Hà Nội 17/11/2008 Kính gửi Nxb Đà Nẵng và anh Đà Linh Thưa các anh chị, Trước hết, tôi xin thành thật gửi lời chia buồn tới Nxb Đà Nẵng và cá nhân anh TBT Đà Linh về sự cố vừa xảy ra với cuốn Rồng Đá (Hay là mũi uốn ván) của tôi và Lê Mai in chung (6/2008) đã có quyết định thu hồi. Sau nữa, với tư cách 1 tác giả, tôi xin có mấy lời nói thêm cho rõ về tập sách và 3 truyện ngắn của tôi bị xem là có vấn đề. Thứ nhất, mục đích ra tập sách này các tác giả chỉ nhằm thử nghiệm sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận nhiều vấn đề phức tạp của cuộc sống quanh ta. Lúc đầu gồm 3 cây bút gốc gác Hà Nội, những thằng bạn thân với 3 văn phong và bút pháp khác biệt hẳn nhau là Tôi (VNT), Hòa Vang và Lê Mai, song đều có chung tâm nguyện tha thiết tự đổi mới nên rủ nhau thử nghiệm ra chung tập sách, mỗi đứa 4 truyện. Sau vì anh HV đột ngột ra đi, tôi và LM bàn nhau mỗi đứa bù thêm vào 2 truyện cho đủ con số 12 và tạm gác 4 truyện của người bạn văn quá cố, đợi sẽ in riêng vào tuyển tập sau này. Tóm lại, chúng tôi ra sách thuần túy vì mục đích học thuật thử nghiệm trong nghề viết mà thôi. Nó có thể có vài tình tiết gây xốc, nhưng nhìn nhận kỹ thì đó mới là chính cuộc sống mà như nhà mỹ học Nga thế kỷ XIX, Xec-nư-xep-xki từng viết: “Cái đẹp là cuộc sống. Một thực thể đẹp là thực thể cho ta nhìn thấy hoặc nghĩ về cuộc sống như nó vốn có.” Thứ hai, về 3 truyện ngắn của tôi bị xem là có vấn đề, có thể chia làm hai nhóm đề tài tuy cùng nói về chiến tranh và đều có căn cứ từ cuộc sống muôn màu của nó: - 2 truyện Âm bản chiến tranh, Vị phồn thực tôi viết vào giữa năm 2005, sau chuyến đi tìm mộ chú em liệt sĩ ở E572, một trung đoàn tăng- pháo kết hợp của QK5, họat động chủ yếu ở chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tôi không phủ nhận sự vĩ đại của cuộc chiến chống Mỹ, càng khâm phục sự dũng cảm, sức chịu đựng phi thường của người lính, trong đó có cả em trai tôi. Song để tìm được mộ chú em hy sinh vào 8/1972, tôi đã gặp hàng trăm đồng đội cũ ở E572, cùng họ lăn lộn khắp vùng đất Quảng và may mắn gặp mặt khá nhiều nhân chứng còn sống là những người dân ở Đức Hiệp, Quế Sơn (Quảng Nam), Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Từ thực tế ấy tôi nhìn ra góc khuất của chiến tranh và đời lính khi sau mỗi trận đánh oai hùng họ quay về hậu cứ rèn cán, chỉnh quân hoặc do bị thương mà chuyển về công tác ở ATK. Nó thật khắc nghiệt và đầy rẫy những mâu thuẫn vốn là muôn thủa của cõi người. Giờ là lúc ta đủ độ lùi thời gian để nhìn nhận và phán xét bởi đôi khi vì cái góc khuất vô hình ấy mà có thể vào thời hậu chiến; người dũng cảm, lập nhiều chiến công chịu thiệt thòi; còn kẻ gian manh, cơ hội lại thăng tiến, làm băng hoại kỷ cương xã hội, kìm hãm sự phát triển đất nước. Mạch truyện và tư tưởng tác giả là thế, còn tình tiết có đôi chỗ khốc liệt thì chuyến đi tìm mộ chú em, tôi được nghe nhiều tình tiết khốc liệt gấp bội phần hơn thế. - Truyện ngắn Chù Mìn Phủ và tôi đề cập đến cuộc chiến biên giới phía Bắc (1979) thì cũng lùi vào dĩ vãng ¼ thế kỷ rồi. Nó là cuộc chiến phi lý nhất trong thế kỷ XX đối với cả 2 dân tộc mà cả ta và phía bên kia đều phải nghiêm túc nhìn ra nó cần phải tránh và hoàn toàn có thể tránh được. Những thảm cảnh do cuộc chiến ấy gây ra thì nhiều lắm, khốc liệt hơn những gì tôi mô tả bởi trong chuyến đi làm phim tài liệu cho Bộ Y tế về loại trừ bệnh uốn ván vùng cao 11/2005 tôi nghe được từ các nhân chứng ở Hà Giang. Giờ ta không thể bình thản coi đó như một vụ va quyệt xe trên đường mà phải tỉnh táo và sòng phẳng với lịch sử. Tôi đã từng nghiên cứu khá kỹ văn học TQ giai đọan 1979- 1991, từng viết một tiểu luận khá dài về hai dòng văn học Vết thương và dòng văn học Bộc lộ của họ thời kỳ này. Nhiều nhà văn TQ trong hai dòng văn học ấy (Lương Phụng Nghi, Trương Hiền Lượng, Dư Hoa, Lưu Chấn Vân, Khâu Hoa Đông…) khi viết tiểu thuyết đã từng có đọan nhắc tới cuộc chiến biên giới Việt- Trung với tâm trạng dày vò sâu sắc. Họ viết được, sao ta lại cứ tự hù dọa mình để rồi tảng lờ, không dám viết? Tôi tin những người có lương tâm, trách nhiệm bên kia hay bên này biên giới đọc truyện ngắn của tôi sẽ không oán hận nhau mà chỉ càng ghê sợ chiến tranh, thiết tha muốn hai nước sống trong hòa bình hợp tác lâu dài. Cuối thư, một lần nữa xin chia xẻ cùng anh Đà Linh và các anh chị Nxb Đà Nẵng về sự cố đáng tiếc lẽ ra không đáng có, nhưng nó đã xảy ra và như thế nó mới lại là cuộc sống!... Chúc các anh chị mạnh khỏe, hạnh phúc! Vũ Ngọc Tiến . Sinh năm 1946. . Tại Yên Thái, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ- Hà Nội. . Năm 1966, ông bắt đầu có tác phẩm in trên báo với bút danh Vũ Liên Châu, nhưng năm 1969 thì nghỉ viết vì nhiều lý do. . Năm 1994, ông viết trở lại với nhiều bút danh: Vũ Mai Hoa Sơn, An Thái, An Thọ, Vũ Ngọc Tiến… Các tác phẩm ký, phóng sự, điều tra, truyện ngắn, phê bình tiểu luận đăng nhiều trên các báo ở TW, HN, Tp HCM (Văn Nghệ, Văn Nghệ Trẻ, Người Hà Nội, Văn Sài Gòn, Tia Sáng, Tuần Tin Tức…).và khoảng gần 100 kịch bản, lời bình cho các phim tài liệu truyền hình. Có một thời gian ông làm Thư Ký Tòa Soạn cho tạp chí Thế Giới Vi Tính- PCWorld Việt Nam Sêries B (Chính sách và ứng dụng CNTT). ° GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC, BÁO CHÍ: - Giải thưởng ở 2 cuộc thi Ký- Phóng sự do báo Văn Nghệ và Hội Nhà Văn tổ chức năm 1996- 1997 & 2002- 2003 - Nhiều Giải thưởng báo chí khác ở TW và địa phương ° TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN: - Cố nhân Tập truyện ngắn (NXB Hà Nội, 1997) - Mười hai con giáp Tập truyện ngắn (NXB Hà Nội, 1998) - Tội ác và sám hối Tập truyện ngắn (NXB Công an nhân dân, 1999) - Những truyện ngắn về tình yêu (NXB Thanh Niên, 2001) - Khói mây Yên Tử Tiểu thuyết lịch sử (NXB Văn hoá thông tin, 2001; NXB Kim Đồng tái bản 2002) - Quân sư Đào Duy Từ Tiểu thuyết lịch sử (NXB Kim Đồng, 2002) - Giao Châu tụ nghĩa Tiểu thuyết lịch sử (NXB Kim Đồng, 2002) - Câu lạc bộ các tỷ phú Ký và phê bình, tiểu luận (NXB Hội nhà văn, 2002)