DẪN

Thế gian việc như ý thì ít, việc bất như ý lại nhiều, người đắc chí chẳng có bao nhiêu, mà người bất đắc chí thì hằng hà sa số.
Ngàn xưa như thế, ngày nay cũng vậy.
Bất luận là phương Đông hay phương Tây.
Tại sao?
Đó là một câu hỏi gắn liền với đời sống nhân loại ngay từ khi loài người nhận thấy sự thọ yểu của mỗi sinh mệnh. Nó lại càng gây thắc mắc hơn khi con người sống tụ thành xã hội và nhận thấy lẽ cùng thông trong đời sống.
Phải chăng cùng thông thọ yểu là do sự an bài của đấng tối linh trời, phật, thượng đế như các tín ngưỡng tôn giáo lập luận.
Hoặc ngược hẳn lại theo triết lý nhân văn (humanisme), khoa học, phương pháp học (Descartes), ý chí quyền lực (volonté de puissance) - Nietszche và Mác Xít - tất cả là do con người định.
Vũ trụ chung quanh ta không chống lại ta mà cũng không ban ân huệ cho ta. Nó quay cuồng, đảo lộn, không hề có mưu định gì cả. Trong quay cuồng đảo lộn, chính con người tự điều khiển, tự cai quản, vượt mọi trở ngại để chiến thắng.
Alain gọi là “Ulysse nageant” (Ulysse, một nhân vật tượng trưng cho sự chiến đấu của con người trong sử ca của Homer, tác giả cổ xưa thời kỳ văn minh Hy Lạp. Sức mạnh thiên nhiên biển cả sóng lớn đã không cản được Ulysse đến chỗ ông định trốn).
Đọc bộ “Comédie humaine” của văn hào Honoré de Balzac, ta thấy rất nhiều nhân vật tương tự: Vautrin, tên đầu trộm đuôi cướp sau trở thành tổng giám đốc công an, Rastignac, tên điếm đàng làm thủ tướng Pháp, trong khi những người như Louis Lambert, Rabourdin tài giỏi, đức độ lại ngậm đắng nuốt cay, thất bại ê trề. Không phải Balzac đã tưởng tượng mà ông đã kể lại toàn chuyện thực của Paris thời ấy, thời cực thịnh cho chủ nghĩa hãnh tiến ăn may. Có biết bao nhiêu Ulysse chiến đấu nhưng không chống lại bọn “arriviste” nghĩa là bọn có thời vận, tốt số, may hơn khôn.
Lénine từng nói: “Tuyệt vọng đưa dẫn người ta đến tín ngưỡng”. (Perte de l'esperance conduit à la croyance). Nếu ông nghĩ đến viên đạn của kẻ ám sát ông chỉ đi lệch một chút thôi không trúng vai mà trúng đầu ông, chắc ông sẽ giật mình với sự kỳ lạ của số mệnh.
Hitler tuyệt đối tin vào ý chí quyền lực. Các sử gia đã đưa nhiều bằng cớ cho thấy nhà lãnh tụ quốc xã luôn luôn lo lắng tới số mệnh.
Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Vị sinh nhân, tiên tạo mệnh”.
Số mệnh được tạo thành lúc con người chưa chui ra khỏi bụng mẹ.
Tìm hiểu số mệnh là mục tiêu của khoa học tướng mệnh để giải thích những điều:
Tảo vận Cam La vãn Thái Công
Thạch Sùng phú quý Phạm Đan cùng
Bành Tổ thọ trường Nhan Tử đoản.
Tại sao Cam La, 12 tuổi đăng đàn bái tướng còn ông Lã Vọng 90 tuổi mới gặp Chu Văn Vương?
Tại sao Thạch Sùng, châu báu đầy nhà, còn Phạm Đan chạy ăn từng bữa?
Tại sao ông Bành Tổ sống lâu, còn thầy Nhan Hồi chết sớm?
Tại trời cả? Quyền phán xét dành cho Thượng Đế?
Khoa tướng mệnh phủ nhận lý luận tại trời theo cái nghĩa cho hay muôn sự tại trời hoặc hoá công sao khéo trêu ngươi, ý chỉ vào một đấng tối linh an bài, con người vô năng không thể biết và cũng chẳng làm gì được đối với sự an bài đó.
Thu vào hai chữ “tại trời” thôi thì vẽ vời bầy đặt tướng số là việc làm thêm nhiễu sự.
Thiên mệnh theo khoa tướng mệnh không chấp nhận trời như một đấng tối linh mà trời đây là sự kết hợp của ngũ hành: kim, mộc, thủy, hoả, thổ, tức năm chất tố cấu tạo thành vũ trụ, và âm dương tức hai khí chất làm chuyển động vũ trụ.
Bởi vậy, để trả lời tại sao:
Tảo vận Cam La vãn Thái Công
...............................................
Khoa tướng mệnh đã nói kết gọn vào câu:
Lục nhân đô tại ngũ hành trung.
Sáu người ấy đều ở trong sự vận chuyển của ngũ hành.
Giàu sang, phú quý, cơ cực, bần tiện, cùng thô, thọ yểu đều do mệnh vận và tướng cách mà biết. Tính mệnh vận đặt trên nguyên tắc toán số, xem tướng cách đặt trên nguyên tắc cơ cấu kiến trúc và mỹ học, tuyệt đối không là dị đoan mê tín. Nó chống lại quan niệm mê muội thần quyền và làm giầu thêm cho khoa học nhân văn.
Nhà xã hội học không thể dùng bất cứ nguyên tắc nào của khoa này để giải nghĩa nổi tại sao Vương Hiển Văn, bạn rất thân của vua Đường Thái Tôn từ lúc vua Đường Thái Tôn chưa chiếm được thiên hạ mà Văn lại chết trong cảnh nghèo khổ? Lúc Đường Thái Tôn vừa cho người đến đón Vương Hiển Văn về triều cùng cai trị muôn dân thì ngay đêm hôm ấy Văn bị bạo bệnh chết. Một nhà tướng mệnh học lúc bấy giờ là Lý Thuần Phong đã xem tướng cho Vương Hiển Văn mà nói trước cả chục năm rằng:
- Tướng cách ông tai ám vô sắc, mi tán vô thái, mắt tán vô thần, con ngươi đen vô quang nhất định không thể cao sang được.
Tại Trung Quốc vào những năm đầu cách mạng Tân Hợi, ai cũng đều biết cái tên Trương tôn Xương xuất thân làm bồi bàn, văn bập bẹ đôi ba chữ, võ chẳng biết miếng nào, binh thư đồ trận lại càng mù tịt, thế mà ông ta đã một thời kỳ làm mưa làm gió trên chính trường miền Bắc. Khi ông làm Tổng Đốc tỉnh Sơn Đông, gặp kỳ hạn hán, dân chúng theo tục lệ cổ, mời quan Tổng Đốc đến Long Vương Miếu lập đàn cầu mưa. Trước bàn thờ, sớ ông không biết đọc, khấn ông không biết khấn. Bực mình, Trương Tôn Xương lấy tay chỉ mặt tượng thần mà nói: “Đ M... không mưa làm bách tính khổ... mày còn để nắng mãi, tao sẽ đập tan miếu này cho coi”.
Các kỳ lão trong tỉnh ai nấy đều toát mồ hôi bởi câu chửi của quan Tổng Đốc, nhưng không dám hé răng. Qua ba ngày trời vẫn không mưa. Tổng đốc Trương Tôn Xương liền hạ lệnh cho tiểu đoàn pháo binh đem đến mười khẩu đại bác xếp hàng trước núi Thiên Phật bắn lên trời. Quả nhiên, hôm sau trời mưa như trút nước.
Tại sao người như thế mà ở ngôi vị nhất phẩm triều đình?
Chỉ có thể giải đáp: “Tại mệnh tốt”.
Trương Tôn Xương sinh năm Nhâm Ngọ, tháng Nhâm Dần, ngày Nhâm Dần, giờ Nhâm Dần. Bốn chữ Nhâm sách gọi bằng Thiên Nguyên nhất khí. Hành chi Dần ngọ hợp thành hoả cục. Nhâm thuộc thủy trúng vào cách thủy hỏa ký tế.
Thời kỳ Xương làm bồi bàn, thầy số đoán là đại quý mệnh, Xương còn vái thầy số xin đừng giễu cợt, cái thân bồi bàn làm gì đại quý đại phú. Đến lúc Trương Tôn Xương đắc ý, ông giàu đến nỗi tiền của có bao nhiêu không biết, quyền thế đến nỗi quân lính có bao nhiêu không biết, chỗ nào cũng lấy vợ đến nỗi có bao nhiêu vợ không biết. Các thầy số đã phải lấy trường hợp họ Trương làm điển hình để đặt thành cách gọi là cách “Tam bất tri”.
Trong thực tế, cuộc đời ta còn gặp biết bao nhiêu chuyện lạ khác, nếu không đem khoa tướng mệnh học giải thích thì ta không còn cách gì khác để hiểu nổi những hiện tượng đó. Nào người giàu nhưng vất vả, người nghèo vẫn phong lưu, trước sang sau hèn, tiền bần, hậu phú v. v..
Quỷ Cốc Tử đặt ra cả hàng ngàn cách khác nhau, mỗi cách để chỉ một hiện tượng của đời sống con người, từng trường hợp khác nhau, từng người khác nhau, tỉ dụ:
a) Cách “Y cẩn kỵ ngưu” (mặc áo gấm cưỡi trâu) chỉ một số mệnh giầu sang phú quý kiểu cáo mượn oai hùm, cái gì cũng là giả. Áo gấm phải cưỡi ngựa mới đủ bộ, sao lại cưỡi trâu.
b) “Hàn thuyên tại liễu” (con ve sầu trời rét đậu trên cành liễu) chỉ một số phận cùng khốn không nơi nương tựa. Ve sầu lúc trời rét đã là sắp tàn kiếp rồi mà còn đậu trên cây liễu thì kiếm đâu ra nơi ẩn nấp tránh mưa, tránh gió.
c) “Vân đầu vọng nguyệt” (đứng dưới mây chờ trăng) ý chỉ một vận hội đen tối trước mặt nhưng tương lai vẫn nhiều hy vọng.
Thiên hình vạn trạng kiếp sống đều hiện lên bằng hình ảnh rõ rệt tượng trưng cho từng tướng cách hay số cách.
Không có cái học nào đi sâu vào cõi nhân sinh như tướng mệnh học.
Nghiên cứu tướng mệnh học, tri mệnh không có nghĩa là từ bỏ đấu tranh, bó tay, bất động, chịu sự an bài. Trái lại, cốt để biết lẽ cùng thông, lúc nào nên làm, lúc nào nên ngừng, lúc nào cần động, cần biến, lúc nào cần tĩnh, cần thủ. Không xuẩn động như lũ thiêu thân. Tri mệnh để tạo cho mình một thái độ thong dong đối với việc đời, ứng phó với những biến động.
“Dục ngộ biến nhi vô sương hoành
Tu hướng thường thời niệm niệm thủ đắc định
Dục lâm tử nhi vô tham luyến
Tu hướng sinh thời sự sự khán đắc khinh”.
“Muốn cho lúc gặp cơn nguy biến khỏi hốt hoảng
Thì lúc bình thời tâm phải tĩnh, định
Muốn cho lúc chết khỏi tham luyến
Thì lúc sống phải xem thường mọi sự”.
Tri mệnh để xem thường mọi sự, coi vinh nhục cùng một rễ, tử sinh cùng một gốc. Vậy thì lo gì sống chết, sợ gì biến động.
Tri mệnh chính là một triết lý nhân sinh rất cao.
Tri mệnh cũng là một phương pháp đấu tranh rất sát với thực tiễn vậy.