Đầu tiên hắn chửi lãnh đạo cơ quan của hắn.
-Mẹ chúng nó chứ! Lũ chúng nó bạc như vôi. Ông không biết đấy thôi, cái vụ này khi tôi chưa về làm vụ trưởng nát như tương Bần chứ có phải được như bây giờ đâu. Không có năm nào vụ không bị bọn báo chí chửi cho vài trận. Hết dự án nọ đến dự án kia bị bọn nhà báo khui ra.Thôi thì đủ mọi chuyện. Thế mà ông xem,từ khi tôi về đến nay mọi việc êm re. Vụ đâu vào đấy. Chẳng có một điều tiếng gì. Thế mà lũ ăn cháo đái bát vụ vừa ổn định là bọn chúng lại bẩy tôi đi.
Kể hắn nói cũng phải. Từ khi hắn lên làm vụ trưởng đến giờ không có một bài báo nào đả động đến vụ của hắn thật. Thậm chí thỉnh thoảng còn có những bài báo ca ngợi vụ của hắn nữa. Thật tiếc, tôi thầm nghĩ.Một người có tài thế mà bị bật bãi. Chẳng biết trên đời này còn công lý nữa hay không? Tôi an ủi hắn.
-Thôi mà ông. Cây càng cao gió càng lớn bật gốc cũng là chuyện bình thường. Cứ như tôi đây này,đầu chày, đít thớt. Cả đời tôi chả thấy thằng nào định bẩy tôi đi. Tức làm gì cho mệt. Mà sao tôi không thấy báo chí của  đả động đến vụ thay đổi nhân sự này nhỉ?
Nhắc đến báo chí, hắn đã nguôi nguôi rồi, đột nhiên lại nổi xung lên. Hắn nhổ một bãi nước bọt đến toẹt một cái ra giữa nhà.
-Bọn khốn nạn! Bọn bồi bút! Khi tôi còn ngồi ở ghế vụ trưởng, tháng nào mà bọn chúng chẳng mò đến hết xin cái này đến nhờ cái kia. Một tháng  tôi phải chi cho chúng nó đến gần chục triệu. Thế mà từ khi tôi thôi chức vụ trưởng đến giờ chẳng thằng nào ỏ ê gì nữa. Bạc! Đời thật đen bạc.
À ra vậy.
Tôi với hắn vốn là hàng xóm của nhau đã mấy chục năm rồi.Từ hồi chúng tôi còn bé tý, cùng nhau ra bãi gỗ sông Hồng kiếm củi. Phải công nhận năng lực của hắn phát tiết từ rất sớm. Hồi bé như thế mà hắn đã hơn hẳn tôi rồi. Chỉ thoáng một cái là hắn đã thuổng ngay được một thanh củi nạc, dấu xuống dưới đám vỏ cây rồi thoáng một cái nữa, tôi đã thấy hắn lủi ra đằng sau lưng tay bảo vệ,lom khom bê cái thúng, lẩn nhanh qua hàng rào và biến mất vào trong một hẻm nhỏ. Còn tôi thì kì cạch dùng dũi,dũi từng miếng vỏ cây đặt vào thúng đội về. Mẹ tôi thường mắng tôi.
-Mày ăn cứt cho thằng Tân ấy. Mày xem ngày nào nó cũng kếm được hàng đống củi. Đun không hết còn đem bán. Còn mày ngày nào cũng chỉ dăm cái vỏ cây.
Quả thật vào những năm sáu mươi của thế kỉ trước cái đun nấu của Hà nội là cả một vấn đề.Lớn lên, tôi đi học đại học còn hắn phá ngang đi làm công nhân. Và cả lúc này nữa, tôi cũng phải công nhận là năng lực của hắn hơn hẳn tôi. Chả thế mà trong khu nhà tôi có một cô gái tên là Lan, rất xinh. Tôi mê tít. Thế mà một anh chàng công nhân như hắn  đã cho một chàng sinh viên như tôi bị Knockout ngay từ hiệp một. Xin mọi người nhớ cho sinh viên của những năm bẩy mươi oai như cóc chứ không phải nhiều như lợn con như bây giờ. Thời gian cứ trôi đi vùn vụt. Ngoảng đi ngoảnh lại mà hai chục năm đã trôi qua. Tôi nhớ có một hôm,nhà hắn tổ chức ăn uống to lắm. Tôi cứ tưởng là ăn hỏi hắn. Tối hôm ấy tôi gặp hắn ở máy nước tôi hỏi
-Ông sắp lấy vợ đấy à?
-Vợ con gì đâu gì đâu-Hắn nói- hôm nay đảng ủy cơ quan tôi đến để đi thẩm tra lí lịch kết nạp đảng cho tôi. Nhân thể mời mấy ông đảng ủy và chi bộ đến
-À ra vậy. Thế mất mấy mâm?
-Mất bẩy mâm ông ạ. Thôi cũng đành nghiến răng chứ biết làm sao.
Hắn thở dài đến sượt một cái. Nhìn mặt hắn tôi biết. Hắn chắc sót ruột lắm. Thế rồi hắn vào đảng. Thế rồi hắn lên phó giám đốc công ty. Một hôm hắn sang nhà tôi chơi và khoe tôi  tấm bằng đại học tại chức. Hắn còn kể.
-Ông biết không, Hôm bảo vệ luận án, cả hội đồng không ai hỏi tôi được một câu nào. Còn hỏi gì được nữa! Luận án quá hoàn hảo. Ông biết luận án của tôi được bao nhiêu điểm không?-Hắn hỏi tôi mà mặt hắn vác lên-Mười điểm. Điểm tuyệt đối.
Tôi cũng phải trợn tròn mắt. Mười điểm! Thật kinh khủng. Thời tôi đi học, luận án tốt nghiệp của tôi được chín điểm mà tôi đã nức tiếng toàn trường. Đã được mệnh danh là khủng long bạo chúa. Thế mà hắn được những mười điểm. Hèn gì hắn chẳng thăng tiến như diều. Nghe hắn nói mà lòng tôi được an ủi rất nhiều. Tôi đúng là ếch ngồi đáy giếng. Cứ tưởng là mình ghê lắm. Cứ nghĩ mình không tiến lên được suốt đời èng èng chức tổ trưởng cơ điện là do số mình không tốt chứ chẳng phải mình kém tài gì. Hóa ra là thiên hạ còn khối người tài giỏi hơn mình. Như hắn chẳng hạn.
Ba mươi tết năm ấy, vợ hắn sang nhà hỏi tôi
-Chị nhà đi đâu hả anh.
- Chắc là đi chợ sắm tết.
Tôi trả lời. Vợ hắn tần ngần một lúc rồi nói.
-Em sang trả tiền cho chị ấy không năm hết tết đến mà không trả nợ được thì xúi quẩy cả năm mất.
-Cô vay tiền nhà tôi?- Tôi ngạc nhiên-Cô đùa chắc.
-Thế bác tưởng nhà em giầu lắm à?-Vừa nói, vợ hắn vừa mở ví móc tiền ra đưa cho tôi-Năm triệu đây. Bác đếm lại cho em. Bác có biết vừa qua em tốn mất bao nhiêu trong vụ bảo vệ luận án của nhà em không? Ba mươi triệu đấy.
À ra vậy.
Sau khi có bằng đại học, một năm sau hắn lên giám đốc, rồi hai ba năm gì đó,tôi không nhớ, hắn lên bộ. Con đường hoạn lộ mở rộng thênh thang. Từ khi hắn lên bộ, hắn không sang nhà tôi chơi nữa mà tôi cũng có ý tránh vì sợ mang tiếng thấy người sang bắt quàng làm họ.
Nhưng! vâng vẫn lại chữ nhưng. Tôi đọc ở đâu đó nói rằng trời không cho ai tất cả mà cũng không tước của ai đi mọi thứ. Được cái nọ thì mất cái kia. Hắn tuy vậy nhưng lại chỉ có được mỗi một thằng con nhưng nó lại bị đơ đơ. Hắn hận lắm. Từ hồi lên bộ, hắn không quan hệ với ai trong xóm. Tôi thì tôi không để ý nhưng đối với mấy mụ dỗi hơi luôn ngồi lê đôi mách thì đấy lại là một trọng tội.
-Ối giờ, mới lên ông nọ bà kia mà mặt đã vác lên. Để rồi xem liệu có hơn được ai không. Giờ cũng có mắt đấy các bà ạ. Nhà ấy thế là tuyệt giống.Ai thèm lấy con lão. Để xem lão có mang của đi mua vợ cho con được không?
Mấy con mụ ấy ác khẩu thật. Nhưng mấy bà đâu biết rằng “ Có tiền mua tiên cũng được” nói gì đến mua vợ cho con. Hắn đi mua vợ cho con thật.Đùng một cái,hắn mang thiếp mời đi mời cả xóm.Mà đám cưới tổ chức tại khách sạn năm sao Dai woo hẳn hoi. Cả xóm chẳng ai dám đi. Mỗi mình tôi nghĩ đến cái thủa cùng đi ăn cắp củi ngày xưa đánh liều  đi dự. Vừa đi vừa run. Không biết  lên đấy mình có  quê quá hay không. Con dâu hắn xinh như mộng. Nghe đâu nhà mãi tận Mường Tè Lai châu gì đó. Về nhà hắn có nửa năm mà cô bé như lột xác. Nào váy nọ, áo kia. Nào ví đầm, mắt xanh mỏ đỏ con dâu mấy bà ở xóm tôi nhìn thấy mà chạy mất dép. Thế là mấy bà dưa lê xóm tôi tịt mít chẳng còn gì để nói. Không những thế, chỉ một năm sau,hắn đã đưa con bé vào làm ở một công ty ngoại thương làm mấy bà xóm tôi tức phát rồ.
- Ối giời ơi! Công ty ngoại thương cũng có dăm bảy loại. Ngữ ấy,học không học, hành không hành, đến đấy chắc chỉ làm chân bưng bê chứ làm ông nọ bà kia gì mà tinh tướng.
-Được làm chân bưng bê thì đã phúc. Có khi làm chân dọn chuồng xí ấy chứ.
Một mụ khác chêm vào.Quái lạ cho cái giống đàn bà đã gét ai thì thế nào cũng bới móc ra đủ chuyện. Không hiểu những lời đó có đến tai hắn không mà một hôm thấy hắn và con dâu đi xe về. Ngang qua đám buôn dưa lê đang ngồi,hắn bảo con dâu.
-Thế danh thiếp của con đã in lại chưa,? Đưa đây cho bố xem nào.
Cô con dâu đưa cho hắn một tập danh thiếp. Hắn dơ tay cầm. lóng ngóng thế nào tập danh thiếp lại bị rơi xuống đất. Hắn cúi xuống nhặt lên nhưng nhặt không hết còn sót lại mấy tấm. Khi bố con hắn đi rồi. Mọi người cầm lên đọc. Mắt tất cả đều trợn ngược. Tấm danh thiếp ghi.
“Trần thúy Vân-Trưởng phòng kinh doanh
Công ty vận tải Ngoại thương “.
Vợ tôi đưa cho tôi xem một tấm. Đọc xong tôi thầm nghĩ: “Hắn không thể gọi là có năng lực mà phải gọi là siêu năng lực mới xứng với tài của hắn”.
Thế nhưng. Vâng! Lại một chữ nhưng nữa,làm tôi cũng không biết số của hắn là may mắn hay khốn nạn. Số là sau khi hắn về hưu được có ba tháng thì vợ và hắn xảy ra một cuộc cãi nhau nảy lửa. Điều này thời đương chức không bao giờ xảy ra. Ngồi tận nhà tôi mà tôi vẫn thấy vợ hắn chu chéo
-Âm mưu cho lắm vào. Tham như chó ấy. Đã bảo rồi, nó không có học có hành gì thì mua cho nó một cái cửa hàng để vợ chồng nó buôn bán lặt vặt có phải là vẫn còn con còn cháu không. Đằng này lại âm mưu, thủ đoạn đưa nó vào làm ở công ty, còn bẩy nó lên làm trưởng phòng nay, trưởng phòng nọ. Bây giờ mới trắng mắt ra. Ối giờ ơi, Sao mà số tôi nó khổ đến thế này hả trời.
Vợ hắn kêu khổ. Vợ hắn chửi trời. Làm trời cũng khó lắm thay. Tôi nghe thấy tiếng hắn gầm lên.
-Im mẹ cái miệng mày đi.
Rồi nghe thấy tiếng rầm một cái và tiếng vợ hắn la lên.
-Ối giời ơi! ối làng nước ơi!Lão ấy giết tôi.
Tôi vội đứng dậy định chạy sang thì vợ tôi ngăn lại.
-Vợ chồng người ta cãi nhau, anh sang đấy làm cái gì.
-Em lạ nhỉ -Tôi nổi cáu –em học được cái thói cháy nhà hàng xóm bình chân như vại của ai thế?
-Thì của chính ông bạn thủa kiếm củi của anh chứ ở đâu nữa.Anh thử xem, nhà ông ta có tham gia bất thứ cái gì của xóm không? Vậy nhà ông ta có chuyện thì cứ để ông ta tự giải quyết.
Tôi cứng họng.Của đáng tội, từ khi lên bộ hắn không hề quan hệ với ai thật. Thậm chí đi ra đi vào chạm mặt nhau hắn cũng chẳng thèm chào hỏi ai. Làm gì người ta chẳng gét.Bên nhà hắn, vợ hắn lại gào lên.
-Ông có giỏi thì giết tôi đi. Giời ơi là giời. Sao tôi lại khốn khổ thế này.
Không đừng được, tôi đi sang nhà hắn.
Nhà hắn đúng là một bãi chiến trường. Bát đĩa khắp nơi. Thức ăn vung vãi mọi chỗ. Vợ hắn dúi vào một chỗ khóc rưng rức. Còn hắn đứng ở giữa nhà, mặt xám xanh, tay cầm cái phích giơ lên cao đang định đập xuống.. Tôi tiến lại giữ lấy tay hắn.
-Thôi nào! Có gì thì bình tĩnh nói chuyện. Đừng ầm ỹ lên thế mà hàng xóm người ta cười cho.
Hắn ngồi phịch xuống ghế, hai tay ôm lấy đầu. Vợ hắn thấy có người bênh lại được dịp kể lể.
-Ối bác ơi! Con Vân nhà em nó bỏ đi theo giai rồi bác ơi. Chị tại cái thằng chồng em đã ngu lại còn tham.Con bé xinh đẹp như thế, giữ rịt ở nhà còn chưa chắc đằng này lại muốn cho nó thành ông nọ bà kia cơ. Bây giờ mới trắng mắt ra.
Tôi đưa mắt nhìn sang hắn. Hắn gật đầu thừa nhận.
-Đúng đấy ông ạ.Hận nhất là cái thằng ẵm mất con đĩ ấy lại là thằng đệ tử ruột của tôi. Chính tôi đã cất nhắc nó lên chức tổng giám đốc. Mẹ nó chứ! Quân khốn nạn. Đồ vong ân bội nghĩa. Ông xem, ngày xưa các cụ vẫn bảo “Con thầy, vợ bạn” là phải tránh xa. Bây giờ, chúng nó chẳng còn cái gì mà không dám làm. Suy đồi hết! suy đồi hết! Đạo đức thời nay đúng là xuống dốc không phanh.
Tôi nhìn hắn mà ái ngại. Đúng là họa vô đơn chí. Hóa ra là số hắn cũng chẳng sướng gì. Lúc lên voi ai cũng xúm vào ca ngợi hết lời. Khi xuống chó đến vợ cũng chửi cho là ngu với tham. Như tôi đây, cả đời cưỡi chó lại hóa ra hay. Tôi an ủi hắn.
-Thôi ông ạ, Con dâu như thế nó bỏ đi có khi lại hóa may chứ nó còn ở nhà có khi ông lại đi nuôi một đống cháu người
-Trời ơi! –Hắn ôm đầu rên rỉ - Tôi cần gì nó. Tôi cần mỗi đứa cháu tôi thôi thì nó lại mang đi mất.
Tôi nghe hắn nói mà rợn gai ốc. Hóa ra không phải hắn cưới vợ cho con mà hắn mua người để đẻ thuê cho dòng giống nhà hắn.Có lẽ trời có mắt thật chăng? Nếu hắn đề bạt một người tử tế lên làm tổng giám đốc Nếu hắn không mua người để đẻ thuê cho con hắn thì liệu hắn có gặp phải cảnh này không? Nếu! chao ơi có một trăm chữ nếu mà sao ai cũng rơi xuống vực rồi mới tự nói với mình chữ nếu ấy nhỉ? Sao họ không tự hỏi mình một chữ nếu trước khi làm một việc xấu xa? Hay họ không tự biết đó là một việc đê tiện nhỉ? Vì nếu biết họ đã đặt một chữ “Nếu “ trong đầu.
Sau lần ấy, hắn bị sốc đến mức phải đi viện. Tôi vào bệnh viện Việt Xô thăm hắn.Bệnh viện của các quan chức to có khác, Sạch sẽ và vắng vẻ. Tôi vào thấy hắn đang ngồi nói chuyện cùng với mấy ông cấp vụ,cấp cục cũng đã về hưu như hắn. Tất cả bọn họ đều đang chửi
-Thằng ấy thì có năng lực gì. Chẳng qua chỉ giỏi bợ đít.
-Giời ơi toàn một bọn khốn nạn
-Chúng nó thì chỉ chăm chăm móc túi dân đen, Vơ vét tiền của nhà nước chứ làm gì?
_...........
Quái lạ thật! Tôi tự hỏi. “ Chúng nó”  từ lỗ nẻ nào mà chui lên thế nhỉ? Chẳng phải từ chính các vị đưa lên sao?Thế mà bây giờ các vị lại chửi. Bây giờ tôi mới biết có một định luật:Càng to càng chửi khỏe và chỉ chửi lúc đã về hưu. Sao họ không chửi lúc đương chức nhỉ? Tôi tự hỏi mà không sao trả lời được Hồi vợ tôi ốm nằm bệnh viện Bạch mai. Ba người nằm chung một chiếc giường một. Tôi cấm thấy ai chửi rủa gì. Đúng là những bà vô học có khác, chỉ quanh quẩn lo.
-Không biết mưa thế này,ông ấy có biết mà che cót thóc không?
-Đến kỳ đóng học phí rồi. Mình nằm viện lấy đâu ra tiền đóng cho con bé.
-Thuốc bây giờ có đắt không mấy bà.
Trời ơi! Một nơi toàn những lời chửi còn một nơi toàn những lời than.
Con trai tôi tốt nghiệp đại học. Một tối nó hỏi tôi
-Bố ơi con muốn xin vào làm công chức ở bộ bố bảo có nên không.
Tôi bảo thằng con.
-Cái đó còn tùy vào năng lực của con. Bố chỉ dạy con câu ngạn ngữ này “Dốt,lỳ thì đi làm quan. Giỏi, to gan thì đi làm giầu” Mà khi còn đi học môn chửi của anh điểm có khá không?
-Bố lo gì –Thằng bé cười- Còn những ba mươi năm con mới về hưu. Chẳng lẽ từng ấy thời gian mà con trai bố lại không học được cách chửi à?
  Ơ cái thằng này! Hóa ra nó cũng biết à? Mình tưởng mỗi mình mình biết điều ấy
Hà Nội 22-1-2009

Xem Tiếp: ----