Thằng Lịch búng người trên mặt sóng, khúc sông này rộng nhất, sâu nhất của nhánh sông cái đổ ra Tiền Giang. Trời nắng lâu, nước sông thiệt trong. Thỉnh thoảng chụp vào dề lục bình lập lừ thế nào cũng có chú cá vướng trong mớ rễ, nó tung lên trời. Con cá quay tít, tạo nên một dải ánh bạc và rơi bóc xuống mặt nước. Chợt nó thấy qua lớp nước tung tóe sáng lóa, trên cây cầu khỉ mảnh như nét vẽ nguệch ngoạc đằng kia, một ông già - nó nhìn không phải người vùng này, đang chới với như sắp xô cả cái tay vịn nhỏ xíu để nhào xuống sông. Nó trồng thẳng người giữa dòng nước, in như có một cái cọc ngầm chỗ nó đứng, và hét lạc giọng:
- Đứng im. Đừng đụng cựa. Đừng nhìn xuống!
Nó bơi như băng mình về phía cây cầu. Người đàn ông lấy lại được thăng bằng trên cây bông gòn bằng bắp chân, kinh hãi nhìn dòng nước mênh mông, thăm thẳm. Bình tâm lại một lúc, ông bỗng nhận thấy thằng bé trước mặt đẹp lạ lùng: một cơ thể cân đối, thon dài và rắn chắc, những cử động mềm dẻo và khỏe khoắn, đôi mắt sáng ngời trên gương mặt thanh tú của con gái nhưng lại ẩn chứa sự mạnh mẽ của con trai. Nước chảy ròng ròng trên làn da nâu bóng như da siêu người mẫu Naomi Campbell. Không nhìn, không vịn, không thèm dang tay giữ thăng bằng, đôi chân nó lướt trên cây gỗ tròn.
- Ông đưa giày tui cầm giùm cho!
Một tay xách giày, tay kia nó nắm tay ông. Một cảm giác lạ lùng lan trên da thịt ông. "Tay thằng bé ấm và mềm quá". Khổ sở lắm nó mới gắng để không lôi ông tuồn tuột. Và sốt ruột buông tay ông khi chân vừa chạm đất, nó nhún một cái, bắn người xuống sông, không để ông kịp cảm ơn. Nó bơi nghiêng và vẫy vẫy, toe miệng cười, chắc là vì sự vụng về của ông. Ông bần thần vì nụ cười của thằng bé, tiếc rẻ vì đã không mang theo máy ảnh. Hình như mình đã gặp thằng bé này ở đâu đó - lâu lắm rồi - như hàng chục, hàng chục năm trước... Ông cố nghĩ... Không! Không có. Đôi lúc ta vẫn hoang tưởng thế đấy: Đúng là gặp chuyện xảy ra lân đầu tiên, lại vẫn thấy quen quen!
Thằng Lịch bươn ra giữa sông, chỗ cây xuồng của nó và nắm mũi xuồng, vặn nhẹ cổ tay. Thế là đã có lưng lửng xuồng nước, nó đẩy xuồng về phía bờ. Ông khách vẫn đứng nhìn nó. Ông vẫy nó lần nữa và bước đi.
*
Lịch đổ nước vào khạp. Nó đã có chừng, chỉ lấy đủ ba khạp, thừa cũng không có chỗ đựng. Quậy phèn, đậy khạp cẩn thận, xong nó buộc xuồng vào gốc trâm bầu rồi đến quăng mình vào gốc ổi, hít lấy hít để mùi ổi chín thơm lựng. Thứ ổi này chỉ được sướng hai lỗ mũi. Má nó lấy giống từ ngoài Bắc, trái nhỏ mà lắm hột, hột cứng như sạn. Nhưng mà thơm cha trời là thơm, lại ngọt nữa. Bạn hàng không ai mua thứ này. Má nó cũng không muốn bán, biểu để cho chim về. Hồi ngoại còn sống, nó xui ngoại đốn, thay thứ khác, má cự, ngoại chỉ thở dài.
Vườn ổi nhà thằng Lịch nổi tiếng cả vùng này không phải vì rộng. Trừ hàng ổi ngoài rìa, hai cây ổi giống tốt, nhiều cơm, ít hột, chua ngòn ngọt, thơm rất lạ, giòn, trái bự lại lắm trái; ăn một lần là nhớ. Người trên tỉnh, trên huyện, cả người đâu đâu cũng đến. Coi, ăn đã, còn hỏi mua làm quà. Má nó không lấy tiền ai. "Người ta có lòng, từ xa xôi đến, mình tiếc chi mấy trái ổi. Không bao lăm nhưng họ vui". Khổ nhứt là gặp tụi học trò, đi từng tốp mấy chục đứa, cắn vài miếng rồi ném nhau, bẻ trái khác. Ra về còn bẻ cả cành, gánh trên vai mỗi người cả chục trái ổi mập núc, bóng ngời. Nhìn từng bao ổi ruột trắng tươi bị cắn nham nhở phải đổ vào chuồng heo, nó tiếc húi hụi. Má nó an ủi: "Thôi con, để mai mốt má chở lên tận chợ Sa Giang bán, bù lại. Trên bán được giá lắm". Nhưng nó đâu tiếc tiền?
Thằng Lịch nhớ ra má sắp đi ăn đám cưới, lật đật trở xuống bến lau xuồng, rồi mới thủng thẳng đi vào nhà. Cái mũi thẳng và gọn của nó hơi hỉnh lên, nó sửa giọng cho giống cải lương, chuẩn bị nhắc lại câu "Dạ, thưa má, con đã lo xong việc nước". Bỗng nó khựng lại. Nó bàng hoàng. Nó không tin vào mắt mình. Nó dụi mắt ha lịa. Và nó nhận ra điều mà nó thấy là thiệt: Cái ông hồi nãy mà nó dẫn trên cầu, đang đứng trên thềm, quay lưng về phía nó, đang ôm má nó. Nhìn qua nó cũng biết má đang đổ người vào ngực ông ta, còn ông thì xoa vuốt đôi vai tròn cái thân hình sinh ra để bận áo bà ba, áo dài, của má. Chắc má vừa thay áo. Chiếc áo dài màu tím than chỉ thêu độc một chùm bông ổi trắng xanh, má rất quý, nó cũng coi đó là sự tinh khiết, cao quý như con người má nó, hôm nay thế là dây bẩn. Máu nổi hai bên thái dương, ứ đỏ mặt nó. Ông khách nói với má rất nhỏ bằng giọng Bắc:
- Thoan đừng khóc nữa, kẻo con về nó thấy...
Con? Ông vừa nói con nào vậy cà? Mà làm sao má phải khóc?...
Nó không biết nên tiến hay phải lùi lại, thành thử cứ đứng như trời trồng giữa sân. Mãi tới lúc má nó đứng lên được bằng đôi chân của mình thì bà nhìn thấy nó và buông vội ông khách mà không giấu kịp gương mặt ướt ngời hạnh phúc. Nó chiếu thẳng ánh mắt dữ dằn như con thú non bị thương vào ông khách, rồi lập tức bẻ cái nhìn sang má. Ông ta thì xúc phạm má, và má cũng xúc phạm nó. Má đạp đổ hết cái thần tượng nó xây trong lòng...
Chị Thoan bối rối chỉ vào con.
- Thằng Lịch đó anh!
Và chị quay sang Lịch.
- Con chào... bác, đi con. Bác Hảo là... bạn của má!
Thằng Lịch bậm môi bỏ đi. Nó cố giấu hai con mắt ầng ậng nước.
*
Thoan chống xuồng đi hái bông điên điển. Ông Hảo biết món canh cá lóc nấu với bông điên điển chưa có ai làm ngon như chị. Từng dự bao cuộc chiêu đãi ở những nhà hàng danh tiếng, ông vẫn chưa hề gặp lại món canh chua giống như chị nấu. Những khúc cá gần như trong suốt pha lẫn ánh hồng còn rung những nhịp đập của sự sống, ngả sang màu trắng ngà trong nồi nước me đang sôi, và được vớt ra, chấm nước mắm chanh tỏi, thịt cá trắng tươi, săn và ngọt lừ, thơm mùi bông điên điển, rau ngổ... Chỉ có thế mà vợ ông, con ông, các cô gái ở nhà hàng khách sạn, ông chỉ bảo mãi vẫn không làm đúng được. Lúc thì cá còn mùi tanh, lúc thì cá chỉ còn bã, lúc thì mang cá toàn mùi rau ngổ, không còn mùi thơm của thịt cá vừa chín...
Ông Hảo ngắm Thoan đầy mắt mà không thấy đủ. Cô ấy chẳng khác nhiều so với ngày trước. Những đường nét trên gương mặt nàng mềm mại hơn, rõ hơn. Chỉ có đôi mắt vẫn buồn. Ông không ngờ Thoan vẫn sống một mình, và ngạc nhiên hơn là chị có một đứa con trai, con của ông. Gá khuôn mắt ông trên má chị đẫm nước, có lẽ ông đã tự tha thứ được cho mình.
Thoan cũng không khóc nữa. Chị đã từ lâu không còn chờ đợi ông hay sự chờ đợi đã làm chị mòn mỏi, kiệt sức? Sau những giây phút xúc động vì được gặp lại quá bất ngờ và do sự xa cách quá lâu, lúc này chị muốn lấy lại bình tĩnh. Không thể sai thêm một li nữa! Chị định trốn vào rừng điên điển khóc một mình thật to thật lâu. Thế mà Hảo lại đòi theo.
Thoan hơi đỏ mặt vì cái áo bà ba chị mặc tà xẻ quá cao, để lộ vùng da trắng ngần, cái quần xéo bằng vải soa Pháp vừa chảy vừa khéo cắt ôm tròn cặp mông đẹp - Chị biết rõ là rất đẹp. Tay chị run rẩy ngắt từng bông điền điển. Tim chị vẫn bồi hồi rần rã. Không! Không được! Con người này không bao giờ là của ta. Ta đã chấm dứt đau khổ rồi mà! Về thôi, ở đây nguy hiểm quá. Chị định lao xuống ra khỏi đám điên điển ken dày. Cả một rừng hoa chấp chới trên đầu chị. Những thân cành mảnh mai đã ngả xuống cản hết lối ra. Hảo giữ chặt lấy một túm cành. Chiếc xuồng dừng lại. Thoan ngỡ ngàng buông rơi con sào. Đôi tay Hảo lại vuốt tóc chị, rồi đặt lên vai chị, gần nơi da thịt ở cổ chị. Không có lối nào cho chị bỏ chạy. Hình như chân chị cũng không muốn bỏ chạy. Chị đã bao năm cố tin mình là cục than đã cháy hết. Thực ra cái lõi của hòn than vẫn đỏ rực. Hảo đã thổi hết lớp tàn tro, và cuốn chị vào cỏ khô, và thổi lên, bắt chị cháy...
*
Ông Hảo như đang mơ. Đồng đất Tháp Mười lại dâng ông người đàn bà đẹp giữa khung cảnh thần tiên. Những bông điên điển vàng mịn như nắng trời buông xuống tóc, xuống vai họ, rung rinh như những chú bướm vàng nhỏ xíu. Thoan mát ngọt, thơm tho như trái chín cây rụng vào ông, nồng nàn như đất ủ, khắc khoải và mê đắm. Cái lần ân ái cùng nàng, đả bao năm ông vẫn nhớ, nhưng ông không cảm thấy sung sướng vô bờ như lúc này. Ông đã không đổi bao nhiêu thứ khác để có nàng. Nhưng giá được làm lại chắc gì ông đã làm khác đi? Ông còn nhớ rõ, dù có nhiều điều ông đã quên, là ông đã không dám qua đêm, không dám cả đến về muộn để được ở thêm với Thoan một lát trong căn nhà ấy. Thế mà Thoan đã lặn lội hai ngàn cây số để tìm kiếm một người không địa chỉ, chỉ biết rằng "Quê anh có con sông Tô". Ông nhớ, trong ngôi nhà lá của người bạn vắng nhà đêm ấy, lúc ông sắp sửa ra về, đôi mắt Thoan như van vỉ, níu kéo, đầy trĩu buồn rầu, cay đắng, tủi nhục. Ông đã bỏ Thoan một mình với đêm Hà Nội chỉ vì sợ hãi cho tương lai của mình, sau khi tận hưởng sự trao hiến đầy đặn của những gìn giữ chăm nom hai bốn năm con gái. Bây giờ Thoan vẫn không trách hận gì ông. Nàng bảo ông đã đúng, rằng tất cả là tại nàng muốn thế, nàng buộc phải như thế. Nàng không thể chịu đựng được và đã rời căn nhà lá trong đêm hôm ấy... Đấy là nàng nói để an ủi ông và tự an ủi mình: Ông cảm thấy không như thế. Trong sâu thẳm, có một nơi nào của lòng mình, hẳn nàng vẫn chứa nỗi oán trách ông? Ông như thấy trong sự dâng hiến của nàng - đầy ắp mà vẫn hàm chứa nỗi thất vọng. Với ông, ngoài vợ ra, nàng đâu phải là người đàn bà duy nhất? Những rung động bất ngờ đã cho ông những tác phẩm được công chúng hào hứng mê say? Ông cho đó là sự trả nợ của trái tim nghệ sĩ. Và ông lên án mình. Bởi vậy, ông trở về chốn này, chỉ muốn thăm lại, ôn lại những kỷ niệm đẹp, gặp lại nàng một lần cuối - chắc đã con cái đầy đàn, rồi để cho mọi chuyện trôi qua. Không ngờ sự thể lại thế này.
Bây giờ ông mới cảm thấy rõ về nỗi đau len lỏi đâu đó trong đời mười mấy năm qua. Ta đã thành kẻ bạc tình bạc nghĩa. Tại sao không bao giờ ta nghĩ đến việc có thể mình đã có một đứa con với Thoan? Thoan đã không xử sự theo lối thường, lại găm hết tất cả vào lòng để cắn răng chịu một mình? Thế mà sáng hôm ấy, trở lại căn nhà nhỏ, thấy Thoan đã bỏ đi, mình vừa tiếc rẻ, vừa ân hận, thương xót, lại vừa thở phào nhẹ nhõm! Ta khốn nạn quá. Lúc này ta lại thành kẻ hành khất ngồi trước bàn tiệc đã dọn, nhận lấy tất cả: Cả trái tim nồng thắm chân thành, cả nỗi khát khao mê đắm dồn căng thân thể nuột nà của nàng: mà không nghĩ mình có xứng đáng nhận không, mình có gì để cho nàng...
Thoan gần như không ngủ. Chị sợ lại mất ông. Mà thực ra có bao giờ chị có ông? Nhưng thằng Lịch là sự đền đáp đầy đủ nhất mà ông và cuộc đời dành cho những nỗi cơ cực, đắng đót của chị. Và sự chờ đợi vô vọng của chị mà từ lâu chị cố dối mình là không có, đã được đáp lại. Hạnh phúc tỏa sáng trên người chị, trên mỗi lối chị qua, chẳng giấu vào đâu được, nhưng chị cố giấu. Chị sợ nó vơi bớt. Hảo có thể bớt yêu chị: Mà biết đâu lòng chị cũng bớt yêu ông? Chị cố giấu cả những ngàn vạn âu yếm mà chị muốn phủ lên ông. Không phải một lần chị đã nuôi ý định trở lại ngôi nhà bên bờ sông Tô Lịch cùng với con. Nhưng chị sợ. Hảo sẽ đón nhận mẹ con chị thế nào? Còn vợ con danh vị của ông nữa. Cố để quên, thì lại càng không quên được. Đa sự, đa đoan chùa kiếp đàn bà! Kể cả cái chuyến đi ngày ấy chị đâu dám nuôi hy vọng là đời chị có Hảo? Chị chỉ mong được nhìn lại Hảo một lần, được Hảo ôm trong tay một lần, được thấy lại những ngón tay gầy xanh xao lướt trên cần đàn cho thứ âm thanh ma quái ào vào lòng chị, thít chặt lấy ngực chị. Nhưng đêm ấy Hảo đã không dạo đàn mà dạo vào cuộc đời chị. Bao nhiêu lần trái tim trách móc thì cũng bấy nhiêu lần nó bênh vực ông quyết liệt hơn. Thằng Lịch không thèm nhìn ba, cũng là lỗi tại chị. Rồi nó sẽ hiểu ra thôi. Máu nào thâm thịt ấy mà. Chị chỉ thấy thương và có tội với ba chị. Ông không được nhìn thấy chị đang sung sướng, thấy thằng Lịch có ba. Mười mấy năm trời ông biết rõ thằng Lịch là giọt máu của chị mà chị không nói được với ông. Ông lặng lẽ chăm sóc, dạy dỗ nó như cha với con. Nó yêu ông lắm. Chỉ cần nghe tiếng đờn ông khác lạ, đang ở ngoài vườn, dưới sông, nó cũng biết ngoại đang khóc, nó chạy vào ôm lấy cổ ông. Chỉ hít cái mùi tóc khen khét của nó là ông thấy hết buồn, sắp ra đi, ba còn dặn chị "cho thằng Lịch nhìn ba nó".
Người xóm chị ai cũng nghĩ chị còn con gái. Chị ít tắm sông. Nhưng có lần tụi thanh niên xóm này bắt gặp. Nước sông trong quá chị giấu không nổi. Trông chị huyền ảo, uyển chuyển như tiên giáng. Tụi nó la lốt om sòm: "Uổng quá trời! Vậy mà bà ở giá. Tụi tui con gái còn muốn cắn một miếng chớ đừng nói đàn ông. Phải mà bà làm diễn viên, người mẫu cho cả nước được nhòm". "Bộ bà chê đàn ông ở vườn hả?". Thực ra cũng có lần chị tính nhắm mắt đưa chân để vui lòng ba chị. Nhưng rồi chính ba chị lại cản. Ông thấy con gái nặng tình với người ta quá. Hai năm trời nhìn con héo hon, ông đành chiều ý để chị đi tìm Hảo. Ông nậy gạch lấy đôi nhẫn cưới của vợ chồng ông trao cho chị. Nhiều năm trời ông tự giày vò rằng mình đã hại cuộc đời con. Khi chị trốn nhà với cái thai ba tháng quyết giữ giọt máu của Hảo, ông cảm thấy lờ mờ điều đó. Giận mình, xót con, ông đã khăn gói đi tìm suốt một tháng ròng mà không gặp. Ông đành đắc tội với bà con lối xóm, dối rằng chị lên thành phố học nghề. Cũng may chị đã kịp học nghề thêu tay...
*
Thằng Lịch cứ đi biệt cả ngày. Bữa cơm, nó về, xới một tô, chọn khúc cá ngon nhất, bưng đi (mọi hôm nó toàn tranh má ăn đầu). Mặt nó như ướp đá. Đôi lúc nó tạt về ngồi tréo ngoe trên bộ ngựa coi ti-vi, ý rằng ta đây là gã đàn ông duy nhất làm chủ cái nhà nầy. Ta đi suốt ngày là vì ta không muốn nhìn thấy cái bản mặt người. Ông Hảo ghé lại ngồi bên, nó né người, hằm hằm bỏ đi. Có lần ông đỡ cây đờn kìm trên vách, định chơi lại bản nhạc ông viết cho Thoan mười tám năm trước, bản nhạc nhờ nó cả nước biết tên ông, trong đó có tiếng sóng Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, có cánh cò trắng lạc mẹ đậu nhờ vai áo đen cô du kích trên chiếc xuồng ba lá, có ánh trăng lung linh đồng nước cỏ cây, có câu vọng cổ da diết quấn quít với tiếng đờn kìm lão luyện như có ma nhập, có tiếng sếu gọi bạn ở Tràm Chim... Sau này, không bao giờ ông tìm lại được cái giai điệu mênh mang da diết đến thế cho dù kỹ thuật điêu luyện hơn, ca từ chau chuốt, tinh tế hơn.
Thằng Lịch giọng lạnh và rắn:
- Cái đó ngoại tui cho tui rồi!
Chị Thoan rầy con.
Lịch tin rằng nó chỉ cần má và ngoại, và chẳng cần biết gã đàn ông nào là ba nó. Chị gỡ cây đờn trao cho ông.
Ông Hảo nhận ra tuổi già đã đặt bàn tay gớm ghiếc lên mình khi những ngón tay ông di chuyển vụng về trên các phím đồng. Giọng hát ông không theo sự điều khiển của ông được nữa. Khi ông ôm Thoan trong tay, ông cũng cảm nhận điều đó, nhưng cố dối mình, cố xua đuổi nó đi.
Thoan không cảm nhận hết điều đó. Bởi lòng chị chỉ có yêu thương và ngưỡng mộ ông. Chị không nhìn thấy ông Hảo tiều tụy bây giờ, chỉ có anh Hảo tuổi bốn mươi đầy quyến rũ hay chị chỉ nhìn thấy những vẻ quyến rũ của ông trong cái thân thể già nua? Ngày ấy chị là cô gái nhút nhát, tối nào cũng kiếm được mồi thiệt ngon cho ba và Hảo lai rai. Lúc thì con cá lóc mập ù nướng trụi, với chén nước mắm Hảo kêu là "chỉ muốn húp". Khi cái lẩu rắn, lẩu lươn, hoặc mấy con tôm hấp. Trời mưa to, Thoan cũng có cái lẩu mắm thơm điếc mũi. Chỉ cốt sao Hảo có chút hơi men, anh nhìn chị mơ màng, và hát; hát như rứt ruột gan mình. Chị thì thấy như là câu hát đang hôn lên má, lên tóc, đang quấn lấy chị. Thế mà cả tháng ròng, cho đến khi ra đi, anh chỉ mới nắm tay chị một lần, nhìn chị thật lâu, và vuốt tóc chị thật dịu dàng. Để rồi quanh năm suốt tháng chị cứ nâng niu chút kỷ niệm ấy. Và nhiều năm sau, chị cứ tin rằng không có gã đàn ông nào có được những cử chỉ, những cái nhìn tuyệt vời như thế, rằng anh ấy sinh ra là để cho chị, và chị cũng chỉ có thể cho anh ấy.
*
Chiếc tắc ráng lạ cặp trúng phóc vào gốc trâm bầu. Thoan hiểu là những giờ khắc ấy đã đến. Có cái gì đó đang vỡ ra trong chị. Dù chị đã yêu Hảo vô cùng, thì tình yêu cũng chỉ là tình yêu. Nó chẳng mạnh vô biên. Nó cũng không có phép thuật gì. Con người thật bé nhỏ, thật tội nghiệp. Nỗi đau của chị trộn thêm cái chát đắng của sự thật. Rằng chị đã ảo tưởng vào cái cao vời của ái tình suốt bao năm nay. Chị đã chối từ những cái chị không cho là tình yêu mà lẽ ra đã có thể là hạnh phúc.
Tình yêu không đủ sức bứt chị khỏi mảnh đất này: Là chị nghĩ thế, chứ Hảo cũng không có ý muốn bứt chị khỏi đây. Tình yêu cũng không thể kéo Hảo về đây. Đó là điều hiển nhiên chẳng có phần trăm nào nghi ngờ. Cuộc sống của ông là tiện nghi, là giao lưu cùng các quan khách, ở đâu ông cũng là trung tâm chú ý cửa đám đông. Nó không thể hòa nhập với cái cuộc sống hàng ngày chống xuồng đi bán ổi, hái rau, làm ruộng, bắt cá. ở lại đây vài ba ngày thì còn được, nó như một chuyến du lịch nhỏ thú vị, nhưng chỉ cần thêm một vài ngày nữa, ông sẽ cảm thấy nhàm phán, thiếu thốn, cô quạnh. Thôi, thế là chẳng ai có lỗi. Không có duyên phận với nhau thì đành...
Hảo hôn tóc chị và dặn chị đừng ra bến. Thoan múc một gáo nước phèn trong vắt, mát lạnh, giội cho ông rửa mặt. Bây giờ chị mới thấy tóc ông đã bạc gần hết, cái thân hình ông bắt đầu còng xuống, chậm chạp. "Em không khóc đâu" - Chị nói.
Mấy người lối xóm ông mới kịp làm quen, sang tiễn ông. Họ chỉ vừa biết ông là nhạc sĩ nổi tiếng mà ai cũng có trong nhà, ít ra vài ba băng nhạc. Rồi không biết từ đâu, trẻ con lối xóm kéo đến chật sân. Đứa nào cũng chìa ra mấy cái băng catssete cũ kỹ để xin ông chữ ký. Chúng xầm xì với nhau: "Nhạc sĩ Vũ Hảo là ba thằng Lịch".
Thằng Lịch bị lũ bạn đẩy tới cạnh ông. Nó không hất tay ông, nhưng vẫn không hé môi; nét mặt không khác gì mấy bữa nay.
Chị Thoan bước lại, quàng tay qua vai con. Đôi vai nó đã rắn chắc lắm rồi. Hai người đứng bất động như hai tượng đá dính liền nhau. Cái nhìn của Thoan trống rỗng rơi trên mặt sông, chắc chị không thấy ông Hảo vụng về dò dẫm bước trên tấm ván.
Chiếc tắc ráng nổ máy và rời bờ. Ông Hảo nhìn hút vào hai mẹ con Thoan cho tới lúc không thấy gì nữa. Mắt ông mờ đi, ông nhắm chặt lại để nước đọng thành giọt và lén dùng ngón tay chấm chấm. Bỗng người đàn ông chạy tắc ráng làm ông giật mình.
- Đây đã phải là chuyến đi thực tế cuối cùng chưa, thưa nhạc sĩ?
Ông Hảo nhìn ông ta mấy giây. Lúc ông ta vấn điếu thuốc rê và dán lại bằng nước bọt, ông mới nhận ra đây chính là người mười tám năm trước đã đưa đón ông: ngón tay út phải của ông ta bị cụt và cánh tay cháy sém vì bom na-pan.
- Ông vẫn chưa nghỉ sao? - Ông Hảo hỏi để tránh câu trả lời.
- Nghỉ mần chi cho buồn! Tui đâu có ai chờ đợi ở nhà để về, đừng nói chuyện có chỗ này chỗ kia mà tới lui giải trí...
Ông Hảo thấy đau nhói bên ngực trái. Ông run rẩy tựa vào mạn thuyền và cố để không ngã.
*
Dạo này thằng Lịch nghiền xem ti-vi. Học bài nó cũng mở ti-vi. Ăn cơm cũng xem ti-vi. Nó ít nói cười hơn, học nhiều hơn, chăm làm việc phụ với má hơn. Đôi khi chị Thoan kín đáo nhắm tới ông Hảo để dò ý con, nó chỉ im lặng, sắc mặt không đổi.
Tối nay, mới cơm nước xong, chị cứ thấy váng vất trong đầu. Không đau hẳn để uống thuốc, cứ cảm giấc khó chịu, nhộn nhột, tưng tức đâu đó. Chị đi nằm và bảo con tắt ti-vi. Thằng Lịch cứ dạ thưa rồi để đó. Chị định gắt con. Bỗng nó la thảng thốt: "Ba".
Có cái gì đó dựng chị dậy. Chị vùng chạy ra nhà ngoài. Thằng Lịch méo xệch miệng đang bíu lấy ti-vi, mắt dán vào những dòng chữ trắng. Chị cũng nhìn theo - và chị từ từ đổ xuống.
Lúc Thoan tỉnh lại đã thấy người đầy nhà. Thằng Lịch đã buộc khăn. Một người trao cho chị dải khăn trắng xếp nếp phẳng phiu. Ôi! Con trai chị đã thay chị ngồi trước ti-vi, từ hôm ông Hảo ra đi, để hàng ngày chờ được thấy ông, được nghe nhắc đến ông! Anh Hảo ơi! Anh không bao giờ được biết là con nó rất yêu anh. Nó đã tha thứ cho anh. Cả em nữa, có lúc buồn chán, thất vọng, em trách giận anh, quyết từ bỏ bóng hình anh, cố tin rằng lòng đã hết thương anh. Bây giờ em mới biết là em chỉ có anh thôi. Trời sinh ra em để chịu sự đọa đày ấy. Không cồn cào, vật vã, nhưng vẫn nhớ anh, từng ngày, từng giờ...
Không biết ai đó đã giúp chị có tấm hình ông Hảo viền khung đen. Chị cũng không kịp nghĩ họ có tấm hình ông từ đâu.
Mấy ngày sau, thằng Lịch đòi mẹ chặt nửa vườn ổi. Lúc đó Thoan mới biết nó đã chọn và ươm thứ ổi mà trước kia nó đòi đốn. Nó bảo mẹ:
- Giống ổi nầy thơm, chim chào mào thích lắm. Để cho chim nó về, má hà?
Bây giờ thì Thoan nhớ ra rồi. Mà sao hôm đó cái mặt nó lạnh ngắt; cứ tưởng nó không bỏ vào tai lời nào của ba nó. "Hồi bé, anh nhớ, vườn nhà anh nhiều chim chào mào lắm, nhờ giống ổi này. Anh thích chim này lắm!".
Hà Tĩnh 1998
N.T.P