Từ thuở bé tôi luôn nghĩ cây ngô đồng là cây bã đậu, vì một lần đi lang thang với bố tôi trong khuôn viên trung tâm huấn luyện quân sự Nguyễn Tri Phương-Hóc Môn-Gia Định, dưới hai hàng cây bã đậu ông chỉ lá và nói cho tôi nghe: “Lá cây này là lá ngô đồng, lá có hình trái tim nên cây ngô đồng biết khóc”. Tôi ngước lên hỏi bố: ” cây khóc lúc nào?” bố tôi nói: “Khi lá rụng”. Vạt nắng chiều năm ấy khi hai cha con đi lang thang trong doanh trại, luôn tồn tại trong kí ức tôi, dù bố tôi đã là cát bụi. Hình ảnh nắng nhạt trên ngọn cây luôn lay động tim tôi, cho dù nắng không còn long lanh trên chiếc lá ngô đồng xưa nữa, cho dù bây giờ đọc sách, đọc báo người ta khẳng định cây bã đậu không phải là cây ngô đồng đất bắc, không phải là cây ngô đồng trong các truyền thuyết xa xưa, sánh đôi cùng con chim phượng và cho dù nắng không còn soi dáng tôi bé bỏng đi bên cạnh bố, tôi vẫn nhớ như in vạt nắng chiều năm ấy. Và bây giờ hai hàng cây trước nhà tôi đang khóc, những chiếc lá rụng mãi không ngưng, lá trải thảm trên cỏ, lá thay màu đỏ màu vàng, lá thành màu nâu mục, lá quấn quít chân tôi, lá âm ư rên rỉ, lá chắc buồn ghê lắm mới tàn tạ thế này. Sau vườn tôi cây táo tầu đã trơ cành xương xẩu, cây mơ còn nước mắt vẫn khóc mỗi ngày cùng cây mận. Các cây hồng đã trổ hết xuân thì, nắng thu tàn lưu luyến trên cuống hoa đã rã, chờ tôi hóa sinh để đợi xuân về. Tôi ngắm màu lá, tôi xăm soi tìm mầm sống nhú lên từ các củ hoa huệ, củ hoa uất kim hương, hoa diên vĩ, năm nay các cô mẫu đơn không khoẻ, đám tú cầu bắt đầu rụi đi, trong sách nói hoa này nở mùa này, hoa nọ mất mùa kia. Tôi nhìn trong vườn tôi, cây cỏ chẳng theo sách vở gì hết, thích thì nở, buồn thì biến đâu mất biệt. Mỗi khi ra vườn sau cơn mưa, mùi đất thơm kỷ niệm, tôi lại nhớ đến nửa chiếc thùng phuy bố tôi dùng bốn cây gỗ to và chắc, dài khoảng hai thước, khoan lỗ ngay giữa hai cây, bắt con đinh ốc thật to rồi kéo rời hai cây ra thành hình chữ X làm thành cái giá cho nửa chiếc thùng phuy nằm lên trên, sau đó ông cho đất vào, nó là nơi để ông trồng rau thơm, trồng hoa, trồng linh tinh lang tang trong đó. Căn nhà tôi ở trong doanh trại Nguyễn Tri Phương to lắm, sau nhà là hàng rào cao thật cao có hoa bìm bìm giăng kín, hoa giống như hoa rau muống, tôi gọi nó là hoa bìm bịp theo các bạn tôi thời thơ ấu. Trong sách gọi nó là hoa bìm bìm còn bìm bịp là con chim có mầu nâu. Dĩ nhiên tôi cứ gọi hoa bìm bịp để quành lại thời còn thơ ấu của tôi. Bên trong vòng rào hoa bìm bìm là hàng cây bông gòn, tôi thích nhất khi trái gòn khô, mẹ tôi hái bỏ vào bao cất để dành khi cần gối mới mẹ tách vỏ lấy bông. Mẹ cho tôi thò hai tay vào bao vải to, tách lớp bông mềm ra khỏi trái, khi làm như thế cảm giác mềm mại của bông gòn cho tôi mường tượng tôi đang nắm được mây, nếu không bị cái hạt đen giống như hạt tiêu nhắc nhở. Tôi nói cho mẹ nghe, mẹ thích lắm, sau đó mẹ hay nói: “Đi bốc mây với mẹ không nào?”, khi mẹ cần bông để dồn vào gối. Tôi thích phụ mẹ những việc như thế, các em tôi thì không làm được vì còn bé quá, mẹ sợ tụi nó bốc hạt gòn cho vào miệng. Hình ảnh hai mẹ con cùng hai cái túi vải to cỡ bao đựng tạ gạo, một đựng quả khô, một đựng bông nõn thích thích là, nhất là khi cả bốn bàn tay cùng loay hoay trong một cái túi, miệng túi không được mở rộng, sợ bông gòn bay ra ngoài, tôi nhớ có lần tôi tìm nắm tay mẹ thật chặt rồi kêu to: “Con bắt được mẹ rồi” tôi cười như nắt nẻ, mẹ cũng cười vang các em không biết gì cũng cười theo rộn rã. Tuổi thơ tôi ngủ chung với các trái gòn khô, tôi úp mặt trên gối tẩn mẩn tìm cái hạt gòn, vần cho hạt đến góc gối để vân vê. Trên cây gòn ấy tôi còn có một cái lồng chim, bố tôi chiều con phải ra chợ Hóc Môn mua ngay chiếc lồng, sau khi tôi nhặt được một chú chim con bị rớt xuống đất. Từ đó sau khi đi học về tôi chạy ngay ra thăm chiếc lồng, rồi kể cho bố mẹ tôi nghe điều tôi thấy, tôi thấy chú chim con được bố mẹ đến mớm mồi cho dù bố tôi đã để thức ăn và nước uống trong lồng cho nó. Đến một hôm, đi học về tôi nghe tiếng chim kêu ai oán, tôi thấy con chim bố đậu ngoài lồng, chú chim con nằm gục chết bên trong. Tôi khóc òa chạy vào nhà tìm mẹ, mẹ tôi lấy chiếc lồng xuống, vì bố tôi phải treo chiếc lồng trên cao cho cha mẹ chim dễ đến chăm sóc chim con. Nhìn kiến bâu chú chim bé bỏng tôi khóc to hơn, mẹ phải dỗ tôi bằng cách làm đám ma cho con chim xấu số. Mộ của chú chim này trong cái thùng phuy trồng cây của bố, tôi và các em mỗi ngày đều thăm mộ cùng vài cánh hoa hái được trong vườn. Sau việc này bố tôi giảng cho tôi nghe chim phải bay lượn ngoài trời không thể sống trong lồng chật hẹp, có lẽ chú chim con chết vì buồn, tôi nhớ tôi hứa sẽ không nhốt chim vào lồng nữa. Đến bây giờ tôi vẫn còn ý nghĩ ấy. Tôi có nhiều hình ảnh đẹp trong ký ức, tôi hạnh phúc quá phải không? Tôi viết để kể tại sao tôi lại kêu tên cây và hoa lung tung như thế, nó có trong ký ức xa thật xa của tôi, mà tôi cũng chẳng biết có nên thay đổi tên gọi của nó không, như mỗi khi tôi gọi hoa ong bầu là bà tôi biết ngay tôi nói về cái hoa gì, nhưng bà tôi đã khuất có lẽ tôi phải gọi cho đúng tên của hoa kẻo hoa giận tôi. Hoa ong bầu của tôi là hoa cát đằng đó các bạn ạ.