Hồi 80

Tần Hồng cười đáp:
- Tại hạ cũng chưa rõ, sau này mới nghĩ ra.
Triệu Tử Nguyên chắp tay nói:
- Xin Tần huynh nói hở cho biết một chút.
Tần Hồng nghiêm nghị đáp:
- Nhị gia và Tam gia thấy Triệu huynh sử “Thái Ất Mê Tông Bộ” của Tứ gia, mà Tứ gia lại sai Triệu huynh đến kinh sư làm việc. Về võ công của Triệu huynh e rằng khó hoàn thành được nhiệm vụ, nên tại hạ dẫn tiểu huynh vào Hàn thạch động để tăng gia công lực.
Triệu Tử Nguyên cả kinh nói:
- Té ra hai vị lão tiền bối có ý gầy dựng cho tiểu đệ. Có điều tiểu đệ chưa hiểu làm sao vào Hàn thạch động, công lực lại tăng gia?
Tần Hồng đáp:
- Trong Hàn thạch động có một cái “Hàn thạch sàng”. Cái giường này bằng hàn thạch đã ngàn năm. Người nằm lên bị lạnh thấu xương khiến cho người nằm phải vận công lực toàn thân không ngớt để chống lại khí lạnh, phải trải qua bảy bảy bốn mươi chín ngày sẽ rõ.
Triệu Tử Nguyên hỏi:
- Trên đảo đã có tấm giường kỳ dị này, Tần huynh đã sử dụng qua chưa?
Tần Hồng đáp:
- Bọn tiểu đệ đã đều thử qua mà không chịu nổi sự giá lạnh trên giường đá.
Mấy lần thí nghiệm rồi mà tốn công vô ích.
Triệu Tử Nguyên nói:
- Tần huynh đã vậy thì e rằng tiểu đệ cũng chẳng đi tới đâu.
Tần Hồng nói:
- Triệu huynh được trời phú cho tư chất đặc biệt, là con rồng trong loài người. Nhị gia cùng Tam gia mới gặp Triệu huynh đã cố ý thành toàn như vậy.
Hai người vừa đi vừa nói chuyện bất giác hết con đường đá vụn. Địa thế mỗi lúc một xuống thấp. Ánh sáng mỗi lúc một tối lại.
Triệu Tử Nguyên thấy gió lạnh phập phù, tình trạng mỗi lúc một khác liền hỏi:
- Tần huynh! Đã đến nơi chưa?
Tần Hồng đáp:
- Còn một lúc nữa.
Triệu Tử Nguyên ngấm ngầm kinh dị, nghĩ bụng:
- “Nếu còn đi xuống nữa thì e rằng vào tới suối vàng. Chỗ nào cũng đầy nước, làm gì còn có huyệt động?”
Hai người lại đi hồi lâu nữa, địa thế xuống thấp dần. Tần Hồng dẫn Triệu Tử Nguyên đi về mé hữu đi xuống. Quang tuyến tối lại, giơ tay không trông rõ ngón.
Bỗng thấy Tần Hồng trỏ về phía trước nói:
- Tới nơi rồi!
Triệu Tử Nguyên thấy phía trước là một sơn động. Tần Hồng đưa Triệu Tử Nguyên đến bên sơn động chắp tay nói:
- Mời Triệu huynh tùy tiện, nhất thiết trông vào phúc phận. Tiểu đệ quay về phụng mệnh đây.
Triệu Tử Nguyên cũng chắp tay, đáp:
- Đa tạ huynh đài!
Đường trong sơn động rất hẹp chỉ vừa một người đi. Vách động thỉnh thoảng lại có nước nhỏ giọt thấm vào da thịt, lạnh lẽo vô cùng.
Triệu Tử Nguyên nghĩ thầm:
- “Bây giờ ta chưa đụng vào Hàn thạch sàng mà đã khó chịu thế này, thì khi nằm lên làm sao chịu nổi.”
Chàng ngấm ngầm đề tụ chân khí tiến về phía trước. Đường chỗ này đã rộng hơn. Hai bên khe suối chảy róc rách. Triệu Tử Nguyên đi đến tận đầu, cảm thấy khí lạnh ghê người.
Chàng rét run bần bật, nghĩ thầm:
- “Chắc Hàn thạch sàng ở đây rồi.”
Chàng đảo mắt nhìn quanh, thấy nhũ đá tua tủa trỏ xuống nhọc hoắc.
Bỗng thấy mé hữu đặt một tấm ngọc thạch khí lạnh ghê người. Triệu Tử Nguyên biết đây là Hàn thạch sàng liền cất bước đi tới.
Chàng đề tụ chân khí ngồi xuống. Người chàng vừa đụng vào thạch sàng, khí lạnh xông lên đến đỉnh đầu. Đến ngồi cũng không chịu được chứ đừng nói đến chuyện nằm ra.
Triệu Tử Nguyên nhìn Hàn thạch sàng ngơ ngẩn nghĩ thầm:
- “Tần Hồng nói phải lắm. Thạch sàng lạnh thế này thảo nào y thử thách mấy lần đều vô công hiệu. Triệu Tử Nguyên hỡi! Những việc khốn nạn trong thiên hạ ngươi từng trải đã nhiều, chẳng lẽ lại không chịu đựng được khối đá lạnh này?”
Chàng nghĩ vậy hào khí nổi lên bồng bột. Chàng nghiến răng vận chân khí lại ngồi xuống. Nhưng lần này chàng đã hăng hái nên không cảm thấy giá lạnh như lần trước.
Ban đầu chàng thấy khí lạnh khủng khiếp không chịu nổi, chàng vận công một lượt thấy dễ chịu hơn một chút. Chàng cứ thế không lúc nào chẳng ngưng tụ công lực chịu quen đi rồi nằm xuống Hàn thạch sàng. Dĩ nhiên nằm xuống còn lạnh hơn nhiều, nhưng chàng nghiến răng chịu đựng rồi dần dần yên tĩnh lại.
Triệu Tử Nguyên nằm xuống Hàn thạch sàng, mỗi ngày thấy bụng đói, Tần Hồng đúng giờ đưa thức ăn vào.
Thì giờ thấm thoát, hai mươi ngày qua.
Một buổi chiều chàng luyện công xong, bỗng ngó thấy Phổ Hiền Tước ngồi trên cái đôn đá. Chàng vội chạy lại sụp lạy.
Phổ Hiền Tước gật đầu hỏi:
- Oa nhi! Ngươi thấy thế nào?
Triệu Tử Nguyên khom lưng đáp:
- Vãn bối thấy trong người nhẹ nhàng, thư thái vô cùng.
Phổ Hiền Tước nói:
- Hay lắm!
Lão vẫy tay ra hiệu cho Triệu Tử Nguyên ngồi xuống rồi bảo:
- Nếu chỉ một mình lão Tứ dạy khinh công cho ngươi thì chưa đủ phụ trách đại nhiệm. Bây giờ lão phu truyền thụ “Cửu Huyền thần công” cho ngươi.
Triệu Tử Nguyên nghe nói sung sướng vô cùng đáp:
- Vãn bối có tài đức gì mà mong tiền bối thương yêu đến thế?
Phổ Hiền Tước nói:
- Đừng nhiều lời! Hãy ghi nhớ.
Lão nói tiếp:
- Khí là một thể khắp trong trời đất. Mọi vật đều do khí sinh ra mà cũng do khí nuôi dưỡng.
Triệu Tử Nguyên lắng tai nghe.
Phổ Hiền Tước lại nói:
- Đan hoàn vi tinh, bổ bí vi thần, kinh thiên nhất tụng, nguyên khang nhất thành...
Phổ Hiền Tước niệm một hồi đều là thứ tâm pháp vô thượng về “Cửu Huyền thần công”. Triệu Tử Nguyên bản tính thông minh lẳng lặng nghi nhớ.
Phổ Hiền Tước niệm xong nhìn Triệu Tử Nguyên nói:
- Oa nhi! Ngươi lên Hàn thạch sàng luyện công đi, đừng nghĩ gì đến có công hiệu hay không.
Triệu Tử Nguyên vâng lời luyện công liền ba ngày. Ngày nào Phổ Hiền Tước cũng đến chỉ điểm. Sang ngày thứ tư Phổ Hiền Tước không tới nữa, nhưng Triệu Tử Nguyên đã nghĩ sao là làm được như vậy không cần có người chỉ điểm.
Lại qua mười ngày, Kim Đỉnh Tước tới nơi truyền thụ cho chàng ba chiêu kiếm pháp tên là “Thương Lãm tam thức”. Chỉ ba chiêu kiếm pháp này mà Triệu Tử Nguyên học mất hai chục ngày mới xong.
Hiện nay công lực chàng đã tiến một bước dài.
Một hôm Tần Hồng xuống bảo chàng:
- Triệu huynh! Nhị gia và Tam gia có lòng xuống bảo huynh đài dời khỏi đảo được rồi.
Triệu Tử Nguyên mừng quá đáp:
- Tiểu đệ lên từ biệt hai vị tiền bối đã.
Tần Hồng lắc đầu nói:
- Hai vị lão nhân gia không ưa lễ tiết phiền phức, chỉ dặn công việc tiến kinh là khẩn yếu. Để tiểu đệ đưa tiểu huynh ra khỏi đảo.
Dứt lời gã đưa Triệu Tử Nguyên dời khỏi sơn động.
Triệu Tử Nguyên nói:
- Tiểu đệ xin Tần huynh tạ từ giùm cho.
Tần Hồng gật đầu đáp:
- Tiểu đệ hiểu rồi. Có điều Triệu huynh bôn tẩu giang hồ đừng tiết lộ với ai về việc đã gặp hai vị lão nhân gia ở đây. Triệu huynh còn điều chi dạy bảo không?
Triệu Tử Nguyên đáp:
- Tiểu đệ nhất nhất tuân lệnh, nhưng còn một vấn đề muốn hỏi được chăng?
Tần Hồng cười đáp:
- Triệu huynh có điều gì xin cứ nói ra.
Triệu Tử Nguyên nói:
- Tiểu đệ chỉ thấy Nhị gia cùng Tam gia. Phải chăng Đại lão gia không ở trên đảo?
Tần Hồng đáp:
- Đại lão gia dời đảo ba tháng trước. Tiền tung của lão nhân gia vô định không chừng hiện giờ đang cùng Tứ gia tương hội, hay lại đi nơi khác rồi.
Triệu Tử Nguyên nói:
- Đáng buồn cho tiểu đệ vô duyên không được bái yết.
Lúc này bên đảo đã có con thuyền nhỏ chờ sẵn. Chàng không tiện hỏi nhiều, cùng Tần Hồng xuống thuyền bơi vào bắc ngạn sông Hoàng Hà. Hai người quyến luyến chia tay từ biệt.
Triệu Tử Nguyên tính lại mình đã ở trong Hàn thạch động năm mươi ngày trời, không hiểu hiện giờ cục diện biến đổi đến thế nào? Trong lòng nóng như lửa đốt, chàng mua một con khoái mã chạy suốt ba ngày thì tới thẳng Bắc Kinh, phong cảnh phồn hoa đô hội.
Chàng tìm vào khách điếm Đông Hòa Thuận vào lúc huỳnh hôn. Trong điếm rất đông khách, chàng ngồi vào cái bàn đầu kêu tiểu nhị lấy rượu nhắm ngồi uống một mình.
Chàng đang ngấm ngầm tính cách đến trú sở của Trương Cư Chính thì đột nhiên hai đại hán cao lớn tiến vào. Hai hán tử này oai phong lẫm liệt, chàng ngó thấy không khỏi khen thầm. Hai hán tử ngồi xuống bên bàn của chàng.
Người lớn tuổi khẽ nói:
- Nhị đệ! Bữa nay uống ít rượu thôi, đừng để lỡ việc.
Gã kia gật đầu đáp:
- Tiểu đệ biết rồi.
Triệu Tử Nguyên động tâm tự hỏi:
- “Đêm nay hai gã định làm gì? Ta phải chú ý nghe mới được.”
Chàng ngồi đủng đỉnh uống rượu, làm như không chú ý gì đến hai gã.
Sau một lúc, tiểu nhị đưa rượu nhắm tới. Gã kêu bằng nhị đệ rót rượu uống một hớp lớn rồi hắng dặng nói:
- Đầu năm nay làm ăn khó quá. Trương thủ phụ là an thành của quốc gia, suốt đời tận tụy vì việc nước mà vị Đông Xưởng...
Hán tử lớn tuổi hơn vội quát:
- Nhị đệ! Ta đã đinh ninh dặn nhị đệ đừng nói gì, sao nhị đệ lại bốp xốp như vậy?
Nên biết Đông Xưởng Ngụy Tôn Hiền quyền nghiêng thiên hạ. Hắn nuôi một đội Cẩm y vệ, tên nào cũng thân thể cao lớn không phải làm gì, chỉ chuyên đi ra ngoài thám thính trăm họ phản ứng Ngụy Tôn Hiền thế nào. Trăm họ ở Bắc Kinh không đám nhắc tới chữ Ngụy, cả chữ Đông Xưởng cũng không dám nói ra vì sợ họa sát thân.
Triệu Tử Nguyên trong lòng kinh hãi. Nghe giọng nói của hán tử thì hiển nhiên Trương Cư Chính đã gặp họa bất trắc. Chàng nhẫn nại lắng tai nghe câu chuyện giữa hai hán tử.
Gã kêu bằng nhị đệ thở dài nói:
- Không nói nữa thì thôi. Đại ca ơi! Đại ca còn ý thủ, ý vỹ thì chúng ta chẳng đến kinh thành nữa là xong.
Hán tử kêu bằng đại ca vẫn không nổi giận, nhắm một chút rượu rồi đáp:
- Không nhẫn nại được điều nhỏ nhặt thì hư việc lớn. Lúc này vào ở nơi đây mà nhị đệ hăng cái dũng của kẻ thất phu, phỏng được ích gì? Nhị đệ nên nói ít đi để làm được việc là hơn.
Nhị đệ lẳng lặng rót rượu toan uống nữa thì đại ca cản lại lắc đầu nói:
- Nhị đệ uống ít đi một chút. Dù muốn uống nữa cũng đừng uống liên hồi để khỏi say khướt.
Gã nhị đệ trợn mắt lên hỏi:
- Đại ca! Đại ca còn chưa biết tửu lượng của tiểu đệ hay sao? Tiểu đệ uống hai chung làm gì mà say khướt? Đại ca nói tức cười quá!
Hán tử đại ca nghiêm nghị đáp:
- Nếu lúc bình thường nhị đệ muốn uống cả trăm chung tiểu huynh cũng không cản trở, nhưng đặc biệt bữa nay nhị đệ phải uống ít đi...
Gã chưa dứt lời bỗng nghe thanh âm lạnh lẽo cất lên:
- Cơn gió nào thổi Trường Bạch song anh vào đây? Trác lão đại! Nhị đệ đang cao hứng uống vài chung thì đã sao? Việc gì phải cản trở y?
Triệu Tử Nguyên nghĩ thầm:
- “Té ra hai nhân vật này là cao thủ phái Trường Bạch. Ta từng nghe Trường Bạch song anh Trác Thô và Trác Côn là hai trang hán tử nghĩa liệt, quả nhiên danh bất hư truyền.”
Trường Bạch song anh giương mắt lên nhìn ra thấy một văn sĩ trung niên phe phẩy cây quạt tiến về phía hai người. Người này bề ngoài ra vẻ thầy đồ mà cặp mắt đằng đằng sát khí không giống một chính nhân quân tử.
Trường Bạch song anh liếc mắt nhìn người kia. Trắc Thô lạnh lùng nói:
- Phan đại hiệp khéo nói thì thôi. Bọn tại hạ trong lúc nhất thời cao hứng vào trong quan ải có thể kể là can phạm vương pháp chăng?
Lão họ Phan hắng dặng đáp:
- Không dám! Không dám! Hai vị đã vào cứ việc tự do. Tại hạ cùng hai vị là chỗ cựu giao. Tại hạ ở đất kinh thành đã lâu, được gặp hai vị tới đây, vậy tại hạ hãy mời hai vị tiếp vọng.
Hắn lớn tiếng gọi:
- Tiểu nhị! Chuẩn bị một tàng rượu ngon nhắm tốt để ta mời hai vị tẩy trần.
Tiểu nhị dường như đã nhận ra lão họ Phan, đối với hắn rất cung kính, lập tức trở gót thì Trác Côn gọi lại:
- Hãy khoan!
Lão họ Phan sửng sốt hỏi:
- Trác nhị hiệp có điều chi dạy bảo?
Trác Côn lạnh lùng đáp:
- Anh em tiểu đệ là hạng võ phu, đâu dám tiếp thụ Phan đại nhân tiếp đãi?
Bọn tại hạ đã cơm no rượu say rồi, không dám quấy quả Phan đại nhân nữa.
Gã nói rồi liệng một đĩnh bạc xuống bàn bảo Trác Thô:
- Đại ca! Chúng ta đi thôi.
Trác Thô cũng đứng dậy nói:
- Nơi đây không khí ngột ngạt. Bọn tiểu đệ xin cáo biệt Phan đại nhân ra ngoài thở một chút.
Anh em họ Trác kêu lão Phan bằng đại nhân tỏ ra không đồng mưu với hắn.
Triệu Tử Nguyên ngồi bên đã thấy rõ họ Phan là Cẩm y vệ, anh em họ Trác tuy lộ vẻ thanh cao mà cốt ý là để thoát khỏi giây dưa với họ Phan.
Quả nhiên họ Phan chìa tay ra hỏi:
- Hiền Côn Trọng mời rượu không uống, lại đòi uống rượu phạt ư?
Trác Côn đáp:
- Phan đại nhân dạy quá lời. Chẳng lẽ đại nhân ép bọn tại hạ uống rượu?
Lão họ Phan lạnh lùng hỏi:
- Trác lão nhị là người thông minh, hà tất còn muốn ta nói nhiều?
Trác Côn lắc đầu nói:
- Tại hạ ngu xuẩn lắm. Xin Phan đại nhân mở đường cho.
Lão họ Phan đột nhiên sa sầm nét mặt hỏi:
- Trác lão nhị! Các vị đến kinh thành làm gì?
Trác Côn lạnh lùng đáp:
- Nhất thời cao hứng đi ngắm cảnh mà thôi.
Lão họ Phan hắng dặng hai tiếng nói:
- Hiền Côn Trọng vừa nói gì Phan mỗ đã nghe rõ. Phan mỗ nghĩ tình nghĩa cũ, khuyên hai vị nên tức tốc dời khỏi kinh thành để khỏi họa sát thân.
Trác Côn thản nhiên đáp:
- Thịnh tình của đại nhân xin tâm lãnh. Nhưng bọn tại hạ chưa du ngoạn thỏa thích.
Gã chắp tay rảo bước đi luôn.
Lão họ Phan đứng chắn phía trước, đột nhiên phất quạt một cái quát:
- Trở lại đã!
Anh em họ Trác biết cái phất quạt của đối phương có nhiều biến hóa liền giơ năm ngón tay ra chụp cổ tay của lão họ Phan.
Hai bên cùng ra tay mau lẹ. Trác Côn phóng ra sau lại tới trước, sắp chụp được uyển mạch của họ Phan. Không ngờ trong nhát mắt này họ Phan đột nhiên gấp quạt lại đập vào Uyển Căn huyệt của Trác Côn.
Trác Côn bất đắc dĩ phải thu tay về lùi lại.
Lão họ Phan cười lạt nói:
- Trác lão nhị! Ngươi nên biết điều một chút thì hơn.
Trác Côn bị đối phương bức bách phải lùi lại, bất giác biến sắc rút bảo kiếm đánh “soạt” một tiếng.
Nhà điếm thấy hai người sắp động thủ sợ quá tới tấp chạy trốn. Chưởng quỹ vội chạy lại nói:
- Phan gia! Hai vị có điều chi ra ngoài giải quyết được chăng?
Lão họ Phan xua tay đáp:
- Ngươi cứ yên tâm. Nhất thiết chuyện gì xảy ra đều do Phan mỗ chịu trách nhiệm.
Chưởng quỹ cũng dường như sợ hắn quyền thế không dám nói nhiều, ấp úng mấy tiếng rồi lùi lại.
Lúc này trong điếm đã chạy gần hết chỉ còn hai bên đối thủ, Triệu Tử Nguyên và một lão già khô như que củi.
Lão già ăn mặc theo kiểu nghề phu, đầu đội nói lá mình khoác áo tơi. Cái nón rộng vành che nửa mặt lão. Một mình lão ngồi một bàn uống rượu, tựa hồ không biết gì đến sắp xảy cuộc đập đao đập chưởng.
Trác Côn cười khành khạch nói:
- Phan Xuân Ba! Nơi đây động đao động kiếm không tiện, chúng ta ra ngoài quách.
Triệu Tử Nguyên nghe Trác Côn kêu đích danh họ Phan không khỏi ngấm ngầm kinh hãi bụng bảo dạ:
- “Lão Tú tài ở âm ty Phan Xuân Ba xưng hùng ở Thiên Nam nhờ hai mươi đường Tu La phiến, sao lại chạy đến kinh thành làm Cẩm y vệ?”
Phan Xuân Ba cười lạt đáp:
- Hành tung hai vị đã bị bại lộ. Bữa nay đừng hòng ra khỏi Bắc Kinh.
Trác Thô hơi biến sắc nói:
- Họ Phan kia! Ngươi chẳng nên ngậm máu phun người.
Phan Xuân Ba cất tiếng lạnh lùng hỏi:
- Phan mỗ có để các vị oan khuất chỗ nào đâu?
Trác Thô hỏi lại:
- Lão vừa nói hành tung chúng ta đã bị bại lộ là nghĩa làm sao?
Phan Xuân Ba cười khanh khách đáp:
- Trác lão nhị vừa cảm thán Trương Cư Chính là can thành của quốc gia. Hắn bị Đông Xưởng làm gì? Ha ha! Thế mà bảo hành tung chưa bại lộ ư?
Trường Bạch song anh sa sầm nét mặt. Trác Thô rút kiếm ra nói:
- Lão nhị! Chúng ta cứ sấn đi!
Gã vừa nói vừa vung kiếm đánh ra.
Phan Xuân Ba hắng dặng một tiếng, múa quạt lên đối địch.
Triệu Tử Nguyên nghĩ thầm:
- “Võ công họ Phan không phải tầm thường. Trường Bạch song anh bị hắn áp chế, e rằng khó lòng đi khỏi. Ta có nên giúp bọn họ một tay không?”
Trong lòng xoay chuyển ý nghĩ, chàng toan tập kích Phan Xuân Ba một đòn, bỗng thấy bóng người thấp thoáng. Hai hán tử hung ác đảo bước tiến lại. Hán tử mé tả lớn tiếng:
- Lão Phan! Để ta liệu lý một gã.
Phan Xuân Ba đáp:
- Ta nhường Trác lão nhị cho lão.
Người kia nghe nói liền nhảy về phía Trác Côn.
Trường Bạch song anh đột nhiên lùi lại dựa lưng vào vách. Trác Thô nói:
- Các vị cả ba người tiến vào cũng được.
Phan Xuân Ba vênh mặt lên nói:
- Khẩu khí ngươi lớn đấy!
Hắn cùng người đến sau chia hai bên tả hữu giáp công. Một người đối phó với Trác Thô, một người đối phó với Trác Côn. Cả hai cùng ra tay tàn độc.
Trường Bạch song anh là huynh đệ đồng bào, trước nay chưa từng dời nhau.
Song kiếm huy động dầy đặc không còn kẽ hở nào đánh vào.
Một hán tử khác thấy Phan Xuân Ba đánh mãi không được, gầm lên một tiếng rồi nhảy xổ vào. Ba người hợp thủ liên công cả nửa giờ vẫn không tiến triển được chút nào, vì Trường Bạch song anh chuyên luyện kiếm khắc chế kiếm pháp quần công. Đối thủ càng nhiều, hai người càng dễ phát huy uy lực. Qua hai chục chiêu, bọn Phan Xuân Ba vẫn không chiếm được thượng phong.

Truyện ĐOẠN KIẾM THÙ ---~~~cungtacgia~~~---

81 Tác phẩm