Thi bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa. Thi quờ tay ra phía trước tưởng có thể nắm lại những gì vừa thấy trong giấc mơ. Nhưng hoàn toàn trống trải. Thi rên lên khe khẽ và một lần nữa thấu suốt nỗi cô đơn tuyệt vọng của mình. Đã mấy tháng nay chồng Thi bỏ rơi Thi. Không cãi nhau, không to tiếng, nhưng anh không về. Chị thầm hiểu rằng đã đến lúc anh chán chị, hoặc đúng hơn là anh chán cuộc sống chung này, nó giống nhau từ mấy năm nay ngày này qua ngày khác. "Nhàm chán, nghĩa là chết". Cả hai vẫn cùng nói thế từ khi còn yêu, còn chưa cưới. Hai người thỏa thuận với nhau rằng một khi chán nhau, một khi tình yêu không còn nữa thì ai đi đường nấy. Thi là tiến sĩ sinh vật học còn Thạch là kiến trúc sư. Cả hai đều thống nhất rằng những sinh vật thượng đẳng phải biết tôn trọng nguyên tắc tự do này. Vì thế nên Thi không đi tìm. Cô biết những nơi anh có thể đến, những chỗ anh có thể ở. Nhưng đến có nghĩa là xúc phạm và tự xúc phạm. Nhưng không có nghĩa là Thi thôi nghĩ đến anh và thôi yêu anh kể từ khi anh bỏ Thi. Thi cứ yêu và cứ nghĩ. Mấy tháng thôi mà Thi gầy rộc đi. Trong Viện nghiên cứu hình như người ta xì xào gì đó. Thi không biết họ xì xào cái gì. Thi không bao giờ tâm sự chuyện riêng tư nên cũng ít ai nói chuyện riêng tư với Thi. Nhưng bây giờ Thi để tai nghe chuyện họ nói với nhau. Một người nào đó trong Viện rủ mấy bà đi đánh ghen hộ. Bắt quả tang, và đôi tình nhân đã nhận lỗi. Nhưng trong Viện chia làm hai phe. Một phe khuyên chị kia là không tha thứ, phải xử thật nặng cho chừa.Một phe bảo chồng nó quay về là may, quá nữa thì nó bỏ cái roạch, làm gì được. Chỉ có một người nói bâng quơ: "Tôi đang ước một nỗi đau lý tưởng như thế mà không được đấy. Từ bé đến giờ tôi chưa biết đau là gì, chỉ biết khổ thôi". Té ra trong cuộc sống cũng không ít người chẳng suôn sẻ. Thi tự an ủi mình như thế rồi thôi không để ý đến những chuyện trong Viện nữa. Một tuần cô chỉ đến Viện có hai ngày. Cô còn nhiều việc phải làm. Thi ngồi dậy, bó gối ngồi thu lu nhìn vào bóng đêm. Đêm đặc quánh nhưng khuôn mặt chồng lại sáng rõ trước mắt cô. Khuôn mặt thân thương quá đỗi, ruột thịt quá đỗi, Thi nhớ rằng có lần anh bị đau răng thì Thi cũng thấy đau răng. Như thể khuôn mặt ấy là của máu thịt Thi. Thi không chịu nổi ý nghĩ sẽ có một ai đó cũng nhớ đến, cũng thân thiết, và cũng thuộc về họ. Song không chịu thì... cũng phải chịu, làm gì bây giờ. Mồ hôi lại túa ra. Thi lại rên khan trong họng: "Ôi. Anh yêu... của em. Có lẽ nào ta lại thành người dưng nước lã?". Thi ước ao khối đen đặc quánh này sẽ là một nấm mồ, chôn Thi với cái ngồi bó gối như thế. Thi sẽ chết và thoát khỏi nỗi đau đớn, dày vò, nhớ nhung.° Con mèo nằm trên cái ghế bọc nỉ. Nó đã thôi ngủ từ lúc Thi cựa quậy. Nó nhìn xuyên đêm đen, thấy bà chủ ngồi. Đã mấy mươi ngày liền bà chủ của nó đều ngồi như thế vào bất chợt lúc nào đấy trong đêm. Nó vểnh đôi tai và những cái ria lên nghe ngóng. Đêm tuyệt đối yên tĩnh. Không thể có chuột được. "Đã có mình ở đây thì không chuột nào dám đến. Bà chủ sợ gì?". Con mèo nghĩ. Nó lại nhìn chăm chú vào gương mặt bà chủ. Nó nhận rõ những hạt mồ hôi lấm tấm khô dần trên trán, nó nhận thấy đôi mắt u sầu và thân hình bất động. Nó không hiểu được. Nó muốn cất tiếng nói để bày tỏ tình cảm của nó. Mọi lần nó vẫn bầy tỏ bằng cách nằm dưới chân bà lúc bà ngồi trên chiếc ghế này trước màn hình máy tính. Nó gặm hờ ngón chân út xinh xắn của bà. Hay dụi cái đầu ấm áp của nó vào bàn chân bà. Hay chào bà hai tiếng "meo meo" mỗi buổi chiều khi chiếc chìa khóa xoay một vòng ngoài cửa. Còn bây giờ ngay cả cựa mình nó cũng không dám. "Để có được tiếng nói vọng tới được gương mặt u uẩn kia, thấu hiểu và chia sẻ có lẽ mình phải trải vài trăm năm nữa". Con mèo nghĩ. Nghĩ. Nhưng nó không thôi quan sát, không thôi nhìn chăm chú vào bà chủ. Nó tiếc những giờ bà chủ ngồi gõ phím, nhìn bà lúc ấy như một vị thần. Nó tiếc cả cái hình ảnh bà rời bàn phím, nằm nghiêng trên giường trong bộ đồ lụa mềm mại tay cầm cuốn sách, giở loạt soạt dưới ánh đèn mầu vàng. Bây giờ, bà hoặc thức trắng đêm, hoặc tắt đèn trằn trọc, và nhiều giờ ngồi bó gối thế này. Nó chưa bao giờ nhìn thấy ông chủ. Như ở nhà cũ. Cái nhà mà nó được sinh ra ở đấy cùng hai em nó, có một bà trông giống như bà chủ này và một người nữa, bà kia gọi là chồng, là ông chủ. Nó đang chín tháng tuổi. Về đây mới tám tháng. Nó không biết có nhất thiết mỗi nhà phải có hai người như thế hay không. Nhà này thì chỉ có một người. Nó không hiểu là ông chủ thì có yêu mèo không và có yêu một con mèo như nó không. Nó thấy bà chủ yêu nó. Mỗi ngày nhờ vào óc quan sát mà nó biết rằng bà chủ còn yêu rất nhiều điều. Bà yêu những thứ khác nhau hiện ra trên cái khung sáng hình chữ nhật, những cuốn sách, hoa hồng, những âm thanh chảy thành dòng; những ngày mưa, và tiếng trẻ con nhà hàng xóm. Bây giờ nó hiểu nó được yêu như thế đã là một khoảng không nhỏ trong tình cảm của bà. Nó nhìn xuyên đêm tối và ao ước nói được với bà, đoan chắc rằng không có một con chuột nào hết, bà đừng sợ. Nhưng không thể được và nó nghĩ trong khi nhìn sâu nơi đáy mắt bà. "Bà chủ đang buồn". Nó gừ khe khẽ. Cái đuôi đập đập vào mặt ghế. Nó rất hài lòng khi ý nghĩ ấy hiện ra rõ ràng. Phải rồi, "buồn" chứ không phải "sợ". Phát hiện ra cuộc sống có nỗi buồn nó tự thấy nó đã rất trưởng thành. Và nó im lặng chiêm ngưỡng một người buồn như thế.° Thi đang nghĩ đến đoạn chồng và cô ta rẽ vào cái ngõ ấy. Thi nhớ như in cái hình ảnh nhìn thấy trong mơ. Chồng đeo kính râm ngồi trên xe máy phía trước. Phía sau cô gái ngồi, cái cằm tựa trên vai chồng Thi, gương mặt sáng ngời hạnh phúc. Cái hạnh phúc của người biết mình đang rẽ vào cái ngõ hạnh phúc nơi có một cái phòng tràn ngập mùi hương thảo dược, nơi mắt gặp mắt, và môi sẽ chạm vào nhịp đập của tâm can... Nhưng bóng đêm không là một cái mồ và hình ảnh ấy lướt đi lướt lại mãi chưa làm Thi chết lịm thì tuần hoàn trở lại. Mồ hôi đã khô, Thi tự nhủ: "Không còn yêu mình nữa thì anh ấy phải yêu một người khác, phải có một người khác là lẽ đương nhiên. Không là cô ta thì là cô ấy, không là cô ấy thì là người khác, người khác nữa. Một tất - lẽ - dĩ - ngẫu luôn xảy ra. Chả lẽ ta không hiểu? Chả lẽ ta hèn kém đến mức không dám nhìn vào sự thật. Chả lẽ ta là kẻ gian dối với chính tâm đắc của mình?"... Một tiếng nói khác trong Thi cất lên: "Ta đã làm gì để anh không còn yêu ta nữa?" Và Thi nhớ lại quãng thời gian chung sống với anh. Thi không nhận thấy mình có sai sót gì. Tiếng nói kia vẫn vang lên: "Không chỉ sai sót mới dẫn đến sự nhàm chán". Thi vặc lại: "Vợ chồng có quyền chán nhau sao?". Tiếng kia không nói mà cười gằn: "Tôi không nghĩ cô là một sinh vật hạ đẳng". Và Thi tỉnh lại bởi tiếng cười gằn đó: "Đúng. Tiếng cười ấy đúng. Sinh vật thượng đẳng biết tôn trọng nỗi chán chường và tuyệt đối tự do". Cái tâm trạng tự tranh cãi ấy khiến Thi rời cái hướng truy tìm hình ảnh người chồng. Cô nhìn sâu vào bóng đêm để kiểm soát lại cái ý nghĩ vừa rồi, đúng sai ở chỗ nào. Bỗng cô nhìn thấy tia mắt con mèo. Rồi dần dần cả hai con mắt, cái đầu, hai cái tai nghênh nghênh. Nó cũng nhận ra Thi nhìn nó, cái đầu nghiêng nghiêng và thoắt một cái nó nhảy từ mặt ghế xuống lao đến bên giường. Bộ lông trăng trắng của nó trong nháy mắt đã ở sát chỗ Thi ngồi. Thi với tay lôi nó vào và bế nó lên. Con mèo áp cái đầu nó như chưa đủ, áp thêm cái thân nó vào cánh tay bà chủ. Thi nâng bổng nó lên rồi chui khỏi màn. Ngồi xuống chiếc ghế vẫn còn ấm hơi của nó, Thi với công tắc điện. Căn phòng sáng lên một mầu vàng nhè nhẹ. Cạnh màn hình tập bản thảo đã in ra từ lâu còn đầy dấu tay chồng. (Anh luôn đọc và chữa lỗi cho Thi. Thi vẫn thừa nhận cô có nhiều ý tưởng nhưng phải có anh giúp đỡ thì mọi biểu cảm mới đạt đến mức chính xác). Bản thảo có nhan đề: "Chống lạm dụng sinh sản vô tính". Một đề tài chấn động và nhạy cảm. Hình ảnh của chồng lại nhanh chóng hiện ra: "Anh, dù có thế nào em cũng vẫn yêu anh. Trời sinh anh ra cho em. Và trời sinh em ra cho anh. Rồi anh sẽ thấy". Nghĩ thế và Thi mỉm cười với cái đau đớn của mình lúc trước. "Phải để cho anh ấy được sung sướng như ý muốn". Thi đưa mắt nhìn vào góc màn hình. ở đó có mẩu giấy nhỏ ghi: "Chị phải đưa mèo đến vào chủ nhật này. Thợ hoạn chỉ làm hôm ấy thôi, nếu không thì phải tháng sau nữa. Em cũng thương nó lắm". Đấy là thư của đứa em gái mà Thi yêu quý. Từ nãy đến giờ con mèo vẫn nằm gọn trong tay Thi. Bàn tay dày và thô của Thi ve vuốt trên lưng nó. Đôi bàn tay đã trải qua những nhọc nhằn ghê gớm. Thi mỉm cười và thầm nói với mèo: "Con có biết không, một người đã từng thổ lộ tình yêu của họ qua những bức thư vì đọc những công trình nghiên cứu, nhưng khi gặp mẹ, sau cái bắt tay đã một đi không trở lại". Thi nhớ đến hai con mèo trước. Thực ra thì cô không yêu mèo. Trước kia, hai vợ chồng cô đã nuôi một con chó. Con Tôm thông minh và đáng yêu. Xóm nhà Thi rất đông kẻ trộm, nhiều nhà ra đóng vào mở cảnh giác tối đa mà vẫn mất trộm. Nhà Thi thì tuềnh toàng, không thiếu những thứ đắt tiền mua trả góp của Viện để hai vợ chồng làm việc nhưng vẫn không mất gì nhờ con Tôm thông minh. Nhưng bọn trộm trả thù. Nó chết thương tâm đến nỗi Thi không đủ can đảm nuôi thêm một con nào nữa, dành một lòng thương nhớ cho Tôm. Khi không còn Tôm, Thi phát hiện ra khu nhà này rất nhiều chuột. Hàng xóm đã mua bả để diệt. Thi bảo chồng: "Nếu nó chỉ ăn thôi thì kệ, sống chung với nó". Nhưng bọn chuột ăn xong còn đùa rinh rích, còn gặm chân những cái bàn cổ, gặm cả sa bàn của anh và xé vụn những tập bản thảo của Thi nên Thi phải nuôi mèo. Chị dâu cho. Con đực. Chị dặn "đến tháng thứ chín thì phải thiến, kẻo mất. Một con như thế này ngoài chợ phải bảy chục ngàn". Thi nghe thế hơi buồn cười, nhưng không dám cười sợ mất lòng chị dâu và quên ngay. Chỉ đến khi nó đi mất thật chị dâu mới trách "có của mà không biết giữ". Nuôi con thứ nhất, Thi thấy mèo cũng là một loài vật đáng yêu như chó. Và Thi đi mua. Cô lên chợ Bưởi. Đi lại đến ba phiên mà chưa mua được. Con đẹp lông thì mắt lại gian manh. Con mắt đẹp, lông đẹp, đuôi có khóa thì lại là con đực. Người bán nói: "Nuôi con cái không đơn giản tí nào. Tôi nhìn đã thấy chị là người bận bịu". Thế là lại nuôi con mèo đực và vẫn không nỡ thiến. Lại mất vào tháng thứ bảy. Chồng Thi cũng coi thiến mèo là hành động dã man nhưng khi con mèo thứ hai lại đi mất thì anh bảo: "Đúng là phải thiến thôi em ạ. Nó là con vật chứ có phải là người đâu. Hình như anh và em chúng ta lẩm cẩm rồi đấy". Công việc bận bịu thật. Thi không mở mắt ra được nữa. Viện của Thi mọi sự trì trệ quá. Thi đã trót đăng ký đề tài. Mà chẳng trót thì Thi cũng vẫn là người say mê với những công việc ấy. Ăn cũng đơn giản, mặc cũng qua loa, những lần đi cùng chồng đến các miền phong cảnh cũng thưa dần. Anh phải đi một mình. Thi loáng thoáng biết mình có lỗi nhưng rồi tặc lưỡi cho qua. Anh là một kiến trúc sư, nhưng còn là một nhà điêu khắc số 1. Anh không bao giờ chấp nhận sự dễ dãi. Anh cho rằng môi trường đô thị và cảnh đồng bằng đã bị tha hóa về thẩm mỹ. Bận bịu nên chưa kịp mua một con mèo mới mà chuột thì nhiều vô kể. Thi đã định bứt hẳn ra để đi chợ Bưởi thì cô em gái đem đến cho. Chính là con mèo này đây. Lông trắng, vài mảng mướp nhỏ duyên dáng và đôi mắt to tròn mầu nâu. Giống như đôi mắt của những nam thanh nữ tú. Một tháng tuổi thì rời nhà cô em gái. Thi lại nghe dặn: "Tám tháng sau thì phải thiến...". Thi vuốt nhẹ trên lưng con mèo: "Không, không thiến". Nó nằm im trên đầu gối của Thi, dưới bàn tay ve vuốt nó. Nó cảm nhận được tình thương của bà chủ với nó và nó nhớ đến nét u uẩn của bà trong đêm. Một lần nữa nó muốn nói được tiếng của con người, nó gặm nhè nhẹ đầu gối Thi, nghiêng áp cái đầu lên lòng bàn tay lúc lại trằn qua lướt lại cái đầu trên gối. Thi nhìn ra ngoài. ánh ngày đã rạng rỡ ngoài cửa kính. Cô thả con mèo xuống thảm, vào bếp đến bên bồn tắm. Hôm nay cô phải đến Viện. Nghe nói đề tài của cô có một người nào đó đã gửi lên mạng. Chuyện không nên xảy ra. Mà không rõ tại sao lại thế, bản thảo chỉ một vài người được đọc. Cô có thể nghi cho một trong những người đó, nhưng không biết họ làm thế để làm gì, chẳng lẽ ở Viện lại có người am hiểu và thực sự coi trọng, đánh giá cao những nghiên cứu của cô? Nhưng hại cho cô quá cho dù đề tài ấy đang được báo cáo ở diện rộng. Thi vừa tắm vừa nghĩ ngợi, giá có chồng ở nhà, anh sẽ nói cho Thi hiểu những điều rắc rối. Anh chẳng vẫn đùa bảo Thi chỉ giỏi trong nghiên cứu khoa học thôi, còn những cái khác thì "dốt đặc cán mai" là gì. Con mèo ở phòng ngoài. Nó chuẩn bị tinh thần ở nhà một mình trong quãng thời gian bà chủ đi vắng. Bà chủ đã ở nhà bốn ngày liền, chắc lần này phải đi cả ngày. Bước khỏi phòng tắm, trong bộ đồ văn phòng, Thi nhìn con mèo và nhìn cái dây xích. Con mèo nhận thấy ngay cái nhìn ấy. Nó ngước mắt như van lơn, như trách móc làm Thi bật cười: "Ư, thôi không xích. Nhưng đừng đi ra ngoài con nhé. Chúng nó bắt ngay đấy". Thi xoay một vòng chìa khóa, ngồi lên xe cô nghe rõ tiếng chân mèo cào cào vào cửa như chào tạm biệt. Cô mỉm cười.... Con mèo ngồi bệt xuống cửa như dằn dỗi rồi quay vào. Nó nằm xuống mặt một chiếc ghế khác ngóng cổ ra cửa và nhớ lại nỗi buồn của bà chủ. Nó không hề biết rằng lúc này ở một quán cà phê gần Viện nghiên cứu, bà chủ của nó đang nói chuyện với một người đàn ông có gương mặt như nó hình dung. Người ấy bảo: "Anh rất thương em. Em đừng giấu nữa, em đã một mình từ bấy lâu nay... Chính anh là người đọc bản thảo của em và đưa nó lên mạng đấy. Anh hy vọng rằng rồi đây những công trình ấy sẽ... Em đáng được yêu hơn ai hết...". Và đấy cũng không phải là lần thứ nhất. Bà chủ của nó vẫn im lặng, chỉ có nước mắt chảy tràn trên má. Người đàn ông kia nghẹn thở vì chờ đợi. Nhưng lần nào thì Thi cũng đứng lên: "Em phải về đây. Cảm ơn anh. Nhưng... Em vẫn yêu anh ấy lắm. Và còn yêu thì còn chờ đợi". "Nhưng cậu ấy có còn yêu em nữa đâu? Anh đã nghĩ rất nhiều, anh có thể thay thế cậu ấy trong nhiều phương tiện, rồi anh sẽ đem lại hạnh phúc cho em, hãy tin ở anh... Chả lẽ em đã quên rằng không thể sống đơn lẻ, ngay cả động vật sao. Rồi em sẽ lệch lạc và lâm bệnh. Rồi em sẽ không còn có được những bản thảo, những công trình nghiên cứu... Em không chỉ là niềm tự hào của cá nhân nữa mà là của cả gia đình em đấy. Anh biết gia tộc nhà em từ lâu...". Người ấy vẫn kiên nhẫn. Và Thi vẫn khóc. "Em xin lỗi. Em vẫn còn yêu anh ấy lắm, còn yêu thì em còn chờ đợi và em không thể, không muốn một điều gì khác...".° Con mèo đã lim dim. Nhưng nó không ngủ được. Nó thấy day dứt thế nào đấy. Bà chủ lâu về quá, lâu hơn mọi ngày. Nó nhảy xuống đất cào cào vào cánh cửa. Nó hy vọng ở đâu đó bà chủ sẽ nghe thấy tiếng cào của nó, nhận biết nỗi mong đợi của nó. Vẳng đến tiếng của con mèo cái xinh xắn nhà phía tây. Nó nghe thấy, nhưng nó không chạy sang, lúc này nó thấy thương bà chủ vô hạn. Nó vật vã, hết nằm ra ghế rồi chạy lồng lên như ngựa vía. Mãi đến khi có tiếng xe máy của bà chủ về nó mới dịu lại. Tiếng chìa khóa xoay trong ổ làm nó cuống quít. Cánh cửa vừa mở ra nó nhảy phốc một cái lên vai bà chủ. Rồi lại nhảy xuống. Nó theo Thi vào nhà, theo từng bước chân đi cho đến lúc Thi ngồi xuống ghế. Nó tì hẳn người vào ống chân Thi rồi thè lưỡi liếm gót và gặm cái ngón chân út của Thi. Thi ngồi bất động một lúc lâu trong cảnh chiều mờ tối rồi mới thắp một ngọn nến nhỏ và pha một ấm trà, cô không nấu nước mà giở túi lấy ra một cái bánh mỳ. Uể oải ăn. Vừa ăn vừa nghĩ đến chồng: "Anh, em vẫn yêu anh lắm. Bao giờ nguôi chán đời, nguôi chán em thì anh về nhà, được không...". Con mèo bỗng ngẩng lên nhìn vào cái gương phía đối diện, nó trông thấy vẻ mặt của bà chủ trong đó. Cái vẻ buồn thê thảm. Nó nghĩ: Lạy Chúa. Rất may là con chỉ là con mèo. Chỉ tiếc là mèo không nói được tiếng người để con sẻ chia nỗi đau buồn với bà chủ. May quá, nếu mà làm người thì con không chịu được.° ít lâu sau Thi bỗng nhận được giải thưởng lớn từ "Hiệp hội bảo vệ Quyền bình đẳng trong thế giới động vật" của Quốc tế và một giải thưởng nữa của ủy ban Văn hóa á châu. Thi vô cùng xúc động, con tim cô xao xuyến và suốt một ngày cái cảm giác hài lòng về bản thân mình luôn thường trực. Đến khuya thì Thi mở máy tính định viết những lá thư cảm ơn gửi đi thì thấy E-mail của chồng. Nước mắt hạnh phúc chảy tràn trên đôi má hơi gầy. Trước đó Thi đã nghĩ đến anh rất nhiều. Cô đã giở từng trang bản thảo và hôn lên những chỗ có nét chữa của anh. Cô tìm hai tấm ảnh của anh để ra trước mắt, nhìn thật lâu không thôi. Đấy mới là những chân dung của anh, họ chụp được cái thần anh nhất. Chân dung người chồng yêu dấu của Thi, nhà điêu khắc số 1 của thời đại, người chỉ quay mặt vào tuyệt đối.T.T.T