Sự di chuyển trở nên càng ngày càng khó khăn nguy hiểm. Nay đắp mô, mai gài mìn! Thôi năm nay con khỏi về ăn Tết với Ba và các em. Các em con sẽ thắp hương lên bàn thờ Má dùm con. Con cứ an tâm ở dưới đó mà học. Học thật giỏi là đã trả hiếu cho Ba rồi vậy! Tin chắc Má con cũng sẽ ngậm cười nơi chín suối!
Đó là nội dung bức thư của ba tôi, mà tôi đã nhận được tuần trước. Tôi còn nhớ như in, từ nét chữ run rẩy đến những dòng ô được kẻ một ngay cách ngay ngắn. Tôi chưa bao giờ ăn Tết xa gia đình. Nếu phải xa, thì đây là cái Tết đầu tiên!
Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày cuối năm, lúc mẹ tôi còn sống. Bà thường dẫn anh em tôi đi chợ mua sắm quần áo mới, mua bánh mứt, kẹo, hạt dưa, và những vật liệu như gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, lá giong để làm bánh chưng. Gia đình tôi không giàu, vì ba tôi chỉ là một công chức khiêm nhường, nhưng mẹ tôi đã hết sức dành dụm trong suốt năm, để cố gắng mua cho đủ, bà không muốn anh em tôi chúng tôi thiếu thốn! Và riêng tôi, ngoài công việc lo dọn dẹp nhà cửa, tôi còn có bổn phận phải xoay cho kỳ được một cành mai để chưng ba ngày Tết. Kiếm một cành mai ở Đàlạt không phải là một điều khó khăn. Khó khăn họa chăng là trèo lên cây mai, chặt đem xuống rồi mang về. Cũng nên viết thêm là hồi ấy, tôi mười lăm tuổi, và không có tiền thuê xe lam chở về.
Tôi phân vân, suy tính. Có thể ở lại. Buồn, cô độc, lẽ dĩ nhiên. Tôi không quan tâm điều này. Tôi bồn chồn, tôi lo lắng. Tôi biết chắc gia đình mà thiếu tôi, là thiếu tất cả, vì tôi là con trưởng, là cái đầu tầu xe lửa, mà các toa là một lũ em nhỏ dại. Ai sẽ dẫn các em tôi đi chợ Tết? Ai sẽ là "đầu nậu" sóc "Bầu cua cá cọp" cho các em tôi chơi?
Sàigòn trong những ngày cuối năm thật ồn ào náo nhiệt! Người đâu sao mà đông thế! Họ đổ xô đi mua sắm, y như là từ xưa tới nay, họ chỉ được mua sắm trong những ngày cận Tết. Những gian hàng nhỏ bé, được mọc lên một cách vội vã chung quanh chợ Bến Thành. Những lời rao, tiếng mời qua các máy phóng thanh, làm điếc tai người mua. Thôi thì đủ mọi mánh khóe, được áp dụng để thu hút khách hàng. Nào là khô nai, khô cá thiều, rượu dâu, rượu cẩm, mua một biếu một. Cam, quít, nho, táo, không biết được tích trữ từ bao giờ, cũng đột nhiên xuất hiện. Nhìn không cũng thấy chảy nước miếng! Đi dọc theo đại lộ Lê Lợi, về phía Quốc Hội, rồi quẹo hướng bờ sông, ta sẽ từ từ thoát khỏi "mê hồn trận", để rồi lạc vào một thế giới khác, ít ồn ào hơn, thế giới của loài hoa. Nào là hoa Mai, hoa Anh Đào, hoa Cúc, hoa Hòe, hoa Lan, hoa Thược dược� và hầu như tất cả các loài hoa đều hiện diện, để cùng phô truơng màu sắc dưới ánh nắng vàng rực rỡ. Thật đúng là "trăm hoa đua nở". Các thiếu nữ với những chiếc áo dài lộng lẫy, cũng đi mua hoa về đón Xuân.
Tôi cũng có mặt trong chợ hoa này, nhưng không phải để mua mà để ngắm. Sau một phút suy nghĩa, tôi bóp bụng kêu một ông phó nhòm chụp cho một bô, loại lấy liền. Hai tay chống nạnh, một chân ghếch lên chậu bông, mặt hơi vênh lên, trông cũng có vẻ hách lắm! Tôi định bung vào Chợ Lớn mua một ít lặt vặt, rồi ghé thăm một anh bạn. Nhưng chợt nhớ lại, bình xăng của chiếc Vélo cũ đã vơi quá nửa, tôi bèn ra về.
Cư xá Đắc Lộ giờ này vắng hoe. Các bạn tôi đều về với gia đình từ mấy hôm trước. Tôi buồn rầu ngồi xuống chiếc ghế đá, tôi nhớ nhà. Giờ này chắc Đàlạt lạnh lắm! Bờ hồ vắng tanh. Những cơn gió buốt thổi qua các rặng thông già, gây nên một điệu nhạc buồn, một điệu nhạc độc đáo của xứ anh đào! Chắc ít người chịu ra ngoài. Đã hai mươi chín Tết rồi còn gì! Họ đã sắm đủ Tết. Còn gia đình tôi? Ba tôi có mua đủ quần áo cho các em tôi không? Còn bánh mứt? Còn hoa quả để cúng Má tôi? Tôi quyết định vội vã: Mai tôi sẽ về!
Năm giờ sáng ngày ba mươi Tết. Một hồi còi hú báo giờ giới nghiêm đã hết. Trong khi Sàigòn còn ngái ngủ sau một giấc ngủ nặng nhọc, thì bến xe đò đã náo nhiệt một cách lạ thường. Các em bán báo, các chị bán hàng rong, các anh lơ xe đò, cùng các bác tài xế đủ các loại xe, đã tạo nên một thế giới riêng biệt. Không biết họ thức giấc tự bao giờ, mà trông thật tỉnh táo, như để đón nhận một ngày mới, cực nhọc và vất vả. Có lẽ họ bận rộn hơn ngày thường, vì đó là ngày cuối năm, để rồi ngày mai họ sẽ nghỉ xả hơi, để ăn mấy ngày Tết. Chữ "ăn" ở đây có đúng với các nghĩa đen của nó. Aên thật no, ăn no chết bỏ, rồi năm sau "ta lại kéo cày". Bao nhiêu tiền dành dụm từ năm ngoái đều được tiêu xả giàn.
Sau khi trả tiền xe taxi, tôi bước vội đến bến xe Minh Trung một loại xe nhỏ nhưng chạy nhanh, lẽ dĩ nhiên giá mắc hơn chút đỉnh. Tôi được trả lời là vé đã bán hết từ hai ba hôm trước. Tôi hoảng hốt xách chiếc sắc Pan Am bước vội lại quầy xe lớn. Một anh lơ nhanh nhẩu nắm chiếc sắc của tôi, lôi tôi về phía anh, rồi nói lớn:
Lẹ lên cậu hai! Xe sắp chạy rồi!
Tôi không còn thì giờ để lựa chọn; có xe đi là quí lắm rồi. Nắm chặt cái vé xe trong tay, tôi mới thấy an tâm. Tôi đưa mắt nhìn chung quanh, và chợt để ý thấy một thiếu nữ, khoảng mười bảy tuổi đứng gần đó, hai tay ôm chiếc cặp trước ngực. Một người đàn bà, khoảng ngoài bốn mươi, không ăn mặc chải chuốt nhưng có vẻ lanh lợi nói:
Con trông đồ dùm mẹ nghen. Mẹ chạy đi mua ít bánh mì. Con có ăn không?
Tôi nghe cô gái đáp nhỏ:
Dạ không.
Như vậy, người đàn bà đó hẳn là mẹ cô nữ sinh? Bà đi buôn? Cứ nhìn bề ngoài mà đoán thì biết! Chắc bà đi buôn chuyến chót, rồi đón con gái về ăn Tết luôn một thể. Tôi kín đáo nhìn cô ta, trông cô thật hiền lành, thùy mị trong chiếc áo dài trắng. Làn tóc thề ôm theo bờ vai tròn trĩnh. Đúng đây là một vẻ đẹp thanh nhã, không cao sang, hoặc kiêu kỳ kiểu cách như những cô gái khác cùng lứa tuổi. Cũng lúc ấy, người đàn bà tất tả trở lại với ổ bánh mì lớn trong tay.
Con không ăn, đói chết!
...
Anh lơ chuyển những hành lý cuối cùng lên mui xe. Mấy chiếc giỏ cần xé quá lớn của bà làm anh quạu quọ. Đứng trên mui, anh dùng hết sức bình sinh kéo lên. Tôi không ngần ngại bỏ phăng chiếc sắc Pan Am, mà tôi rất cưng, xuống đất, rồi nâng mấy chiếc giỏ dùm anh.
Cám ơn cậu! Cậu tử tế quá! Chắc cậu cũng về Đàlạt ăn Tết?
Dạ!
Bà nhìn nhanh tôi như để dò xét, hay đánh giá cũng vậy, rồi bà nói:
Cậu không mặc áo len, không khéo chỉ đến Định Quán là cậu bị lạnh!
Cám ơn bà, cháu có mang theo.
Anh lơ giục chúng tôi lên xe. Tôi không giấu được nỗi vui mừng, khi được xếp ngồi cùng một băng ghế với mẹ con bà. Đó là số hên cuối năm của tôi! Lộ trình Sàigòn Đàlạt hẳn sẽ ngắn lại. Và biết đâu chẳng là duyên tiền định!
Băng chúng tôi ngồi gồm ba chỗ, bà ngồi giữa, con bà ngồi kế cửa sổ, và tôi ngồi ngoài cùng. Thôi cũng được! Tôi tự an ủi. Chẳng lẽ bà cho con gái bà ngồi kế mình! Ai lại như vậy?
Chiếc xe bắt đầu chuyển bánh. Người tài xế mở cải lương. Giọng ca vọng cổ quen thuộc hòa cùng tiếng máy động cơ, tạo nên một âm thanh chói tai, làm khó chịu mọi người. Mấy năm gần đây, có phong trào gắn nhạc trên xe để thu hút khách. Tôi thầm nghĩ thật là thất sách, vì ảnh hưởng có khi ngược lại điều chủ xe mong ước.
Khi xe bắt đầu ngon trớn trên xa lộ, thì bà mẹ cô gái cũng lấy bánh mì ra ăn. Bà hỏi cô:
Aên bánh mì không con?
Tôi thấy cô khẽ mỉm cười lắc đầu. Bà quay sang tôi:
Cháu ăn một miếng với bác cho vui nhé?
Tôi sung sướng đến đỏ mặt, và lễ phép từ chối:
Thưa bác, cháu đã ăn no ở nhà rồi ạ!
Bà thản nhiên đưa bánh mì lên miệng ăn, không một chút ngượng nghịu. Hai mẹ con bà thật khác nhau một trời một vực, kể từ tính tình đến sắc diện. Đúng là "mẹ Cú con Tiên!" Con e lệ, thùy mị, mẹ phóng khoáng, sỗ sàng. Tôi tự biện dùm bà: "Đi buôn thì phải như vậy nếu không sẽ lỗ vốn. Vả lại, con gái bà đẹp là được rồi!"
Xe tới Hố Nai, rồi chạy ngang qua vườn cao su. Những cây cao su được trồng thật ngay thẳng theo hàng, theo lối, làm tôi liên tưởng đến những người lính trong Quân đội. Nước tôi đang có chiến tranh. Một ngày nào đó tôi sẽ nhập ngũ. Rồi cũng có thể một viên đạn vô tình nào đó, sẽ kết liễu đời tôi. Đó là chuyện thường tình. Trai thời loạn mà. Nhưng cô gái ngồi kế bên sẽ trở thành góa phụ! Khuôn mặt thơ ngây kia sẽ phải chít một vành khăn tang! Đó là điều không thể chấp nhận được. Không! Không thể có chuyện vợ con trong lúc này! Tôi khẽ liếc nhìn cô gái. Gió xuân đang thổi ngược tóc cô về phía sau, để lộ một cái cổ cao và thật trắng. Cô sẽ phản ứng ra sao nếu đọc được ý nghĩ trong đầu tôi? Mẹ cô ngủ lúc nào mà tôi chẳng hay. Nét mệt nhọc hiện rõ trên khuôn mặt. Tôi thấy quý trọng người đàn bà này. Bà đã lặn lội vất vả để kiếm tiền nuôi con ăn học.
Khi đến Định Quán, khác với thông lệ, xe chỉ ngừng mấy phút để hành khách xuống cho dãn gân cốt, và làm việc khác rồi lại chuyển bánh. Không ai nghĩ tới chuyện ăn cơm, vì mọi người đều mong chóng về đến nhà để đón Giao Thừa. Lúc lên xe, để tiện ngắm phong cảnh, bà đổi chỗ cùng con cái bà, (hay có mỹ ý nào đó!) Tôi thầm cám ơn hành động khá tế nhị của bà.
Tôi vốn dĩ rất nhát gái. Xe đã chạy được một khoảng khá xa, mà tôi vẫn loay hoay chưa tìm ra câu mở đầu. Sau cùng, thu hết can đảm, tôi gợi chuyện bằng một câu rất ư là vô duyên:
Thưa cô, cô cũng về Đàlạt ăn Tết cùng bác?
Cô nhìn tôi thoáng một vẻ ngạc nhiên:
Dạ?
Tôi bối rối chưa biết tiếp tục ra sao, thì may quá, phù hiệu tên trường mà cô ta đang học, thêu trên nếp áo bên trái, đã cứu tôi khỏi cơn bí.
Thưa cô, cô học Gia Long?
Dạ.
Em bạn tôi cũng học trường đó.
Những câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi thật nhạt nhẽo, không đâu vào đâu, quanh quẩn việc trời mưa, trời nắng, xuân, hạ, thu, đông. Gần một tiếng đồng hồ rồi, mà chiến lợi phẩm thu lượm chẳng có là bao. Má cô ngồi bên vẫn giữ im lặng một cách khó hiểu. Tôi nặn óc, cố tìm cơ hội kiếm điểm với bà. Tôi cầu trời cho gió thổi bay chiếc khăn phu la, mà bà đang hờ hững đeo ở cổ, hay mấy chiếc giỏ cần xé trên mui rớt xuống. Chắc chắn tôi sẽ nhanh nhẹn đứng dậy oai hùng như Trương Phi lúc măcc áo chiến bào, tay cầm xà mâu, đôi lông mày xếch ngược miệng tôi sẽ hô to: "Tốp! Tốp!" Rồi tôi sẽ nhảy xuống xe, trước cả anh lơ, lượm lên cho bà với một nụ cười thật tươi.
Khốn nổi! Chiếc khăn phu la phải gió, vẫn chưa chịu bay đi! Còn mấy cái giỏ cần xé vẫn trơ như đá, vững như đồng, chẳng chịu nhúc nhích.
Thỉnh thoảng, bác tài lại ngừng xe cho hành khách xuống. Lúc thì ở Blao, khi thì ở Djiring. Xe vơi hành khách càng chạy mau hơn. Những cây thông bắt đầu xuất hiện nhiều, báo hiệu cho biết sắp tới Đàlạt. Tôi hơi cảm thấy lạnh, nhưng trong lòng thì lại nóng như lửa đốt, vì tôi chưa biết gì về cô bạn đồng hành khả ái kia cả. Tên của cô, địa chỉ của cô ở Đàlạt cũng như Sàigòn, tôi đều mù tịt. Để trấn an tôi tự hứa: "Cứ bình tĩnh! Giục toc bất đạt. Lát nữa, khi tới bến xe, mình sẽ hỏi, lo gì."
Khi xe đến Liên Khương, một sự kiện hết sức bất ngờ, ngoài sự dự trù của tôi, đã xảy ra làm tôi choáng váng mặt mày. Cô bạn gái của tôi, hãy tạm gọi như vậy, đứng lên nói với bác tài ngừng xe. Cô cúi đầu chào bà ngồi kế tôi, mà tôi cứ đinh ninh là mẹ cô, rồi cô nhếch mép cười nhẹ với tôi, trước khi bước xuống xe.
Tôi ngẩn ngơ đứng dậy, nhìn theo bóng dáng cô, cho tới lúc xe đến một khúc quanh, mới giật mình, rồi bẽn lẽn ngồi xuống. Cả một sự tiếc rẻ vì hụt hẫng xâm chiếm cõi lòng tôi. Sự cảm giác dường như bị mất mát một cái gì đó, làm tâm hồn tôi bâng khuâng xao xuyến! Bỗng tất cả đều biến thành bực tức, trút đổ lên đầu "bà mẹ vợ hờ ợ" kia! Nó làm tôi thiếu bình tĩnh, quên cả lịch sự tối thiểu, nên sẵng giọng hỏi bà:
Thế bà không phải là má cổ? (Lúc đó hết còn bác với cháu)
Không! Bác cũng chỉ quen nó trước cháu mấy phút mà thôi!
Từ đó đến Đàlạt, tôi không thèm nói với bà một câu, và cũng không thèm nhìn bà lấy một lần. Con người gì lại khéo vô duyên! Mới quen có sơ sơ, mà bày đặt xưng Me ngọt xớt, thật không biết ngượng mồm! mặt như Chung vô Diệm mà đòi làm mẹ tiên-nga, thật không biết "xấu-hổ!" (Tôi xin đóng ngoặc kép chữ xấu hổ này, vì có tôi nữa!) Khi xe vừa tới bến, tôi vội vã bước xuống xe. Tôi còn nghe bà nói vói theo:
-  Kìa cháu! Phụ bác đem dùm mấy cái giỏ xuống!
Tôi bước nhanh qua đường, tay nắn cái sắc xem còn mấy phong pháo cho các em nhỏ không.
Có lẽ tôi về kịp bữa cơm chiều.

Xem Tiếp: ----