Chương XVIII
Lễ tang

Anh mất, người đau đớn nhất là chị Hiền. Chị khóc vật vã. Nỗi bất hạnh của cuộc đời anh đã kéo theo cuộc đời chị cùng bất hạnh. Ròng rã suốt mấy chục năm trời chị ngậm tủi nuốt sầu, trọn đạo làm dâu, trọn nghĩa làm vợ. Tuổi trẻ, chị không biết tình yêu là gì. Vào tuổi ba mươi, khói lửa chiến tranh tắt, chị toan nắm được hạnh phúc, nhưng rồi hạnh phúc lại tuột khỏi bàn tay chị. Chị khổ vì chồng. Không chịu đựng được, chị bỏ nhà lên Sơn La trông cháu. Thương chồng, chị lại trở về. Rồi chị lại ra Hải Phòng ở với con gái, trông cháu ngoại. Đến khi nghe tin chồng ốm nặng, chị lại trở về. Một khát khao bình thường của người phụ nữ là được chăm sóc chồng mà chị cũng không đạt được. Những ngày cuối đời anh, chị mới thực sự được gần gũi chồng, lo lắng thuốc men và cơm cháo cho chồng.
Chị quên tất cả, quên mọi điều bất hạnh xô ập tới gia đình trong mấy chục năm trời, quên những cơn dằn vặt do anh gây ra. Trước mặt chị là chồng, một người chồng lăn lóc trên giường bệnh. Chị phải ân cần nâng niu, an ủi. Chị có quyền được nâng niu, an ủi. Ròng rã mấy tháng trời chị không rời anh. Đêm nào chị cũng thức. Nhiều đêm chị thức trắng. Một tiếng ho, một tiếng thở không bìmh thường, một cái trở mình của anh, đều làm chị giật thót. Ngọn đèn hiu hiu thâu canh. Chị thức cùng ngọn đèn, cùng tiếng muỗi vo ve và tiếng thạch sùng chắt lưỡi như ngày nào chị mới sinh cháu. Chị thương con chừng nào thì chị thương chồng dường ấy. Nát ruột nát gan vì nỗi bất hạnh chồng mang đến chính là tình thương rất đỗi có trách nhiệm với gia đình. Chị không quay lưng, mà chị luôn luôn sẵn sàng đối mặt với mọi rắc rối của chồng con với một nghị lực mạnh mẽ mà thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam…
Chính nhờ thái độ ấy, nghị lực ấy, mà đến phút chót của đời mình, trước khi hắt ra hơi thở cuối cùng, anh gọi chị, anh gọi tên chị, anh gọi “Bà ơi! Bà ơi!” Anh gọi “Bà” là để thay lời cho những đứa cháu - những giọt máu chảy trường tồn trong huyết thống của gia tộc, của dòng họ. Con chim sắp chết thì tiếng kêu thương, con người sắp chết thì lời nói thật. Tiếng gọi “Bà ơi! Bà ơi!” là lời nói thật chứa đựng bao nhiêu nỗi niềm ăn năn, hối hận, chứa đựng bao nhiêu nỗi niềm chua xót, ngọt ngào, hờn giận, thương yêu của cả một đời của anh đối với chị.
Chị hốt hoảng nắm chặt bàn tay anh. Mười ngón tay anh run rẩy nắm lấy bàn tay chị. Ôi đằng đẵng một quãng đời chồng vợ dài gần năm mươi năm, đến phút này đây, đến phút chót này đây, chị mới được chồng nắm chặt tay mình và chị mới biết được bàn tay chồng ấm lạnh như thế nào.
Gục đầu lên người anh, chị khóc nấc lên, vật vã kêu gào. Mọi ngưòi kéo chị ra nơi khác mà chị cứ tưởng là đang ôm lấy anh, tiếng khóc thét lên như nghìn mũi dao đâm ngang đâm dọc vào cơ thể chị…

*

Đồng đội anh đâu rồi?
Đồng đội anh đâu rồi?
Đồng đội anh đâu rồi? Không có ai ở đây trong giờ phút này để vĩnh biệt anh!
Chặng đường gần mười năm anh sống với đồng đội, với bạn bè chiến đấu là những năm tháng vui nhất, sôi nổi nhất, đẹp đẽ nhất và có ý nghĩa nhất trong cả cuộc đời sáu mươi lăm năm của anh. Ăn đói, mặc rét, nằm rừng, hồi hộp chờ đợi giờ xuất kích, xông vào đồn giặc. Gặp nhau dọc đường, dù vội mấy cũng dừng lại dăm ba phút, trao cho nhau điếu thuốc lá. Lúc anh giải ngũ về nhà, thiếu thốn, bạn bè qua lại, cho anh bao thuốc, cân chè, cân cà phê hoặc một ít tiền.
Tôi còn nhớ có lần đi bộ với anh vào Vinh. Đến Quán Hành thì trời đã xâm xẩm tối, bỗng gặp người bạn đi ngược chiều trở ra. Hai anh ôm nhau khóc:
“Tao tưởng mày đã hy sinh ở chiến trường Bình Trị Thiên”.
“Tao cũng đinh ninh là mày đã vùi xác ở Việt Bắc”.
Tối hôm đó, hai anh ngủ lại quán bên đường. Gọi là quán, nhưng chỉ là túp lều gianh của một gia đình nông dân che tạm để bán nước và bán cơm sau ngày hoà bình lập lại. Đêm nào bà chủ cũng về trong xóm. Hai anh em xin bà cho được ở lại quán một đêm. Bà ái ngại vì chỉ có một cái giường con ọp ẹp, bèn mời hai anh vào nhà nghỉ ngơi. Hai anh từ chối. Thế là bà vội chạy về nhà, mang thêm thức ăn. Rồi hai anh tự nấu nướng, mua rượu, cùng ăn bũa cơm ngon lành trong cái quán lụp xụp… Đêm ngắn ngủi, dường như hai anh thức đến gần sáng, rủ rỉ trò chuyện…
Lúc này, tôi nhớ lắm, nhớ vợ chồng anh Thái ở số nhà 35 Hàng Ngang, Hà Nội, đã tận tình giúp đỡ ròng rã hai tháng trời để anh học may. Tôi cũng nhớ tới vợ chồng anh Chiến ở thị trấn Thái Hoà, miền núi Nghệ An đã vồn vã cưu mang khi anh vừa đặt chân đến vùng kinh tế mới. Giá các anh chị biết anh Hiền mất thì thế nào cũng đến dự lễ tang. Không hiểu trong giấc ngủ, các anh chị có mộng thấy anh Hiền về chào và cảm ơn một lần cuối cùng?...
Còn đông đảo những người bạn khác, những đồng đội khác, xa cách nơi phương trời nào? Chiến tranh thì đoàn tụ. Hoà bình thì phải chia phôi. Chiến tranh thì được sống với cộng đồng biết thương yêu nhau. Hoà bình thì phải sống giữa một tập thể mà ngày ngày ghen ghét nhau, đố kỵ nhau, moi móc nhau. Thật là oái oăm. Tôi khát khao trong giờ phút vĩnh biệt thiêng liêng này, có các anh sum vầy, cúi đầu quanh thi hài anh. Dẫu mọi giác quan của anh đã chết rồi, nhưng linh hồn vẫn phiêu diêu nơi trần thế để nhận lấy chút ấm áp cuối cùng của tình đồng đội.
Bạn bè anh trong làng cùng tham gia kéo cờ ngày khởi nghĩa, đâu cả rồi? Anh Lộc đã chết bệnh. Anh Hối đã chết trong một tai nạn đổ tàu hoả… Còn ai nữa? Còn đây, anh Huân…
“Thằng Hiền chết rồi à?”, đang nằm mệt lịm trên giường, nghe có người báo tin, anh Huân giật mình ngồi dậy.
http://eTruyen.com


Nguồn: Talawas
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 10 tháng 8 năm 2007


© 2006 - 2024 eTruyen.com