương chảy mạnh trong mạch lạc con người, tức là cái tuổi, mà lòng như hoa nở nụ cười, trông cho có chút tia sáng mặt trời hé vào là nở bùng ra, khiến cho người hửi lấy mùi thơm mà bưng khuâng cảm xúc, vì đâu mà cô vẫn thệ lòng không màng đến việc lứa đôi, chỉ lo phụng dưỡng huyên đường [2], nhọc nhằn bao nhiêu cô cũng coi là chưa vừa với ơn sanh dưỡng.Than ôi! Những kẻ bất hạnh bị loài ác tử rẻ khinh, đày đọa mà còn tiếc chi, lại vẫn sống thừa; còn người mà con hiếu thảo cầu nguyện được trường sanh lại lòng nào thác vội!Ông chết, bà chết, cô buồn cho đến xanh xao vàng vỏ, cho đến chồng phải sợ cho cô theo tầm [3] song thân ở chốn u minh.Nhưng may vì cô còn được có cái tình chồng con quí yêu mầu nhiệm, cũng bằng giọt nước nhành dương [4], cho nên cái vít [5] trong lòng cô, lần lần cũng lành lại. Từ ấy cô thương chồng gia bội lên mà chồng cô cũng yêu cô không biết đâu là bờ là bến; thương nhau mà vẫn kính nhau; càng thương lại càng thấy cái tốt của nhau thêm lên mãi.Cô thấy cử chỉ của chồng càng đem lòng kính phục tặng chồng là trai phi thường. Chồng thấy vợ nhiều khi chín chắn hơn mình, khen là gái quân tử.Tối nào, hễ thiếp thêu thùa, vá may thì chàng làm văn xem sách. Mấy lúc trăng thanh gió mát thì kề vai nhau lững thững ở vườn hoa để bàn luận về thế thái nhơn tình, thỉnh thoảng khen nhau bằng cái ngó mặn mà, đằm thắm.Cô Dung lại hiếu học. Ngày nào cô cũng để vài giờ xem sách cùng làm bài của mình xin chồng ra đề cho. Cô sửa bài học trò giúp chồng, có khi lựa đoạn sách hay đọc cho chồng nghe, miệng hữu duyên, cất giọng dịu dàng, bao nhiêu ngao ngán, bao nhiêu nhọc nhằn của đàn ông cũng nhờ đó mà tiêu tan cả.Nhiều khi chồng cảm tình chan chứa, nhìn sửng sốt rơi giọt lệ không cầm:- Mình ôi! Tôi tài đức chi mà được người vợ thế nầy. Mình làm cho tôi có phước lắm mình à! Dẫu tôi được làm vua, giàu sang hơn người, cũng không bằng được làm chồng của mình đó!Cô đứng dậy, bước lại, choàng tay bụm miệng chồng cười:- Mà mình thương tôi nhiều không?- À! Như vậy thì sự thương của tôi có lấy gì làm quan trọng đâu. Tôi sợ là không biết làm thế nào tỏ hết lòng yêu quí của tôi đối với mình đó thôi.Cũng thời một cái thương, nhưng không biết cái thương có khi là hại.Hai vợ chồng Ðoàn Hữu Minh đã biết thương, lại mỗi người còn thầm ráng làm thế nào cho càng xứng đáng với nhau; rủi ai làm khổ tâm cho ai một chút thì xem cũng bằng đã phạm tội chi trọng, lấy làm xốn xang, bứt rứt. Nhiều khi thầy xem sách mỏi mắt, xếp lại, nằm nhìn vợ, lòng lai láng cảm tình; càng xét tài đức của vợ bao nhiêu càng yêu quí trân trọng bấy nhiêu. Rồi, lại nghĩ, lại tủi: “Ðoàn Hữu Minh nầy có đáng chi mà được vợ như vầy. Nhìn lại địa vị của bạn đồng môn, kẻ quyền cao lộc cả người phú quí vinh huê, rồi ngẫm lại phần mình thật hèn kém trang phi phàm thục nữ, như người yêu dấu người kia, đáng ở lầu cao cửa rộng, đáng kẻ bẩm người thưa, chớ không phải sửa trắp nâng khăn cho kẻ tài hèn trí mọn”.Cô Ba độ hiểu cái cảm tưởng của chồng, rầy một câu khôi hài:- Nhìn hoài! Vậy mà khi vào lớp, trò nào bỏ sách ngổn ngang, mình rầy người ta làm sao? Cấm mình đó nghe không!Nhưng mà thầy cười, sẽ lén lại ngồi gần bên, vuốt tóc lẩm bẩm có một câu:- Tôi có phước chi mà được vợ như vầy, mình?Cô dừng tay lại mà ngó chồng một cách có duyên:- Nếu mình tưởng cho mình là không đáng làm chồng tôi, thì là mình đày tôi như hạng nhi nữ tầm thường rồi. Một là tôi không biết lựa chồng; hai là tôi cũng ham những khoái lạc vật chất như ai… Tôi không tham mình à! Tôi muốn làm người theo cái phận thấp thỏi của tôi, nhưng vẫn được bằng lòng. Nói bất lợi mà nghe, nếu như mình rủi tật nguyền khổ khốn cùng, chẳng những tôi không khinh khi mình, mà lại còn xót xa cho cái khổ tâm của người quân tử. Mình cứ tự hỏi mình có phước gì. Vậy chớ tôi đây có phước gì? Nếu mình tưởng rằng nội cái tình thương của mình là chưa vừa cho tôi, thì tôi lấy làm e rằng sau nầy mình sắm được cho tôi sợi dây chuyền tốt, cái áo đẹp toàn là những đồ mà tôi không coi rằng quí- mình đã tưởng cho tình thương của mình đến đó là cùng đàng rồi.Thầy cười:- Thôi, thôi, thôi! Tôi phục lòng cao thượng! Mà mình cũng nên xét rằng: nghĩ vẩn nghĩ vơ cho phải bị rầy, là tại cái lòng tôi thương mình vô tận!- Tôi muốn mình đừng vì yêu tôi mà tự hạ như vậy.- Tôi biết tự trọng chớ; nhưng với người yêu, tôi phải hết sức khiêm nhường…Nhưng bao giờ Ðoàn Hữu Minh xét đến phận mình cũng buồn.Có cái óc thông minh, làm chi mà lại chẳng có cái hạnh phước học đến chốn đến nơi như ai? Có lòng lương hảo làm chi mà lại chẳng đặng dư giả đặng đền ơn sanh dưỡng cù lao, nâng đỡ anh em, bà con, giúp ích cho những kẻ tai nàn khốn lụy?Thầy mang cái tiếng “thầy giáo” mà chẳng chút chi lấy làm vinh diệu, vẫn thấy mình tài không xứng chức. Cho rằng chàng hết lòng dạy dỗ trẻ thơ mà không bao giờ cầu đặng khen.Lãnh cái chức vụ dạy đời, ít nữa phải văn chương loại thông cổ, thạo kim, cho xứng đáng với cái “lạy, bẩm” của học trò. Bao giờ nhớ đến câu “dốt đặc là hay chữ lỏng” thì thầy lấy làm thẹn.Dễ thường khi cái thói ái kỷ [6] nó làm cho mình tự đắc mà quên cái khuyết điểm của mình. Thật thế, ai cũng có ít nhiều tự đắc; vì vậy mà nguôi thảm, bớt sầu; nhưng trái lại cũng vì vậy mà con người cứ ở một mực ngu đần thấp kém.Ðoàn Hữu Minh muốn làm người hoàn toàn, nghĩa là vừa giữ được cái thân thể tráng kiện, tấm lòng chơn chánh, vừa lo cho óc được minh mẫn…Cái tánh khiêm nhượng làm cho thầy thấy mình còn thiếu kém hoài.Cô Dung không dè đâu ngày kia chồng xin phép đi Sài Gòn về, nét mặt hân hoan mà cho hay rằng đã thi đỗ bằng cấp tốt nghiệp mới rồi. Cái mừng của cô ta, nói sao cho xiết! Song, nghe vợ mừng, khen, chồng chỉ trả lời một cách khiêm nhường:- Có chi! Tôi nhờ mình đó thôi. Tôi ráng thi đậu mà chi? Ðặng cho mình được cái vui tình cờ, đặng cho những người chê mình trước kia sẽ nói với nhau rằng mình thương tôi không uổng.Cô hơi mắc cỡ, sẽ véo vai chồng mà nói:- Mình yêu tôi đến thế, tôi phải lo đáp lại cách nào?- Dễ mà! Có siêng làm cho một mớ bánh ngon ăn chơi thì đủ!Rồi hai người đều cười. Vui thay cho cái cảnh vợ chồng hòa thuận.
[1] khá lớn[2] cha mẹ [3] tìm [4] do chữ dương chi thủy là nước của nhành dương=nước có phép Phật. Ðiển: về đời Tần, ông Thạch Lặc có người con trai chết ngất, có ông Phật- đồ-trừng người Thiên Trúc lấy cành dương nhúng vào nước rưới lên người, con Thạch Lặc tức khắc tỉnh lại. Thơ tôn giáo: … cam lồ rưới giọt nhành dương; thất tình lục dục như dường tiêu tan…Giọt nước nhành dương=sự cứu rỗi [5] vết[6] thương mình
[1] khá lớn[2] cha mẹ [3] tìm [4] do chữ dương chi thủy là nước của nhành dương=nước có phép Phật. Ðiển: về đời Tần, ông Thạch Lặc có người con trai chết ngất, có ông Phật- đồ-trừng người Thiên Trúc lấy cành dương nhúng vào nước rưới lên người, con Thạch Lặc tức khắc tỉnh lại. Thơ tôn giáo: … cam lồ rưới giọt nhành dương; thất tình lục dục như dường tiêu tan…Giọt nước nhành dương=sự cứu rỗi [5] vết[6] thương mình