ột buổi trưa chúa nhật, về mùa đông. Trong gian phòng ấm áp, bốn người ngồi quây quần nói chuyện trước lò sưởi đỏ rực. Bên ngoài, mưa bụi lặng lẽ bay qua mờ mờ như hơi sương. Hai gốc hoàng lan cạnh cửa sổ đứng rũ rượi, cành lá nặng nề, ướt át.Nghe có tiếng trẻ rao báo ngoài phố, bà giáo Thảo nhìn ra vườn hỏi chồng:- Cậu đã mua báo hôm nay chưa?Ông giáo Lâm đáp:- Mua rồi, tôi quên không đưa mợ xem.- Thế họ có đăng tin gì thêm không, cậu?- Không.Thảo quay về phía một cô thiếu nữ ngồi ở ghế đệm dài, rồi hỏi:- Thế nào, chị Loan đã biết tin cô Minh Nguyệt tự tử chưa?Loan đáp:- Tôi biết rồi, biết trước khi họ đăng báo, vì tôi có quen cô ta. Khốn nạn, việc quái gì mà phải tự tử. Mẹ chồng ác thì về nhà bố mẹ mà ở, tội gì rước khổ vào thân rồi đến nỗi tự tử.Thảo nhìn bạn mỉm cười:- Chị nói dễ quá. Còn chồng, còn con...Loan ngắt lời:- Cô ấy chưa có con.- Vâng thì cô ấy chưa có con. Nhưng còn chồng... con gái đã bỏ chồng là mất cả một đời rồi còn gì. Mẹ chồng ghét, chồng bênh mẹ đuổi đi, cô Minh Nguyệt cho đời mình là hết hy vọng.Loan nói:- Việc gì mà hết hy vọng. Mẹ chồng ác thì đi chỗ khác mà ở, chồng ghét thì lại càng nên đi lắm. Khổ là vì cứ tưởng mình là thân con gái thì phải lấy gia đình chồng làm gia đình mình, nếu mất gia đình ấy là đời mình bỏ đi. Sao lại thế được. Mình sống, muốn sống thì không thể một mình mình sống được sao, nếu cái gia đình kia không cho mình được sung sướng. Sao đàn ông họ bỏ vợ này lấy vợ khác lại là sự thường.Thảo thấy bạn nói có vẻ giận dữ, mỉm cười đáp:- Chị đã biết ở xã hội mình, lấy chồng là lấy cả gia đình nhà chồng. Nếu không muốn thế thì chỉ có một cách là không lấy chồng nữa hay là chọn người nào không có gia đình mà lấy.Rồi nghĩ đến việc riêng của Loan, thấy Loan hiện đang bị bố mẹ ép lấy một người mà Loan không thuận, Thảo liền ôn tồn nói tiếp:- Nhưng nào mình có được tự ý kén chọn đâu mà bảo kén chọn.Từ nãy đến giờ, Dũng ngồi sát lò sưởi, loay hoay xếp lại mấy thanh củi, không nói một câu. Thấy hai cô bạn bàn tán mãi về một câu chuyện đã cũ kỹ, chàng liền quay lại nói:- Chuyện gia đình bao giờ cũng rắc rối; nào tự do kết hôn, nam nữ bình quyền, mẹ chồng nàng dâu, bao nhiêu thứ lôi thôi, muốn yên ổn thì đừng nghĩ đến nữa.Thảo đáp:- Anh thì anh cần gì gia đình mà bảo nghĩ đến. Còn chị Loan nay mai phải về nhà chồng, chị ấy không để tâm sao được.Rồi nàng mỉm cười tinh nghịch:- Chỉ trừ khi nào chị Loan lấy được người chồng không có gia đình như anh.Câu nói đùa làm cho Loan buồn rầu cúi mặt nghĩ đến nhân duyên của nàng. Nàng bị cha mẹ ép phải lấy Thân, một người bạn học thuở nhỏ của nàng, con một nhà giàu ở ấp Thái Hà. Việc này nàng thấy cha mẹ nói từ hồi nàng mới để tóc. Hai nhà trong mười năm trời nay vẫn đi lại thân mật, hai bên cha mẹ đã định ước cho Thân và Loan lấy nhau. Loan vẫn nhất quyết không chịu không phải là Loan chê gì Thân, vì Thân đối với nàng chỉ là một người quen, nàng không yêu mà cũng không ghét. Nhà Thân lại giàu, Loan chắc chắn rằng khi về nhà chồng, sẽ được sung sướng, an nhàn. Nhưng chỉ vì Loan càng ngày càng thấy cái tình của mình đối với Dũng không phải chỉ là cái tình bạn bè như trước kia. Nàng yêu Dũng và cái hy vọng của nàng lúc đó là được làm vợ Dũng. Tuy định bụng không chịu lấy Thân, nhưng nàng cũng hằng lo lắng, vì nàng biết cha mẹ nàng đã quả quyết về việc đó. Nếu nàng cưỡng tất có sự rắc rối trong gia đình.Thảo nói:- Chị Loan nghĩ ngợi gì mà ngồi thừ ra thế kia? Hay là nghĩ đến đường chồng con sau này đấy?Loan mỉm cười rồi muốn giấu ý nghĩ riêng, nàng ngồi ngay người, hai tay để vào lòng, mặt nghiêm trang nhìn thẳng, bắt chước dáng cô dâu ngoan ngoãn, thỏ thẻ nói:- Cha mẹ đặt đâu, con xin ngồi đấy.Thảo cười bảo:- Còn cô rồi lại không thế à?Loan nói:- Em không lấy chồng.- Không lấy chồng thì làm gì?Loan ưa mắt nhìn Dũng đáp:- Thế anh Dũng thì sao?- Anh Dũng khác. Có phải không, anh Dũng?Dũng thẫn thờ đáp lại:- Phải, tôi thì đâu dám nghĩ đến đường vợ con. Không cửa, không nhà, nay đây mai đó, chính thân tôi, tôi cũng không biết sau này ra sao nữa là. Tôi chỉ có bạn chứ không có gia đình nào cả.Dũng đưa mắt nhìn vợ chồng ông giáo như cảm ơn hai người bấy lâu đã không sợ gì lời dị nghị của thiên hạ, sẵn lòng để chàng đi lại và lúc nào cũng âu yếm, coi chàng như một người em nhỏ đáng thương vì đã bị nhà và họ hàng ruồng bỏ.Ông giáo Lâm dựa vào câu của Dũng bảo đùa vợ:- Đấy, mợ xem sống như anh Dũng mới là đáng sống. Không vợ, không con, thênh thang tự do. Tôi thì có đi đâu một tí, mợ đã kêu la ầm trời đất. Cả ngày chỉ co ro ngồi đánh bóng tủ chè, đỉnh đồng. Cái đời vô vị tẻ ngắt.Mọi người cười ồ. Thảo nói tiếp câu của chồng:- Nhưng mà yên thân.Loan thoáng nghĩ đến hai cảnh đời trái ngược nhau: một cảnh đời yên tịnh ngày nọ trôi theo ngày kia như dòng sông êm đềm chảy, nhẫn nại sống trong sự phục tùng cổ lệ như mọi người con gái khác và một cảnh đời rộn rịp, khoáng đạt, siêu thoát ra hẳn ngoài lề lối thường.Loan nhìn Dũng, ngắm nghía vẻ mặt cương quyết, rắn rỏi của bạn, nghĩ thầm:- Học thức mình không kém gì Dũng, sao lại không thể như Dũng, sống một đời tự lập, cường tráng, can chi cứ quanh quẩn trong vòng gia đình, yếu ớt sống một đời nương dựa vào người khác để quanh năm phải kình kịch với những sự cổ hủ mà học thức của mình bắt mình ghét bỏ. Mình phải tạo ra một hoàn cảnh hợp với quan niệm mới của mình.Dũng chợt thấy Loan nhìn mình đăm đăm không chớp, có ý ngượng, quay lại với điếu thuốc lá, gắp than hồng châm hút, rồi uể oải đứng dậy xin phép về nhà.Thảo nhìn ra cửa sổ:- Trời vẫn còn mưa. Chúa nhật nhàn rỗi hãy ngồi ít lâu nữa.Rồi âu yếm như chị nói với em, Thảo ân cần hỏi:- Thế nào anh Dũng dọn nhà chưa?- Tôi vừa dọn xong, hôm nào thong thả mời anh chị và cô Loan lại chơi. Tôi xuống bếp đun nước lấy. Có thế mới quý.Thấy bộ quần áo của Dũng đã cũ kỹ, bạc màu, nghĩ đến cảnh nghèo của người bạn sống cô độc trong một gian nhà trọ, không thân thích, không đầy tớ, Loan bùi ngùi thương hại, hai con mắt dịu dàng nhìn Dũng, nói nửa đùa nửa thật:- Anh Dũng cần người hầu hạ thì đã có em. Em lấy rẻ mỗi tháng có năm hào công thôi...Câu nói đùa có ngụ ý không được tự nhiên làm cho Dũng ngượng nghịu, chàng gượng cười bắt tay ông giáo, cúi đầu chào Thảo và Loan, rồi cầm mũ, mở cửa đi ra ngoài mưa gió.Ba người đứng lặng nhìn theo. Một cơn gió lạnh ở ngoài tạt vào phòng làm lay động mấy bức tranh treo ở tườngÔng giáo Lâm mở cửa bước sang bên buồng ngủ; trong phòng chỉ còn Loan và Thảo. Loan lại ngồi ở cái ghế của Dũng ngồi lúc nãy, mắt mơ mộng nhìn lửa cháy. Một lát nàng khẽ gọi:- Chị giáo lại gần đây cho ấm.Hai người ngồi yên lặng, cũng nghĩ đến Dũng. Một lúc sau, Thảo chép miệng nói:- Chị có thấy anh Dũng khác trước nhiều không? Anh ấy còn buồn... chưa quên hẳn. Tội nghiệp!Loan hỏi:- Có phải chị định nói đến việc anh ấy bị ông cụ, bà cụ từ, phải không? Những lỗi đâu ở anh ấy. Ông cụ bà cụ muốn cho con thành một anh trưởng giả, ngờ đâu lại thấy con làm những việc quá ư táo bạo. Những việc đó đáng khen, song chỉ vì sợ lụy đến mình và đến nhà mình mà ông cụ bà cụ nỡ từ anh ấy. Lúc thường muốn có quyền đối với con, lúc biến lại sợ trách nhiệm. Anh Dũng thực không phải là người con bất hiếu.Thảo mỉm cười nói:- Đấy ta thì cứ cho trái lời cha mẹ là bất hiếu.Loan quả quyết đáp:- Ngày xưa thế, bây giờ không thế nữa. Nhưng tôi chắc anh Dũng không phải buồn vì mang tiếng là một người con bất hiếu hay buồn vì phải nghèo khổ, anh Dũng buồn vì có một ông bố... nhát gan...Thảo mở to mắt nhìn Loan:- Chị táo bạo lạ. Nhiễm những tư tưởng quá mới.Loan buồn rầu bảo bạn:- Tôi cũng nhận thấy như vậy, nhưng biết làm thế nào. Không thể mỗi chốc mà đổi được hết tư tưởng mình đi được. Tôi biết là rồi tôi cũng sẽ gặp những cảnh ấy.Loan cúi đầu, trong lòng bối rối, lo sợ cho tương lai mù mịt. Ngẫm nghĩ một lát, nàng kéo ghế gần lại bạn, se sẽ kể lể:- Em lo sợ việc nhân duyên của em lắm. Chị chắc biết, nếu em không đổi được tính đi, thì không thể về làm dâu nhà nào được cả. Vậy chỗ chị em, em không giấu giếm, chị hẳn biết cái tình của em đối với anh Dũng.Thảo gật đầu, rồi bảo Loan:- Nhưng anh ấy chỉ là người bạn tốt mà thôi. Dẫu sao anh ấy có hiểu chị nữa, hiện giờ anh ấy cũng không thể nghĩ đến việc lập gia đình được. Chị chắc đã biết vì cớ gì.Loan thong thả đáp:- Em sẽ đợi...Thảo nhìn Loan ái ngại:- Nhưng chị đợi đến bao giờ, mà biết có đợi được không?