- H -
TAI VÀ MIỆNG

Tai to mặt lớn, tai chuột mặt dơi, đó là những tướng lý đã trở thành phương ngôn để nhận người.
Theo cổ nhân, tai nối liền với óc và thông với tâm thận. Thận khí tốt tai sáng, thận khí hư tai nghễnh ngãng.
Tướng sư Hứa Phụ nói:
- Tai cao hơn mắt, hơn chân mày không bao giờ khổ. Tai nở, sáng và tròn có chức vị. Dái tai mọng đỏ, tai sáng và sạch phú quý trường cửu. Có lông tai dài thì thọ. Mắt có thể liếc nhìn thấy tai, đại cát. Lỗ tai, cửa tai rộng rãi, thông minh. Tai trắng hơn mặt, đại phú. Vành trong vành ngoài tai phân minh bề thế, người nhân nghĩa, chính trực. Đứng trước mặt mà không trông thấy tai, tai giấu mặt, giầu sang.
Phong Vân Tử nói:
Tai như tai dơi, vênh ra phía trước, mỏng manh là tai trộm cắp bất nhân.
Tai cần tròn, dày dặn và lớn, luân quách rõ rệt. Nếu không lớn thì cũng phải dày nghĩa là có thịt. Tai mỏng nhọn là tai xấu.
Nguyên tắc trên làm thành những câu phú đoán về tai kể sau đây:
Sắc như huỳnh ngọc, niên thiếu tác tam công. Màu sắc tai trắng như ngọc tuổi trẻ nổi tiếng quyền vị cao.
Đối diện bất kiến nhĩ, vấn thị thùy gia tử. Trông mặt không thấy tai, phải hỏi xem con nhà ai.
Điểm nhục thùy châu hồng nhuận tự nhiên, chủ tài lộc hanh thông. Đầy đặn ôm sát lấy đầu, dái tai (thùy châu) mọng, sắc hồng nhuận thì tài lộc tự nhiên kéo đến.
Hậu đại thùy kiên cực quý thiên quá bát thập phương hung. Dày lớn chảy xuống vai cực quý, tuổi thọ nhất định phải ngoài 80 tuổi (chảy xuống vai, lớn và đầy mà ta thường thấy ở tượng Phật).
Vô luân kiêm phản bạc gia phá nang không. Không có luân quách mỏng lộn ra ngoài thì nhà đổ túi rỗng.
Tiêm tiểu trực như tiễn vũ an đắc bất cô cùng. Nhọn nhỏ thẳng như đuôi tên làm sao không cơ khổ, bần cùng.
Mệnh môn nan nhập chỉ thọ nguyên đoản, thiểu ngu mộng. Lỗ tai nhỏ quá ngón tay vô không lọt, kém thọ. Lỗ tai nông, kém thông minh.
Sách “Thần Tướng Toàn Biên” nói về nhiều hình tai khác nhau:
Thổ nhĩ: Tai thuộc hành thổ, dầy chắc mập khí sắc hồng nhuận, phú quý, trường thọ. - Viên kỳ nhĩ: Tai tròn như quân cờ, dày dặn sáng đẹp, tay trắng làm nên.
Hổ nhĩ: Tai hổ nhỏ khuyết nhưng đứng trước mặt không thấy tai. Ưa mạo hiểm, hoạt động có thể thành công.
Kim nhĩ: Tai thuộc hành kim, nhỏ trắng hơn mặt. Nổi tiếng.
Tiễn vũ nhĩ: Tai đuôi tên, nhọn đuôi, nhọn đầu không có dái tai, cứng như gỗ hoặc mỏng như giấy. Phá tổ nghiệp, phiêu bạt giang hồ.
Mộc nhĩ: Tai loăn xoăn như cái mộc nhĩ ta vẫn nấu ăn, luân quách đảo ngược. Bần khổ.
Thủy nhĩ: Tai tròn, cao trên mắt, áp vào đầu, thùy châu thật lớn, sáng đẹp là đại trượng phu trên thế gian.
Hỏa nhĩ: Vị trí tai cao hơn chân mày, vành ngoài nhỏ, vành trong lộn ra ngoài dù có thùy châu vẫn là loại tai xấu tướng.
Trư nhĩ: Tai heo không có luân quách, dù thùy châu lớn, hậu vận tất bị hung tai.
Đê phản nhĩ: Tai mọc thấp, luân quách đảo lộn gọi là phản cô bần, có thể chết đường chết chợ.
Khai hoa nhĩ: Tai nở hoa, mỏng manh vô luân quách, phá gia nghiệp.
Phiến phong nhĩ: Tai quạt dương vểnh ra đằng trước, bần khổ vô cùng.
Thử nhĩ: Tai chuột mọc cao trên mắt, vểnh ra vô luân quách, ăn cắp, ăn trộm, ở tù.
Lư nhĩ: Tai lừa to mà mỏng, bần khổ.
Miệng là cơ quan để ăn cơm, uống nước và nói năng, là cửa ngõ của con tim, lẽ thị phi ở miệng mà thành. Không nói vọng ngôn bậy bạ, cổ nhân gọi là khẩu đức, hay phỉ báng chửi rủa là khẩu tặc. Miệng vuông vắn có thành có bờ chủ quý, như vầng trăng treo chủ lộc, rộng đầy đặn chủ phú. Miệng lệch mỏng, bần hàn. Không nói mà miệng động rung rung, đói khổ. Hai bên mép xệ xuống như miệng cá, phá bại.
Hứa Phụ dạy về tướng miệng như sau:
Khẩu như vòng cung, vị đến tam công (Miệng như thoa son không sợ cơ hàn).
Miệng dẩu chỉ ăn sau người, tâm tình như chó.
Miệng như túi buộc túm, chết đói.
Miệng thổi lửa, nghèo hèn.
Các sách Thủy Kính, Ma Y, Liễu Trang, Tướng Lý Hành Chân đưa ra nhiều hình miệng khác nhau.
Tứ tự khẩu: Miệng vuông chữ Tứ, đôi môi thăng bằng dầy dặn quang minh, góc miệng muốt lên, thông minh và đa tài, có danh phận.
Ngưỡng nguyệt khẩu: Miệng như vầng trăng treo, góc miệng đưa lên thật rõ, răng trắng, môi hồng, văn chương đầy bụng, thiên hạ biết tên.
Loan cung khẩu: Miệng như vòng cung, góc miệng nhếch lên, đôi môi dày đỏ, phú quý lâu dài.
Ngưu khẩu: Miệng trâu, đôi môi thật dầy quang minh hồng nhuận là tướng trọc trung đới thanh (trong đục có thanh) thì tâm linh sáng suốt, phú quý phúc thọ.
Long khẩu: Miệng lớn, đôi môi đầy đặn, hồng nhuận quang minh, hơi thở thơm tho, tiếng nói như sấm, đại phú quý.
Hổ khẩu: Miệng hùm thật rộng có thể nuốt được nắm đấm. Tích ngọc đôi kim, vàng bạc đầy nhà.
Dương khẩu: Môi mỏng miệng nhọn, ăn uống hùng hục. Hung bần nghèo khổ dễ bị tai nạn.
Trư khẩu: Miệng heo môi trên dài và thô, môi dưới nhỏ, hai bên mép ưa chảy dãi. Tâm gian nham hiểm không sống quá năm mươi, phiêu bạt.
Suy hỏa khẩu: Miệng như thổi lửa, nhọn, cười và há thì được, ngậm miệng vẫn hở. Gian tham khổ sở.
Sô văn khẩu: Miệng có vệt dúm như người khóc dù có thọ cũng cô đơn, tứ cố vô thân.
Anh đào khẩu: Miệng trái anh đào, môi hồng, răng trắng và đều như hạt lựu, cười tươi, tính tình ôn nhã. Rất thông minh, có thể lên tới bậc nhất phẩm.
Hầu khẩu: Miệng khỉ, miệng dài, nhân trung dài và sâu. Phúc lộc nhiều.
Khanh ngư khẩu: Miệng cá ngão. Bần cùng.
Phúc thuyền khẩu: Miệng như cái thuyền lật úp, mép xệ xuống, môi dày thâm. Ăn mày.
Đi với miệng là răng, lưỡi và môi, cho nên phải xem tướng cả môi, răng và lưỡi.
Sách tướng nói môi là thành quách của miệng. Môi nên dày dặn và có bờ môi, không nên mỏng và thiếu bờ (dan từ Hán gọi bờ là lăng). Màu sắc hồng nhuận, quang minh mới tốt. Xanh sám thì bệnh tật hoặc tai họa, hôn ám và đen có thể bị hung tử. Bóng bẩy đỏ, tham khoái lạc. Sắc trắng đẹp, có vợ hai giỏi giang. Sắc vàng đỏ minh sinh quý tử. Môi dúm dó, chết yểu. Mỏng và yếu, tham lam. Môi trên mỏng, ngôn ngữ xảo trá. Môi dưới mỏng, bần tiện. Môi trên môi dưới đều dầy, người trung tín. Cả hai môi đều mỏng, hay nói láo. Môi trên to, môi dưới nhỏ hay ngược lại, môi dưới nhỏ, môi trên thót thì bần hàn, ăn cắp, ăn trộm.
Có những câu phú đoán về môi như sau:
Thần nhược kê can chí lão bần hàn (Môi màu gan gà nghèo đến già).
Thần như thanh hắc ngã tử đồ bách (Môi màu xanh đen chết đói giữa đường).
Thần sắc quang hồng bất cầu tự phong (Môi sắc hồng sáng, không cầu tiền cũng tới).
Thần sắc đạm hắc độc sát chi khách (Môi sắc đen nhờ nhờ, người rất độc ác).
Thần bình bất khởi cơ ngã mắc tỉ (Môi không ụ lên, không có gờ, đói rách).
Thần khuyết nhi hãm chủ nhân hạ tiện (Môi khuyết hãm, người hạ tiện).
Tinh hoa của xương cốt hiện vào bộ răng. Đối với tướng pháp, răng phải chặt, khít và thẳng. Nếu răng hở cong queo, xiêu vẹo, khô lộ và xấu. Cổ nhân coi tướng răng ngoài những điểm kể trên còn xem răng nhiều hay ít. Tam Quốc truyện nói Tào Tháo có 38 cái răng là một bằng chứng.
Tam thập bát sỉ giả vương hầu
Tam thập lục sỉ giả khanh tướng.
Tam thập tứ sỉ giả cự phúc
(phúc lớn).
Ba mươi tám, ba mươi sáu, ba mươi tư là kể mọc trên hai hàm răng, mọc chỗ khác gọi là nghịch, sinh không kể.
Trắng như bạch ngọc, cao quý.
Đều như hạt lựu, phúc lộc.
Đen xám, đoản thọ.
Vàng khè, truân chuyên.
Răng như răng cưa, tính thô bạo (trên rộng dưới nhọn được ăn thịt, trên nhọn dưới bằng chỉ ăn rau).
Răng trâu to rộng hàm khum, tự lập thân, tay trắng làm nên.
Nhỏ như răng chuột, yểu.
Lại có câu thơ về tướng răng:
Thần hồng sỉ bạch văn chương sĩ
Nhãn tú mi cao thị quý nhân
Tế tiểu đoản thô bần thả yếu
Đăng song phí lực uổng lao thần.
Nghĩa là: Môi hồng răng trắng, sĩ tử văn chương
Mắt sáng mi cao đúng quý nhân
Răng nhỏ ngắn thô nghèo chết sớm
Uổng công đèn sách nhọc tinh thần.
Tướng lưỡi quý, ngay ngắn, cử động dễ dãi, sắc hồng.
Nếu nhỏ quá hay ngắn lưỡi quá, vất vả mà ngu,
Nhọn và nhỏ là tham lợi
Lưỡi dài có thể liếm được đầu mũi, đại quý.
Sắc lưỡi đen, bần tiện.
Đỏ chót như son, hoạnh tài.
Trắng bệch, khổ sở.
Có nốt ruồi ở trên đầu lưỡi, nói dối đại tài.
Chưa nói lưỡi đã thò, dối trá.
Vừa nói vừa liếm môi, con gái cực dâm.
Lưỡi ngắn, ngu muội.
Lưỡi cử động như lưỡi rắn, tâm độc ác.