Hỏi ngày tết, người ta nhớ về cái gì đầu tiên? Có thể anh chị sẽ không trả lời, hoặc vô tình hoặc cố ý; nhưng chắc chắn trong thẳm sâu tiềm thức và bật dậy trước nhất phải là một nén nhang thắp lên ngọn khói thiêng liêng. Tôi đang ở xa quê, đôi khi muốn cố ý quên đi để giấu cái nhớ lắng xuống, nhưng ngọn khói kia cứ lôi tôi dậy. Và không thể nào quên được, mãi mãi, tôi tin thế!
Ông nội đã dạy cho tôi cách thắp nhang từ rất sớm. Khi đó tay tôi vói chưa tới cái lư hương trên bàn thờ, phải kê thêm cây ghế mới được. Nhưng mà thích, không hiểu vì sao thích, chỉ biết mỗi lần cắm cây nhang vào lư là như thấy mình được lớn thêm vậy. Mới đầu phải đi khắp ba cái bàn thờ để đếm số lư hương. Lần sau thì đã nhớ, cứ rút thẻ nhang mười chừa lại một cây là vừa. Tất thể nhà mình có tám lư hương, thêm ngoài trời một cây nữa là chín.
Cuối năm có lệ phải thay cát trong bát nhang. Cát trắng từ Rú Tường Vân người ta đem lên bán rất nhiều ngoài chợ Thuận. Cuối năm đi chợ chơi, thích đứng nhìn những mủng cát trắng đặt dọc đường; bâng khuâng nhớ cái truyện ngắn “Chú bé bán cát” của Hoàng Thái Sơn, hồi nhỏ nghe được qua Radio. Mua cát về, thỉnh lư hương xuống lau chùi sạch sẽ. Dùng một mẩu bìa cát-tông khoanh tròn bằng miệng lư, ở giữa cắt thủng một lỗ nhỏ để cắm hương. Chân nhang thắp quanh năm nhiều, phải nhổ đi bớt, chỉ chừa lại ba chân, số còn lại đem phát hoả.
Sáng ba mươi tết, anh em tôi vác cuốc chổi xuống cồn Mai để dọn dẹp quét tước lại lăng mộ tổ tiên. Người ta sống, cứ thích trang trí nhà cửa cho đẹp cho sang để đón tết, nhưng đôi khi lại quên đi việc làm ý nghĩa hiếu đạo này. Sau bữa cơm tất niên cuối năm, ông nội dắt tôi xuống cồn đất làng để thắp nhang. Con đường men qua những ngôi mộ cỏ may thiu thiu buồn, hình như cỏ may cũng đang đứng nghiêm làm nhang cho những ngôi mộ vô chủ. Cứ đến ngôi mộ nào ông cũng nói về người nằm ở dưới; đây là cụ Cố, hay chữ lắm; kia là cụ Cao, đức độ tài trí... Dòng họ Hoàng Công nhà mình xưa thông minh sáng dạ chăm học, nhưng do chiến tranh lưu lạc nên sau này thất học cả. Ông nói, năng đi thắp nhang sẽ được tổ tiên phù hộ cho đường học hành. Từ đó việc đi thắp nhang dưới cồn, ngoài việc hiếu đạo còn là để cầu mong ông bà phù hộ. Đi với ông độ ba lần là tôi thuộc hết vị trí mồ mả nhà mình. Những lần sau ông uỷ thác việc này cho tôi đi cùng với mấy đứa em.
Ngày nhỏ chúng tôi rất nghịch nên nhiều lần dùng nhang để đi doạ ma, tiếng Quảng Trị gọi là đi trến ma. Ban đêm, thắp một cây nhang rồi núp trong bụi. Thấy người nào đi tới thì đưa đầu nhang đỏ lửa vào miệng, cắn hai hàm răng vào cây nhang rồi khừ một tiếng cho hơi trong cổ phát ra. Khi đó ánh lửa đầu nhang đỏ rực lên tạo thành một cục lửa hồng, cùng với tiếng kêu gió y hệt là ma. Đêm ba mươi tết trời tối như bưng mà doạ ma là người ta khiếp hồn khiếp vía, cứ tưởng cuối năm ma về ăn tết.
Sắp đến giao thừa, mệ nội bày mâm ra giữa trời, đặt lên đó hoa quả, ít bánh trái và một chén muối. Đại ý chén muối là để cầu mong anh em trong nhà bà con làng xóm sống mặn mà với nhau, như câu “đầu năm mua muối cuối năm mua vôi”. Một chén gạo dùng làm bát nhang. Khi đó ông nội mặc áo dài đen chít khăn đóng, rút một thẻ nhang thắp lên đỏ rồi đứng giữa trời mà khấn thầm những lời mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu, lời cầu mong sự ấm êm trong năm mới... Tôi đứng bên hầu nước, ngọn gió giao mùa thổi nhẹ làm khói nhang bay vào mắt xao xuyến!
Ba ngày tết bàn thờ rạng đèn, nhang khói không được để lạnh ngắt một phút nào. Vậy nên ngày tết nhất thiết phải có người ở nhà tiếp khách và trực nhang trên bàn thờ. Sáng mùng một, thức dậy thắp hết một lượt nhang ở nhà, tôi lại cùng ông mệ nội lên chùa. Đầu năm lên chùa gọi là mừng tuổi Phật. Cắm nhang lên bàn thờ Phật xong, bác chủ lễ thỉnh một hồi chuông cho mọi người vía các Ngài. Ở chính giữa là Đức Bổn Sư Thích Ca, bên phải là Ngài Địa Tạng, bên trái là Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát... Đầu năm lên chùa gặp bác chủ, lễ bao giờ tôi cũng được nghe những câu chuyện hay và ý nghĩa, chuyện đời chuyện đạo...
Cạnh chùa làng có o Sương làm nghề hương. O Sương bị điếc, ai nói chi chẳng nghe, cứ cặm cụi suốt ngày nhồi bột cưa lăn lăn ra những cây nhang nhỏ rồi đem phơi ở sân chùa. Ngày nhỏ tôi thích lên nhà xem o làm nhang. O bày cho cách lăn nhang quanh nan tre, nhưng chẳng bao giờ tôi làm được. Thế là chỉ biết ngồi nhìn  và phụ o dán bao giấy xung quanh ốp nhang thôi. Những lần đó hai bàn tay đỏ kè vì màu giấy bọc nhang thấm ra, nhưng mà thích lắm! Sân chùa vào tháng chạp rợp kín những tấm phiên kê lên tầm ngực, trên đó rải nhang vừa lăn xong. Mùi bột hương lan khắp xóm. Nghe đâu làm nghề nhang cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ vì cái mùi bột rất độc. Tôi chẳng cần biết nó đúng đến đâu, nhưng trông o Sương vẫn mạnh khoẻ như thường. O nói làm nghề nhang là làm việc hiếu đạo, ông bà phù hộ chớ răng mà độc hại được.
Sau này có nhang điện, chẳng hiểu vì sao bà con ta lại mua thứ đó về cắm lên bàn thờ, không có khói có mùi gì cả. Ai thắp cứ thắp, nhưng nhà tôi nhất quyết không dùng. Tại sao lại cứ phải hiện đại (?) khi mà tổ tiên ta bao đời nay dùng nén nhang khói thơm để thể hiện lòng thành. Nhẽ nào đến cả tấm lòng cũng phải...hiện đại hoá?
Tết năm ngoái ở bên này, chúng tôi đi chợ của người Việt, mua được xấp giấy tờ vàng mã và nén nhang, mừng hơn cả được tiền. Đêm gần tết nấu xôi chè, kê bàn học làm mâm cỗ, thắp nén nhang như để vọng tưởng về quê nhà tổ tiên xa xôi. Trong phòng có cái máy phát hiện khói thuốc lá, vậy là chúng tôi gỡ ra, khoá phòng lại và thắp nhang. Ở xa nhìn nén nhang bùi ngùi lắm! Năm nay lại không về được, thêm một cái tết Cổ truyền xa nhà. Chợt có ngọn khói nào bay về từ những ngày xưa...
Minsk 12.2008
HOÀNG CÔNG DANH

Xem Tiếp: ----