(Canada)
Vào một buổi sáng mùa hè, tháng 4-1999, có một người khách lạ đến tòa soạn báo The Global Knowledge (Tri thức toàn cầu) yêu cầu gặp tôi. Cô thường trực, cũng là người Canada gốc Việt vào thông báo cho tôi với nụ cười bí hiểm:
- Một vĩ nhân triết học ẩn náu hàng chục năm nay đã xuống núi.
Đó là một người cỡ gần 50 tuổi, ăn mặc tồi tàn, quần áo nhàu nát và có vẻ như lâu ngày chưa giặt. Mớ tóc ông ta bù xù, râu cằm mọc lởm chởm và chắc chắn là chúng chưa hề bao giờ được chủ nhân chăm sóc. Một kiểu triết gia đầy bụi bặm... như những chú cú của Anfonse Daudet trong Lettres de mon moulin (°) - Tôi tự nhủ thầm như vậy. Ông ta bắt tay tôi rất chặt và mở đầu bằng một câu rất văn hóa về nghề nghiệp làm báo của tôi:
- Nếu đêm qua đánh bạc với hoàng đế thì sáng nay là lúc có thể ngồi với lũ ăn mày như tôi, phải không?
Chắc chắn là tôi không đủ tiền để mời ông đi ăn cơm bụi cùng với mấy chị em ở xóm Queen Street rồi. Tôi trả lời và cả hai đều cười vui vẻ.
Ông ta nói một tràng dài như đã có kịch bản dàn sẵn, rằng ông ta rất thích bài viết của tôi trên báo về bài toán Ferma với tên tác giả là người Việt đồng hương với ông; rằng ông ta nghĩ tôi phải là một nhà toán học đích thực; rằng ông ta có nhiều điều bất đồng muốn chia sẻ với tôi... Ông ta nói nhanh, líu ríu, khiến tôi có cảm giác như nghe một băng ghi âm sai tốc độ. Cuối cùng, ông kết thúc bài diễn văn soạn sẵn đó bằng một lời tuyên bố trịnh trọng
- Tôi đã nghiên cứu 10 năm nay bài toán Ferma này, tôi đã tìm ra một thuật toán kỳ lạ để chứng minh nó, nhưng sự thận trọng khoa học khiến tôi chưa thể công bố tìm tòi của tôi một cách vội vàng.
Ông ta liếc mắt và ném một cái nhìn dữ dội về phía cô thường trực. Cô này vẫn còn chưa giấu kịp nụ cười mỉa mai của mình khi nghe lời tuyên bố trịnh trọng của ông ta. Tôi nhận ra điều đó, lập tức xoa dịu:
- Tôi tin. Tôi tin rằng cách đây hơn ba trăm năm, loài người đã từng có những thuật toán mạnh mẽ và kỳ lạ. Chắc vì một lý do gì đó, các thuật toán ấy đã bị thất truyền đến ngày nay. Tôi nghĩ rằng, thật diễm phúc cho người nào bỗng nhiên lại tìm ra những thuật toán giải quyết những bài toán lớn của nhân loại.
Đôi mắt ông ta rạng rỡ hẳn lên khi nghe những lời nói của tôi. Tôi đoán là ông ta đã rất vui vì tìm ra một người hiểu được mình. ở Canada này, có đốt đuốc giữa ban ngày cũng không tìm nổi một người say mê toán học, nói gì đến một người suốt năm tháng miệt mài chỉ để đi tìm lời giải cho một bài toán cổ. Mọi người sẽ nghĩ ngay rằng hắn là một gã khùng. Nhưng người đối thoại với tôi không có một chút gì tỏ ra là khùng cả. Ông chậm rãi lập luận một cách hết sức mạch lạc - Ông cũng biết đấy, chẳng ai tin tìm tòi của tôi, thậm chí họ cũng chẳng thèm nghe tôi nói nữa. Cho nên khi đọc bài báo của ông, tôi tin tôi đã có ít nhất một người nghe mình. Tôi đã viết hết những khám phá của tôi trong một trăm trang giấy. Tôi không mang theo nó ở đây vì tôi muốn trước hết được bàn bạc và xin ý kiến ông. Ông có tin rằng trăm trang giấy này nếu đặt vào tay một kẻ thờ ơ sẽ lập tức bay vèo vào thùng rác ngay khi tôi vừa mới quay đi?
Tôi nhận với ông ta rằng thời buổi hiện nay quả thật là tồi tệ, rằng con người đang mất dần đi cái thiên tính quý báu là khao khát và tìm kiếm bí mật của thiên nhiên, của cuộc sống để chạy theo những thứ vô bổ của dục vọng thấp hèn. Khi tôi nói những lời văn hoa đó, tôi biết mình đang lừa dối ông ta, vì chính tôi cũng đang vật vã với miếng cơm manh áo hằng ngày, nhưng nhìn bộ mặt đầy khát vọng của ông ta, tôi chợt nảy ra một ý định nhỏ nhen: A, có thể dành buổi sáng rỗi rãi này để lục lọi tâm khảm cái ông mát này, cũng thú vị đấy chứ? Tôi ngỏ ý mời ông đi uống cà-phê tại quán McDonald tọa lạc ngay trên đường Dufferin cách tòa soạn báo một dãy phố. Ông đồng ý ngay và ném về phía cô thường trực một cái nhìn khinh thị, nói: - Tôi đang giữ hai bí mật: một tấm bản đồ vẽ trên da cừu về một kho vàng để lại của gã hải tặc nổi tiếng vùng eo biển Malắcca từ thế kỷ 16 và lời giải đáp hoàn toàn của bài toán Ferma, ông muốn cái nào?
Ông ta hỏi tôi khi ra đến cửa.
Tôi cũng cười, nhái câu hỏi của ông ta nhưng nói hướng về phía cô thường trực:
- Tôi cũng đang giữ hai bí mật: một thư tịch cổ dạy về thuật cầu hồn và tài sản khổng lồ của một bà cô già chưa chồng đang suốt ngày ngồi ăn mày ở phố Tàu đông trên đường Dundas, trung tâm Toronto, ông muốn chọn nghe cái nào.
Cô thường trực cười phá lên, đi vào trong thư viện và từ đó nói vọng ra, tiếng rất to: Tốt nhất là hai ông nên đi kiếm cái bà cô già chưa chồng đó ngỏ lời xem bà ta chọn ai trong số hai ông làm chồng.
Tại quán cà-phê vắng vẻ, thoạt đầu ông ta im lặng nhâm nhi ly cà phê, dõi mắt về phía xa như chờ đợi người nào đó hẹn đến. Mãi sau ông ta mới nói: "Thật tình tôi hoàn toàn nghiêm túc khi nói tới hai điều bí mật mà tôi đang nắm giữ. Anh có thể khuyên tôi điều gì bây giờ? Tôi sẽ làm gì với những trang giấy khám phá của tôi hay là quên phắt nó đi và nhờ anh giới thiệu tới gặp cái bà cô già kia ngỏ lời cầu hôn cái gia tài kếch xù đó, vì thật ra thì cuối cùng tất cả cũng chỉ quy về việc kiếm tiền mà thôi". Ông ta nói không biết là đùa hay thật nữa.
Thư tịch cổ về thuật cầu hồn và bà già chưa chồng với gia tài kếch xù thật ra chỉ là một giả định đùa cợt của người bạn tôi, anh mất cách đây một năm, tôi luôn lấy nó làm ví dụ buồn về chứng hoang tưởng kỳ dị mà những người Việt tha hương hay mắc phải. Bởi vậy khi nghe nói ông hoàn toàn nghiêm túc về hai bí mật mà ông ta nắm giữ tôi nghĩ ngay đến chứng hoang tưởng này.
- Riêng với ông nhà báo, tôi xin hỏi thật, ông có hiểu gì về toán học của những đường cong elliptic hay không? Một năm vừa qua ông có theo dõi sự phát triển của lý thuyết số hay không? - Ông ta đột ngột hỏi.
- Quả thật tôi không hiểu gì về các đường cong elliptic và tới gần hai năm nay tôi chưa đọc tờ báo hay tạp chí toán học nào.
- Tôi đã đoán đúng. Bài báo của ông viết rất hay, nhưng đọc rồi tôi thấy nó đã cũ mất hai năm, mặc dù hai năm nay, lý thuyết số chưa có gì phát triển lắm. Bài toán Ferma đã tồn đọng hơn ba trăm năm chưa được giải quyết, nếu hai năm vừa qua nó không được nhắc đến không có nghĩa người ta đã vĩnh viễn cất nó vào quên lãng. Tôi tin là vẫn có nhiều người âm thầm tiếp tục tìm lời giải cho nó. Mười năm nay không lúc nào tôi không nghĩ về nó. Cách đây chừng hai tháng, tôi đã tìm được lời giải chính xác, nhưng hai tháng nay tôi băn khoăn không biết đưa nó ra ánh sáng như thế nào.
Tôi ngắt lời ông ta:
- Điều quan trọng là nó đúng hay không, còn việc đưa nó ra ánh sáng là việc rất phụ. Cách đây mấy tháng, tôi có đọc trên tờ báo Mỹ đưa tin một sinh viên trẻ đã chứng minh được bài toán bốn mầu, bài toán này cũng đã tồn đọng gần một trăm năm nay. Bài báo nói anh sinh viên trẻ này được một thầy giáo tận tình giúp đỡ. Tên tuổi của anh ta sẽ vĩnh viễn được ghi vào lịch sử của toán học.
Ông ta có vẻ rất xúc động.
- Tôi chưa tìm được ở đây người nào lương thiện như vị thầy giáo kia. Nói chính xác hơn, tôi chưa đủ kinh nghiệm để tin vào một người như thế.
- Và thế là nền toán học thế giới này thiệt thòi vì chứng minh định lý Ferma vẫn còn phải nằm trong bóng tối. - Tôi cười mỉa, song hình như ông ta không nhận ra.
Ông ta tự giới thiệu mình tên là Thanh, một người chuyên sưu tầm đồ cổ Trung Hoa ở Hà Nội từ cuối thập niên 60. Nghề sưu tầm đồ cổ này là do bố của ông truyền lại, còn toán học là môn ông say mê nhất, mặc dù ông không hề học qua một trường lớp nào. Sư phụ của ông Thanh là một thầy lang Tàu nổi tiếng ở Hà Nội. Chính ông thầy Tàu này đã truyền cho ông Thanh không chỉ cổ vật học mà cả lòng say mê toán học.
- Ông thầy tôi có định nghĩa cho tôi thế nào là một nhà bác học. Đó là người phải giỏi bốn thứ: Nho, y, lý, số và để thật hoàn chỉnh phải giỏi thêm bốn thứ khác nữa là: Cầm, kỳ, thi, họa. Số ở đây là toán học, là khoa dịch lý bói toán, binh pháp. Tôi mê nhất vẫn là toán học, còn ba thứ trên tôi không để ý.
- Tôi cũng mê toán học. Tôi là dân chuyên về toán, một sinh viên khoa toán và đã từng dạy toán nhiều năm tại một trường kỹ thuật. Tôi cũng bật mí cho ông ta biết về thân phận của tôi.
Cả hai chúng tôi đua nhau nhắc những kỷ niệm về Hà Nội thời thập niên 60, 70 khi chúng tôi còn ở Việt Nam, và câu chuyện tưởng như không bao giờ có thể dứt nếu như ông Thanh không đột nhiên lưu ý tôi rằng: "Vậy thì rất có thể tôi và ông nhà báo đã phải biết đến nhau rất rõ, phải đã từng gặp nhau nhiều lần. Ông có bao giờ tham dự chuyên đề về lý thuyết hệ thống, về toán tử Kuratovski không?".
- Có chứ? Nhưng sao tôi lại chưa bao giờ thấy ông nhỉ? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
Tôi chỉ là người dự thính các seminar đó, cho nên có thể ông không trông thấy tôi.
Quả thật con người này tôi chưa hề bao giờ chạm mặt trong cuộc đời, nhưng lại biết rất rõ về nhau và như là thường xuyên gặp nhau... trong giấc mơ vậy. Thật là kỳ lạ! Có một cái gì đó bỗng hiện ra trong tôi lúc đó và tôi không thể nào hiểu được đó là cái gì, nhưng nó làm tôi có một cảm giác rất khó chịu: thứ khó chịu của kẻ say rượu, say thuốc lào hoặc say cà-phê. Phía trước mặt chúng tôi là một vùng bao la sông nước: Đại ngũ hồ mà phần ở Toronto có tên là Ontario Lake. Mặt hồ xanh biếc, phẳng lặng như tờ, không nhìn thấy bờ bên kia, thành ra hồ như là đại dương vậy - một đại đương không có sóng. Sau lưng chúng tôi là trung tâm Toronto với những ngôi nhà chọc trời, những tower (nhà ngọn tháp) ngạo nghễ và tiếng ầm ì không ngớt của các làn xe chạy trên xa lộ. Ông Thanh, kẻ mơ về tấm bản đồ vẽ trên da cừu và lời giải một bài toán hình như không thích hợp chút nào với bối cảnh này. Ngay cả tôi, tôi cũng có cảm giác như mình đang trôi lềnh bềnh trên đại dương, người ngồi trước tôi dường như không thật mà chỉ là một cái bóng lúc ẩn lúc hiện, một thứ ảo ảnh. Có lẽ tôi bị hiệu quả của viên thuốc giảm đau uống buổi sáng và ly cà-phê expressimo pha đặc kiểu ý. Thậm chí tôi có ý nghĩ rằng nếu tôi sờ tay vào người ngồi đối diện tôi sẽ không thấy gì cả, nhưng tôi không dám thực hiện ý định đó, vì ông ta vẫn cứ bằng giọng đều đều kể cho tôi nghe về Hà Nội.
Sau lần gặp nhau đầu tiên, bẵng đi nhiều tuần không thấy ông Thanh tới tìm gặp tôi. Tôi rất giận mình đã quên không xin số phôn của ông ta, cũng không có lấy một chút thông tin gì về chỗ ở nghề nghiệp hiện tại của ông. Trong nhiều tuần ấy, tôi cố nhớ về ông, nhưng không thể nào nhớ nổi. Dường như là ông ta có thuật biến hình, tạo ra một thứ virus làm hỏng bộ nhớ của những người đã gặp. Thật là rất kỳ lạ! Chỉ có tiếng nói của ông ta là tôi vẫn nhớ. Tiếng nói này thỉnh thoảng lại vang lên trong tôi, nhất là nó thường cất lên thành tiếng gọi tôi trong giấc mơ.
Tôi nhớ khi mới gặp ông Thanh tôi đã có một ý định rất nhỏ nhen là muốn lục soát tâm hồn một gã khùng, giờ đây tôi biết chính tôi lại trở thành nạn nhân của cuộc gặp đó: Tôi bị lục soát tâm hồn. Giờ đây quá khứ luôn luôn hiện về trong đầu tôi, rõ mồn một như mới xảy ra ngày hôm qua vậy. Tôi nhớ bài toán Ferma cũng đã từng ám ảnh tôi nhiều năm thời sinh viên, nhưng rồi cuộc sống đầy vật lộn đã khiến tôi quên hẳn nó đi. Năm 1991, khi định cư tại Canada, thấy cái viễn cảnh chỉ có đi làm bồi bàn, rửa chén nhà hàng, đi bắt trùng hoặc mổ cắt đầu cá để kiếm sống, tôi cũng "sờ" lại nó với một an ủi: biết đâu đột nhiên mình lại tìm ra lời giải và thế là mình sẽ thoát khỏi cái "địa ngục" mới này. Năm 1993, toàn thế giới xôn xao về lời giải hoàn toàn của nó do một nhà toán học Mỹ công bố, nhưng nghe nói, lời giải này sau bị phát hiện có chỗ sai lầm, và bài toán vẫn còn là một thách thức lớn với con người. Sau lần gặp ông Thanh, tôi lại bị hút vào việc tìm kiếm các thông tin mới nhất về nó, nhưng càng tìm kiếm tôi càng như rơi thêm vào mớ bòng bong: chẳng thể nào biết được bài toán đã được giải hay chưa? Tôi nghĩ cách tốt nhất là tìm ông Thanh để hỏi. Chỉ những người suốt đời đi tìm lời giải bài toán mới biết được hiện tình nó như thế nào. Nhưng biết tìm ông ta ở đâu?
Cho đến một ngày tôi nhận được một cú điện thoại lạ. Một bà tự xưng là vợ của ông Thanh, bà ta hỏi có phải tôi giữ tập bản thảo của ông Thanh hay không? Tôi vô cùng ngạc nhiên trả lời tôi không hề giữ bất cứ cái gì của ông ta cả, vì chúng tôi chỉ gặp nhau một lần duy nhất. Tôi rụng rời khi nghe bà ta nói chồng bà đã mất được 5 tuần, vào 9 giờ tối ngày 22-4-1999, nghĩa là đúng vào ngày mà buổi sáng tôi và ông Thanh gặp nhau. Tóc gáy tôi dựng lên và tôi có cảm giác như hàng ngàn con ong đang vo ve trong lỗ tai. Thật không thể nào tin được! Thật là khủng khiếp! Bà ta còn cho biết bà ta tìm trong đống sách báo của chồng và thấy tờ báo đăng bài viết của tôi về bài toán Ferma cùng với nét bút chồng bà ghi lại số phôn của tôi, thêm dòng chữ: mang bản thảo tới ông nhà báo này ngày 22 tháng 4!
Tôi không biết tôi đã trải qua những giờ phút đầy kinh dị đó như thế nào. Người đàn bà tự xưng là vợ ông Thanh sau đó cũng không thấy liên lạc với tôi nữa. Tôi cứ chờ bà ta sẽ gọi điện thoại cho tôi hoặc đến tòa soạn báo tìm tôi. Nhưng tuyệt nhiên không có dấu hiệu bà ta sẽ xuất hiện. Cứ như là tất cả đều không có thực đều xảy ra trong giấc mơ. Thậm chí nghĩ lại tất cả mọi việc đã xảy ra, tôi ngờ ngợ như là một giấc mơ thực sự, bởi vì không có hình dáng nào lưu lại trong trí nhớ tôi một cách rõ nét. Tôi có hỏi cô thường trực xem cô ta còn nhớ lão già mà cô gọi là vĩ nhân triết học ẩn náu trên núi vào thời gian cuối tháng Tư hay không, nhưng cô này nói cô không nhớ gì hết. Tôi không tin là tôi đã lẫn lộn cuộc sống thực với giấc mơ. Bằng chứng là tất cả những câu nói của ông Thanh với tôi, tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Những chi tiết về semina lý thuyết hệ thống, toán tử Kuratovski, và nhất là các tìm kiếm xung quanh bài toán Ferma, tôi vẫn còn giữ - đầy ắp trong đầu.
Tôi có kể cho anh bạn cùng học lớp toán với tôi câu chuyện này dịp anh sang họp bên Canada, anh bạn tôi khuyên tôi: "Cậu đừng lo! Tớ cũng đã gặp trường hợp như vậy rồi. Cái ông Thanh đó chính là cậu, chính cậu chứ không phải ai khác. Chính cái đầu đầy hoang tưởng của cậu đã tạo ra nhân vật thứ hai chạm mặt với cậu đối thoại với cậu. Chính là cậu đấy! Gặp cậu, tớ thấy cậu đã thay đổi quá nhiều. Xứ Canada này đã nuốt chửng cái thằng người đầy tài hoa, say mê nhiều thứ và nay nó khạc ra một thằng người khác hẳn không trà, không bia rượu, không thuốc lá không còn niềm đam mê. Ông Thanh chính là sự nổi giận của bản ngã cậu với cái thằng người mới được khạc ra đó".
Tôi có đến gặp bác sĩ người da trắng ông rất nổi tiếng về các chứng bệnh thần kinh. Nghe chuyện tôi ông cười hỏi lại y như là một chuyện rất thông thường: "Thế anh không biết chứng bệnh Ferma problem depress hay sao? Một bệnh khá phổ biến ở người Canada đó!".
-----------------
(°) Những bức thư từ cối xay gió

Xem Tiếp: ----