Cái cầu ao

     rong những hình ảnh quê hương thường lởn vởn trong trí óc tôi thì đầu tiên phải kể cái cầu ao. Thực ra nó cũng chẳng có gì là đặc biệt song đối với ai đã từng ở nơi đồng ruộng, cái cầu ao quả đã gắn liền vào đời sống hàng ngày, và chỉ nhìn nó người ta có thể biết ngay nề nếp sinh hoạt của cả một gia đình.
Khi tôi còn nhỏ, cầu ao của nhà tôi chỉ là ba thân cây cau già ghép lại, một đầu dựa vào bờ ao, một đầu ghếch lên một cái nạng tre cắm sâu xuống bùn ao. Tuy đơn sơ như vậy mà nó được hết ông tôi đến thầy tôi chăm chút, sửa chữa cho mỗi ngày một dễ coi hơn, một tiện lợi hơn. Ông tôi cứ mỗi khi có một cái cối đá giữa gạo nào dùng lâu bị thủng trôn, nhà thay cối mới, thì lại hì hà hì hục khênh cái cối thủng ra bên bờ ao, lật sấp cối làm cái bực cầu ao cho dễ bước lên, bước xuống. Thường thường phải một hai chục năm cái cối giã gạo mới bị thủng trôn, nên phải đợi gần hai chục năm mới có một cái cối thải ra làm bực cầu ao. Ông tôi thọ được gần bảy chục tuổi mà suốt đời chỉ có được ba lần sung sướng khênh cái cối thủng ra vật sấp bên bờ ao.
Nhưng với ba cây cau nhiều khi chật chội quá nên ở đầu cầu dọc thấy tôi đã bắc một cái cầu ngang ngắn hơn và thấp hơn, dầm hẳn dưới nước. Như vậy khi ở cầu chính có người rửa rau, vo gạo thì ở cầu phụ người khác vẫn có thể giặt giũ tắm táp như thường. Có cầu ngang lại thêm một cái lợi là mùa nước cạn vẫn với tay được tới mặt ao một cách dễ dàng.
Cách đó ít lâu thầy tôi mua được một bạnh gỗ vừa rộng vừa dầy. Thầy tôi bỏ hẳn ra một ngày làm lại cầu ao, mặt gỗ nhẵn nhụi để lên trên, mặt gồ ghề quay xuống dưới. Lúc đặt xong cầu mới, thầy tôi lấm láp bò từ dưới ao lên, hút một hơi thuốc lào thật dài rồi mồm thở khói, tay cầm cái xe điếu trỏ xuống ao:
- Tao cho cái cầu này thì thiên niên bất dịch.
Và cả gia đình tôi đã sử dụng cầu ao như là nó sẽ không bao giờ hỏng được. Từ sáng đến tối, mùa nọ qua mùa kia lúc nào cũng thấy bì bõm, thì thùm, khua khoắng, róc rách, việc gì cần đến nước là đều mang ra cầu ao. Người có mặt nhiều nhất ở cầu ao có lẽ là chị tôi. Vừa mới sớm tinh sương chị tôi đã lò dò ra phía bờ ao với những bước đi chập chờn của người còn ngái ngủ. Những ngày trời rét chị tôi co ro ngồi trên cầu ao thọc thật nhanh một ngón tay xuống mặt ao và tay vừa chấm nước chị tôi đã vội rụt ngay lại, rùng mình vì hơi lạnh từ lòng nước thấm lên. Rồi chị tôi lấy hết can đảm lùa mạnh hai tay xuống mặt ao, vốc lên một ít nước, vã vào mặt mình cho tỉnh ngủ. Sau đó, chị tôi ngồi ngắm bóng mình giữa bóng trăng sao rung rinh. Ước gì tôi mà hiểu được những lúc đó chị tôi đang nghĩ ngợi gì.
Ba bữa trong một ngày, làm món ăn, rửa đũa bát, năm thằng em nhỏ phải tắm gội, vài chậu quần áo phải vò giặt, đếm làm sao hết những lượt chị tôi ra cầu ao. Ấy là chưa kể những buổi sáng nhà thay hết loạt chiếu, chị tôi nắm từng chiếc, từng chiếc, uốn mình đập chiếu, rộn ràng như người đập pháo trên mặt ao. Chiếu sũng nước, nặng chình chịch, thế mà chị tôi vung lên, quăng xuống nhịp nhàng đến tưởng chừng như chiếu kia là một phần của thân hình cô gái óng ả nọ.
Mẹ tôi có cho chị tôi một đôi lợn nái làm vốn nên chiều chiều tôi còn được xem người chị đảm đang, kiễng chân trên cầu ao, vươn ra đằng trước mặt một cái sào dài đầu có buộc một cái rế tre để vớt bèo nấu cám. Bèo lôi vào đến đâu thì cái bè rau muống lại quấn quít tới đó như số kiếm rau đã buộc vào bèo.
Nhưng không phải chỉ có mình tôi ngắm chị tôi. Bên kia ao nhà tôi là vườn ông Nhiêu Kính. Ông này không có ao, nên nói với thầy mẹ tôi cho bắc nhờ cái cầu tre để có chỗ lấy nước dùng. Cái cầu ao nhà tôi đĩnh đạc đàng hoàng chừng nào thì cái cầu tre nhà ông Nhiêu Kính bẽn lẽn tóp mọp chừng nấy. Được cái cậu con trai ông ta thì lại nhanh nhẹn hoạt bát và trong khi chị tôi đang cắm cúi làm việc bên này ao, ở bên kia thường vọng sang những câu bâng quơ chẳng biết hỏi ai:
- Nước ao hôm nay mát quá! Tối nay đi tát nước không? Sào nấu gì mà thơm thế?
Có lúc cũng giọng nói ấy lại loan sang bên này những tin tức mới nhất trong ngày:
- Ông Bá Hạ bên Lang Viên chết rồi. Hôm nay hai đồng một công gặt.
Thường thường chị tôi không đáp lại cứ lặng lẽ làm cho xong việc. Nhưng có lần tôi bắt gặp chị tôi với tay lên nhành khế lòa xòa trên mặt ao, ngắt một quả ném sang bên kia bờ. Chị tôi ném yếu quá, quả khế trôi lơ lửng cách cầu tre hơn một sải tay và cậu con trai nhà ông Nhiêu Kính, chẳng kịp xắn ống quần lên cho khỏi ướt, lội bừa xuống ao, túm vội lấy quả khế đưa lên miệng nhai ngấu nghiến.
Khung cảnh cầu ao mộc mạc thuần khiết như vậy nên có những việc đem ra chỗ khác sẽ rất chướng mắt mà đặt ở cầu ao chẳng làm ai ngạc nhiên. Mùa nực, về buổi chiều, khi nước ao đã hả bớt hơi nóng ban ngày hay mùa đông, vào giữa trưa, khi ao đã hút được chút nắng ấm áp, đàn ông đàn bà ra tắm ở cầu ao chẳng có vẻ gì là ngượng ngùng. Anh đàn ông thường là vô ý nhất, từ lúc kỳ cọ thiếu cả một tối thiểu y phục, đến lúc lên bờ lấy tay vuốt sạch nước trên mình, giậm mạnh đôi chân cho ráo nước khi xỏ vào quần vắt trên bụi dứa. Đàn bà có những cử chỉ được tính toán kỹ càng hơn và không có gì ăn nhịp với nhau bằng lúc cái xiêm ướt được trút bỏ đến đâu thì cái xiêm khô được buông trùm tới đó.
Riêng tôi đã tắm ao là phải mất hàng giờ. Tôi lặn, tôi ngucluc~~~---

Xem Tiếp: ----

Truyện Cái Bong Bóng Lợn ---~~~cungtacgia~~~--- !!!15474_2.htm!!!ụp, tôi bơi ếch, tôi bơi sải, tôi lấy chân khẽ dận trên bùi rồi thấy chân vướng vật gì, tôi cúi xuống vớt lên những con ốc, con trai, tôi mò những thìa, đũa, chén, đĩa mà người nhà đã đánh rơi khi rửa bát.
Ở dưới ao lên, tôi còn bẩn hơn lúc chưa xuống tắm. Những cáu bùn bám đầy người tôi và làm cho lông chân lông tay tôi như dài ra, đen hơn và sồm soàm một cách ghê sợ.
Dần dần tôi thuộc hết quang cảnh cầu ao và chỉ nhìn những thay đổi ở nơi đó tôi có thể nói ngay được đang là mùa nào, tháng mấy trong năm.
Tháng giêng, ăn tết xong rồi, mẹ tôi thường cho vượt bùn từ ao đổ lên vườn chè. Bùn đổ vào gốc chè, tròn trĩnh và ngon lành như một chiếc bánh ngọt, và đổ xong bùn, vườn trông như một cửa hàng bầy bánh la liệt trên quầy. Mười ngày sau đó chè được tiết xuân lại thêm bùn dưới gốc, đâm lộc non mơn mởn.
Tháng hai là tháng thả cá. Người bán cá giống gánh cá trong hai cái thúng sơn đen, vừa đặt thúng xuống là mấy anh chị em tôi đã xúm chặt chung quanh để xem ông ta vớt cá, và để bắt những lúc ông ta đếm ăn gian. Cá đang bơi tung tăng trong thúng thì người bán cá nhẹ nhàng lùa một cái vợt tre, vớt cá lên cho sang một cái chậu thau đầy nước. Mỗi một lần chao vợt là ông ta đếm, nhưng đáng lẽ đếm một cách liên tiếp thì ông ta lại đếm đứt quãng:
- 14,... 15,... con cá, này thế mà tốt, 21, 22,... con này loại choai... 32, 33...
Thành ra mua trăm cá không chắc được tám chục con. Lúc nghiêng cái thau nước cho cá lội xuống ao tôi tưởng chừng đã nhìn thấy cá lớn lên như thổi.
Tháng ba, tháng chín tương đối rảnh việc nhất trong năm, nên ở nhà thường đan lát rổ rá, cạp lại cái thúng này vá lại cái nong kia. Trước khi đan, thầy tôi đem ngâm dưới chân cầu ao những khúc tre già cho khỏi mọt. Đó là một dịp cho tôi vác những khúc tre ra làm phao bơi lội, hay làm tầu chiến đánh nhau với trẻ con hàng xóm.
Tháng năm, tháng mười là mùa gặt, cái cầu ao tấp nập khác thường. Chị tôi quần quật lên lên, xuống xuống để lo cho kịp ba bữa cơm thợ gặt và ba bữa cơm người nhà. Những ngày đó tôi không bao giờ chịu ăn cơm với thầy mẹ tôi và tôi chỉ đòi ăn với những người thợ gặt, không phải là họ có món gì ngon hơn, nhưng bởi vì ăn với họ tôi cảm thấy tôi lớn mạnh hơn, hùng dũng hơn.
Gặt xong là bắt đầu ngâm thóc giống cho vụ sau, tháng sáu ngâm giống vụ mùa và tháng một ngâm giống vụ chiêm. Cầu ao được nối dài ra bằng một cây tre có treo lủng lẳng năm sáu dành thóc dầm nước tới miệng dành. Ban ngày thì ngâm nước, ban đêm lại đem lên ủ, cứ như vậy được ba hôm, thóc nẩy mộng. Tôi không ưa công việc này lắm vì suốt mấy ngày ngâm thóc, mẹ tôi cứ bắt tôi ngồi trên cầu ao canh chừng không cho đàn vịt kéo nhau vào rúc hết thóc.
Tháng bảy mưa ngâu nước lên cao có khi ngập hết cả cầu ao. Chung quanh bờ ao có chỗ nào thấp là chúng tôi lấy lá dứa, cành rào chắn ngang cho cá ao mình khỏi đi mất.
Tháng tám nước trong vắt, cá đi hàng đàn trông rõ mồn một. Thấy tôi ngồi trên vườn nhìn dáng cá lội, xem cách nó phun tăm hay lên ngáp trên mặt nước mà biết con nào là cá chép, con nào là cá mè.
Và lần nào cũng vậy, gọi tên từng con xong, thầy tôi nói một cách hãnh diện:
- Những con cá này đã thấm vào đâu. Chúng mày rình mà coi con trắm của tao. Mình nó bằng cây chuối hột, đuôi nó như cây quạt.
Nhưng bọn tôi không bao giờ nhìn thấy con trắm cả mặc dầu có nhiều đêm, nhà chưa đi ngủ, có tiếng quẫy mạnh ở ngoài ao, thầy tôi lại kêu to lên:
- Đấy, nó đấy.
Tháng chạp là tháng cầu ao rộn rịp nhất trong năm, có phần còn hơn cả ngày mùa. Đầu tháng nhà đã rửa hành, nén dưa. Vào ngày 21 hay 22 thầy mẹ tôi kêu phường lưới tới đánh cá. Như vậy hôm 23 có cá chép cúng ông Táo. Hai bên mà cả với nhau, cá tạp sẽ chia đều, cá lớn thì “một chục ăn đôi” nghĩa là chia nhà chủ mười con thì phường lưới lấy hai con. Chính vì không hiểu tường tận nghĩa câu “một chục ăn đôi” này nên đã có lần tôi bị hớ đến bây giờ chưa quên. Năm đó thầy mẹ tôi bận việc gì không rõ đã giao cho tôi đứng trông cho phường lưới chia cá. Mấy người đánh lưới chắc trông thấy bộ mặt tôi ngớ ngẩn lắm nên đã bảo tôi:
- Một chục ăn đôi nghĩa là được mười con thì cậu lấy tám, bọn tôi lấy hai.
Tôi đã nhận đề nghị đó với dáng điệu tự mãn của một kẻ thành thạo.
Cá đánh được bao nhiêu, thầy mẹ tôi để lại một số nhà dùng còn cho đem ra chợ bán lấy tiền tiêu tết. Những con cá giữ lại được sống trong một cái sảo tre to còn gọi là “sảo thuyền” buộc chặt vào chân cầu ao, trên có đậy một cái nong. Chỉ nhìn lũ cá dẫy dọng trong sảo mà đã ngửi thấy mùi riềng của món gỏi hay mùi thì là của món cháo cá ám.
Hai mươi bảy Tết đã thấy ngâm lạt, rửa lá chuối để gói giò, ngâm lá dong gói bánh chưng, hai mươi tám giặt chiếu, giặt màn thờ. Hai mươi chín, ba mươi phải tranh giành nhau mới có một chỗ trên cầu ao. Nào vo gạo, sát đỗ, nào mổ lợn, giết gà, người đánh mâm, rửa nồi, kẻ tắm gội tất niên, đi lên đi xuống cầu ao phải đợi một lúc mới đến lượt mình.
Ba ngày Tết, cầu ao cũng không được nghỉ. Công việc trong nhà tuy có giảm bớt đi, nhưng ai sắp sửa mặc những bộ quần áo mới cũng ra cầu ao rửa chân tay thật kỹ, ai đóng bộ xong rồi cũng ra cầu ao ngắm nghía, soi vuốt, ai đi đâu về cũng trở lại cầu ao. Những cô con gái trong họ đều mừng tuổi thầy mẹ tôi cũng nghĩ cách làm đỡ chị tôi vài việc nhỏ, rửa hộ mấy lá trầu, lấy giùm một thau nước, để có dịp ra cầu ao tự hào với bóng mình. Chỉ ở nhà quê mới có thể tự tìm thấy một nơi mà công việc nội trợ đi liền với sự đỏm đáng như ở cầu ao.
Năm này qua năm khác, nhịp sống bên cầu ao đều đặn như vậy nhưng nhìn kỹ cũng thấy nhiều đổi thay. Những năm mất mùa, cầu ao ủ dột chán chường. Những năm thầy mẹ tôi làm ăn may mắn, cầu ao tung tăng rộn lên nhiều niềm thịnh hội. Cầu ao với đống rơm là những dấu hiệu chắc chắn về sự hưng suy của một gia đình thôn quê, chẳng khác gì những đồ biểu hoạt động của những nhà doanh nghiệp.
Lớn lên, tôi có công ăn việc làm ở một tỉnh xa. Mẹ tôi một hôm lên chơi và xong bữa cơm chiều, mẹ tôi thủng thẳng nói:
- Kiếm được đồng nào con phải lo dành dụm. Rồi cũng phải trông nom sửa sang ở nhà quê. Ra giêng này, mẹ muốn xây cái cổng và cái cầu ao.
Tôi không hiểu hết những băn khoăn của mẹ tôi nên đã trả lời:
- Còn bao nhiêu việc phải làm, sao mẹ lại lo xây cổng với cầu ao trước?
- Cái cổng như bộ mặt mình, phải cho nó phong quang còn nhà mình là nhà làm ăn không thể nào không xây cầu ao được. Con xem đấy, nhà chú Lý Tam đâu có sung túc gì lắm, thế mà chú ấy cũng xây được cái cầu ao bề thế đáo để.
Còn ai mà có thể trái được ý mẹ tôi nữa?
Nhưng tới nay cái mộng xây cầu ao của mẹ tôi vẫn chưa thành. Chúng tôi thuộc những người, mười mấy năm chiến sự vẫn bám chặt lấy quê nhà, nhưng vừa đình chiến đã phải bỏ làng ra đi. Ai chẳng sợ chiến tranh, nhưng chúng tôi đã phải trốn cả hòa bình, để đống rơm, để cầu ao ở lại.
Hành lý sửa soạn xong rồi, tất cả mọi người trong nhà, không ai bảo ai, lần lượt ra cầu ao rửa chân. Tại sao lại rửa chân lúc sắp lên đường nhỉ? Thầy tôi cầm mấy nắm cơm vứt xuống ao cho con trắm, đứng tần ngần hồi lâu rồi trở vào bảo mọi người ra đi.
Đến nay đã bảy năm rồi, chúng tôi ăn Tết xa cầu ao, mà ở ngoài kia cầu ao nhà tôi không biết có Tết mà ăn không?

HẾT
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy: casau,
Hiệu đính: Ct.Ly, Nguyen Đ Thanh
Nguồn: casau - VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 7 tháng 4 năm 2015

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--
--!!tach_noi_dung!!--