Phần I

“Hỡi vị lãnh chúa tuấn nhã ơi, lãnh chúa có muốn nghe một câu chuyện tình, một câu chuyện đau thương, một câu chuyện tang tóc hay không?”
Đó là câu khai mào mà bọn ca nhạc sĩ lưu diễn bên Âu Châu thời Trung Cổ đã mở đầu bản trường ca “Tích Tăng và Ỷ Sơ” (Tristan et Yseult) mỗi khi họ ghé qua một đền đài nào để kể chuyện cho các tay bá của thời phong kiến Âu Châu nghe.
Người kể câu chuyện dưới đây cho tác giả nghe, cũng đã pha trò mà khai mào y như vậy vì câu chuyện có thật nầy tương tợ chuyện cổ tích Tích Tăng và Ỷ Sơ phần nào. Đây là một câu chuyện tình đau thương nhất thế kỷ, nhưng có chết chóc hay không rồi các bạn sẽ rõ.
Ông Hóa gỡ cặp kiếng giả ra, dụi mắt, mỉm cười và ngước lên hỏi Minh:
Tại sao thầy cứ nài nỉ tôi mua ngôi nhà ấy? Nếu không tin cậy thầy nhiều, tôi sẽ nghi là thầy làm trung gian cho bên ấy, để ăn hoa hồng.
Người thư ký của ông chủ cũng cười rồi giải thích:
Thưa ông, là nhà doanh nghiệp lớn, không lẽ ông quên rằng thời nay trên thế giới, đồng tiền của quốc gia nào cũng cứ càng ngày càng mất giá, thành thử lối để dành tiên vững hơn hết là sắm của.
Đó là bài học A B C... của khoa kinh tế, tài chánh, nhưng sắm thứ của khác lợi hơn.
Nhưng ngôi nhà ấy lại rẻ mạt. Ông nghĩ, ba ngàn thước đất giữa trung tâm thành phố, đất khô ráo với vườn hoa - hay nói cho đúng, vườn cây cảnh theo lối Nhựt mà phải mười lăm năm săn sóc nó mới được như thế - với một biệt thự mười hai buồng, kiến trúc tân thời nhứt thủ đô mà giá có ba triệu đồng... 
Giá bán thì có rẻ thật đó, nhưng ta mua xong lại không biết làm gì.
Ông mua ông ở.
Trời ơi, nhà nầy có năm buồng mà ra vào chỉ có mình tôi, nếu không có thầy, tôi đã chết vì quạnh hiu, sắm nhà mười hai buồng để mà chết ngộp trong ấy hả!
Ông cho Huê Kỳ mướn.
Không lợi đáng kể. Không bằng tôi bỏ số tiền mua nhà vào một vụ làm ăn khác, kín đáo hơn, không phải chịu thuế.
Ông không mua ngôi nhà đó thì uổng lắm.
Thôi, bỏ vụ ấy kẻo mất thì giờ.
Viên thư ký trẻ tuổi đâm cáu, xếp mạnh hồ sơ lại, rồi hờn dỗi, hắn ngồi khoanh tay không thèm làm gì cả.
Đó là một thanh niên hai mươi tuổi, đẹp mũ mĩ như con gái và hiền từ như một tu sĩ. Hắn là học trò khó, mồ côi cha mẹ, đăng báo tìm việc và được ông Hóa nhận cho làm thư ký riêng của ông từ hơn một năm nay, cho hắn ở chung nhà, thương yêu hắn như con nên hắn mới có thái độ nói trên.
Ông Hóa là một trong vài ba tay tỉ phú của ta, mướn thư ký giỏi, bao nhiêu một tháng ông mướn cũng nổi cả. Sở dĩ ông chọn tên học trò chưa có kinh nghiệm làm việc nầy là vì hắn gồm được mấy điều kiện sau đây mà các thư ký chuyên nghiệp thiếu hẳn: hắn không có gia đình nên ở mãi cạnh ông được. Thư ký riêng thì các chủ nhơn họ hay cần dùng đến vào những giờ bất ngờ nhứt, lắm khi một giờ trưa, hoặc mười hai giờ đêm họ đưa công việc gấp, bắt phải làm ngay. Điều kiện thứ nhì là chính nhờ hắn không có gia đình và còn trẻ, không giao thiệp với giới làm ăn nào được, nên ông Hóa không phải lo hắn bép xép mà tiết lộ bí mật doanh nghiệp của ông.
Nhưng điều kiện thứ ba mới là điều kiện nồng cốt. Ông Hóa cô đơn quá. Từ ngày bà Hóa qua đời, cách đây mười năm, ông trơ trọi một thân với đống tiền của mà ông không biết làm gì.
Không con cháu, ông không lo của cải không người thừa hưởng bằng sợ sự vắng vẻ quanh ông. Ông chọn Minh vì hắn hiền hậu, dễ thương, ông xem hắn như là một người bạn được. Nơi bàn ăn của ông, ông có một thực khách thường trực, nơi phòng khách của ông, trong những giờ đầu hôm sau bữa cơm tối ông có một kẻ đối thoại giúp ông giết thì giờ.
Ông Hóa ngồi sau bàn viết nhìn căn phòng minh mông nầy mà chán ngán. Phòng rộng đến sáu mươi bốn thước vuông, bốn buồng dưới của ngôi biệt thự nầy đã được phá vách ngăn để biến thành cái phòng rộng nầy, vừa là phòng tiếp khách, phòng ăn và phòng làm việc của ông và của Minh.
Nếu nơi đây vang lên tiếng cười của vài đứa cháu nội, hay cháu ngoại, nổi lên tiếng chạy đùi đụi hay tiếng cãi nhau, đánh nhau của chúng đi nữa, ông có bực mình thật đó, nhưng ông cũng vui dạ phần nào.
Nếu bà Hóa mà còn trên đời nầy, ngồi nghe nhạc đằng kia, thì thỉnh thoảng ông được dịp ngước lên nhìn bà một cái để vững tin rằng đời ông còn có một ý nghĩa gì.
Ngồi ở bàn viết đối diện, cách đó ba thước, thầy Minh đã hết hờn mát. Thầy ta lật tập hồ sơ khác rồi nói:
Thưa ông, còn các con nợ nữa!
Ừ, các con nợ rồi sao?
Những người thiếu vài trăm ngàn, không đáng kể, nhưng có ông Hoạch, ông ấy thiếu những bốn triệu.
Ừ.
Mà hai năm liền, ổng không trả một đồng xu tiền lời.
Ừ.
Ông Hoạch là bạn doanh thương của ông Hóa. Hai người đã cùng bước ra ngoài đời với hai bàn tay trắng cùng lên với nhau, nhưng mười năm sau nầy, ông Hoạch lại tuột thang, cứ xuống mãi, cho đến đỗi phải bỏ xứ là đi.
Thưa ông, cứ theo cái định luật tiền bạc càng ngày càng mất giá thì hoá ra con nợ lợi lắm mà các chủ nợ thì thiệt thòi.
Ừ.
Như thế ta cần thanh toán vụ lòng thòng nầy.
Bọn thư ký riêng, anh nào, chị nào cũng mắc phải bịnh chung nầy là họ xem họ như là chủ nhơn vì mãi hành động như là chủ nhơn, trả lời điện thoại lắm khi họ xưng “tôi” với kẻ ở bên kia đầu dây để giải quyết những vấn đề của chủ họ; chính họ đã trả lời thơ, bằng văn của họ, ý nghĩ của họ - ý nghĩ mà họ đoán đúng ý nghĩ của chủ họ. Họ được sai đi mua vé hát, chọn tuồng và lựa ghế cho chủ họ, họ mua cà vạt cho chủ họ mà màu sắc phải đúng ý chủ họ, tóm lại đã tự xóa bỏ bản ngã của họ để chui vào cái vỏ của các chủ nhơn, cho đến đỗi ngày kia họ thấy rằng:
“Mình với ta tuy hai mà một.
“Ta với mình tuy một mà hai.”
Minh đã dùng đại danh từ “ta” để nói đến kẻ sắp phải hành động. Hắn nói “ta” một cách tự nhiên như của cải của ông Hóa là của cải chung của ông ấy và của hắn.
Ông Hóa cười hỏi:
Thanh toán bằng cách nào?
Ông ấy còn một biệt thự ở Sài Gòn, đang cho thuê lấy lợi.
Biệt thự ấy đã bị chủ nợ khác chụp bộ, nói cho đúng ra, ông Hoạch đã cầm thế biệt thự để  lấy vốn mà tái khởi hành trên đường doanh nghiệp của ông.
Sao ông không chụp bộ để ổng thế cho người khác?
Tôi không nỡ.
Tôi có theo dõi việc làm ăn của ông Hoạch, hiện giờ ổng thầu nhiều công trình kiến trúc và...
Trên ấy là trên Ban Mê Thuột. Ông Hoạch mang cả vợ con lên cao nguyên từ hai năm nay, một là để gần gũi công việc, hai là có thể sống lụm thụm trong một căn nhà xoàng xoàng mà khỏi sợ giới làm ăn quen biết ở đây dị nghị.
Đang ở biệt thự mà tụt xuống ở phố trệt, thiên hạ còn xem ông ta ra gì.
Và làm sao?
Và ổng sắp nhận chi phiếu thanh toán công việc mà ổng đã hoàn thành hơn nửa năm rồi.
Rồi sao nữa?
Ông có thể xin chụp chi phiếu.
Tôi cũng không nỡ. Vốn liếng của ổng chỉ còn có bấy nhiêu đó thôi.
Minh lại giận dỗi và nói lớn:
Như vậy ông nên cho không ông ấy món nợ đó, đã có ơn còn khỏi phải  chịu thuế …
Ông Hóa giựt nẩy mình, nhìn trừng trừng  viên thư ký trẻ tuổi mà rất thông minh của ông rồi gục gặc đầu:
Thầy nói mà có lý đó. Tôi phải chịu thuế lợi tức về bốn triệu ấy. Ừ, hủy chỗ nợ ấy còn có ơn hơn.
Thư ký Minh còn nói gì nhiều lắm, nhưng ông chủ không thèm nghe. Ông húy hoáy vẽ lên giấy những hình ảnh ngoằn ngoèo, lại viết ra một chữ mà người lạ trông vào không thể nào hiểu nổi ý nghĩa: “MINH”.
Chữ Minh ấy được viết ra hằng trăm lần, bằng đủ kiểu chữ, chữ nằm, chữ đứng, chữ in, chữ kẻ hoa lá, bao trùm hết tờ giấy trắng lớn trải trên bàn trước mặt ông Hóa.
Tại sao ông lại viết tên người thư ký của ông ta? Ông không thương hắn hơn, không giận hắn hơn, sau câu chuyện nầy. Quả hắn đã tỏ ra khá thông minh thật đó, nhưng ông không thán phục hắn đến đỗi tiềm thức của ông bất giác thần thánh hóa hắn và bộc lộ ra bên ngoài bằng cách viết tên hắn, một hình thức thần tượng.
Minh … Minh … Minh … Minh … Minh … Minh … Minh … Minh …
Thưa ông...
Ông Hóa giựt mình ngẩng lên.
Thưa ông, tôi xin phép tối nay không ăn cơm nhà...
Ừ.
Tôi lại xin phép về trễ...
Ừ.
Gần nửa đêm tôi mới về.
Ông Hóa mỉm cười, nhìn lại người con trai vừa ra khỏi tuổi dậy thì. Hắn khổ quá vì đời sống vật chất nên từ thuở giờ hắn không có thì giờ mơ mộng. Giờ no cơm ấm áo rồi, hắn bắt đầu thèm nọ kia đây.
Ông cười hiền lành, có chiều thương mến nữa, và hỏi:
Có hẹn với cô nào?
Minh mắc cỡ, đỏ ửng cả tai như con gái nhà quê, vội cãi:
Thưa không, tôi đi xi-nê với bạn. Xong tôi ăn cơm với nó rồi đi trà thất.
Bạn trai hay bạn gái?
Minh lại đỏ cả tai:
Thưa bạn trai, bạn học cũ. Nó đi lính thủy, nay có dịp ghé Sàigòn...
Cũng hay. Tôi chỉ tò mò chơi vậy thôi chớ Minh có quyền hưởng tuổi xuân, và hưởng tự do. Cái nghề thư ký riêng kể ra cũng khá bực mình.
Nhưng tôi đã bù cho Minh bằng lương cao rồi. Tuy nhiên thỉnh thoảng cũng phải để Minh đi giải trí.
Dạ, cám ơn ông lắm, nếu ông hiểu cho như vậy.
Ông Hóa khi thì gọi thư ký của ông bằng thầy, lúc gọi tên như bây giờ, tùy theo tính khí của ông nó thay đổi bất thường.
Lúc nào ông gọi hắn bằng tên gọn lõn là lúc ông vui tính hay ông thương mến hắn, nhưng tuyệt nhiên ông không hề gọi hắn bằng cháu và cho phép hắn kêu ông bằng bác như hắn đã yêu cầu.
Ông xem hắn là một người bạn vong niên rất thân được, chớ không thế nào mà nhận tình bác cháu một cách vô lý như nhiều người đã làm.
Thưa ông, ông có gì gắp đưa tôi làm ngay cho xong.
Cũng chẳng có gì. À, mà... không mà thôi … Không, không có gì gắp cả. À, đêm nay tôi cũng đi ăn cơm ở ngoài …, ở nhà một mình buồn quá. Nếu Minh có muốn …
Dạ cám ơn ông. Tôi đã trót hẹn với bạn.
Cũng tốt.
Ông Hóa quen có bạn cùng bàn, từ hơn một năm rồi nên không chịu được cái cảnh ngồi nhơi cơm một mình chăng? Không, Minh đã xin phép đi ăn cơm tối ở ngoài nhiều lần rồi mà ông vẫn ở nhà một mình được, mỗi lần như thế, không nghe sao cả kia mà!
Sự thật ông ta bỗng nghe cô đơn từ nãy giờ, giữa câu chuyện đòi nợ mà thư ký của ông đã gợi ra.
Chưa bao giờ mà gian phòng nầy, ngôi nhà nầy, khu vườn quanh nhà nầy lại quanh quẽ đìu hiu đến thế.
Ông Hóa đứng lên, chậm bước đi quanh phòng khách. Tình cờ ông ngước lên và chợt thấy những màn cửa sổ và những riềm màn đã cũ quá rồi, màu kem của vải đã ngã ra màu gì không rõ, một thứ màu không tên và không còn hợp với màu sắc của bàn ghế trong nhà nữa.
Ngày mai ông sẽ gọi nhà trang trí đến và hai tiếng đồng hồ sau đó, tất cả sẽ được thay mới.
Tuy nhiên, không vì thế mà ông không cần đến một người đàn bà. Nếu có “Nàng”, nàng sẽ theo dõi hằng ngày những việc lặt vặt như thế nầy, đã cho đổi kịp đúng lúc, và nhà nầy khỏi phải chịu một thời gian trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong lối trang hoàng mà màu sắc không ăn hợp với nhau.
Tình trạng của mấy bức màn khiến ông Hóa lại liên tưởng ngay đến các lọ hoa đặt nhiều nơi trong phòng nầy, trên đầu chiếc tủ sách, trên một chiếc ghế cao ở góc hai bức tường, trước cửa sổ trông ra đường v… v…
Tôi tớ không biết chọn hoa, không biết cắm hoa, còn ông thì không có thì giờ. Căn phòng nầy khô khan như sa mạc, nặc danh như là phòng chờ của một nơi khám mạch của bác sỉ không thấy được bàn tay của một người nội tướng, để cá tính thú riêng  của nàng vào đây, ký tên lên những săn sóc nho nhỏ như việc cắm hoa vào lọ, việc chọn màu hoa,chọn màu áo, nệm ghế v. v…
Ông bước lại cửa sổ trông ra vườn. Khu vườn quanh nhà vẫn được anh làm vườn săn sóc tử tế, nhưng vẫn là khu vườn nặc danh, cây hoa nầy chết, được thay bằng cây hoa khác, cùng một loại với hoa cũ chớ không thay đổi tùy theo hứng, tùy theo tâm trạng của một bà chủ nhơn.
Từ biệt thự bên kia tường rào, nổi lên tiếng dương cầm mà ông Hóa biết là tiếng đàn của bà Mạnh, vợ của ông giáo sư đại học còn trẻ, chủ nhơn của ngôi nhà mà bên vợ ông ấy vừa tậu cho đôi vợ chồng.
Bà Hóa ngày trước không biết chơi dương cầm, nhưng bà đờn tranh khá giỏi. Từ lâu rồi, ông Hóa không được nghe tiếng tấm tức tấm tưởi của cây đàn mười sáu dây đồng mỏng mảnh ấy nữa.
Cho đến cả cái giọng mắng đầy tớ của bà ngày xưa, ở dưới bếp, mà ông ghét lắm, cái giọng ấy bây giờ ông vẫn nghe thèm.
Không phải ông không nguôi tình vợ chồng sau đại tang trong gia đình ông. Ông thèm, ông nhớ là thèm và nhớ giọng người đàn bà, đàn bà nào cũng được, miễn là có tiếng người - cho dẫu là những tiếng chua ngoa - miễn là có tiếng người nơi đây cho ấm cái nhà minh mông nó lạnh lẽo quá với sự vắng lặng ở đây.
°
°
Trong khung cảnh đặc Tàu của nhà hàng Vân - Cảnh, ông Hóa nghe đỡ lẻ loi phần nào. Ở đây có ca nhạc nhưng không phải là phòng trà nên các ông già dám đến. Ông già mà đi phòng trà thì bị con nít nó chế nhạo là già còn chơi trống bỏi nên họ tìm các quán ăn có ca nhạc để mà gỡ gạc.
Nhìn qua các bàn một lượt, ông Hóa thấy mình không đến đỗi là một tiếng đàn lạc điệu ở cái nơi giải trí mà khách đủ hạng tuổi nầy.
Không nghe lẻ loi, ông lại thấy mình trơ trọi. Phần đông, khách đi có cặp. Đó là những đôi vợ chồng hay nhơn tình thì không rõ, nhưng vợ chồng hay nhơn tình gì họ cũng vui song phương.
Ông Hóa đến đây vì Minh đã vô tình gợi ý cho ông sau khi gợi buồn. Ông đi tìm vui và tìm ở loại quán mà viên thư ký trẻ tuổi của ông đi tìm đêm nay.
Ông đi một mình, mặc dầu ông có bạn rất đông, vì nỗi buồn của ông không thể được bạn an ủi. Chỉ những đôi nam nữ kia giúp ông nguôi sầu được thôi. Ông ngỡ như vậy. Nhưng chẳng những họ không giúp ông nguôi sầu, họ lại làm tăng cô đơn của ông lên.
Nếu còn bà...!
Đó là một lời hối tiếc mà ông Hóa nói thầm trong bụng ông. Nhưng mặc dầu nói thầm, ông nói rất yếu, làm như là sợ chính ông nghe được.
Ông thành thật với chính ông, và không thấy lòng mình phấn khởi lắm, hay đau khổ lắm. Lúc hối tiếc như vậy, ông không chịu nói lên hối tiếc ấy, không muốn nghe lời ấy làm sợ phải xấu hổ với chính ông vì sự giả dối trong lời ấy.
Không, ông tiếc không có bạn, người bạn đời đi bên cạnh ông chớ không tiếc bà cho lắm.
Bà là người vợ tào khang, vợ của buổi đầu, của thời tay trắng. Ông đã chọn bà vì nhiều lẽ khác hơn là bằng vào khiếu thẩm mỹ của ông, ông đã hy sinh sắc đẹp để được người vợ đảm.
Nếu bà còn sống, ông vẫn thương yêu quí mến, không hề nghĩ tới việc lăng nhăng với ai khác. Nhưng bà đã không còn, mộ bà đã xanh cỏ từ bao năm rồi, nếu có hình ảnh người đàn bà lướt qua trong trí ông thì hình ảnh ấy phải trẻ hơn, phải đẹp hơn.
Câu hối tiếc: “Nếu còn bà...? được đổi lại là: “Tại sao ta lại không tục huyền?”
Lúc mãn tang bà, ông Hóa có nghĩ đến điều ấy, nhưng ông ham làm ăn và bận làm ăn nên cứ lần lựa với ông, không quyết định được.
Không phải là ông mới nghe cô đơn hôm nay đâu, nhưng cảm giác trơ trọi của ông, ông lấn át nó được vì ông thấy một người đàn ông góa, giàu có, không con, chọn vợ khó khăn lắm. Khó lòng mà biết người ta ưng lấy ông vì ông hay vì tủ tiền của ông.
Ông sợ hãi không được hạnh phúc với những người đàn bà đang rình nơi sẵn sàng qui mô để nhào vô kiếm ăn.
Không phải là sự chịu đựng cô đơn của ông hôm nay đã quá mức mà ông thấy trống trải minh mông chung quanh ông. Chẳng qua là một ý nghĩ thoáng qua nơi trí ông trong lúc người thư ký trẻ tuổi của ông kèo nài ông đòi nợ thiên hạ.
Ý nghĩ ấy vừa được Minh gieo giống và mọc mầm một cách nhanh chóng, đâm chồi nẩy lộc, mới có mấy tiếng đồng hồ qua mà những rễ chằng chịt của nó đã ăn sâu vào tâm não ông, y hệt như là bọn làm trò ảo thuật trồng cây trong một chiếc nón lật ngửa, hột mới gieo hai giây sau, cây đã mọc cao, đã đâm bông trổ trái rồi.
Tất cả phụ nữ có mặt hôm nay nơi đây đều đẹp và đều khá trẻ, tương đối với tuổi tác của đàn ông của họ. Nhưng ông Hóa không ước ao được một người bạn như vậy...
Một hình ảnh khác, mơ hồ như ảo ảnh trong sương mù, đang vất vưởng bay trước mắt ông. Đó là hình ảnh của người phụ nữ mà ông vừa nhắm.
Nàng trẻ lắm. Ông không biết rõ giờ nàng ra thế nào, nhưng chắc chắn là nàng rất trẻ. So  sánh đàn bà trẻ ở đây với nàng, ông bỗng đâm hoảng. Nàng bấm ra sữa như thế có thể xứng với ông được chăng?
Ông Hóa nhìn quanh và chỉ thấy tường vẽ những bức tranh, những đề tài trang trí màu sặc sỡ, đặc biệt của Hán tộc chớ không tìm được tấm gương nào cả.
Ông muôn soi gương lại thử xem mặt mũi mình, bộ tịch mình ra sao ấy, ai cũng mỗi ngày soi gương ba bốn lượt nhưng không thấy rõ mình cho lắm nên đến những giây phút cần thiết nào đó họ lại phải nhìn lại họ.
Bỗng một đôi nam nữ từ đầu thang lầu đang đi ngang qua chiếc quầy rượu để tiến đến một bàn trống theo sự chỉ dẫn của người chiêu đãi trưởng.
Người đàn ông trạc tuổi ông, tức là trên năm mươi. Nhưng nàng thì chỉ độ hăm lăm, hăm sáu thôi.
Ý nghĩ đầu tiên của ông Hóa là câu tục ngữ bất hủ: “già mà còn chơi trống bỏi”.
Thật là trông không được tí nào, đôi nam nữ vào phòng. Người đàn ông ấy phải can đảm vô cùng mới dám mang cái đầu bạc của hắn đi bên cạnh người con gái còn trẻ măng đó.
“Nhưng đầu mình chưa bạc”. Ông Hóa nói thầm lên để an ủi ông, và ông rất mừng mà thừa hưởng được ở phía bên họ ngoại cái tộc tánh không bạc đầu. Mẹ ông hồi còn sanh tiền đã tám mươi mà tóc chỉ mới nhuốm sương thôi.
Nhưng ông vẫn không vui được lâu vì liền đó ông nhớ ngay rằng nàng của ông lại trẻ hơn cô gái vừa vào với ông lão bạc đầu. Sự chênh lệch nơi ông vẫn y nguyên như nơi cặp nầy, mặc dầu tóc ông còn xanh.
Ông Hóa còn đang ngẩn ngơ, chợt Minh lại lù lù bước vào. Nó đi đầu, sau lưng theo một vài thằng con con với lại một thiếu nữ độ mười bảy, mười tám tuổi, cô bé nầy ăn mặc như khách của loại phòng trà của tuổi trẻ, nghĩa là quần “din” màu, sơ mi cũng màu nốt.
Ông Hóa bỗng đâm ra thèm làm Minh trẻ trung sôi nổi và ông nghĩ ngớ ngẩn rằng nếu thay hồn đổi xác được cho Minh, ông dám đánh đổi cả sự nghiệp của ông để lấy cái thể xác hai mươi của anh thư ký nghèo xơ nghèo xác của ông.
Tất cả những gì ông Hóa thấy trước mắt ông đều kêu lên rằng: “Không thể được!” đều thầm nhủ ông rằng: “Không nên ông ơi!”
Nhưng ông Hóa cố suy luận để cãi lại tiếng nói bí mật của kẻ vô hình nào đó, và để cãi lại chính ông, ông Hóa thứ nhì, ông Hóa con người lý trí.
“Ta sẽ bất chấp người đời, ta tạo hạnh phúc cho ta mà không cần ý kiến của ai cả. Ta sẽ sống tay đôi với nàng, một cách ích kỷ trong tổ ấm của ta.”
Ông Hóa từ thuở nhỏ đến giờ luôn luôn thích sống riêng rẽ. Khi nào trốn chung đụng được với người đời, ông không ngần ngại trốn, ngoài sự giao thiệp làm ăn cần phải có của ông.
Giờ đây, ông quyết sống riêng rẽ tay đôi, y như đã sống riêng rẽ một mình. Ông vội vã gọi tính tiền rồi hối hả ra đi, làm như phải thực hiện ngay ý định của ông là trốn xã hội để bảo vệ hạnh phúc của ông.
Về tới nhà, ông Hóa không quên ám ảnh khi nãy là con người của ông mà ông cần phải xem lại.
Ông soi vào gương của chiếc tủ buồng ngủ, gương bàn phấn của bà để lại.
Lạ lùng quá. Nếu ông chỉ thấy ông không mà thôi, thì ông vẫn trẻ; đó là điều chắc chắn chớ không phải là ảo ảnh đâu. Ông trẻ hơn bạn đồng liêu của ông nhiều lắm và ông nhớ ra thì ông cũng trẻ hơn bà nhiều, từ thuở bà còn sanh tiền mặc dầu hai vợ chồng sống với nhau, và mặc dầu bà không sanh nở lần nào.
Nhưng khi ông hình dung nàng đứng cạnh ông, ông thấy rằng ông già quá sức. Cũng thời tướng tá đó, bộ tịch đó, hình vóc đó, mặt mũi đó mà nó biến đổi ngay từ phút trước qua phút sau.
Ông Hóa cởi áo ngoài ra để thấy ngực ông còn nổi, bắp tay ông còn săn, rồi thình lình nổi giận lên, giận tất cả người đời hay làm tài khôn có dư luận về bất cứ chuyện riêng tư của ai, ông quất mạnh áo vào kiếng, nút áo chạm mặt gương kêu lẻng kẻng, rồi trợn mắt lên, ông quát:
Mặc kệ chớ! Ta sẽ sống riêng rẽ tay đôi!
°
°
Sáng hôm ấy, ông Hóa thức thật sớm và đánh thức thư ký của ông thật sớm.
Đôi bạn già trẻ ăn sáng vào một giờ bất thường, bảy giờ thay vì tám giờ rưỡi như mọi ngày. Khi tách cà phê của ông vừa cạn, ông Hóa móc từ túi ra một mảnh giấy, trao cho Minh còn đang ăn miếng bánh mì bơ, và dặn:
Ăn xong đi ngay lên nhà bưu điện trung ương để đánh bức điện tín nầy. Lên đến trên ấy là vừa đúng lúc họ mở cửa, nhào vào trong ấy cho thật lẹ để chiếm quyền ưu tiên nơi ghi sê cho đánh ngay kẻo trễ.
Ông nói giọng xẵng với Minh và nói trỏng, không kêu hắn bằng thầy hay bằng anh bằng Minh gì cả. Chẳng ông còn giận, và trong số người ông còn giận ấy, có anh thư ký vô tội nầy.
Anh ta chắc chắn không dám có dư luận gì về hành động, về tác phong của chủ anh ta, nhưng anh ta trẻ. Trẻ là một điều đáng giận đối với ông Hóa trong lúc nầy.
Minh vừa nhai bánh vừa đọc mấy dòng chữ trên mảnh giấy mà chàng vừa nhận và sẽ phải sao ra trên giấy in của nhà bưu điện.
Điện tín thảo như thế nầy:
“Ông Nguyễn Văn Hoạch, thầu khoán mười tám Trịnh Minh Thế, Ban Mê Thuột“
“Gặp tôi lập tức tại Sài Gòn. Stop, Chuẩn bị ở lại ba hôm”.
Lê Văn Hóa
Mắt Minh sáng lên ấy, hắn bị ám ảnh vì số nợ người ta thiếu chủ hắn mà hắn cứ ngỡ như là người ta thiếu hắn.
Thấy ông chủ quyết định đòi nợ, theo đề nghị của hắn, hắn sung sướng lắm.
Ông Hóa lại nói xẵng hơn:
Ăn cho no rồi đi, để lo công việc.
Sự tươi vui của Minh khiến ông càng ghét chàng hơn. Ông ngỡ chàng đã đoán được mưu sâu của ông và buồn cười cho mưu  ấy.
Minh ngốn ngấu chỗ bánh còn lại, uống vội tách cà phê rồi đi ngay. Chàng ra khỏi cửa, ông Hóa mới biết hối hận đã giận ghét người thư ký siêng năng của ông một cách vô lý.
Ông mỉm cười lẩm bẩm: “Tội nghiệp, để rồi mình thưởng tiền nó.”
Cái nghề thư ký riêng, luôn luôn ở nước nào cũng thế phải chịu đấm ăn xôi như vậy hàng ngày. Thư ký riêng là cái bao cát để các chủ nhơn trút hết lên đó tất cả tức giận của họ, họ bị vợ chửi, họ đổ ấm ách lên đầu thư ký riêng, họ làm ăn thất bai, họ càu nhàu với thư ký riêng, họ o mèo không được, họ ăn hiếp thư ký riêng cho đỡ tức.
Xôi đây là đồng lương và tiền thưởng sau những trận đối xử bất công. Nhưng chỉ có chủ nhơn tốt như ông Hóa mới bù lại tánh khó chịu của họ bằng tiền thưởng. Mấy ông chủ đắng, họ chỉ cho ăn xôi hàng tháng vài ngàn thôi.
Ông Hóa ngồi trước bàn viết của ông, nhìn vào khoảng không một hơi rồi có ý muốn lấy xe rượt theo Minh lắm.
Ông bỗng đâm sợ việc làm táo bạo của ông, sợ bức điện tín sẽ đến nơi rồi không ngăn chận được nữa cái bộ máy mà ông đã trót bấm nút để huy động.
Sợ bộ máy huy động, nhưng lại muốn huy động bộ máy. Sự mâu thuẫn nầy làm cho ông khổ sở đến nửa tiếng đồng hồ, muốn đứng lên đi, lại cố níu mình ngồi xuống.
Khi ông nhìn lại đồng hồ, ông nghe người ông nhẹ nhõm. Đã tám giờ bốn mươi lăm phút rồi, và bức điện tín đã được nhận, không thể nào thoát được cả.
Thế là ông thoát, thoát một của nợ, thoát ý muốn rượt theo Minh, tuy vẫn không thoát lo sợ vì hành động kỳ quặc của ông.
Lo sợ nhưng trông chờ. Ông Hoạch mà có xuống ngay theo lịnh của chủ nợ ít lắm cũng phải ngày mai mới đến Sài Gòn. Thế mà ông Hóa bắt đầu trông đợi ngay kể từ giây phút nầy.
Ông tưởng tượng đến hành trình của điện tín, nó đi từ ghi sê qua phòng kiểm soát đến phòng máy. Ông thấy nó đi chậm như rùa và bực tức thủ tục.
Ông Hóa theo dõi những làn sóng điện trong không trung, chuyển bằng âm ba những chữ ông viết, qua núi rừng để lên Ban Mê Thuộc, cái thềm của cao nguyên Việt Nam.
Lên đó, từ nơi tiếp nhận cái tin vô tuyến ấy, đến khi mà tin được ghi lên tờ giấy xanh thì đã sáu giờ chiều rồi.
Chắc ngày mai điện tín mới được phát. Thế là ngày mốt ông Hoạch mới tính chuyện về Sài Gòn. Nhưng có chắc gì là ông ta sợ chủ nợ quá đến bỏ cả những công việc quan trọng và cấp bách của ông ta để về ngay đây đâu.
Thật là bực mình!
Nếu ông có phép mầu, ông sẽ nhảy vọt một cái lên trên ấy. Nhưng có máy bay lên xuống hàng ngày kia mà!
Không, ông không thể đi được. Lên đó ông sẽ hoảng sợ không dám nói gì cả. Ở đây trong khung cảnh thân mật và quen thuộc với ông, ông nghe mình là ông chủ nợ, vững tin nơi địa vị, ưu thế của ông và tự tôn mặc cảm được để mà dám ăn dám nói.
Không, tốt hơn là nên chờ.
Và ông Hóa chờ, mất ăn mất ngủ đến sáu hôm, ông Hoạch mới dám dẫn xác đến cho.
Ông đang tức giận muốn mắng khách vài câu, con nợ có đâu mà ương ngạnh đến thế, nhưng không hiểu vì sao, thấy mặt con nợ là ông phát run lên.
Ông bối rối như anh học trò mười bảy tuổi và ấp úng nói:
Chào ông Hoạch!
Con nợ kinh ngạc. Chủ nợ nói bằng tiếng Pháp, điều ấy không có gì lạ lắm, nhưng hắn lại gọi con nợ bằng ông chớ không phải bằng anh như ngày trước.
Ông Hoạch đâm lo, đoán rằng tiếng ông ấy là tiếng của kẻ quyết làm mặt lạ cho dễ đòi tiền.
Đâm lo, nhưng ông càng không hiểu hơn vì kẻ quyết làm lơ ấy lại có vẻ sợ ông. Đây không phải là một cảm giác mơ hồ đâu, ông Hoạch thấy rõ ràng ông Hóa sợ ông.
Tuy nhiên là con nợ, ông vẫn biết thân con nợ, nên ông giải thích để tự biện hộ:
Tôi không về ngay được theo bức điện tín của anh vì...
Không hề gì, chuyên nhỏ mọn đó. Ông đoán được tôi mời ông về đây để chi hay không?
Ông Hoạch mỉm cười chua chát trước tình bạn bị phủ nhận, nói:
Tôi cũng có nghĩ đến số nợ tôi thiếu anh. Tôi đã cố gắng hết sức nhưng...
Tới bao giờ ông mới chịu thanh toán?
Nhưng vẫn chưa thể trả được năm nay.
Ông phải biết rằng sự nhẫn nhục nào cũng có giới hạn. Tôi dám chắc không có một chủ nợ thứ nhì ngồi nhìn sự im lặng của ông từ hai năm nay...
Tôi thật có lỗi lắm. Nhưng kể từ hôm nay, tôi xin trả tiền lời...
Không. Rồi ông có thể nín đi sau vài tháng trả tiền lời như vậy. Tôi mời ông xuống đây để báo cho ông hay trước là tôi sẽ đệ đơn xin áp chi phiếu mà ông sắp nhận được nay mai, chi phiếu thanh toán công việc xây cất cho nhà binh của ông.
Ông Hoạch rụng rời, rút khăn lau mồ hôi lạnh rịn ra trên trán ông rồi nói bằng một giọng thỏa mãn của kẻ đuối sức:
Vốn liếng của tôi chỉ còn có bấy nhiêu đó thôi. Nếu anh không thương, tôi sẽ hoàn lại hai bàn tay trắng như hồi ta mới xuất thân.
Thương ông, nhưng tôi phải thương chính tôi trước chớ. Đồng tiền là núm ruột mà! Vả, giúp ông năm năm đã quá lắm rồi. Tôi không thể làm hơn được nữa.
Giúp tôi cũng như anh cho vay. Lấy vốn về anh cũng chỉ bỏ băng, chẳng ích lợi gì cho anh.
Nhưng hai năm liền, ông không trả một xu lời.
Tôi sẽ trả.
Không bảo đảm. Vả tôi thu hồi vốn về để bỏ băng hay làm sanh lợi, ông không cần biết mà phải kể như là tôi sẽ làm sanh lợi nhiều hơn và chắc chắn hơn.
Chi phiếu lãnh xong, phải trả tiền vật liệu, tôi cũng chẳng còn bao nhiêu. Nếu anh lại chặn tiền, tôi sẽ bị các chủ nợ khác họ nhao nhao lên, làm tôi mất cả tín nhiệm, tôi còn làm ăn gì được..
Chính vì thế mà tôi phải đòi số tiền ông thiếu. Ông đã làm tan nát cái vốn mà tôi cho ông mượn để tái khởi hành...
Không có nát...
Không nát sao lại nợ các nhà buôn vật liệu? Phải có tiền trả nợ cho họ chớ.
Vì tôi thầu lớn quá, anh cho mượn bốn triệu mà tôi thầu những tám triệu nên mới mua chịu vật liệu.
Ông sẽ lãnh chi phiếu tám triệu?.
Ừ.
Ông trả vật liệu bao nhiêu?
Hai.
Trả tôi bốn, tức còn được hai.
Quên công thợ à? Và quên nhiều khoản tạp phí khác mà thầu khoán nào cũng phải chịu như là xã giao, như là đi đứng. Mà cho dẫu là còn nguyên hai triệu như anh tính theo lối học trò làm toán trừ cũng chẳng làm ăn gì được.
Tôi không biết.
Thật ra, tôi chỉ còn năm trăm ngàn một tiếng đồng hồ sau khi lãnh tiền chi phiếu, và nếu anh xin sai áp thì...
Không biết.
Anh nỡ nào!
Tôi cần tiền.
Hay là tôi tự tăng tiền lời?
Tôi thích làm ăn hơn là cho vay cắt cổ.
Ông Hoạch chống hai khuỷu tay lên gối của ông, úp mặt trên hai bàn tay không biết để giấu nước mắt hay vì ông choáng váng, lấy cái thế ngồi ấy để cho khỏi té.
Dầu sao trông ông cũng thiểu não vô cùng, khiến cho người chủ nợ rất đau xót, mặc dầu ông ta chỉ đòi nợ giả thôi.
Ông Hóa đi qua đi lại trong buồng khách tránh không dám nhìn kẻ bại trận nữa. Sự im lặng ở đây chỉ bị tiếng giày của chủ nhà khua động làm cho huyên náo lên thôi ngoài ra hai người không ai nói qua lời nào nữa cả.
Lâu lắm, ông Hoạch mới ngồi thẳng lên rồi thở dài nói:
Với năm trăm ngàn, tôi chỉ đủ tiền mở một hiệu tạp hóa trong xóm. Tôi mười đứa con, như anh biết, tất cả đều còn đi học. Bỗng dưng có một mớ sẽ phải đi tìm việc làm, hay ít ra cũng phải bỏ học vì cha chúng nó không đủ tiền để đóng học phí cho chúng nó...
Ông định kêu gọi lòng thương của tôi chắc. Nhưng nó chỉ là khí giới cùn của kẻ thấp chí. Thật là không xứng đáng với một người đã từng vật lộn với đời. Sao ông chịu thua số mạng sớm như vậy.
Tôi không còn ở vào tuổi chiến đấu nữa.
Tôi không tin như vậy. Riêng tôi, tôi vẫn đang chiến đấu và sẽ chiến đấu mãi.
Có lẽ anh còn đủ sức khỏe.
Ông Hóa sung sướng đến mọc ốc cùng mình. Ông nhìn nhận:
Chắc là  như vậy.
Rồi ông đứng thẳng người lên như một quân nhơn trước mặt thượng cấp, lấy một dáng bộ hùng dũng nhưng trông rất buồn cười.
Ông Hoạch mặc dầu đang rầu thúi ruột cũng muốn bật cười lên.
Ông Hóa cải lão hoàn xuân bằng lối đứng ấy xong, nói:
Cũng còn giải pháp cứu vãn tình thế của ông chớ cũng chẳng biết hết đâu, ông chớ vội rủn chí.
Xin anh mách giùm.
Rồi ta sẽ cùng nghiên cứu với nhau về giải pháp ấy. Ông xuống đây chỉ để gặp tôi hay có công việc gì nữa?
Mục đích chánh là đáp lời kêu gọi của anh. Luôn tiện tôi cũng giải quyết vài vấn đề lặt vặt ở nơi khác.
Có cần nhiều thì giờ lắm không?
Nội ngày nay là xong cả.
Vậy tôi mời ông ăn ở tại nhà tôi, nếu ông không chê tệ xá. Kể từ giờ phút nầy, ông là thượng khách của tôi.
Cám ơn anh. Nhưng trưa nay tôi phải đi ăn một bữa cơm hẹn...
Xin ông cứ tự tiện. Tối nay và những ngày sau ông ăn cơm với tôi.
Đồng ý. Nếu không còn gì nói  về món nợ thì tôi xin phép đi ngay. Chiều nay tôi sẽ trở lại vào khoảng sáu giờ rưỡi.
Sẽ mong ông vào giờ đó
Ông Hoạch đi rồi, ông Hóa trở về với lo lắng của ông. Giai đoạn đầu của chiến dịch, tuy cũng khó thi hành, nhưng cũng làm tạm xong. Ông ngại miệng quá, lúc đòi nợ một cách gắt gao và tàn nhẫn như vậy, nhưng chỉ có vài câu đầu đã là khó thốt ra mà thôi. Đã trót mở miệng thì những câu sau tuôn ra một cách tự nhiên, cho dẫu có phũ phàng hơn mấy câu khai mào nhiều.
Nhưng giai đoạn thứ nhì, giai đoạn quyết liệt mới là một cục nghẹn mà ông sẽ khạc chẳng ra mà con nợ cũng sẽ nuốt chẳng vào.
Ông Hóa giỏi tổ chức, sắp đặt nhiều chiến lược rất tài trong việc doanh thương, nhưng đối với chuyện nầy ông bối rối vô cùng vì ông thấy trước là ông sẽ rất vụng về, và e thiếu khôn khéo mà hỏng việc.
Nội cái việc tiếp khách hôm nay, ông đã nhà quê quá rồi, huống hồ chi là chuyện lớn hơn, khó hơn, tế nhị hơn nhiều.
Khi nãy, ông vì quá nôn nao thi hành chiến dịch mà quên mất hỏi thăm khách một lời về sức khoẻ hắn, về gia đình hắn, quên cả mời hắn uống một chén trà thường lệ và cổ điển trong phong tục ta.
Mà nào ông có kém xã giao như vậy bao giờ đâu. Con buôn, tuy nghĩ nhiều về tiền bạc vẫn biết thế nào là xử thế đẹp, thế mà ông đã xử thế như một kẻ thất phu.
Ông Hóa mắc cỡ quá, đưa tay lên dụi mắt để xóa hình ảnh buổi tiếp khách thô lỗ của ông rồi lại bàn viết ngồi, lấy bút giấy ra hí hoáy ghi những điều ông sẽ phải làm để rõ ra ông là con người lịch sự, hơn thế con người biết kính nể kẻ mà ông sắp phải kính nể vào hàng bề trên của ông.
Chỉ có bây giờ, tỉnh táo trí não, ông mới đủ sáng suốt nghiên cứu một tác phong đúng điệu chớ tối nay, trước mặt ông Hoạch và trước khi sắp nói ra những điều ghê gớm, ông sẽ cuống lên, không biết xử thế ra sao nữa.
Ông lại phải ghi rõ những điều mà ông nghiên cứu bây giờ chớ biết mà quên vì bối rối, ông cũng sẽ nhà quê như thường.
Ghi xong, ông lại học thuộc lòng, sẽ dượt lại nhiều bận như diễn viên sân khấu tập tuồng, kỳ cho thật thuần thục ông mới nghe cho.
Ông Hóa ghi chép:
Nài nỉ mời ông Hoạch tắm.
Cho ông Hoạch nghe mấy dĩa nhạc mới nhứt.
Trong lúc nghe nhạc cho ông Hoạch uống khai vị.
Tặng ông Hoạch hai hộp xì gà La Havane.
Gởi tặng bà Hoạch hai lọ nước cốt Chanel.
Gởi tặng các con ông Hoạch hai mươi hộp kẹo ngoại quốc.
Giải thích vì sao mà tặng sớm thế chớ không đợi ông Hoạch lên đường về Ban Mê Thuộc mới tặng.
Mời ông Hoạch đi ăn cơm ở hiệu Diamond...
Nhưng trước khi đến hiệu, đưa ông ấy ghé thăm bà Lữ (đã có xin hẹn trước).
Viết tới đây ông Hóa mỉm cười đắc chí và ông sung sướng vô cùng khi nghĩ đến người đàn bà ấy.
Bà Lữ nhũ danh Lê Thị Ngọc là góa phụ của kỹ nghệ nghệ gia Nguyễn Văn Lữ.
Bà ấy năm nay đã bốn mươi rồi nhưng trẻ như ba mươi và đẹp có tiếng trong giới phú hào Sài Gòn.
Ông Hóa chỉ nói một tiếng thôi là được ngay người góa phụ triệu phú nầy. Nhưng ông ta không nói, vì không nghe có hứng nói. Giờ ông đã có hứng rồi, nhưng lại muốn nói lời đó với người khác.
Ông Hoạch sẽ được dịp thấy sự giàu sang của bà Lữ, nhứt là thấy sự thân mật giữa bà Lữ và ông Hóa, sẽ thấy tình cảm nồng nhiệt của bà Lữ với ông Hóa, và sẽ thấy quí trọng mối tình của ông Hóa đối với... một người khác, vì so sánh thấy ông Hóa có thể được của quí mà không màng, chớ không phải ông là kẻ không còn đường đâu.
10) Họ đi ăn cơm.
11) Họ lại đi xi nê.
Sau đó ông Hoạch sẽ trằn trọc, sẽ băn khoăn tự hỏi sao chủ nợ không hề đá động đến món nợ. Ông ta sẽ ngủ không yên.
°
°
Sự việc xảy ra theo đúng chương trình mà ông Hóa đã thảo, đúng từng chi tiết một. Chỉ có cuộc viếng thăm bà Lữ là không đúng lắm, không phải vì có sự sai lạc nào, nhưng vì ông Hóa không biết bà Lữ sẽ tiếp khách ra sao nên không tưởng tượng ra được cuộc hội kiến ấy, chỉ ghi tổng quát là: trước khi đến hiệu ăn, ghé thăm bà Lữ.
Không đúng vì xảy ra nhiều chuyện lặt vặt bất ngờ, không thể tiên đoán.
Bà Lữ thấy ông Hóa lần đầu tiên đưa bạn đến, ngỡ ông ta đã quyết định xong, muốn hỏi thêm ý kiến của bạn trước khi tỏ tình hoặc muốn khoe với bạn chăng, nên bà mừng quá sức, mừng quýnh quáng và thân mật với khách hơn thường lệ.
Còn ông Hoạch thì thấy thế lại ngỡ họ sắp cưới nhau nên ông mừng. Ông đoán rằng ông Hóa sẽ được hạnh phúc với người đàn bà nầy, và khi con người được hạnh phúc, họ sẽ dễ dãi ra.
Nếu ông đánh cù cưa được tới ngày đám cưới, thì sau đó dễ khất nợ lắm.
Mặc dầu thế, ở rạp xi nê ra, về nhà ăn thêm một bữa “súp bê” rồi lên buồng ngủ, ông Hoạch cũng băn khoăn như ông Hóa đã dự tưởng, tự hỏi sao mà chủ nợ bỗng nhiên lại tử tế đến thế, làm như quên mất vụ đòi nợ, làm như đó là hai người, kẻ đã tiếp ông khi là sáng một tay trọc phú keo kiệt, rồi tối lại là một người bạn tốt.
Ông Hóa đã hỏi thăm từng đứa con của ông, đi từ dưới lên trên, bắt đầu từ đứa út mới lên năm.
Ông Hóa đã hỏi đùa:
Có thật là út hay không?
Đôi bạn già cười xoà với nhau rồi ông Hoạch than:
Cha già con muộn, không biết khi nó lớn lên, tôi sẽ còn sống hay không, để lo cho nó.
Kế đến thằng bảy tuổi được săn sóc tới, rồi con chín tuổi con mười một tuổi v,v...
Nhưng ông Hóa chỉ hỏi thăm có chín đứa thôi mà quên mất trưởng nữ của ông Hoạch, khiến ông ta hơi giận bạn. Thường thì các ông cha bà mẹ hay hãnh diện về những đứa con đã trưởng thành của họ, phương chi người trưởng nữ ấy lại là một đứa con gái đặc biệt hết sức mà vào bất kỳ trường hợp nào, vợ chồng ông Hoạch cũng mang ra khoe, như dân tộc Pháp khoe cái tháp Eiffel của họ, dân Ai Cập khoe Kim tự tháp, dân Hoa Kỳ khoe thác Niagara.
Ông Hóa đã sống một đêm như con người chớ không như cái máy đếm tiền. Ông biết vui khi nghe kể tánh tình nghịch của trẻ con, ông biết cảm động lúc ông Hóa ám chỉ xa gần tới nếp sống thắt lưng buộc bụng của ông, mà lắm trẻ thèm kẹo nhưng không được hưởng.
Rồi ngày mai sẽ ra sao! Ông Hóa tự hỏi: Cái máy đếm tiền sẽ xua con người đi để ngự trị giữa phòng việc, để hăm dọa sai áp măng đa nữa hay chăng?
Không ngủ được, ông Hoạch bước xuống giường đi lại cửa sổ hóng mát. Thấy dinh cơ đồ sộ của ông Hóa, ông Hoạch hơi tiếc rẻ. Ông Hóa không có người thừa kế thì sự nghiệp nầy...
Rồi ông tủi thân mà nghĩ tới mười đứa con của ông, chúng nó sẽ ra rơm, nếu chi phiếu bị sai áp.
Con gái thì ông Hoạch không thương xót lắm. Chúng nó đứa nào cũng đều đẹp cả, đều có thể lấy chồng khá. Chỉ tội cho đám con trai, không thể ăn học tới nơi tới chốn.
Nhìn những tảng đá dựng dưới sân để làm cảnh, chở từ bên Nhựt về, mỗi tấn tốn hao bảy tám vạn bạc, ông Hoạch tủi thân quá, sa nước mắt dầm dề.
°
°
Ông Hoạch trưởng giả hơn ông Hoá nên dậy thật trưa. Lúc ông mở mắt ra nắng mai đã chiếu nghiêng vào cửa sổ tức là mặt trời đã lên cao.
Thế mà ông cứ nằm đó, lười dậy ngay. Ông nhìn cái bụng bự của ông mà buồn cười. Đã mấy mươi lần ông toan tập thể dục cho mất bụng, nhưng lần nào cũng không đủ can đảm. Ông đã trốn sau luận điệu nầy: “Chậc! Đã sắp làm ông ngoại rồi thì có bụng mới oai chớ!”
Bấy giờ ông ngạc nhiên và nhớ ra hình dáng rất thon của ông Hóa, bạn đồng niên với ông.
Ông Hóa đầu cũng đã hoa râm, đó là một tai hại không ngăn được, nhưng hồng hào lắm và tướng đi điệu đứng rất thể thao.
“Có lẽ nó thành công mãi nhờ thế chăng?” Ông Hoạch tự hỏi rồi tự đáp: “Ừ, có thể là như thế lắm. Nó còn đủ sức khoẻ nên còn đủ khả năng vật lộn với đời.”
Nghe cuộc sống náo nhiệt dưới đường, ông Hoạch bắt buộc phải dậy để qua buồng bên rửa mặt.
Khi ông xuống dưới nhà thì thấy ông Hóa đã ngồi sẵn tại bàn viết tự hồi nào rồi. Ông ta cười hỏi:
Ông ngủ yên giấc chớ?
Cám ơn, lạ nhà nên hơi khó nhắm mắt. Nhớ mấy đứa nhỏ quá.
Ông Hóa hối người nhà dọn bữa ăn lót lòng ra và dặn có ai hỏi, dầu có việc cấp bách đến đâu, cũng nói ông đi vắng.
Người thư ký riêng của ông, không rời ông phút nào, cũng được cho ra sau ăn sáng và cho nghỉ việc suốt ngày, tùy ý muốn đi chơi đâu thì đi, nhưng không được trở về nhà trước bảy giờ tối.
Bữa ăn thật lặng lẽ mà tiếng nhai bánh mì của đôi bạn già nầy vang lên rõ mồn một trong không khí im lặng của phòng giấy một ngôi nhà gần như hoang vu.
Ăn xong ông Hóa mời khách lại nằm trên chiếc ghế bành da to tướng và ông cùng nằm trên chiếc thứ nhì đặt cạnh đó.
Mỗi người ngậm một điếu xi gà to bằng ngón chân cái và cả hai đều làm thinh mà nhìn những khoanh khói tròn từ từ bay lên trần, ông Hóa chưa biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào, ông Hoạch đợi chờ chủ nợ quyết định số phận của ông.
Hai người nằm cạnh nhau, trò chuyện với nhau dễ dàng nhưng không trông thấy nhau. Ông Hóa đã cố ý sắp đặt như vậy, vì ông rất sợ gặp đôi mắt của con nợ.
Lâu lắm, lúc điếu xì gà của ông cháy còn phân nửa, ông chủ nhà mới hỏi:
Ngươi trường nữ của ông năm nay được mấy mươi?
Ông Hoạch thấy làm kỳ cho chủ nợ nầy lắm. Đêm rồi hỏi thăm cả nhà mà lại bỏ quên con bé Minh yêu quí của ông. Giờ sắp đòi nợ lại đột nhiên săn sóc tới đứa ấy.
Năm nay cháu nó đúng hai mươi.
Cô ấy học ở đâu, thưa ông.?
Lần nầy, ông Hoạch không ngạc nhiên. Đáng lý gì người bạn cũ nầy phải gọi cho con bé Minh là “cháu Minh” chớ không phải “cô ấy” nhưng hắn đã làm mặt lạ để dễ đòi nợ thì cô ấy là ổn.
À, nó đậu Brevet hồi mười bảy tuổi còn ở Sài gòn, như anh đã biết, rồi thì theo tôi lên trên ấy, không đi học nữa.
Đã có nơi nào gấm ghé chưa, thưa ông.
Ối lu bù. Nhưng đáng kể chỉ có hai người: một vị bác sĩ quân y trên ấy và một vị thiếu tá trẻ tuổi, cũng trên ấy.
Cô ấy chọn ai, thưa ông?
Nó không chọn ai mới phiền. Nó bảo nó không yêu họ. Con gái đời bây giờ thật rắc rối.
Điếu xi gà của chủ nhà đã tắt, nhưng ông ta không buồn đốt trở lại. Ông ta nhai nát cả đuôi thuốc, và làm thinh.
Ông khách cũng không đốt lại điếu thuốc tắt của ông. Ông bực mình vì lo sợ mà chủ nợ cứ chưa chịu nhập đề để ông biết số phận của ông ra sao. Ông lại lấy làm kỳ cho chủ nợ, câu hỏi nào cũng có cái đeo ngoài sau: “thưa ông” cả:
Cô ấy học ở đâu, thưa ông?
Cô ấy đã có nơi nào gấm ghé chưa, thưa ông?
Cô ấy chọn ai, thưa ông?
Đôi bạn già nầy, cộng chung tuổi tác lại thì được một thế kỷ và mười năm lẻ, mỗi ông vừa đúng năm mươi lăm. Nhưng ông chủ nợ, mặc dầu trên chơn, vẫn tỏ ra kính sợ con nợ, còn con nợ mặc dầu to lớn, bụng bự, vẫn tự ti mặc cảm.
Họ nằm cạnh nhau và mỗi người nghĩ khác nhau và nhứt là mỗi người đều thủ thế.
“Một thế kỷ đã trôi qua rồi chăng” con nợ sốt ruột tự hỏi, vì y thấy lâu quá mà chủ nợ không chịu hô cái lịnh khủng khiếp: “Hãy xuống dao đi!” cho tên đao phủ vô hình đưa ông ta sang thế giới bên kia.
Vâng, ông xem chủ nợ như là ông tướng giám sát cuộc hành quyết ông hôm nay. Ông chết hay sống gì cũng ở trong tay ông tướng nầy cả.
Nhưng kìa, chủ nợ đã chịu mở miệng. Hắn nói:
Cũng còn giải pháp tốt lành cho khó khăn của ông, chớ cũng như chưa đến nỗi tuyệt vọng đâu.
Ừ, tôi chờ đợi anh mách cho giải pháp ấy.
Chẳng hạn như có ai chịu giúp ông số tiền ấy.
Ông Hoạch cười ha hả mà rằng:
Anh tính còn ma nào dám giúp kẻ đang xuống nữa! Anh là người tốt cuối cùng mà anh đã thôi tốt thì tôi chỉ còn nước chết thôi.
Còn chớ lẽ nào không. Nếu không tìm ra người tốt thì tìm người bạn vụ lợi vậy.
Tôi thật đã đến nước không còn gây lợi cho ai được nữa cả.
Tôi tin là ông còn. Chẳng hạn như giúp nhau điều gì có qua, có lại, ông ban cho họ ân huệ gì đó rồi họ có thể tặng không cho ông bốn triệu bạc như chơi.
Ông Hoạch lại cười ha hả:
Tôi có phải làm quan to đâu mà ban ân huệ, mà ký một cái giấy là người ta mang ơn bằng bạc triệu.
Không quan to, là thường dân, là cùng đinh đi nữa, cũng cứ ban ân huệ to được như thường.
Tôi thật không hiểu.
Chủ nợ lại bắt con nợ đợi chớ không chịu giải thích ngay. Mỗi lần ông ta muốn mở miệng để nói là mỗi lần tim ông ta đập mạnh, máu dồn lên mặt ông ta khiến ông ta nghẹn và ngộp như khi trao lời lần đầu tiên với một người con gái thuở ông ta còn thiếu niên.
Ông Hoạch ơi!
Gì a anh?
Đôi bạn không trông thấy nhau nên ngươi nầy phải gọi lại cho người kia sau một hồi im lặng, sợ người kia ngủ gục chăng?
Ông có thể ban ân huệ, ân huệ của ông đáng giá gấp hai, gấp ba số tiền đó.
Anh làm tôi sốt ruột quá. Nếu anh không nhạo báng tôi, không gạt cho tôi hy vọng nhiều để rồi khổ nhiều thì anh cứ nói phứt đi cho rồi.
Như thế nầy... chẳng hạn như có một người muốn xin cưới con ông và lễ cưới, ngoài nữ trang thường lệ và thêm vào đó phẩm vật đặc biệt là số tiền kia thì ông nghĩ sao?
Ông Hoạch hoàn toàn tuyệt vọng và rất giận kẻ đối thoại đã làm ông mừng hụt. Ông xẵng giọng:
Đời nầy nhan nhản chỉ có bọn đào mỏ. Những kẻ đang gấm ghé con tôi cũng thuộc vào loại ấy thì điều mà anh vừa nói chỉ là tiểu thuyết dự tưởng là thôi.
Thì ông cứ thí dụ như là chuyện ấy có thật đi mà, để cho biết ý kiến.
Nhưng tại sao người ấy lại dại đến thế mà cưới vợ mắc tiền như vậy. Tôi có đòi hỏi vô lý như vậy đâu?
Ông không đòi hỏi nhưng tự người ta tình nguyện nạp sính lễ to vì người ta thấy con ông xứng đáng được quý trọng.
Tôi sẽ hồ nghi nếu có người đề nghị như vậy, vì một là họ điên, hai là họ âm mưu cái gì.
Nếu người ta kém cỏi quá và định bù chỗ kém cỏi của người ta bằng sính lễ, ông còn hồ nghi hay chăng?
À ra thế? Nhưng anh ấy phải cụt cả hai giò mới bù nhiều như vậy. Nhưng nếu thế thì con tôi lại không ưng lấy hắn dầu lấy hắn có bù hai chục triệu đi nữa.
Ông Hóa đã bước tới trước then chốt của câu chuyện. Chính cái sự kém sút ấy là then chốt giúp ông mở được cánh cửa hay không, tùy bên kia nghĩ sao về then chốt đó.
Có những điểm kém sút thật là quá kém sút, đối với người nầy, nhưng không hẳn là kém đối với người kia. Chẳng hạn như đối với một bà cụ, một thiếu nữ xinh đẹp kinh hồn mà không biết nấu canh chua thì thiếu nữ ấy chỉ đáng vứt đi thôi. Chẳng hạn như đối với vài cô gái, một chú rể tương lai giàu sang nhưng kém học thì chẳng hy vọng gì đâu.
Ông Hóa làm thinh rất lâu rồi nói:
Kể ra thì cụt cả hai giò cũng không hẳn là chướng ngại lớn cho lắm, vì cái anh cụt giò còn có thể tháp giò giả mà ngày nay người ta chế tạo rất khéo trông cứ như là giò thật. Nhưng thật ra cái gì cũng tương đối và cũng tùy lối thấy của đương sự cả.
Thật là khó nói, cái điều mà tôi sắp nói ra đây, vì con người nhiều thành kiến lắm. Tuy nhiên không thể bắt ông đợi mãi, tôi phải cố gắng mà..để...để... Ông nè, nếu như mà chính tôi cầu hôn thì tôi sẽ có hy vọng hay không?
Ông Hóa đợi rất lâu vẫn không nghe người nằm khuất trong chiếc ghế bành bên cạnh đáp gì cả. Ông đã sợ hãi phải nghe người ấy phản đối, chớ không dè rằng hắn đang chết sững như vừa bị một tiếng sét.
Quả ông Hoạch choáng váng người như bom nổ bên tai.
Nhưng chính nhờ vố đánh thôi sơn nó làm ông chết lặng ra đó mà ông đủ thì giờ suy luận trước khi nổi giận, và suy luận xong, ông không nổi giận được nữa.
Tham vọng của ông Hóa, theo ông Hoạch nghĩ, thật không hề phạm đạo đức hay làm rối trật tự xã hội. Như vậy, không trách cứ ông ấy vào đâu được cả. Ông ấy cũng không có dùng áp lực bao giờ, bằng vào lối hỏi: “... tôi sẽ hy vọng hay không?”
Sự đòi tiền ráo riết có thể xem là một áp lực thật đó, nhưng xét cho kỹ thì không đúng. Ai ở vào địa vị ông Hóa cũng đã đòi nợ ráo riết như vậy vì con nợ đã thất hứa về tiền lời, còn về cái vốn nợ lại cũng quá hạn phải trả gần nửa năm rồi.
Đây là một sự đổi chác, nếu trắng trợn xét việc, chỉ có thế thôi không hơn, không kém. Mà người đời ai lại không đổi chác chớ?
Một anh đỗ bằng cấp cao, đi hỏi vợ giàu. Cô cậu ấm lại không đổi chác bằng cấp và của hồi môn à?
Mông xừ Hóa, “vu” đã nghĩ kỹ rồi chớ?
Ông Hoạch dùng tiếng Pháp mà hỏi bạn, và thôi gọi ông Hóa bằng anh nữa.
Ông Hóa rất mừng mà được nói chuyện bằng tiếng ngoại quốc, đỡ ngượng miệng hơn.
Vâng tôi đã nghĩ rất kỹ.
Mục đích gì?
Tôi muốn tục huyền, có gì lạ đâu.
Cố nhiên là không có gì lạ. Nhưng sao lại hy sinh nhiều thế?
Ấy, đã bảo con người nhiều thành kiến. Sự cao niên của tôi, trong xã hội Việt Nam hiện tại, có thể bị xem là một sự kém sút đối với thành kiến của thiên hạ; phải được bù bằng một hy sinh như vậy.
Nhưng nếu hy sinh ấy vẫn không lung lạc được tâm hồn của con Minh thì sao? “Vu” nên nhớ rằng ta bằng tuổi nhau, tức năm mươi lăm...
Ông Hóa vội cãi:
Không ông lớn tuổi hơn tôi, ông năm mươi sáu.
Được, tôi lớn tuổi hơn “vu”. Nhưng con Minh nó chỉ mới có hai mươi thôi, tức nó trẻ hơn “vu” đến ba mươi lăm tuổi.
Tôi cưới vợ chớ có kiếm nhơn tình đâu mà ông muốn ám chỉ đến tình yêu. Minh là một cô gái có giáo dục, tôi tin là cô ấy sẽ tròn bổn phận làm vợ, bấy nhiêu đó là đủ cho tôi lắm rồi. Còn tình yêu có thể đến sau, hoặc không đến cũng được.
Vả lại hy sinh ấy không phải để cho Minh. Minh sẽ hưởng trọn tài sản của tôi, nhiều gấp hai mươi lần tiền ấy.
Hy sinh đó là để tặng ông.
Vu, muốn làm áp lực đối với tôi để chính tôi lại làm áp lực đối với con tôi?
Ông thương thì xem đề nghị của tôi là hợp lý, bằng ghét, thì xem là nó áp lực, tôi không thể đặt ảnh hưởng trên lối nghĩ của ông. Tùy ông liệu định.
Nếu tôi từ chối, vụ đòi nợ nầy sẽ ngã ngũ ra sao?
Thú thật với ông là tôi chỉ đòi nợ để làm áp lực thôi. Nhưng nếu ông từ chối, tôi sẽ rút lời cầu hôn lại, và giữ nguyên tình trạng cũ, tức là không làm gì ông cả, hoặc tuyên bố ông có thiện chí nhưng không trả nợ được, để rồi tặng luôn ông số tiền ấy, trước pháp luật.
Ông Hoạch lại chết lặng một lần nữa, cái nầy mới kỳ lạ hơn là lời cầu hôn khi nãy nữa. Bỏ ra bốn triệu để cưới vợ thì chỉ điên hơi hơi thôi, chớ còn cho không một kẻ người dưng bốn triệu thật mất trí đứt đi rồi.
Ông Hoạch là người tốt, thường nghĩ tốt cho người khác. Ông lại nghĩ kỹ và thấy rằng ông Hóa không điên. Thế nên ông kết luận: Ông Hóa tốt.
Ông đứng dậy, chìa tay ra để bắt lấy tay ông Hóa nói:
Cám ơn, cám ơn nhã ý ấy. Tôi thật không biết nói sao để...
Bây giờ hai người đàn ông mới thấy mặt nhau. Ông Hóa hơi ngượng nhưng trước sự thành thật của ông Hoạch, ông trở lại được như thường và nói:
Xin ông đừng ngỡ tôi tốt...
Tôi tin chắc rằng ông tốt, vì thế mà tôi cố gắng thuyết phục con tôi!.
Ông Hóa muốn nói: “Ông đừng ngỡ tôi tốt, chẳng qua là thằng thư ký ruột của tôi nó bày mưu cho tôi biếu không ông số tiền ấy, vì tôi cho ông vay số tiền ấy có sổ sách nhà nước biết và nếu ông giựt, tôi không là chủ nhơn của bốn triệu bạc có sanh lời, tức khỏi phải chịu thuế”. Nhưng ông Hoạch đã làm ông mất hứng nên ông thôi luôn.
Về Ban Mê Thuật, ông Hoạch không có thuyết phục gì ai hết. Đó là công việc của bà mẹ. Ông cha chỉ biết hò hét, đập bàn dập ghế mà không đi tới đâu cả. Ông Hoạch không ép duyên con được nên ông để cho bà dỗ dành Minh.
Bà Hoạch không biết có phải là cháu tám mươi đời của Trương Nghi, Tô Tần, hay không mà bà chỉ bỏ ra có mười lăm ngày là thành công.
Đề nghị cho không bốn triệu của ông Hóa nếu chẳng cưới vợ được cũng cho luôn, ông Hoạch giấu nhẹm, không cho vợ biết. Vì thế mà bà quá sợ phá sản nên đã quýnh lên, vận dụng tất cả tài biện luận của bà để Minh nghe lẽ phải. Lẽ phải đó là thế bí, thế cùng của ông Hoạch. Nếu bị chụp chi phiếu là không còn có vượng trở lại được, tức không thể chuộc nhà, và chủ nợ thứ nhì sẽ xin khánh tận ngôi nhà còn sót lại dưới Sài Gòn. Đầu hôm sớm mai, ông Hoạch sẽ trở lại giai đoạn hai bàn tay trắng của thuở hai mươi.
Lẽ phải đó là mấy đứa em trai của Minh mà Minh rất thương yêu. Chúng nó học rất xuất sắc và ông Hoạch có tham vọng để chúng nó đi luôn tới đại học, nếu được đại học ngoại quốc thì càng hay - theo ý ông - chắc chắn là chúng nó sẽ không tiếp tục được nếu ông Hoạch nghèo  thình lình.
Trong gia đình ông Hoạch, từ bao đời rồi, và cả từ thế hệ của ông là thế hệ được tiếp xúc với Tây phương, cá nhân chủ nghĩa bị xem là ngụy thuyết và luôn luôn đức tính hy sinh cho gia đình cho bà con dòng họ được đề cao.
Minh được giáo dục trong khuôn khổ đó, thành thử bà Hoạch thành công, không phải là chuyện đáng ngạc nhiên cho lắm.
Hai tuần lễ đó là hai tuần lễ bồn chồn của ông Hóa. Ông nóng như bị lửa đốt nhưng không làm sao được vì lúc chia tay, ông Hoạch có khuyên ông nên bền chí, bởi đó là một việc khó khăn tày trời, không muốn mau mà được.
Ông Hoạch đã cho một thời hạn là một tháng nhưng mới có một tuần, ông Hóa đã bắt đầu mong đợi.
Con nợ là kẻ lắm ưu thế, vì chủ nợ hứa hủy nợ, cho dầu hôn nhơn không thành đi nữa, tuy nhiên hắn vẫn lo và nóng lòng y như chủ nợ.
Ông Hoạch thấy rằng ông không thể nhận không món quà đế vương ấy - vì thế ông mới giấu vụ hủy nợ vô điều kiện với vợ ông, mà nhận với sự gả bán, ông chỉ hy vọng mong manh.
Thường thì cái gì không dám mong lại hay được. Ông Hoạch được lời hứa ưng thuận của con, còn ông Hóa thình lình cũng được một cuộc viếng thăm bất ngờ.
Thấy mặt ông Hoạch vui tươi, ông Hoá mừng đến muốn run lên, nhưng cố nén lòng vì sợ phải thất vọng.
Ông Hoạch đến để báo tin mừng và để nói có mỗi một điều thôi mà ông cho là rất quan trọng. Giờ ông kêu ông Hoá bằng “toa”.
Nó bằng lòng, nhưng với điều kiện nầy, “toa” nên nghĩ là nó báo trước sẽ không yêu “toa”.
Cũng chẳng sao - Ông Hóa thật tình chớ không phải nói gượng. Đó là sự dĩ nhiên.
Chính vì dĩ nhiên mà nó lại đặt thành vấn đề rõ rệt nên “mỏa” mới lo. “Mỏa” càng lo hơn là nó không chịu định nghĩa rõ hai tiếng “không yêu” ấy là thế nào?
Nhưng cô ấy hứa làm bổn phận một người vợ chớ?
Cố nhiên là nó hứa. Nhưng hai tiếng không yêu có thể chỉ là... không yêu mà thôi, mà cũng có thể hàm những ý khác mà hậu quả không thể lường được.
Tôi không sợ.
“Toa” đừng có quyết định càn. Nếu nó phản bội toa, toa khó lòng mà trách cứ nó vì phản bội là hậu quả dĩ nhiên của sự không yêu.
Tôi biết tự vệ.
Tùy “toa”. “Mỏa” rất lo cho “toa” và lương thiện mà lưu ý “toa” về điểm nguy hiểm ấy.
Tôi chịu trách nhiệm về quyết định của tôi.
“Mỏa” thì không dám nhận trách nhiệm nào cả.
Đồng ý.
Ông Hoạch không định ở lại, toan về ngay bằng chuyến xe đò Kontum chạy bốn giờ chiều. Nhưng ông Hóa cầm khách để thảo luận về chi tiết cuộc hôn nhơn kể như xong đoạn đầu.
Thưa ông - Ông Hóa đã lễ phép nhưng chưa xưng hô  theo kẻ đã vào vòng - Thưa ông, tôi xin cưới gấp có được hay chăng?
Bao lâu nữa sẽ làm lễ cưới mà gọi là gấp?
Chẳng qua tôi sợ cô Minh đổi ý chớ không có mục đích nào khác hết. Tôi xin cưới trong tháng nầy, hôm nay là mồng bốn, độ cuối tháng thì tiện lắm.
Không có gì trở ngại, nhưng nếu không chuẩn bị kịp cho hạ tuần tháng nầy thì thượng tuần hoặc trung tuần tháng tới, chắc cũng chẳng muộn lắm chớ?
Thưa không muộn lắm. Và tôi xin cưới, hỏi một lễ thôi.
Cũng dược.
Thưa ông, có thể nào gia đình ông về Sài Gòn để...
Trời, “toa” muốn “mỏa” về Sài Gòn rồi ở đâu?
Tôi mua cho gia đình ông một biệt thự.
Kể ra thì toa cũng tốt bụng lắm đó. Nhưng nghĩ lại không được. “Mỏa” đã hủy hết các mối giao thiệp của “mỏa” ở Sài Gòn - trừ người Tàu - vì lũ bạn cũ đã khinh miệt “mỏa” khi “mỏa” xuống chơn. Đồng thời “mỏa” gây tình quen biết trên ấy. Từ đây “mỏa” sống với người trên ấy chớ không phải người dưới nầy. Như vậy làm đám cưới ở đây không có nghĩa gì cả.
Nhưng nếu có tiền trở lại, ông lại được lũ nó kính và ông trở lại sống với lũ nó.
“Mỏa” chán ghét bọn trở cờ ấy lắm rồi và quyết sống với người trên Ban Mê Thuột thôi. À nè, đám cưới con Minh, “mỏa” làm rình rang đa nghen, một là vì đó là đám cưới của đứa con đầu lòng, gia đình nào được cưới gả lần đầu cũng sung sướng và muốn làm lớn...
Chánh đáng lắm.
Như vậy dưới nầy phải lên cho thật đông, ít nhứt là hai mươi xe, không cần mang lễ vật gì cả cho nhọc vì đường xa, chỉ phải đông thôi.
Quan sát ông Hóa, thấy ông ta sợ hãi, lo lắng và cứ lặng thinh, ông Hoạch hỏi:
Toa nghĩ thế nào, nhận điều kiện ấy chớ?
Thưa... ơ... hơ, tôi định rước dâu bằng máy bay cho nhanh. Như vậy không thể lên đông. Vả lại tôi đi cũng bất tiện lắm lắm ơ... hơ... thưa... tôi định xin ở trển ơ... hơ... đưa giùm dâu xuống đây...
Ông Hóa chưa nói dứt câu, chợt giựt mình nghe ông Hoạch vỗ bàn kêu lột cái rầm.
Lần nầy ông nổi giận và dám nổi giận, không phải vì ông gần thành bố vợ mà làm oai, mà vì những lời của ông Hóa, ông nghe thật trái tai.
Bộ tưởng “toa” là vua hay sao chớ? Dầu sao “toa” cũng phải làm nở mặt cho gia đình “mỏa” chớ có đâu lại bắt “mỏa” hành động như là đưa con đi cống Hồ vậy.
Không, nhứt định là không! Cho dẫu phải sạt nghiệp, “mỏa” cũng cương quyết từ chối của “toa” nếu “toa” không chịu lên trên ấy rước dâu. “Mỏa” đã bảo “mỏa” giao thiệp lại trên ấy, chớ không phải sống cô độc trong gia đình “mỏa”. Như vậy “mỏa” không thể mang xấu với người chung quanh.
Cuộc ngoại giao đêm ấy lâm vào ngõ bế tắc. Ông già năm mươi lăm mà phải đi rước dâu thì phiền lắm, nên ông già ấy sợ là phải. Hơn thế là phải đi bằng xe hơi một quãng đường rất dài, ứ hự là mệt mỏi.
Dầu sao, ông Hóa cũng không ỷ lại vào lễ cưới bốn triệu của ông. Ông ngỡ bốn triệu bạc giúp ông cưới được gái hai mươi, tại sao nó không giúp ông hưởng ngoại lệ về nghi lễ cưới xin.
Các bậc vương đế đã được hưởng ngoại lệ, thì một kẽ chịu bỏ ra bốn triệu sao lại không được hưởng?
Vì suy luận như vậy mà ông hờn ông bố vợ tương lai và không thèm thảo luận nữa.
Thấy chú rể hờ cứ im lặng có bộ bần dùng, ông Hoạch cũng phát ghét nên bỏ đi ngủ.
Nhưng cả hai đều là tay doanh nghiệp chớ không phải nghệ sĩ. Họ thực tế như các nhà ngoại giao, biết dẹp tình cảm riêng lại để nghĩ đến quyền lợi, và tới phút chót của cuộc đổ vỡ nào, họ cũng nỗ lực thử tìm giải pháp để cứu vãn  tình thế.
Đêm ấy cả hai tay lái buôn đều cố gắng tìm một thỏa hiệp lưng chừng giữa hai ngoan cố, đúng theo nguyên tắc thương mại và chánh trị.
Nhưng mặc dầu bao nhiêu thiện chí của ông; ông Hoạch cũng chẳng nghĩ ra được gì cả. Gia đình ông nô lệ  phong tục cổ truyền, nhứt là bà, biết quí trọng lễ nghĩa và nghi lễ hơn là một ngôi biệt thự mà ông Hóa sẽ phải mua cho ông nếu ông chịu cho cử hành hôn lễ tại Sài Gòn.
Gia phong ấy không cho phép ông nhượng bộ trong vụ nầy mà ông thấy rằng ông chỉ đòi hỏi những điều tối thiểu mà thôi.
Riêng ông Hóa đã tìm được một giải pháp thỏa hiệp hồi hai giờ khuya. Ông không chắc ông Hoạch sẽ chấp thuận giải pháp đó, nhưng ông cũng tạm yên lòng được với sáng kiến đã tìm thấy trong bóng tối của đêm dài, và nhờ thế mà ông ngủ yên được tới sáng.
Các tay ngoại giao không hề hờn giận nhau sau những trận xô bàn đá ghế, la hét om trời, mắng nhau chửi nhau nữa. Các con buôn cũng thế.
Sáng ra, họ rua với nhau và trò chuyện vui vẻ như thường trước bàn ăn, và suốt bữa lót dạ, họ chỉ nói chuyện học hành của con cái, ông Hóa lập chương trình đưa mấy đứa em vợ tương lai đi du học phương, xa, và ông Hoạch rất hài lòng về chương trình đó.
Xong bữa ăn, chủ nhà mời khách bước qua ghế bành mà nằm, không quên tống cổ chàng thư ký riêng ra khỏi phòng nầy.
Thưa ông, ông Hóa khơi chuyện trước, tôi nghĩ không nên để cho đại sự gãy đổ vì một chi tiết nhỏ nhặt.
Cố nhiên, ai lại bậy thế. Nhưng “mỏa” chỉ đòi hỏi quyền lợi tối thiểu thì không thể nhượng bộ được.
“Toa” thử tưởng tượng sự bất bình của bà nội nó, hiện ở trên với “mỏa”, với lại của bên ngoại nó, cũng sẽ có mặt ngày cưới, nếu chú rể không thèm đến, coi bên vợ không ra gì hết.
“Mỏa” sẽ ăn làm sao nói làm sao với bên ngoại sắp nhỏ và với chính mẹ của “mỏa”?
-  Vâng, ông chánh đáng lắm, còn tôi thì cũng... ơ... hơ... cũng có thiện chí nhưng bị một trở ngại thật lớn lao mới có thái độ không biết điều như vậy. Thôi thì mỗi  bên cố gắng một chút là được.
Ừ, “mỏa” sẵn lòng cố gắng, nhưng cố gắng thế nào?
Thưa ông, trên ấy không ai biết tôi cả...
Ừ, rồi sao?
Tôi cũng chẳng còn cha mẹ...
Ừ “mỏa” nóng nghe đề nghị mới của toa lắm.
Như thế nầy: một thanh niên sẽ trá hình làm Lê Văn Hóa, cùng với họ đàng trai đông đảo, gồm toàn là bà con ruột thịt của tôi, để khỏi lậu sự, thay tôi lên rước dâu.
Chỉ có ông bà và cô dâu biết sự thật thôi thì tôi nghĩ sẽ tốt đẹp như thường. Đường xa, không ai ham đưa dâu mà lo bị lộ tẩy, và trong đoàn đưa dâu chỉ có ông bà mà thôi.
Hôn thú sẽ lập ở Sài Gòn, cái đó không pháp luật nào ngăn cản.
Thưa ông, tôi nghĩ rằng và hơn thế, tin chắc chắn rằng cô Minh sẽ hài lòng lắm. Một thanh niên thay tôi, sẽ làm cô Minh đỡ ngượng.
Ông Hoạch làm thinh rất lâu, sau đề nghị thỏa hiệp của chú rể kỳ dị rồi nói:
Thật là kỳ đời. Rể và dâu chênh lệch lớn về tuổi tác thì mỏa đã thấy rất thường, nhưng mà sai người trá hình đi rước dâu thì thật chưa nghe nói.
Thưa ông, chưa ai làm, không phải là cái cớ ngăn mình làm.
Đành là thế nhưng cũng dị kỳ.
Cho là dị kỳ đi nữa nhưng chỉ dị kỳ đối với những người biết câu chuyện trá hình ấy thôi, mà không ai biết cả thì khỏi ngại. Hơn thế, cô Minh sẽ bằng lòng.
Nó bằng lòng.
Vâng, cô ấy sẽ bằng lòng lắm. Ông thử hình dung ra... ơ... một chú rể như tôi...
Ừ, chắc nó sẽ bằng lòng. Nhưng dầu sao “mỏa” cũng phải thảo luận lại với gia đình “mỏa” và dọ xem coi trong đám tân khách của “mỏa”, có ai biết “toa” hay không. Lê Văn Hóa thương gia ở Sài Gòn... ừ, xem họ đã biết mặt mũi ông Lê Văn Hóa ấy hay chưa.
Cố nhiên là ông phải thảo luận lại. Nhưng nếu ông đồng ý với tôi, xin ông cố gắng để thuyết phục gia đình vào điểm ấy.
Ông Hóa có hai chiếc Mercédès. Ông tặng luôn ông Hoạch một chiếc để ông nầy làm chơn về trên ấy với lại để sau có xe mà đưa dâu.
Ông Hóa không cho mượn tài xế, và hôm rước dâu, chiếc xe nhà của ông, ông sẽ mượn tài xế lạ lái rồi cho hắn nghỉ liền ngay lúc dâu rể về tới Sài Gòn. Phải bớt nhơn chứng chừng nào hay chừng nấy, và nhứt là người tài xế lái xe rước dâu phải không biết sự thật. Hắn mà xì ra một chút xíu cũng đủ tiết lộ tất cả.
Đưa dâu chính ông Hoạch cũng phải lái chiếc Mercédès của rể tặng cho, vì ngoài hai vợ chồng ông ra, không nên có người thứ ba nào theo về nhà đàng trai cả.
°
°
Quyền lực của các vị chủ nhơn ông đối với thư ký riêng của họ quả có lớn lao thật đó, nhưng tuy thế vẫn có hạn định chớ không hoàn toàn tuyệt đối.
Có những sứ mạng, về mặt vật chất, không khó khăn bằng vào một làng hẻo lánh, giữa thời loạn để đòi nợ chẳng hạn, nhưng bọn nầy lại không chịu nhận, và phải thương lượng khó khăn mới có kết quả.
Ông Hóa đã đưa ra lý lẽ khá vững là bên đàng gái rất thủ cựu mà ông thì lên cơn đau khớp trong tuần lễ nầy. Nhà gái thủ cựu bám riết vào ngày lành tháng tốt mà thầy coi ngày đã chỉ định cho, nhứt quyết không chịu dời ngày hôn lễ, còn chú rể lại không thể xê dịch thì giải pháp thỏa hiệp duy nhứt phải là sự trá hình của một người thân tín để đi rước dâu, không sao khác hơn được.
Tuy nhiên Minh vẫn còn do dự mãi và khi chàng biết được rằng đàng gái chính là con nợ mà chàng đã xin chủ chàng chụp măng đa, hoặc cho không số nợ, chàng mới chịu nhận cho.
Chàng đoán biết ông Hóa đã chọn giải pháp thứ nhì là cho không số nợ, mà cho không thì cũng uổng nên mới cưới con của con nợ bằng số nợ ấy.
Dầu sao lối ra nầy cũng thỏa mãn chàng về điểm thắc mắc đã làm chàng khó chịu: số nợ không trả vốn cũng chẳng trả lời. Thư ký riêng bị méo mó nghề nghiệp, cứ muốn công việc tròn trịa y như họ là các chủ nhơn khó tánh, các ông nầy có nhơn đức mà quên chăng nữa, thư ký của họ cũng không chịu quên.
Để cho Minh thật hết ngần ngại, ông Hóa nói rõ:
Tuy họ thủ cựu, nhưng chỉ thủ cựu về vài mặt thôi là coi tuổi coi ngày v.v... nhưng họ bỏ những nghi lễ phiền phức như là lạy hai họ chẳng hạn.
Thưa ông, nếu họ bắt làm hôn thú ngay?
Ông Hóa cười mà rằng:
Họ dại gì mà quên lời hứa với tôi là về đây mới làm hôn thú? Ừ, họ dại gì mà cột con họ dính lại với một anh thư ký, về mặt pháp lý?
Thưa ông nếu họ hỏi lôi thôi gì?
Ngồi họ, chỉ toàn là người lớn không mà thôi, không ai trò chuyện với trẻ con đâu mà anh lo. Có hỏi chăng là hỏi sơ sịa về công việc làm ăn của anh - nghĩa là của tôi - nhưng anh cũng sành như tôi thì đâu có phải bối rối.
Mặc dầu đã ừ rồi, Minh không có vẻ gì phấn khởi cả, trái lại nữa, mặt chàng cứ đăm chiêu mãi.
Ông Hóa cố hết sức để đoán xem còn cái gì làm cho chàng ngần ngại. Lâu lắm, ông mới ngỡ tìm thấy lý do bí ẩn ấy, nên cười nói:
À, còn chỗ nầy nữa khiến anh có thể lo, là cô dâu không già đâu. Cô ấy trẻ đẹp lắm, xứng với anh lắm, anh rước dâu giùm một ông già mà khỏi phải lo xấu mặt.
Nhớ, lên xe cùng lên ngồi ở băng sau, ra khỏi thành phố Ban-mê-thuột rồi hẵng hay, chớ đừng nhớ địa vị chủ và người làm công mà ra ngồi trước với tài xế thì hỏng đa nhé.
Tuần lễ ấy ông Hóa đích thân đưa thư ký của ông đến hiệu may ruột của ông để may mặc.
Minh không có giao thiệp nên chưa hề sắm đồ lớn. Hắn cũng không sành ăn mặc nên cần người dìu dắt.
Ông Hóa lại đưa chàng đi sắm giày, sắm cà vạt, và mua sắm xong cả mới bắt đầu chỉ bảo hắn vài cách lịch sự riêng về cái đám rước dâu nầy thôi, chớ không tham vọng dạy hắn tất cả lề lối xã giao phải học nhiều năm tháng mới thạo.
Ông Hóa không thể chịu được bị người của thành phố Ban Mê Thuột chê cười ông quê dốt. Ừ, nếu Minh vụng, họ sẽ không cười chàng, mà cười chính ông Lê Văn Hóa đại thương gia ở Sài Gòn. Họ sẽ quên mặt Minh, một tuần lễ sau đó nhưng cứ nhớ Lê Văn Hóa, một chú rể đã không biết nghiêng mình thi lễ cách nào cho đẹp, còn thua các anh chiêu đãi trưởng ở các nhà hàng nhiều lắm.
Ông giảng giải:
Phép lịch sự của Âu châu rất là dễ, khi nào anh quên những lời tôi chỉ bảo, hay đứng trước một trường hợp lạ, chưa học qua cách xử thế ra sao, thì anh cứ hành động đúng ý theo lẽ phải là trúng ngay bon, vì phép lịch sự ấy căn cứ trên lẽ phải, trên sự hợp lý.
Minh cười:
Nhưng tôi biết thế nào là hành động đúng lẽ phải?
Ông Hóa cũng cười mà rằng:
Khó ở chỗ đó. Nhưng cái khó nầy không thật khó như đối với những bài toán làm ăn, bài toán rắc rối gia đình nên cũng dễ suy luận mà tìm được lẽ phải.
Chẳng hạn, từ nhà ra xe, anh nên đi bên trái hay đi bên phải của cô dâu.
Dạ, đó là một điểm tôi chưa hề nghĩ đến, và rất khó đoán biết.
Rất dễ. Nầy nhé, hễ nam mà đi với nữ thì phải đi bên trái của nữ, tức là để nữ đi bên phải của mình.
Phép nầy có từ thuở có đường sá xe cộ, vì bên phải là bên trong, núp tránh được sự đụng chạm với khách qua đường, với ngựa, với xe, tức bên đó là bên an toàn, cần nhường cho phái yếu.
Dâu và rể cũng như là bất kỳ nam và nữ nào khác, chớ cũng chẳng khác gì, thành thử hễ làm đúng với người thường là đúng với cô dâu.
Còn chẳng hạn như lên xe thì để người yếu, hoặc người ta kính trọng lên xe trước, cái đó anh đã thấy thường, chắc khỏi phải nói, nhưng anh thấy hay chăng là về điểm đó ta cũng hành động theo lẽ phải? Lên xe là lên nơi an ổn hơn đứng ở dưới có thể chịu mưa chịu nắng, thì ta lên sau là phải.