"Đùng xoẹt... ngùng ngoằng, ngùng ngoằng ngoặc, đòm... đòm... đòm!"
Nghe những tiếng ấy, hai tên cảnh sát ngoảnh lại, hai bạn nhỏ thụt vào hiệu cho thuê xe đạp. Trước cổng chợ Sắt, Trạch giơ tay rạch trời làm điệu bộ:
- Đùng xoẹt! Ngùng ngoằng, ngùng, ngoằng ngoặc, đòm, đòm, đòm, đòm!
Hai tên cảnh sát đạp nhanh đến chỗ Trạch:
- Lũ quỷ! Muốn nhà pha chật hử?
- Đạp chết tụi nhóc đi!
Chúng định phóng xe đạp về phía chợ, thì trên hè lầu của hai dãy phố, đã vang lên những tiếng như thế của các bạn nhỏ khác.
Hai tên cảnh sát đạp xe ríu cả cẳng, nhưng vướng cầu thang, chúng không bắt được người nào.
"Đùng xoẹt! Ngùng ngoằng, ngùng ngoằng ngoặc, đòm, đòm, đòm, đòm!" là một câu đố của một vai hề, trong gánh chèo mảnh đã diễn ở hè phố Savátxiơ, gần cầu Carông, tối thứ bẩy tuần trước.
Rất nhiều người phu khuân vác ở bến Sáu kho, những người thợ nhà máy xi-măng, Ôbe, máy chai, máy đèn, máy chỉ, những người buôn thúng bán mẹt, những người chân sào, kéo xe... kháo nhau về gánh hát chèo mảnh ấy và đi tìm khắp nơi để xem họ diễn. Cùng lúc, tất cả những tên cảnh sát, sen đầm, mật thám và cả những tên lính khố xanh nữa, cũng đi lùng để bắt gánh chèo mảnh ấy. Trạch chế nhạo bọn cảnh sát xong, theo cổng chính, chạy thẳng vào chợ Sắt. Từ lâu, tên chủ chợ đã cấm không cho người nào đi xe đạp vào trong chợ, hai tên cảnh sát dựa xe trước cửa hiệu cao đan hoàn tán Từ Ngọc Liên, thổi còi inh ỏi, chạy xồng xộc vào chợ. Nhẹ như tên, Trạch lượn về phía cổng chợ hàng mía rồi ra con đường Savátxiơ, vào hàng cơm nhà bác Nhớn nơi bác Đóng - đáy - thùng, bố Trạch trọ ở đấy.
Trạch lại đứng trên hòn đá, dưới chân cầu thang ở trước hè, cầm cái ô đưa lên thả xuống, nhìn hai tên cảnh sát đủng đỉnh đạp xe đạp.
*
Hàng cơm nhà bác Nhớn có chứa trọ, khách trọ làm các nghề khác nhau. Ông Bút - sơn sống bằng lông mao và lông vũ, chuyên làm bút sơn, bàn chải, chổi lông gà; ông Đũa - mun, suốt ngày rọc gỗ, bào gỗ để làm ra những đôi đũa mun, dùi trống, những cái roi chầu; ông Cá-vàng, bán cá vàng cây cảnh; ông Ai-đờ - Uông mời khách đi đò, lại còn bà Tóc-rối-lông vịt, cô Đội-than, bác Tiết-canh đây, bác Mài-dao-kéo mà nghề nghiệp của họ đã được cái tên của họ tự giới thiệu.
Ngoài ra còn hàng trăm người làm các nghề lặt vặt khác.
Nhà ở giữa thành phố mà không đặt được cái công tơ, vẫn phải thắp đèn dầu hỏa và dùng quạt giấy, quạt nan, quạt kéo... Khi đông khách, anh "nhỏ", người con ở nhà bác Nhớn bận, Trạch lại thay luôn vào cái chân kéo quạt.
Trạch đã học hết lớp dự bị ở trường Minh Tâm, nó học khá, thầy hiệu trưởng rất thương, nhưng nhà Trạch nghèo đành phải bỏ học.
Một hôm có hai cô chú xách khăn gói vào hàng cơm nhà bác Nhớn hỏi trọ, và tối hôm ấy thì hai chú này ngủ cùng giường với bố con Trạch. Sáng hôm sau, Trạch biết họ đều là người Thái Bình, ở nhà quê mất mùa, phải ra tỉnh tìm việc làm. Cô bé nhất mặc cái áo nhuộm son tên là cô Là.
Đã ba ngày họ đứng chán ở vườn hoa rồi lại đi diễu trên các phố, vào từng nhà để xin việc. Họ vui lòng làm bất kỳ việc gì họ có thể làm được: gội đầu trong một hiệu cắt tóc, làm con sen, thằng nhỏ, kéo xe nhà... nhưng không có ai mượn cả.
Họ thiếu tiền cơm và tiền trọ.
Ngày thứ nhất, chú Tích nhớn nhất bán cái mề gà; ngày thứ hai, chú Đạt bán cái áo nịt và ngày thứ ba, cô Gạo bán cái ruột tượng. Trạch thấy các cô chú rất khổ mà lại rất vui tính thì rất thương, nhưng không có cái gì mà giúp cả. Còn người lớn, họ túng thiếu và phải lo trăm việc. Cái cảnh khách trọ phải bán quần bán áo là chuyện thường, có họa trúng số độc đắc mười vạn thì mới có đủ tiền mà giúp họ.
Đêm tháng tám man mát, nằm bên cạnh hai chú, Trạch cảm thấy bức, vơ vẩn thế nào nghĩ đến một cái biển quảng cáo đặt trước cổng chợ Sắt, một người thợ trẻ, mặt bộ quần áo xanh, vá một miếng rất to nơi đầu gối, đang bước một bước lên ngôi nhà tây hai tầng, trước nhà đậu một chiếc ô-tô, và đứng bên là một cô kẹp tóc, mặc áo dài tân thời, đi đôi guốc cao gót, dưới bức tranh đề bốn chữ "Một bước giàu sang" quảng cáo cho việc mua xổ số Đông Pháp. Bố Trạch không bao giờ mua xổ số cũng như không bao giờ đánh bạc. Không biết sao hôm nay Trạch lại nghĩ đến cái ấy? Giá nhờ có một đồng bạc... Có bác hàng phở trúng cái số độc đắc, liền làm một bát phở thật ngon, ăn xong đứng dậy đá luôn cho mỗi bên gánh một cái, nước dùng dội vào lửa làm khói bụi bốc lên mù mịt. Việc gì phải làm thế? Sao không cho người khác? Trên đời này còn bao nhiêu người nghèo khổ. Hãy đi từ đầu cầu Ca-rông đến đầu cầu Xi-măng xem, không gặp bao nhiêu người thất nghiệp đi guốc mộc, mặt quần áo xanh vá, nhan nhản trên phố đó sao? Nếu ta trúng số độc đắc, ta sẽ giúp những người nghèo. Cô Là có cái áo nhuộm son đã rách, may cho cô cái mới, chuộc cho cô Gạo cái dây bao, chú Đạt cái áo nịt, chú Tích cái mề gà... Còn tiền thì làm gì nữa? Mở hàng cơm cho các cô, các chú ấy làm. Ai thiếu thì cho ăn chịu, ai nhỡ thì cho ngủ nhờ không lấy tiền.
Nghĩ đời mà ngán cho đời
Tài tình cho lắm cho giời đất ghen!
Cao hứng thế nào, ông Cá-vàng-cây-cảnh lại ngân lên hai câu Kiều, rồi cô đội than hát nối. Ông Bút-sơn hát xong thì đến bà Tóc-rối-lông-vịt. Nhưng khi đến chú Đạt, cô Gạo hát thì mọi người im lặng hẳn. Ông Lồng-chim đem cái nhị ra kéo. Thế rồi chú Tích, cô Là cũng hát. Họ hát một bài theo điệu Đường trường. Kéo xong một bài, ông Lồng-chim dài giọng van đùa:
- Xin các ông, các bà bớt đồng giầu, bát nước, thưởng cho con nhà nghề một vài dải (Một vài dải, có nghĩa là đòi người nghe thưởng tiền) để chúng em hát cho mà nghe nào!
Không cần ai thưởng, Gạo đã lại hát tiếp:
- Sáng giăng suông (ôi a rồi a mà) sáng tỏ (ối a) cái đêm hôm rằm. Nửa đêm (rồi a mà) về sáng (ối a) ông giăng bằng cái ngọn cây tre...
Câu hát không lạ, nhưng giọng cô rất ấm, nghe cứ như ru người ta vào cõi mộng. Chắc các cô, các chú ấy đi theo một phường chèo nào rồi, chứ không sao lại hát hay được đến thế?
Cô Gạo vừa dứt lời thì đầu tiên là bà Tóc-rối-lông-vịt bỏ tiền xu vào cái ruột tượng mua của cô ném vào chỗ các cô, các chú ấy đang đứng:
- Tôi thưởng hết, cả nó cả cái ruột!
- Ngồi rộng ra một tí. Ông Ai-đò-Uông, chân gỗ lộc cộc đến, cầm một nắm xu ném vào giữa vòng người. Tiếng những đồng xu rơi xuống đất kêu leng keng.
- Cho mượn cái nón mà hứng đây. Cô Đội-than bỏ vào nón của mình mấy đồng xèng. Xô xốc...
Tiếp đó, tiền xèng, tiền chinh, tiền xu và cả tiền hào nữa được ném vào tới tấp. Họ cũng ném trả vào đấy một cái áo nịt, một cái ví.
Mừng cho các cô, các chú, Trạch đã quên cái ý định mua một cái vé xổ số. Đêm ấy cu cậu ngủ rất ngon.
*
Lâu nay, người Hải Phòng thấy trên hè phố thỉnh thoảng lại hiện ra một đám chèo mảnh. Tụi cảnh sát rình bắt thì lại có một chú bé chuyên môn đi gác cho họ. Khách xem là những người phu, những người thợ và những người bình dân như những người ở trong hàng cơm nhà bác Nhớn. Gánh chèo mảnh đó do chú Tích đứng làm trùm. Chú lại hay đóng vai người già nên mặc dù còn rất trẻ, người ta cũng gọi chú là ông trùm Tích. Những người trong gánh hát vẫn trọ ở hàng cơm nhà bác Nhớn. Họ đã may được những bộ quần áo giản dị, mầu tối. Riêng cô Là bé nhất thì được một cái áo dài vải Đồng Lầm.
Nhưng thợ thất nghiệp ngày một đông, rất ít nhà không có người mất việc hoặc chưa có việc làm. Hàng họ ế ẩm, những người buôn thúng bán mẹt túng thiếu. Càng ngày càng khó làm ăn. Họ đi các phố diễn mãi cũng chẳng ăn thua gì, tối nay hát ngay ở chân cột đèn, dưới lùm cây ba-giăng, trước cửa nhà bác Nhớn. Vẫn những tiếng hát âm ấm của cô Gạo và cứ khi nào chú Tích ra là người ta buồn cười. Những tiếng trống của chú Đạt giòn không kém gì những tiếng trống đế của những phường chèo nổi tiếng. Ông Đũa-mun đã chuốt tặng họ đôi dùi trống tuyệt đẹp.
Cô Gạo đóng vai tiểu Kính ẵm con Thị Mầu hát điệu làn thảm, nhưng mắt vẫn nhìn cô Là chìa nón đi vòng quanh những người xem để xin tiền. Thấy cái cảnh nửa con hát, nửa ăn xin này, cô chạnh lòng rơi nước mắt, rồi ngực cô cứ rung lên, cô đã khóc thật. Mọi tiếng động đều im hẳn. Chỉ còn tiếng xe cao-su bong bánh ngoài mặt đường. Vai trò Gạo đóng đạt quá, gần hết tích rồi mà trong nón của Là mới được có mươi lăm xèng, cả đoàn đều ngán ngẩm. Dù ít nhiều thì cũng phải diễn đến nơi, đến chốn.
Đã đến mục Hậu hài kịch rồi, Đạt liền đứng dậy, cô Là đỡ cái trống. Tích và Đạt ra đóng hai vai hề. Đạt đố:
- Chấm phảy, Phi-lô, phi-lô-phèo. Hột thóc, hột thóc, hột thóc!
Tích chỉ ngón tay trỏ lên tóc mai, vẻ suy nghĩ. Phải làm nhưng chỉ làm ruộng không thì chết há miệng ra. Mùa đến còn hột thóc nào, bán đóng thuế không đủ, làm ruộng là gốc, nhưng ta còn phải "vi" theo kiểu khác nữa kia. Trong bản năng có ý thức của Đạt đã muốn chống lại bọn Tây cai trị. Chú ta đố lại:
- Đùm xoẹt! Ngùng ngoằng ngoằng ngoặc, đòm, đòm, đòm, đòm.
Tích giảng là chữ "vi" nghĩa là làm. Đạt cũng giảng là chữ vi, công chúng vỗ tay một hồi lâu.
Hồi ấy chống Pháp là tư tưởng của thời đại. Trong số người xem có ông Xe-ba-gác theo gánh chèo vào hàng cơm nhà bác Nhớn. Ông ta gọi mực xào và rượu trắng, mời những người trong gánh hát đến ăn uống.
Trời ngột ngạt, mùa thu nhưng cái hàng cơm vẫn bức. Trạch ngồi kéo quạt cho họ uống rượu. Trạch thương các cô, các chú ấy quá, đôi lúc quên cả bố. Bố thì lúc nào cũng gần được. Cái vỏ thùng dầu hỏa hiệu Bảo-cái ngày càng nhiều mà dân phố không nhà nào có cái vòi nước ở trong nhà. Nghề đống đáy thùng tiếng vậy mà còn chắc chân hơn cái nghề của cô, các chú ấy... Trạch đã cảm thấy trước cái ngày phải xa họ, Trạch đổi dây quạt từ chân lên tay. Ta phải quạt cho các cô, các chú ấy thật mát, thật êm. Kéo bằng chân cái quạt nó cứ giật cục thế nào ấy. Hết bốn mươi hai xu rồi kia à? Ông Xe-ba-gác hào phóng gớm, đúng là dân Hải Phòng.
Họ uống, họ ăn, họ cười, họ hát.
Họ chiều trẻ con không phải lối, họ bắt Trạch phải uống, cay quá, bạn ta chỉ liếm môi. Cô Gạo cầm rượu đổ cho Trạch và Trạch đã bị sặc.
Trạch vào giường nằm, bên tai vẫn vẳng nghe những tiếng hát than giọng trầm trầm của chú Tích.
*
Đêm áp phiên.
Chợ Sắt trên bến dưới thuyền nhộn nhịp. Từ tàu Lễ Hòa, người ta khiêng lên từng lồ (một loại sọt to và cao có hai quai để xỏ đòn ống vào khiêng) ốc bươu, ốc nhồi, sản phẩm của những người dậy từ gà gáy chim kêu, mò cua bắt ốc... đã trở thành hàng hóa. Dọc theo tường chợ, những hàng cơm, hàng quà dựng lên la liệt. Đèn điện, đèn ba dây, đèn măng sông, đèn đất sáng choang. Người ta đi lại, người ta ăn, người ta uống, người ta cười nói. Những con chó leo dây, vàng rộm, nhe răng, trợn mắt lên nhìn họ.
- Cho thêm một đĩa xào gan, dạ, sách nữa đây! Xào ít bột thôi nhé! Ăn thịt bò chán lắm rồi.
Những củ cà rốt, cà chua, những bó hành, bó tỏi, chùm ớt, hoa súp lơ, những cái chân lợn, những xúc thịt bò tươi... treo trên thanh đòn ngang lủng lẳng. Tất cả đều ngời sáng: xanh, đỏ, trắng, tím, vàng và còn nhiều mầu vẻ hơn nữa. Trong cái xã hội như thế này, không buôn thì không giàu, nhưng thợ thuyền bị thất nghiệp, nhiều nhà buôn cũng chết dở. Nhưng dù sao: nghèo cũng là nhà buôn, buồn cũng là hát bội! Cái chỗ tôi tối kia, đám chèo mảnh đã rung trống lên rồi. Sợ cảnh sát hay sao họ không ra chỗ sáng này mà hát.
Người ta kéo ra vây kín lấy đám chèo mảnh và mảnh chèo. Quán Nghinh xuân đã bắt đầu. Chú Tích trong vai Lưu Bình đề thơ lên vách quán. Đáng lẽ chú phải ngâm: "Công danh chẳng trước ắt thì sau..." thì chú lại ngâm bài thơ ám chỉ bọn ăn bám. Chú Tích đang ngâm thơ thì cô Là trong vai Châu Long đoan trang bước ra:
- Này anh khóa ơi! Cô Là cười, giọng trở nên hóm. Lưu Bình tân thời à! Sao lại ngâm bài ấy. Chúng ta đi diễn cái kịch "Con ma tây" đi, công chúng người ta đang chờ đấy!
Họ rất tự do và tùy tiện, thế là vở kịch "Con ma tây" bắt đầu. Chú tích trong vai người chồng, cô Gạo trong vai người vợ, chú Đại trong vai lý trưởng, cô Là vẫn phải làm cái việc đi thu tiền, còn ông Xe-ba-gác thì đóng vai con ma tây.
Kịch có màn hẳn hoi, màn là cái thúng cái úp lên ngọn đèn bão. Tiếng trống ngũ liên thúc liên hồi.
Kịch xảy ra trong nhà một anh dân cày nghèo vào một buổi tối giữa kỳ thuế. Người chồng đang nằm thẳng cẳng ở dưới đất, tiếng trống ngũ liên vẫn giục giã. Cái thúng cái được mở ra, ngọn đèn bão vừa vặn nhỏ lờ mờ sáng, tên lý trưởng mặc cái áo the đi vào, tiếng dõng dạc:
- Thằng Lực đâu, không nộp đủ bảy hào nữa thì ông lột xác! Có què không lê ra đình được thì cứ đưa tiền đây, mà cầm lấy cái thẻ...
Trong nhà, chị Lực ôm chồng khóc thảm thiết:
- ối anh ơi, là anh ơi! Họ đánh, họ cùm anh thế nào mà anh bỏ tôi ra đi, anh ơi là anh ơi!
Lý trưởng (giọng vẫn hách): Con mụ Lực, chồng mày làm sao. Thiếu một hào thì ông cũng cho tuần nó chặt cây tre đực cắm vào giữa sân ấy, nghe chửa?
Chị Lực (chạy ra níu vạt áo tên lý trưởng): ối thầy lý ơi, thầy kẹp năm ngón tay, đánh hộc máu mồm chồng tôi ra, về nhà, chồng tôi đã chết rồi. ối anh ơi là anh ơi (chị quay mặt vào phía chồng). Em phải nhờ anh em họ hàng người ta đi trình quanh. Quan nó chỉ nắm cái thằng có tóc... Lần này thì em cho nhà nó hết nghiệp anh ơi là anh ơi!
Lý trưởng (luống cuống):
- A! Cái con mụ này láo! Đang sưu thuế khẩn kỳ... Mày cũng muốn kẹp ngũ trao phải không?
Chị Lực (giọng rắn rỏi):
- Tôi không còn ai nương tựa nữa, đi tù càng... tốt. ối làng nước ôi! (chị Lực tri hô ầm lên) Thầy lý, thầy ấy giết chồng tôi rồi, làng nước ôi!
Lý trưởng: Thôi đừng to mồm nữa (tên lý trưởng rút cái ví). Tao cũng làm phúc, cầm lấy ba đồng mua cỗ áo quan mai táng cho chồng mày.
Chị Lực (bỏ tiền vào hầu bao): Nhưng lại còn tiền giầu, nước, tiền đốn ông thầy ông bà, ba đồng đủ sao được. ối thầy lý ơi là thầy lý ơi. Thôi tôi cứ khất quan về khám, rồi nhà nước người ta khắc lo liệu cho... (vừa nói chị Lực vừa túm lấy vạt áo tên lý trưởng).
Lý trưởng (gỡ tay chị Lực): đây hai đồng nữa cầm lấy, tao đang bận nhiều việc. Thôi cũng thí cho chúng nó (với người xem). Cái kẻ cố thân này, không ai người ta thèm dây với!
Chị Lực (cầm tiền, nhìn cái thẻ mới trong ví tên lý trưởng): Thầy có cầm cái thẻ đến, thầy cho nhà con xin.
Lý trưởng (ngớ người): Ơ! chồng mày đã chết rồi thì mày lấy cái thẻ làm gì nữa?
Chị Lực (ngần ngừ, bỗng mắt ráo hoảng cười khanh khách): Để con đốt cho nhà con, kẻo xuống dưới ấy, nhỡ gặp con ma tây nó hỏi thẻ thì làm thế nào?
Anh Lực đang nằm thẳng cẳng bỗng vùng dậy chộp lấy cái thẻ:
- Bây giờ thì đừng hòng bắt nộp thuế nữa nhé!
Cái thúng được úp vào ngọn đèn bão, những tràng vỗ tay ran lên. Tiền được ném vào cái nón như đánh đáo. Không có tiền xèng, tiền chinh, chỉ có tiền xu, tiền hào và cả tiền đồng nữa.
Trời tối hẳn lại. Dưới ánh sáng nhờ nhờ của những ngọn đèn phía tường chợ tỏa xuống, một con ma hiện ra, nó giống hệt tên đội xếp Boa-lô, bụng to bằng cái ró mẹ, tay cầm dùi cui, chân đi giày săng đá, nửa giống thần trùng, nửa giống quỷ nhập tràng, ngất nghểu đi đi lại lại.
Tiền vẫn không ngớt ném vào nón, cái nón đã nặng trĩu. Là đổ sang khăn vuông buộc lại. Bỗng từ phía bến tàu Bạch Thái có tiếng kêu của Trạch:
- Đội xếp thật đến! Đội xếp thật đến!
Đám người chạy toán loạn. Hai tên cảnh sát đạp xe đạp đến, thấy người rẽ ngang dọc, cứ tưởng là đám xóc đĩa lậu thuế. Biết không thể bắt được những đồng tiền cái làm tang vật nên chúng lại đủng đỉnh đạp xe đi nơi khác.
Nhưng tụi mật thám rất thính, ngay đêm hôm ấy, chúng sục vào các hàng cơm hỏi thẻ.
Đêm áp phiên, hàng cơm bác Nhớn rất đông khách. Trạch ngồi kéo quạt bằng chân trái. Chú Đạt bận rộn bưng thức ăn ra bàn và thu dọn bát đĩa. Trông chú giống hệt người bồi bàn. Cô Là thì mướt mồ hôi, bên những nồi cơm. Cô Gạo ngồi rửa bát. Chú Tích đóng vai phụ bếp, bác Nhớn đang chỉ cho chú cách thức xào thịt bò với rau cải làn. Bọn mật thám vào hỏi thẻ thì tất cả đã là những người làm công cho bác Nhớn.
Bọn mật thám đi khỏi, các cô các chú ấy vừa mới ngồi vào bàn ăn thì ông Ai-đò-Uông chống gậy song, lê cái chân gỗ lệch kệch đến:
- Thế này thì không yên với chúng nó rồi. Ông thấp giọng chỉ ra con tàu dắt lũ sà lan đậu trước cửa. Tôi có quen người chủ thầu, ông ta theo những cái sà lan chở than về Nam Định mộ phu. Họ đang đậu ở đấy... Cứ bước xuống sà lan là người đen nhẻm như phu mỏ... Thôi chúng ta đi đi thôi... Năm sà lan đầy phu...
Trạch định đi theo thì bị ông Tiết-canh-đây ngăn lại. Trạch sợ ông ấy từ ngày còn bé, có lẽ cu cậu sợ tiếng dữ tợn của ông ấy.
*
Sáng hôm sau, Trạch chở dậy, mình phải dặn các cô các chú ấy viết thư. Trạch nghĩ thế, rồi vội chạy ra trước cửa, thì trên dòng sông nước đã rạc. Chiếu tàu lại dắt lũ sà lan gặp nước đã nhổ neo từ lúc nửa đêm về sáng.
Trạch hớt hải cầm đồng hào ván chạy đến hiệu cho thuê xe đạp ở phố Giữa. Nhưng chết cái, cu cậu không quen nên đành phải quay về nói với bố, đem cái thẻ đến thuê giúp. Cũng may, khi Trạch ra đến gần cổng chợ Sắt thì gặp ông - lồng - chim, gánh một gánh lồng chim cồng kềnh đi lại. Trạch nói rõ sự tình, ông - lồng - chim động lòng thương, đem cái thẻ tùy thân vào hiệu xe đạp thuê giúp.
Trạch nhảy lên chiếc xe đạp người lớn, đạp ra bến đò Bính.
Qua đò, mưa gió may, Trạch cứ thế, đạp một mạch đến bến đò Rừng. Trạch mừng quá, cậu ta đã nhìn thấy chiếc tàu-lai dắt lũ sà lan chở phu đi rất chậm trên dòng sông có sóng trắng. Trạch muốn thuê một con thuyền nhỏ để đuổi theo, nhưng bến bờ chỉ toàn những chiếc thuyền đinh chở đá nên cậu ta đành cầm ghi đông xe đạp đứng nhìn cái cảnh bãi xa sông rộng.
Chiếc tàu-lai dắt lũ sà lan cứ mờ dần mờ dần trong gió, trong mưa...