oan đi quanh quẩn mãi chưa tìm thấy phố Dũng ở.Trời vừa mưa xong, mấy dãy phố lầy lội, bẩn thỉu. Bùn bắn cả lên chiếc quần lụa bạch, lấm cả tất mà Loan không để ý. Nàng cứ cắm cổ đi và mỗi đầu phố lại đứng lại đọc biển. Tìm mãi, nàng mới thấy biển đề tên phố Dũng ở. Nhưng Loan vẫn ngờ ngợ vì nàng không thể tưởng tượng Dũng lại ở chui ở rúc trong cái phố tồi tàn này lẫn với những hạng người cùng đinh trong xã hội.Sang trọng trong bộ quần áo tối tân, Loan thấy mình như ở đâu lạc loài đến. Một người đàn bà gầy gò ngồi cho con bú ở cổng đưa mắt tò mò nhìn Loan.Đã mấy lần Loan ngập ngừng muốn quay trở về, nhưng nàng nhận thấy mình nhút nhát như thế là vô lý. Nàng cần phải gặp mặt Dũng ngay tức khắc.Vừa ban sáng này, thấy nhà Thân đem đồ lễ đến ăn hỏi, nàng lánh mặt sang nhà bà giáo Thảo, buồn rầu bực tức kể chuyện cho bạn nghe. Thấy bạn nói Dũng nay mai phải đi xa, nàng kêu nhức đầu, cáo từ, rồi như cái xác không hồn, nàng tìm đến nhà Dũng. Nàng chỉ biết cần gặp Dũng trước khi đi, nhưng nàng mập mờ không hiểu gặp Dũng để làm gì.Tìm được số nhà Dũng ở, Loan rụt rè hỏi một người đàn ông đang ngồi mài dao ở cửa:- Tôi hỏi thăm, ở đây có ông nào tên là Dũng ở trọ không?Người đàn ông ý hẳn cho nàng là hạng người không đứng đắn, mặt cau có, hất hàm nói:- Cô... đi vào trong rồi lên gác. Thầy ấy có nhà.Vào đến chân thang gác, nàng sẽ lên tiếng gọi:- Anh Dũng...Không thấy tiếng trả lời, nàng liền bước lên thang.Dũng chạy ra bao lơn, thò đầu nhìn xuống, rồi khi nhận thấy Loan, chàng cuống quít nói:- Chết chửa! Kìa cô Loan!Loan hơi thất vọng vì thấy cái mừng của Dũng có vẻ tự nhiên, chứ không phải cái mừng kín đáo, e lệ của một người đương yêu.Nàng yên lặng nhìn quanh phòng. Dũng vội lấy cái ghế, nghiêm trang mời bạn:- Mời cô ngồi.Hai người nhìn nhau, Dũng hơi có vẻ ngạc nhiên vì sự đến thăm đột ngột và táo bạo của Loan.Loan hiểu ý liền nói:- Em thấy anh sắp đi xa nên phải vội vàng đến thăm anh.Dũng vội hỏi:- Sao cô biết tôi sắp đi xa?- Chị giáo báo tin cho em hay.Dũng hơi cau mày, nhưng vội tươi cười nói:- Cũng còn lâu tôi mới đi.Loan nhìn Dũng trách:- Sao anh lại muốn giấu em?Dũng cười đáp:- Tôi có muốn giấu cô đâu... tôi cũng sắp nói chuyện để cô biết.Bỗng chàng ngơ ngác nhìn quanh:- Tí nữa tôi quên mời cô xơi nước, tôi xin đun nước lấy để cô uống như lời hứa hôm nọ.Rồi chàng loay hoay dọn ấm chén và đem đèn cồn ra, mỉm cười bảo Loan:- Đấy cô xem, tôi còn phong lưu. Trong nhà có cả đèn cồn, có cả chè để tặng người bạn quý của tôi...Loan ngắt lời:- Anh định đi đâu?Dũng đáp:- Tôi cũng chưa biết là đi đâu bây giờ.Loan nói:- Thế sao anh đi?- Cô bảo tôi ở đây thì sống bằng cách gì? Hôm nọ không có tiền trả chủ nhà, họ mời tôi đi tìm chỗ khác, may mà tìm được chỗ này rẻ tiền, chứ không thì bây giờ còn đâu ở đây?Dũng cầm mẹ nước rồi bước xuống thang xin lỗi Loan:- Cô ngồi tạm một mình. Tôi xuống lấy nước.Loan hơi thất vọng; nàng muốn Dũng có vẻ ngượng nghịu đối với nàng và tỏ ra ý buồn rầu khi sắp phải xa nàng: vẻ ân cần vui vẻ của Dũng làm cho nàng biết rằng Dũng chỉ coi nàng như một người bạn mà thôi.Nhìn quanh quẩn trong phòng, Loan thấy ở góc tường có cái va ly bỏ ngỏ. Chắc lúc nàng vào, Dũng đang dở bận xếp soạn. Loan thoáng thấy hai cái ảnh xếp lên trên quần áo. Tò mò nàng rón rén lại gần nhìn ra một cái ảnh chụp hai vợ chồng ông giáo và một cái ảnh nửa người của nàng chụp hai ba năm về trước. Nàng lấy làm lạ vì nàng không hề tặng Dũng bức ảnh nào. Cảm động nàng nhìn bức ảnh của nàng mà Dũng có lẽ vì yêu nàng đã lấy trộm, và lúc đi, lại nhớ em theo đi... Nàng thấy trong lòng man mác sung sướng...Có tiếng động. Loan giật mình toan quay lại, nhưng không kịp, Dũng đã bắt gặp nàng nhìn trộm hai cái ảnh. Loan đưa mắt nhìn Dũng dò xem cử chỉ của Dũng lúc đó ra sao, Dũng vẫn thản nhiên, vừa đánh diêm đốt đèn, vừa nói:- Ấy vừa lúc nãy, khi xếp hai cái ảnh vào va li, tôi mới sực nhớ đến cô và nhớ ra rằng chưa báo tin để cô hay, thì may quá, cô lại đến chơi.Chàng lại gần giường, cầm lấy ảnh, giơ lên coi, rồi ưa mắt nhìn Loan, nói:- Cái ảnh này chụp từ ba năm về trước mà trông cũng không khác cô bây giờ là mấy. Cô có thấy thế không?Loan cau mày, cúi mặt nhìn giày không đáp. Dũng hỏi:- Thế nào, cô Loan giận tôi đấy à?Loan ngửng mặt, nghiêm trang bảo Dũng:- Cái vui của anh không tự nhiên.- Thế nghĩa là thế nào, cô Loan?- Nghĩa là anh có sự gì muốn dấu tôi. Sao tự nhiên vô cớ, anh lại bỏ đi xa?Dũng đáp:- Thì tôi đã nói với cô vì cớ gì rồi.- Không phải vì cớ ấy... Đi đâu cũng không tìm việc làm dễ bằng ở Hà Nội, mà nay đây mai đó, vất vả khổ sở, tội gì mà anh phải đày đọa thân anh. Anh nên ở lại là hơn...Thấy Dũng cúi đầu nhìn ngọn lửa đèn cồn ra dáng nghĩ ngợi, Loan ôn tồn nói tiếp:- Anh nên ở lại là hơn. Anh Dũng, anh đã bảo anh không cần gì gia đình, anh không biết đến gia đình nữa, thì can chi anh phải lánh xa, can chi anh phải buồn.Dũng vội nói:- Nhưng tôi có buồn gì đâu. Cô lầm mà chị giáo cũng lầm nốt, vì tôi chắc lại chỉ chị giáo kể chuyện cho cô nghe việc nhà của tôi. Tôi đã mấy lần nói với chị giáo rằng khi thầy mẹ tôi từ, tôi coi như là không có việc gì xảy ra cả; cha mẹ từ con là một sự rất không có nghĩa, cũng như con từ cha mẹ.Thấy Loan ngồi yên, lắng tai nghe, Dũng nói luôn:- Thầy mẹ tôi dẫu đăng báo hay nói khắp nước Nam rằng không nhận tôi là con, tôi cũng vẫn là con, vì đã đẻ tức là con rồi, không nhận cũng vô là như khi mới đẻ lại bảo rằng không đẻ. Vậy từ con chỉ là không chia của cho con nữa.Rồi Dũng nói như đáp lại câu của mình:- Tôi thiết gì của ấy. Tôi vẫn sẵn lòng không lấy lắm. Hay nếu từ là để không muốn thấy mặt tôi nữa, thì tôi vẫn sẵn lòng đi kia mà. Vậy từ, chỉ có một ích lợi: là báo thù con. Vì ở xã hội ta, một người bị cha mẹ từ là một người bỏ đi, một người khốn nạn, đủ hết các tính xấu.Loan nói:- Chỉ trừ em ra là không nghĩ thế.Dũng đáp:- Cô khác, cô nhiễm Tây học, cô biết lấy người mà xét người, không có cái định kiến như mọi người khác, bao giờ cũng cho cha mẹ là phải cả, mà con tất nhiên là trái. Nhưng không cần.Dũng thấy nước sôi, vội pha chè rồi rót một chén mời Loan. Chàng chép miệng nói tiếp:- Tôi không cần ai dị nghị thì sự báo thù ấy vô ích. Gia đình như thế thì tôi cần về làm gì nữa. Gia tài không chia cho tôi, đã đành vậy, nhưng tôi lấy cái nghèo tự lập, mình làm mình sống là vinh dự lắm. Cô nghĩ như thế, can gì phải buồn... Đời còn vui, còn đẹp chán. Mà ở đời phải vui sống để làm việc, can gì phải để tâm đến những việc nhỏ nhen.Trời bỗng để cơn mưa to. Dũng nhìn ra mỉm cười, đọc một câu thơ chữ nho:- Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách.Loan buồn rầu đáp:- Nhưng biết có lưu được mãi không?Rồi hai người lặng lẽ cùng ngồi nhìn hạt mưa bay. Loan rùng mình, cởi khăn san quàng phủ lên đầu, vì gió lạnh nổi lên lọt vào phòng. Loan cảm thấy sự lạnh lẽo của cuộc đời nàng khi Dũng đi xa. Nàng toan nói thì Dũng đã cất tiếng nói trước:- Chết chửa? Từ nãy đến giờ toàn nói chuyện riêng của tôi thôi.Rồi chàng ân cần hỏi Loan:- Năm nay cô nhất định thôi học?Loan đáp:- Nào có ở em mà em định. Em muốn học nữa nhưng nhà không cho.- Vì cớ gì thế cô?Ngập ngừng, Loan đáp:- Vì... vì em không còn ở nhà. Ra giêng có lẽ em...Loan ngừng lại nhìn Dũng nhưng thấy Dũng nét mặt không có gì đổi khác. Dũng ôn tồn nói:- À, cô sắp sửa phải về ấp Thái Hà. Khi nào có tin mừng tôi sẽ về...- Thế ra anh đã biết?- Vâng, tôi biết từ lâu. Tôi vẫn đợi, nhưng không ngờ rằng sắp đến ngày cô về nhà chồng, tôi lại phải đi xa. Nhưng thế nào tôi cũng phải cố về để mừng cô.Loan mặt nóng bừng, hai con mắt nhìn Dũng có vẻ căm hờn. Nghẹn nào, nàng bảo Dũng:- Nhưng anh đã biết đâu là một tin mừng. Đối với em không phải là tin mừng.Thấy vẻ mặt ngơ ngác của Dũng, Loan nói tiếp:- Vì thầy me bắt ép em.Dũng nói:- Nhưng hai nhà đã đính ước với nhau từ lâu.- Anh, anh mà cũng còn nghĩ thế kia à? Hai nhà đính ước chứ có phải em đính ước đâu?- Thế bây giờ cô định thế nào?- Em chẳng định gì cả. Chẳng bao giờ em lấy chồng.Câu sau cùng, nàng nói thực mau như người giận dữ, rồi nàng cầm chén nước uống cạn một hơi. Dũng nói luôn mấy câu sau nữa, nhưng nàng không để ý đến. Nàng đã biết được điều nàng muốn nói: là Dũng không yêu nàng, trước sau chỉ coi nàng như một người bạn vô tình. Thất vọng, chán nản, Loan đứng dậy, vừa buộc lại nút khăn vừa nói:- Thôi, anh cho em về, em xin chúc anh đi cho vui vẻ...Mắt nàng hoa lên, nàng phải đứng vịn vào ghế và mím môi cố giữ mấy giọt nước mắt, vì nàng không muốn khóc trước mặt Dũng.- Trời còn mưa to, cô về làm gì vội?Loan không trả lời, cúi mặt bước ra phía cầu thang. Dũng vội bước theo nói:- Cô để tôi xuống gọi xe đã.Loan bước xuống thang, giơ tay cản:- Thôi, anh không phải xuống...Dũng đứng chống tay vào bao lơn nhìn xuống cho đến khi Loan đi khuất. Chàng lạnh lùng quay trở lại, ngồi tựa vào bàn, cầm chén nước đã nguội uống cạn, rồi thẫn thờ nhìn những nét rạn trên thành chén. Chàng nói một mình:- Ở đời thực lắm chuyện éo le...Bỗng thấy trong dạ nao nao, rưng rưng muốn khóc, Dũng đặt chén xuống bàn, rồi nện mạnh gót giày trên sàn gác, lững thững đi về phía cửa sổ. Nhìn những giọt nước mưa ngòng ngoèo chảy trên mặt kính, Dũng bùi ngùi nhớ lại những ngày mới gặp Loan, mới quen Loan, nghĩ tới cái tình yêu Loan kín áo lúc buổi đầu, nỗi thất vọng khi biết Loan đã là vợ chưa cưới của người khác. Dần dần, chàng đã đổi tình thất vọng ra tình bè bạn, rồi cuộc đời đã thay đổi cho đến ngày nay...Nhớ tới cái đời hiện tại, cái đời vô gia đình, gian nan, nghèo khổ, nghĩ đến tấm thân sắp phải phiêu lưu đầy đọa nắng sương. Dũng buồn rầu lẩm bẩm:- Nhưng bây giờ thì chậm quá rồi!Có một điều trước kia chàng không dám tưởng tới mà bây giờ lại đến làm cho chàng đau lòng lúc bước chân ra đi là thấy Loan yêu chàng mà cũng như chàng bấy lâu chỉ yêu một cách tuyệt vọng. Chàng mỉm cười cay đắng khi nghĩ đến vừa rồi phải đóng vai một người lãnh đạm, hững hờ. Chàng tin rằng nếu thật yêu Loan, thật thương Loan thì chỉ có một cách là quên Loan đi.Mưa đã tạnh, mặt trời đã chiếu ánh sáng vàng nhạt xuống cái sân con dưới cửa sổ, Dũng se sẽ cất tiếng ngâm:... Yêu nhau rồi lại bằng mười phụ nhau.Thấy trong lòng dìu dịu, Dũng toan cho tay vào túi lấy một điếu thuốc hút, mới sực nhớ ra đã ba hôm nay hết thuốc mà chưa có tiền mua.